( Đường Một Chiều – Chương 8 – Nguyễn Mộng Giác)
– Không phải ba con đâu. Nhất định không phải ba con đâu.
Chiều hôm qua, lúc dừng xe lại trước nhà, Ly ngồi yên không xuống ngay. Lặng đi một lúc, Ly thì thào với tôi câu ấy. Dù câu nói có nghĩa xác định, nhưng giọng nói của Ly lại đầy hoang mang, tuyệt vọng. Đó là một mơ ước, chứ không phải là xác nhận.
Đêm qua, tôi lại thức trắng, chỉ vì cũng một mơ ước như Ly. Mơ ước tên lưu manh ghê tởm do luật sư thuê ra làm chứng trước tòa bôi nhơ lên danh dự gia đình tôi sẽ bị lột mặt nạ, sau đó bị trừng trị nặng nề. Mơ ước vụ án chấm dứt ngay từ lúc ấy, với một phán quyết rõ rệt, qui định trách nhiệm cho cơn say định mệnh của Ninh.
Mơ được quên. Ước được yên tĩnh mà tiếp nối cuộc sống đang bắt đầu nhạt nhẽo bất trắc.
Vả lại, đồng đội đang cần đến tôi. Núi rừng cao nguyên đang thiếu hơi tôi thở. Sương và mây bàng bạc mỗi sáng bên kia tấm tăng cũ còn đẹp hơn cả đồng ruộng xanh, con đường thẳng, bãi cát trắng, vòm trời cao êm ả nơi đây.
Mọi thứ đã nhiễm độc, và tôi muốn được chìm trong cái mênh mông đìu hiu của thiên nhiên. Lòng lan man nghĩ ngợi, trí phiêu diêu từ chuyện này sang chuyện khác, bất định, bềnh bồng. Và cứ như vậy, tiếng đồng hồ tí tắc nhích từng chút khoảng đêm dài, đêm dài.
Tôi thức dậy, dã dượi. Đầu nặng, thân hình ê ẩm. Lũ nhỏ dậy từ lâu và như thường lệ, Ty với Nô bắt đầu tranh cãi nhau. Lắng nghe thử chúng đang tranh nhau thứ gì, nhưng chịu. Tôi chỉ nghe Nô lè nhè mãi mấy tiếng: “Không biết, không biết” còn Ty thì thách đố từng chặp: “Sức mấy. Sức mấy”. Hình như Ly cũng đã dậy, và đang cho Mi bú buổi sáng, vì nghe tiếng con bé út ậm ọe cằn nhằn không chịu nuốt.
Có tiếng xe phanh rít ở cổng, rồi tiếng Tín hỏi một cách hối hả:
– Ba đâu rồi Ly?
Ly chậm rãi nhỏ nhẹ thưa:
– Dạ thưa chú, ba cháu còn ngủ.
Giọng Tín càng nôn nóng hơn:
– Trời ơi sao lại ngủ. Vào thức ba dậy đi, 8 giờ 45 rồi.
– Đi đâu hở chú?
– Đi dự phiên tòa chứ còn đi đâu nữa. Hôm qua Ly với ba bỏ chạy đi đâu vậy! Sau đó chú tìm mãi không thấy. Lúc lại chỗ để xe, mới biết là ba và cháu đã về.
Tôi giật mình choàng ngồi dậy. Té ra phiên tòa chưa chấm dứt. Vậy thì hôm qua họ làm cái gì nữa? Đã nghe đủ các lời khai của nhân chúng, đã nghe bên kết bên giải đấu lý, tòa chỉ còn có mỗi một việc: gõ vài tiếng búa tuyên bố dành vài phút nghị án, rút lui vào hậu trường gật gà bàn luận qua loa, rồi trở ra tuyên án. Xong. Xong hết. Không tốn đến 15 phút, trong khi hôm qua tôi bỏ về hồi 5 giờ chiều.
Bên ngoài, Ly đã đưa Tín vào phòng khách, vì tôi nghe Ly mời:
– Chú ngồi chơi ạ. Để cháu vào thức ba dậy.
Không đợi Ly vào, tôi để nguyên đồ ngủ ra nhà trước. Thấy tôi, Tín hỏi gấp:
– Thiếu tá không ra tòa nữa à?
– Hôm qua chưa xong sao?
– Chưa. Ninh nó bóp cổ lão sở khanh hơi chặt, làm cho lão xanh xao, ho rũ như con gà chết. Quân cảnh giải Ninh ra phòng tạm giam phía ngoài. Tòa định tiếp tục thì luật sư xin đình xử. Ông ta bảo nhân chứng bị khủng hoảng tinh thần không thể khai được nữa. Thật ra thì phải nói là khủng hoảng thân xác mới đúng, vì lão sở khanh cứ ho miết, ho miết, không thể nói được gì.
Tự nhiên tôi cảm thấy vui vui. Lòng trở lại hăng hái.
Tôi hỏi Tín:
– Vậy sáng nay tòa bắt đầu mấy giờ?
– Chín giờ, thiếu tá mặc đồ vào. Đi là vừa.
Tôi quay hỏi Ly:
– Con đi không?
Ly cương quyết đáp:
– Không. Ba đi đủ rồi.
Tôi không dám nài thêm một lời, biết nỗi đau đớn Ly chịu đựng suốt mấy ngày nay. Tín đề nghị mời tôi đi ăn sáng, và sợ tôi từ chối, nói thêm:
– Với lại chắc vài hôm nữa, thiếu tá trở lên rồi.
Tôi cười gật đầu. Vào quán, chúng tôi chỉ cắm cúi ăn vì có điều gì e ngại mà cả hai không ai dám nói đến điều muốn nói. Tôi đoán Tín muốn biết tôi nghĩ sao về nhân chứng đột ngột hôm qua, tôi tin lão sở khanh đó là chồng trước của Thúy không. Còn tôi biết Tín thắc mắc như vậy, cũng có những e ngại tương tự: Tín có nghi ngờ trò chơi nguy hiểm của luật sư? Có nghĩ Thúy đã có cuộc sống sóng gió trước khi lấy tôi? Có vì những bịa đặt ô nhục mà hoài nghi phẩm hạnh của Thúy?
Trong tâm trạng ấy, cả hai chúng tôi đều muốn ăn vội vã cho xong và phóng nhanh đến tòa. Bữa điểm tâm kéo dài không đầy mười phút. 9 giờ 15 chúng tôi đã đến trước hội trường. Tôi biết trước là không thể nào khai mạc đúng giờ như những bữa đầu, vì mọi thủ tục thẩm vấn rắc rối đã qua, chỉ cần không đầy một tiếng đồng hồ nữa là tuyên án. Không có gì phải vội. Vả lại, hầu như ai nấy đều rã rời lắm rồi.
Người dự khán hôm nay, ngược với sự dự đoán của tôi đông hẳn lên. Họ đứng đầy khoảng sân trước tòa án. Chiếc Jeep của tôi vừa ngừng thì một vài người lạ mặt chạy tới, nét mặt khẩn trương. Họ tranh nhau nói:
– Nó chết rồi.
– Nó chết hồi hôm. Phiên tòa bãi bỏ luôn.
Tôi giật mình, hí hửng hỏi:
– Ai chết?
Trí tôi tưởng đến tai họa giáng xuống những tên sở khanh lừa lọc.
Một người nào đó nói:
– Thằng đó. Thằng lính của ông chứ ai.
Tôi không tin tai mình. Đám đông kéo đến đông hơn. Tín nhanh nhẩu hỏi:
– Mà sao nó chết? Có ai nghe nói không?
– Không biết chắc. Nghe quân cảnh họ bảo về đi. Thủ phạm chết, phiên tòa coi như bỏ.
Vừa lúc đó, mấy chiếc xe Jeep của quân pháp hiện ra ở đầu đường. Đám lính có phận sự giữ trật tự mấy hôm nay vội vã ngưng ngay câu chuyện ba hoa, chạy nhanh vào hội trường. Đám đông cũng chạy theo.
Cả tôi lẫn Tín hoang mang không hiểu đâu là sự thật, đành đi theo đám đông. Mọi người tự động ngồi dồn lên mấy hàng băng phía trước, quên cả tính dè dặt thường lệ. Khi toán dàn chào hô nghiêm và bồng súng, nhiều người tò mò quay hẳn lại, dò xem nét mặt ông chánh thẩm để đoán trước những điều gì xảy ra.
Tôi cũng ở trong số người bạo gan ấy. Nhưng nét mặt ông chánh thẩm vẫn vậy. Cả sĩ quan phụ thẩm cũng giữ nguyên nét mặt lầm lì. Họ lặng lẽ bước lên sân khấu, biến mất đằng sau cánh gà. Thượng sĩ thừa phát lại lăng xăng chạy qua chạy lại, hết nói chuyện với người lính quân cảnh góc trái, lại đến thì thào với thiếu úy lục sự.
Quả thật trên mặt của những người liên quan ít nhiều đến công lý, có đôi điểm bất thường. Cả đến cung cách diễn tiến của tòa án cũng vậy. Ông chánh thẩm và bồi thẩm đoàn ra sân khấu hội trường gần mười lăm phút, chuông vẫn chưa reo.
Trong sự chờ đợi nôn nao, đám đông dự khán cười nói ồn ào, mất hết vẻ trang nghiêm. Hơn nữa, chỗ bàn phía trái, không thấy trung úy ủy viên chánh phủ đâu. Tôi kinh ngạc hỏi Tín:
– Sao viên trung úy chưa đến?
– Em không hiểu. Không biết họ đồn vậy, có đúng không.
Tôi muốn nhờ Tín đi hỏi ai đó cho rõ hư thực. Nhưng tôi ngần ngại thế nào. Tôi sợ người ta xác nhận một điều không muốn nghe. Vì thế, Tín nói xong, tôi vờ không nghe thấy, quay đi hướng khác. Sau lưng tôi có tiếng giày bước vội. Viên trung úy ủy viên chánh phủ hối hả đi vào. Nét mặt ông ta có vẻ nghiêm trọng bất thường. Ông ta không đi thẳng lên bàn dành cho mình mà đến nói thầm gì đó với thừa phát lại. Thượng sĩ vội chạy vào sau sân khấu. Tín thì thào:
– Chắc có chuyện gì thật. Họ đồn đúng đấy, thiếu tá.
Hồi chuông reo gỡ rối cho tôi, giúp tôi khỏi phải trả lời Tín. Ông chánh thẩm ra sân khấu, trong khi ủy viên chánh phủ vội vã đến chỗ mình. Ông chánh thẩm vừa truyền:
– Tòa bắt đầu.
Thì trung úy ủy viên chánh phủ đã đứng dậy nói:
– Thưa quí tòa. Bị can Trần văn Ninh đã tự tử chết trong quân lao tối hôm qua. Đây là giấy chứng tử của y sĩ trưởng lao xá. Xin quí tòa tuyên bố công tố quyền tiêu diệt.
Quên cả giữ gìn, cả hội trưởng ồn ào hẳn lên. Người ta nói lớn tiếng với nhau, cười đùa với nhau. Riêng tôi, tôi hơi lấy làm lạ về mình. Sao lúc nãy tôi lo âu hoang mang. Mà giờ đây, chính tai tôi nghe tin Ninh đã chết, lòng tôi lại dửng dưng, bình thản quá chừng.
Lòng oán thù đã khiến tôi trở nên độc ác đến độ đó sao?
Tôi không tin thế. Có lẽ qua những lời thì thào bàn tán, những lời phỏng đoán của kẻ khác, từ lúc tôi đến đây cho đến lúc tòa khai mạc, tôi đã được chuẩn bị cẩn thận để đón tiếp biến cố.
Hoặc có lẽ trong thâm tâm, từ lâu rồi, tôi mong đợi cái chết của Ninh.
Trên sân khấu, ông chánh thẩm đưa tay nhận tờ chứng tử do ủy viên chính phủ trình lên, liếc xem qua rồi trao lại cho thiếu tá ngồi cạnh. Viên thiếu tá lại chuyền cho viên trung úy ngồi ngoài cùng. Ông chánh thẩm quay sang hỏi luật Sư:
– Luật sư có phản đối gì không?
Luật sư lắc đầu. Mặc kệ tiếng cười nói ồn ào trong hội trường, ông chánh thẩm lớn tiếng bảo:
– Tòa tuyên bố công tố quyền tiêu diệt.
Ông ngừng lại một chút, liếc nhìn sang hai bên như ngầm hỏi ý kiến, rồi nói tiếp:
– Và tòa bế mạc.
Ông chánh thẩm và các phụ thẩm đứng dậy. Tiếng hô nghiêm và tiếng bồng súng chào ở một cuộc chợ tàn, không đủ ngăn đám đông ùa ra cửa hội trường một cách rối loạn, ồn ào.
Tín dè dặt nói:
– Bây giờ mình đi đâu, thiếu tá?
Tôi hỏi lại:
– Đi đâu bây giờ?
Tín nói:
– Hay mình lại quân lao thử xem.
Tôi không hiết làm gì hơn là gật đầu theo Tín.
Cửa quân lao đóng, và những kẻ hiếu sự, những phóng viên chuyên nghiệp săn tin đã đúng sẵn ở đó rồi. Hai người quân cảnh cương quyết không cho ai đến gần, dù có đưa ra bất cứ tấm thẻ vàng thẻ xanh nào. Chữ PRESS trắng trên túi áo cũng vô hiệu. Tín lái thẳng đến chỗ những con ngựa gỗ, hách dịch ra lệnh:
– Thiếu tá Lộc, chồng của nạn nhân. Mở cửa cho thiếu tá vào.
Hai người quân cảnh chăm chăm nhìn tôi một lúc. Một người vẫn giữ bộ mặt ngờ vực, còn một người hình như theo dõi kỹ càng các bài tường thuật trên báo, thấy tên tôi, mở cửa cho đi. Tín nhanh nhẹn hỏi đường thay tôi. Người ta dẫn chúng tôi quanh co một hồi, qua nhiều lớp kẽm gai, qua nhiều trạm kiểm soát. Cuối cùng, chúng tôi đến trước một căn nhà tiền chế loại nhỏ nằm sâu bên trong khuôn viên quân lao. Người lính hướng dẫn giải thích:
– Đây là bệnh xá. Họ bỏ nằm chỗ phòng phía trái.
Chúng tôi theo hướng tay chỉ, dè dặt tiến vào. Bốn người quân cảnh vội vã đứng dậy, đưa mắt dò hỏi trong ngỡ ngàng.
Tín thay tôi giải thích:
– Thiếu tá Lê văn Lộc.
Một người quân cảnh, chắc có dự mấy buổi ở tòa, nhanh nhẩu bảo:
– Nó lấy mẻ chai cắt gân tự tử hồi hôm, thiếu tá. Thiệt là thiên bất dung gian.
Tôi lập cập hỏi:
– Xác để đâu? Sao họ bảo để ở phòng này?
Người quân cảnh vừa nói đáp:
– Dạ để ở chái ngoài. Em nói đem vào trong cho bớt tối tăm, nhưng mấy thằng này nói chết như vậy coi như bất đắc kỳ tử, để trong phòng không nên.
Họ dẫn chúng tôi qua một lớp cửa nữa. Xác Ninh nằm dọc theo mái hiên, phủ bằng một tấm mền xám đã cũ. Hai bàn chân xanh ló ra khỏi mền, ruồi bâu ở một vài chỗ xi măng rỉ màu nâu. Chưa ai dám đến gần. Hình như mọi người muốn nhường cho tôi quyền quyết định phải làm gì đây. Tôi tiến tới gần xác Ninh, đứng lặng một chốc, rồi cúi xuống lật mền ra. Mái tóc dơ bù xù. Khuôn mặt xanh mét đanh lại. Mắt mở lớn. Hai hàm răng cắn chặt. Từ khuôn mặt kẻ chết, tỏa ra nỗi đau đớn thống thiết và sự cố gắng tột cùng để chịu đựng tất cả nỗi đau đớn. Tôi định phủ mền lại cho Ninh, thì một quân cảnh nhắc:
– Nó cắt ở cổ tay trái.
Tôi vội dở mền nhiều hơn nữa. Cái áo nhà binh mở nút, ngực Ninh da ngăm, một vài chỗ có lông beng . Thôi nhé Ninh, không còn phải lo dậy sớm mỗi sáng mai để hì hục với cặp tạ nặng cho chân tay dẻo dai, cho ngực vạm vỡ như lực sĩ. Thôi không còn lo lắng đi tìm sách thuốc đông y, tây y để chữa cho dứt cái chứng lông beng khó chịu, sợ nó ăn lan lên mặt. Thôi hết lo. Thôi hết khổ. Thôi hết hận, thôi hết buồn. Cánh tay Ninh xếp dọc theo thân mình, mấy ngón cong quắp lại. Tín phải khéo léo ngồi sát vào vách nhà cầm ống tay áo kéo cánh tay Ninh lên. Xác Ninh cứng. Tín khó nhọc lắm mới giúp tôi thấy rõ vết thương ở cổ tay. Vết đứt rộng, bầy nhầy. Cả người tôi nổi gai ốc, tưởng tượng cảnh một người tuyệt vọng cắn răng chịu hết đau đớn cứa đứt mạch máu của mình, để tránh một nỗi tuyệt vọng đau đớn còn lớn lao hơn cả cái chết. Tín quay lại hỏi mấy người lính:
– Có biết anh ta dùng vật gì cắt mạch máu không?
Một người đáp:
– Dạ không hiểu. Nghe nói mẻ chai hay thứ gì đó. Không phải vật bén.
Một người khác bảo:
– Chắc là hồn bà thiếu tá về báo oán. Ác lai thì ác báo. Thiệt là…
Anh ta còn định nói gì nữa, nhưng thấy tôi trừng mắt, người lính kinh ngạc, không nói nữa. Vừa lúc đó có thêm nhiều người nữa vào phòng bệnh xá. Xen lẫn tiếng nói chuyện lao xao có tiếng khóc kể tỉ tê. Ông cha của Ninh cố gắng giữ vẻ bình thản giả tạo, ngồi xuống lặng lẽ vuốt mắt đứa con trai và gài lại nút áo. Còn người mẹ thì khóc lớn, vật vã kể lể như người mất trí. Bà ngồi bệt xuống đất, hai chân chà trên lớp sỏi nhỏ, hết khóc kể lể lại cúi xuống vuốt mặt vuốt tóc người chết. Người cha đứng dậy nhường chỗ cho vợ. Thấy tôi, ông mất hẳn bình tĩnh, miệng mếu khóc thành tiếng. Ông than:
– Thôi hết cả rồi. Còn gì nữa đâu thiếu tá.
Tôi không biết nói câu gì hơn ngoài câu nói vô nghĩa:
– Chia buồn với bác. Thôi thì đành vậy!
Một tốp người khác vừa mới đến nữa. Ông chánh thẩm và mấy sĩ quan quân pháp, trong đó có cả phụ thẩm và công tố viên đến vây quanh xác chết. Ông chánh thẩm vỗ vai cha của Ninh, an ủi:
– Xin chia buồn với ông. Chúng tôi rất kinh ngạc khi nghe báo tin…
Bà mẹ Ninh khóc lớn kêu van:
– Ối con ơi là con ơi!
Làm lấp lời ông chánh thẩm. Ông quay sang tôi hỏi:
– Thiếu tá vào đây hồi nào?
– Thưa Ông Chánh thẩm. mới đây thôi.
Ông chánh thẩm thấy mọi người chỉ chú ý đến cánh tay bầy nhầy máu của Ninh, kéo tôi ra xa:
– Tôi muốn nói chuyện riêng với thiếu tá nhưng không có cơ hội, gặp đây thật là tiện.
Tôi nói:
– Xin cảm ơn thiện cảm của ông chánh thẩm đối với gia đình chúng tôi. Qua cách hỏi cung tôi biết ông có thiện cảm ấy.
Ông chánh thẩm vội xua tay từ chối:
– Thôi thiếu tá đừng nói vậy. Xin thú thật tôi bất lực. Không biết phải làm gì, xử ra sao. Có cái gì quá đáng, đã vượt khỏi quyền năng của con người. Tôi biết nếu phải tuyên án, thì chắc chắn tôi phải ray rứt cả tháng trời vì lời tuyên án. Suốt mấy ngày nay, tôi không ngủ được. Chiều hôm qua, lúc thấy bị can xông đến bóp cổ nhân chứng, tôi hoang mang, biết có điều gì trục trặc. Luật sư không xin, thì tôi cũng cho hoãn tới sáng nay, để suy nghĩ thêm một đêm nữa. May mà…
Ông chánh thẩm đang nói phải dừng lại, vì có một người lạ đến gần. Tôi nhận ra ngay ông luật sư, trong khi ông chánh thẩm chưa nhớ kịp. Luật sư nói:
– Chào ông chánh thẩm. Rồi mọi sự cũng êm hết ông thấy không?
Tôi không nén nổi cơn giận, nói như quát vào mặt luật sư:
– Phải. Mọi sự đều êm xuôi cả, trừ một mình ông. Đến bao giờ ông mới ngừng ném bùn nhơ vào mặt mọi người?
Tên luật sư ngợ đi một lúc, rồi bình tĩnh đáp:
– Ông mất bình tĩnh rồi. Hãy bỏ qua chuyện ấy đi.
Tôi cảm thấy ngầy ngật, chưng hửng, như vừa bước hụt vào một hố sâu. Đứng một mình bên hàng rào thép gai khi ông chánh thẩm và luật sư quay đi, tôi bắt đầu lo sợ: Phải báo cái tin dữ này cho Ly sao đây?
Nguyễn Mộng Giác
Số lần đọc: 175