Nơi lưu giữ những tác phẩm của Nhà Văn Nguyễn Mộng Giác (1940-2012)

Nơi lưu giữ những tác phẩm của Nhà Văn Nguyễn Mộng Giác (1940-2012)

Trang NhàBài Viết NgắnPhê BìnhĐọc Phạm Việt Châu, hai mươi lăm năm sau…

Đọc Phạm Việt Châu, hai mươi lăm năm sau…

Lời bạt của Nguyễn Mộng Giác cho tập biên khảo Trăm Việt Trên Vùng Định Mệnh

Dongsondrum Nếu tôi không lầm, hồi đó vào khoảng hai năm 1972, 1973; tạp chí Bách Khoa đăng liên tiếp nhiều kỳ loạt bài Trăm Việt Trên Vùng Định Mệnh của Phạm Việt Châu. Tôi say mê theo dõi loạt bài này, hỏi anh Lê Ngộ Châu chủ nhiệm Bách Khoa tác giả là ai. Anh Châu chỉ trả lời chung chung Phạm Việt Châu là bút hiệu của một sĩ quan cấp tá Quân lực Việt Nam Cộng Hòa.

Trăm Việt Trên Vùng Định Mệnh gây ấn tượng sâu đậm trong tôi hồi đó do nhiều nguyên nhân.

Trước hết, điều lâu nay tôi vẫn thường nghe, đến nỗi tưởng là điều hiển nhiên, là ba nước Đông Dương (Indochina) thuộc về một vùng giao tiếp mờ nhạt của hai thế lực chính trị văn hóa khổng lồ Trung Hoa và Ấn Độ, cho nên các nước thuộc vùng Đông Nam Á này không có một thực thể riêng, một căn cước riêng, số phận các dân tộc đó tùy thuộc vào những chuyển biến của hai nền văn minh Á châu lớn lao bên cạnh. Thành kiến ấy sâu đậm đến nỗi chúng ta chẳng bao giờ quan tâm đến số phận của các nước láng giềng. Thử hỏi một trí thức bậc trung nào đó của Việt Nam về lịch sử, văn hóa, phong tục, nghệ thuật của các nước Miến Điện, Nam Dương, Phi Luật Tân, Thái Lan… chúng ta sẽ thấy họ không biết gì nhiều. Họ rành rẽ về phong tục tập quán của người Trung Quốc, Pháp, Mỹ nhưng không hề biết người Lào ăn uống ra sao, người Miến ưa dùng thứ nhạc khí gì. Mỗi dân tộc ở khu vực Đông Nam Á sống riêng rẽ và dồn sức đối phó với thế lực đang thuộc địa xứ sở hộ. Họ vừa thù ghét nền văn hóa thực dân vừa chịu ảnh hưởng nặng nề của nền văn hóa đó. Họ yêu ghét lẫn lộn, tự do và nô lệ không có ranh giới, đến nỗi họ không còn biết rõ mình là ai, mình ở đâu, mình muốn gì. Loạt bài Trăm Việt Trên Vùng Định Mệnh của Phạm Việt Châu, đối với riêng tôi, là một tiếng chuông thức tỉnh. Phạm Việt Châu lay tôi dậy, nhắc cho tôi nhớ nguồn gốc và chỗ đứng thực sự của dân tộc Việt Nam, bằng những dẫn chứng rõ ràng về liên hệ chủng tộc, lịch sử, phong tục giữa các nước trong vùng Đông Nam Á. Tôi cảm ơn Phạm Việt Châu về món quà trí tuệ quí giá ấy.

Nguyên nhân thứ hai là tâm trạng hoang mang chung của thế hệ chúng tôi vào thời điểm Bách Khoa đăng loạt bài của Phạm Việt Châu. Sau hiệp định ngưng chiến ký kết ở Paris, Hoa Kỳ giao lại cho chính quyền miền Nam vai trò chính yếu trong cuộc chiến tranh tự vệ, chuẩn bị rút lui “trong danh dự” khỏi một cuộc phiêu lưu làm phân hóa trầm trọng xã hội Hoa kỳ. Những người Việt Nam lạc quan thời bấy giờ thấy le lói một niềm hy vọng mới, hy vọng bằng chính sức mình duy trì và bảo vệ được một chính thể tự do, dân chủ thực sự, trong quan hệ mật thiết với các nước lân bang, và nhất là thoát ra ngoài ảnh hưởng của các cuộc tranh chấp quyền lực giữa các đại cường. Đó là cụm từ như “thân phận da vàng”, “nỗi buồn nhược tiểu”, “chiến tranh uỷ nhiệm” trở thành thời thượng trong các bài bình luận chính trị, trong các lời ca phản chiến. Bây giờ, chúng ta mới thấy niềm hy vọng ấy chỉ là ảo tưởng, khi miền Bắc không hề bỏ ý định thôn tính miền Nam dù Hoa kỳ có rút lui, dù phải đốt cháy cả Trường Sơn. Nhưng xin bạn đọc trở lui lại thời kỳ sôi động đầy hoang mang ấy, thời kỳ khắc khoải đi tìm đường của cả một thế hệ, bạn đọc mới thấy những lời viết của Phạm Việt Châu tác động mạnh mẽ như thế nào. Ông cho chúng tôi một căn cước mới, một niềm hãnh diện mới, một gia đình mới, và dĩ nhiên, một hướng đi mới.

Điều đáng tiếc là Trăm Việt Trên Vùng Định Mệnh bị những biến cố lịch sử dồn dập suốt những năm đầu thập niên 70 che khuất, và vùi dập vào lãng quên do biến cố 30.4.1975. Phạm Việt Châu qua đời cùng chính thể Việt Nam Cộng Hòa, như một thuyền trưởng cùng tự trầm với con tàu thất trận.

Từ đó đến nay đã hai mươi lăm năm trôi qua. Bao nhiêu nước chảy qua cầu trong hai mươi lăm năm ấy. Bao nhiêu tang thương biển dâu trong số phận dân tộc, số phận từng gia đình, số phận từng người. Kể cả gia đình Phạm Việt Châu, sau khi ông qua đời năm 1975. Một hệ thống cai trị chuyên chính triệt để kiểm soát từ cây kim sợi chỉ đến cách thương yêu thù hận của người dân đã sụp đổ, dù đã được trang bị một guồng máy công an mật vụ qui mô nhất trong lịch sử nhân loại. Một số dân tộc trong “Trăm Việt” đã trở thành những “con rồng Á châu” về kinh tế. Trung Quốc trở thành một cường quốc thực sự và cũng thực sự trở thành hiểm họa lâu dài đối với “Trăm Việt”. Riêng đối với đồng bào của Phạm Việt Châu, cuộc tang thương diễn ra dau khi ông qua đời còn khốc liệt hơn. Hàng trăm nghìn người vào lò cải tạo. Hàng triệu người liều chết vượt biển ra đi. Lần đầu tiên trong lịch sử dân tộc, người Việt học làm người di dân, “sống nhờ đất khách chết chôn quê người”…

Những người con của Phạm Việt Châu cũng chia sẻ số phận chung của dân Việt, cũng phấn đấu hết mình để sinh tồn trong một khung cảnh lạ ở ngoài dòng sinh tồn của “Trăm Việt”. Tác giả đã qua đời nhưng tác phẩm vẫn còn đó, trong di cảo, trong bộ Bách Khoa tàng trữ trong thư viện của các đại học trên thế giới. Mặt trăng đã lặn sau núi nhưng ánh trăng vẫn còn mãi đó, làm xao xuyến bao nhiêu người thuộc cùng thế hệ hoặc sau thế hệ của Phạm Việt Châu. Những người con của Phạm Việt Châu nay đã trưởng thành, sưu tập lại những lời tâm huyết của thân phụ hơn hai mươi năm trước, cho in thành sách.

Tôi được hân hạnh nhận một tập bản thảo Trăm Việt Trên Vùng Định Mệnh do nữ họa sĩ Mai Ly, ái nữ của Phạm Việt Châu, gửi tặng. Đọc lại những lời từng một thời gây chấn động sâu xa cho mình, tôi hết sức ngạc nhiên.

Không ngạc nhiên sao được! Lời Phạm Việt Châu phát biểu hơn hai mươi năm trước, nay đọc lại chẳng những không hề lỗi thời mà còn nguyên giá trị cảnh cáo. Còn nguyên vẹn một lời thức tỉnh cho những ai còn thao thức về vận mệnh đất nước. Vì đối với nhiều người, thời gian đứng lại từ năm 1975. Vì đối với nhiều người quá khứ vẫn là tương lai, bất cần những biến chuyển trọng đại diễn ra quanh mình. Xin đọc những lời Dẫn Nhập Phạm Việt Châu viết: “Nhìn thẳng vào quá trình hình thành và tiếp nối đế sắp đặt đường đi nước bước cho mai sau, nhìn thẳng vào những vấn đề gai góc nhất để tìm giải pháp xác đáng, nhìn thẳng vào mặt những đế quốc hiện đại đang xâu xé vùng đất này để cùng quyết tâm đối phó, nhìn thẳng vào những vết rạn phân cách các dân tộc anh em để cùng đưa tay bắc một nhịp cầu kết hợp, đó là công việc mà thế hệ hôm nay yêu dân tộc, yêu quê hương, yêu vùng đất đã nuôi dưỡng mình nên làm và phải làm. Trăm Việt Trên Vùng Định Mệnh mong được là một đóng góp nhỏ bé trong muôn một”.

Lời di chúc đó, cho đến nay, vẫn còn nguyên tính chất cấp thiết. Vẫn còn là một viễn kiến không hề bị thời gian đào thải, như những viễn kiến chính trị khác.

Nguyễn Mộng Giác
Tháng 10.1997

 

   Số lần đọc: 6385

Tác Phẩm

BÀI KỀ

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây