Nơi lưu giữ những tác phẩm của Nhà Văn Nguyễn Mộng Giác (1940-2012)

Nơi lưu giữ những tác phẩm của Nhà Văn Nguyễn Mộng Giác (1940-2012)

Mùa Biển Động – Chuơng 57

Sáng mồng Bốn. Tường dậy sớm vì có chiếc trực thăng bay quần mãi trên chu vi bao gồm một vùng rộng gồm khu Đại học Sư phạm, Đập Ðá, Thế lại Thượng, Cồn Hến, Gia hội và phố Huế. Trực thăng đảo qua đảo lại quan sát tình hình không phải là điều lạ suốt mấy ngày nay. Hôm mồng Bốn, điểm lạ khiến Tường hơi lo âu, là từ trực thăng, phát xuống lời kêu gọi được thâu băng khuyên đồng bào nên tìm cách chạy khỏi vùng bị Cộng sản chiếm và về tạm trú tại khu Đại học Sư phạm.

Điều đó có nghĩa là những lực lượng Cộng sản kiểm soát khu vực từ Đập Ðá lên Morin đã bị đẩy lui; và đường liên lạc giữa hữu tả ngạn qua cầu Nguyễn Hoàng (cầu Trường tiền) không còn an toàn nữa.

Tường tìm cách về lại đơn vị ở Thành nội. Tường mượn chiếc xe đạp để tự lo lấy việc di chuyển, khỏi cần nhờ đến giao liên như đêm trước.

Trước khi đạp xe qua cửa nhà ông Văn, Tường đã tư dặn mình là không nên vào thăm thầy và mẹ con Nam. Vào là phải chịu đựng những câu hỏi hóc búa, những lời trách móc, những giọt nước mắt. Phải ở lại đó khá lâu, có thể là suốt buổi sáng. Tình hình biến chuyển đến đâu, Tường không được rõ. Ngay khu vực Thành nội, quân đội Việt Nam Cộng hòa vẫn cố thủ được ở Bộ Chỉ huy Sư đoàn 1 tại Mang Cá, nên chắc chắn từ đó sẽ có những cuộc phản công chiếm lại những vùng đã mất. Ở lại một buổi tại nhà Nam có thể là bị ly cách vĩnh viễn với lực lượng Tường gắn bó bao lâu nay. Tường nghĩ tốt hơn hết là không nên mềm lòng ghé lại thăm gia đình thầy, thăm mẹ con Nam.

Tuy tự dặn như vậy, nhưng đến trước nhà Nam, hai tay Tường vẫn tự ý phanh chiếc xe đạp cũ lại. Cửa nhà đóng kín, khác với những cánh cửa mở lớn hoặc mở hé ở lân cận. Tường ngần ngừ, rồi quyết định cứ vào thăm lại cảnh cũ. Không vào, Tường biết là không còn đủ can đảm để nhìn mặt Ngô nữa.

Tường dựng xe đạp trước thềm, rồi hồi hộp gõ cửa.

Quế ra mở cửa, mặt mày xanh mét và không nhận ra Tường.

Trong nhà, có tiếng trẻ con khóc và nhiều tiếng xì xào dỗ dành. Tường cố dằn xúc động, hỏi Quế:

– Quế không nhận ra anh sao?

Quế ngỡ ngàng nói:

– Ông là… Trời ơi! Anh Tường phải không? May quá, anh Tường về chị Nam ơi!

Tường đang đứng tần ngần chưa biết phải làm gì thì đã bị Quế lôi tuột vào nhà. Ông Văn, bà Văn cũng chạy ra, nhìn sững Tường như nhìn một người đã chết đột nhiên trở về. Ông Văn giữ cho xúc động không biểu lộ quá đáng, đến gần Tường ôn tồn hỏi, giọng cố bình thường.

– Anh cũng về được kỳ này sao?

Tường bị Quế và bà Văn bu lấy, quay về phía ông Văn đáp:

– Dạ, con về từ hôm mồng Một.

Bà Văn mừng thút thít khóc, run run hỏi:

– Về tận hôm mồng Một sao không ghé đây? Khổ quá, nếu có… nếu có anh thì hôm qua đâu đến nỗi phiền phức như vậy.

Bà Văn hơi khựng lại nửa chừng vì không biết nên gọi Tường thế nào cho phải. Gọi “con” thì thân mật quá, không hợp cảnh, mặc dù trước đây Tường vẫn xưng hô với ông bà như một cậu rể tương lai xưng hô với ông bà nhạc. Nhưng cũng nhờ phút băn khoăn thoáng qua mà bà Văn chợt nhận ra rằng hai mẹ con Nam không hiện diện. Bà nhìn quanh, rồi hỏi Quế:

– Chị Nam mày đâu rồi?

Quế cũng kinh ngạc:

– Chị ấy mới ngồi ở đây mà!

Ông Văn bắt đầu thấy sự phức tạp của cuộc tái ngộ. Ông lo âu, hết nhìn bà Văn, rồi nhìn Tường. Tường lúng túng hỏi cho qua:

– Mấy hôm nay nhà có bình thường không ạ?

Bà Văn được dịp kể lể chuyện ông Văn suýt bị bắt tối hôm qua:

– Khổ quá, má… bác đã nói với bác trai là nên cẩn thận, lệnh ra sao thì phải tuân theo để khỏi rắc rối. Bác trai không nghe, cứ ôm riết lấy cái radio. Đến hồi họ xét nhà lại lòi thêm đôi giày lính của thằng Ngữ, với bộ treillis chưa kịp giặt. Nói thế nào họ cũng không tin, bảo chắc chắn thằng Ngữ còn ẩn nấp đâu đây. Họ dẫn bác trai đi rồi, bác cứ niệm Phật… Này, con… à anh ngồi xuống đây đã. Có ốm đi, nhưng nếu có khác là vì bộ quần áo với cái mũ, chứ người thì không khác trước bao nhiêu.

Trong buồng lại có tiếng trẻ con khóc. Tự nhiên mọi người đều im lặng. Cháu Thúy khóc lớn, nhưng không có tiếng mẹ ru hoặc dỗ dành, nên càng ngày tiếng khóc càng nức nở. Quế không chịu được cảnh huống bất thường, bảo Tường:

– Anh vào thăm cháu với chị Nam đi!

Ông bà Văn đứng tránh lối cho Tường. Tường bị ở vào cái thế bất khả kháng, đành phải bước tới!

Lối hành lang hẹp dẫn tới phòng ông Văn thì Tường đã quen thuộc. Nhưng căn buồng của Nam thì từ trước tới nay, chưa bao giờ Tường biết ở đâu. Tiếng khóc lảnh lói tức tưởi của cháu Thúy dẫn đường cho Tường. Cửa buồng mở. Bên trong hơi tối do không có điện, và ánh sáng ngoài trời lọt qua tấm cửa sổ hé và cái màn mầu xanh chỉ đủ giúp cho Tường nhìn ra một dáng người nhỏ nhắn ngồi bất động trên giường, quay lưng về phía cửa ra vào. Bên cạnh đó, đứa bé nằm khóc trên cái nôi mây, vì lăn lộn vùng vẫy nên cháu Thúy làm chiếc nôi chao qua chao lại. Đồ đạc trong phòng bừa bộn, quần áo, tã lót, thùng giấy, sách báo vất tứ tung. Một mùi khai nồng làm cho Tường bất giác nhăn mật. Nhưng cảm giác khó chịu chỉ thoáng qua chốc lát, nhường chỗ cho sự hồi hộp lo lắng. Tường đứng tần ngần ở khung cửa, không dám tiến vào; cũng không biết rõ mình sắp phải làm gì.

Cháu Thúy vẫn khóc, sau đó ho từng hồi khiến bà ngoại sốt ruột, từ ngoài nói với vào:

– Sao không dỗ cho cháu nín đi hở Nam?

Nam không trả lời. Quế chạy vào, thấy Tường vẫn còn đứng trước cửa phòng, ngơ ngác nhìn, rồi nhờ Tường tránh lối, Quế chạy vội đến chỗ cái nôi bồng cháu dậy. Cháu Thúy nín khóc ngay, chỉ còn thút thít. Quế mắng yêu:

– Xấu lắm! Miệng la như cái loa bể. Ra ngoài này với dì!

Quế liếc về phía Nam, thấy chị vẫn ngồi xoay lưng bất động. Quế định nói với Nam một câu, nhưng liếc về phía Tường, thấy Tường lúng túng, nên thôi. Quế ôm xốc đứa cháu lên vai, đem nó ra ngoài phòng trước.

Tường chới với không biết phải đối phó thế nào trước tình cảnh khó xử. Cuối cùng, anh đánh bạo bước tới chỗ Nam ngồi. Nam vẫn nhất định không quay lại. Nhờ tới gần hơn, Tường thấy đôi vai Nam run run, và thoang thoáng mơ hồ, hình như có tiếng nấc bị dồn nén lại. Tường gọi nhỏ:

– Nam!

Không có tiếng trả lời. Tường nuốt nước miếng, ậm ừ một lúc, lại cố nói, thật chậm:

– Anh cố ghé thăm em một chút, rồi phải đi ngay. Em quay lại đi. Có giận có ghét cũng được, nhưng hãy quay lại cho anh nhìn em một chút.

Nam bật khóc lớn, và xoay người lại, ngước lên nhìn Tường. Cả hai đều lặng người vì thất vọng về nhau!

Tường thấy Nam già sọm, xơ xác, hai gò má nhô cao, đôi mắt lạc thần mất hồn, khác hẳn hình ảnh cô sinh viên hai năm trước đây. Ngược lại, Nam ngỡ ngàng không tin ở mắt mình, vì trước mắt nàng là một người đàn ông nhỏ thấp, da mai mái, tóc dài và dơ nên bết từng mảng, vai so nên dáng đứng trở nên khép nép. Xa rồi, hình ảnh người hùng trong các cuộc biểu dương lực lượng, những đêm không ngủ, những cuộc hội thảo… Sự thất vọng khiến Nam đột nhiên trở nên bình tĩnh. Nàng ngồi ngay người trở lại, hỏi Tường:

– Anh về đây hôm nào?

Tường lúng túng, phải nói hàng hai:

– Về Huế thì từ đêm mồng Một, nhưng tình hình khẩn trương, anh chỉ rán về khu này vào đêm qua. Sáng nay vội lên đây thăm em… Tường ngập ngừng một chút, rồi tiếp:

– Và thăm… con.

Tường ngập ngừng vì cho tới lúc này, anh vẫn không quen được với ý tưởng mình đã là cha của một đứa trẻ. Anh thấy hoàn toàn xa lạ với đứa bé Quế vừa bồng ra nhà ngoài, nên mặc dù thêm phần chót cho phải phép, Tường vẫn không khỏi xấu hổ vì giả dối.

Nam không nhận ra vẻ khác thường của Tường, nên cảm động. Giọng Nam dịu lại:

– Còn gần hai tháng nữa con thôi nôi đấy, anh biết không? Em đặt cho con tên Thúy.

Tường không biết nói gì, chỉ bảo:

– Thế à!

Nam ngồi lui vào phía trong một chút, bảo Tường:

– Anh ngồi tạm xuống đây đi.

Tường vâng lời Nam, như cái máy. Nam nói với giọng đều đều, hơi khao:

– Cũng may là anh Ngữ ngăn kịp, nếu không thì… Nhưng nhiều lúc em nghĩ nếu được như thế lại hay. Cho con nó ra đời chi, chỉ thêm khổ nó!

Tường không hiểu Nam đang nói gì, chỉ đoán có cái gì bi đát lắm, như cái chết. Lại thêm Nam vừa nhắc tới Ngữ. Tường hồi hộp hỏi:

– Ngữ đâu rồi, em?

Nam đang cúi xuống lấy tay vuốt vuốt tấm drap trải giường, nghe Tường hỏi, ngửng phắt lên, giọng hơi xẵng:

– Anh hỏi chi vậy?

Tường giật mình, nhớ lại vị trí mình đã khác hai năm trước. Tường nói lái sang chuyện khác:

– Em vừa bảo Ngữ ngăn kịp chuyện gì?

Giong Nam trở nên gay gắt hơn:

– Anh không biết thật ư?

– Không biết!

– Anh không nhớ buổi trưa hôm ấy, ở xưởng vẽ, anh đã nói với em điều gì sao?

Tường ngồi chết sững, không nói gì được. Anh nhớ lại hết. Nhớ lại tâm trạng bồn chồn phức tạp của mình suốt một tuần lễ trốn dưới hầm bí mật tại một căn nhà khu Bến Ngự, chờ người đưa lên Khu. Mỗi lần nghe mật hiệu đu người ngoi cố lên khỏi cái khung nắp hầm nhận cơm, Tường đều nôn nao muốn biết tình hình biến chuyển bên ngoài ra sao, đã có một vụ tự thiêu nào xảy ra chưa. Nghe đáp không hề có vụ tự thiêu nào sau khi quân đội chính quyền trung ương tái chiếm Huế, Tường vừa thất vọng vừa mừng rỡ. Anh trách mình đã không nói rõ những điều muốn nhắn nhủ Nam, rồi lại tự biện hộ rằng không thể nói rõ những chuyện như thế được. Nếu Nam hiểu, có thể đó là một “hi sinh” của Nam. Nếu không hiểu… nếu Nam không hiểu, Tường sẽ khỏi phải ân hận điều gì về sau.

Những câu Nam vừa tiết lộ khiến Tường bàng hoàng. Anh liếc dò chừng thái độ của Nam. Nam nhìn Tường đăm đăm, chờ đợi. Tường phải lấy hết sức cố gắng mới đáp được một cách lơ lửng:

– Anh nhớ chứ! Lúc đó “anh em” đánh giá sai khả năng của “địch”! Không như bây giờ…

Nam vội cắt lờiTường, hỏi:

– Lần này, anh về ở luôn lại đây được không?

– Giọng Tường tự tín:

– Được chứ.

Nam nói, giọng thân mật ân cần hơn trước:

– Khi hôm ba bị rắc rối vì mấy cái chuyện vặt. Anh quen, nói với họ một tiếng cho nó xong đi. Chuyện không nộp radio ấy mà! À, em có nghe anh nói chuyện trên đài phát thanh Hà nội.

Ngược với sự chờ đợi của Nam, Tường đáp cho qua, nét mặt không vui:

– Thế à?

– Anh ra Hà nội hay họ cho người thu băng bài nói chuyện trên… trên… gọi là gì cho đúng nhỉ?

– Trên Khu. Không. Hồi đó anh có ra Hà nội.

– Tại sao anh nói thế?

– Nói thế là thế nào?

Nam thấy Tường cau có, thôi không muốn nhắc lại chuyện ấy nữa.

Nàng nói:

– Ðể em xuống phụ con Quế làm cơm trưa. Anh cần tắm rửa gì không? Đồ đạc quần áo anh để ở đâu?

Tường thấy Nam hiểu lầm, tưởng Tường sẽ về ở tại nhà Nam, nên vội vã bảo:

– Không. Anh chỉ ghé thăm một chút, rồi đi nhận công tác ngay. Anh phải ra nói chuyện với ba, và xem mặt… xem mặt con một chút cho biết.

Ðể khỏi phải dây dưa thêm, Tường đứng dậy. Nam vẫn ngồi trên giường, đôi mắt mệt mỏi ngước lên, cầu khẩn. Tường không nỡ đi ngay, đưa hai bàn tay về phía Nam, cố lấy giọng âu yếm nói:

– Cho anh được cầm lại hai tay em.

Nam hơi ngại ngùng trước khi đưa hai bàn tay cho Tường nắm. Hai bàn tay xương xẩu nằm im ơ thờ trong tay Tường. Tường muốn nhân dịp nắm hai tay Nam sẽ kéo Nam đứng dậy, ôm lấy Nam một lần ở chỗ khuất mắt kẻ khác, trước khi ra nhà ngoài. Nhưng thái độ của Nam làm cho Tường không dám kéo Nam đứng dậy. Anh chỉ bóp nhẹ hai bàn tay Nam, rồi nói nhỏ:

– Anh ra ngoài trước nhé!

Ông Văn kể chuyện rủi ro đêm qua của ông cho Tường nghe với một giọng cố ý làm cho bình thường, như là kể một chuyện vặt vãnh không đáng quan tâm. Nhưng Tường còn lạ gì cách trình bày ý tưởng hoặc xúc cảm của ông thầy cũ. Hồi còn dạy Tường, tâm hồn ông còn phơi phới hăm hở, đôi mắt ông còn sáng quắc mỗi lần nói tới những điều cao viễn như là công bằng, bác ái, nhân bản… Những ý niệm trừu tượng đó bao la mênh mông quá, nên muốn truyền cho đám học trò niềm tin vào các điều cao đẹp để chúng sống như ông mong được sống, ông Văn thường cất cao giọng nói hơn mức bình thường, uyển chuyển trầm bổng theo niềm bi tráng hay tha thiết, nhanh chậm theo sức chảy của xúc cảm. Học sinh các lớp đệ tam, lớp đầu tiên bậc trung học đệ nhị cấp, vừa bước vào ngưỡng cửa trưỏng thành đã bị cuốn hút trọn vẹn bởi lối giảng bài ấy của ông. Ông phụ trách môn Việt văn, và chương trình đệ tam thường có nhiều đề tài phù hợp với lối giảng bài này. Sang năm đệ nhị, Tường lại học ông Văn. Và lại khám phá thêm một khía cạnh khác nơi tâm hồn ông thầy Tường kính phục. Không phải ông Văn đã thay đổi mau chóng đến như vậy, vì thời đó, những biến động ngoài xã hội chưa có gì ghê gớm. Lý do chính để Tường nhận rõ thêm được tâm hồn ông thầy là những biến động xa thật xa, tận hồi hậu bán thế kỷ thứ 19, những biển động lịch sử phản ảnh qua văn chương. Thời đại của những Nguyễn Khuyển hổ thẹn vì xiêm áo, những Trần Tế Xương bơ vơ rồi phẫn nộ trước buổi giao thời, những Tôn Thọ Tường cố biện hộ cho giải pháp hợp tác, những Phan Văn Trị rắn rỏi dứt khoát… Không còn nữa rồi, thời đại văn chương còn được thảnh thơi lãng đãng với những đề tài siêu hình như trong Cung Oán Ngâm Khúc, Chinh Phụ Ngâm Khúc, Đoạn Trường Tân Thanh. Cả thầy lẫn trò, do chương trình Việt văn lớp đệ nhị bắt buộc, đã phải đối diện với những vấn đề trước mắt, hết sức cụ thể, hết sức cấp thiết. Ông thầy không còn được quyền lim dim đôi mắt nhìn chếch lên không để đuổi bắt những điều cao viễn nữa. Phải nhìn xuống cuộc đời, nhìn vào lịch sử. Chính vì vậy, mà ông Văn đã tự bộc bạch thêm những khía cạnh khác của tâm hồn cho học trò thấy. Ông chua chát hơn, bi quan hơn, lơ láo hơn, quờ quạng hơn. Ông giảng thơ Trần Tế Xương hay hơn cả giảng thơ Cao Bá Quát hoặc Nguyễn Công Trứ. Giọng ông ngậm ngùi như tâm trạng nhà thơ Sông Vị lúc đặt bút viết mấy câu:

Sông xưa rày đã nên đồng
Chỗ làm nhà cửa chỗ trồng ngô khoai
Đêm nghe tiếng ếch bên tai
Giật mình còn tưởng tiếng ai gọi đò.

hoặc lúc viết bài Lạc Đường. Đối với những bài thơ phúng thế của Trần Tế Xương, ông Văn giảng bài với cái giọng đều đều chậm rãi áy, gần như khác hẳn cái hồn của chữ nghĩa người xưa. Nhưng những học trò giỏi trong lớp đều cảm nhận được rằng sau cái giọng buồn bã đều đặn đến nhàm chán đó, còn có những khinh bạc, những phẫn nộ, những thách đố, những bất cần.

Tường nghe ông Văn dùng đúng cái giọng đó để kể chuyện những cán bộ an ninh tuổi còn non choẹt lên giọng hạch hỏi ông đêm hôm trước. Tường ngồi im chịu trận, không có cách gì để biện hộ cho người phe mình. Thêm vào đó, Tường nóng ruột vì đồng hồ đã chỉ một giờ. Bên ngoài, từng đợt máy bay trực thăng hoặc LI9 bay qua. Tiếng súng nổ lách tách không lúc nào ngưng, lúc thật gần như ngay trước đường, lúc xa như tiếng bắp rang nổ lép bép trong chảo cát. Bà Văn, Quế, và cả Nam nữa, phụ nhau sửa soạn một bữa ăn “tái hợp” thịnh soạn, càng kéo dài thời gian Tường phải ở lại nhà. Ăn uống xong, đã ba giờ chiều. Ðến phiên bà Văn và Quế hỏi chuyện hai năm qua. Ba giờ 20. Ba giờ rưỡi. Một chiếc oanh tạc cơ bay thật thấp, gầm rú ngay trên nóc nhà rồi dội bom ở đâu rất gần, tiếng nổ làm bụi trên mái nhà rơi xuống mù mịt. Tường chộp lấy cơ hội khuyên cả nhà nên làm hầm núp đạn ngay hành lang là chỗ an toàn nhất, đồng thời nên đào vài cái hầm cá nhân ở phía sau vườn. Lí nhí mãi, Tường vẫn chưa tìm ra cớ để đi. Cuối cùng, anh nói dối là sẽ về đơn vị xin thủ trưởng cho ở ngoài, sẵn dịp đem bọc quần áo về nhà Nam.

Tường rời khỏi nhà Nam lúc bốn giờ chiều, vội vã như người chạy trốn!

 

Nguyễn Mộng Giác

   Số lần đọc: 86

Tác Phẩm

BÀI KỀ

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây