Buổi sáng, sau khi thay Quế đi thương lượng thuê bao chiếc xe chuyên chở để dọn nhà vào Qui nhơn, trên đường về, Ngữ gặp lại Trung tá Thanh. Ngữ đang lái chiếc Solex chạy sát lề đường thì có tiếng xe Jeep chạy rề tới, tiếng còi xe gấp gáp và tiếng phanh rít ngay trước mặt. Ngữ phải nhanh tay kéo cần máy Solex lên gài vào tay lái và bóp phanh lại, mới khỏi tông vào đuôi chiếc Jeep. Chàng chuẩn bị gây gổ với những anh lính ba gai, thì có tiếng ai đó gọi đúng tên chàng.
Ngữ kinh ngạc không lâu. Trung tá Thanh bước khỏi xe, mừng rỡ chạy lui về phía Ngữ vồn vã hỏi:
– Ngữ! Về đây hồi nào?
Ngữ cũng mừng rỡ không kém. Chàng lật bật dựng xe một cách khó khăn. Trung tá Thanh cười, giữ cái yên giúp Ngữ dựng được chiếc Solex lên vệ đường. Bắt tay ông Thanh rồi, Ngữ đáp:
– Tôi mới về hai hôm. Chuẩn bị đưa bà cụ và gia đình vào Nam.
Trung tá Thanh kêu:
– Thế hả! Sao lại đi? Vào đâu?
– Vào Qui nhơn.
Trung tá Thanh cười:
– Thế mà cậu bảo vào Nam. Làm như là vào tận Cà mau, Đồng Tháp Mười. Vào Qui nhơn có khác nào sống ở đây đâu mà phải dời đi?
Ngữ thú thật:
– Mọi việc bây giờ đều do con em gái định liệu. Gia đình trông cậy vào nó. Nó thấy nên vào đó, thì nhà dọn vào.
Trung tá Thanh cười, an ủi:
– Thôi, đàn bà nhiều khi họ nhạy đường mưu sinh hơn mình. Cứ tạm cho đi vào đó là phải. Còn cậu? Thế những đề nghị, ý kiến tốt sư đoàn ngoài này gửi cho quân đoàn 2 trong đó có giúp gì cho cậu không?
– Đề nghị gì ạ?
– Ý kiến tốt về cậu trong vụ tử thủ Mang cá ấy!
Ngữ hiểu ra, đáp:
– Có. Nghe ông Phan bảo là họ đang lập thủ tục bỏ qua vụ kỷ luật.
– Cậu muốn trở lại đây không?
Câu hỏi bất ngờ khiến Ngữ bối rối. Trở về Huế! Trời! Còn gì thú vị bằng! Con sông đó, mái trường đó, công viên đó, hàng phượng đó, xa cách nhớ nhung bao lâu nay! Chưa kể những buổi trưa lang thang nhặt từng bụm hoa sứ rụng trong Đại Nội, những ngày dài mùa hè nằm nghe tiếng ve râm ran ở các lăng tẩm xa. Những tà áo trắng Đồng Khánh phất phơ bay, những vành nón nghiêng che một nửa khuôn mặt ửng hồng nhưng không che được một nụ cười duyên và một ánh mắt tinh nghịch. Những buổi tối bạn bè tụ họp ở một quán cà phê nằm khuất sau những tàn nhãn rậm, bàn đủ mọi chuyện trời trăng. Nhưng những mảng kỹ niệm và hình ảnh yêu dấu êm đềm chợt đến, thì ngay sau đó, những vết thương đau xót của Huế cũng nhức nhối trở lại trong Ngữ. Chàng không bao giờ quên được câu văn Nguyễn Tuân viết về Huế: “Đi xa thì nhớ Huế, mà ở Huế thì…”. Nguyễn Tuân bỏ lửng không nỡ nói hết, Ngữ hiểu cái vương vấn khó gỡ Huế tạo cho những người lỡ một lần biết Huế lắm! Bỏ thì thương, mà vương thì tội! Nghe buồn như một điệu hò Huế, nghe “trệ” cả tâm hồn không muốn nghe hoài, nhưng không thể nào quên được.
Ông Thanh thấy Ngữ do dự, vội hỏi:
– Nếu tôi đứng ra can thiệp, vận động cho cậu trở về sư đoàn Một, cậu có gặp rắc rối gì ở trong đó không?
Ngữ biết khó lòng giải thích gọn cho Trung tá Thanh hiểu tâm trạng mình, nên nói:
– Không có rắc rối gì cả, nhưng…
Trung tá Thanh cướp lời Ngữ:
– Nhưng gia đình dọn vào Nam rồi, cậu không muốn về đây nữa chứ gì?
Ngữ chuyển câu chuyện, hỏi:
– Làm sao gặp lại Trung tá đây?
Trung tá hỏi lại:
– Chừng nào cậu phải lên Pleiku?
– Hai hôm nữa.
– Vậy thì tụi mình hẹn nhau đi ăn ngay tối nay. Sáu giờ chiều, tôi lái xe đến đón cậu. Nhớ nhé!
Ông Thanh lạc quan về tình hình đất nước một cách khác thường. Suốt bữa ăn, gần như chỉ một mình ông nói. Ông say sưa như một lãnh tụ chính trị đang châm lửa nhiệt tình lên các chiến hữu:
– Ở đây tôi gặp quá ít người biết nghe, nên tôi nói trước cậu sẽ “lãnh đủ” với tôi đêm nay. Gặp được cậu, tôi mừng quá. Nói với người không biết nghe, khổ hơn nói chuyện với cái đầu gối.
Cậu vừa hỏi tôi tình hình ngoài này có gì lạ không? Ôi! khối chuyện lạ. Nói đúng hơn, là kỳ lạ. Tôi tin là chúng ta đang ở vào thời đầu của một vận hội mới. Nhiều cái trùng hợp đáng yêu lắm, Ngữ ạ!
Tôi nói có sách, mách có chứng, và dựa vào kinh nghiệm thực tế chứ không lý thuyết suông như mấy ông chính trị gia xa lông ở Sàigòn. Từ sau Tết đến nay, công việc nhỏ của tôi làm ở đây tự nhiên trơn tru, dễ dàng hơn trước. Vẫn là bao nhiêu công việc thường nhật, nhưng trước đây sao khó quá. Mọi người trong guồng máy chung làm việc mà như là lãng công, cái gì cũng khơi khơi, tà tà. Chúng ta lâu nay sống trong chiến tranh, cầm súng chống với kẻ thù đang lởn vởn rình rập khắp nơi mà cứ thong thả nhẩn nha như đang đi dạo mát. Tôi không nói riêng ai, mà nói chung, từ lớn tới nhỏ, kể cả tôi, kể cả cậu. Chúng ta nhập cuộc vì bất đắc dĩ phải nhập cuộc, làm một chơi mười, tới đâu hay đấy! Bên dân sự phó mặc chuyện đánh đấm cho bên nhà binh, bên nhà binh mình thì bảo anh Mỹ cấp đầy đủ súng đạn máy bay đại bác cho tôi tôi mới đánh, không cấp đủ tôi nghi chơi a! Súng đạn có trong tay, đánh thì đánh, chỉ đâu đánh đó, tấn công vào một làng xôi đậu, chiếm được mục tiêu, phá hủy được công sự kho lương địch là xong, những người dân làng ở đây nghĩ sao, yêu hay ghét mình, số phận họ ra sao khi mình rút đi, khỏi cần biết! Đấy, tôi có đơn giản hóa mọi sự một chút, nhưng đại khái là thế.
Vì sao vậy? Tôi cho rằng nguyên do chính, là mọi người hay đa số dân Miền Nam chúng ta (trong đó có tôi, có cậu) sở dĩ lâu nay còn nhẩn nha tà tà, là vì chưa hiểu rõ kẻ thù. Các cậu còn hăng hái hội thảo, xuống đường, còn “đêm không ngủ”, còn đòi dân tộc tự quyết, là vì chính các cậu cũng không hiểu rõ kẻ thù. Cậu đừng nhăn mặt. Tôi nói như vậy có vẻ giống như luận điệu của mấy ông tướng ông tá cầm quyền mỗi lần bị đối lập hay dân chúng chống đối, tố cáo hà lạm tham nhũng, là ngay lập tức đem cái bùa cộng sản ra hù dọa. Họ khác, tôi khác. Tôi không phản đối việc tuổi trẻ hành động để đòi hỏi sự công bằng xã hôi, sự dân chủ chính trị, sự tự do tư tưởng. Nhưng…
Ngữ sốt một, chặn lời Trung tá Thanh:
– Ấy, chính những gì bất đầu sau chữ NHƯNG đó mới lôi thôi! Vì người ta cứ vịn vào cớ an ninh quốc gia để làm bất cứ thứ gì, dù thứ đó vi phạm đến căn bản của lý tưởng quốc gia, như dân chủ, như tự do, như tôn trọng nhân quyền.
Trung tá Thanh mỉm cười chờ Ngữ nói tiếp, nhưng Ngữ chỉ nói được có thế. Ông tiếp, sau một lúc im lặng, như để nắm vững hơn lý luận và cách suy nghĩ của người bạn trẻ:
– Tôi không hề nghĩ là sự phẫn nộ hay hành động chống đối của các cậu không có những lý do chính đáng. Tôi không hề phủ nhận một số tệ trạng của chính quyền bị các cậu vạch ra trong những cuộc biểu tình, hội thảo. Tôi không hề nói là các tướng tá đang cầm quyền hiện nay đều sạch sẽ, không tham nhũng, không lộng quyền. Như cậu biết đấy, chính tham nhũng vứt tôi ra đây. Cái cảnh các ông tướng đi đâu thì tiền hô hậu ủng, khua chiêng gióng trống, cờ quạt mũ mãng sặc sỡ như diễn tuồng Quảng Lạc, tôi cũng không ưa gì.
Nhưng như khi nãy tôi vừa nói, nếu các cậu hiểu rõ cộng sản hơn, cung cách phản đối hay phẫn nộ của các cậu sẽ khác. Sẽ giống như hai vợ chồng đầu gối tay ấp bao nhiêu năm, chia sẻ ngọt bùi với nhau, bỗng một hôm giận nhau phải to tiếng. Người chồng giận mà không nỡ tát tai vợ. Người vợ giận nhưng không nỡ nặng lời với chồng. Không nỡ nặng tay với nhau, định quăng cái mâm, đập cái bát cho hả tức, lúc đó lại nghĩ đến bao nhièu mồ hôi nước mắt đổ ra để mua những thứ ấy. Lại thôi!
Ngữ cắt lời ông Thanh:
– Trung tá có nghĩ là những người cầm quyền ở miền Nam đối đãi với dân như tình vợ chồng không?
Trung tá Thanh đáp:
– Không. Nói đúng hơn là “chưa”! Và bây giờ, sau vụ Tết Mậu Thân, họ sáng mắt. Họ phải bắt đầu lại hết, cũng như người dân Huế thức tỉnh trọn vẹn sau những đau đớn, tang tóc. Cái chết oan khiên, tức tưởi của những người như thân phụ cậu trở thành có ích. Trở thành một đóng góp. Cậu ở trong đó chắc không thấy rõ sự thay đổi lạc quan cho bằng tôi ở đây. Trước Mậu Thân, Sư đoàn Một là một trong những sư đoàn bị chê là kém về khả năng chiến đấu, lỏng lẻo về kỷ luật. Tôi không nói tới vụ Phật giáo, không có vụ đó, Sư đoàn Một vẫn không phải là một đơn vị quân sự khá. Nhưng sau Mậu Thân, đây là sư đoàn thiện chiến nhất, có tinh thần cao nhất của quân lực Việt nam Cộng hòa. Bây giờ còn quá sớm để lạc quan. Nhưng tôi cho rằng nếu các nơi khác đều giống như ở đây, thì trong vụ Mậu Thân, chúng ta đã thắng lớn. Cậu thấy đấy, sau Tết, chúng rán mở thêm hai đợt tấn công nữa hồi tháng Năm và đầu tháng Bảy, nhưng có nên cơm nên cháo gì đâu! Trong khi đó, bọn nằm vùng đã lộ diện hết. À, cho cậu biết thêm một tin mừng: Mỹ đã đồng ý trang bị cho quân đội ta loại tiểu liên M 16, thay thế đồng loạt loại Carbine hay Garant đã lỗi thời. Phải có M 16 mới kiềm chế được AK 47 của chúng nó. Cậu thấy không, chính Mỹ cũng sáng mắt ra. Không biết chừng chính Mỹ nó giăng bẫy trong vụ Tết Mậu Thân, để mặc cho Việt cộng tràn vào phố xá tỉnh lỵ tàn sát, nhằm mở mắt cả dân Việt lẫn dân Mỹ. Vận hội mới đã tới. Cậu tin tôi đi!
Ngữ đáp chậm:
– Tôi cũng mong mọi sự tốt đẹp như Trung tá nghĩ!
Trung tá Thanh đập nhẹ mặt bàn, ngửa người vào lưng ghế cười hể hả:
– Dĩ nhiên là phải tốt đẹp. Đến nước này mà chưa thấy phải thay đổi, phải làm lại từ đầu, thì còn chờ tới lúc nào. Chờ dắt díu nhau di cư một bận nữa sao?
Ngữ hỏi:
– Trung tá đã nói những điều như vậy với bao nhiêu người rồi. Họ nghĩ sao?
Gương mặt đang hớn hở của Trung tá Thanh đột nhiên nghiêm lại. Một chút bối rối, sau đó ông cố lấy giọng vui bảo Ngữ:
– Không nhiều. Và cũng rất ít người hiểu hết được, như tôi đã nói với cậu lúc nãy. Phần lớn đều ậm ờ ra vẻ đồng ý cho phải phép. Nhưng tôi không buồn. Lúc nào, ở đâu, cũng có những người muốn giữ y nguyên trạng, sợ hãi cái mới, e ngại phiêu lưu. Ù lì là bản chất cố hữu của những người sống an toàn. Số này ít, nên cuối cùng phải bị đa số muốn thay đổi cho về vườn. Không thể ngăn được những ngọn sóng mới, trẻ trung hơn, trong sạch hơn, năng động hơn. Nếu tôi có quyền…
Ngữ cắt lời Trung tá Thanh:
– Vấn đề là ở chỗ đó. Những người như Trung tá chỉ nói được “nếu tôi có quyền…”. Người có quyền thuộc lớp khác. Không ai giao quyền cho Trung tá đâu!
Trung tá Thanh nhìn Ngữ, thương hại như nhìn một đứa em tật nguyền. Giọng ông đùa cợt thân ái:
– Cậu nghĩ thế à?
Ngữ đáp:
– Vâng.
– Tôi nói quyền đây không có nghĩa là quyền cao, chức trọng. Chỉ cần giao cho tôi một quận, một tỉnh. Nếu các quận các tỉnh lớn đã có những người bỏ thầu cả rồi, thì cho tôi một xã đi. Tôi sẽ làm cho cậu coi.
Ngữ thích thú, và bị nhiệt tình của ông Thanh cuốn hút. Ngữ cười, hỏi:
– Giả sử ngay bây giờ người ta giao cho Trung tá làm quận trưởng một quận, việc đầu tiên Trung tá làm là gì?
Trung tá Thanh hơi bối rối trước câu hỏi bất ngờ. Ông suy nghĩ một lúc, rồi đáp:
– Hai việc: Viết thư cho cậu, rủ cậu về làm việc với tôi để giám sát tôi, nhắc cho tôi thấy tôi hồ đồ ở chỗ nào, sai trái ở chỗ nào. Cậu sẽ là tấm gương để tôi soi mặt tôi hàng ngày, xem thử đã bị quyền hành làm mặt mũi dị dạng chưa. Việc thứ hai là vù về Sàigòn, đem vợ con tôi ra sống ngay tại nhiệm sở. Gia đình tôi sướng hay khổ, sống hay chết theo dân trong quận. Tôi chặt cầu rút lui, không chuẩn bị chạy làng. Sau đó, cứ việc tiến tới!
Ngữ không giấu được sự cảm động trước tình thân ái của Trung tá Thanh đối với mình. Chàng cảm thấy hãnh diện, hai tai nóng bừng. Ông Thanh thấy Ngữ ngồi im, tưởng chàng do dự, cười ha hả, rồi hỏi vặn:
– Cậu sợ rồi hả?
Ngữ đáp:
– Không! Tôi sẽ chờ thư của Trung tá.
Nguyễn Mộng Giác
Số lần đọc: 3271