Mãi một tuần sau, Ngữ mới biết một tòa soạn tạp chí khác đã từng đăng một truyện ngắn của mình ở ngay trên đường Lý Thái Tố, chỉ cách cửa hiệu trà khoảng một trăm thước. Trong các tòa soạn Ngữ dự định thăm nếu có dịp về Sài gòn, không có tòa soạn này. Giao tình giữa chàng và tờ báo không được thắm thiết. Nguyên nhân do ở Ngữ.
Tạp chí ra hàng tháng ấy được xếp vào loại tranh đấu, dấn thân, do một nhóm trí thức và nhà văn cấp tiến chủ trương. Mới đầu, Ngữ gửi truyện cho tờ báo này vì tính chất thời sự của nó. Khác với các tạp chí đặt tiêu chuẩn văn chương lên hàng đầu, sẵn sàng đăng tải tất cả mọi thứ văn thơ có giá trị đề cập tới cuộc đời, con ngưòi nói chung, tờ báo nọ xác định rõ lập trường chính trị, và không giấu giếm chủ trương chỉ đăng những bài có lợi cho lập trương ấy. Văn chương chỉ là thứ yếu, vì theo nhóm chủ trương, loại văn chương nào không phục vụ cho mục tiêu chính trị của họ đều không giá trị, hơn thế nữa, là loại văn chương nguy hiểm, cần loại trừ.
Chủ trương như vậy nên tờ báo số nào cũng hừng hực lửa. Mỗi số báo có một chủ đề, bài vở từ trang đầu đến trang cuối đều nhắm vào chủ đề ấy. Nội dung nhờ thế rất chật chẽ, nhất quán, như một bản hợp ca, bè này phụ họa bè kia, giọng trầm làm nền cho giọng bổng. Khác tờ Văn phần sáng tác là chính, tờ báo này đặt nặng phần lý luận. Trong 96 trang báo in cỡ chữ khá lớn không sai lấy một lỗi chính tả (ban biện tập giải thích in chữ lớn để các cô các bác lớn tuổi đọc được), thì trên bảy mươi trang đầu là các bài lý luận chính trị, điều tra, phóng sự xã hội. Phần ít ỏi còn lại để giao dịch quản lý, thư qua thư lại với độc giả, quảng cáo và văn thơ. Quá lắm mỗi số được hai truyện ngắn, và một vài bài thơ.
Vì biết rõ “viết làm gì, viết cho ai” nên tờ báo chủ trương một lối hành văn đơn giản, câu ngắn, viết y như “các cô các bác” nói chuyện hàng ngày. Chủ đề các số báo đều nổ, bám sát vào thời sự, chẳng hạn “Hậu quả của thuộc khai quang”, “Sứ mệnh người cầm bút trước một xã hội băng hoại”, “Từ chủ nghĩa thực dân đến chính sách can thiệp”, “Tự do và Quyền Tự quyết của các dân tộc nhược tiểu”.
Hồi đó, Ngữ có viết một truyện ngắn, đúng hơn là một bản tự truyện, kể lại tâm trạng của mình lúc chán ngán với mớ sách vở nhà trường nên quyết định bỏ học.Truyện gửi đi đã lâu, không thấy tòa báo hồi âm. Mãi một năm sau, một người bạn cho biết truyện chàng được chọn đăng trên số báo có chủ đề là: “Giáo dục vong bản, lò đào tạo những con thiêu thân cho chiến tranh”. Ngữ cầm tờ báo mua ở hiệu sách về (khác với tạp chí Văn trước khi đăng tác phẩm của ai đều có loan báo, và khi đăng xong, luôn luôn gửi báo biếu kèm tiền nhuận bút, tờ báo này cho rằng đóng góp bài vở là một nghĩa vụ thiêng liêng), Ngữ cảm thấy bực bội. Truyện của chàng đã được các báo đăng tải khá nhiều, nên niềm vui được thấy bản nháp rối rắm của mình trở thành chữ in đẹp ngay ngắn không còn nhiều nữa. Ngược lại, Ngữ thấy kém thoải mái. Tòa soạn tạp chí nọ quá rất sáng suốt khi xếp truyện ngắn của Ngữ vào số chủ đề này. Nhưng lời giới thiệu của ban biên tập, vị trí trang trọng tòa soạn dành cho tác phẩm của chàng trên báo đã khiến bạn đọc phải nghĩ là Ngữ được phân công để chu toàn một nhiệm vụ, để đánh bóng cho chủ đề. Chẳng hạn như trong một cuộc họp nào đó giữa “anh em”, anh giáo sư triết lãnh nhiệm vụ mổ xẻ tính chất lai căng phi dân tộc của chương trình triết học, chị giáo sư văn chương thì có trách nhiệm làm nổi bật tính chất lãng-mạn không-tưởng nhắm ru ngủ thanh thiếu niên của chương trình Việt văn, ông giáo sư sử địa phụ trách mổ xẻ tinh thần phản tiến hóa của các cuốn giáo khoa sử… vân vân… và vân vân. Ngữ không được làm thầy, thì làm đại diện cho quần chúng nạn nhân của nền giáo dục vong bản ấy. Ông chủ bút nói với Ngữ: Cậu phải viết một truyện ngắn giải thích cho bà con cô bác rõ vì sao cậu bỏ học. Và viết càng dễ hiểu, càng đơn giản càng tốt.
Thử tưởng tượng một cuộc họp như vậy trong ý nghĩ của độc giả, của bè bạn Ngữ! Ngữ khó chịu vì biết sẽ bị hiểu lầm. Chàng còn khó chịu hơn vì vai trò đánh bóng của văn chương, vì cái vẻ đoàn ngũ ngay hàng chờ còi chỉ huy của người cầm bút. Một hồi còi tập họp. Tất cá chú ý: Nghiêm. Hai hàng dọc đằng trước: Thẳng. Bên trái: Quay. Bên phải: Quay. Đàng trước: Bước! Một, hai, một, hai. Đứng lại: Đứng… Ngữ dân nhà binh, hãi hùng lắm rồi những cuộc diễn tập, những buổi diễn binh. Chàng gắng dành một phần nhỏ nhoi, một góc tịch mịch cho riêng chàng, dùng tưởng tượng tạo một thế giới cho riêng mình ở đó Ngữ ăn nói thung dung, đi đứng tự do, cái góc của văn chương. Ngữ dại dột nghĩ rằng cái góc hiu quạnh kia không choán lối đi của người khác, không giành giật tiền bạc người khác, nên có lẽ sẽ không có ai thèm ngó ngàng tới. Ngữ đã lầm. Người ta tìm tới tận cái góc nhỏ tăm tối hiu quạnh ấy để dựng chàng dậy, bắt chàng xếp hàng, quay trái quay phải, tiến tới hay dừng lại răm rắp đúng theo hiệu còi.
Từ đó chàng không thư từ hoặc gửi bài cho tờ báo ấy nữa, mặc dù ông chủ bút liên tiếp viết nhiều thư thúc giục, bảo “anh em” rất thích truyện ngắn ấy, bảo tuy chỉ mới là một cách “phê phán hiện thực”, nhưng tính hiện thực có trình độ cao nên cũng tạo “dấu ấn” lên quần chúng độc giả, thúc giục họ hành động cụ thể. Bảo mặc dù tầm nhìn của Ngữ còn giới hạn, chỉ mới nắm bắt được hiện tượng, nhưng Ngữ có ý hướng tốt, nói lên được thân phận của giới trẻ đô thị.
Sáng hôm ấy, Ngữ dậy sớm ra khỏi nhà để tránh gặp mặt bà Thanh Tuyến. Ngữ đứng chờ xe buýt ở trạm cả nửa giờ mà xe vẫn chưa tới. Quay tới quay lui nhìn cảnh phố xá để quên thì giờ, ngẫu nhiên Ngữ thấy tấm gỗ nhỏ đề tên tờ tạp chí đóng trên tấm cửa gỗ một căn phố có gác xép và lợp tôn. Nhớ chuyện cũ, Ngữ dằn được tò mò, không muốn vào thăm tòa soạn. Hai hôm sau, cũng đứng chờ xe ở chỗ cũ, Ngữ không dằn được nữa. Chàng nghĩ: Phải biết cho hết, dù là những điều mình không thích.
Ngữ vào tòa soạn. Căn dưới trống trơn, chỉ có một tủ kính bày vài thứ lặt vặt như kẹo bánh, thuốc lá, loại “kinh doanh” cò con dành cho các bà nội trợ. Ngữ hỏi người đàn bà đang ngồi sau tủ hàng. Người đàn bà chít khăn theo lối những phụ nữ đứng tuổi nông thôn miền Bắc trỏ về phía cái cầu thang gỗ, bảo:
– Các anh ấy ở trên gác!
Ngữ e ngại không muốn đi tới chỗ cầu thang khi biết “có các anh ấy”. Nhưng không còn lối lui. Chàng lên cầu thang. Trên gác chỉ có hai cái bàn gỗ tạp thấp chất đầy sách vở báo chí. Ba chiếc chiếu trắng trải cạnh hai cái bàn, và trên chiếc chiếu trải gần cửa sổ, có một khay tách ấm trà, và một cái gạt tàn thuốc lá to như cái dĩa bàn. Mền gối không xếp, quần áo nhàu bẩn vất bừa bãi đây đó.
Hai “anh em” đang chăm chú làm việc, một người đang đánh máy, một người nữa lớn tuổi hơn tóc hoa râm đang hí hoáy viết. Họ ngồi trên sàn, và kê giấy đặt máy chữ lên mặt bàn thấp để làm việc. Nhưng hình ảnh đập mạnh nhất vào trí Ngữ là bức chân dung Che Guevara to gấp đôi khổ người thường treo ở vách trước, đối diện với người nào vừa lên khỏi cầu thang. Lãnh tụ du kích Cuba trong bức chân dung đường bệ như Từ Hải, râu không cạo, tóc bù rối, cổ áo mở nút để lộ một phần ngực nở rắn chắc, còn đôi mắt thì sáng quắc nhìn thẳng tới mục tiêu trước mặt: ống kính ông phóng viên có óc mạo hiểm phiêu lưu nào đó.
***
Người “anh em” trẻ tuổi đầu húi cua ngước lên nhìn Ngữ một thoáng rồi tiếp tục cúi xuống đánh máy. Người đứng tuổi tóc hoa râm khuôn mặt xương xương, khắc khổ, môi thâm vì thuốc lá, thì nhìn Ngữ, mỉm cười niềm nở chờ. Ngữ xưng tên, mở ngoặc đơn ghi chú mình là tác giả một truyện ngắn đã đăng ở số “Giáo dục vong bản…” cách đây hơn một năm. Vừa nghe Ngữ tự giới thiệu, ông chủ bút đứng bật dậy, vội vã chạy đến ôm quàng lấy vai Ngữ. Giọng ông líu ríu vì mừng:
– Ngữ đấy hả? Cậu là Ngữ đấy hả? Trời! Sao cậu vào mà không viết thư báo tin cho anh em đi đón. Cậu đã có chỗ ở chưa? Nếu không có chỗ nào tạm trú thì về đây dưa mắm với anh em.
Ngữ cảm động quá, thoáng so sánh với thái độ lạnh nhạt của ông chủ bút tạp chí Văn. Chàng tự trách đã hiểu lầm thiện chí của ông chủ bút. Ông dẫn Ngữ đến ngồi trên chiếc chiếu đã bày sẵn khay ấm chén trà. Nước trà thừa đọng thành ngấn trong những tách sứ trắng bên ngoài quết mầu nâu giả đất nung. Ông chủ bút hỏi:
– Uống cái gì nhé! Trà nhé! Một anh em trên Bảo Lộc về chơi có đem biếu gói trà ngon lắm. Để tôi đi nấu ấm nước. Hay thế này. Thủy, em xuống dưới nhà nấu cho anh ấm nước đi, cho anh có thì giờ tiếp khách quí. Thế nào, vào công tác hay đi phép?
Ngữ đáp:
– Vào chờ đi đơn vị mới, anh ạ!
– Lâu nay cậu vẫn ở Pleiku, phải không?
– Vâng.
– Sao cậu không viết một cái truyện về lao công đào binh nhỉ?
Ngữ giật mình, không hiểu sao ông chủ bút biết về chàng khá rõ. Ngữ đáp, đắn đo hơn:
– Tôi không có kinh nghiệm. Tôi bị kỷ luật, nhưng may mắn được một ông tá đem về dạy kèm cho các con ông ấy. Việc cũng nhàn thôi!
Ông chủ bút chặc lưỡi thất vọng:
– Tiếc quá! Anh em đang chuẩn bị số báo chủ đề về “Phong trào phản chiến trên toàn cầu”. Tài liệu hình ảnh các phong trào phản chiến tại Mỹ, Âu châu đầy đủ cả, chỉ thiếu phần chính là ở Việt nam. Những người trẻ tiến bộ trên khắp thế giới xuống đường, đốt thẻ trưng binh để bênh vực mình, mà chính mình không có tiếng nói, cũng kỳ!
Ngữ bắt đầu có cảm giác khó chịu của một người lính đang nghỉ xả hơi, môi phì phèo điếu thuốc thì chợt nghe còi tập họp. Ngữ nói dối:
– Lâu nay tôi không viết được gì cả! Vì thế không có gì để gửi anh!
Ông chủ bút cười, nói ngay:
– Cậu gửi đều đặn cho các báo khác, không thèm gửi cho anh em! Nhưng thành thật mà nói, những bài ấy nếu cậu gửi, anh em cũng không dùng được. Không phải dở đâu. Chỉ vì không thích hợp với đòi hỏi của tình hình! Về sau này, cậu có vẻ bi quan dữ!
Ngữ không hiểu ông chủ bút muốn nói gì, tò mò hỏi lại:
– Vì sao anh nghĩ thế?
Giọng ông chủ bút trở nên nghiêm trọng, chậm nhưng rõ như giảng bài. Ông phân tích các truyện chàng cho đăng trên các tạp chí, rành rẽ làu làu từng truyện một. Đặc biệt là hai truyện được đăng trên hai số báo Tết năm trước. Một truyện ông “xoa” là được viết với một bút pháp lãng mạn nhẹ nhàng như tranh thủy mặc, nhưng ngay sau đó “đánh” kỹ là tiêu cực, thiếu tranh đấu tính, hư vô chủ nghĩa, quay lưng với thực tại. Cặp tình nhân đèo nhau trên xe Honda đi tìm mùa xuân vĩnh cửu, theo ông, họ không hề biết thế nào là mùa xuân đích thực. Họ quay lưng với mùa xuân của dân tộc, chạy ngược đường với con đường quần chúng đang tiến tới. Nếu có một chút giá trị nào đó, thì truyện này chỉ có giá trị như một thứ răn đe: nếu quay lưng với dân tộc, nếu ích kỷ trốn chạy, chỉ có một hình phạt xứng đáng cho cặp tình nhân này: cái chết.
Truyện hai người lính chờ xe cũng bị ông chủ bút nghiêm khắc phê phán. Ông bảo khuyết điểm căn bản của Ngữ là không định vị được hai nhân vật điển hình của truyện ngắn này. Ngữ phải xác định rõ trước khi viết nhân vật mình sắp dựng là ai, thuộc vào phe nào. Nếu chưa đủ khả năng biến họ thành những chiến hữu, thì ít nhất, với ngòi bút hiện thực phê phán, tác giả cũng phải giúp độc giả yêu ghét đúng chỗ, cái gì của nhân vật đáng noi theo, cái gì của nhân vật đáng loại bỏ hoặc sửa chữa. Đàng này, Ngữ chỉ vẽ lên một người lính trẻ thích cưới một cô vợ mập mạp biết buôn bán, và một người lính già thích được khi chết có đám ma trống kèn inh ỏi. Thế là thế nào? Độc giả đọc xong, trí họ đã rối bời vì đủ thứ chuyện lại càng thêm rối! Viết như vậy thì viết làm gì!
Ngữ ngồi im chịu trận, tuy ông chủ bút vừa ân cần giảng giải vừa ân cần rót trà ngon mời chàng. Cửa sổ ngay bên cạnh mở rộng và gió lùa trọn vào gác xép, nhưng Ngữ vẫn cảm thấy ngột ngạt. Chàng nhận thấy không thể bàn cãi gì được với ông chủ bút, chỉ ậm ừ giả vờ chấp nhận. Trong lúc ông chủ bút huyên thiên thuyết pháp, Ngữ lặng lẽ quan sát ông. Nước da ông ngăm đen, tóc hớt gọn nhưng một mảng tóc ở mái trái để hơi dài, khi ông nói hăng đầu lắc lư hay khi cúi xuống, mảng tóc rũ cứ che lấy mất ông, lấp mất một ngọn đèn pha. Cạnh mũi ông, trên má phải, có một nốt ruồi khá lớn, từ đỉnh nốt ruồi mọc lên một sợi lông đã bị cắt cụt. Chiếc áo sơ mi màu xanh chai ông đang mặc cổ rộng và mở nút trên, y như cách ăn mặc của Che Guevara đằng sau ông. Chỉ tiếc là thay vì cổ áo cho phô bày một chiếc ngực vạm vỡ lực sĩ, ngực ông lại quá lép. Có lẽ vì ông nói nhiều hơn Che, phí sức!
Nguyễn Mộng Giác
Số lần đọc: 99