Hậu cứ binh chủng trừ bị của Lãng ở Sàigòn, nên những hôm được nghỉ phép, hoặc cuối tuần không phải đi hành quân ở đâu, Lãng thường ghé lại thăm gia đình ông Thanh Tuyến.
Từ hồi bán căn phố ở đường Trần Hưng Ðạo Huế chuyển vào Sài gòn, hai ông bà có mua lại được một căn phố nhỏ lợp tôn ở đường Lý thái tổ, xế chợ cá Trần Quốc Toản. Vì mùi xú uế nồng nặc tỏa từ khu chợ cá, căn phố giá rẻ hơn bình thường. Tuy bề ngang chỉ có ba thước, nhưng căn nhà ăn sâu đến bốn mươi thước, từ ngoài nhìn vào hun hút như một cái hang.
Bà Thanh Tuyến và Quỳnh Trang bàn tính chuyện mưu sinh, nghĩ chín rồi cuối cùng quyết định mở cửa hàng bán trà và cà phê. Bà Thanh Tuyến có một người bạn gái từ hồi nhỏ ở Hà nội làm chủ một đồn điền trà và cà phê ở Buôn mê thuột, người này sẵn sàng bán chịu theo giá gốc cà phê sống và trà chưa vào hộp cho bà Thanh Tuyến. Bà cần một đại lý tiêu thụ tại Sài gòn, thay mặt bà phân phối hai loại sản phẩm ấy cho các hiệu buôn bán lẻ hoặc các lò rang cà phê của người Hoa.
Công việc đó đòi hỏi lanh lẹ, quảng giao, và chịu khó. Đề nghị quá hấp dẫn, nhưng hai mẹ con tự nhận thấy không kham nổi. Bà Thanh Tuyến vẫn phải ở nhà chăm sóc chồng. Quỳnh Trang thì tuy quen việc sổ sách thu chi, nhưng vụng về trong giao dịch buôn bán. Cuối cùng, họ chọn giải pháp trung dung: Quỳnh Trang nhận đứng ra thay mặt bà chủ đồn điền để phân phối cà phê, trà và thu tiền những khách hàng quen thuộc lâu nay, ăn lương theo tiền hoa hồng số tiền thu được. Còn bà Thanh Tuyến thì mở một cửa hiệu nhỏ bán trà và cà phê đã rang và xay. Một người trở thành một loại công chức lương khoán, một người là tiểu thương bán lẻ mà khỏi phải xuất vốn. Giải pháp êm đẹp và thích hợp với gia đình Thanh Tuyến trong buổi bơ vơ sa sút mới lập nghiệp tại Sài gòn.
Căn phố hẹp phía trước có cánh cửa sắt, ngay mặt tiền đặt cái tủ gương bề ngang hai thước bày các loại trà và cà phê mẫu. Bên trong hai hàng kệ gỗ xếp những hộp thiếc đựng trà và những lọ thủy tinh đựng cà phê. Bên cạnh cái bàn gỗ nhỏ ngăn phần dành cho việc mua bán và phần để ở, bà Thanh Tuyến đặt cái cân bàn, thùng carton đựng bao bì và máy xay cà phê chạy bằng điện. Cửa hàng tuy chật, nhưng nhờ bày biện ngăn nắp, trông thoáng khí, trang nhã.
Mỗi lần đến thăm ông bà Thanh Tuyến, Lãng thường ở lại ăn cơm chiều, chuyện vãn một lát chờ bạn đem xe tới chở đi du hí cả đêm rồi về trại luôn. Những hôm quá khuya đi chơi quá giờ giới nghiêm, tuy đi xe Jeep có thể về ngủ nhờ nhà bà Thanh Tuyến được, nhưng Lãng không muốn làm phiền. Từ trước đến sau, Lãng chưa ở lại đêm ở căn phố hẹp ấy lần nào.
Ông Thanh Tuyến nằm trong căn buồng ở tít xa phía sau, Lãng tới chỉ vào chào hỏi đôi ba câu cho phải phép, rồi trở ra nói chuyện với bà Thanh Tuyến… Lâu nay, Lãng cảm thấy khó thân với ông. Thời ông còn giàu có, giao thiệp rộng, ông chỉ xem Lãng như một đứa con nít học đòi. Thời hùn hạp làm ăn ở Đà nẵng, ngược lại Lãng xem ông như một ông già nhát gan, lẩm cẩm. Tới khi gặp nạn nằm một chỗ ông Thanh Tuyến đổi tính, ưa nói những chuyện bí hiểm khó hiểu, Lãng càng thấy xa cách với ông. Chưa kể sư tàn tật của ông gợi cho Lãng nhớ lại một kỷ niệm không vui, một phần trách nhiệm, một nỗi ân hận…
Lãng cảm thấy gần gũi với bà Thanh Tuyến nhiều hơn. Bà có quan niệm cởi mở về đời sống hơn bà Văn, thông cảm những trò tiêu khiển bốc đồng của Lãng, chưa kể đôi lúc đoán Lãng túng tiền, bà còn dúi vào tay Lãng vài trăm để hút thuốc.
Lãng nhận, không khách sáo. Nếu bà Thanh Tuyến cho ít, Lãng nghĩ đó là món quà của một người mẹ. Nếu nhiều, Lãng nghĩ đây là món tiền trả ơn Lãng đã giúp đỡ công việc thầu của ông bà hồi còn ở Đà nẵng. Đằng nào Lãng cũng tìm ra lý do để yên tâm, không chút mặc cảm. Chiều 28 Tết ghé thăm gia đình Thanh Tuyến, Lãng gặp cả Quỳnh Trang. Cả nhà đang buồn rầu vì vừa nhận được điện tín Quỳnh Như cho biết không mua được vé máy bay về Sài gòn ăn Tết.
Lãng nói ngay:
– Bác khỏi lo cho Quỳnh Như! Ở ngoài đó chị ấy ăn Tết còn vui hơn trong này nữa. Xuống nhà con đổ xăm hường, đi bát phố với chị Diễm, ngoài ra thiếu gì mục. Chị Quỳnh Trang, lâu ngày gặp chị, phải lì xì trước.
Quỳnh Trang lườm Lãng, giả vờ mắng:
– Chị chỉ lì xì những đứa em ngoan. Lãng ăn mặc tóc tai cô hồn quá, không đáng được lì xì.
Lãng vuốt đuôi tóc để quá dài, chống chế:
– Bận hành quân quá không có thì giờ hớt tóc. Lỗi mấy thằng Việt cộng, không phải lỗi em!
– Việt công nó không đánh hai mươi bốn trên hai mươi bốn!
Lãng cười, cố cãi:
– Vâng. Nó chỉ đánh ta 1/24 thôi. Nhưng chị phải nhớ tụi này là quân trừ bị. Nằm ở Sài gòn, ở đâu có đụng nặng mấy “ông địa” (địa phương quân) lo không xuể thì ới tụi này một tiếng. Thế là xách xe đi khắp nơi lôi hết các “ông tướng” về, đưa lên máy bay, thả xuống chỗ súng đang nổ chan chát. Khói lửa vừa tắt, lại lên máy bay, vù về. Ðấy chị coi, 23/24 còn lại tụi này có rảnh không?
Quỳnh Trang lục ví chìa cho Lãng hai tờ hai trăm:
– Thôi thôi! Biết rồi khổ lắm nói mãi! Lì xì cho “ông tướng” đây!
Lãng nhận tiền bỏ vào túi tỉnh bơ, rồi cười cười quay về phía bà Thanh Tuyến:
– Phần bác thì con nhận giùm luôn tiền bác lì xì cho chị Quế, chị Nam, anh Ngữ.
Bà Thanh Tuyến thích thú cười khanh khách. Mỗi lần Lãng tới thăm không khí trong nhà vui hẳn lên, bớt vẻ quạnh quẽ tang tóc.
Bà Thanh Tuyến bảo Lãng:
– Bác có gửi tiền lì xì cháu nơi bác trai. Cháu vào buồng bác trai đưa cho!
Lãng rụt đầu giả vờ sợ hãi. Cả bà Thanh Tuyến lẫn Quỳnh Trang cùng cười. Bà Thanh Tuyến nghiêm mặt trở lại, hỏi Lãng:
– Lâu nay cháu có nhận được thư ngoài nhà không?
– Thưa không ạ! Nhưng tháng trước ra hành quân ngoài đó, cháu có ghé lại nhà. Cháu Thúy gửi lời thăm bà nội!
Bà Thanh Tuyến cảm động, nước mắt tự nhiên rơm rớm. Bà ngồi lặng một lát, rồi hỏi:
– Con Nam còn ốm yếu như hồi mới sinh không?
– Chị ấy đã khá hơn. Bác biết không, ba con cưng cháu ngoại lắm. Chị Nam khỏi phải lo gì cả.
Bà Thanh Tuyến hỏi:
– Thật thế à? Bác chẳng hiểu Nam nó có giận gì bác không, mà lâu nay không thư từ gì cả. Cả cái ảnh cháu Thúy cũng không gửi.
Lãng khựng lại, bối rối. Lãng đoán được tâm trạng phức tạp của chị đối với gia đình Tường, nhưng không tìm được cách nào giải thích gọn ghẽ đơn giản được tâm trạng đó của chị, cho bà Thanh Tuyến hiểu. Quỳnh Trang chen vào nói với mẹ:
– Tội nghiệp con Nam nó buồn nhiều chuyện, chứ không có gì đâu me ạ! Nó có viết thư cho con.
Bà Thanh Tuyến ngạc nhiền hỏi con gái:
– Sao không đưa cho me đọc.
Quỳnh Trang đáp:
– Bạn gái có nhiều chuyện lẩm cẩm viết cho nhau, con không dám đưa me đọc.
Bà Thanh Tuyến cau mày, nhưng không nói gì. Quỳnh Trang đã trở thành trụ cột của gia đình, người bạn của bà, người cố vấn của bà, bà chỉ có thể chấp nhận, chịu đựng, chứ không nên trách móc, đòi hỏi. Bà không có điều gì phải buồn lòng về con, nhưng bà cảm thấy hơi tủi thân khi nhận thấy Quỳnh Trang không còn phải cần sự che chở bảo vệ của bà nữa, ngược lại là khác. Mỗi lần Quỳnh Trang nói câu gì, làm điều gì có vẻ tự tín, độc lập, lòng bà Thanh Tuyến lại đau nhói.
Quỳnh Trang cố giữ Lãng lại ăn cơm tối, nhưng mấy người bạn Dù của Lãng đem xe Jeep tới đậu ngay trước cửa hiệu trà bóp còi inh ỏi, Lãng phải đi. Quỳnh Trang dặn:
– Chiều Ba mươi ra được nhớ ghé lại đây ăn tất niên.
Lãng vừa mang giầy, ngước lên đáp:
– Chưa chắc đâu, chị. Tuy ngưng bắn ăn Tết, nhưng năm nào tụi này cũng bị cấm trại.
Quỳnh Trang đưa Lãng ra cửa. Lúc tra chìa khóa vào cánh cửa sắt, Quỳnh Trang đột ngột hỏi:
– Lâu nay anh Ngữ có viết thư cho Lãng không?
Lãng nói lớn với mấy ông bạn bên ngoài:
– Nghe rồi! Chờ tao một chút.
rồi mới đáp:
– Trời! Ông ấy lười như hủi, có viết cho ai đâu!
Quỳnh Trang chưa vội xoay chìa khóa, hỏi tiếp;
– Lãng có đọc mấy cái truyện anh ấy viết trên báo không?
Lãng cười:
– Chị biết tính em rồi! Có bao giờ đọc những thứ quỉ ấy đâu!
Quỳnh Trang có vẻ ngập ngừng, bẽn lẽn:
– Nhiều hôm có việc ghé Pleiku, chị muốn thăm anh Ngữ, nhưng không biết địa chỉ. Lãng biết không?
Lãng bắt đầu sốt ruột:
– Chìa khóa bị kẹt hở chị?
– Không! Chỉ hơi bị sét rỉ khó xoay mà thôi. Ðược rồi! Tối về đây không?
Lãng chạy ra xe, vừa chạy vừa đáp:
– Cảm ơn chị. Chắc không!
Thái, tiểu đội trưởng của Lãng ngồi ở tay lái. Ghế bên phải, là thiếu úy Thân. Băng sau xe Jeep có Bình và Lanh ở Trung đội Hai. Lanh đứng ở lề đường, chờ Lãng trèo lên hông xe liền đưa tay đẩy cho Lãng ngã chúi vào bên trong, xong nhảy thót lên, la to:
– Tới đi tám!
Chiếc Jeep lùn chồm lên như con ngựa chứng bị ghìm cương lâu ngày. Thiếu úy Thân quay lại hỏi Lãng:
– Bà nào vậy?
Lãng đáp đại:
– Chị dâu tui đó!
– Mày có thằng anh ở Sài gòn à? Sao lâu nay không nghe mày nói?
Lãng cười, đã nói dối thì nói dối luôn để khỏi giải thích lôi thôi:
– Không. Ông anh con ông bác.
Thế là hết chuyện. Thái hỏi cả xe:
– Bây giờ đi đâu đây?
Thiếu úy Thân hỏi Lãng:
– Thổ công, đi đâu?
Lãng đáp: .
– Thổ công lâu nay “yếu địa” quá nên “quê” rồi. Cứ xuống đại Baccara hay Lido cho gần.
Thái lắc đầu, cho xe chạy chậm lại chuẩn bị dừng ở đèn đỏ:
– Lido toàn mấy em ca-ve già vêu ra, chán bỏ mẹ. Baccara được hơn.
Bình từ nãy tới giờ ngồi im nhìn cảnh phố xá tấp nập hai bên đường, bây giờ mới góp ý:
– Lido lại toàn tụi nhóc bụi đời.
Thiếu úy Thái lên giọng chỉ huy:
– Tìm chỗ nào có nhiều em thơm, khách nhảy tử tế đàng hoàng, giá ticket đừng mắc quá.
Cả xe cười rú lên. Lanh bảo:
– Tết Congo mới tìm ra chỗ đó. Thôi, quay lên Văn cảnh cho tiện đường về.
Lãng nói:
– Chưa đi chơi đã nghĩ tới chuyện về. Thằng này quê dễ sợ.
Thái giữ tay lái nên quyết định tối hậu:
– Văn cảnh, được lắm. Khách sồn sồn không hay “phá mồi”, giá rẻ, chỉ phải cái tội các em không thơm lắm. Nhưng Văn cảnh cũng được.
Không chờ ai đồng ý, Thái cua xe trở lại Sài gòn. Vì Thái bẻ tay lái quá gắt nên trong xe người này xô vào người kia, tiếng bánh xe kêu rít lên trên mặt nhựa. Thiếu úy Thân la lên:
– Ð.M. mày làm như đây là vùng oanh kích tự do vậy!
Tất cả những điều Thái kể về ưu khuyết điểm của Văn cảnh đều sai be bét. Đêm ấy vũ trường đông nghẹt, khách sồn sồn ít mà khách bụi đời lại nhiều, các vũ nữ đều trẻ thơm phức nước hoa, tai hại hơn hết là giá ticket quá đắt.
Vừa ngồi xuống cái bàn kê ngay gần cửa ra vào xa tít không nhìn được ca sĩ và ban nhạc vì bị cái cột chắn ngang phía bên trái, họ đã bị chị tài pán đến đon đả hỏi:
– Các anh mua ticket ngay bây giờ chưa ạ?
Người này nhìn người kia, do dự, vì không ai biết người khác có được bao nhiêu tiền, và giá ticket cao hay thấp. Lãng nhanh trí đáp:
– Tụi anh còn chờ một người bạn nữa. Cho nước uống trước đã.
– Các anh dùng chi?
Thái đáp thay cho cả bọn:
– Năm cái bia đi.
– Ở đây cũng có cả rượu nữa. Martini? Hennessy? Champagne? Các anh thích bia thôi à? San Miguel hay Budweiser?
Lãng nghĩ bia hộp Mỹ mua từ PX rẻ hơn, nên đáp:
– Năm lon Budweiser cho tiện việc.
Chị tài pán tuổi đã trên 40, nhưng vẫn ngọt ngào nói:
– Ðể em chạy đi lấy bia ngay cho các anh. Anh nào cần “đặt” trước cô nào thì cho biết, để em dặn. Tối nay giáp Tết, các anh có lòng thương đến đông quá chừng. Không dặn trước sợ các cô bận, các anh chờ lâu!
Chị tài pán quay đi. Thiếu úy Thái hỏi ngay bốn chú lính:
– Tụi bay có được bao nhiêu tiền?
Mỗi người lần lượt tự khai, cộng lại không được 2000.
Lãng cười hô hố, kêu lên:
– Cả lũ 2000 bạc mà đòi đi nhảy đầm.
Thái thắc mắc:
– Nhưng mỗi ticket bao nhiêu? Nếu cần để cho “ông thầy” đại diện ôm em để lấy hên.
Lãng nhìn quanh, thấy bàn phía tay trái cách đấy hai thước có ba thanh niên mặc áo sơ mi hoa đeo cà vạt ngồi tán chuyện với một em ca-ve mặc áo đầm trắng. Lãng bảo Lanh ngồi tránh qua một bên, gõ vài cái lên mặt bàn để ba thanh niên ăn mặc bảnh bao kia nhìn qua, liền huýt sáo đưa ngón tay trỏ lên ngoắc, miệng gọi hách dịch “Ê! qua đây hỏi cái này!”
Cả ba thanh niên lẫn cô vũ nữ đều ngỡ ngàng nhìn năm người lính. Họ chụm đầu xì xào gì đó, rồi một thanh niên đứng dậy, tiến về phía Lãng, nét mặt cau lại như sẵn sàng ăn thua đủ. Lãng vẫn ngồi dựa ngửa vào vách, chân gác lên chiếc ghế của Lanh, hỏi cộc lốc:
– Ở đây một ticket bao nhiêu?
Người thanh niên nhìn cả năm anh lính, thầm đo lường, cuối cùng đáp:
– Ba trăm.
– Một lon bia Mỹ?
– Hai trăm.
– Cảm ơn ông bạn nhá!
Lãng bỏ chân xuống ngồi ngay ngắn, giọng nói trở lại lễ phép, hòa nhã. Thanh niên kia đứng trù trừ một chút, rồi bỏ về bàn mình.
Thiếu úy Thân an ủi:
– Bỏ qua cái vụ nhảy nhót đi. Ôm các em trong tay, nổi hứng đi tìm “chị em ta” mà tiền không có, càng kẹt. Tết nhất mà nhờ “chị năm”, xui lắm!
Bình phụ họa:
– Ngồi nghe “nhạc sống” một lúc rồi về.
Người bồi bàn bưng cái khay nhôm có 5 lon bia Budweiser ướp lạnh tới. Anh ta lễ phép đặt mỗi lon bia trên một mảnh giấy Kleenex, sau đó nhè nhẹ đặt cái đĩa nhựa màu vàng có cái hóa đơn úp sấp dằn dưới một hộp diêm quẹt. Thấy anh bồi đứng nghiêm trang bên cạnh im lặng chờ, thiếu úy Thân hỏi:
– Anh cần gì không?
Anh bồi đáp:
– Xin quí ông xem cho cái hóa đơn tiền giải khát.
À! Phải trả tiền trước. Lãng rút hai tờ giấy hai trăm Quỳnh Trang lì xì đặt vào dĩa. Thêm phần của thiếu úy Thân và Bình, vừa đủ 1000. Anh bồi vẫn chờ. Thân hơi bực, lật ngửa tấm hóa đơn, thấy còn thêm 100 tiền service.
Anh bồi đi rồi, cả bọn cảm thấy “quê”, người nào cũng ngồi lầm lì nốc bia.
Họ không biết làm gì hơn là ngồi nghe nhạc và xem thiên hạ lả lướt ngoài sàn nhảy. Quả cầu quay trên trần xoay đều, gửi những ánh sao giả đủ mầu đến những người chịu bỏ ít ra hai trăm đồng để mua một thứ giải khát rẻ tiền tối thiểu. Nhạc công thổi saxo chơi một điệu blue buồn, âm thanh nghẹn ngào thấm qua vòm không khí mờ ảo ngập khói thuốc lá vẫn còn đủ sức làm nổi gai trên cánh tay người nghe. Nước miếng của người nhạc công già lọt vào thân kèn, âm thanh bớt tròn trịa nhưng càng lúc càng run rẩy, vỡ rạn, cuối cùng nấc lên từng hồi như tiếng khóc nghẹn của những người da đen thuở còn bị chở từ Phi châu qua bán cho các chủ đồn điền da trắng.
Tiếng vỗ tay rã rời như tiếng nhạc. Phía sân khấu, cái ampli điện chợt hú lên, rồi tiếng thử dây đàn ghi ta điện, tiếng lục cục do micro bị chuyển chỗ. Ban nhạc bắt đầu chơi những bản thịnh hành dễ nhảy, nhạc Việt chen vào bài ngoại quốc. Một bài điệu boléro. Một bài cha cha cha. Sài gòn đẹp lắm Sài gòn ơi Sài gòn ơi! Nhạc công đàn ghi ta gật gù theo nhịp nhạc, mảng tóc trán phủ cả lên mắt. Người đập trống gật gù. Người chơi organ cúi người lướt hai bàn tay trên giàn phím, chân nhún nhẩy. Những cặp trai gái ưa nhảy fantasy biểu diễn dồn ra giữa sân khiêu vũ, uốn éo quay cuồng đủ bước lạ mắt, nhất là lúc ban nhạc chuyển qua điệu twist. Lãng ức không có nhiều tiền đêm nay, nóng mặt quay hỏi bốn người bạn:
– Tìm trò gì cho vui đi! Ngồi đực thế này, tức chết được!
Thiếu úy Thân nhớ vai đàn anh, ngăn lại:
– Không được phá đám, quân cảnh hốt mất ăn Tết đấy!
Lãng đáp:
– Có trò này hoàn toàn vô hại. Bảo đảm, thiếu úy đừng lo.
Thiếu úy Thân vừa kịp bảo “Ðừng!” thì Lãng đã đứng dậy, đi quần sau những dãy bàn đặt quanh tường để lần về phía sân khấu. Bốn người lính còn lại hồi hộp ngóng về phía ban nhạc, lo ngại pha lẫn thích thú, không hiểu Lãng vừa nghĩ ra trò gì.
Ban nhạc đang choi bài “Ô Mê Ly”, cô ca sĩ mặc chiếc mini jupe màu xanh kim tuyến đang đưa cái micro lên cao, chúc đầu micro xuống đôi môi chờ đợi, mắt lim dim như đang mê ly hứng uống từng ngụm rượu nồng nàn. Từng cặp trai gái đang ôm nhau quay cuồng theo điệu nhạc ngày càng dồn dập rộn rã. Đột nhiên, một người lính từ bóng tối bước lên sân khấu. Anh ta quát lên:
– Ngưng hết lại!
Cô ca sĩ vừa bắt đầu biểu diễn nỗi mê ly của “đời sống với cây đàn”, nghe tiếng quát, giật mình mở mắt, cái micro suýt chút nữa bị thả rơi xuống sàn gỗ. Ban nhạc ngưng tấu. Những cặp khiêu vũ đang mải mê dìu dạt theo bước chân nhịp nhạc, ngỡ ngàng nhìn về sân khấu khi vũ trường im tiếng bất ngờ. Người lính mặc đồ trận giật cái micro trên tay cô ca sĩ, lên giọng sang sảng:
– Các bạn! Các bạn có biết trong lúc các bạn đang vui chơi nhảy nhót mê ly ở đây, thì hàng nghìn, không, hàng vạn chiến sĩ đồng ngũ của tôi đang lội giữa sình, băng qua suối, chịu đói chịu lạnh để giữ an ninh cho các bạn không? Tôi không dám làm phiền các bạn nhiều, không đám cướp đi thì giờ vui chơi vàng ngọc của các bạn. Tôi chỉ xin các bạn dành hai phút để mặc niệm các chiến sĩ đã bỏ mình vì nhiệm vụ giữ gìn Tổ quốc, đã hi sinh tính mệnh để các bạn được hưởng giây phút ôm nhau mê ly thế này! Tất cả chú ý. Nghiêm! Phút mặc niệm bắt đầu!
Không ai bảo ai, những người đang ngồi ở các bàn đều đứng dậy, Những cặp trai gái ở giữa sàn nhảy cùng rời tay nhau, đứng thẳng. Cô ca sĩ kéo tà váy xuống cổ che bớt cặp đùi quá lộ liễu. Cả khiêu vũ trường trở nên im lặng như tờ. Người lính kéo dài thời gian mặc niệm hơn hai phút, rồi ra lệnh:
– Thôi, bắt đầu chơi lại đi!
Một phút ngơ ngác, rồi tiếng nhạc lại trổi. Ban đầu còn chuệch choạc ngập ngừng, nhưng chẳng mấy chốc nhịp nhạc dồn dập như cũ. Lại Ô Mê Ly! Các hình nhân lại múa may dưới vòm sao giả trên trần và giữa những ánh sao giả ban phát vung vít dưới sàn gỗ bóng. Bốn người bạn thấy Lãng trở lại, đua nhau hỏi:
– Mày chơi cái trò kỳ cục vậy?
Thiếu úy Thân thấy nhiều người tò mò nhìn Lãng và bốn người, sợ lôi thôi, lên tiếng giục:
– Về đi!
Cả bọn ra khỏi khiêu vũ trường. Lanh cười ha hả, đập vai Lãng nói:
– Phục mày thật! Chơi kiểu đó thiệt không ra thiệt, giả không ra giả. Kỳ cục, nhưng đã lắm!
Chỉ có Lanh tỏ ra thích thú! Bốn người kia, kể cả Lãng, đều lầm lì. Lanh cụt hứng không nói gì nữa. Không ai đề nghị đi tìm cái gì dằn bụng, nên Thái lặng lẽ lái xe về trại.
Nguyễn Mộng Giác