Cụ Lucy thân mẫu của Dale bỏ San Antonio về Berkeley ở với bà em gái Cindy trong thời gian Dale còn ở Việt Nam. Trong thư gửi cho con, bà cụ viết rằng Cindy thương chị già yếu cô độc, nên mời bà về Berkeley để hầu hạ, phụng dưỡng. Từ đó, lá thư nào bà cụ cũng hết sức tán dương lòng tốt của bà em gái. “Cindy đã tốn cả nghìn tiền thuốc để đưa mom đi bệnh viện chữa cho dứt cái chứng suyễn của mom. Bác sĩ Karl Johnesburg nổi tiếng nhất ở vùng vịnh San Francisco, con biết không?”… “Cindy đã mua cho mom một cái áo da cổ cao, giá sale đã 300 đô. Từ hôm có cái mới, đêm về mom bớt bị suyễn hành hạ như trước”… “Cindy đã thuê thợ thay lại hệ thống sưởi ấm trong phòng của mom. Nhà vùng này xây cất từ lâu đời, cái mới nhất cũng già trên ba mươi tuổi, nên hệ thống sưởi bằng nước nóng cứ bị hỏng hoài. Tiền già mom lãnh hằng tháng vào cả túi của bọn plumbing”… “Cindy thương mom, đã chịu thay lại hết hệ thống sưởi bằng hệ thống gaz…”.
Lá thư nào bà cụ cũng có phần “Cindy đã…” làm quà tặng con. Dale mừng là về già, cùng cô độc già yếu như nhau, hai chị em vốn hay kình cãi ghen ghét nhau thời trẻ bây giờ đã biết thương yêu đùm bọc nhau, như hai cây lau phải dựa vào nhau chống chõi với gió tuổi tác, gió bệnh hoạn.
Về Berkeley, Dale mới biết những “Cindy đã” chẳng qua chỉ là ước mơ của mẹ. Bà dì giàu có làm chủ một số ngôi nhà quanh khu Đại học Berkeley đang cần một quản gia tin cẩn và ít đòi hỏi tăng lương theo vật giá. Sau khi thuê rồi thải nhiều người, bà Cindy mới nghĩ tới bà chị già ở San Antonio. Điều kiện thuê người của bà Cindy rõ ràng phân minh ngay từ lá thư đầu gửi cho bà Lucy. Tiền máy bay San Antonio đi San Francisco cộng tiền tàu điện BART từ San Francisco về Berkeley, bà Cindy sẽ ứng trước và trừ hàng tháng vào tiền lương.
Công việc chính là coi sóc tổng quát các căn nhà cho sinh viên thuê, giữ điện thoại để nhận các than phiền, các yêu cầu sửa chữa, liên lạc các tiệm chuyên sửa sang lặt vặt về điện nước, ống thoát nước, dặm mái, thay thảm; điện thoại thúc giục hay dọa nạt những sinh viên trả tiền nhà chậm, giữ số sách theo dõi tiền thu chi… Tóm lại, công việc không đòi hỏi di chuyển. Chỉ cần ngồi một chỗ trực điện thoại và nếu cần (cần hay không, bà Cindy giảng giải kỹ lưỡng cho chị ngay từ ngày đầu, để chị khỏi lãng phí) gọi điện thoại đi.
Vì công việc nhẹ, lại vì bà chị đã được hưởng tiền già, nên số lương hàng tháng của quản gia không thể cao hơn lương tối thiểu do luật lao động ấn định. Quản gia được cấp cho một căn phòng, vừa làm chỗ ở, vừa làm văn phòng, cho nên một cách sòng phẳng, bà Lucy phải trả một nửa tiền thuê phòng. Do tình máu mủ, bà Cindy đồng ý biếu không cho chị khoản tiền điện, nước và tiền rác.
Các chi tiết sau chỉ được thông báo cho bà Lucy sau khi bà đến Berkeley, cho nên điều kiện khấu trừ tiền vé máy bay bà lỡ chấp nhận từ đầu không ăn ý với mức lương thấp mới biết về sau. Không đường lùi, con trai lại lo “vác ngà voi” tận bên kia Thái bình dương, bà cụ đành cắn răng nhận việc. Mỗi tháng, sau khi khấu trừ đủ thứ, bà chỉ còn được 100 đô. Cộng với tiền già, lẩm nhẩm tính toán, bà cụ thấy cuộc sống mới cũng không khá gì hơn cuộc sống cũ bên Texas. California được gọi là Golden State. Theo bà cụ, mỹ danh này hoàn toàn dối trá, giả hiệu!
Mỗi lần bất mãn hoặc buồn phiền điều gì, bà cụ lại lấy giấy viết thư cho Dale, và lặp lại điệp khúc “Cindy đã”… Dale về thấy cảnh sống của mẹ, giận quá nói:
– Mom dối với con làm gì? Mom sợ dì Cindy à?
Bà cụ rơm rớm nước mắt, giọng khàn đặc lại thêm khàn vì xúc động không nói được lớn:
– Không đâu! Mom đâu có sợ con quỉ cái ấy. Mom sợ con buồn!
Dale quên cả thực tế, ôm vai mẹ hứa hẹn:
– Con về đây, sẽ tìm job nhiều tiền để nuôi mom. Con không muốn mom khổ nữa. Con sẽ đòi dì Cindy thay hệ thống sưởi cho phòng này, con sẽ đưa mom đi bác sĩ Johnesburg, con sẽ mua áo dạ cho mom, con thề là con không để cho mom cô đơn…
Bà Lucy quá biết tính con, đưa tay ngăn lại:
– Thôi. Mom biết tính con. Con không chịu chôn chân ở cái đất ồn ào lộn xộn này lâu đâu. Con đừng hứa ở lại bên mom mãi mãi. Trước hết, hãy tìm cách thay hệ thống sưởi cái đã. Cindy nó không chịu trả tiền thì mom trả. Mom có để dành được ít tiền.
***
Hãng tin UPI trả lời rất ỡm ờ về chuyện xin việc của Dale. Qua điện thoại, và qua thư chính thức của sở Nhân viên UPI, Dale rút được hai điều chính yếu núp sau những câu chữ rất ngoại giao, rất văn chương. Điều thứ nhất: họ nghi ngờ cái vốn kiến thức quân sự của Dale, cho rằng chàng chưa đủ để trở thành một phóng viên chiến trường. Điều thứ nhì: Do nhiều nguồn gửi gắm rất nặng ký, họ vẫn không nỡ nói “không” dứt khoát. Họ bảo đang tìm một chỗ thích hợp hơn với khả năng của Dale tại Việt nam, và vì nhân sự UPI tại Đông Nam Á đổi thay xoành xoạch, chắc thế nào từ đây đến tháng Bảy, họ cũng tìm cho Dale một chỗ thích hợp. Dale biết lời hứa này không phải là đầu môi chót lưỡi của những tay bán xe hơi hay chào hàng. Dale tự an ủi: Thế cũng được. Ít nhất mình cũng còn được nửa năm để lo cho mẹ.
Dale lao vào việc kiếm tiền, nhận làm bất cứ thứ gì từ cắt cỏ, cưa cây, phụ đổ rác, thợ phụ sửa ống nước, thợ phụ sửa điện, thợ phụ lợp mái… Sở dĩ Dale chỉ làm thợ phụ mà thôi, dù việc gì chàng cũng thành thạo, là vì luật bắt buộc làm gì cũng phải có giấy phép hành nghề. Dale không có thì giờ ghi danh học nghề ở một đại học cộng đồng hay trường chuyên nghiệp tư nào đó để lấy giấy phép hành nghề. Vì chỉ phụ, nên tiền công ít, bù lại, Dale làm nhiều việc nên số tiền thu nhập rất khá. Những cái “Cindy đã…” thì bây giờ trở thành “Dale đã…”. Những căn phòng cho thuê của dì Cindy cần sửa chữa gì đều do Dale phụ trách. Dì Cindy không để lỡ cơ hội, nại cớ Dale chưa có môn bài và giấy phép, trả tiền công cho cháu thấp hơn.
Bà cụ Lucy thấy con trổ tài tháo vát và kiếm tiền giỏi, một hôm nghiêm trang bảo Dale:
– Mom không hiểu vì sao con tháo vát và khéo tay như thế, mà chưa chịu đốt quách cái bằng M.A. chết tiệt ấy đi, để học vài tháng lấy môn bài mở tiệm sửa chữa nhà cửa như thằng David, chồng con Lisa. Nó đâu có khéo tay bằng con, thế mà bây giờ trong tay đã có bốn cái nhà, một cửa hiệu bán đồ xây cất, con Lisa khỏi phải làm gì cả, chỉ ngồi sơn móng tay và xem tivi. Con nên xuống San Jose nhờ David nó chỉ vẽ cho.
Dale hứa lấy lệ cho mẹ vui lòng:
– Vâng. Con sẽ hỏi David. Lisa mới điện thoại cho con hôm qua. Tức cười lắm. Mom biết gì không?
– Cái gì?
– Con biếu nó cái áo dài Việt Nam. Nó khen áo dài đẹp, nhưng sexy quá, sexy hơn cả chiếc xường xám của đàn bà Tàu. Con lấy làm lạ, bảo phụ nữ Việt Nam đàng hoàng đều mặc áo dài khi ra đường, nhất là tại Huế nơi con dạy. Nó cười, bảo cái áo xẻ lên đến tận nách, vải lại mỏng dính thì chỉ một làn gió nhẹ cũng đủ phơi cả đồ lót cho thiên hạ nhìn rồi, không sexy thì là cái gì! Chúa ơi! Con nghe mới biết là mình quên không gửi tặng cho Lisa cả chiếc quần dài lụa mặc đôi với chiếc áo dài. Nó tưởng ở Việt nam phụ nữ chỉ mặc có cái áo.
Bà cụ Lucy cười sặc sụa, thích thú gọi điện thoại cho các bà bạn già láng giềng. Bà cũng khoe là Dale sắp mở văn phòng thầu xây cất tại San Jose. Để cho lời khoe hợp lý, dễ tin hơn, bà bảo Dale có rất nhiều kinh nghiệm nhờ đã làm việc suốt hai năm cho hãng thầu RMK.
Dale thực tình không muốn lập nghiệp theo con đường của ông em rể, nhưng chiều lòng mẹ, hôm sau lái chiếc Ford pick-up xuống San Jose thăm gia đình Lisa.
***
Sau khi ly dị với bà Lucy, bố của Dale lấy một người vợ gốc Ý, nên Lisa có đôi mắt đen lớn và mái tóc mun thật dày, thân thể nhỏ nhắn, ai mới trông có cảm tưởng thân quen như đã gặp Lisa nhiều lần ở đâu đó. Moi tìm trong ký ức mãi cuối cùng người nào cũng khám phá ra rằng sở dĩ lầm tưởng đã gặp Lisa chỉ vì Lisa rất giống với cô đào điện ảnh Natalie Wood. Lisa rất hãnh diện về điều này, mỗi lần có người mới quen bối rối mở miệng nói:
– Tôi trông cô quen lắm, hình như tôi đã gặp cô ở đâu rồi!
là Lisa phá lên cười sung sướng, nói ngay:
– Thôi, ông (hay bà, cô, cậu…) đừng mất công hành hạ trí nhớ nữa. Tôi là em ruột của Natalie wood đây!
Khách lạ “ồ, à” vì tìm ra được nguyên cớ, và câu chuyện lan man bắt đầu hào hứng thân mật, nhờ đề tài về cô đào điện ảnh khả ái này. Lisa giúp rất nhiều cho David trong việc kinh doanh, cũng nhờ giống Natalie Wood.
Căn nhà hai vợ chồng David-Lisa chẳng khác gì một ngôi biệt thự của một tay nhà giàu ở Beverly Hills. Quanh nhà có hàng rào sắt bắt chước theo kiểu cọ quyền quí của hàng rào các cung điện Âu châu, khu vườn có nhiều cây lớn nhưng hơi hẹp, không khí cổ kính xanh mát tương phản với ngôi nhà xây theo lối kiến trúc mới không có đường cong. Người sành sõi biết ngay chủ nhân là một tay giàu nổi, vừa muốn có cái vẻ quyền quí cổ thời nhưng vẫn muốn giữ các tiện nghi hiện đại.
Vợ chồng người em rể đãi Dale như một gia đình quyền quí Anh quốc tiếp đón một người bà con vừa từ thuộc địa Ấn độ về thăm nhà. Một chút thương hại, và một chút thích thú tò mò. Dale kể cho họ nghe đời chàng trong hai năm sống tại Huế. Chàng còn cho Lisa xem ảnh Quỳnh Như, và thành thật kể riêng với em gái là chàng không thuyết phục được ông bà Thanh Tuyến. Dale cố lấy giọng khôi hài để nhái lại câu chàng từng than với Quỳnh Như:
– Ông bà cụ không chê anh điều gì được cả. Học vấn, thì cái bằng M.A. là mảnh giấy lộn ở đây, nhưng ở Việt nam, nó to lắm. Tiền tài, thì nếu muốn giàu, anh không phải là người không biết xoay xở. Nhưng chê anh là người Mỹ, thì anh chịu thua. Họ chỉ thích gả con gái cho người Việt nam thôi!
Lisa tính nóng nảy, kêu lên:
– Họ kỳ thị ngược. Họ tưởng con gái họ quí lắm sao!
Dale nói:
– Không phải đâu. Chỉ vì họ không muốn xa con.
Câu chuyện loanh quanh một hồi, cuối cùng lại tới chuyện đau đầu: chiến tranh Việt nam.
Dale ngạc nhiên vì cả hai vợ chồng em rể đều chống chiến tranh Việt nam. Lisa rảnh rỗi, hưởng thụ cuộc đời bằng cách chạy theo tất cả mọi thời trang, trong đó có thời trang phản chiến. Điều đó dễ hiểu. Với Lisa, chân lý là bất cứ thứ gì mọi người đang bàn tới. Suốt thời gian qua, báo chí, đài truyền hình không hề thiếu chuyện bàn: hết vụ ông tướng Loan cầm súng xử tử một tên Việt cộng trên phố Sài gòn (Lisa có “tức cảnh sinh tình” viết cho tờ San Jose Mercury News một thư phản đối tướng Loan, và được tờ báo trích đăng trong phần ý kiến bạn đọc), đến vụ xáo trộn tại đại hội đảng Dân chủ ở Chicago, từ vụ Thượng nghị sĩ Kennedy bị ám sát chết ở Los Angeles cho tới sự đắc cử của Richard Nixon. Lisa bỏ hẳn các mục tâm tình phụ nữ, lơ là với bà Abby, hùng dũng nhảy sang các thời trang chính trị. Lisa tự nhận mình thuộc vào tầng lớp trẻ, cấp tiến, yêu chuộng cái đẹp, tha thiết với hòa bình… Cho nên Lisa xếp hàng gián tiếp (vì Lisa không bao giờ tham dự các cuộc biểu tình xuống đường của sinh viên tại Berkeley hay San Francisco) sau lưng các “chiến sĩ” chống đối chiến tranh Việt nam. Một lý do khác: Lisa thích, rất thích câu tuyên ngôn ngắn của phong trào: “Make love, not war”. David ham làm giàu nên cứ lơ là chuyện làm tình. Lisa cảm thấy thiếu thốn. Phong trào phản chiến Mỹ nói hộ cho Lisa nhiều lắm!
David ông nhà giàu đáng lẽ bảo thủ thì lại gia nhập vào hàng ngũ những người phản chiến thì cũng hơi lạ. Là một nhà kinh doanh ngành xây cất ở cái tuổi 35, David phải biết sự thành công của mình không phải chỉ do sự nhạy cảm thức thời biết trước nhu cầu thị trường của anh, hoặc sắc đẹp và sự quảng giao của vợ. David thừa biết mình làm giàu mau chóng cũng nhờ chiến tranh Việt nam. Một quân nhân Mỹ qua Việt Nam là một gia đình xáo trộn, người vợ phải đổi việc làm hay đổi chỗ ở. Một quân nhân từ Việt nam trở về lại gây một xáo trộn khác. Lại đổi việc , đổi nhà. Ngành xây cất và địa ốc trở thành một thị trường bềnh bồng bất trắc, tạo cơ hội làm giàu cho những tay có tài bắt mạch được cái chuyển biến sắp tới. Nói chuyện hồi lâu với David, Dale mới biết lý do David đưa ra để phản chiến là lý luận thật thô sơ này: có chiến tranh thì phải hao tổn, số chi phí to lớn này do dân nộp thuế gánh chịu. Mà David thì phải ép bụng nộp thuế quá nhiều. David cảm thấy mình hy sinh cho một dân tộc lạ hoắc ở xa nửa vòng trái đất một cách lảng xẹt. Xem tivi, David thấy những người anh hy sinh cho họ cũng không đẹp đẽ, hấp dẫn gì! Họ nhỏ con, ốm yếu, nét mặt sợ sệt, ăn nói líu lo trầm bổng như chim hót. Họ không có gì hùng vĩ, tương xứng với số tiền thuế David phải nộp. Thế là David quyết chống cuộc chiến tranh ấy!
Nguyễn Mộng Giác
Số lần đọc: 111