Nơi lưu giữ những tác phẩm của Nhà Văn Nguyễn Mộng Giác (1940-2012)

Nơi lưu giữ những tác phẩm của Nhà Văn Nguyễn Mộng Giác (1940-2012)

Mùa Biển Động – Chương 04

Tường đến hiệu sách ông bà Văn chỉ gặp Nam ở nhà. Lúc đó đúng vào giờ ra chơi của buổi học chiều, nên hiệu sách đông nghẹt người. Phần lớn là các cậu choai choai vô công rỗi nghề xuống Gia hội đứng chờ các cô Mai Khôi. Cậu nào tóc tai cũng dài phủ ót, vài cậu theo mốt sắp thịnh hành là uốn dợn sóng ở phía trước và phía sau trông như đầu tóc con gái kiểu a-la-garconne. Trên môi họ, điếu thuốc Kent âm ỉ khói. Nam bực vì họ không mua gì, chỉ đứng chật cửa hiệu chỉ trỏ bàn luận hết cô này đến cô khác. Lời lẽ lại không mấy đứng đắn. Nàng muốn đóng cửa hiệu để học bài, nhưng do tính e ngại làm mất lòng kẻ khác, sau nhiều lần do dự, Nam đành ngồi trông hàng.

Tường vừa dừng chiếc xe vespa trước cửa thì có nhiều cậu học sinh Quốc học xì xào:

– Chết rồi. Ông Tường triết.

– Cho tau núp với. Sáng nay tau cáo bệnh bỏ giờ Đạo đức của thằng chả.

– Suỵt. Hình như ông ấy chỉ vào lấy báo thôi.

– Có lẽ thế. Coi bộ ổng ngập ngừng nửa muốn dừng xe nửa muốn không kia kìa.

Tường do dự thật. Chàng không muốn gặp lũ học trò khó thương rải rác khắp ngõ hẻm đường lớn gần các trường nữ trung học như Ðồng khánh, Jeanne d’Arc, Mai Khôi. Vả lại, chàng sợ không gặp được thầy Văn vào giờ này. Nhưng lũ học trò lần lượt lánh mặt giúp cho Tường nhìn vào cửa hiệu sách rõ hơn. Chàng trông thấy Nam đúng lúc Nam cũng nhận ra chàng. Không thể làm cách nào khác, Tường đành phải khóa xe, rồi tiến thẳng vào hiệu sách. Nam lúng túng gấp tập giáo trình Triết học tổng quát quay ronéo của trường văn khoa lại, lí nhí chào Tường. Tường hỏi:

– Thầy đã về chưa Nam?

Nam thất vọng vì nghe giọng hỏi của Tường đĩnh đạc kẻ cả quá.

Nàng đáp:

– Ba em còn dạy thêm hai giờ nữa ở Nguyễn Du.

– Thầy nhận dạy ở đó từ bao giờ thế?

– Từ hơn tháng nay.

Tường lo lắng hỏi:

– Chẳng lễ thầy dạy nổi chừng ấy giờ. Tháng trước nghe thầy bảo đã đến bốn mươi giờ mỗi tuần rồi.

Nam thành thực nói:

– Vật giá lên cao, nên bấy nhiêu chưa đủ gì cả, anh ạ. Anh ngồi chơi đợi ba em về được không?

Tường nhìn đông hồ: bốn giờ năm mươi phút. Chàng do dự. Và một lần nữa, Nam cảm thấy thất vọng. Nàng cố vớt vát:

– Có thể chiều nay ba em xin về sớm, vì phải sang phúng điếu bên bác Tuân.

Tường hỏi cho có hỏi:

– Ai chết thế?

– Con trai thứ của bác ấy. Xe nhà binh vừa chở xác từ Quảng tín về hôm qua.

– Chết trận à?

– Dạ. Hình như anh ấy vừa ở Thủ đức ra được có hai tháng.

Tường đanh mặt lại rồi nói:

– Chết lãng nhách!

Nam ngửng lên nhìn Tường, không dám tin ở tai mình. Nàng muốn hỏi Tường: “Chết thế nào mới không lãng nhách?” nhưng nhìn đôi mày cau lại, mái tóc biếng chải phủ lên khuôn mặt tai tái, môi trên mím chặt lấy môi dưới như từ chối mọi cuộc đối thoại thẳng thắn, Nam thấy nản. Tường hỏi:

– Thầy có hẹn về sớm chứ?

Nam đáp, cố ý lơ lửng: .

– Hình như thế!

– Sao vậy?

– Em mới về. Con Quế bận lên phố mua hàng nên em phải ra ngồi đây trông hàng hộ.

Tường lại nhìn đồng hồ. Nam bực dọc bảo:

– Anh có bận chút nữa quay lại cũng được. Hay viết giấy để lại?

Bấy giờ Tường mới thấy mình thiếu tế nhị. Chàng ngồi xuống cái ghế đẩu trước mặt Nam, vui vẻ hỏi:

– Nam đang học gì thế?

Nam lật trang bìa tập giấy ronéo đáp:

– Cours Triết học nhập môn của cha Nghiêm.

– Cuốn Triết học nhập môn của Jaspers phải không?

– Dạ.

– Bây giờ mà còn dạy những thứ ấy!

– Sao thế?

– Chẳng sao cả! Nhưng… nhưng chẳng khác nào múa lân giữa đám tang. Phù phiếm thế nào!

Nam bậm môi lấy bạo hỏi.

– Anh cho thế nào mới khỏi phù phiếm?

Tường nhìn Nam hồi lâu, như muốn đo lường xem Nam có đủ trình độ để nghe mình nói hay không. Nam càng giận hơn, nói tiếp:

– Sáng nay Ban Đại diện đòi cha Nghiêm ngưng giảng để họ vào thành lập Đoàn Sinh viên Cứu quốc. Cha không chịu, bảo đây là giờ của cha với Karl Jaspers.

Tường chau mày hỏi:

– Rồi sau thế nào?

– Họ bảo nếu ở vào địa vị cha, không nên xen vào nội bộ Phật tử.

– Đúng lắm. Có lẽ ông ấy còn tin Cha Viện trưởng ở lại đây được!

– Không. Cha nói thẳng với họ: “Tôi biết Cha Luận sắp phải đi. Nhưng tinh thần tôn trọng sự mình triết không thể rời khỏi Đại học Huế này. Hoặc các anh ở lại đây để làm việc hoặc tôi ra khỏi đây”.

– Sau đó ai ở lại?

– Cha Nghiêm. Các anh ấy do dự một lúc rồi đi ra.

– Tệ thật. Cha có nói gì nữa không?

– Cha chờ họ ra hết, bảo đóng cửa lại, rồi giảng tiếp. Nhưng…

– Nhưng thế nào?

– Một lúc sau có ai quăng đá làm vỡ mất tấm cửa kính.

Tường cười vui vẻ rồi hỏi:

– Cha phản ứng ra sao?

– Cha cứ giảng nhưng bọn em còn nghe được gì đâu. Lúc đó quả thực tư tưởng của Jaspers mới hóa ra phù phiếm. Giọng nói của cha nhỏ nhẻ, không át nổi tiếng la ó ồn ào dưới đường. Cha chịu thua, bảo về đọc kỹ cuốn sách dịch của Jaspers chờ kỳ sau cha ra hãy hay.

Tường bảo:

– Ông ấy không dám trở lại Huế đâu!

– Anh tin thế?

– Bắt buộc phải thế. Không ai có thể chặn được bánh xe của lịch sử.

Nam không muốn nói gì nữa. Tường hăng hái nói:

– Những người muốn biến đại học này thành cái pháo đài tư tưởng, dù là cái pháo đài xây bằng những viên gạch vữa như tư tưởng Camus, Mounier, Jaspers, Kant sẽ bắt đầu thấy mình lầm lẫn. Mấy ông cha sau cộng đồng Vatican II muốn đổi chiến thuật bằng thứ màu mè gì đi nữa cũng không xóa nổi cái tội dẫn đường cho bọn thực dân đến xứ này. Nam thấy không: Nhà thờ Đức Bà ở Sài gòn nối liền với bến tàu và ở đoạn giữa con đường Catinat có biết bao nhiêu khách sạn sang trọng! Bọn xâm lược đổ bộ lên bến xong vội vã đến nhà thờ cầu Chúa che chở rồi trở về ăn uống no say ở mấy cái khách sạn ấy với lương tâm bình yên. Đã qua rồi, cái thời Thiên Chúa giáo cập kè với bọn công sứ làm mưa làm gió khắp nơi. Chỉ còn một hy vọng cho đất nước: hy vọng ở các Phật tử giàu tinh thần dân tộc và giữ được truyền thống bất khuất. Ðể rồi xem. Nam sẽ thấy trong vài tháng nữa, có thể chỉ vài tuần nữa, đại học Huế sẽ biến đổi như thế nào!

Nạm lo lắng hỏi:

– Rồi chương trình học của bọn em sẽ ra sao?

Tường mạnh bạo nói:

– Bây giờ mà còn nghĩ đến chuyện học! Học cái gì? Tụng lại những thứ ẩm mốc ấy hay sao? Chẳng lẽ thầy không bao giờ bàn chuyện thời thế với Nam cả?

Nam cảm thấy ngộp thở trước nhiệt tình của Tường. Nàng dối:

– Cũng có đấy. Nhưng…

– Nhưng Nam không tin tôi chứ gì?

– Không phải thế. Em…

– Hay còn tiếc cái thời êm ả? Cái thời được ru ngủ bằng biết bao chuyện mộng mị! Huế như con lân đá đã ngủ khì suốt bao nhiều năm canh giấc cho bọn vua chúa bạc nhược, đột nhiên tỉnh giấc. Chính Huế châm ngòi cho cuộc cách mạng lật đổ Ngô triều, thì bây giờ cũng chính Huế dẫn đầu cho cuộc cách mạng xã hội trong sạch nhất, hữu hiệu nhất. Phật tử Huế không có mặc cảm nào hết. Ta không núp sau áo bọn xâm lược, ta không a tòng trong bất cứ âm mưu bán nước nào. Bên kia trọng ta, bên này nể ta. Để rồi Nam xem!

Tường còn nói nhiều nữa. Nam như người say rượu, vừa xấu hổ cho sự buông thả của mình, vừa bị cuốn hút vào thế giới đam mê của giông bão, của cuồng nộ, của những cuộc xuống đường, của những đêm không ngủ, của những bản tuyên cáo số 1, số 2 đọc lớn ở các ngả tư, của những cuộc phiêu lưu kỳ thú vào chỗ gió lớn với những tay lái can đảm có trái tim sắt đá. Nam gấp cuốn sách triết lại, e dè hỏi Tường:

– Nhưng ổn định xong, tụi em lại đi học lại chứ

– Dĩ nhiên, với một chương trình khác.

Nam nhìn Tường khâm phục, ngập ngừng một lúc rồi hỏi:

– Mấy hôm nay bên Quốc học có làm gì không?

– Dĩ nhiên phải có. Nhưng anh tổ chức xong, giao lại người khác để qua lo cho Đại học Huế. Chính tiếng nói của sinh viên mới quan trọng. Nó có tiếng vang xa hơn, rộng hơn. Sắp cho xuất bản một tờ báo nữa đấy!

– Thế à? Nhưng ở đây nhỏ bán báo cho ai? Em ở đây mỗi ngày chỉ bán được có vài tờ.

– Báo cũ cỡ này bán ế là phải. Ðộc giả có đọc được tâm tình của họ trong đó đâu. Họ chỉ mua báo để dỗ giấc ngủ rồi lấy giấy gói đồ, đi cầu.

Nam đỏ mặt nhưng Tường không chú ý đến vẻ thẹn thùng của nàng.

Tường say sưa nói:

– Huế đã thức dậy rồi. Phải thế chứ. Nó phải thức dậy để làm nhiệm vụ lịch sử của mình. Huế ngủ quá lâu rồi. Nhưng không phải thức dậy theo cái kiểu Royal Youth Club của bọn hoàng tộc. Thật khôi hài quá sức. Chúng nó thấy tên vài ông tướng tôn thất trong Hội đồng Quân nhân Cách mạng đã tưởng thời cơ đã đến, nên mừng rơn chuẩn bị sơn phết lại cái ngai đã gãy chân trong cung nội. Rước Bảo Ðại hồi loan ư? Nai Buôn mê thuột sợ súng đạn đã chạy hết vào rừng sâu, lấy gì để Ngài đi săn. Rước Bảo Long về chăng? Sao lại có những bọn ngu ngơ xuẩn ngốc đến thế. Nam phải biết cách Huế tỉnh dậy thế nào, nếu không dễ bị ru ngủ bởi các lăng miếu đền đài trong thành nội. Cái gì đã rêu phong thì không còn có thể đứng dậy được nữa. Loại rêu lịch sử tàn nhẫn lắm, không biết thương xót ai. Huế hồi sinh. Phải. Nhưng hồi sinh khác kia. Cả nước và cả thế giới nữa, từ đây phải nghe tiếng nói của Huế. Cần phải ra ngay một tờ báo là như vậy. Thời Pháp thuộc cả nước đã đọc Tiếng Dân của cụ Huỳnh Thúc Kháng. Nhưng Nam đừng vội tưởng bọn anh sắp ra một tờ báo loại đó. Ngay thời bấy giờ, cụ Huỳnh đã chới với vô vọng rồi. Cụ cố kêu cứu cho thế hệ nhà nho lỗi thời của cụ, cụ xông xáo bên này, vớt vát bên kia, một cây bút lông chống hàng trăm ngọn bút sắt để cố vực dậy ông thầy họ Khổng. Nhưng rồi cụ chịu thua cuộc. Tờ báo của bọn anh bây giờ không ở vào hoàn cảnh tuyệt vọng như Tiếng Dân đâu. Nó là tờ báo của Quá khứ. Trong khi tờ báo của bọn anh là Tương lai. Tối hôm qua bọn anh đã bàn thảo rất kỹ về lập trường, chiến thuật và chiến lược. Việc phân công cho từng mục cũng đã xong xuôi. Nhà in thì trưng dụng nhà in rotative của Viện Ðại học. Kho giấy của cha Luận còn nhiều. Nói tóm lại mọi điều kiện để ra báo đều sẵn sàng. Chỉ còn một mối lo là viết gì đây? ai viết?

Nam hồi hộp hỏi:

– Nhưng chắc chắn là anh giữ vai trò chính chứ?

– Dĩ nhiên ban chủ biên có anh, ông Tuyên và ông Thuần. Ông Tuyên em biết rồi, ông Thuần dạy bên Luật khoa.

Nam nhớ đến những giờ Việt văn ở Đại học Văn khoa, liền hỏi:

– Có cả thầy Tuyên à? Em sợ…

– Sợ cái gì?

Nam cười rồi nói:

– Thầy ấy giảng hay và lạ nhưng viết bí hiểm quá. Em ghi chép hết cả giấy nhưng về đọc lại không hiểu gì hết. Nào là “tâm thức”, nào là “dự phóng”, nào là “chủ thể khách thể”…

Tường cũng cười, cắt lời Nam:

– Tại Nam không có căn bản về triết học. Cours của cha Nghiêm cũng đâu có dễ đọc. Nhưng nhận xét của Nam nhiều người trong bọn anh cũng thấy đúng. Hôm qua chính anh lưu ý ông Tuyên nên viết giản dị lại. Nam đừng lo. Sau khi bị Ngô Đình Cẩn bỏ tù, ông Tuyên đã thành một người khác. Có thể nói ông ấy đã thức dậy như Huế, đã chịu ra khỏi cái tháp ngà của Paris, Louvain để sáng suốt sống thực với đất nước. Vì vậy, anh em mới giao cho ông ấy chức chủ bút.

Nam đỏ mặt nói đùa:

– Anh cho em viết với.

Tường thành thực nói:

– Tại sao không? Chính cái hoạt cảnh trong giờ triết của cha Nghiêm cũng đáng để cho vào mục Tạp ghi, hoặc nếu giao cho Ngữ, có thể thành một truyện ngắn. Anh sẽ kể lại anh Thuần để anh ấy viết tếu thành một chuyện thời sự.

– Nhưng các anh lấy tên báo là gì thế? Ra hàng ngày hay hàng tuần?

– Cái tên thì còn đang chọn. Ðã có nhiều người đề nghị tên Lập Trường. Anh cho cái tên đó già quá, không nói lên được hết niềm hy vọng lớn lao ở tương lai. Nhưng nghĩ cái tên gì khác thì chưa nghĩ ra.

– Báo ra hàng ngày hở anh?

– Sau này thì ra nhật báo. Hiện giờ thì người viết còn ít, nên tạm ra hàng tuần. Anh nóng lòng gặp cho được thầy là vì vậy.

Nam thích chí reo lên:

– Phải rồi. Ba em viết thì nhất. Lâu nay em vẫn tự hỏi tại sao ba để tài năng thui chột trong cái xó này.

Tường cau mày nói:

– Huế không còn là cái xó nữa. Huế là “ánh sáng ở cuối đường hầm”, nếu muốn nhai lại cách nói của bọn nhà báo Tây Phương.

Nam hơi thẹn, nói vớt:

– Em hy vọng thế.

Vừa lúc đó, ông Văn cưỡi xe đạp về. Ðồng hồ trên tay Tường chỉ đúng năm giờ bốn mươi lăm.

***

Tường học Việt văn với ông Văn từ năm đệ nhị, chung một lớp văn chương với Ngô và Ngữ. Năm đệ nhất Tường được ông bà Thanh Tuyến cho vào Sài gòn học để theo dõi việc nhận hàng từ các hãng nhập cảng. Ông bà cũng muốn Tường có điều kiện học thêm Pháp văn để chuẩn bị thi vào Y khoa, nên buộc con chuyển sang ban A. Tường đã làm thất vọng cha me. Chàng vẫn học ban Triết, và dùng cái vốn sinh ngữ để đọc hết sách thần học, triết học, xã hội học, kinh tế học ở thư viện nhà trường. Đậu tú tài ban C với hạng bình, chàng thi vào Ðại học Sư phạm.

Chàng chỉ về Huế sau ba năm đại học. Tuy vậy mối quan hệ giữa thầy và trò vẫn khăng khít như những năm về trước. Lúc còn dạy Tường, Ngô và Ngữ, ông Văn chú ý đến khả năng suy tưởng và diễn đạt bằng chữ viết của Tường và con trai ông. Ngô mê vẽ ngay từ dạo đó nên không được khá về Việt văn. Ðối với Ngữ, ông Văn vẫn có một thứ e ngại xa cách nào đó. Không phải ông ghét con. Ông đặt tất cả hy vọng của đời mình (kể cả giấc mộng viết lách bị bỏ lở dở của ông) vào đứa con trai đầu.

Thời trẻ, khi phong trào tiểu thuyết tả chân những năm đầu thập niên bốn mươi lên cao, ông có viết một cuốn truyện về nạn cường hào ác bá ở thôn quê. Ông rất phục Ngô Tất Tố và Nam Cao, nên cố bắt chước cách mô tả việc làng của tác giả Tắt Đèn và rán dựng những mẫu nhân vật y như anh chàng Chí Phèo. Viết xong, ông mới thấy mình non tay. Như những nhà văn mới thập thò vào nghề, ông hy vọng nhận xét tự phê của mình không được chính xác. Ước vọng của ông quá cao, các tiêu chuẩn quốc tế của văn chương thế giới dựa trên tuyệt phẩm của nào là Balzac, nào là Hugo, nào là Dickens, nào là Tolstoi có thể đã làm cho ông ngợp, hóa ra thiếu tự tin. Ông thử điều chỉnh nhận định chủ quan bằng cách chép tay nhiều bản (cuốn truyện ông dài đến bốn trăm trang giấy vở học trò, chép bốn bản thành ra một nghìn sáu trăm trang) để gửi cho nhà xuất bản Ðời Nay, Phổ Thông, Tiểu Thuyết Thứ Bảy và Tự Lực. Nhà xuất bản Ðời Nay trả lời đã nhận được tập bản thảo của ông, ba nhà xuất bản kia không đáp lấy một chữ. Ông đổ thừa cho bưu điện thuộc địa, và kiên nhẫn chờ một tháng, hai tháng, nửa năm. Một năm. Cho đến năm thứ hai, ông đành công nhận tài viết của mình còn kém. Dư vị của sáng tạo khá cay đắng.

Nhưng ông còn giữ được cho đến ngày kháng chiến bùng nổ khuynh hướng xã hội và khao khát được thấy mọi người được ấm no, bình đẳng, giúp đỡ yêu thương nhau, đời tắt hết tiếng khóc và nhân gian không phải là vực nước mắt.

Những thất bại liên tiếp về sau không làm cho khát vọng ban đầu ấy mờ đi. Ngược lại ông truyền sự đam mê lý tưởng ấy vào lời giảng. Tác giả có nói đến những điều ông mong ước? Tốt! Họ quên không nói hoặc chưa kịp nói? Ông tự ý thêm vào, suy diễn rộng rãi ý của tác giả giữa hai hàng chữ. Nhờ thế, giờ Việt văn của ông bao giờ cũng có cái không khí thiêng liêng huyền diệu của các buổi giảng kinh. Còn gì thích hợp hơn cho tuổi mới lớn vừa vất cái ná cao su bắn chim để ôm ấp những giấc mộng vá trời? Học trò các lớp đệ tam đệ nhị của ông, nhất là nam sinh, há hốc miệng mà nghe ông giảng. Sau giờ học, họ bu quanh ông, hỏi những sách cần đọc, những ý cần tìm hiểu thêm, những điều cần chuẩn bị để đủ sức thực hiện những lý tưởng cao đẹp vừa nghe trong giờ học. Tường và Ngữ cũng có trong số đó. Nhưng nếu Tường đến với ông như một tín đồ tìm đến người chăn chiên, thì Ngữ lại nhìn ông với đôi mắt hoài nghi. Không bao giờ con ông hỏi thẳng những điều cần hỏi. Lúc nào Ngữ cũng so đo do dự, và đã hỏi thì hỏi đến những chỗ ông không tìm ra được lời đáp. Có thể trong cuộc sống chung đụng trong nhà, hai cha con đã quá quen nhau đến nỗi không có điều gì có thể giấu nhau được. Có thể Ngữ cứ so sánh những điều cao viễn cha mình thao thao bất tuyệt ở lớp với những điều thật tầm thường, như lời cằn nhằn của cha lúc và phải một miếng cơm lộn thóc, nét mặt đăm đăm cau có khi bị con phá giấc ngủ trưa, những cái ngáp đến sái quai hàm khi thiếu thuốc lào… Có lẽ Ngữ do dự vì chưa hiểu con người nào giữa hai người mới thực là cha mình, mà có tìm ra được con người ấy thì mới mong nhận được lời giải đáp thực tiễn. Ông Văn khó chịu vì cái nhìn ấy của con, thành thử cách chấm điểm các bài luận của Ngữ cũng thiếu khách quan. Ông e ngại không dám chê, mà cũng e ngại không dám khen. Nhiều bài luận của Ngữ xuất sắc hơn hẳn bài Tường. Nhưng ông vẫn cứ cho bài của Tường cao điểm hơn. Ngữ khó chịu, trong khi Ông Văn được tiếng khen là không thiên vị.

Mối mâu thuẫn ấy âm thầm mãi, đến lúc Ngữ dứt khoát không thèm học nữa, thì quan hệ giữa họ căng ra, gần như không cứu vãn được. Mặc cho bà Văn khóc lóc với bên này, năn nỉ bên nọ, Ngữ nhất định bỏ học để làm người suy nghĩ độc lập và lương thiện, còn ông Văn nhất định không lên văn phòng xin cho con học lại.

– Nó đã khinh chê hết sách vở, thì mặc cho nó sống bằng hai bàn tay trần và cái đầu rỗng.

Thời kỳ Ngữ lang thang tự mưu sinh bằng đủ thứ nghề, lâu lâu bà Văn và mấy cô em gái có lén gửi tiền giúp đỡ Ngữ. Ông Văn thì không, xem như Ngữ đã chết. Cho đến lúc Ngữ bị động viên vào học hạ sĩ quan ở Ðồng đế, ông vẫn vờ như không hay biết. Họ chỉ nói chuyện lại với nhau, lâu lâu viết vài dòng cho nhau sau khi Ngữ bị thương ở chân trái vì dẫm phải mìn và được chuyển về làm văn phòng ở tiểu khu Thừa thiên. Sự đối đáp qua lại chỉ giữ ở mức độ cần thiết. Không dư thêm chút nào. Rất hiếm khi hai cha con tâm sự với nhau (trừ lần cái truyện ngắn đầu tiên của Ngữ được đăng ở báo Sài gòn với lời giới thiệu trân trọng của tòa soạn, ông Văn có mỉm cười sau khi đọc xong rồi nói: Được đấy). Nói đúng hơn thì từ lúc Ngữ trở về sống với gia đình và bắt đầu tập tò viết văn, quan hệ giữa hai cha con có khá hơn. Ông Văn thường mỉm cười một mình khi thấy ước vọng sáng tạo của mình đã được con thực hiện. Ông hết đem cái gương sáng của Tường ra nói cạnh nói khóe trước mặt Ngữ. Khi mua được các tạp chí có đăng truyện của mình, niềm nô nức hấp dẫn nhất của Ngữ là được mang tạp chí về nhà, rồi giả vờ vất chểnh mảng đâu đó gần bàn viết của cha, để hôm sau kiểm lại đã thấy mất cái dấu xếp ở góc. Về sau, Ngữ cũng “sơ ý” để bản thảo trên giường ngủ của ông Văn, và ông Văn cũng “vô tình” vớ được xấp giấy lộn chi chít chữ nhỏ nên đem ra đọc thử. Trong bữa ăn hai cha con trao đổi với nhau những câu ngắn không ai hiểu, liên quan đến các nhân vật của Ngữ. Chẳng hạn bà Văn than thằng Lãng không chịu hớt mái tóc đã quá dài, ông Văn nhìn Ngữ rồi nói:

– Vô ích! Có la rầy nó, rồi nó cũng liều dại dột như thằng Lý.

Bà Văn trố mắt nhìn chồng hỏi:

– Lý nào?

Ngữ đỏ mặt không dám thú nhận Lý là nhân vật trong truyện ngắn vừa viết xong.

Ðại khái mối thông cảm giữa họ cứ trầm lặng nhát gừng như vậy. Không khi nào hai cha con nói chuyện lâu, và nói hết. Trong nhà, ông Văn chỉ nói nhiều với Nam, người ông cho là có hiếu thảo đi theo ước vọng của ông. Ngoài gia đình, Ông tâm sự với Tường. Cậu học trò xuất sắc năm năm về trước bây giờ đã trở thành bạn đồng nghiệp, và ông không bỏ lỡ cơ hội nào để hãnh diện bảo với mọi người: “Tường là học trò cũ của tôi đấy”

Ông Văn vồn vã bắt tay Tường rồi hỏi:

– Đã khóa xe chưa?

Tường cảm động vì sự săn sóc nhỏ nhặt của thầy, đáp lại:

– Rồi ạ. Con chờ thầy từ lúc bốn giờ rưỡi.

Ông Văn cũng xúc động, rối rít bảo:

– Thế à. Vào đây. Vào đây. Nam, pha cho ba hai tách cà phê.

Tường vội xua tay nói:

– Từ sáng đến giờ con uống cà phê khá nhiều rồi. Khỏi cần làm phiền cô Nam, thầy ạ. Con có chuyện gấp cần hỏi thầy.

– Ðược được. Thôi ta uống nước lọc vậy. Vào hẳn trong phòng tôi nói chuyện đi.

Nam mỉm cười nhìn theo hai người. Ít khi ông Văn mời ai vào tận phòng riêng để nói chuyện, trừ bà Văn khi hai vợ chồng cần bàn bạc chuyện nợ nần không muốn cho các con biết.

Phòng ngủ ông Văn cũng bề bộn sách vở chẳng kém căn phòng một cậu thanh niên độc thân. Tường cảm được cái không khí thân mật ấm cúng ấy, nên không đợi mời, ngồi ngay lên cái nệm phủ tấm drap cũ có in hoa. Ông Văn thì rút áo sơ mi ra khỏi đai quần dài, mở cổ nút áo rồi phủi chân ngồi xếp bằng lên giường. Tường nói ngay:

– Con đến mời thầy viết cho tờ Lập Trường.

Ông Văn ngạc nhiên hỏi:

– Tờ Lập Trường à? Anh nhận làm đại diện ở Huế từ bao giờ?

– Da không. Tờ báo của anh em sinh viên và giáo sư Đại học Huế xuất bản ngay tại đây.

– Thế à? Có thực sao?

Tường trình bày cho ông Văn nghe lập trường, quan điểm, ước vọng chung của ban chủ biên. Chàng nhắc đi nhắc lại một cách hãnh diện hai tiếng “anh em”. Ông Văn nghe say sưa, lâu lâu ngắt câu cho Tường bằng những câu cảm thán “Thế à, Tuyệt quá”. Cũng như Nam, ông bị nhiệt tín của Tường cuốn hút. Có thế chứ. Mãi đến bây giờ, lúc đã trên năm mươi tuổi đầu, ông mới được trân trọng mời cộng tác thường xuyên cho một tờ báo của “anh em”. Trong niềm hân hoan đột ngột, ông vẫn không quên con trai. Ông hỏi:

– Anh đã nói với thằng Ngữ chưa?

Tường hơi khựng lại định nói dối thầy, nhưng sau khi nghĩ lại, chàng đành nói lơ lửng:

– Thế́ nào con cũng nói với Ngữ. Nhìn quanh khắp Huế khó tìm cho được người sáng tác lắm. Ban chủ biên chỉ viết được xã luận, nặng phần hướng dẫn phong trào hơn là thuyết phục bằng tình cảm.

Ông Văn ngập ngừng trước khi bảo:

– Nó viết được lắm. Văn còn hoài nghi vung vít đấy, nhưng thời thế thay đổi, chắc nó phải khác. Phần kỹ thuật cũng khá.

Tường không muốn nhớ lại cuộc tranh luận gay go với Ngữ mấy hôm trước, nên nói lướt đi:

– Phần sáng tác anh em sẽ ổn định sau. Cái cần thiết trước mắt là vạch một hướng đi, tạo nên niềm tự tin và hy vọng. Con không bao giờ quên được những bài giảng của thầy hồi ở trung học. Bây giờ nhớ lại con vẫn còn xúc động. Nó vừa giản dị vừa có sức truyền cảm đủ nâng tâm hồn lên tầng cao của ước mơ. Ở Sài gòn hiện nay, thầy Nhất Hạnh cũng viết được theo cái dạng thức của thầy. Nếu mỗi kỳ báo tuần, thầy cho anh em được một bài ngắn nửa trang báo, theo tâm tình của một người đi trước nói với người đi sau, thì hay quá. Con biết thầy không từ chối, nến đã hứa với anh em.

Ông Văn hơi ngại, nhưng không thành thực từ chối. Ông nói cho có lệ:

– Tôi sợ mình già rồi hóa lẩm cẩm mất. Viết thì được, nhưng biết có đúng tâm lý giới trẻ hiện giờ hay không.

– Thầy yên tâm. Nếu cần, trước mỗi kỳ báo, con với thầy sẽ bàn với nhau về đề tài. Số 1 chủ đề sẽ là “Tuổi trẻ của Huế, hãy thức dậy!”

Ông Văn ngợ đi một lúc mới hỏi:

– Tại sao chỉ có Huế?

Tường dài dòng nhắc lại những điều đã nói với Nam, nhưng biết thầy thích cái không khí lý tưởng vừa lãng mạn vừa siêu nhiên bàng bạc trong sách Phúc âm, nên chàng giảm bớt những lời kết án các giáo sĩ đạo Thiên Chúa. Khi Tường nói đến hy vọng phát khởi một cuộc cách mạng xã hội không đổ máu theo tinh thần bất bạo động của Phật giáo, nét mặt ông Văn tỏ vẻ dè dặt hơn. Ông hỏi:

– Cách mạng không đổ máu ư? Có thể được không? Anh đọc sử nhiều, hãy nhớ lại xem có cuộc cách mạng nào không có chút máu dính lên tay người khởi xướng? Ðó là chưa kể những trường hợp chính cách mạng lớn lên bằng máu những người cách mạng, rồi tàn lụi dần để bọn vương hầu công tước lần lượt trở về đặt lại ngai vàng. Robespierre chết trên máy chém. Marat ngã gục trong phòng tắm. Chắc anh em còn nhớ. Cái máy giết người tiện lợi do Guillotine chế ra, chém đầu những người làm cách mạng nhiều hơn bọn quí tộc dòng họ Bourbons. Cách mạng Pháp vốn đã thế, và sau này cách mạng tháng Mười ở Nga cũng thế. Cách mạng là sự đảo lộn đột ngột từ một trạng thái xã hội bất công đến nỗi không chịu đựng nổi nữa sang một trật tư mới đang còn chập chững, nghĩa là chưa thể chủ động được để tránh những bạo phát, cướp bóc, trả ân trả oán, lường gạt. .. Sợ xáo trộn hoặc ngán đổ máu thì không thể làm cách mạng. Chỉ nên dùng lời lễ phép ôn hòa để tranh luận ở nghị trường có nghĩa là áp dụng phương pháp cải lương.

Phương pháp bất bạo động của Phật giáo ư?

Tôi vẫn thường lẩn thẩn nghĩ rằng Phật giáo có quá nhiều ước vọng thuần cảm chủ quan để thành một thứ triết lý hành động, và có quá nhiều chất duy lý khách quan để trở thành một tôn giáo. Đó là sức mạnh mà cũng là nọa lực của Phật giáo. Anh xem đấy. Nếu Phật giáo chấp nhận tính cách siêu nhiên như Thiên Chúa giáo thì tổ chức Giáo hội và các hội đoàn Phật tử có thể kết tập với nhau thành một tổ chức chính trị hay kinh tế đáng nể, như tổ chức Giáo hội La mã và các tổ chức giáo dân thế lực trên khắp thế giới. Mỗi lần có cố gắng biến Phật tử thành cái đinh ốc ngoan ngoãn trong một bộ máy khổng lồ là mỗi lần xa rời Phật pháp. Tinh thần thực tiễn của Đại thừa do ảnh hưởng văn minh Trung hoa cũng chỉ đến được cái mức rời rạc như anh đã thấy. Mấy năm gần đây, Giáo hội Phật giáo Thống nhất Miền Trung vừa mới hô hào đoàn kết chống chính sách đàn áp của chính quyền, thì liền sau đó, Phật giáo Tiểu thừa lên tiếng phản đối, đòi bảo vệ Phật giáo thuần túy.

Theo đúng sách vở thì nguyên lý Phật giáo chỉ có thể thực hiện toàn mãn lúc thu hẹp trong việc tự đốt đuốc soi đường cho mình đi. Người kế tục chân truyền của Đức Phật là những thiền sư suốt đời diện bích. Xoay lưng lại đời sống để tìm cho được chân lý của đời sống đích thực. Điều đó không phải là ngụy biện, hoặc một lối lánh đời ngụy tín theo kiểu Ả Q.

Tường xịu mặt vì bối rối, và thất vọng. Hào khí ban đầu của chàng dần dần hạ xuống. Khi cố cứu vãn, chàng hỏi ông Văn:

– Nhưng Phật giáo ở các nước Á Đông đã bắt đầu nhận thấy họ sẽ bị đào thải nếu không xắn tay áo lên, nếu không tự “hiện đại hóa để đi vào cuộc đời” như cách dùng chữ của thầy Nhất Hạnh. Tích lan, Miến điện là một kinh nghiệm quí khác. Không ở đâu các vấn đề xã hội mang tính cách điển hình và cấp thiết cho bằng Việt nam. Và không ở đâu trách nhiệm của người Phật tử nặng nề cho bằng. Hoặc bó tay diện bích để làm người ngoại cuộc, hoặc phải làm một cái gì.

Ông Văn trầm ngâm một lúc, rồi nói, giọng buồn buồn:

– Mỗi thế hệ đều trải qua cái lúc băn khoăn tìm đường, rồi nói với nhau: “Phải làm một cái gì”.

Tường liền hỏi:

– Thế hệ của thầy đã tìm ra cái gì chưa?

Ông Văn thú nhận:

– Có lẽ nhiều người đã tìm ra rồi. Riêng tôi thì chưa.

Tường hỏi:

– Vậy thì ngọn lửa nào đã giúp thầy giảng bài hấp dẫn đến như vậy? Chẳng lẽ ngọn lửa hoài nghi?

– Không. Ðó là mơ ước của tôi.

Hai người im lặng hồi lâu. Tường chờ ông Văn nói tiếp, nhưng thấy thầy vẫn trầm ngâm, nên Tường nói:

– Lịch sử đâu có làm bằng mơ ước. Thầy đã biết vậy, và anh em cũng biết rõ lắm. Nhiều con đường chỉ tìm ra được vì thuần ý định phiêu lưu vu vơ, hoặc do lòng tò mò. Con tin rằng đọc xong số đầu, thầy sẽ rõ anh em hơn.

– Tôi mong thế.

Rồi chợt nhớ bài hát vừa nghe một nữ sinh Bồ Ðề hát buổi sáng nay, ông Văn hỏi:

– Anh đã nghe bài hát nhan đề Ước Mơ của Phạm Duy chưa?

Tường đáp:

– Thưa thầy chưa ạ.

– Lời nhạc dựa theo thơ thầy Nhất Hạnh đấy. Tôi không dám chắc nhớ đúng, đại khái thơ như sau:

Sáng nay vừa thức dậy
Nghe tin em gục ngã nơi chiến trường
Nhưng trong vườn bên
Vô tình
Ngọn tường vi vẫn nở thêm một đóa
Tôi, tôi vẫn sống, tôi vẫn ăn và tôi vẫn thở
Nhưng có bao giờ
Tôi nói thật
Những điều tôi ước mơ.

Anh thấy đấy. Lời của nhà tu. Và cũng chỉ là một thứ mơ ước.
Họ không còn điều gì để nói với nhau nữa. Tường hối hận đã đến thăm thầy, còn ông Văn thì bùi ngùi nhớ lại tất cả những ước vọng không thành của đời mình.

Nguyễn Mộng Giác

   Số lần đọc: 4796

Tác Phẩm

BÀI KỀ

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây