Thời gian đầu, bộ chỉ huy Sư đoàn 1 ở Mang Cá bị địch bao vây như một hòn đảo nhỏ bị cô lập giữa biển khơi. Nhờ liên lạc được với bên ngoài nên không đến nỗi những người lính và sĩ quan tử thủ tại đó mù tịt về tình hình như trước. Nhưng vì diễn tiến bên ngoài (qua các bản tin và qua các lời tuyên bố của Bộ Chỉ huy Quân đoàn 1, của MACV, của Tòa Ðại sứ Mỹ, của Hoa Thịnh Đốn) mập mờ khó hiểu, nên khuynh hướng chung của những người bị vây hãm là cố hiểu theo cách lạc quan để yên tâm. Họ nghĩ Việt cộng đã thực hiện một cuộc tấn công tự sát để gây tiếng vang đến tận bên kia Thái bình dương, nên chắc chắn Huế sẽ được giải phóng trong vòng vài ba hôm. Ðiều quan trọng là phải tử thủ cho được trong thời gian ngắn ngủi này để sống sót lúc quân đội VNCH bên ngoài đến tiếp viện.
Cách suy nghĩ ấy khiến mọi người hăng hái chiến đấu, và khá phí phạm đạn. Một phát AK bắn sẻ được đáp lại bằng hàng loạt Carbine M-1, trung liên BAR, đại liên M-60, M-79… Mọi người đều hiểu rằng nếu để cho địch tràn ngập trại Mang Cá, không ai có hy vọng được sống sót. Đột ngột bị ở vào thế chân tường, sau phút bàng hoàng, là sự sáng suốt nhận rõ con đường sống. Sợ hãi, hèn nhát, cầu an, tiêu cực… không cứu được mạng mình. Nhờ vậy, mà mặc dù địch liên tiếp mở hết đợt tấn công này đến đợt tấn công khác, với quân số và hỏa lực nhiều gấp bốn gấp năm lần quân số vũ khí của Bộ Chỉ huy Sư đoàn 1, trại Mang Cá vẫn đứng vững.
Trừ những người bị thương nặng, những người bị thương nhẹ như Ngữ đều tình nguyện tiếp tục cầm súng chiến đấu. Trước nỗi hiểm nguy chung, người ta cảm thấy gắn bó với nhau hơn. Hờn giận, ganh ghét, suy bì, hách dịch… không còn nữa. Một ông trung tá chia hai lon cá hộp với một anh binh nhì vì cùng chia hai nỗi nguy hiểm ở một công sự chiến đấu. Một viên đại úy lâu nay chuyên việc hành chánh phải ngoan ngoãn nghe lời chỉ dẫn cách sử dụng súng phóng lựu của một trung sĩ, như một em bé tiểu học ngoan ngoãn nghe lời cô giáo dạy phép làm tính cộng trừ số lẻ.
Ðịa bàn chiến đấu bị thu hẹp, phương tiện ít, quân số thấp, nên cấp hạ sĩ quan lại trở nên hữu hiệu và đắc lực hơn cấp sĩ quan. Lần đầu tiên và cũng là lần cuối cùng trong đời, Ngữ cảm thấy cấp bậc thấp của mình không hề tạo ra mặc cảm thua sút, kém cỏi. Giá trị của mỗi người được định lại theo một qui luật đơn giản hơn, có lẽ hợp lý hơn: là khả năng thực sự của họ trong cuộc tử thủ sống còn.
Áp lực của địch ngày càng nặng, nên một vài chốt tử thủ bên ngoài căn cứ Bộ Chỉ huy Sư đoàn cuối cùng phải rút về cố thủ bên trong. Tình trạng bị cô lập kéo dài đến ngày thứ ba thì tinh thần một số người bắt đầu hoang mang dao động. Có nhiều hiện tượng khó hiểu đối với những người bị vây hãm tại Mang Cá lúc ấy. Chẳng hạn họ đã mừng rỡ khi thấy những chiếc oanh tạc cơ quần đảo nhiều vòng trên không phận Thành nội. Với ưu thế tuyệt đối về không quân và pháo binh, quân lực VNCH và quân lực Mỹ bên ngoài có thể dễ dàng giải tỏa các áp lực của địch, bằng cách oanh kích hoặc pháo kích san bằng những vị trí địch bao vây Mang Cá. Họ hân hoan chờ đợi những chiếc oanh tạc cơ bay trên cao kia sẽ chúi mũi phóng xuống các mục tiêu như những mũi tên, để bay vút lên cao tránh đạn phòng không và kịp thời dội lửa lên đầu địch. Một chiếc oanh tạc cơ có bay sà thật thấp và thật nhanh qua Thành nội, nhưng chờ mãi, họ vẫn không nghe tiếng nổ nào. Pháo binh của ta lẫn của bạn cũng không rót đạn vào những công sự địch. Binh sĩ cấp thấp nổi giận chửi thề, và mặc dầu các sĩ quan truyền tin liên lạc được với Quân đoàn giải thích rằng không thể dùng không quân và pháo binh để giải cứu Mang Cá, vì sợ phá hủy các di tích đài điện trong Thành nội, họ vẫn không thôi ấm ức.
Thượng sĩ Trứ, người cùng với Ngữ giữ khẩu đại liên 60, lầm bầm:
– Ð.M. không lo giữ mạng thằng sống, lại lo giữ nhà của thằng chết!
Ngữ thấy bộ mặt cau có của ông thượng sĩ già, đột nhiên nổi ý tinh nghịch cố ý nói ngược lại:
– Thằng sống tuy sống nhăn nhưng tụi mình thuộc hạng vô danh tiểu tốt, chết hay sống cũng vậy thôi. Còn thằng chết là vua, nên từ cái áo cái quần, cái đai cái mũ cũng quí, huống chi là đền đài lăng tẩm. Ông chửi thề như vậy đâu có được!
Quả nhiên, ông thượng sĩ nổi cáu. Giọng ông lắp bắp vì giận:
– Vua chúa thì quí báu gì mà mày bênh vực! Giả sử thằng nào còn sống mà Trời phạt, bắt nằm đây với tao và mày, nó có sợ đến vãi đái trong quần không?
Ngữ trêu thêm:
– Trời “phạt” vua nằm ở đây, thì ổng lại “phạt” mình phải nằm ở ngoài xa làm mộc che đạn cho ổng. Lúc đó ông lại càng khốn nạn hơn!
Ông thượng sĩ tức đến đỏ mặt tía tai, nhưng không tìm được lý lẽ nào để cãi lại! Một lúc lâu, ông sừng sộ hỏi Ngữ:
– Mày giòng hoàng tộc hả?
Ngữ cười, đáp:
– Không phải
Nhưng Ngữ nảy ý nói dối để chọc giận ông thượng sĩ:
– Nhưng má tôi thuộc giòng vua.
Ông thượng sĩ vội nói:
– Hèn chi, mày bênh họ ngoại mày dữ!
Rôi giọng ông dịu xuống, giọng nói ngập ngừng áp úng như một cậu học trò thú nhận với thầy giáo mình không học bài:
– Nói vậy …. chớ… vợ tao cũng giòng hoàng tộc!
Ngữ không nhịn được, bật cười. Ðúng lúc đó, địch lại đồng loạt bắn súng nhỏ và thụt đạn súng cối vào Bộ Chỉ huy. Ông thượng sĩ quát lớn với Ngữ cho át tiếng súng:
– Tụi nó lại giở trò. Mày quạt vào chỗ lùm cây kia cho tao. Để tao mang thêm thùng đạn nữa. Cứ khai hỏa đi!
Ngữ bóp cò súng trong khi ông thượng sĩ hơi nhổm người dậy bò lui về phía sau để lấy thêm đạn. Bá khẩu súng đại liên rung mạnh từng hồi, tiếng vỏ đạn rơi lỏang xoảng trước mặt Ngữ. Hai bên bắn qua bắn lại cả nửa giờ, nhưng vì cả hai phía đều nấp kỹ phía sau những công sự kiên cố hay hầm hố an toàn, nên không bên nào tiến thêm được một bước. Ngữ bắn gần hết thùng đạn, quay lại chờ ông thượng sĩ. Cách chỗ Ngữ chừng 5 thước, ông thượng sĩ già bị vướng đạn địch nằm sấp trên nền đất ẩm, chiếc mũ sắt lăn đi khá xa. Hai tay ông đang rộng ra, như ham hố cố ôm cả mặt đất quê hương!
Căn nhà tiền chế lợp tôn nằm sâu bên trong căn cứ Mang Cá được biến thành bệnh viện dã chiến, vì bệnh xá nhỏ của Sư đoàn bộ không còn đủ chỗ cho các thương binh. Y sĩ trưởng làm việc tại Bộ Chỉ huy lâu nay lo việc hành chánh quân y hơn là trực tiếp chữa bệnh, vì đã có Quân y viện Nguyễn Tri Phương lo liệu hết. Vì vậy, dụng cụ giải phẫu, thuốc men đều thiếu thốn. Sáng mồng Một Tết, viên Ðại úy Y sĩ trưởng lại được phép về thăm gia đình ở An cựu, nên từ lúc căn cứ Mang Cá bị vây, chỉ có Trung úy Quân y Trân (thuộc Sư đoàn 22 về nghỉ phép đến trình diện) lo hết mọi việc cứu thương. Phụ tá ông có hai trung sĩ quân y, một người biết chút ít về cấp cứu và phụ tá giải phẫu, một người không biết gì vì làm việc tại phòng thí nghiệm y khoa tại Tổng Y viện Cộng Hòa.
Căn nhà tôn nằm kề bên phòng bệnh xá, vốn là một chỗ dành cho câu lạc bộ hạ sĩ quan nên gần như không có tiện nghi gì. Người ta phải lấy hai cái bàn ping pong che bớt gió để “bệnh viện” kín đáo một chút, thương binh thì nằm trên các giường bố kề sát nhau. Những thứ cần thiết nhất như nước biển, thuốc sát trùng, máu để tiếp cho những người bị thương nặng… đều thiếu.
Tình cảnh gần như không giải quyết được, nếu căn cứ tiếp tục bị phong tỏa lâu ngày, hoặc trực thăng tải thương bên ngoài không liều lĩnh đáp xuống căn cứ để đưa thương binh về Phú bài hoặc Ðà nẵng. Căn nhà tiền chế trống trải được ngăn làm đôi, một bên dành cho thương binh, bên kia tạm dùng làm nhà xác. Những người chết được khiêng đặt nằm trên nền xi măng, thân thể trùm kín bằng poncho để chờ ban đêm đem đi mai táng ngay trong căn cứ. Phải chờ đến đêm mới đem mai táng người chết, vì ban ngày cần nhiều tay súng sẵn sàng ứng phó với các đợt tấn công của địch. Không có quan tài trong căn cứ, Bộ Tư lệnh Sư đoàn chưa hề tiên liệu có lúc phải bị vây hãm như lúc này, nên để khâm liệm cho những người lính hi sinh không có gì khác hơn là tấm poncho gói xác.
Sau đợt tấn công bất thành của địch vào buổi trưa, Ngữ được người khác thay giữ khẩu đại liên để lo khâm liệm chôn cất cho thượng sĩ Trứ. Phụ với Ngữ còn có một anh hạ sĩ lâu nay làm việc chung với người quá cố.
Hạ sĩ Thành cùng quê với ông thượng sĩ, từ hồi được đổi từ đơn vị tác chiến về làm tài xế trong Bộ Chỉ huy Sư đoàn vẫn làm việc dưới quyền thượng sĩ Trứ. Do đó, cái chết của ông thượng sĩ khiến Thành như người mất hồn. Anh ta ngồi chống cằm lặng lẽ hàng giờ bên cạnh xác ông thượng sĩ, để mặc cho Ngữ lo lau sạch thân thể mặt mũi người chết. Ngữ lục trong bộ đồ lính ông thượng sĩ để tìm những gì người chết để lại, gói làm di vật gửi cho thân nhân sau này. Trong túi áo treillis của ông chỉ có một mẩu bút chì ngắn bằng ngón tay và cuốn sổ nhỏ mất bìa ghi chép những điều cần làm hằng ngày. Chữ ông thượng sĩ nguệch ngoạc sai chính tả, nhưng còn đọc được. Mấy trang đầu ghi số tiền ông nợ tiền uống bia và mua thuốc lá dưới câu lạc bộ. Phần lớn số nợ này ông thanh toán hơi trễ, thường thường đến cuối tháng sau mới trả được nợ tháng trước. Trễ nhưng sòng phẳng, vì Ngữ thấy ông gạch chéo tất cả những trang sổ nợ đã thanh toán xong, và chỉ còn tiền nợ tháng giêng 1968. Chàng xúc động đọc được câu ông tự dặn mình, viết bằng bút chì ở cuối trang nợ tháng 1: “Rán trả hết số tiền này trước Tết!”
Phần nửa cuốn sổ phía sau, ông thượng sĩ dùng để ghi chép những việc cần làm. Hình như ông dùng sổ trực thường vụ để phân công cho cấp dưới làm việc, nên cuốn sổ chỉ dùng để ghi chép việc riêng của ông mà thôi. Ngữ đọc thấy những ngày tháng rời rạc không liên tục, những lời ghi ngắn gọn. Chẳng hạn ông viết:
7-09: nhớ xin thuốc suyễn cho mệ Sen.
22-10: đám hỏi cháu Thìn. Gửi cân trà trước nửa tháng cho kịp.
29-10: đi sửa bộ treillis.
O8-11: thằng Thành về phép. Nhớ gửi kim châm kỵ bà nội.
Ngữ ngước lên nhìn Thành, tìm cách kéo Thành ra khỏi nổi đau đớn hoang mang. Chàng chìa cuốn sổ tay rách bìa ẩm mồ hôi cho Thành, bảo:
– Ổng có nhắc tới anh đấy!
Thành ngơ ngác một lúc mới hiểu Ngữ nói gì. Thành nhận cuốn sổ tay mở sẵn, cúi xuống đọc, rồi buồn rầu nói:
– Hôm đó tôi quên mất gói kim châm trên xe đò. Về nhà vợ bác Trứ hỏi, tôi phải nói dối là ổng quên mua.
Ngữ vừa cố cởi hạt nút nhựa ra khỏi cái khuy chật trên ngực áo người chết, vừa ngước lên hỏi:
– Rồi ổng có biết không? Quái! Mở mãi không được hạt nút. Anh đưa cái dao găm cho tôi.
– Chi thế?
– Chuyền cho tôi xị rượu cồn. Thôi, dùng dao cắt quách cái khuy cho tiện. Ðằng nào cũng phải dùng áo thấm rượu cồn để lau mình mẩy ổng. Bông băng có còn tí nào đâu!
Thành đặt cuốn sổ tay xuống nền xi măng sát vách, đem tới cho Ngữ xị cồn đã lưng quá nửa, nhưng không nhặt con dao găm ở gần đó lên.
Thành đến quì cạnh Ngữ nói:
– Anh để tôi cởi cho. Chôn trần ổng không tiện.
Ngữ thấy Thành nói có lý, ngồi xê ra sau cho bạn cố mở cái nút áo treillis. Cuối cùng, anh hạ sĩ mở được. Thân trên của thượng sĩ Trứ gầy gò, xương quai xanh và xương sườn nổi rõ dưới lớp da xanh xám lạnh ngắt. Vết thương ở dưới vú trái từ sau lưng trổ ra một lỗ lớn ở trước ngực, tạo thành một lỗ vỡ loét. Máu đã khô ở chung quanh vết thương, một vệt máu khô chạy dài từ chỗ đạn thoát ra đến hông trái. Ngữ thắc mắc hỏi:
– Lấy gì thấm cồn lau mình cho ổng đây?
Thành nhìn quanh dáo dác tìm. Căn phòng xác bừa bộn, nhưng không có mảnh vải nào thừa cần thiết cho Thành. Anh hạ sĩ nhổm dậy, đến nhặt con dao găm. Ngữ cười, định chế giễu bạn. Nhưng chàng kịp thời dừng lại kịp khi thấy Thành cởi cái áo trận của mình ra, cắt phăng hai ống tay áo.
Hai người chia nhau lau rửa toàn thân ông thượng sĩ. Mùi alcool nhà thương tràn ngập căn phòng. Ngữ lo rửa phần trên thi hài ông Trứ, Thành cởi dây nịt, luồn tay lau phần hạ thể của ông, không nỡ cởi cái quần nhà binh bẩn ra để ông phải trần truồng. Một lúc lâu không ai nói với ai lời nào. Ngữ thấy lòng nặng trĩu, tìm cách nói gì đó cho đầu óc bớt ngầy ngật. Chợt nhớ chuyện cuốn sổ tay, Ngữ hỏi:
– Vụ gói kim châm về sau ra sao?
Thành ngước lên, ánh nhìn ngỡ ngàng vì chưa hiểu Ngữ nói gì. Sau khi nghe bạn nhắc lại câu hỏi, Thành mỉm cười:
– Bà già thật dữ! Bả tức tốc đi xe đò vào hỏi ổng cho ra lẽ.
– Xong phép, anh mệt với ổng đa!
Giọng Thành rạn đi vì cảm động:
– Không! Ông biết tôi gặp trục trặc gì đó, nhận lỗi hết! Từ đó mới biết bụng dạ ổng tốt! Anh đã biết chỗ chôn ổng ở đâu chưa?
– Chưa. Chắc gần chỗ mộ ông đại úy Mịch!
– Chỗ đó gặp đất cứng quá, đào không sâu.
– Đàng nào cũng gửi tạm rồi gia đình cải táng liền. Miễn là tìm thứ gì ghi rõ tên tuổi cho người nhà dễ nhận, lỡ ra…
Ngữ không nói tiếp ý tưởng thoạt đến trong đầu. Nhưng Thành hiểu. Hai người không ai nói gì nữa, lặng lẽ gài lại dây nịt, cài nút áo chỉnh tề cho người chết. Thành cố đè vào môi trên của ông Trứ để miệng ông hết há hốc, giơ hàm răng vẩu đã rụng mất hai cái răng cửa hàm dưới, nhưng không được, Ngữ nói:
– Phải có lửa hơ và bóp rượu mới nắn lại các thớ thịt được.
Thành lắc đầu chầm chậm, chán nản thất vọng. Giọng Thành hối tiếc:
– Giá còn nến thắp cho ổng một cây!
Có tiếng chân bước lạo xạo bên ngoài vách tôn nhà xác. Một người hỏi vào:
– Xong chưa? Có cần gì thêm không?
Thành nhận ra giọng trung úy Đức, hỏi:
– Chôn ổng ở đâu, trung úy?
Viên sĩ quan không vào, chỉ bảo:
– Ở đâu tiện thì thôi. Coi chừng tụi nó bắn sẻ!
Rồi bước chân xa dần.
Hai người hì hục đào khuôn huyệt suốt gần hai tiếng đồng hồ, Thành mới tạm bằng lòng chiều sâu của ngôi mộ. Ngữ thấy trong hoàn cảnh bất thường này, giữa lúc sương đêm lạnh như cắt bao phủ khắp nơi, lâu lâu lại có những loạt đạn tắc cù tai bay vạ gió, đòi hỏi của Thành có gì quá đáng, không thức thời. Nhưng qua vẻ lầm lì của bạn, Ngữ hiểu quyết tâm của Thành, nên không nói gì. Ban đầu, sương giá làm ướt quần áo hai người. Càng về sau, chính hơi nóng thân thể làm khô sương đêm, rồi mồ hôi làm ướt hai bộ treillis.
Đào xong huyệt, họ mới trở vào gói xác. Tấm poncho nhớp nhúa được trải rộng, dây poncho tháo ra để buộc xác. Cả Ngữ và Thành đều lúng túng không biết phải buộc thế nào cho đủ chiều dài đoạn dây ni lông không đầy hai thước. Ngữ đề nghị cắt đôi đoạn dây để buộc thi hài ông Trứ ở cổ và đôi cổ chân, nhưng Thành không chịu. Cuối cùng, họ chỉ buộc được hai vòng ở chân và hông. Vì vậy, họ gặp thật nhiều khó khăn lúc chuyển xác. Ngữ nắm ở đằng chân khá thuận lợi, còn Thành lúng ta lúng túng đi trước đỡ phần vai thi hài. Mấy lần anh hạ sĩ suýt vấp ngã hoặc sẩy tay có thể để rơi xác chết. Nhưng lần nào Thành cũng gượng lại được. Xác chết đã cứng, nên việc đặt xuống đáy huyệt đỡ vất vả. Chỉ có một chiếc cuốc nhà binh cán xếp nên hai người thay phiên nhau lấp đầy khuôn huyệt, trong lặng lẽ và trong tiếng gió đột ngột rít từng cơn dài. Xong việc, cả hai mệt nhoài, thất thểu trở lại nhà xác. Trong nửa giờ vắng mặt, đã có hai cái xác mới không biết khiêng từ đâu đến. Ngữ không nhìn được mặt hai xác chết vì một xác đắp bằng tấm áo mưa nhựa dân sự màu xanh lơ, một xác phủ bằng cái mền nhà binh màu rêu. Thành nói:
– Chắc bị thương nặng từ hôm qua, chứ từ tối tới giờ có đụng lần nào đâu!
Ngữ gật đầu. Thành nhặt nhạnh những đồ đạc vặt vãnh của ông Trứ nhét vào bọc quần nhà binh của mình. Ngữ hỏi:
– Đói không? Chỗ tôi còn hộp ration C.
Thành lắc đầu, hỏi lại:
– Ðã tới phiên anh ra công sự chưa?
Ngữ nhìn đồng hồ:
– Gần sáng rồi. Ðược nghỉ hơn một giờ nữa!
Thành do dự, rồi nói:
– Anh về chỗ tôi nghỉ tạm. Có cái ghế bố thằng Thành chết tối hôm qua bỏ lại.
Hai người lính bước vào nhà xác, đem theo những thứ Ngữ biết là họ chuẩn bị khâm liệm “dã chiến” cho hai người tử thương nằm kia. Chàng và Thành rời nhà xác. Bên ngoài, chưa sáng. Nhưng súng lại bắt đầu nổ, ngày càng dày.
Nguyễn Mộng Giác
Số lần đọc: 135