Nơi lưu giữ những tác phẩm của Nhà Văn Nguyễn Mộng Giác (1940-2012)

Nơi lưu giữ những tác phẩm của Nhà Văn Nguyễn Mộng Giác (1940-2012)

Mùa Biển Động – Chuơng 69

Bốn người lặng lẽ bước, không ai nói với ai lời nào. Thuấn và Sáu Lăng đi trước. Ngô theo sau, lạch ạch bước chậm ở cuối cùng là chị Miềng. Ngô thấy Sáu Lăng dẫn cả tổ về phía trường Gia hội, cảm thấy yên tâm hơn. Chàng nghĩ: “Có lẽ quân Mỹ hoặc Việt Nam Cộng hòa sắp mở cuộc tấn công ,nên phải ra sức đào hào chuẩn bị chiến đấu”.

Nhờ nghĩ như vậy, Ngô lấy lại bình tĩnh. Lúc ấy, chị du kích chạy nhanh cho kịp tới chỗ ba người đàn ông đi trước. Thân hình nặng nề, bước đi nặng nề, lại thêm khẩu AK trên vai, trông chị Miềng vất vả lắm mới theo kịp bọn đàn ông. Ngô nói đùa:

– Chị cần tôi mang súng hộ không?

Chàng cụt hứng, vì chị du kích không nói gì, chỉ cắm cúi bước nhanh theo cho kịp Sáu Lăng và Thuấn. Hơi thở chị du kích hào hễn mệt nhọc.

Càng gần đến trường, không khí càng có vẻ căng thẳng hơn. Cách vài chục thước, lại có một nhóm hoặc hai hoặc ba bộ đội cầm súng đứng gác. Họ cũng im lặng như những bóng ma, sự sống chỉ nhận ra được nhờ đóm lửa ở đầu điếu thuốc họ đang hút để chống lạnh.

Tuy nhiên, không khí bên trong khuôn viên trường không rộn ràng gay cấn như Ngô tưởng. Chỉ có một nhóm năm người bộ đội đã chờ sẵn ở đấy. Súng AK và khá nhiều gắp đạn cong đặt trên bàn thầy giáo của lớp học gần sân trường ở phía trái. Dường như Sáu Lăng giữ vai trò chính yếu trong công tác bố phòng và bảo vệ khu vực này, vì khi nhóm của Ngô tới, đám bộ đội có vẻ mừng rỡ. Họ chạy tới bu quanh Sáu Lăng và Thuấn, tíu tít hỏi:

– Chừng nào bắt đầu?

– Sao lâu thế?

– Có “sự cố” gì phỏng?

Sáu Lăng chậm rãi đáp, cố làm đúng phong thái một người chỉ huy bằng cách lừ mắt nhìn quanh cho mọi người yên lặng rồi mới nói:

– Không có gì trục trặc cả. Họ sắp dẫn đến. Chỉ có điểm đột xuất là con số đông quá.

Nhóm bộ đội lại nhao nhao hỏi:

– Bao nhiêu?

– Trên một trăm rưởi người.

Hầu hết đám bộ đội, kể cả Thuấn và chị du kích, đều ồ lên kinh ngạc. Một người bộ đội nói giọng Nghệ an khó nghe, nói:

– Một trăm rưởi, trong khi tụi này chỉ có năm người!

Sáu Lăng át giọng, hơi giận dữ:

– Có thêm bốn chúng tôi nữa là chín.

Anh bộ đội Nghệ-an-ưa-lý-sự cãi lại:

– Việc “xử lý” thì dễ, cái khó là sau đó!

Anh ta chỉ tay ra phía sân tối đen ngoài cửa sổ phòng học, nói thêm:

– Lấp cái hào rộng chừng ấy, với một nhúm người, đồng chí liệu trước chuyện đó chưa.

Một người bộ đội khác nói giọng Quảng trị:

– Lại thêm cái hố con bên cạnh nữa.

Ngô nghĩ thầm: “Một vụ xử lý phản động đây sao?” Chàng nhớ lời Diên kể hồi sáng, băn khoăn không dám tin dự đoán hãi hùng vừa thoạt đến trong đầu. Có lý nào? Hành quyết một hai tội nhân còn cần phải một tòa án nhân dân dù là tòa án sơ sài lập vội cho có, còn cần cả những đao- thủ-phủ chờ sẵn để cột tử tội, nhét giẻ hoặc nhét quả chanh vào mồm, kế họng súng vào đầu tử tội bóp cò, cắt dây buộc, khiêng xác đến huyệt, lấp đất…! “Xử lý” một tử tội, theo tưởng tượng của Ngô, không phải là một việc nhẹ nhàng. Huống chi Sáu Lăng vừa bảo có tới một trăm rưởi người!

Mày lú lẫn bậy bạ quá rồi! Ngô ạ! Mày khiếp nhược sợ hãi đến nỗi một cuộc huy động đông đảo nhân lực để xây hào chiến đấu, giữa tình thế khẩn trương như thế này, mày lại nghĩ quẩn thành một vụ hành quyết tập thể!

Ngô yên tâm hơn nữa khi nghe Sáu Lăng nói:

– …Đấy! Tôi đã có phương án sẵn. Họ tới, ta sẽ chia họ làm hai nhóm. Nhóm đông đảo, cứ cho là 140 người hoặc 130 người đi, “phụ trách” cái hào rộng đã đào sẵn hồi sáng. Nhóm còn lại chỉ cần chừng mười người, “lo” cái hố nhỏ. Tôi nghĩ 10 người cũng đủ. Các đồng chí cứ tin đi, không nặng nhọc lắm đâu. Tôi đã có kinh nghiệm công tác nhiều lắm rồi. Các đồng chí chỉ lo nhiệm vụ của mình. Vả lại, bốn chúng tôi sẽ giúp thêm cho công việc hoàn tất trước khi trời sáng.

Ngô mừng rỡ nghĩ thầm: “May quá! Mình được kể chung vào những người được tin cậy. Mình không phải là một tên tù bị giam lỏng như Diên!”.

Mười phút sau, bên ngoài có tiếng nhiều bước chân và nói chuyện xì xào. Một giọng Bắc quát tháo:

– Không ai được nói chuyện!

Mọi người trong phòng vội vã chạy ra phía cửa lớn bên phải. Có vẻ nôn nóng và mừng rỡ nhất là Sáu Lăng. Suốt mười phút chờ đợi, Sáu Lăng đứng ngồi không yên, đi đi lại lại trong lớp học, một chốc lại giở ống tay áo lên xem đồng hồ.

Chỉ có một ngọn đèn bão đặt ở góc phòng học. Bên ngoài trời tối, nên Ngô chỉ thấy một khối bóng đen đứng chật một góc sân trường.

Người cán bộ mặc thường phục vừa ra lệnh đám người đứng lố nhố trong sân không ai được nói chuyện tay xách một cái đèn bão, tay kia cầm khẩu súng, bước lên thềm trường. Ông ta gọi lớn:

– Đồng chí Báu đâu?

Một cán bộ khác thấp ốm tiến tới chỗ có ánh đèn, đáp lại:

– Có tôi đây?

– Ðồng chí cho tập họp ngay ngắn theo từng hàng ngang đi. Mỗi hàng mười người, tức năm cặp. Sắp hàng điểm số xong cho ngồi xuống, quay mặt vào đây!

Trong khi người cán bộ thấp ốm lo điều khiển cho đám đông xếp hàng điểm số, người cán bộ cấp cao đặt cái đèn bão lên thềm trường, đi quanh sang phía bên trái tránh gốc cây bông giấy rồi theo bậc cấp xi măng lên phòng học gặp Sáu Lăng. Mọi người trong phòng xôn xao đứng cả dậy, đến vây quanh Sáu Lăng và người mới tới. Ngô nhận diện ra được người cán bộ trẻ chàng đã gặp lần đầu tiên trên căn gác ván, lúc Tường dẫn chàng tới gặp anh Năm.

Sáu Lăng hỏi:

– Tất cả bao nhiêu người?

– Một trăm bảy mươi.

– Sao nhiều thế! Hồi chiều bên đó bảo chỉ có một trăm rưởi.

– Giờ chót bên A8 gửi thêm hai chục nữa. Phận sự tôi coi như xong rồi nhé!

Sáu Lăng vội nói:

– Xong sao được! Ðồng chí giao có đủ không mà tôi dám nhận. Lỡ sơ sẩy điều gì ai chịu trách nhiệm? Giấy tờ đâu?

– Thôi được! Ngoài kia đang kiểm số. Kiểm số thôi cũng đủ, tên họ chúng đã có hết trong danh sách đây!

Người cán bộ vừa nói vừa mở nắp túi vải đeo ngang hông rút một xấp giấy đưa cho Sáu Lăng. Sáu Lăng định đem tới chỗ gần đèn để đọc, nhưng nghĩ sao, lại thôi, bảo:

– Tôi tin đồng chí đã giao đủ. Ðồng chí đem theo mấy người?

– Có tôi, và bốn người giải giao. Họ còn ngoài kia.

Sáu Lăng hỏi với giọng không mấy thiết tha:

– Các đồng chí có muốn chờ xong việc rồi về không?

Người cán bộ hỏi lại:

– Ý đồng chí thế nào?

– Tùy các đồng chí.

– Nếu vậy thì chúng tôi về trước vậy. Về ngủ một chốc, hai đêm nay chúng tôi không chợp mắt được một giây.

Nói xong, anh ta đến chỗ cửa sổ, hỏi vọng ra:

– Xong chưa?

– Rồi. Đủ 170 người.

Người cán bộ quay về phía Sáu Lăng:

– Chúng tôi về. Các đồng chí có cần cây đèn không, chúng tôi để lại cho.

Sáu Lăng đáp:

– Vâng, cần lắm.

Sáu Lăng chờ cho nhóm người giải giao đi rồi, mới gọi năm anh bộ đội lại góc phòng xầm xì với họ một lúc. Thế là cả toán bộ đội lục tục mang súng đạn ra khỏi phòng học.

Sáu Lăng bảo Ngô:

– Anh qua bên phòng bên cạnh kiểm soát xem cuốc xẻng toán đào hầm chiều nay cất ở đó có bao nhiêu cái.

Ngô nhìn bóng tối, e dè hỏi:

– Tôi mang cây đèn đi được không?

– Ðược! Nhanh lên nhé!

Ngô xách cây đèn bão qua phòng bên cạnh, thấy ở ngay cửa ra vào, trên hai cái bàn học trò kê sát lại, có cả một đống nào cuốc, nào xẻng, nào mai, nào xà beng. Có cả những rổ đan bằng tre để xúc đất nữa. Ngô đếm nhanh, rồi sang báo cáo cho Sáu Lăng. Sáu Lăng nói:

– Chỉ cần tôi với đồng chí Thuấn ở đây chỉ huy. Anh Ngô với chị Miềng mỗi người lấy súng trực giùm ở hai đầu phòng này để giữ an ninh đề phòng bất trắc. Nhớ đừng bước xuống phía sân này.

Ngô hoang mang không thể hiểu với bấy nhiêu chuẩn bị ấy, cuối cùng chuyện gì sẽ xảy đến. Bây giờ không phải là một tòa án xử tập thể, không phải là một vụ hành quyết, mà cũng không có gì giống với một cuộc hội họp học tập. Chàng muốn được ra khỏi căn phòng này, muốn được ngồi một mình để tự do biểu lộ những suy nghĩ, lo lắng.

Phía cửa sổ đầu dãy phòng học (phòng học Ngô đang đứng nằm đầu dãy), nơi Ngô được chỉ định tới canh giữ an ninh, có một gốc khuynh diệp thưa lá thân cây suông sẻ lớn bằng bắp vế. Ngô nhảy qua cửa sổ, đứng khuất trong bóng tối, lưng dựa vào gốc khuynh diệp. Tự nhiên chàng thấy lạnh, chân hơi run.

Sáu Lăng và Thuấn từ bậc thềm xách cây đèn trong phòng bước xuống sân. Tiếng đám người lao xao đột nhiên im bặt. Sáu Lăng nhờ Thuấn đặt cây đèn vừa mang ra gần cây đèn người cán bộ lúc nãy bỏ lại. Ánh sáng đủ chiếu lên hình dáng hàng người ngồi chồm hổm ở hàng đầu. Ngô thấy họ bị trói hai người với nhau, tay phải người này cột dính với tay trái người kia. Giọng Sáu Lăng lạnh và sắc, buốt hơn cả sương đêm:

– Mọi người nghe đây! Nhờ nhân dân phát hiện, Cách mạng mới biết mỗi người trong các anh đã có những hành động chống phá cách mạng. Có người làm tay sai cho đế quốc. Có người vì hoàn cảnh vô tình làm hại đến Tổ quốc mà không biết. Nhưng Cách mạng khoan hồng, chỉ muốn các anh biết rõ được tội lỗi của mình, trở về với nhân dân để cầm súng quay tiêu diệt bọn xâm lược Mỹ và tay sai. Muốn biết được tội lỗi của mình lớn nhỏ tới đâu, phải học tập. Cách mạng sẽ đưa các anh về vùng giải phóng để yên tâm học tập trong ba ngày, sau đó được trả về với gia đình tham gia công tác địa phương. Đây là biện pháp khoan hồng nhất của nhân dân, của Cách mạng. Người nào có ý đồ xấu, muốn trốn thoát trên đường đi sẽ bị nhân dân nghiêm trị. Tất cả, trừ những người ở hai hàng đầu tiên này, phải ngồi yên và hoàn toàn giữ im lặng chờ giờ khởi hành. Hai hàng đầu đứng dậy!

Những người bị đưa đi học tập ở hai hàng đầu đứng bật dậy theo lệnh Sáu Lăng. Một vài người theo thói quen vô ý phủi bụi ở đũng quần, bị hàng sau còn ngồi chồm hổm dưới đất xì xào chửi thề. Sáu Lặng gắt:

– Không được nói chuyện. Hai hàng đầu đi theo tôi!

Sáu Lặng xách một cây đèn bão cùng với Thuấn dẫn hai mươi người rẽ về phía trái, bước lên tam cấp vào một phòng học khác cách chỗ cũ chừng mười thước.

Đám người còn lại ngồi lặng dưới sương đêm, cố giữ im lặng, lâu lâu một vài người không dằn được bật lên ho khan. Ánh sáng khi mờ khi tỏ chiếu từ cây đèn bão còn lại hắt lên đám người ngồi bất động, Ngô trông giống như những bóng ma!

Im lặng nặng nề bao trùm lên mọi vật. Một trái hỏa châu từ bên kia sông bắn lên nghe vút như một mũi tên xé gió, kêu bụp một tiếng nhỏ, một đóm sáng rơi chậm rồi loé bùng lên, phủ chụp thứ ánh sáng vàng sẫm héo úa lên những tầng mây thấp. Mọi người ngước lên nhìn ánh hỏa châu, từng khuôn mặt bị nhuộm vàng như mặt người chết. Vài phát súng bắn lẻ tẻ ở gần đó. Rồi đột nhiên, ngay bên cạnh trường, súng nổ ran. Đám người ngồi trước sân nhốn nháo, vài người bạo gan nhổm dậy, rồi nhớ kỷ luật sắt lại ngồi xuống. Ðúng lúc đó, những họng súng trung liên từ các cánh cửa sổ phòng học chìm trong bóng tối khạt đạn như mưa vào đám người trước sân. Ngô không dám tin ở mắt mình, há hốc mồm nhìn cảnh tượng những thân xác gục ngã, quằn quại, rồi rũ xuống nằm vắt lên nhau. Tai Ngô ù đi, mắt chàng nhòa lệ. Chàng cảm thấy ngầy ngật chơi vơi như không dính liền với mặt đất. Xương sống chàng mềm lại, không đủ sức chống đỡ sức nặng của sợ hãi khủng khiếp. Ngô run lập cập, quị xuống gốc cây khuynh diệp lúc nào không hay. Chàng chỉ gượng dậy được khi nghe tiếng súng thưa bớt. Trên sân trường, mấy xác chết nằm ngổn ngang, có xác còn co giật, có xác oằn oại như thân rắn bị dí bẹp mất đầu.

Sáu Lăng dẫn hai toán người may mắn thoát án tử ra sân. Họ đã được cởi trói từ trước. Không ai dám hó hé tiếng nào, kể cả những bộ đội vừa từ thềm trường cầm súng bước tới chỗ đặt cây đèn bão. Sáu Lăng nói:

– Các anh là những người may mắn. Lệnh cấp trên là xử tử tất cả 170 người có nợ máu với nhân dân, nhưng vào phút chót, hai mươi người trong các anh được khoan hồng. Đáng lẽ phải chờ điểm danh xác nhận lý lịch cho đúng tên tuổi hai mươi người đó, nhưng không có thì giờ. Thôi, anh nào ngồi đúng vào hai hàng đầu là được khoan hồng, cho dễ tính. Có thể có người chết oan, và trong các anh đây có người sống oan. Nhưng chúng ta coi như mọi việc đã qua. Anh em thu dọn chôn cất nhanh rồi còn về với gia đình. Tôi cần bốn người vào mang cuốc xẻng ra. Gấp lên, phải làm xong trước khi trời sáng.

Bốn người thoát chết nhờ may mắn hăng hái mang dụng cụ ra. Trong một chốc, các xác chết hoặc cả những người còn hấp hối đều được khiêng đi, vất xuống các hào rộng cuối sân. Đám bộ đội ngồi trên thềm gác ngang khẩu AK lên đùi, chân bỏ thõng, phì phèo điếu thuốc nhìn cảnh làm việc rộn rịp hăng hái. Có thể chưa bao giờ người ta hăng hái đến bậc ấy. “Chiến trường” được dọn dẹp sạch sẽ, chóng vánh… Người ta bắt đầu lấp đất lên cái huyệt rộng. Cát sỏi rơi rào rào, chen lẫn tiếng gió hú.

Không đầy một giờ sau, mọi việc hoàn tất. Sáu Lăng và ba người bộ đội đi quanh một vòng kiểm tra. Sáu Lăng có vẻ bằng lòng. Anh ta vui vẻ bảo:

– Tốt lắm! Thôi anh em tập trung lại đây. Có ai có cây bút không nào. Vâng, cho tôi mượn tạm. Tôi cần một người lập hộ tôi danh sách hai mươi người được phóng thích để còn báo cáo với cấp trên. Anh bạn trẻ này, đứng ra lập danh sách giúp tôi đi.

“Anh bạn trẻ” ấy, không ai khác hơn là Diên. Ngô mừng quá, chạy ra vỗ vai Diên, lưỡi líu lại không nói được câu nào. Diên nhận ra Ngô, thì thào:

– Em may quá. Sẽ gặp lại anh sau để kể anh nghe nhiều chuyện khác.

Đám người thoát chết mừng rỡ đi lại tung tăng, nói năng ồn ào mất cả trật tự. Thuấn gắt:

– Hãy giữ trật tự nào! Xếp hàng như cũ đi, để anh bạn này ghi tên từng người làm giấy tha.

Mọi người ngoan ngoãn vâng lời, xếp hai hàng ngang và im lặng chờ Diên đến ghi tên. Sáu Lăng quay về phía đám bộ đội:

– Các đồng chí chuẩn bị rồi còn về ngủ. Sắp xong rồi!

Bốn người bộ đội còn đứng dưới sân bắt đầu lên các bậc cấp. Ngô đứng xớ rớ bên Diên, muốn giúp Diên hỏi tên từng người trước để cho nhanh việc. Sáu Lăng gọi:

– Ðồng chí Ngô đâu, lên đây họp một tí rồi còn về!

Ngô vỗ vai Diên, nói nhỏ:

– Gắng lên nhé! Tôi sẽ tìm cách gặp Diên sau!

Rồi bước nhanh tới chỗ bậc thềm. Sáu Lăng chờ Ngô bước vào phòng khép cửa lại, rồi nói thật lớn:

– Bắt đầu đi!

Bên kia phòng, súng lại nổ dòn hết loạt này đến loạt khác. Ngô chết điếng vì đoán được ngay những gì đang xảy ra ngoài sân.

Độ mười phút, tiếng súng im! Sáu Lăng nói bằng giọng chán nản, ngái ngủ:

– Bây giờ mới đến phiên chúng ta “công tác”. Nhanh lên còn về ngủ bù, các đồng chí!

Nguyễn Mộng Giác

   Số lần đọc: 142

Tác Phẩm

BÀI KỀ

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây