Nguồn: Văn Học số 141&142, tháng 1&2 năm 1998
Trong tập Thơ Phùng Quán, tuyển tập thơ duy nhất được xuất bản sau khi ông mất năm 1995, nhà xuất bản dành một trang thủ bút tác giả ở ngay phần đầu. Trang thủ bút chỉ có mấy dòng:
Thơ đề trên thơ
Có những phút ngã lòng
Tôi vịn câu thơ mà đứng dậy!
1965. Phùng Quán
Nhiều người đã nói về vai trò của thi ca trong đời mình và ánh hưởng của thi ca đối với xã hội. Nhưng cách nói của Phùng Quán cụ thể nhất, gọn ghẽ nhất, và có lẽ chính xác nhất.
Vịn câu thơ mà đứng dậy! Thơ không còn là món trang sức đua tranh sức chói lọi để lọt vào mắt quân vương nơi cung đình. Thơ không còn là món đưa cay trong những cuộc say túy lúy. Thơ không còn là cái áo giáp cho người ta phùng xoè trước đám đông và che giấu những thân thể suy nhược. Thơ không còn là khẩu hiệu cho những cuộc biểu dương lực lượng…
Thơ là chiếc nạng vững cho người già, là chỗ tựa cho những người thất thế từ đó đứng lên làm lại cuộc đời, là lời mẹ ru dành cho đứa con ốm đau, là lời cầu kinh cho người sắp từ giã cõi đời. Thơ gần với tôn giáo, và lòng tin cậy nơi Thơ của Phùng Quán chẳng khác nào lòng tin nhiệt thành của một tín đồ hướng về Đấng Thiêng Liêng của tôn giáo mình.
Vịn câu thơ mà đứng dậy! Người làm thơ có một lòng tin tuyệt đối như thế về vai trò của Thơ, như Phùng Quán, là một người hạnh phúc. Những người quen thân với Phùng Quán kể rằng bất cứ ai xưng mình là thi sĩ đều được Phùng Quán niềm nỡ đón tiếp, như một người bạn thân lâu ngày không gặp. Và nhiều khi ông đề thơ lên vạt áo của những “cố nhân” ấy, với niềm tin hồn nhiên rằng tất cả “cố nhân” đều quí những nét bút lưu niệm của ông hơn quí chiếc áo trắng. Niềm tin hồn nhiên ấy là thơ, cũng như sự đau khổ của cuộc đời ông là thơ. Suốt đời ông đã “ngã lòng” về mọi sự: cách mạng, lịch sử, quyền lực, thế thái, nhân tình, cơm áo…Ông chỉ còn Thơ. Cho nên không có gì kinh ngạc khi đọc qua suốt tập thơ Phùng Quán, bài hay nhất vẫn là bài ông dành cho Đỗ Phủ: “Đêm Nghi Tàm đọc thơ Đỗ Phủ cho vợ nghe.”
...Thơ ai như thơ ông
Lặng im mà gầm thét
Trang trang đều xé lòng
Câu câu đều đẫm huyết …
Thơ ai như thơ ông
Mỗi chữ đều như róc
Từ xương thịt cuộc đời
Từ bi thương phẫn uất
Thơ ai như thơ ông
Kể chuyện mái nhà tốc
Vác củi, làm chuồng gà
Đọc lên trào nước mắt!
Giữa tuyết trong đò con
Đỗ Phủ nằm chết đói
Đắp mặt áo bông sờn
Kéo hoài không kín gối
Ngàn năm nay sông Tương
Sóng còn nức nở mãi
Khóc chuyện áo bông sờn
Đắp mặt thơ chết đói !…
Tôi không biết ở quê nhà, đã có lần nào Phùng Quán gặp một “cố nhân” như Khoa Hữu chưa! Tôi nghĩ là chưa. Có nhiều điều ở ngoài Thơ phân cách hai nhà thơ tôi yêu mến. Họ khác nhau về thế hệ, tuổi tác. Phùng Quán lớn lên vào lúc đấu tranh giành độc lập đối với các dân tộc bị trị trở thành một sứ mệnh thiêng liêng. Ông xông pha vào cuộc đấu tranh ấy, và mặc dù bị đày đọa áp bức, ông vẫn xem cuộc đấu tranh ấy là một huyền thoại. Vinh nhục của đời ông gắn liền vào vinh nhục của thế hệ ông, các đồng chí của ông. Khoa Hữu thuộc vào thế hệ chịu đựng những tàn phá khốc liệt đẫm máu của thế lực đã dẫn Phùng Quán vào huyền thoại, đã mất cả tuổi thanh niên vì tham vọng của thế lực ấy, đã mất cả tuổi trung niên vì gông cùm của thế lực ấy. Phùng Quán, Đỗ Phủ dù bất hạnh khốn khổ nhưng vẫn còn được sống trong khung cảnh “của mình”, những vần thơ họ viết ra còn có người sao chép, truyền tụng, chia sẻ, cảm phục, thông cảm. Khoa Hữu không được những may mắn ấy.
Thơ của anh là máu, là lệ, là nỗi thống khổ của Chính anh, gia đình anh, đồng đội anh những người thua trận, đồng bào anh những kẻ mất tiếng nói… Nhưng anh phải làm thơ giấu diếm, anh phải đóng vai người câm suốt bao nhiêu năm, nên tiếng thơ của anh đúng là “tiếng gầm thét của im lặng”. Anh không dám có “cố nhân”, và dĩ nhiên đủ sáng suốt về thân phận mình để không hồn nhiên dằn vạt áo người khác ra chép thơ lưu niệm. Tất cả chung quanh Khoa Hữu đều đầy đe dọa, muốn sống còn (chứ đừng nói muốn làm nhà thơ trung thực), anh phải như người làm xiếc nín thở đi trên sợi dây mỏng manh:
Thấy mặt trời gần
trong mắt ta mở
thấy tay thời gian
vuốt qua ghê sợ
Bình minh như lửa
hoàng hôn như than
ta thấy cùng cháy
ta tàn cùng than
Ngẩng đầu ngang núi
sững một niềm đau
rừng rung thân mỏi
hờn suốt biển sâu
Đi dọc đời sống
tựa như đi dây
một hồn vực thẳm
hai bờ căng thây
Ta làm thi sĩ
gõ cửa đa đoan
tìm kẻ dưới mộ
thương người hồng nhan
Vắt kiệt sự sống
dốc cạn máu ta
thơ là máu nóng
thơ là thịt da
(Điệp khúc, Thơ Khoa Hữu*)
Những vần thơ cất lên từ thân phận nghiệt ngã (trước hết của hơn hai mươi triệu người thua cuộc sau tháng Tư 1975, sau đó của tất cả đồng bào từ nam ra bắc) của Khoa Hữu, những vần thơ mà anh đã “vắt kiệt sự sống” để sáng tạo trong sự rình rập đe doạ, có công dụng như một chỗ vịn đáng tin cậy để đứng lên như Phùng Quán viết. Khoa Hữu là Đỗ Phủ của thời hiện đại, ở một đất nước liên tiếp đau thương suốt nửa thế kỷ nay. Những lời Phùng Quán viết về thơ Đỗ Phủ rất đúng với thơ Khoa Hữu (Thơ ai như thơ ông / Mỗi chữ đều như róc / Từ xương thịt cuộc đời / Từ bi thương phẫn uất).
Và một khi thi nhân đã dốc cả xương thịt, máu huyết, vinh nhục…của đời mình vào thơ, mặc dù không biết sẽ dùng thơ ấy làm gì, gửi thơ ấy cho ai…thì tất nhiên sức thu hút của thơ Khoa Hữu phải mãnh liệt. Anh không cần, mà cũng không có thì giờ để tìm cách đổi mới câu cú, chữ viết. Anh cũng không đặt lên vai thơ những gánh nặng trần thế. Nếu xét bằng hình thức, thơ Khoa Hữu cổ điển: không khí thơ biên tái bàng bạc ở nhiều bài, chất dân gian lục bát ở nhiều bài khác. Nhưng trong lúc những người khác vay mượn thơ cổ điển và dân gian như một thứ dây leo ký sinh, thì Khoa Hữu đưa hình thức cũ lên một cung bậc mới, nuôi sống nó bằng chính chất liệu phong phú và tài ba của mình. Từ trong nước, sống âm thầm như một kẻ vô danh, anh gửi những vần thơ huyết lệ ra nước ngoài. Và không cần chờ lâu, thơ anh xuất hiện trên hầu hết những tạp chí văn chương quan trọng ở hải ngoại, nhiều nhất là trên Văn Học.
Có thể so sánh trường hợp Khoa Hữu với trường hợp Tô Thùy Yên, bạn anh. Tô Thùy Yên được đánh giá như một nhà thơ lớn gần bốn mươi năm, trước khi tập thơ Tô Thùy Yên được in ra. Khoa Hữu được bạn đọc hải ngoại yêu mến suốt mười năm nay, mười năm sau tập thơ của anh mới ra đời. Muộn còn hơn không. Nhất là trong tình cảnh Khoa Hữu, người đặt trọn ý nghĩa còn lại của đời mình vào tay nàng Thơ.
Nguyễn Mộng Giác
* Thơ Khoa Hữu, Văn Học xuất bản tháng 11.1997.
Số lần đọc: 358