Buổi tối hôm ấy, cảnh nhà ông Văn giống y như cảnh tang gia. Quế bị gọi đi họp ở đoàn thanh nữ vũ trang, nên trong gia đình không còn ai có tài hoạt náo để giảm bớt nỗi lo âu chung.
Theo lệnh thì đúng 11 giờ trưa mai, ông Văn phải trình diện ở trụ sở chính quyền cách mạng phường để đi học tập trong thời gian ba ngày. Lệnh miệng do một công an nhân dân đến tận nhà căn dặn là phải đem theo vừa đủ quần áo lương thực cho ba ngày mà thôi, không được thừa, để tránh mang xách cồng kềnh làm trở ngại việc di chuyển.
Ông Văn nhân cái cớ ấy gạt phắt tất cả những lo âu của vợ và các con. Ông nói:
– Mình khéo lo cho bò chết trắng răng! Cái kiểu đi học tập cải tạo thế này tôi còn lạ gì. Hồi đầu kháng chiến chưa có, nhưng sau này tôi nghe những bạn bè “dinh tê” chậm bảo rằng những kỳ cải tạo tư tưởng họ tổ chức giông giống như là bên công giáo họ cấm phòng sám hối. Để yên tâm kiểm thảo, phê bình tự phê bình, phải sống cách ly với đời sống thường nhật. Phải đi xa nơi mình ở, có người lo hết chuyện cơm nước giặt dịa để mình yên tâm cải tạo tư tưởng. Chắc chỗ tập trung kiểm thảo cũng gần đây thôi, nhiều khi ở ngay trong khu Gia Hội này. Họ giữ bí mật, vì sợ thân nhân đến dòm ngó, quấy rầy, không thể yên tâm được.
Bà Văn cãi lại:
– Đi học ở gần thì bà con quanh đây đã biết ở đâu! Đâu phải cây kim mà giấu được. Đàng này chừng ấy con người. Chắc phải đi xa lắm…
Tự nhiên bà Văn thút thít khóc:
– Thời buổi bom đạn này, cả đoàn đi ngơ ngơ làm sao tránh được máy bay oanh tạc. Mấy ngày nay lúc nào trên trời không có trực thăng bay tuần. Ông có mệnh hệ nào…thì mẹ con tôi chắc sống không nổi.
Bà Văn khóc òa. Nam cũng khóc theo, làm con bé Thúy đang ngủ trên tay mẹ cũng giật mình thức dậy, rồi bắt chước theo mẹ và bà ngoại.
Ông Văn gắt:
– Việc gì mà làm ầm lên thế! Tôi đã bảo chỉ đi học tập rồi về.
Thấy vợ và con ngồi bó gối trên nền nhà, cạnh ngọn đèn dầu hỏa leo lét, tự nhiên ông mủi lòng. Ông chợt nghĩ: Nếu không phải chỉ ba ngày thì thế nào? Ông phải đi đâu? Và trong bao lâu? Bà Văn hỏi Nam:
– Sao mãi tới bây giờ thằng Tường vẫn chưa trở lại?
Nam vừa vỗ nhẹ lên mông con cho nó ngủ, vừa đáp:
– Con cũng không hiểu.
Bà Văn ngước nhìn chồng, trách:
– Tất cả cũng tại ông ưa lý sự mà sinh to chuyện. Họ bảo sao ừ ừ cho qua đi. Đằng này ông cứ nói phải trái, càng làm cho tụi nó để tâm!
Ông Văn bực bội đáp:
– Chuyện gì cũng có cái lý của nó chứ! Bọn con nít ranh ăn nói mất dạy mà chịu được à?
Bà Văn nói:
– Nhưng chúng có súng.
– Súng cũng không át được lý.
– Thì bây giờ kết quả rành rành ra đó. Liệu cãi cho cố rồi có khỏi phải đi học tập không?
– Đi thì đi chứ chết chóc gì! Vâng vâng dạ dạ mềm như củ khoai rồi cũng phải đi. Bác Thức bên kia đường kia kìa. Cũng đi học hai hôm rồi!
– Người ta khác. Người ta làm việc ở tòa hành chánh. Còn mình chỉ đi dạy học.
Nam thấy ba má cãi nhau, chen vào hỏi cốt để giảng hòa:
– Má có nghe bác Thức phải đi học mấy ngày không?
– Cũng ba ngày.
Ông Văn tìm được ý trấn an vợ:
– Để mình coi! Chiều mai bác Thức thế nào cũng về nhà. Bác làm ở phòng công văn, chứ đâu phải ông to bà lớn gì mà lo.
Bà Văn quay qua hỏi Nam:
– Hồi chiều thằng Tường có nói riêng gì với con không?
Nam đáp:
– Dạ có!
Bà Văn mừng rỡ hỏi:
– Nó có hứa lo xong việc này tối nay không?
Nam phải thú thật một phần:
– Anh ấy bảo sẽ đi tìm người bạn phụ trách việc này. Nhưng… nhưng anh ấy cũng bảo ba cứ đi trình diện cho đúng phép tắc. Họ bảo đi học thì cứ đi cho xong. Trong lúc anh ấy sẽ gắng để ba khỏi đi xa nguy hiểm, hoặc về sớm hơn.
Bà Văn nổi nóng hỏi:
– Nhưng sao mãi tới giờ này nó chưa trở lại?
Nam im lặng, không biết dáp thế nào. Nàng bùi ngùi nhớ lại lúc đưa Tường ra cửa. Mới không đầy hai tuần, Tường gầy xọp, cái nhìn lờ đờ mệt mỏi. Nam đã hỏi có phải Tường mất ngủ nhiều lắm không. Tường có vẻ bối rối, ậm ừ đáp những gì không rõ. Nếu không có một bức tường vô hình nào đó khiến cả hai người đều bối rối ngỡ ngàng về nhau, có thể Nam đã lợi dụng chút thì giờ quý báu đó để nắm lấy tay Tường, đưa bàn tay lạnh cóng ấy áp lên má mình để ấp nóng lại, hoặc ôm chầm lấy Tường mà khóc cho thỏa thuê. Nam đã không làm vậy! Tự nhiên nàng thấy xa cách, chưa phải là dửng dưng nhưng rõ ràng Tường không giống với hình ảnh nàng ấp ủ suốt hai năm nay. Nàng vụng về quá để che giấu những cảm xúc thật, thành thực quá để không gắng biểu lộ những cử chỉ vồn vã gượng ép. Hình như Tường cũng nhận ra sự thay đổi ấy, nên trong vài phút đứng riêng với nhau, họ chỉ trao đổi những câu ngắn, lạnh lẽo, cụt ngủn. Nét đăm chiêu trên mặt Tường, đôi mắt thao thức ấy, khuôn mặt khắc khổ ấy… một thời Nam so sánh với khuôn mặt nàng tưởng tượng nhân vật Jérome trong “La Porte étroite” phải có, hoặc rõ hơn nữa, giống như bức hình phác họa Headcliff trên bìa cuốn tiểu thuyết “Les Hauts de Hurle-Vent” loại “Livre de poche”. Bây giờ, có thể Tường vẫn giữ đúng nét khắc khổ thao thức ấy, sự say mê đến cuồng nộ ấy. Nhưng linh tính đàn bà cho Nam biết bóng tối trên khuôn mặt Tường không phải là cái gì huyền nhiệm, mà chỉ là vẻ âm u của một cái xà lim biệt giam, cái khuất lấp ẩn náu, cái tối tăm bất trắc. Nam có linh tính như vậy vì Tường luôn tránh không nhìn thẳng vào mắt Nam.
Bà Văn thấy con gái ngồi thẫn thờ như mất hồn, nghĩ Nam có mặc cảm vì Tường sai hẹn. Bà đâm thương hại con, an ủi:
– Thôi, chắc nó lo xong việc còn phải bận chuyện khác. Nó gửi người ta một tiếng, là được rồi! Con vào lấy cái xắc vải “bới theo” cho ba vài bộ đồ. Họ có dặn đem gạo không mình?
Ông Văn từ nãy giờ đi đi lại lại trong phòng, nghe vợ hỏi, dừng lại:
– Mình nói cái gì?
– Có phải đem gạo theo không?
– Không. Họ dặn đem lương khô, để khỏi nấu.
– Lương khô là cái gì? Bánh trái sắm Tết còn gì đâu!
Ông Văn bảo:
– Mình cứ đong cho tôi vài lon gạo, với chai xì dầu. Thế nào cũng xoay được cách nấu nướng mà.
Bà Văn nghe Nam ru à ơi cho con Thúy ngủ tiếp khi phải đặt lại con lên giường để lo chuẩn bị quần áo cho cha. Khi biết chắc đứa cháu ngoại đã ngủ thiếp, bà mới nói với vào trong:
– Nhớ bỏ theo cho ba mày cái áo ấm với lọ dầu Nhị Thiên Đường. Cả cái khăn phu-la len nữa.
Bà Văn chợt nhớ điều tối quan trọng, quay sang hỏi chồng:
– Rồi mình ngủ ở đâu? Có phải đem theo chăn mền không?
Ông Văn ngớ ra, bảo vợ:
– Họ không dặn gì cả.
– Vậy thì phải mang theo cái mền lính. Ông nhớ đem về, cái mền cũ nhưng đắp ấm lắm. Á quên, Nam ơi!
Nam từ phòng ông Văn hỏi ra:
– Cái gì, má?
– Nhớ lấy cho ba mày cái ca uống nước. Bụng mình yếu, nhớ đừng uống nước chưa đun sôi nghe không. Này, nhớ gói cho ba mày vài chục cái tăm nữa.
Mải lo chuẩn bị hành lý đi học tập cho ông Văn, cả nhà quên hẳn cảnh tên bay đạn lạc bên ngoài. Họ cũng quên hẳn cả nỗi lo âu ban đầu!
* * *
Quế về tới nhà đúng vào lúc mẹ và chị đang thì thào bàn tán với nhau là nên hay không nên để cho ông Văn mang theo cái mền lính. Nam đã lấy dây ni- lông cột gọn cái mền mang ra phòng ngoài, chợt nhớ bao nhiêu điều ngờ vực rắc rối đã xảy ra từ hôm mồng hai, lo lắng hỏi mẹ:
– Có lẽ không nên đem theo cái mền này, má ạ!
Bà Văn đang khâu lại chỗ rách dưới đáy cái túi vải, ngước lên hỏi:
– Sao vậy?
– Cái mền lính, ba đem theo thêm phiền thôi!
Thấy mẹ chưa hiểu, Nam hạ thấp giọng nhắc:
– Má không nhớ chuyện bộ đồ lính anh Ngữ sao?
Bà Văn lặng người vì lo. Bà hỏi Nam:
– Vậy đem cái mền con Quế mua ở PX được không?
– Cái đó họ biết mền Mỹ!
– Hay cái mền bông của con Thúy.
– Khai lắm má!
Quế vào nhà, thấy hai người thức khuya ngồi thu gối bên ngọn đèn leo lét, hỏi lớn:
– Có chuyện gì vậy? Anh Tường đâu rồi?
Bà Văn hỏi:
– Mày hỏi thằng Tường làm gì?
Quế đưa tay áo lau mồ hôi, vừa nói:
– Ở ngoài họ xầm xì đồn nhiều chuyện lắm. Con hỏi ảnh thử có thật không?
Cả Nam lẫn bà Văn đều tò mò. Nam hỏi trước mẹ:
– Có tin gì mới hả? Bên mình tiến tới đâu rồi?
– Cán bộ họ dấu không cho biết gì hết. Họ bảo Mỹ cho phá cầu Trường Tiền vì sợ “quân ta” thừa thắng đánh xuống Phú Bài. Họ còn bảo Mỹ lùa dân về khu đại học sư phạm để làm bia chắn đạn.
Bà Văn tức quá, bật miệng nói lớn quên cả dè dặt:
– Nói láo thế mà nói được!
Nam thích thú thấy mẹ hăng hái khác thường, nàng hỏi em:
– Bên ngoài họ đồn chuyện gì?
Quế hạ giọng, dè dặt nhìn quanh rồi mới nói:
– Họ bảo đêm nay bộ đội canh phòng vùng trường Gia Hội với bờ sông cẩn mật lắm. Không ai được vào khu đó cả. Không biết có chuyện gì.
Bà Văn sáng mắt, hỏi:
– Hay “mình” đã chiếm được mấy chỗ đó rồi?
Quế thấy mình quan trọng, cố nấn ná một lúc mới đáp lời mẹ:
– Họ còn thấy từng đoàn dân công được đưa tới mấy chỗ đó. Không hiểu họ điều khiển dân công làm gì, mà làm toàn ban đêm.
Nam hỏi:
– Mày đi gác có thấy gì không?
– Khu của mình thì không thấy gì. Lâu lâu chỉ thấy từng toán bộ đội hay du kích tuần tiễu.
– Có cho lên phố không?
– Không cho. Má này!
– Cái gì?
– Mấy mụ hàng xóm nhà mình nhiều chuyện lắm! Họ báo cáo nhà mình đủ thứ chuyện hết.
Bà Văn lo ra mắt, giọng nói nghẹn lại vì sợ:
– Họ báo cáo chuyện gì?
– Chuyện anh Ngữ. Chuyện thằng Lãng. Cả chuyện của má với con nữa.
Bà Văn quay hỏi Nam:
– Thằng Tường có nói với con những chuyện đó không?
Nam đáp thành thật:
– Dạ không!
Bà Văn tìm được cái phao, quay sang bảo Quế:
– Anh Tường mày không nói gì, thì không hề gì đâu! Nhưng đề phòng vẫn hơn. Nam, con cất cái mền lính đi. Đem cái mền bông của con Thúy cho ba mày cũng được.
Rồi bà căn dặn Quế
– Mày hay mau miệng ưa gì nói nấy. Đi ra ngoài phải cẩn thận! Họ giao cho mày việc gì?
Quế cười:
– Họ bắt con đi gác một ngã ba với một chú du kích. Có gác ghiếc gì đâu. Chú ta nói chuyện sa đà với con. Còn hỏi nhà ở đâu để mai tới thăm nữa.
Bà Văn vội xua tay:
– Thôi, thôi đừng rước mấy của ấy về! Nhưng coi chừng đấy. Nó giả bộ thế, nhưng nói hớ là nó chộp liền. Phải cẩn thận! Tránh nói tới chuyện lính tráng trong này!
Bà Văn thở dài, thì thào:
– Không biết thằng Ngữ có bình yên không? Còn thằng Lãng nữa! Cầu trời cho gia đình ta được tai qua nạn khỏi!
Nguyễn Mộng Giác
Số lần đọc: 132