Nguồn: Văn Học số 5, tháng Sáu năm 1986
Cuối tháng Năm năm 1983, nhà văn Thanh Nam ở Seattle cho ra mắt tác phẩm đầu tiên in trên đất Mỹ. Và một điều thích thú nữa là giống như tập Thơ Cao Tần của nhà văn Lê Tất Điều, lần này tác phẩm ra đời sau tám năm lưu lạc của một nhà văn danh tiếng lại cũng là một tập thơ. Chưa hết! Tập thơ Đất Khách của nhà văn Thanh Nam lại là một tập thơ xuất sắc.
Đối với bạn đọc đã đạt tới tuổi trưởng thành từ ngày Sài Gòn thất thủ, thì Thanh Nam không phải là một tên tuổi xa lạ. Ông làm thơ viết văn từ năm 19 tuổi (Thanh Nam sinh năm 1931 tại Nam Định). Và từ lúc cầm bút cho đến khi phải bỏ nước ra đi, đã có hơn 30 tác phẩm được xuất bản, phần lớn là tiểu thuyết. Thanh Nam cũng là một khuôn mặt quen thuộc trong giới báo chí. Ông từng giữ chức chủ bút tần báo Thẩm Mỹ, tuần báo Nghệ Thuật, và cũng chủ trương nguyệt san Hiện Đại cùng nhà thơ Nguyên Sa.
Cùng với gia đình tới định cư tại Seattle tiểu bang Washington sau 1975, Thanh Nam là tổng thư ký tòa soạn Đất Mới cho đến lúc qua đời (2 tháng Sáu 1985).
Từ Đất Mới đến Đất Khách
Tôi tin rằng sau khi chọn cái tên Đất Mới cho tờ bán nguyệt san, nhóm anh em văn nghệ ở Seattle và Thanh Nam có cái hăm hở của người mở đất.
Thanh Nam đã nghĩ rằng mình tìm ra được một chỗ an cư, một miền đất lành. Còn chỗ nào thích hợp cho một nhà văn hơn là Seattle của Thanh Nam:
“Một mình một cõi dưới trời Tây Bắc, lưng dựa vào Tây Nam Gia nã đại yên bình trầm lặng, nơi Thái Bình dương là một luồng thủy đạo ôn đới không bao giờ giông bão, nơi có những du thuyền tráng lệ trôi diễm ảo trên trong vắt hồ vịnh Victoria danh lam thế giới, dưới một trần mây vĩ đại quanh năm bao phủ trên đầu, trong tấm áo xám tháng ngày lặng lặng giữa đại thụ nghìn đời điệp điệp, Seattle là một thành phố hiền. Chậm và hiền”.
Đó, Seattle dưới mắt của Mai Thảo. Còn tâm sự của Thanh Nam buổi đầu đặt chân đến Seattle thì cũng chếnh choáng niềm tin:
Về đây chung phận chung đời
Chung tay tiếp lửa đẩy lùi bóng đêm
Thôi, chào quá khứ ngủ yên
Những đau thương cũ vùi quên cuối trời
Giã từ luôn nữa nổi trôi
Cành tươi chim đậu, bến vui thuyền về.
Nhưng sau tám năm sống ở xứ người, Thanh Nam mới thấy mình lầm. Cảnh Seattle vẫn tươi vẫn vui đấy, nhưng quá khứ không chịu ngủ yên, đau thương cũ trỗi dậy giữa đám tro tàn, cuộc đời nổi trôi tiếp nối như phận bèo giạt, nên miền đất lành trở thành đất tạm dung, trở thành Đất Khách. Vì vậy tập thơ cô đọng tất cả những gì Thanh Nam tưởng có thể “vùi quên” có thể “giã từ”. Với mớ hành lý cồng kềnh của quá khứ, ở vào tuổi bắt đầu xế bóng đầy bệnh hoạn và thương tiếc, mỗi lời thơ của Thanh Nam được viết bằng máu và nước mắt, bằng “yêu buồn giận hờn đến gần đứt sự sống”, nhưng khác với Hàn Mặc Tử, nỗi đau da diết ấy được lọc qua một tâm hồn bình dị khiêm nhường nên không còn là tiếng thét, tiếng nấc, mà chỉ còn là tiếng thở dài.
Nỗi sầu vạn cổ
Trải qua một thời ấu thơ lưu lạc buồn thảm, Thanh Nam thở dài hơi sớm. Tôi còn nhớ thời học trung học có được đọc một truyện ngắn của Thanh Nam, và xúc động bồi hồi đến lặng người. Tôi quên mất tên truyện, quên cả tên nhân vật. Nhưng cái cảnh một ga xép quạnh quẽ chỉ thức giấc vội vã khi có tiếng còi xe lửa đến, và tâm trạng cô gái mới lớn bâng khuâng nhìn toa cuối mất hút, thì cả đời tôi không quên được. Nỗi buồn dìu dịu, mong manh nhưng đậm đà cô cùng. Tôi đã tìm lại nỗi buồn ấy trong thơ Trần Tử Ngang, trong thơ Đặng Dung, trong thơ Vũ Hoàng Chương. Và Đất Khách cho tôi biết thêm hồi hai mươi tuổi Thanh Nam đã đủ nhạy để cảm được nỗi sầu vạn cổ ấy qua bài lục bát Phai Mòn:
Đất cằn héo cỏ khô hoa
Ba năm cát bụi đã nhòa đường son
Tâm tư nặng trĩu u hờn
Tuổi hai mươi sớm phai mòn ước mơ.
Nỗi sầu “mang mang vô tuyệt kỳ” ấy dường như chỉ diễn hết được cung bậc qua những thi ảnh mang màu sắc Đông phương và thể thơ lục bát. Cho nên Thanh Nam không ưa dùng những từ ngữ bạo, những tiếng rộn ràng và những màu sắc chói.Người khó tính có thể bảo thơ Thanh Nam hơi cổ điển. Nhưng có nỗi sầu nào không già, và cái cổ điển của lục bát, như kinh nghiệm làm thơ của bao đời, còn có sức mạnh truyền cảm lớn lao hơn nhiều thể thơ trẻ khác. Xin đọc vài đoạn lục bát của Thanh Nam:
Rượu mời ta rót cho ta
Bạn gần không tới, bạn xa chưa về
Rót nghiêng năm tháng vào ly
Mắt nheo bóng xế, tay che tuổi buồn
Rót đầy băng giá cô đơn
Rót thao thức nhớ, rót hờn giận quên
Thôi đừng! Thôi hãy nằm yên
Ngủ ngoan đi nhé, cơn điên thuở nào.
Trên đất tạm dung, lục bát Thanh Nam vẫn không đổi:
Rơi rơi lớp lớp mưa buồn
Giọt hiu hắt nhớ, giọt mòn mỏi thương
Giọt bay khuya khoắt đêm trường
Giọt yên phận ngủ bên đường tối tăm
Giọt tan trong gió âm thầm
Giọt reo hòa hợp giọt nằm lẻ loi
Giọt nào lạc lõng trong tôi
Xót thân vô dụng, một đời nín câm.
Phong cảnh hùng vĩ thơ mộng của Seattle qua mắt Thanh Nam chỉ còn lại những giọt mưa hiu hắt. Không có những siêu thị, những xa lộ, những cảnh ngựa xe như nước, những cao ốc chọc trời. Tôi tìm hết tập Đất Khách, chỉ có một thi ảnh của Seattle được Thanh Nam giữ lại: đó là tuyết. Mà tuyết thì vốn đã có sẵn trong lòng cổ thi. Rõ ràng quá khứ nhất định không chịu ngủ yên trong lòng Thanh Nam, nỗi sầu vạn cổ đeo đẳng nhà thơ suốt mọi chặng đời, 20, 40, 45, 50…, vừa là một cái nợ, vừa là cái thú đau thương.
Những cơn say và thơ bảy chữ.
Để quên nợ, mỗi nhà thơ phản ứng mỗi khác. Ngay cả phương cách quen thuộc là nhờ đến rượu, thì cách nhậu hay nhắp, cách đặt ly rượu xuống bàn, cũng tùy tâm tình từng người. Dường như bài thơ nào trong Đất Khách cũng phảng phất men say.
Nhưng Thanh Nam không say túy lúy như Tản Đà, không say tỉnh táo như Nguyễn Bỉnh Khiêm. Như những mối tình nhẹ trong tiểu thuyết Thanh Nam, cái say của Đất Khách cũng chừng mực, vừa phải.
Bạn hữu của Thanh Nam thuật lại rằng nhà thơ chỉ uống bia và uống lặng lẽ. Say là một cách giải thoát nửa vời, không dứt khoát, vừa muốn quên lại vừa muốn nhớ. Kết quả là những bài thơ bảy chữ tuyệt vời của Thanh Nam như Bài Hành Đón Tuổi Bốn Mươi, Thơ Xuân Đất Khách, Khúc Ngâm Trên Đất Tạm Dung, Bóng Nguyệt Lòng Sông, vừa có ngạo khí của những bài hành trong cổ thi lại vừa có nỗi buồn êm đềm của hồn lục bát:
Lận đận bên trời chung một lửa
Say càng chua xót tỉnh càng thương
Tháng năm xa mãi thời hoa mộng
Râu tóc thêm gần với tuyết sương
Trên đất tạm dung đời tạm trú
Còn gì ngoài mối hận mênh mang
Tuổi già ví tựa thân tơ mỏng
Cuộc sống trăm cơn gió bạo cuồng
Ôi bạn ôi ta đời đã xế
Phù sinh thương mình ly rượu suông.
“Lận đận bên trời chung một lửa”, ý thơ này ta tìm thấy trong Kiều. “Thời hoa mộng, tóc tuyết sương, hận mênh mang, tuổi già thân tơ mỏng”…những ý đó cũng đã quá quen thuộc. Ta đã gặp quá nhiều, ở khắp nơi trong kho thơ lục bát. Nhưng xin hãy chú ý đến cách lạc điệu và biến nhịp:
Còn gì ngoài mối hận mênh mang
Ôi bạn, ôi ta, đời đã xế!
Những chỗ lạc điệu ấy như phút bàng hoàng trong cơn say, như tiếng nấc giữa tợp rượu, khiến lời thơ linh động và ý thơ bỗng chuyển sang hào sảng cao ngạo. Những lúc đó, ta tìm ra được hào khí trong những bài hành hoặc thơ biên tái của Đường thi.
Thanh Nam mượn rượu để quên sẩu vạn cổ. Lúc chợt phẫn đời vì:
Ngục tù bổng hiện qua màn lệ
Đêm tối nào như thể hỗn mang
nhà thơ cũng “dằn chén”. Nhưng tôi đoán cái dằn của Thanh Nam không quá mạnh đến nỗi rượu phải đổ ra thảm. Vì chén rượu không rạn đi, mà
…lòng đau thương tích rợn
Gào lên da thịt xích xiềng vang.
Cuộc đời trở nên vừa đáng hận vừa đáng thương. Seattle vừa là đất lành mà cũng là đất khách. Buồn theo hồn lục bát, thử tìm ngạo khí quên đời qua những bài hành, đó là tất cả nét đẹp cô đọng của Đất Khách.
“Giọt reo hòa hợp” nằm chen gìữa những giọt mưa “hiu hắt”, mòn mỏi, yên phận, âm thầm, lẻ loi lạc lỏng, vô dụng, nín câm” trong bài Mưa, theo ý tôi, chính là tập thơ Đất Khách này.
Nguyễn Mộng Giác
Số lần đọc: 5494