Chiều hai mươi bảy Tết, một người quen ở Đà nẵng ra, đem tin bà Văn và Quế chờ đến tối 29 mới đóng cửa bar về Huế ăn Tết, nên ông Văn, Ngữ và Nam phải lo dọn dẹp nhà cửa, mua sắm đồ cúng để chuẩn bị đón xuân như mọi nhà.
Hai ngày qua, Ngữ xách xe đi thăm các bạn bè cũ, để buồn rầu khám phá rằng họ đã tứ tán khắp nơi, người vào Sài gòn, người vào Ðà nẵng, người lên Ðà lạt… Những người làm công chức hoặc quân nhân không bị thuyên chuyển hay trừng phạt đợt đầu thì bị vào các đợt sau. Trưởng cơ quan hành chánh, hoặc tiểu khu đều là người mới. Tuy đã đoán trước, nhưng Ngữ không khỏi cảm thấy lạc lõng xa lạ khi đi giữa phố mà ít khi gặp người quen. Phố xá vẫn tấp nập ồn ào vào những ngày cuối tuần, nhất là dịp giáp Tết. Có thể nói là vui vẻ tấp nập hơn hai năm trước xa. Nhưng cái vui đã thuộc về một thế hệ khác. Một thế hệ vô tư hơn, hồn nhiên hơn, đơn giản hơn, sống vội vã ồ ạt hơn. Những chiếc Solex hoặc Mobylette chạy chậm rãi thong dong ngày xưa, đã vắng bóng. Những chiếc Honda dame màu đỏ hoặc xanh lá cây chạy đầy ngoài đường. Ðã đành Ngữ không xa lạ gì với cảnh chiếc xe gắn máy Nhật chạy trên phố núi Pleiku hay dựng trước các công sở. Nhưng về đây, Ngữ cảm thấy nuối tiếc hơn hình bóng những chiếc Solex thanh nhã. Xe chạy chậm, gió thổi ngược về phía sau chỉ đủ làm nghiêng chiếc nón và lồng vào vạt áo dài gài ở yên sau làm thành một cánh buồm nhỏ phất phơ. Thời đó, sự bạo dạn hiếu động của người con gái chỉ biểu lộ độc nhất qua cách: họ dám hay không đặt hai gót guốc lên miếng cao su hình chữ nhật gắn bên trên trục bàn đạp chiếc Solex. Cách ngồi dụm hai đầu gối ngay ngắn như vậy, để mặc cho hai pédale chiếc Solex quay tự do, đã là một thái độ khiêu khích phóng khoáng. Bây giờ những chiếc Honda dame lao vùn vụt, các cô gái Huế để đầu trần, mặt mày đăm chiêu toan tính trước những hiểm nguy bất ngờ của tốc độ. Ngữ cảm thấy mình vừa lạc lõng, vừa lỗi thời. Chàng đến vài quán cà phê quen thuộc, không gặp ai, cuối cùng cứ lên hiệu sách Ưng Hạ xem cọp những sách báo vừa xuất bản. Hai tờ báo xuân ra sớm có đăng truyện ngắn của chàng. Ngữ mua về cho ông Văn xem. Ông chê cả hai truyện đều buồn, không hợp với mùa xuân. Rồi thôi! Ngữ tự hỏi cha mình đã đánh mất cái hào hứng chữ nghĩa, cái kiêu hãnh sáng tạo thời trước rồi chăng? Có đúng không, cả Huế đã thay đổi suốt thời gian chàng vắng mặt? Tuổi trẻ hồn nhiên vô tư chạy theo dòng cuốn của tốc lực đã đành. Cả ông Văn cũng xuôi theo dòng cuốn ấy sao? Ngữ thấy cha mình sống hồn nhiên đơn giản hơn trước. Ông không còn đăm chiêu đặt hết vấn đề này đến vấn đề khác. Ông vui đùa với đứa cháu, nét mặt rạng rỡ cả những lúc con Thúy khóc. Ông đọc hai tờ báo xuân ở dưới nhà bếp, lúc ngồi chỗ bàn ăn. Và đọc xong, ông bỏ báo ngay tại đấy không cầm về phòng. Vẫn biết hai truyện ngắn ấy không có tính chất thời sự khích động như một số truyện Ngữ viết trước đây. Ðó chỉ là hai mảnh tâm trạng mơ hồ bất định. Không có tình yêu điên cuồng. Không có đạn bom chết chóc. Không có “trăng treo đầu súng” mà cũng không có những “giờ thứ hai mươi lăm”. Một truyện kể cuộc phiêu lưu đi tìm mùa xuân của một đôi bạn nam nữ không có tên. Cô gái dạy học ở một thị trấn miền núi. Chàng trai đi lính đóng đồn ở một ngọn đồi gần đó, một “chốt” chiến lược chưa hề bị địch tấn công lần nào nên anh chẳng có dư thì giờ ngắm cây lá, chim chóc, hoa cỏ, côn trùng, muông thú… Họ vô tình gặp nhau, rồi cũng vô tình thân nhau vì cả hai cũng ao ước đi tìm một mùa xuân vĩnh cửu đích thực. Họ bỏ dạy, bỏ “chốt” đèo nhau trên chiếc Honda ăn cắp rời khỏi thị trấn. Theo đường quốc lộ, họ xuôi đèo. Họ lượn lờ quanh co trên đường đèo hiểm trở, một bên là vách núi dựng, một bên là vực thẳm hun hút. Đôi lúc họ nhanh tay né được những chiếc xe hàng ngược đèo. Họ chạy qua những rừng già, những đồng tranh, những thảm hoa dại vàng rực. Chạy qua những đám mây thấp. Chạy qua những vùng sương mù. Cho tới một lúc mây trên cao và sương dưới thấp phủ kín lối xe, họ không còn nhìn thấy gì nữa. Bánh xe vẫn lăn rào rạo trên mặt nhựa, rồi ở một khúc quanh mơ hồ nào đó, tự nhiên tiếng xe lăn tắt mất. Họ cảm thấy hụt hẫng một chút, rồi đột nhiên cảm thấy lâng lâng khoan khoái như được chao liệng êm đềm như cánh én chao liệng giữa bầu trời xuân…
Một truyện kể chuyện hai người lính, một già một trẻ, ngồi bên đường chờ xe về thăm gia đình trong dịp nghỉ Tết. Ban đầu họ dò dẫm mon men làm thân với nhau, nói đủ hết chuyện trời nắng trời mưa. Về sau họ gần nhau hơn, bắt đầu nói sang chuyện gia đình, rồi thổ lộ những mơ ước cho nhau nghe. Người lính trẻ mơ ước lấy được một cô vợ mập mạp, da dẻ trắng trẻo và biết buôn bán giỏi. Người lính già thì mơ lúc chết đi đám tang được cử hành rộn rịp vui vẻ có đội kèn tây thổi những bài nhạc giật gân, có lân múa, có trống đánh thì thùng, chũm chọe khua chan chát y như những đám ma của người Tàu dưới Chợ lớn. Chết mà nghe được trống kèn rậm rật mới khoái! Họ nói chuyện sa đà, nhưng lâu lâu còn biết nghểnh cổ ngóng xe đò, kẻ ngóng xe leo đèo, kẻ ngóng xe đổ đèo. Chiếc xe đò họ đợi chờ không bao giờ đến cả!…
Nam xem hai truyện ngắn ấy của anh, và cũng không nói gì. Ngữ thất vọng, đậm ngờ vực rằng càng ngày tâm hồn mình càng chìm đắm vào cõi cá biệt mông muội, đến nỗi hết cả khả năng cảm thông với người chung quanh. Ngay cả đối với những người thân thuộc. Chàng biết đó là dấu hiệu chắc chắn của thất bại. Sáng tạo là gì, nếu không phải khát vọng được chia sẻ, được thông cảm, được công nhận. Dù tiên cảm được những điều ít người thấy hoặc mô phỏng những điều ai cũng biết rõ, người sáng tạo bắt buộc phải dùng đến những qui ước chung như ký hiệu, âm giai, màu sắc, động tác… Mỗi qui ước ấy mang một ý nghĩa đã được chuẩn nhận. Lấy hết sức hú lên giữa hư không, dù có làm xao xuyến những áng mây hay thổn thức những dòng suối cũng chưa phải là sáng tạo. Ðó là hành động phẫn nộ tuyệt vọng của con thú cùng đường. Chỉ khi nào tiếng hú đó làm thức giấc được những cơn mê hay làm phẫn nộ được những kẻ giả trá, bấy giờ tiếng hú mới thành nghệ thuật. Những ý tưởng ấy tuy có quá khích, đôi khi bị lạm dụng để trở thành dung tục, nhưng Ngữ vẫn cho rằng người sáng tạo phải thường xuyên phản tỉnh, thường xuyên thắc mắc tự hỏi mình: “Ta đang muốn tâm sự với ai đây? Liệu người ta có hiểu ta không?” Sự thờ ơ của cả ông Văn lẫn em gái khiến Ngữ mất hẳn tự tin. Chàng muốn biết Nam nghĩ gì về hai truyện ngắn mới viết. Muốn biết lắm. Muốn biết hơn lúc nào hết!
Cả buổi sáng đưa Nam đi chợ Ðông ba sắm Tết, Ngữ cứ luẩn quẩn nghĩ nên hỏi Nam bằng cách nào cho tiện.
Chàng biết Nam đang sống thu mình, ít chú ý đến chung quanh, bám víu lấy đứa con như một lẽ sống nên có dò hỏi về Diễm cũng vô ích. Nhưng hỏi Nam về hai truyện ngắn thì chắc chắn em gái chàng phải có ý kiến nào đó.
Buổi tối, lúc Nam đang cầm bình sữa dốc ngược cho cháu Thúy bú, thấy Nam mỉm cười hân hoan nên Ngữ hỏi:
– Em có đọc kỹ hai cái truyện của anh không?
Nam ngước lên, ánh mắt vui, hơi có vẻ chế giễu. Ngữ vững tâm hơn, hỏi tiếp:
– Em thấy thế nào?
Nam đáp nhỏ:
– Em thấy thương anh!
Câu trả lời lạc đề bất ngờ khiến Ngữ xúc động. Chàng hỏi:
– Vì sao vậy?
Nam vỗ nhe lên mông con cho con bé thôi ngọ nguậy, sửa lại bình sữa ngay ngắn, rồi mới đáp:
– Em cảm thấy chung chung như thế, còn giải thích thì khó quá. Hình như anh hết còn đam mê hay phẫn nộ vì cái gì rõ ràng. Ở đâu cũng toàn mù sương, như trong truyện Mùa Xuân Qua Đèo. Với lại…
Đứa bé oe oe khóc. Bình sữa đã cạn. Nam ngưng giữa câu, với tay đặt bình sữa lên bàn rồi bế con dậy. Con Thúy cười thỏa mãn, đưa tay níu lấy đuôi tóc Nam, giật giật như khám phá ra một trò chơi mới. Nam mắng con:
– Thúy hư nha! Me đập đòn bây giờ. Để yên me nói chuyện với cậu. Câu chuyện bị mất đà, nên phải một lúc lâu, Nam mới tiếp được ý tưởng bỏ dở:
– …Với lại em thấy anh thích dựng truyện ở những cảnh đường dốc hiu quạnh. Truyện nào cũng chỉ có hai người. Họ mờ nhạt, gặp nhau ngẫu nhiên, nói chuyện ỡm ờ, rồi kết cuộc không biết họ về đâu. Buồn!
Ngữ thích tiếng “buồn” Nam thốt bất ngờ, cười lớn, bảo em:
– Nam phê bình theo lối “yết hậu”. Hết chưa?
– Để em nghĩ thêm đã! À, còn cái này nữa. Nhân vật truyện của anh cứ chênh vênh giữa… giữa cái gì nào? Thúy, đừng kéo tóc me nữa. Ngoan nào, để yên me “phê bình” cậu. Em nói tới đâu rồi? À, nhân vật của anh thường chênh vênh giữa thực tiễn và ảo ảnh, giữa… giữa núi cao với vực sâu, giữa… giữa em không tìm ra ý! Phải rồi, giữa sống và chết. Như trong cả hai truyện Mùa Xuân Qua Đèo và Dọc Đường.
Ngữ cãi lại:
– Trong Mùa Xuân Qua Đèo thì còn có lý. Trong Dọc Đường có sống và chết ở đâu?
– Có. Anh lính trẻ mơ sống mà thực ra là chết. Ông già mơ chết mà thực ra là yêu cuộc sống.
Ngữ ngẫm nghĩ, rồi gật gù khen em.
– Nam “giảng văn” được lắm. Tô vẽ lắm cái đến tác giả cũng phải kinh ngạc đỏ mặt.
Nam không tươi cười vì câu nói nịnh của anh, nghiêm mặt hỏi:
– Lâu nay trên đó anh sống ra sao?
Ngữ bị hỏi bất ngờ, từ chuyện văn chương đột ngột chuyển qua chuyện đời sống, im lặng một lúc mới đáp gọn:
– Vẫn vậy! Vẫn bình thường.
– Em không tin. Ðọc anh, em biết!
Nam chờ Ngữ trả lời không được, lại hỏi:
– Có điều gì anh giấu không viết trong thư?
Ngữ lúng túng, sắp sửa giải thích dài dòng thì Nam ngăn lại, bảo:
– Anh chờ em chút. Cháu buồn ngủ, em dỗ cháu ngủ rồi ra ngay. Anh uống cà phê không, em pha cho.
Ngữ đáp:
– Thôi! Anh vừa uống lúc nãy.
Nam bồng con vào buồng trong. Ngữ nhìn theo em, cảm động mừng thầm là nhờ đứa con mà Nam sống được quân bình, gần như lạc quan an vui. Một lúc sau, Nam trở ra, đôi mắt sáng lên đầy âu yếm, khe khẽ bão:
– Cháu ngủ rồi. Anh em mình yên tâm nói chuyện. Anh biết không, hồi mới sinh em cứ sợ không nuôi được cháu. Nó bé tí teo, cô mụ bồng đưa cho em xem, em thất vọng quá, nghĩ biết làm sao nuôi cho nó lớn đây. May mà đâu lại vào đấy. Lúc nhỏ chơi búp bê thấy con búp bê nào cũng bụ bẫm. Ai ngờ lúc có búp bê do mình mang nặng đẻ đau lại như thế này. Em nghĩ mình bất thường, đẻ con ra mà không thấy thương. Sau hỏi má, má bảo ai cũng vậy cả. Nhất là có con so. Phải ít lâu sau mới quen, mới thấy tự nhiên khi xưng me. Anh biết ai đặt tên cho cháu không?
Ngữ ngần ngừ không dám đoán, Nam nói:
– Con Quế đó. Nó thấy con bé lúc mới sinh đỏ hỏn, lại hay khóc gọi đùa là “con gái thúi”. Em liền đổi i ngắn ra y dài, thành Thúy. Ba bảo mong sao lớn lên nó pha trộn được giữa Thúy Vân với Thúy Kiều.
Ngữ buột miệng hỏi:
– Tên khai sinh đầy đủ của cháu là gì?
Hỏi xong, chàng mới biết mình lỡ lời. Nam đang vui, chợt ngồi im lặng. Ngữ hỏi nhỏ:
– Em giận anh không?
Nam đáp, thì thào như một tiếng thở dài:
– Không đâu. Anh yên tâm. Vì nhiều người đã từng hỏi em câu đó. Dĩ nhiên em lấy cho cháu họ mẹ.
Ngữ thuận đà, hỏi luôn:
– Lâu nay em có nhận được tin tức Tường không?
– Có. Hôm đầy tháng cháu, Quỳnh Như hớn hở xuống mách với em là anh Tường có nói trên đài Hà nội. Nó tưởng em chưa nghe anh ấy nói gì.
Ngữ ngạc nhiên vội hỏi:
– Chính em nghe Tường nói à?
– Dạ!
– Nó… Tường nói những gì?
Giọng Nam trở nên chua chát:
– Em không ngờ anh ấy nói những điều như vậy. Chắc anh ấy nghĩ ở đây không ai nghe được đài Hà nội nên nói gì cũng được.
Ngữ nóng nảy hỏi:
– Nhưng nó nói cái gì?
– Về cuộc sống ở đại học Huế. Về phong trào tranh đấu Phật giáo. Về đời sống dân Miền Nam. Tại sao anh ấy nói thế?
– “Nói thế” là nói thế nào?
Nam lắc đầu:
– Em không dám nhắc lại nữa. Anh ấy không sợ mấy đứa em anh ấy, không sợ Quỳnh Trang, Quỳnh Như nghe được sẽ nghĩ anh mình như thế nào à? Chắc hôm đó em quắc mắt làm cho con Quỳnh Như nó giận, từ đó không xuống đây nữa. Nó cười cười như mỉa mai em, giễu cợt em. Em xấu hổ! Cái gì cũng phải có giới hạn!
Ngữ không chịu đựng được thêm, giọng hỏi hơi lớn và gắt gỏng:
– Nhưng nó nói gì mới được chứ?
– Những điều dối trá!
Nam chỉ nói được bấy nhiêu, rồi bật khóc!
Ngữ ngồi nhìn em khóc, không biết làm gì để an ủi em. Chàng biết nỗi tuyệt vọng dồn nén lâu nay của Nam phải chờ đến lúc này đây, Nam mới có cơ hội giải tỏa hết qua nước mắt. Nam ngồi thu gối trên tấm divan đặt ở phòng trước, mặt úp vào hai đầu gối, mái tóc thưa rung rung theo nhịp nấc. Ngọn đèn néon 4 tấc trên trần chỉ đủ tỏa một làn ánh sáng mờ xanh xao. Nhà ít người, khách khứa không có ai, nen căn phòng trống trơn chỉ còn cái bàn thờ ông bà leo lét một nén nhang trong bát hương và chiếc divan này.
Ngữ im lặng chờ cơn xúc động của em qua đi. Nam dần đần bớt thút thít, đã dám ngước lên cô cười gượng với anh, lấy vạt áo chùi nước mắt. Nam run run nói như xin lỗi:
– Em vô duyên dễ sợ! Tự nhiên khóc vì một chuyện chẳng đâu vào đâu cả!
Ngữ nói:
– Anh hiểu em. Thôi, em biết như vậy cũng hay. Ðể khỏi phải vướng víu gì nữa.
Nam không tin ở chính mình, hỏi lơ lửng:
– Anh tưởng thế!
– Chứ thực lòng em nghĩ thế nào?
– Em… em thất vọng não nề. Trước đây, lúc anh ấy đi rồi, em lợn cợn thấy có gì không ổn, nhưng cứ cố nghĩ là dù sao, anh ấy vẫn hết sức thành thực tin con đường đã theo. Anh ấy có bỏ em, có đành đoạn xa em, cũng chỉ vì anh ấy thành thực nghĩ tới cái gì lớn hơn. Cho nên anh Tường đi rồi, suốt mấy tháng mang thai cháu Thúy, nhiều hôm ngồi nhà một mình, em vẫn thầm thì gọi tên anh ấy. Cho tới khi nghe giọng anh ấy trên đài.
– Em vô tình nghe được hay vẫn có nghe đài ngoài đó?
– Vô tình thôi! Em buồn quá, chỉ còn biết làm bạn với cái radio, và cái cassette Quế mua cho. Tối hôm đó em đang tìm tần số đài BBC thì vô tình bắt trúng đài Hà nội. Em lạnh toát cả người khi nhận ra giọng anh ấy. Không biết phần đầu anh ấy nói gì, em chỉ nghe được phần sau nói về đời sống ở Huế.
Ngữ muốn hỏi cho rõ chi tiết những gì Tường nói, nhưng không dám. Chàng biết đây là điều dễ làm cho Nam đau khổ nhất. Ngữ cố an ủi:
– Thôi bỏ qua chuyện đó đi. Nó đã vào guồng thì phải nói vậy. Biết đâu mỗi người đều có những điều bất đắc dĩ riêng. Hãy quên đi, xem đó như một cơn mưa rào. Hãy nghĩ tới hiện tại. Em có tính đi học lại không?
– Em chờ cháu lớn một chút, chắc phải học lại để có một nghề nào đó. Xin tiếp tục ở sư phạm nhất định không được rồi. Bỏ lâu quá, lúc bỏ cũng không lý do không phép tắc gì hết. Em không muốn ngồi không để cho con Quế nuôi mãi.
Ngữ liếc về phía phòng ông Văn, thấy trong đó tắt đèn nên khe khẽ hỏi Nam:
– Sao ba cho má với con Quế mở quán rượu?
Nam buồn rầu đáp:
– Từ hồi anh đi, ba sống biệt lập, ít nói chuyện với ai. Cả với em cũng vậy. Ba chỉ đùa với cháu Thúy, nói chuyện với em về cháu, ngoài ra không bao giờ đả động tới chuyện sách vở như lúc trước. Má với con Quế làm gì, ba cũng không hỏi!
– Sao ban đầu em viết thư cho anh bảo con Quế định mở tiệm giặt ủi trong đó.
– Có mở đấy chứ. Nhưng mới hai tháng bị lỗ, má ở nhà một tháng, con Quế buôn đồ PX với bạn hàng ở Sài gòn. Một lần bị bắt vì mua nhằm đồ ăn cắp, may có anh Mân can thiệp. Lần đó mất khá nhiều vốn.
– Mân nào?
– Anh Mân hùn hạp thầu rác hồi trước, anh không nhớ à? Anh ấy đã giải ngũ, nghe nói bây giờ có thế lực lắm. Hình như sắp ứng cử nghị viên hay dân biểu gì đấy. À, anh biết chuyện này chưa?
– Chuyện gì?
– Hình như anh Mân muốn làm em rể anh Ngô đấy.
Ngữ thấy đau nhói cả lòng, hai thái dương lâng lâng nhưng cố giữ vẻ an nhiên trước mặt em gái. Nam nói:
– Em tưởng hôm qua anh đã lên thăm bác Bỗng rồi chứ! Hôm qua anh đi đâu cả ngày?
– Anh đi loanh quanh khắp nơi. Tìm tụi bạn cũ không gặp ai! Dạo phố không thấy người quen. Mới gần hai năm mà vật đổi sao dời quá chừng.
Nam chớp mắt cảm động nhìn anh, giọng khuyên lơn như người chị khuyên em.
– Anh nên lên thăm gia đình anh Ngô. Tội nghiệp, bác gái nhắc tới anh luôn. Con Diễm bảo khi bác trai định quẳng hết mấy bức tranh của anh Ngô, bác gái mếu máo xin giữ lại.
Ngữ ngập ngừng một lúc mới đánh bạo hỏi:
– Diễm có thường xuống đầy chơi không?
– Trước đây thường xuyên lắm. Gần đây, ít hơn. Có lẽ học nữ hộ sinh bận hơn trước.
Ngữ thấy nét mặt và cách nói của Nam tự nhiên quá, biết Quế không nói chuyện thư từ giữa chàng và Diễm cho Nam nghe. Ngữ vững tâm hơn, hỏi em:
– Vụ ông Mân đi đến đâu rồi?
Nam không hiểu, hỏi lại:
– Vụ nào?
– Vụ… định làm rể bác Bỗng ấy!
– Em chẳng rõ. Kể ra cũng được, không đến nỗi so le lắm… Mặc dù em không thích cái típ người đó. Nhưng biết đâu Diễm nó thích!
Ngữ ngồi im lặng, hoang mang. Chàng đã biết một số điều muốn biết, nhưng vì Nam biết ít quá, nên cuối cùng, Ngữ cũng chưa biết được gì nhiều. Ngữ nhìn đồng hồ, nhắc em:
– Khuya rồi, em vào với cháu.
Nguyễn Mộng Giác
Số lần đọc: 115