( Đường Một Chiều – Chương 6 – Nguyễn Mộng Giác)
Bữa cơm trưa thật thầm lặng, rã rời. Tôi chỉ và vài miếng, rồi bỏ đũa xuống. Miếng cơm trong miệng trệu trạo vô vị, tôi tưởng như mình đang nhai rơm, nhai giấy. Thấy tôi bỏ đũa, thằng Nô cũng bắt chước:
– Ba không ăn, con cũng không ăn. Con giống ba hả ba!
Con Ty cũng nhanh nhẹn không kém:
– Con cũng không ăn nữa.
Thấy nguy, tôi gắt lũ nhỏ:
– Cầm đũa lên đi! Đứa nào không ăn đủ hai chén, chiều nay ba không cho đi nữa.
Thằng Nô vẫn nhanh hơn con chị:
– Thì con ăn cho hết chén cơm này là đủ hai. Chiều ba bắt con Ty ở nhà cho đáng kiếp.
Ty thắc mắc:
– Ba coi kìa. Nó nhỏ mà dám gọi con là con Ty. Mẹ dặn phải gọi là chị Ty. Còn con thì phải gọi nó là em Nô.
Thằng Nô quay lại trả đũa:
– Đó. Chị Ty cũng hỗn đó ba. Dám gọi con là “Nô”. Mẹ dặn Ty gọi con là em mà.
Ty chồm hẳn qua bàn ăn xỉa đũa vào mặt Nô:
– Bộ mày lễ phép lắm đó, thằng ranh. Mày đâu có kêu tao là chị. Cứ kêu Ty này Ty nọ trống trơn à.
Thấy tình thế càng ngày càng căng thẳng, Ly chen vào:
– Mấy đứa nhỏ ồn quá. Có ngồi xuống ăn hết cơm đi không.
Có lẽ Ty và Nô còn sợ Ly hơn cả tôi, nên chúng riu ríu vâng lời. Mặt mày đứa nào cũng bị xị, cúi gằm lên chén cơm trắng. Tôi tìm cách an ủi chúng, nghĩ đến cái khổ dằng dặc về sau của những đứa trẻ mất mẹ:
– Hai con ăn cho chóng xong đi. Ty con có cần gắp cá thêm không, Ly gắp thêm cho em một con cá nục. Còn Nô rán ăn cho xong đi cho giống ba.
Được hỗ trợ hết mình, Nô bạo dạn trở lại, đưa ra nhận xét:
– Con hơn ba chớ bộ. Ba ăn có nửa chén chứ mấy. Con ăn xong chén này là hai chén.
Ly lặng lẽ xuống bếp gắp thêm đồ ăn. Nhìn từ phía sau, với đôi vai hẹp và xuôi, với mái tóc chải gọn úp vào cái ót nhỏ trắng, bộ đi chậm và hơi mệt mỏi, Ly có vẻ già hơn cái tuổi 14.
Tôi bùi ngùi thương hại Ly, và sau nỗi bùi ngùi, lại nhớ đến cái lỗi to lớn của mình đối với con bé. Cho nên khi Ly trở lên, tôi muốn nói với Ly bất cứ điều gì, như một cách làm hòa, như một lối gây thân. Tôi hỏi nhỏ:
– Trong nhà mình còn nhang không Ly?
Ly trả lời:
– Thưa ba, còn.
– Khi sáng con có thắp nhang trên bàn thờ má không?
Ly đưa mắt ngạc nhiên nhìn tôi:
– Chính ba nhắc con mà. Ba quên rồi à!
Tôi cười, cố làm qua đi để đánh tan không khí tang tóc, u ám bao trùm quanh quất gia đình này từ sau phiên tòa buổi sáng:
– Ba lú lẫn thế thì thôi! Phải. Chính ba bảo con thắp nhang vái má, để má soi sáng cho những người xử án, bắt kẻ có tội phải đền tội. Con ăn xong, lên thắp thêm nhang trên bàn thờ má, nghe không.
Ly ngại ngùng trước khi gật đầu. Rồi bữa cơm đạm bạc cũng qua. Tôi buộc hai đứa lớn đi ngủ, trong khi Ly cho bé Mi bú. Buổi sáng, con Gái ở nhà giữ em vô ý thế nào để cho Mi lật té xuống đất, cục u còn đỏ trên cái trán nhỏ. Thấy gương mặt tội nghiệp của bé, hồi trưa về Ly ôm nó khóc ròng, xuýt xoa quắn quít không hiểu khi té, con Mi có bị chạm vào chỗ nhược nào không.
Tôi cũng nằm một chút cho thần kinh bớt căng thẳng. Căn nhà yên lặng. Tôi nghe thấy tiếng dép quen thuộc của Ly đi từ buồng trước xuống bếp, bước đi thật nhẹ hình như sợ đánh thức giấc ngủ mong manh của đứa em út. Con Gái đang lo rửa chén phía gần ang nước. Tôi nghe Ly hỏi Gái:
– Nấu lại bình sữa chưa?
Con Gái trả lời:
– Rồi. Đợi nhắc hả!
– Rửa chén bát gần xong chưa?
– Đang làm không thấy sao?
Giọng con Ly thấp xuống, như do dự lắm:
– Gái này!
– Cái gì?
– Cho nhờ một chút nghe!
– Cha! Bữa nay làm bộ lễ phép dữ. Rào trước đón sau như bà chủ non.
– Nói nhỏ để ba ngủ. Đem rổ chén ra phơi nắng đi.
– Chờ rửa xong đã chứ.
– Làm xong lên bàn thờ đốt nhang cho má giùm chút.
Con Gái ngạc nhiên hỏi lại:
– Chớ ngồi làm gì đó không lên thắp nhang đi.
Ly không trả lời, ầm ừ cho qua. Con Gái hỏi:
– Không có hộp diêm hả. Ở gần chỗ cái rề sô kia. Ly dứt khoát trong giọng nói:
– Không. Tự nhiên nghe mùi nhang khó chịu, ngây ngây.
Con Gái reo lên:
– Làm bộ hoài “bà chủ non”. Làm biếng nói đi cho rồi.
Tôi nghe con Gái cứ gọi Ly là “bà chủ non” hoài, bắt tức cười. Quả thật Ly đã đổi hẳn cách cư xử từ khi thay mẹ giữ quyền quản gia. Cách ăn nói mạch lạc đanh thép hơn. Cách đi đứng trang trọng nghiêm chỉnh hơn. Nhất là cái lối kéo dài một vài chữ trong câu nói ra, kênh kiệu hoặc dịu dàng tùy theo hoàn cảnh. Chợt tôi nghĩ đến gánh nặng của Ly, quán xuyến lo hết mọi việc trong nhà từ tiền bạc, gạo mắm, dầu đèn, muối sữa, cho đến cái áo, cái quần của các em, từ số chi tiêu lớn như đóng mấy cái huê chết của má để lại cho đến chi tiêu nhỏ như mua nén nhang thơm đốt cắm lên lư hương bàn thờ má. Ờ, mà sao Ly lại ngại ngùng trong cái chuyện nhỏ tí ti là thắp nhang cho má. Thật lắm chuyện! Hình như bên ngoài con Gái không chịu vâng lời nên Ly đi lên phòng khách. Tôi lắng nghe nhịp bước của Ly. Hết lười nhé! Dù làm bộ làm tịch thế nào chăng nữa, con vẫn là một đứa trẻ con, biết không Ly. Tôi mỉm cười nói thầm. Nhưng tôi đã đoán lầm, Ly lên đến phòng giữa thì dừng lại. Hình như Mi vừa trở mình vì có tiếng Ly ru à ơi rã rời, lạc lõng trong không khí chói chang lặng lẽ của trưa nóng.
Tôi chợt thức dậy lúc 2 giở 15. Lũ con còn đang ngủ. Sợ không kịp sữa soạn đến tòa, tôi thức Ty và Nô dậy. Trong khi hai đứa còn nằm rán dụi mắt, tôi ra phòng ngoài thức con Ly. Ly nằm ở mép giường, chận không cho Mi lật té, mặt úp vào cái gối xanh.
Tôi gọi:
– Dậy thôi Ly.
Ly từ từ quay lại, mắt ráo hoảnh không có chút gì ngái ngủ.
Tôi ngạc nhiên hỏi:
– Con không ngủ à?
– Dạ con chỉ nôn nao làm sao ấy. Không ngủ được, ba này!
– Cái gì Ly?
– Hồi sáng ông luật sư hỏi nhiều câu hỏi tầm bậy quá.
Tôi không muốn nhớ lại những ác ý ghê tởm của luật sư, nói cho qua:
– Phận sự của họ mà con. Thôi. Vào thức các em dậy thay đồ cho nó.
Ly hỏi:
– Thay đồ? Thay đồ thường không mặc đồ tang nữa hả ba?
– Mặc áo tang chứ!
– Con thấy họ cứ nhìn gia đình xầm xì, bắt khó chịu. Hay chiều nay mình mặc áo thường, chỉ đeo băng tang mà thôi.
Ly đề nghị hợp ý tôi. Tôi gật đầu. Ly reo lên vui mừng. Tôi kinh ngạc không hiểu vì sao con bé đột nhiên vui sướng vì một chuyện không đâu. Đúng là trái chứng “một bà chủ non” muốn làm người lớn trong khi thân hình và tâm hồn còn bé bỏng nhỏ nhoi.
***
Chúng tôi đến tòa sớm mười phút và may mắn vẫn ngồi được ở phần ghế dành cho nhân chứng nghĩa là ở ngay phía trước khán đài. Khung cảnh phiên tòa cũng như buổi sáng. Người dự khán vẫn đông, thánh phần xử án vẫn bảy người . Chỉ có một điểm khác biệt lớn là nét mặt người nào cũng phảng phất vẻ ngái ngủ dã dượi.
Sau các nghi thức thông thường, thừa phát lại bắt đầu gọi tên các nhân chứng để họ lần lượt khai trước tòa. Đầu tiên là ông Trần Viết Tích.
Ông cụ thân sinh của Ninh vội vã bước lên trước bục xử án. Ông mặc cái quần tussor vàng, cái áo sơ mi xanh. Tóc bạc lốm đốm đây đó, nhưng nét mặt còn hồng hào mạnh khỏe. Ông chánh thẩm hỏi:
– Nhân chứng có bà con gì với bị can không?
Giọng của cụ Tích rổn rảng:
– Thưa quí tòa, tôi là cha nó.
Ông chánh thẩm gật đầu, suy nghĩ một chút rồi hỏi:
– Tòa chỉ hỏi nhân chứng vài câu thôi. Tính tình của bị can, tức là tính tình của hạ sĩ Trần văn Ninh trước khi bỏ nhà đi lính thế nào?
– Dạ trăm sự đều do con vợ nhà tôi hết. Tôi bảo con trai đừng có nuông chìu nó quá mức, lớn lên nó hư thân mất nết đi. Con vợ tôi nó không nghe. Giữ nó ru rú trong nhà, giữ còn hơn cả hũ mắm treo đầu giàn. Cho nên thằng nhỏ cứ nhút nhát sợ sệt, không dám ăn không dám nói gì với ai, cả ngày cứ ro ró trong nhà, hết ngủ lại ngồi đọc rì rầm, hết đọc lại ngủ.
Tôi con nhà làm ăn, xách xe lên núi lên rừng coi quản phu phen, xách xe đi giao gỗ cho nhà thầu, nhiều khi cả tuần chạy ngoài đường hết sáu bữa. Về nhà thấy thằng con trai một của mình mềm như sợi bún, tôi rầu quá sức.
Giọng tâm sự và lời khai chân tình của cụ Tích làm ông chánh thẩm mỉm cười, còn mọi người cười ồ lên. Nhờ thế phòng xử bớt nóng nực và một vài người thửa cơ lấy quạt giấy quạt phành phạch.
Ông chánh thẩm hỏi:
– Rồi khi bị can trốn nhà đi lính, nhân chứng có giận không?
– Hồi đó mà tôi bắt được, thì tôi xé hết sách bắt nó theo làm lơ cho mấy cái xe be của tôi.
– Giận thì nói vậy, chứ sau này nguôi ngoai nhân chứng cũng gởi tiền cho con đều đều chớ?
– Đời nào tôi gởi cho một xu.
– Nhưng nhân chứng có biết là bà Nguyễn thị Thỏa, vợ của nhân chứng, đã gởi tiền cho hạ sĩ Trần văn Ninh không?
– Dạ biết.
Cả phòng lại cười ồ, đoán bên trong cái giọng hùng hổ, cụ Tích còn có một giọng mềm mại hơn, giọng của một người sợ vợ.
– Thôi được. Cho gọi nhân chứng Nguyễn thị Thỏa.
Mẹ của Ninh chạy le te lên trước tòa dáng nhỏ nhắn tương phản hẳn với bộ dạng hộ pháp của chồng. Cụ Tích trở về chỗ ngồi, gặp vợ giả bộ làm ngơ như một người xa lạ. Cả phòng lại cười ào ào. Ông chánh thẩm đập búa tái lập trật tự, rồi hỏi:
– Mỗi tháng nhân chứng gởi cho con bao nhiêu?
– Dạ không chừng, khi năm ngàn, khi ba ngàn.
– Hạ sĩ Ninh gởi về than túng nên mới gởi cho, hay là nhân chứng sợ con túng nên gởi trước.
– Nó gởi thư bảo không cần tiền nhiều vì không có gì tiêu cả. Nhưng sợ nó ngại không dám xin, tôi cứ gởi.
– Cảm ơn cụ.
Thừa phát lại chờ bà mẹ của Ninh về tới chỗ Ninh ngồi, mới gọi tiếp nhân chứng mới.
– Nhân chứng Lê Trọng Luật.
Luật đến trước tòa chào kính và xưng tên, số quân, cấp bậc. Ông chánh thẩm hỏi:
– Nhân chứng có bà con gì với bị can không?
Luật trả lời:
– Dạ thưa không.
– Vậy thì nhân chứng hãy giơ tay thề là sẽ nói sự thật không sợ hãi hay vì áp lực.
Luật ríu ríu vâng theo, lời thề ấp úng thiếu hẳn sự cương quyết. Ông chánh thẩm hỏi:
– Nhân chứng quen với bị can lâu chưa?
– Dạ thưa từ hai năm nay, từ hồi chúng tôi còn làm bên ban quân xa.
– Quen thân hay quen sơ?
Luật không biết trả lời thế nào, cố tìm một cách giải thích tạm được:
– Dạ biết… Biết nhau vậy thôi. Lâu lâu rủ nhau đi uống nước đi phố.
– Tối 17-5, nhân chứng mời bị can tới quán nhậu, hay bị can mời nhân chứng tới quán nhậu?
– Dạ… Chúng tôi đi chơi phố, tôi với Tiên và Thành đi chơi phố gặp Ninh nó lái xe chạy qua. Chúng tôi kêu lại hỏi đi đâu. Nó bảo đi dạo mát. Tôi nói cần gì đi đâu, vào tìm cái gì mát mát uống tán dóc chơi. Rồi chúng tôi vô quán Thanh Vân.
Ông chánh thẩm hỏi liền:
– Rồi bốn người “tán dóc” những gì?
Luật bối rối, không biết phải nói gì trước gì sau:
– Dạ… Dạ nói đủ thứ chuyện. Đứa thì than mới nay đã hết lương tháng sau. Đứa thì than buồn. Ninh than đời chán ngắt không biết làm gì cho hết ngày hết tháng. Tiên chỉ cái xe Jeep đậu trước quán nói: mày lái xe của thiếu tá đi tà tà than nỗi gì.
– Rồi ai khen bị can “tốt số”.
– Dạ không nhớ ai. Nhưng hôm đó chúng tôi khen thật tình chứ không có gì giễu cợt.
– Rồi ai gọi bị can là “ông chủ”?
– Dạ tôi không nhớ ai.
– Sao bị can khai là chính anh gọi anh ta là “ông chủ”?
– Dạ đâu có. Tôi chỉ hỏi: Lái xe “ông chủ” đi chơi ngon lành héng?
Ông chánh thẩm hỏi dồn:
– Rồi ai gọi bị can là “thiếu tá trừ bị”?
– Dạ không ai gọi như vậy hết.
– Chắc không?
– Dạ thưa chắc. Có lẽ Ninh nó hơi say nên nghe lầm. Tôi chỉ hỏi: Thiếu tá chưa về hả? Thành hỏi tiếp: Ổng là thiếu tá hiện dịch hay trừ bị mà lâu lên vậy.
Có lẽ các câu trả lời của Luật suông sẻ nhanh nhẩu, như có xếp đặt cẩn thận trước khi cung khai.
Ông chánh thẩm thấy không làm gì được để bắt nhân chứng khai thật, bèn gọi Tiên và Thành ra hỏi. Tiên trả lời:
– Dạ hôm đó tụi em chỉ ngồi uống nước, không nói gì chạm đến danh dự thiếu tá Lộc. Chỉ có Luật là cười cợt đùa giỡn với Ninh.
Ông chánh thẩm hỏi:
– Cười chuyện gì?
– Dạ thưa Luật hỏi “bà chủ” đâu không đi dạo mát luôn thể!
– Theo ý nhân chứng thì lúc đó chữ “bà chủ” của Luật ám chỉ ai?
Tiên khựng lại, không biết trả lời thế nào. Không thể dằn được, hắn quay lại nhìn về phía tôi. Ông chánh thẩm giục, Tiên đáp:
– Dạ thưa tôi không hiểu.
Còn Thành thì nói thẳng là chính Luật đùa cợt gọi Ninh là “ông chủ”, là “thiếu tá trừ bị” và đã gọi như vậy từ lâu. Ông chánh thẩm hỏi:
– Anh có sẵn sàng đối chất với nhân chứng Luật không?
Thành quả quyết:
– Thưa sẵn sàng.
Ông chánh thẩm nói:
– Thôi không cần. Tôi biết đủ rồi.
Ông chánh thẩm truyền cho thừa phát lại gọi Ly. Con bé giật mình, nhìn tôi đôi mắt cầu cứu van lơn một cách tuyệt vọng như đôi mắt con vật trước khi bị cắt tiết. Ly không đứng dậy hai tay vẫn ôm chặt lấy Nô. Ông thừa phát lại gọi một lần nữa. Tôi phải đập vai Ly bảo:
– Con cứ lên đi. Lên để bảo vệ danh dự của má. Không việc gì mà sợ.
Câu nói khiến Ly bậm môi lại, cương quyết đẩy Nô sang phía tôi, đứng dậy. Lúc giơ tay thề, giọng của Ly vỡ ra. Tôi tưởng tượng một lọ sứ cổ quí giá da rạn vì thời gian, và thương xót cho tâm hồn vừa cương nghị vừa yếu đuối của Ly. Ông chánh thẩm dùng một giọng thân ái nhỏ nhẹ hỏi:
– Con nói thật rõ cho tòa biết nhé. Đêm hôm 17-5, lúc bị can tức là hạ sĩ Ninh đó, lúc hạ sĩ Ninh kêu tên con gọi cửa, con còn thức hay đã ngủ?
– Dạ con còn thức.
– Vậy thì sao con không ra mở cửa, để mẹ phải chạy từ phòng sau ra mở cửa thế?
– Con vừa định len lén rút tay ngồi dậy, vì lúc đó em Mi gối đầu lên cánh tay mặt của con, con vừa định dậy thì má đã chạy ra mở cửa rồi.
– Lúc má mở cửa, con thấy hạ sĩ Ninh thế nào?
Ly không hiểu câu hỏi, hỏi lại.
– Dạ sao ạ?
– Con thấy hạ sĩ Ninh có vẻ gì say sưa chếnh choáng không?
Ly nói một mạch:
– Dạ thưa có. Con thấy mặt anh Ninh đỏ gay, giọng nói lè nhè. Khi má gài then cửa, anh đi vào, bước chân ngả nghiêng, suýt tí nữa ngã vào bàn học và xô vào cái thanh treo mùng của con.
– Lúc ấy hạ sĩ Ninh nói gì?
– Con không nghe được vì giọng nói đã khác. Má tức giận hỏi: “Sao bây giờ mới về?” Anh Ninh nói gì đó trong miệng, cũng không thèm cảm ơn má đã mở cửa cho nữa. Tuy vậy má vẫn không giận, đến thăm chừng em Mi có giật mình hay không, cái mùng có kín không rồi mới về lo ngủ tiếp.
– Sau đó, khi hạ sĩ Ninh trở xuống, con có biết không?
– Dạ không.
– Khi má con la lên, hoặc khi nghe hai em Ty và Nô khóc, con có giật mình thức dậy chứ?
– Dạ có.
– Sao con không chạy vào tiếp cứu cho má?
– Con sợ quá tưởng có ăn cướp đến giết người.
– Rồi khi hạ sĩ Ninh nắm tóc lôi má đi qua phòng con, con có thấy không?
– Dạ có.
– Vì sao lúc ấy thấy rõ không phải là bọn cướp, thấy rõ chỉ có hạ sĩ Ninh mà con cũng không la lên?
– Dạ con cũng sợ nữa. Lúc ấy đâu phải là anh Ninh hằng ngày. Tóc bù xù, mắt trợn, mặt đỏ gấc. Con nghĩ anh ấy phát điên, nên má vùng vẫy chống cự, anh ấy cứ nắm tóc má lôi đi.
– Má chống cự thế nào?
– Má vùng vằng cái đầu, má lấy tay cào cấu vào trong mặt anh Ninh. Nhưng anh ấy nhất định lôi tuột má ra phòng khách.
– Rồi mãi tới lúc nào con mới biết má đã bị giết?
– Con hồi hộp lắng nghe xem anh Ninh có thả má ra không. Con chờ một lúc lâu, nhưng không nghe thấy gì hết. Đến lúc có tiếng xe Jeep nổ máy, chắc chắn anh Ninh đã bỏ đi, con mới chạy ra thăm, má đã chết rồi.
Ông chánh thẩm chắc đã cho là tạm đủ, quay sang bốn ông phụ thẩm hỏi gì đó. Họ lắc đầu. Ông hỏi luật sư. Luật sư nói:
– Xin ông chánh thẩm hỏi giùm nhân chứng là buổi tối hôm ấy bà Lộc mặc áo gì?
Ly không quen với cách hỏi cầu vòng của tòa, đứng ngơ ra. Mãi một lúc, thấy mọi người chờ mình trả lời, Ly mới nói:
– Dạ má thường mặc áo lụa lèo vào ban đêm. Má có tới ba cái áo lụa tay cánh.
Luật sư vội hỏi:
– Loại lụa hay nhăn đấy phải không?
Ly thật thà giải thích:
– Dạ, mỗi lần ủi phải nhúng ướt cả áo, tốn điện lắm. Mặc vài giờ là nhăn liền. Má ham rẻ mà quên giá điện đắt.
Luật sư gật đầu bằng lòng, rồi hỏi tiếp:
– Xin ông chánh thẩm hỏi giùm nhân chứng: khi bà Lộc ra mở cửa, bà có hỏi hạ sĩ Ninh thế này: “Sao bây giờ hạ sĩ mới về”. Phải thế không?
Khi hỏi, Luật sư cố nhấn mạnh ở hai tiếng hạ sĩ cho Ly chú ý. Quả nhiên, Ly cãi liền:
– Không phải . Má không bao giờ kêu anh Ninh như vậy.
– Thế má Ly kêu hạ sĩ Ninh bằng “chú” phải không?
– Dạ cũng không phải . Má coi anh Ninh như em.
Luật sư chộp ngay lấy câu trả lời, hỏi dồn:
– Tối hôm ấy có phải Ly nghe rõ má nói: “Sao bây giờ em mới về?” Phải không?
Ly không muốn trả lời, nói quanh:
– Dạ phải, nhưng mà…
Luật sư nói lớn:
– Thôi đủ rồi. Xin cám ơn ông chánh thẩm.
Sau khi ủy viên chính phủ bảo không cần hỏi gì thêm, Ông chánh thẩm cho Ly trở về chỗ cũ. Ly ray rứt bảo tôi:
– Con muốn nói, con muốn nói… nhưng…
Thấy tâm hồn con bé dao động quá mức, tôi ngăn Ly lại:
– Không sao đâu. Con khai như thế ba với má vui lòng lắm.
– Nhưng con sợ người ta…
Tôi cắt lời Ly lần nữa:
– Có gì đâu mà sợ.
Vừa lúc đó thừa phát lại mời trung úy y sĩ lên làm chứng. Ông chánh thẩm hỏi:
– Theo kiến thức chuyên môn của nhân chứng, thì nạn nhân chết vì lý do gì?
Y sĩ trả lời rõ ràng:
– Lúc chúng tôi tới thì xác nạn nhân chưa cứng. Nạn nhân nằm ngửa, hai tay và hai chân duỗi thẳng. Mắt mở trừng trừng, vẻ khiếp hãi còn trong cái nhìn và nét mặt. Nước dãi chảy ra ở khóe miệng. Có nhiều dấu xây xát ở vai và nhiều vết bầm ở cổ. Trông nét mặt nạn nhân, nhất là dấu bầm nơi vành cổ, chúng tôi biết ngay là nạn nhân chết vì ngộp thở. Hung thủ đã dùng tay bóp cổ nạn nhân.
– Có thể giả thuyết một nguyên nhân nào khác được không? Chẳng hạn nạn nhân bị tim, hay động kinh chẳng hạn.
Y sĩ quả quyết:
– Dạ không thể được. Tuy dấu bầm trên cổ và bộ mặt cố gắng tranh đấu để cướp lại hơi thở của nạn nhân đủ nói rõ, nhưng do thói quen nghề nghiệp, tôi cố tìm đến các dấu hiệu khác. Chẳng hạn tôi nghĩ: có thể nạn nhân bị một cơn động tim mà chết.
Nhưng người bị tim nặng thì đầu ngón tay hơi to lên, vẻ mặt cũng khác. Còn nếu nạn nhân bị đánh vào đầu mà chết, thì hai con ngươi không giống nhau. Nạn nhân chỉ có thể chết vì bị bóp cổ mà thôi.
Ông chánh thẩm quay sang hỏi ủy viên chính phủ. Viên trung úy lắc đầu cảm ơn, khi hỏi đến luật sư, ông này đứng dậy nói:
– Xin ông chánh thẩm hỏi giùm y sĩ nhân chứng là theo sách vở y khoa, một người phải bị ngộp thở trong bao lâu mới chết hẳn.
Y sĩ trả lời:
– Theo kinh nghiệm y khoa chứ không phải theo sách vở y khoa, thì phải bị ngộp từ 20 đến 30 phút, người ta mới chết.
Luật sư nói:
– Xin quý tòa làm một bài toán cộng. Bị can đi nhậu với ba người bạn lúc hơn 10 giờ. Nói năm điều ba chuyện độ 15 phút. Đi dạo quanh độ 15 phút. Về nhà kêu cửa lên gác ngồi bần thần độ 10 phút. Vị chi 40 phút qua, xuống nhà đôi co với nạn nhân ít ra 10 phút nữa. Vị chi 50 phút…
Ông chánh thẩm mất bình tĩnh, nhận xét:
– Xin Luật sư hỏi gọn cho. Chưa đến lúc biện hộ cho bị can.
Luật sư vội nói:
– Xin lỗi ông chánh thẩm. Tôi xin hỏi gọn: trung sĩ Kha quả quyết lúc 11 giờ kém 5, một nhân chứng mới đến báo cho biết bà Lộc chết. Như vậy còn chừng 5 phút hoặc không đầy 5 phút (vì phải trừ thời gian ông Trần Thái đi từ nhà đến đồn quân cảnh) để bị can giết người. Thưa ông chánh thẩm. Xin ông chánh thẩm hỏi giùm y sĩ nhân chứng là bóp cổ một người vài phút nạn nhân chết được chưa?
Y sĩ trả lời:
– Chắc chắn là chưa.
– Như vậy xin y sĩ xét lại giả thuyết, nạn nhân vì kinh sợ mà bị lên cơn động tim được không?
– Người đau tim phải đến thời kỳ nào đó mới dễ dàng chết thình lình như vậy. Luật sư có thể hỏi gia đình nạn nhân xem trước đó bà Lộc có thường bị đau tim không?
Luật sư cám ơn, trở về bàn mình. Ông chánh thẩm lớn tiếng gọi:
– Nhân chứng thiếu tá Lê văn Lộc.
Tôi chờ giờ phút này đã lâu. Đến lúc phải lên làm chứng tôi vẫn hồi hộp e ngại. Tôi nhìn Ly có lẽ để cầu cứu lại con bé, rồi mới đủ can đảm đứng dậy. Sau khi làm đủ mọi thủ tục, ông chánh thẩm mới hỏi:
– Nhờ nhân chứng xác nhận trước tòa. Bà Thủy, vợ của thiếu tá có bị đau tim nặng không?
Tôi trả lời dứt khoát:
– Chưa bao giờ.
Ông chánh thẩm gật đầu nói:
– Xin cám ơn thiếu tá.
Tôi vừa định trở lại ghế ngồi, thì luật sư đã giơ tay lên hỏi. Tôi đành phải đứng lại, ghét cay ghét đắng cái bộ mặt đăm đăm hận thù và ác ý.
Luật sư nói:
– Xin ông chánh thẩm hỏi giùm nhân chứng: có phải vợ của nhân chứng, tức là bà Trần thị Thủy, có một đời chồng trước rồi phải không?
Tôi bực bội trả lời cộc lốc:
– Phải.
– Và bà Thúy có với người chồng trước một đứa con gái?
– Phải.
– Hiện giờ đứa con gái ấy có mặt ở tòa này, nhưng cha của đứa bé ấy hiện giờ ở đâu?
Thấy luật sư đem câu ấy ra trước tòa, tôi bối rối không biết phải nói gì đây. Tôi nghĩ bụng một lúc, cuối cùng đành thú nhận bừa:
– Chắc chết rồi.
– Thiếu tá có dám đoan chắc là ba của Ly đã chết rồi không?
Bấy giờ ông chánh thẩm lớn tiếng cắt ngang:
– Tòa nhận thấy những câu này không liên can gì đến vụ án.
Trung úy ủy viên chính phủ cũng đứng dậy phản đối:
– Xin ông chánh thẩm dùng quyền của mình cắt đứt các câu hỏi có ý bới móc đời tư của cá nhân, xâm phạm đến danh dự và quyền lợi của những kẻ vô can.
Luật sư đành cúi đầu cảm ơn, và trở lại chỗ cũ ngồi.
Ông chánh thẩm nhìn đồng hồ, rồi bảo thừa phát lại mời nhân chứng cuối cùng là ông Trần Thái. Ông chánh thẩm hỏi:
– Lúc nhân chứng tông cửa vào nhà nạn nhân, nhân chứng thấy gì?
Ông Trần Thái trả lời:
– Tôi thấy con nhỏ mặt mày thất thần, còn bà Lộc thì nằm sấp trên nền nhà, hai chân xuôi nhưng một tay bị kẹt dưới bụng. Tôi tra gạn hỏi con nhỏ, nhưng nó ú ớ không trả lời được. Trong lúc đó, mấy đứa kia khóc vang cả nhà. Tôi thấy nguy, một mình không làm được, bèn…
Hình như ông chánh thẩm thấy có gì bất bình thường trong lời khai. Đang lơ mơ nhìn lên trần một cách mệt mỏi, chán nản, đột nhiên ông cắt lời nhân chứng. Hỏi dồn:
– Ông nói sao? Ông vừa nói nạn nhân nằm sấp dưới nền phải không?
Ông Trần Thái ngợ một chút, rồi đáp:
– Dạ phải.
Ông chánh thẩm vội vã lật mấy tờ giấy đánh máy trong tập hồ sơ trước mặt. Ông nói gì đó với vị phụ thẩm bên cạnh. Cả hai châu đầu tìm kiếm. Cả tòa ngạc nhiên theo dõi, chờ đợi. Rồi ông chánh thẩm ngửng lên, hỏi:
– Trong cáo trạng quân cảnh tư pháp có viết trong biên bản: “Nạn nhân nằm ngửa, hai tay và hai chân dang rộng ra như một người đang nằm ngủ”. Sao ông lại bảo là lúc vô nhà, thấy nạn nhân nằm sấp?
Ông Thái không chút do dự:
– Tôi không lầm. Nạn nhân nằm sấp chứ không phải nằm ngửa. Mặt úp xuống gần cánh cửa ăn thông với phòng khách!
Một lần nữa, ông chánh thẩm trố mắt kinh ngạc. Tôi cũng tò mò, không hiểu ông Thái đang muốn vẽ vời thêm điều gì cho hấp dẫn làm quà cho những người hiếu sự ngồi lê đôi mách đây. Ông chánh thẩm hỏi dồn:
– Ăn thông với phòng khách? Thế nạn nhân nằm phòng nào?
Ông Thái nói liền:
– Dạ phòng con nhỏ lên khai hồi nãy. Phòng con Ly. Lúc tôi vào, con nhỏ út thức dậy đang khóc trên giường. Còn con Ly đứng bên xác mẹ.
– Sao biên bản ghi là nạn nhân nằm ở phòng khách?
Cả phòng xử xôn xao, không hiểu ai nói thật ai nói dối. Ông Thái quên cả nghi thức tòa án, lớn tiếng với đám đông bên dưới:
– Bà con không tin cứ hỏi lại con nhỏ Ly.
Ông chánh thẩm ra lệnh tái lập trật tự. Tôi quay sang hỏi Ly:
– Má bị giết ở đâu con?
Ly lạc thần, mặt xanh mét, môi run run không nói được. Vừa lúc ấy tòa gọi Ly lên đối chất với ông Thái. Ông chánh thẩm vẫn dùng giọng nhỏ nhẹ hiền hòa, hỏi như dỗ dành:
– Con hãy bình tĩnh để nhớ lại hết đi. Đừng có run sợ gì hết. Con rán bình tĩnh để cho tòa biết má con bị giết chết ở đâu?
Ly nghẹn ngào không trả lời được. Cả phòng kiên nhẫn chờ. Một lúc sau Ly mới nói được:
– Ở phòng của con.
– Thế sao sau đó, quân cảnh lại thấy má nằm trước phòng khách?
– Dạ vì mấy bác đem ra phòng khách đèn sáng hơn, dễ cấp cứu.
– Sao con dại vậy? Ninh bóp cổ má ngay trước mặt con, sao con không la kêu cứu để thằng say đó sợ thả má ra chạy trốn?
Ly không chịu nổi nữa, òa khóc trước tòa, vừa khóc vừa nói:
– Dạ tại con sợ quá, lưỡi líu lại không nói được. Má để con mở cửa thì đâu đến nỗi. Con vừa nhổm dậy, má đã chạy ra trước.
Tiếng khóc của Ly làm cho mọi người xôn xao. Ông chánh thẩm thấy không có quyền làm tình làm tội con bé nữa, ra lệnh dẫn nó về chỗ và tạm đình phiên tòa sáng mai.
Tôi đón ôm Ly vào lòng, vỗ về cho nó thôi khóc. Nhưng càng ngày nó càng khóc như không bao giờ còn tìm thấy niềm an ủi trên đời. Từ lúc bãi tòa cho đến khi về tới nhà, Ly nhắc đi nhắc lại mãi câu nói:
– Chỉ tại con mà ra hết. Lúc đó con la lên thì má con đâu có chết, chỉ tại con mà má con chết, phải không ba?
Nguyễn Mộng Giác
Số lần đọc: 4576