Tiếng cánh quạt trực thăng xé gió thật sát trên mái nhà cùng những tiếng súng AK bắn chỉ thiên đánh thức Ngô dậy.
Chàng ngơ ngác nhìn quanh, thấy lối hẹp nối liền căn nhà trên và bếp (đêm trước Ngô tưởng là một phòng riêng biệt) trống trơn không còn ai cả. Ngô nghĩ nhanh: “Họ không tin mình nên bỏ rơi mình rồi. Chắc hôm qua Dần báo cáo với Tư Hiếu sao đó, rồi Tư Hiếu nói lại với Tường! Thôi, cũng được! Cầm khẩu AK thêm vướng!”
Tuy tự nhủ như vậy, nhưng Ngô vẫn cảm thấy bơ vơ, bồi hồi! Bây giờ mình làm gì đây? Có lẽ nên tìm cách lần mò về nhà xem sao đã, rồi hạ hồi phân giải!
Có tiếng chân bước ở căn trước. Tường vào, vẫn mặc đồ bộ đội hôm qua. Chỉ khác là Tường có mang một cái túi vải ở bên hông, quai quàng chéo ngang ngực như một dây nịt đạn. Tường có vẻ nóng ruột, vội bảo Ngô:
– Tao dẫn mày đi gặp đồng chí Mười Chí.
Ngô lấy mu bàn tay phải dụi mắt, rồi ngước lên hỏi:
– Mười Chí nào thế? Không đi lên chỗ ông Hảo à?
– Mày gặp sẽ biết. Cũng chỗ quen biết thôi! Tao dặn thêm mày điều này: đừng bao giờ hỏi ông này là ai, ông kia làm gì cả.
Ngô nổi cáu:
– Mới gặp lại chưa bao lâu mày “dạy” tao hơi nhiều đấy!
Tường cãi:
– Mày nói quá. Không phải là dạy, là “lên lớp” mày. Ðây là kinh nghiệm xương máu. Mày bạn thân, tao mới dặn trước mà thôi. Mày nghĩ thử xem: hiện giờ ai cũng có thể là kẻ thù, chưa kể “bọn ác ôn”. Làm sao phân biệt được người cách mạng và người không cách mạng? Tao thì họ còn biết, nhưng mày, ai biết mày ra sao.
Ngô nổi giận, xẵng giọng:
– Mày mà còn ngờ vực tao à!
– Không phải thế. Nhưng mày phải nhìn rõ vào sự thực. Mày còn là người lạ, người ngoài. Ai cũng có thể cảnh giác với mày. Người chín chắn thì họ tìm hiểu cẩn thận. Nhưng gặp những người quá hăng hái, nhất là anh em du kích, hễ họ nghi là…
Tường không nói hết câu, nhưng Ngô đã hiểu. Chung quanh chàng, người nào cũng có súng trên tay. Người nào cũng vừa là quan tòa vừa là đao thủ phủ. Luật lệ đơn giản tùy theo vui buồn, mưa nắng. Ngô đã tận mắt chứng kiến cái chết của cụ Sáng. Chàng sợ hãi thực sự, dịu giọng hỏi Tường.
– Bây giờ tao phải làm gì đây?
– Mày gặp anh Mười Chí sẽ biết! Tao dẫn mày đi.
Ngô nói:
– Chờ tao kiếm tí nước rửa qua mặt mũi đã. Mày có mang kem đánh răng theo không?
Tường lắc đầu, giọng kẻ cả:
– Còn lâu mày mới khá được! Thôi, rửa mặt mau lên!
Ngô xuống bếp tìm mãi mới thấy cái lu nước đã gần cạn. Không có gáo, chàng phải lấy cái bát sành múc nước rồi bưng ra sau hè súc miệng, rửa qua mặt mũi. Nước lạnh cóng, khi hớp vào chiếc răng sâu ở hàm dưới của Ngô nhức đến tê điếng. Không có khăn, Ngô đưa vạt áo lên cúi xuống chùi mặt.
Tường không chở Ngô bằng xe Vespa như đêm trước. Chiếc Vespa cũng không còn dựng ở chỗ gốc ổi nữa. Họ băng theo đường tắt qua nhiều khu vườn rậm, cuối cùng vào lối sau một cái nhà lợp tôn. Ngô đi chậm nên Tường phải dừng lại ở trước cánh cửa phên, nói nhỏ trước khi đưa Ngô vào nhà:
– Mày sẽ gặp người quen, nhưng nhớ lời tao, đừng nói nhiều. Tao với mày có lẽ sẽ ít gặp nhau, vì hoạt động ở hai vùng khác.
Ngô chới với, thiếu chút nữa bấu lấy vai áo Tường. Chàng hỏi gấp:
– Mày đi bây giờ à?
Tường cười:
– Chưa! Tao chờ ngoài này, mày gặp anh ấy xong ra đây, tao mới đi.
Ngô chần chừ không muốn bước qua khung cửa lớn làm bằng tre ống.
Tường giục:
– Mày vào đi!
Ngô đành phải cúi thấp người xuống để bước vào nhà. Ngôi nhà chỉ có hai phòng, ngăn cách bởi một tấm vách ghép bằng những ván thùng gỗ thông xấu của Mỹ. Hai thanh niên mặc đồ dân sự đang ngồi làm việc ở chỗ đặt giường bố nhà binh, đang kê giấy lên đùi ghi chép gì đó. Nghe tiếng chân Ngô bước, cả hai đều ngẩng lên. Ngô nhìn người thanh niên ngồi ở đầu ghế bố, ngờ ngợ thấy quen lắm. Thanh niên nọ vẫn ngồi chứ không đứng dậy chờ Ngô. Anh ta cười, hỏi:
– Không nhớ thằng này sao anh Ngô?
Ngô ngập ngừng hỏi:
– Phải Tần không?
– Tần đây chứ còn ai. Tần đàn em Cao đẳng Mỹ thuật đây!
– Tần đi hồi nào?
– Ði hồi nào đâu! Vẫn ở đây, vẫn “bám trụ” ở đây chờ đấy chứ!
Ngô liếc nhìn thanh niên kia, thấy trẻ quá, chừng 15, 16 tuổi là nhiều.
Chàng nhìn quanh quất, rồi hỏi Tần:
– Anh… anh… đồng chí Mười Chí chưa tới à?
Thanh niên kia cười thành tiếng. Tần cũng cười, mời Ngô ngồi lên cái ghế đẩu đặt cạnh ghế bố, rồi nói:
– Mười Chí là Tần đây!
Ngô không tin tai mình. Làm sao Tường có thể tỏ ra kính nể, gần như sợ sệt với một người ngoài hai mươi như Tần được! Thời hai ba năm trước, Tần như một loại đàn em ái mộ văn nghệ của nhóm đàn anh đã bắt đầu có chút tiếng tăm về hội họa, âm nhạc, thi ca, tiểu thuyết, triết lý như nhóm của Ngô, Ngữ, Tường… Hồi đó, Tần mới vào năm thứ nhất Cao đẳng Mỹ thuật, và sống cuộc đời vô cùng lang bạt cơ cực. Không bao giờ Tần có được trên 10 đồng bạc trong túi. Cũng không có chỗ ở nhất định. Tần là típ người, theo nhận xét của bạn bè, đam mê nghệ thuật đến nỗi không chú ý đến cả chuyện tối thiểu là tìm cái ăn và tìm chỗ ngủ. Bạn lớn, bạn nhỏ của Tần mặc nhiên xem Tần là một thứ “nghệ sĩ”, và bảo bọc cho Tần với một chút khinh thường, pha lẫn một chút thương hại. Tính “nghệ sĩ” được công nhận cũng giúp Tần được yên thân qua bao nhiêu biến cố. Không ai lôi kéo Tần vào nhóm này nhóm nọ làm gì, vì biết có lôi được Tần cũng chẳng thêm được chút vinh dự hay lợi ích nào rõ rệt. Tần được xem như một thứ “ngoại lệ”, như cha mẹ trong gia đình vẫn thường dành “biệt đãi” nào đó cho những đứa con không được may mắn. Thấy nét mặt Ngô đầy hoài nghi, Tần nghiêm giọng:
– Thôi phần tự giới thiệu cho biết nhau coi như xong. Ta bắt đầu làm việc.
Rồi Tần hất hàm bảo cậu thanh niên trẻ:
– Em ra nói với đồng chí Tư Vịnh chờ tôi chừng 10 phút.
Cậu thanh niên đứng dậy, ra phía nhà sau. Ngô nghe Tường nói chuyện xì xào gì đó với cậu thanh niên nhỏ tuổi, biết được thêm bí danh của Tường. Ngô bắt đầu cảm thấy ngột ngạt, căng thẳng. Bắt đầu phải ngồi ngay người trên ghế khi Tần mở lời:
– …Chắc anh cũng đã biết cách mạng là sự nghiệp chung của nhân dân, của tất cả các lực lượng dân tộc, dân chủ và hòa bình. Mỗi người tùy quá trình hoạt động và điều kiện giai cấp mà góp phần nhiều hay ít vào công cuộc đấu tranh chống Mỹ cứu nước. Cách mạng ghi nhận sự đóng góp của anh, vì theo phản ảnh của anh em trong lao Thừa phủ, suốt thời gian bị kềm kẹp, anh không hề tỏ ra chao đảo, đầu hàng địch. Cho nên tuy chưa móc nối anh được vào tổ chức ngay tại nhà lao, nhưng anh em vẫn xem anh như một đồng chí. Thì giờ khẩn trương không cho phép được nói nhiều với anh về chủ trương chính sách của cách mạng đối với anh chị em văn nghệ sĩ. Ở đây, trong cảnh trực tiếp đối đầu với Mỹ ngụy thế này, người làm văn nghệ như anh như tôi phải ý thức được nhiệm vụ trước mắt của cách mạng, là xây dựng cho được chính quyền nhân dân, tiêu diệt bọn ác ôn có nợ máu với nhân dân, và bảo vệ thành quả của cách mạng…
Ngô chỉ lắng nghe được năm ba câu đầu, càng về sau chàng càng lơ đãng không nghe được gì rõ ràng. Không phải Ngô xem thường những lời Tần nói, mà chỉ vì chàng không ngờ một cậu sinh viên Cao đẳng Mỹ thuật sống lang bạt bê tha như Tần lại có thể nói huyên thiên những điều trừu tượng, khuôn sáo, khô khan một cách say sưa như vậy. Trong hoàn cảnh bình thường, Ngô vẫn e ngại, dè dặt trước những người nói nhiều. Vì Ngô lập luận đơn giản, hễ càng nói nhiều thì càng trật nhiều. Ðã biết nói nhiều dễ lộ cái non kém, cái sở đoản của mình ra mà vẫn nói, thì người đó phải ở vào hai trường hợp bất thường: hoặc quá tự cao ích kỷ chỉ thấy có mình nên huyên thiên đem cái tôi ra khoe, không cần biết người ta có nghe hay không; hoặc bản ngã quá mờ nhạt nên lặp lại như con vẹt những điều khuôn sáo người khác đã nói trước.
Ngô nhận thấy Tần ở vào cả hai trường hợp trên đây. Gần như Tần muốn biểu diễn “khí thế cách mạng” của mình trước Ngô, bù lại những ngày Ngô xem Tần như một đứa em hư cần khoan dung và bảo bọc. Tần độc thoại suốt nửa giờ về nhiệm vụ khẩn trưong, công tác cấp bách của “văn nghệ sĩ” Huế, lặp đi lặp lại vì sao bây giờ không phải là lúc nghĩ tới màu sắc, đường nét, nghĩ tới Modigliani, Renoir, Van Gogh, Gauguin… Ngô nóng ruột, khỏng dằn được nữa, cắt ngang lời Tần:
– Tôi hiểu chứ! Điên hay sao bây giờ mà đem giá vẽ và ống màu bó cọ ra bày hàng. Tôi sẽ được Cách mạng giao nhiệm vụ gì đây? Tần cho tôi biết được không?
Cách xưng hô kẻ cả của Ngô làm cho Tần nhíu mày khó chịu. Nhưng Tần tươi ngay nét mặt, vồn vã đáp:
– Đấy, anh hiểu được thế là nhận thức cách mạng bén nhạy lắm! Nói đơn giản lại, cách mạng đang cần những người Huế như chúng ta đóng góp vào hai công tác sau đây: một là xây dựng cho được chính quyền nhân dân ở các khu mới giải phóng, và hai là giúp đỡ cho các đồng chí công an nhân dân tập trung các phần tử đã lỡ lầm chống phá cách mạng nhiều hay ít, để cải tạo họ trở thành những người tốt yêu dân tộc, dân chủ và hòa bình.
Ngô chụp lấy cơ hội hỏi ngay:
-Những khu vực nào ta đã giải phóng hoàn toàn rồi?
Tần ngửng cao đầu, ánh mắt long lanh:
– Ta đã giải phóng toàn bộ thành phố Huế và Sài gòn, cùng 20 tỉnh khác. Ở đâu ta cũng đánh vào đầu não của guồng máy ngụy quyền…
Ngô không để cho Tần tiếp tục huyên thiên, cắt ngang lời Tần lần nữa:
– Nhưng riêng tại Huế thì khu vực nào ta kiểm soát được trọn vẹn nhất?
Tần nhìn Ngô, cố đo lường chủ ý của Ngô khi hỏi câu đó, không đáp ngay. Cuối cùng Tần đáp:
– Tôi hiểu ý anh. Vâng. Ở Huế thì có khu vực chúng ta kiểm soát được dễ dàng và thành lập ngay được chính quyền, có khu vực bọn tàn quân và Mỹ có thể sẽ cố phản công tuyệt vọng để giành lại, như vùng An cựu, Phú cam bên hữu ngạn. Khu Ðại học, Khu Hành chánh, Bưu điện, Ngân khố, Ðài Phát thanh… bên đó có thể sẽ là mục tiêu đánh phá của địch. Bên này bọn trong Mang cá còn cố vùng vẫy.
– Khu Ga thì thế nào?
– Trên đó tình hình khá, tuy không quân địch có oanh tạc nhưng tinh thần bám trụ của “nhân dân” ta rất vững. Tốt nhất là khu Gia hội. Chúng ta có thể bắt tay xây dựng chính quyền nhân dân và tập trung cải tạo các phần tử xấu ngay bây giờ tại Gia hội.
Ngô bắt đầu hiểu nơi người ta sắp phái chàng tới là đâu! Những công việc chàng sắp nhận là gì, cho đến giờ, Ngô vẫn còn lờ mờ. Tuy vậy, Ngô có đủ nhạy bén để hiểu rằng không nên hỏi Tần ngay lúc này. Không thấy Ngô hỏi gì, Tần xoa tay như một người vừa hoàn tất xong một nhiệm vụ khó khăn, lục túi áo sơ mi rút bao thuốc ra, mời Ngô rút một điếu. Bao thuốc lá không có bọc giấy kính, hai chữ Tam Ðảo in nhòe nhoẹt trên nền giấy hẩm. Thấy Ngô tò mò nhìn bao thuốc, Tần cười, hớn hở khoe:
– Của các đồng chí bộ đội bên Trung đoàn biếu tôi đấy. Anh thích, cứ lấy cả bao. Tôi còn nhiều. Tôi có lửa đây!
Ngô thèm thuốc lá, lại tò mò của lạ, nên hút điếu Tam Ðảo đầu tiên trong đời, thấy ngon. Tần gọi cậu thanh niên vào, hỏi:
– Đồng chí Tư Vịnh còn chờ ngoài đó không?
– Ðồng chí ấy chờ lâu quá, bảo nửa giờ nữa trở lại.
Tần cau mày nhưng không nói gì. Chợt nhớ tới Ngô, Tần bảo:
– Thôi anh cứ ngồi ở đây chờ anh Tường về đưa anh đến đơn vị mới nhận công tác. Chúng tôi phải đi họp ngay bây giờ.
Ngô cảm thấy được thoát nạn, vui vẻ gật đầu.
Ngô nôn nao chờ hơn nửa giờ nữa trong căn nhà lạ, Tường mới trở lại. Suốt thời gian ngồi một mình, Ngô ôn lại những gì đã xãy ra gần hai ngày qua, từ lúc được giải thoát khỏi lao Thừa phủ cho đến lúc gặp Tường, rồi qua đêm ở căn nhà lạ giữa những người chưa hề biết mặt, cho đến lúc này đây. Tất cả xảy ra dồn dập trong lúc Ngô chưa hề được chuẩn bị để đón nhận, vì vậy càng ngày Ngô càng thấy mình bập bềnh vô định, hoang mang không biết rồi cuộc đời mình sẽ dạt về đâu.
Ngô nhìn quanh nhà, căn cứ vào đồ đạc đoán biết gia đình này thuộc tầng lớp nghèo. Hơn thế nữa, nhờ chiếc áo sơ mi trẻ con còn vắt lên tấm ván ngăn nên Ngô đoán có ít nhất vài đứa nhỏ đã sống ở đây, cùng với cha mẹ. Họ đi đâu cả rồi? Họ bị bức bách rời khỏi nhà, hay đã tự nguyện dành căn nhà này làm nơi hoạt động cho những người mới tới? Ngô đặt ra nhiều câu hỏi nhưng không trả lời được câu nào. Chàng rút điếu Tam Đảo ra hút, nhưng đã quên không xin bao diêm của Tần khi chia tay. Ngô mò xuống bếp. Bếp lạnh đã lâu, Ngô lục mãi khắp nơi vẫn không tìm được một chút mồi lứa. Ðầu điếu thuốc bị thấm nước miếng, điếu thuốc vấn quá lỏng nên phần điếu thuốc thấm nước bị dẹp lại. Ngô khó chịu loay hoay không biết làm gì với điếu thuốc trên môi, bứt rứt đi lên đi xuống.
Đúng lúc đó, Tường trở về. Ngô mừng rỡ, nhưng giọng hỏi không giấu được nỗi bực dọc, trách móc:
– Mày đi đâu lâu quá vậy? Họ đi cả rồi.
Tường đáp tỉnh khô:
– Tao biết. Tao vừa nói chuyện với Mười Chí về công tác của mày.
– Công tác gì vậy?
– Nhiều lắm. Chiều tối tao mới đưa mày xuống giới thiệu cho anh em bên Gia hội được. Nhưng bây giờ tao với mày phụ nhau làm cái này trước.
Ngô nhìn Tường vì chẳng biết “cái này” là cái gì, trong khi trong tay Tường chẳng có gì cả. Tường không đợi Ngô hỏi, cười và nói:
– Chốc nữa có người mang vải, sơn, cọ lại đây.
Ngô vội hỏi:
– Vẽ à?
– Không. Viết một số khẩu hiệu. Nghề của mày mà!
Ngô cau mày nói:
– Không phải nghề của tao!
Tường lại lắc đầu ra vẻ thương hại Ngô:
– Mày còn phải kinh qua nhiều thử thách nữa mới hiểu được. Trong khi chờ đợi, mình kiếm cái gì ăn đã.
– Nhà trống trơn, có gì đâu!
– Chị nuôi dưới đơn vị tao chưa lo xong chuyện bếp núc, nên vẫn phải ăn cơm vắt thôi! Tao có mang đủ cho cả mày nữa.
Tường tháo quai lấy cái xắc vải để xuống giường bố, mở nắp túi lấy ra hai cục cơm gói trong lá chuối và một gói muối vừng. Ngô không thấy đói, nhưng gắng ăn lấy no vì chưa biết đêm nay sẽ ăn đâu, ở đâu. Vả lại rút kinh nghiệm hôm qua, Ngô sợ ở đơn vị mới Ngô sắp tới, lại có cảnh không ai màng quan tâm đến chuyện ăn uống cho Ngô như đã xảy ra bên hữu ngạn.
Ngô hỏi:
– Tối nay mày có định ghé thăm… ghé thăm… thầy Văn không?
Tường do dự một lúc, mới đáp:
– Còn tùy!
– Sao vậy?
– Tùy việc bố trí công tác của mày xong nhanh hay chậm.
Ngô thất vọng:
– Vậy mà tao tưởng sẽ cũng với mày đi thăm… thầy Văn luôn thể.
Rồi Ngô hạ thấp giọng, gần như năn nỉ:
– Tụi mình chỉ ghé một chút thôi, rồi đi đâu hãy đi. Chắc chắn… chắc chắn thầy Văn sẽ cảm động lắm.
Tường tự nhiên lớn tiếng:
– Sao mày không nói thẳng, cứ tránh né? Sao mày không hỏi tại sao tao chưa đi thăm Nam?
Ngô cũng lớn tiếng:
– Ừ, tao muốn nói như vậy! Mày không thăm Nam, tao… tao…
Ngô nghẹn ở cổ phần vì giận, phần vì cơm khô khó nuốt.
Tường hạ thấp giọng, bảo bạn:
– Thôi được! Tao với mày sẽ ghé lại đó một chút. Nhưng tao thú thật, không biết gặp lại tao Nam sẽ nghĩ gì. Tao sợ điều đó hơn hết!
Hai người hí hoáy viết tám câu khẩu hiệu đến bảy giờ tối mới xong. Sở dĩ lâu như vậy, vì tuy Ngô viết nhanh, nhưng phải chờ sơn khô mới cuốn những băng khẩu hiệu lại được cho Tường đưa đi giao. Tường dẫn bạn trở lại căn nhà đã nghỉ đêm hôm trước, lúc ấy có một tiểu đội chính qui Bắc Việt trấn đóng, khác với nhóm hôm qua. Ngô thấy Tường có vẻ quen biết với nhóm này hơn, và các quân trang quân dụng cũng như vũ khí của họ cũng có vẻ đầy đủ hơn. Tường lấy thêm cho Ngô một cái bánh chưng, một cái xắc vải và hai bao thuốc lá Bastos xanh. Ngô hỏi:
– Tìm đâu ra thuốc lá loại này vậy?
Tường cười đáp:
– Bộ đội họ ưa của lạ. Quà tặng của anh em du kích địa phương đấy. Hai bên trao đổi nhau vì đều ưa thích hút thuốc lạ: bên này lấy Điện Biên, Tam Ðảo, bên kia lấy Ruby, Bastos. Này, mày có thấy tay bộ đội tre trẻ da ngăm ngăm đang hút thuốc lào chỗ gốc nhãn trước sân không? Anh ta biết làm thơ, và làm được lắm!
Ngô không mấy thú vị khi nghe Tường tiết lộ điều này, chỉ hỏi:
– Đi chưa?
– Chờ giao liên đã! Có giao liên thì tiện hơn, vì khỏi mất thì giờ ở các trạm kiểm soát. Chắc tôi nay tao cũng phải ở lại Gia hội.
Ngô mừng rỡ:
– Hay quá! Tao với mày ghé thăm Nam và thầy Văn, rồi ngủ đêm ở đấy luôn. Tao thèm được ăn cái gì nóng một chút!
Tường tỏ vẻ e ngại, nhưng không nói gì. Mười lăm phút sau, người giao liên tới bằng một chiếc Honda màu đỏ.
Trời bên ngoài đã tối. Tường thì thào bàn tán gì đó với người giao liên, đưa bó khẩu hiệu cho anh ta cột ở ghi đông trước, dành khoảng yên sau và cả cái porte bagage để chở Tường và Ngô.
Trực thăng vẫn bay tuần trên bầu trời, lâu lâu thả những trái sáng soi lên thành phố bị chiếm. Súng vẫn nổ đây đó, lẻ tẻ. Chiếc Honda chạy thầm trong đêm, thật chậm. Ngô nhận ra đường Mai Thúc Loan, cửa Ðông ba, phố Phan Bội Châu, cầu Gia hội… Xe chạy một đoạn vài trăm thước lại dừng để các toán kiểm soát kiểm tra mật hiệu. Từ căn nhà âm u trong Thành nội qua Gia hội, xe chạy mất gần một tiếng đồng hồ.
Ngô ngồi trên porte bagage quan sát cách canh gác trên đường đi, và nhận thấy đúng là Gia hội bị Cộng sản kiểm soát trọn vẹn hơn các khu vực kia. Nhà ở đây mở cửa nhiều hơn, người đi lại đông hơn. Những khẩu hiệu viết trên tường nhà cũng nhiều hơn. Xe chạy gần tới nhà ông Văn, Ngô đập vai Tường nhắc nhở.
– Gần tới rồi đấy. Qua khỏi cái cột điện kia là tới, mày nhớ không.
Tường giật mình quay lại nói gì đó Ngô không nghe rõ, vì lúc ấy một chiếc trực thăng bay sà thật sát qua phố Gia hội, sau đó nhiều loạt đạn bắn lên không như pháo thăng thiên xẹt giữa đêm đen. Ngô nóng ruột hét lớn:
– Gần tới rồi. Cái nhà kia kìa!
Người giao liên phanh gấp xe lại, hỏi:
– Cái gì vậy?
Tường vội nói:
– Anh cho chúng tôi ghé vào đây một lát, rồi đi ngay.
Người giao liên nói:
– Còn kịp giờ không? Tôi còn phải đi giao mấy tấm biểu ngữ này!
Nói vậy, nhưng anh ta vẫn lái chiếc Honda sát vào lề đường, cho xe chạy chậm để chuẩn bị dừng lại trước nhà ông Văn.
Chiếc Honda đứng lại ngay trước cột đèn mù. Nhưng cả người giao liên, Tường và Ngô đều ngạc nhiên không ai bước xuống khỏi xe, vì một toán người súng ống lăm lăm từ phía trước vừa tới, chỉ trỏ vào nhà ông Văn, rồi kéo nhau vào tụ tập trước cánh cửa đóng kín. Một người gõ cửa, trong lúc hai ba người nữa cầm súng xăm xăm đi vòng theo đường luồn ra phía sau.
Tường đập vai người giao liên giục:
– Chúng ta đi thôi.
Ngô lo âu nhìn ngoái lại trong khi chiếc Honda phóng tới trước. Suýt chút nữa Ngô ngã bật ngửa khỏi xe, nếu không nhanh tay ôm lấy hông Tường.
Nguyễn Mộng Giác
Số lần đọc: 104