Mấy ngày nay, gia đình ông bà Thanh Tuyến dường như có chuyện buồn. Lệ thường, Ngữ về nhà là thế nào ông Thanh Tuyến cũng gọi chàng vào phòng ông, để bác cháu bàn với nhau đủ thứ chuyện, từ thời sự quốc nội cho đến tình hình thế giới. Dây liên lạc nối kết ông với biến chuyển chính trị xảy ra ngoài cánh cửa sắt là tờ Chính Luận. Ông đọc kỹ tờ báo, không bỏ sót lấy một chữ. Đọc xong, nằm một mình ông suy luận ra các chuyển biến vĩ đại khắp năm châu, những chuyển biến ấy ông không được hân hạnh góp tay nhưng làm cho ông nôn nao, thao thức. Đọc báo xong, ông lẩm nhẩm soạn hẳn một bài quan điểm cho từng vấn đề, rồi chờ tới tối đem đối chiếu quan điểm của mình với quan điểm các đài phát thanh ngoại quốc như BBC, VOA, NHK, đài Úc, đài Caritas. Trò chơi ấy giúp ông quên phần nào cảnh sống tàn phế của mình.
Những ngày có Ngữ, ông hào hứng bàn luận chuyện Nixon đắc cử tổng thống Mỹ, cho rằng với lập trường chống cộng cứng rắn, với kinh nghiệm lãnh đạo, với những phụ tá uyên bác như Kissinger, những chuyện nhì nhằng phi lý như bỏ bao nhiêu thì giờ bàn cãi để tìm cho ra hình dáng cái bàn họp cho hội nghị Paris không thể xảy ra được. Lấy quá trình hoạt động chính trị của Nixon làm nền lý luận chưa đủ, ông còn nhờ vả khoa tướng mạo học. Ông quả quyết rằng cặp lông mày và cái mũi của ông Nixon, trong hình học ba chiều, hội tụ về một điểm. Đây là tướng mạo một người quyết tâm, định làm gì thì phải làm cho được, với bất cứ giá nào. Một họa sĩ hí họa đã có con mắt tinh đời khi vẽ cái mũi nhọn và hơi vểnh ở chóp của ông Nixon như là một mũi tên trên dây cung, sẵn sàng phóng ra đâm phập vào tim kẻ thù. Được xem bức hí họa đó, ông Thanh Tuyến cười nói hể hả, càng tin vào tướng mạo học. Ngữ ngồi chịu trận, nghe ông thuyết giảng, và lây cái nhìn lạc quan của ông.
Nhưng suốt hai ngày qua, Ngữ thấy không khí trong nhà đổi khác. Ai cũng có nét mặt buồn rầu, lo lắng. Ông bà Thanh Tuyến rì rầm nói chuyện hàng giờ trong phòng, giọng ông đều đều như cố thuyết phục, giọng bà thì cáu kỉnh, bực bội, đôi khi to tiếng.
Ngữ nghe câu được câu mất. Giọng Ông Thanh Tuyến:
– …Mình nói thế sao được. Người nước nào thì cũng có kẻ tốt kẻ xấu…
Giọng bà thì rên rỉ đau đớn:
– …Nghiệp chướng hay sao mà khổ vậy trời. Chưa hết khổ vì thằng anh lại đến phiên con em. Tôi còn mặt mũi đâu mà dám về Huế nữa…
Một lần Ngữ nghe ông Thanh Tuyến bực quá, gắt lên:
– Bà viết thư cho nó đi! Tôi không viết. Mọi sự do bà hết. Thằng Tường nó hư cũng do bà. Cứ bắt nó tự lo lấy thân, không rủng rỉnh tiền nong phè phỡn, phải chi li từng đồng lo cái ăn, cái mặc, nó đâu có thì giờ tụ bè họp bạn làm ba cái chuyện ruồi bu đó. Bây giờ con em nó hư cũng do bà…
Bà Thanh Tuyến khóc nức nở vì phẫn uất.
Ngữ ở thế kẹt, vội vã tìm cớ ra khỏi nhà dù mới bước chân qua cánh cửa sắt. Vì tế nhị, Ngữ không tiện hỏi Quỳnh Trang, nên suốt thời gian ấy, Ngữ đi sớm, về trễ. Lúc nào, Quỳnh Trang cũng chờ sẵn để mở cửa. Hai người cũng tránh nói chuyện với nhau, biết rằng hễ nói chuyện hơi lâu một chút, thế nào người này cũng bắt gặp cái nhìn dò hỏi chờ đợi trên mắt người kia.
Tối thứ sáu, Ngữ về nhà với ngón tay trỏ bị quấn băng. Lãng lái xe ẩu, lại bận nói chuyện nên không thấy chiếc xe buýt ra dấu sẽ tấp vào trạm. Xe phanh gấp, quay một vòng, rồi hai anh em ngã sóng soài lên mặt đường. Lãng nhờ bộ đồ nhà binh dày cộm che chở nên chỉ bị xây xát nhẹ, hai đầu gối cái quần treillis rằn ri ngụy trang màu lá rừng bị chà xát lên mặt đường, thủng thành lỗ. Ngữ bị một vết cắt ở đầu ngón tay trỏ bàn tay trái.
Quỳnh Trang thấy ngón tay Ngữ quấn băng trắng, đầu ngón tay đầy thuốc đỏ, lo âu ra mặt. Cô gái hớt hải hỏi:
– Anh, sao thế?
Lâu lắm, Ngữ mới được có người trực tiếp lo lắng cho mình như vậy. Chàng cảm thấy lâng lâng sung sướng, nên bi thảm hóa tai nạn sơ sài vừa qua:
– Tí nữa thì cả hai anh em đi đời rồi! Lãng nó lái xe ẩu quá!
Quỳnh Trang nhìn mặt Ngữ, liếc nhanh lên quần áo, tự nhiên mỉm cười. Giọng kể của Ngữ tỉnh táo quá, không có vẻ gì giống như vừa thoát lưỡi hái Tử thần. Quỳnh Trang vẫn hỏi:
– Có bị sâu không anh?
– Khá sâu. Máu ra hơi nhiều.
Giọng Quỳnh Trang lo lắng hơn:
– Anh đã xức thuốc gì chưa? Không khéo bị nhiễm trùng mất! Nhà có băng bông và pommade peniciline. Anh ngồi xuống đây, để em mở băng xức thuốc lại cho cẩn thận.
Ngữ thoải mái ngồi yên để cho Quỳnh Trang lo lắng săn sóc, thầm cảm ơn cái tính buông tuồng cẩu thả của Lãng. Trang lấy kéo cắt lần vải băng đã bẩn, nhè nhẹ gỡ ra sợ Ngữ đau đớn, chăm chú quan sát vết thương. Ngữ nhìn mái tóc Quỳnh Trang chập chờn trước mắt mình, nhiều sợi lóa mờ vì ánh sáng ngọn đèn nê-ông một mét hai gắn trên trần. Mái tóc che mất khuôn mặt cô gái, nhưng làm nổi bật một đường mũi thẳng, cao, và nước da trắng.
Ngón tay trỏ của Ngữ đã được gỡ hết vải băng. Quỳnh Trang ngước lên, cười mỉm. Ánh mắt như chế giễu. Ngữ ngượng, dợm rút tay về. Quỳnh Trang kêu lên:
– Ấy! Để em thoa qua một ít thuốc sát trùng, rồi bôi pommade, băng lại cho anh. Anh yên tâm! Vết cắt không sâu, nhưng cũng phải cẩn thận, nếu không lại bị tê-ta-nốt.
Nói xong, Quỳnh Trang lại mỉm cười. Ngữ không dằn được, nói:
– Có Trang lo, vết thương nào cũng trở thành êm ái cả!
Quỳnh Trang cười thành tiếng, định trả lời, nhưng chỉ nhìn Ngữ không thốt được lời nào. Tiếng cười trong, tuy nhỏ nhưng bốn bức tường của phố hẹp dội lên thành ra lớn. Quỳnh Trang đưa tay lên che miệng. Ngữ lại nhận ra bàn tay Trang trắng, nhưng nắm ngón tay hơi mập và thô. Chàng nghĩ nhanh: Tội nghiêp! Làm việc nhiều quá, một mình lo nuôi cả gia đình! Quỳnh Trang nói nhỏ vừa đủ cho Ngữ nghe, sợ đánh thức thầy me dậy:
– Mấy ngày nay nhà có chuyện không vui. Chuyện con Quỳnh Như!
Ngữ lờ mờ đoán Quỳnh Như là đề tài làm cho ông bà Thanh Tuyến bất đồng, càm ràm cãi vả nhau mấy hôm liền, nhưng không hiểu rõ. Quên dè dặt, Ngữ hỏi:
– Chuyện gì thế?
– Quỳnh Như nó đòi lấy ông thầy dạy Anh văn!
– Ông nào?
– Ông Dale, người Mỹ thanh niên thiện chí (IVS) dạy Anh văn ở Đại học Sư phạm.
– Được đấy chứ. Tôi có gặp Dale, rất dễ thương, có thiện chí và không đãi bôi mà vô tình như những người Mỹ khác.
Quỳnh Trang đưa ngón tay lên môi ra dấu cho Ngữ nói nhỏ bớt, rồi thì thào nói:
– Suỵt! Me mà nghe anh nói thế, là mời anh ra khỏi nhà liền.
– Sao lại phản đối? Mà Quỳnh Như còn học một năm nữa, lấy chồng gấp vậy?
– Ông Dale sắp hết hạn IVS hai năm, tháng 12 này trở về Mỹ. Ông ấy muốn làm lễ đính hôn trước khi hồi hương. Sau đó, hoặc ông ấy sẽ làm giấy tờ để Quỳnh Như qua Mỹ, hoặc ông ấy sẽ xoay xở qua Việt nam lại. Hãng UPI đã nhận đơn ông ấy xin làm phóng viên rồi!
– Mọi sự như vậy là êm đẹp.
– Nhưng me nhất định không chịu.
Ngập ngừng một lúc, Quỳnh Trang nói:
– Me bảo me không muốn người ta lầm lẫn nhìn Quỳnh Như giống như mấy cô bán bar.
– Giống thế nào được. Thiên hạ làm thì mặc họ chứ. Ý Trang thế nào?
– Em thấy con Như nó bạo quá! Lấy chồng khác chủng tộc, lại phải suốt đời sống trên xứ sở khác, chao ơi! Chắc nó học Anh văn tiếp xúc với người Mỹ quen. Còn em, em không dám!
– Vậy thầy me… thầy me Trang đã có quyết định gì chưa?
– Thầy thì cũng lý luận như anh. Thầy với anh nói y như nhau, lạ lắm. Em cứ thắc mắc chuyện đó hoài. Còn me thì cực lực phản đối. Me nói… me nói anh Tường bỏ đi lên Khu, kỳ Tết vừa rồi về thiên hạ đồn đãi ghê gớm như vậy chưa đủ, bây giờ con Như lại làm "me Mỹ". Thử tưởng tượng thiên hạ, nhất là người Huế, sẽ nhìn gia đình này ra sao! Em nghe me nói, cũng hơi chạnh lòng.
Đột nhiên Quỳnh Trang hỏi:
– Tối hôm kia, anh… anh say rượu vì… Diễm đi lấy chồng, phải không?
– Đâu phải!
– Em biết!
– Không phải đâu!
Quỳnh Trang đăm đăm nhìn Ngữ, khiến chàng phải đưa tay đẩy xấp giấy tờ trên bàn một cách vô cớ, tránh nhìn thẳng vào mắt Quỳnh Trang. Giọng cô gái đều đều, cố ra vẻ thản nhiên, ngoại cuộc:
– Quỳnh Như nó về kể chuyện hai cô tâm sự với nhau, kể cũng tội. Em cho Diễm quyết định như vậy là phải. À, bác Bỗng đã dọn nhà, anh biết chưa?
– Hồi nào? Sao lại dọn?
– Bác ấy bị sa thải. Hỏa xa họ đòi lại căn nhà. Quỳnh Như bảo là ông Mân sẽ thuê tạm căn nhà dưới An cựu để có chỗ làm đám cưới, sau đó cả gia đình Diễm sẽ dọn vào đây. Lại thêm một gia đình nữa bỏ Huế. Em không hiểu vì sao gia đình anh quyết định dọn vào Qui nhơn. Đã vào Nam, thì vào hẳn Sài gòn cho rồi! Tình hình ngoài Trung, em đọc báo, thấy không yên.
– Quế nó thấy Qui nhơn làm ăn buôn bán được. Quỳnh Như về thăm nhà được lâu không Trang?
– Gần hai tuần. Nó không nói chuyện gì cả, chắc không dám. Về Huế nó mới viết thư vào xin được đính hôn. Cả với em, nó cũng không nói.
– Gia đình tôi đi rồi, ngoài đó Quỳnh Như chỉ còn đi lại đằng Diễm.
– Vâng.
Quỳnh Trang chợt cười lém lỉnh, liếc nhìn Ngữ, hỏi:
– Anh tìm cách về dự đám cưới chứ?
– Không! Sợ không được phép.
Tự nhận thấy lời đáp quá dứt khoát và chưa đủ thỏa đáng, Ngữ thêm:
– Vả lại, trong thời gian đãi lệnh, không được đi đâu xa. Hằng ngày phải trình diện chờ sự vụ lệnh! Này, vừa rồi Trang bảo cả gia đình bác Bỗng sẽ dọn vào đây, phải không?
– Vâng.
– Diễm nói thế à?
– Vâng. Quỳnh Như bảo thế! Ông Mân cho bác Bỗng mượn tiền sang lại một căn nhà xâu xấu nào đó, có thể là bên Khánh hội, hay bến Vân đồn khu lao động, buôn bán lặt vặt không cần vốn lớn. Còn vợ chồng Diễm ở riêng chỗ khác.
Quỳnh Trang nhấn mạnh ba tiếng "vợ chồng Diễm" thật rõ từng tiếng. Ngữ ngồi im lặng không nói gì, theo thói quen đưa tay tìm bao thuốc. Giọng Quỳnh Trang có vẻ đắc thắng:
– Em biết vì sao anh say rượu!
Ngữ nói theo phản xạ tự nhiên:
– Không phải đâu!
Quỳnh Trang cười. Nét mặt hớn hở như vừa nhận một tin mừng!
***
Cuộc chiến căng thẳng giữa hai vợ chồng ông bà Thanh Tuyến từ âm ỉ kín đáo đến bộc phát, mà phần thua dường như về phía ông. Ngữ đoán như vậy, vì mấy hôm sau, ông cố lôi kéo ông khách nhỏ tuổi vào cuộc. Ngữ bị đẩy vào thế kẹt.
Chàng không dại dột đến nỗi liên minh với phe yếu thế. Nhưng đứng về phe bảo thủ, thực tiễn là đi ngược với rất nhiều điều thiêng liêng: như tình bạn, như tình yêu, như quyền bình đẳng về chủng tộc, như quyền tự do hôn nhân, như quyền được theo đuổi hạnh phúc… tóm lại đủ thứ "như…" mà Ngữ không được phép góp phần tước đoạt khỏi tay Quỳnh Như.
Ngữ cũng biết nếu không khéo léo, nếu mạnh dạn định rõ thái độ, nếu xếp hàng sau một lằn ranh, hậu quả tức thời là sẽ tất khó ở nhờ tại căn nhà này trong thời gian đợi lệnh. Nếu Ngữ ở nơi khác chỉ lâu lâu đến đây thăm, có lẽ, mọi việc sẽ dễ dàng hơn.
Đã thế, cả ông lẫn bà Thanh Tuyến đều không thích một đồng minh lập trường chao đảo, thiếu quyết tâm. Họ không cần những "tuy rằng… nhưng mà", "đã đành… tuy nhiên". Ông Thanh Tuyến sai Quỳnh Trang mời Ngữ vào phòng ông, và trước mặt bà, ông hỏi rành rọt:
– Quỳnh Như muốn lấy ông thầy Mỹ dạy nó. Ý Ngữ thế nào?
Bà Thanh Tuyến cải chính liền:
– Không phải thầy, không phải giáo sư đại học. Hắn tình nguyện qua Việt nam làm công tác xã hội hai năm để khỏi phải đi lính, nhưng trường ngoài đó thiếu thầy, phải nhờ hắn dạy luyện giọng. Giống như mình qua Mỹ, họ nhờ bác dạy cách nói tiếng Việt vậy thôi! Bác…
Ông Thanh Tuyến cắt lời vợ:
– Mình làm như Dale là một dân vô học đầu đường xó chợ vậy! Cái gì có thì nói, không có thì thôi. Dale có bằng M.A., như cao học bên mình.
– Như thế nào được! Bên mình đậu được cái cử nhân cũng trầy vi tróc vảy, đâu có dễ như bên Mỹ. Cái thứ "MA" đi kiếm việc không ai thuê mới xin qua Việt nam. Con gái tôi, tôi mang nặng đẻ đau ra nó, chắt chiu tiền của nuôi nó ăn học, không phải để giao nó cho một thằng cầu bơ cầu bất. Ngữ nghĩ xem, bác nói như thế có đúng không?
– Đúng thế nào được. Mình không muốn con gái lấy chồng ngoại quốc thì nói trắng là không muốn, chứ đừng tìm cách hạ nhục người ta. Lấy chồng ngoại quốc có gì là xấu? Chẳng hạn nếu Ngữ được du học, yêu một cô gái Pháp, Mỹ có học, con nhà tử tế, thì làm đám cưới với cô ấy là điều bình thường. Sinh viên Việt nam du học thành tài về nước đem vợ ngoại quốc về theo, hiện dạy ở Đại học Sài gòn, Đại học Huế… thiếu gì! Ngữ có biết chính ông Viện trưởng Đại học Huế cũng có vợ ngoại quốc hay không?
– Ông ấy là người mất gốc, không nên đem ra làm gương. Nhưng thây kệ người ta, khôn cha mẹ nhờ, dại cha mẹ chịu. Tôi biết nhiều bà nhà giàu vét của nhà lo cho con du học, để sau đó than van là vừa mất của vừa mất con. Ở nhà con trai mình, mà con dâu cấm không được ăn trầu, cấm không được nghe cải lương, cấm không được hôn hít ẵm bồng cháu. Cấm! Hứ! Quí gì cái thứ cháu lai. Tụi lai thường mất nết, phản trắc, hỗn láo, phải thế không Ngữ?
Ngữ như quả bóng bị ông bà Thanh Tuyến chuyền qua nhồi lại, tuy mệt nhoài nhưng được cái an ủi là khỏi phải minh định lập trường. Cho tới lúc cả hai ông bà chợt nhớ là mình cần một đồng minh, chứ không cần một người chịu ngoan ngoãn nghe bất cứ ý kiến nào. Bà Thanh Tuyến hối thúc:
– Cháu phải phân bày trắng đen cho bác trai hiểu. Cháu phải cứu con Quỳnh Như. Nào cháu nói đi!
Ông Thanh Tuyến thì nói:
– Cháu ở Huế hồi Tết, biết rõ Dale giúp đỡ con Như ra sao. Chắc cháu cũng nghe sinh viên ngoài đó họ khen Dale thế nào. Cháu phải thuật lại cho bác gái hiểu. Ngữ, hai bác coi cháu như người nhà, cháu cứ nói thẳng điều cháu nghĩ.
Ngữ đã làm cho cả hai ông bà thất vọng! Họ cần một chiến hữu chứ không cần một tay hòa giải ấm ớ. Đang chuẩn bị xung phong, cần một kẻ nạp đạn, Ngữ lại toan chở đạn về kho. Cuộc chiến trở nên nhạt nhẽo, trong ấm ức. Ngữ tìm cớ rút lui, áy náy như một tên đào ngũ. Chỉ có Quỳnh Trang tỏ vẻ vui!
Nguyễn Mộng Giác