Nguồn: Văn Học số 49, tháng 3 năm 1990
Trên số Tết Canh Ngọ 1990, tạp chí Văn Học có nêu lên một số câu hỏi liên quan tới những tác phẩm và bài viết của các tác giả ở Việt nam, lên tiếng phê phán chỉ trích chế độ Cộng sản. Những câu hỏi tạp chí Văn Học đưa ra như sau:
1. Có hay không có một dòng văn chương phản kháng ở quốc nội?
2. Nếu có, đối tượng phản kháng này là:
– Bản chất chế độ Cộng sản
– Hiện tượng sai trái của những cán bộ thừa hành
3. Trong trường hợp có một dòng văn chương đối kháng thật sự, những nhà văn lưu vong phải làm gì để hỗ trợ? Trong trường hợp trái lại, sự phản kháng nhằm vào những cán bộ cấp thừa hành với mục đích củng cố guồng máy, những nhà văn ở hải ngoại phải làm gì?
4. Ảnh hưởng của các tác phẩm này đối với độc giả trong và ngoài nước?
Trong tất cả bốn câu hỏi, câu thứ nhất quan trọng hơn hết. Vì nếu người được hỏi thẳng tay phủ nhận, cho rằng không hề có những tiếng nói phản kháng chế độ ở trong nước, thì không còn gì để thảo luận với nhau nữa. Và quan điểm dứt khoát ấy khá phổ biến trong cộng đồng người Việt ở hải ngoại, kể cả trong giới viết lách.
Lập luận chung của những người có lập trường dứt khoát này là: guồng máy truyền thông hoàn toàn do chế độ Cộng sản Việt nam chỉ đạo và kiểm soát, từ đề tài sáng tác, việc tuyển chọn, in ấn, cho đến phát hành. Một guồng máy tuyên truyền chặt chẽ như vậy không bao giờ để lọt ra ngoài một văn nghệ phẩm nào đi ngược với chủ trương chính sách của nhà nước. Từ đó tất nhiên phải có hai hệ luận: những tác phẩm “gọi là phản kháng” chẳng qua chỉ là cái bẫy để tô hồng cho chính sách “gọi là đổi mới” nhằm xoa dịu sự căm phẫn của quần chúng ở quốc nội và vận động tuyên truyền ở quốc ngoại, và những văn nghệ sĩ “gọi là phản kháng” đó thực chất chỉ là những “văn nô”. Không cần biết họ viết gì, chỉ biết họ đang ở Việt nam (nhiều trường hợp là đảng viên Cộng sản hoặc đang làm việc cho guồng máy Cộng sản) và sách báo họ làm được nhà xuất bản của nhà nước in, thế là đủ! Không mất thì giờ đọc tài liệu tuyên truyền.
Lập luận cứng rắn dữt khoát đó không phải chỉ một sớm một chiều mà có. Nó bắt nguồn từ những kinh nghiệm đắng cay tích lũy lâu đời, do nhiều thế hệ nạn nhân Cộng sản đã từng bị lừa dối nhiều lần, cuối cùng dứt khoát không còn tin gì nữa. Ngay cả những tiếng miệt thị như”văn nô”, “bồi bút”, “những tên biệt kích, du kích văn hóa”, cũng không phải là sáng kiến của những người tỵ nạn Cộng sản đặt ra. Đó là sản phẩm của guồng máy tuyên truyền Cộng sản, người đọc gặp nhan nhản trên sách báo Cộng sản khi họ muốn triệt hạ những thành phần văn nghệ sĩ đối lập. Hãy đọc Lénine để thấy ông tổ Cộng sản này đã dùng chữ như thế nào khi muốn bôi nhọ, trấn áp, vùi dập những người đối lập với ông.
Tuy nhiên, tôi nghĩ muốn phán xét ai, trước hết phải đọc tác phẩm của họ đã.
Năm 1985, tôi được hội Nghiên cứu Khoa học Xã hội ở New York nhờ viết một tiểu luận về “Chính sách của Cộng sản Việt nam đối với văn nghệ từ 1975 về sau”, nên bắt buộc phải thường xuyên tìm đọc sách báo xuất bản ở Việt nam, phải tiếp xúc, phỏng vấn những người có kinh nghiệm, am tường về vấn đề này. Càng tìm hiểu, tôi càng thấy vấn đề không đơn giản như đa số đồng bào trong cộng đồng đã nghĩ: không phải tất cả thơ văn đã được nhà nước Cộng sản Việt nam in ra đều thực hiện đúng theo đơn đặt hàng, không phải tất cả người cầm bút ở quốc nội đều ngoan ngoãn “ăn cơm chúa múa tối ngày”. Bỏ họ chung một rọ “văn nô” để khỏi phải bận tâm gì nữa, để thì giờ lo đi làm trả nợ nhà nợ xe nợ báo hiểm, khỏe re. Nhiều người đã chọn giải pháp đó. Nhưng nếu còn quan tâm đến những gì đang và sẽ xảy ra trên quê hương Việt nam, thì chúng ta không thể không tìm hiểu đời sống, tâm tình, ước vọng của hơn sáu chục triệu đồng bào ở quốc nội. Một cách để tìm hiểu là tìm qua các sách báo đã xuất bản, với óc biện biệt phê phán khách quan và sáng suốt.
Cần sáng suốt để một lần nữa khỏi bị lừa vì những sản phẩm tuyên truyền, đồng thời khỏi bỏ phí những giá trị đích thực. Bất cứ tiếng nói nào thực sự đòi hỏi cho quyền làm người, tố cáo sự giả trá, sự bất công, sự đàn áp tự do đều cần thiết trong giai đoạn này. Huống chi tiếng nói đó lại được diễn đạt qua nghệ thuật. Cho nên qua kinh nghiệm tìm hiểu của riêng tôi, tôi nghĩ quả tình có một dòng văn chương phản kháng ở trong nước, không phải mới đây mà đã có từ lâu, ít ra là từ thờí Nhân văn Giai phẩm.
***
Để trả lời câu hỏi thứ hai: “Nếu có (dòng văn chương phản kháng), đối tượng phản kháng này là bản chất chế độ Cộng sản hay hiện tượng sai trái của cán bộ thừa hành?”, tôi thấy chúng ta cần phải đồng ý với nhau về một số điều trước đã.
Tôi nhớ hồi trẻ khi còn học văn chương ở đại học, tôi rất thích một câu nói của văn hào Pháp, André Malraux: “Phán xét tức là chẳng hiểu gì cả” (Juger, c’est ne pas comprendre). Malraux có thói quen gài vào miệng những nhân vật militant của ông những câu phát biểu cực đoan, nhưng riêng câu này, tôi thấy đúng. Tôi thấy thông thường hễ lên tiếng phán xét ai khi chưa hiểu họ, thì sau này tôi thường thấy mình lầm lẫn, ngông cuồng. Tự đặt mình vào hoàn cảnh người mình định phán xét, giả định xem nếu mình là họ ở hoàn cảnh đó mình sẽ làm gì, thì lời phán xét sẽ chính xác hơn, công bình hơn. Chúng ta đừng quên rằng dưới chế độ độc tài Cộng sản, sinh mệnh chính trị chính là mạng sống của mỗi người. Một nhà văn nổi tiếng bốc đồng khinh bạc như Nguyễn Tuân mà lúc xế già còn thú nhận rằng mình sống còn đến lúc đó là nhờ còn biết sợ. Cái không khí khủng bố tinh thần phủ chụp lên đầu giới cầm bút suốt đời. Nếu một số người cầm bút ngoan ngoãn ở lúc này, rồi lại dũng cảm liều lĩnh ở lúc khác, hoặc nói như Nguyễn Minh Châu, khi trung khi nịnh, thì chúng ta phải tìm hiểu đâu là lòng thành của họ, đâu là cái nhục cơm áo.
Tìm cho ra đâu là lòng thành của người làm chính trị, hơi khó. Vì trò chơi chính trị chấp nhận cùng đích biện minh cho phương tiện, chấp nhận những thủ thuật có tính cách chiến thuật giai đoạn nhằm đoạt quyền lực để thực hiện những mục tiêu cao đẹp lý tưởng hơn. Ngay tại các nước dân chủ tiên tiến, ít ai trách cứ các ứng cử viên đã nói dối khi hứa hẹn, đề cao mình và hạ nhục đối phương. Trò nói dối được tạm chấp nhận trong thời gian tranh cử, nhưng không được tha thứ sau giai đoạn tranh cử đã xong.
Đối với văn chương, lòng thành của người viết dễ nhận ra hơn. Dù có dùng xảo ngữ che đậy cách mấy đi nữa, chữ nghĩa nằm yên trên mặt giấy từ đời này qua đời khác, cho thiên hạ xoi mói đo đếm, thì thế nào cái giả dối gượng gạo cũng bị phát hiện. Nghệ thuật không chỉ do tài năng của người sáng tạo, mà theo tôi, quan trọng hơn cả tài năng là cái tâm thành. Không có lòng thành, mọi thứ nghệ thuật giả hiệu sẽ bị thời gian đào thải. Bằng chứng ở ngay trước mắt. Bốn mươi lăm năm “văn học cách mạng” dưới chế độ Cộng sản Việt nam rốt cùng còn lại được bao nhiêu tác phẩm giá trị? Đã có những nhà phê bình được chế độ nuôi dưỡng giáo dục thành thực chép miệng lắc đầu. Rồi đây lớp trẻ sẽ làm gì với đống sách vở lý luận và sáng tác mô tả, giải thích chủ nghĩa Cộng sản như là một thứ kim chỉ nam đưa nhân loại tới thiên đường? Cho nên tôi nghĩ muốn phân biệt được câu trung giữa hàng nghìn câu nịnh, phân biệt văn chương nghệ thuật với những sản phẩm tuyên truyền giai đoạn dưới chế độ Cộng sản, việc đó không quá khó.
Tạm đồng ý với nhau vài điểm về cách nhìn như thế rồi, tôi mới đáp thẳng vào nội dung câu hỏi thứ hai được. Tôi thấy đối tượng phản kháng của dòng văn chương phản kháng trong nước có thay đổi theo thời gian, tùy tình hình chính trị, tùy theo mức độ kiểm soát của guồng máy cai trị. Khuôn khổ một bài phát biểu ngắn trên tạp chí Văn Học không cho phép tôi đi vào chi tiết, ở đây tôi chỉ trình bày qua các nét chính của sự thay đổi.
1. Thời kỳ Nhân văn Giai phẩm từ 1956 đến 1958:
Cuộc đấu tranh cho tự do tư tưởng và sáng tạo của văn nghệ sĩ miền Bắc xảy ra lần đầu ở Hà nội, và xảy ra giữa một thời kỳ có nhiều biến chuyển lớn trong thế giới Cộng sản. Ở Liên sô, Krushchev phát động chiến dịch hạ bệ thần tượng Stalin, và chủ trương xét lại đường lối cai trị sắt máu của người tiền nhiệm, làm cho những đảng Cộng sản độc tài đàn em vô cùng bối rối. Chính sách của Krushchev làm nẩy sinh cao trào đòi tự do dân chủ trong khối Cộng sản, bạo động ở Hungary, Nga – Hoa chống báng nhau gay gắt cả về ý thức hệ và quyền lợi. Tại miền Bắc Việt nam, cuộc cải cách ruộng đất đẫm máu làm cho xã hội phân hóa, niềm tin của đảng viên và cán bộ lung lay, nhân tâm phẫn uất chán nản. Đảng và Nhà nước vội đưa ra chính sách sửa sai để tránh nguy cơ nổi loạn. Trong tình hình đó (rất giống với tình hình hiện nay), phong trào Nhân văn Giai phẩm thành hình và phát triển nhanh, ảnh hưởng lớn trong giới văn nghệ sĩ và sinh viên học sinh miền Bắc.
Hơn ba mươi năm đã qua, bây giờ đọc lại những bài viết đã phổ biến trên sách báo thời này, rồi so với những biện pháp đàn áp cùng luận điệu trấn áp dữ dằn của chính quyền Hà nội, chúng ta thấy đảng Cộng sản Việt nam đã thổi phồng vụ này để dằn mặt dân chúng, nhằm ngăn ngừa một vụ nổi loạn chống đối lớn rộng có thể bộc phát bất cứ lúc nào. Dù chính quyền có bắt Trần Dần, Phùng Quán, Nguyễn Hữu Đang thú nhận công khai những âm mưu to lớn tới đâu, dù phóng đại những bài viết đòi hỏi quyền tự do tư tưởng chính đáng của văn nghệ sĩ lúc bấy giờ thành một âm mưu khuynh đảo quốc tế, nhưng chữ nghĩa vẫn còn đó làm bằng chứng. Đối tượng tranh đấu của Nhân văn Giai phẩm không nhiều, không lớn lao như nhà cầm quyền hô hoán. Nhóm Nhân văn Giai phẩm chỉ đòi hỏi quyền được tự do sáng tạo trong mối tương quan cởi mở thông cảm giữa chính trị và văn nghệ. Họ chưa dám, hoặc chưa có thì giờ đề cập đến những vấn đề cốt lõi như bản chất của chủ nghĩa xã hội, quyền làm người, vai trò của văn nghệ và vai trò của chính trị… Thế mà họ bị guồng máy công an và văn hóa của chính quyền miền Bắc tung hết sức ra đàn áp tàn nhẫn, những nhà văn dính líu bị cô lập về chính trị lẫn kinh tế, có người bị tù đày lâu dài. Cho tới nay, sau hơn ba mươi năm, vụ Nhân văn Giai phẩm vẫn còn là một ám ảnh lớn đe dọa thường trực văn nghệ sĩ Việt nam, làm ảnh hưởng tai hại tới các cuộc tranh đấu cho tự do tư tưởng, làm nhụt chí một số người cầm bút chưa đủ can đảm.
2. Khát vọng tự do của văn nghệ sĩ không bao giờ bị dập tắt, nhưng chiến tranh đã làm cho khát vọng đó trở thành thứ yếu. Cả miền Bắc dốc toàn lực cho chiến tranh, nên chỉ lâu lâu mới có một vài bài thơ, bài văn “có vấn đề”, còn nói chung, dòng văn chương phản kháng không có cơ hội phát lộ mạnh suốt thời kỳ từ 1959 đến 1975. Phải chờ đến khoảng 1978, mới lác đác thấy một số ý kiến “có vấn đề”.
Khởi đầu là ý kiến của Nguyễn Minh Châu, một nhà văn quân đội, đòi xét lại lối viết truyện về chiến tranh. Nguyễn Minh Châu cho rằng lâu nay chưa có tiểu thuyết thật sự về chiến tranh, vì tiểu thuyết về chiến tranh của miền Bắc trước 1975 và Việt nam sau 1975 đều bề bộn sự kiện, người lính nào cũng lý tưởng dũng cảm, tác giả không đi sâu vào tâm tình thực của họ, chưa dám đề cập đến những vấn đề xã hội liên quan tới chiến tranh. Tóm lại, Nguyễn Minh Châu cho rằng “văn học cách mạng” chỉ chuyên tô hồng một chiều, chỉ vẽ ra cái mẫu muốn có chứ không nói đến thực tại đang có của con người, cuộc đời. Ý kiến này được nhiều nhà văn trẻ trong quân đội hưởng ứng, sau đó, Hoàng Ngọc Hiến đưa vấn đề lên cao hơn, gây một cuộc tranh luận sôi nổi về lý luận văn nghệ, lý luận thẩm mỹ học, tức là tranh luận đến cái cốt tủy của tương quan chính trị – nghệ thuật.
Như vậy, về mặt đối tượng, lần này ý thức phản kháng có đi xa hơn Nhân văn Giai phẩm. Chính quyền Hà nội cũng vội vã tìm cách dập tắt, nhưng mức độ không ghê gớm như trước, có lẽ vì:
– Những người lên tiếng đòi xét lại chính sách văn nghệ đều là công thần, hầu hết là bộ đội, và được đào tạo ngay trong nền giáo dục Cộng sản, không thể dễ dàng truy chụp họ như đối với các nhà văn của nhóm Nhân văn Giai phẩm.
– Những bài viết có tính cách chống đối lần này thuộc thể loại lý luận, phê bình, chưa có sáng tác phẩm minh họa để ảnh hưởng sâu rộng lên quần chúng, do đó chính quyền dễ dàng khoanh vùng để giải quyết trong các tụ điểm văn hóa, trong khuôn viên đại học hoặc tòa soạn, nhà xuất bản.
– Đảng và Nhà nước tuy phải đối phó với một tình trạng bất an về xã hội do xung đột trầm trọng với Trung quốc và cao trào vượt biên, nhưng trong thế giới Cộng sản nói chung, không có những biến động lớn ảnh hưởng đến sự an nguy của chế độ như hồi 1958 và bây giờ, nên chính quyền không cần ra tay đàn áp bằng bạo lực hay các biện pháp hành chánh.
3. Giai đoạn từ 1986 đến nay.
Hiện nay thì dòng văn học nghệ thuật phản kháng lại chế độ Cộng sản (ở đây chỉ đề cập đến các hoạt động công khai, loại sách báo đã được in và phổ biến) đã vượt xa hai giai đoạn trước cả về chiều sâu lẫn chiều rộng.
Bối cảnh chính trị trong thế giới Cộng sản gần đây có nhiều biến động lớn lao gấp mười lần thời xét lại của Krushchev, đến nỗi ngay chủ nghĩa Cộng sản cũng bị phá sản, làm đổ vỡ cả hệ thống quyền lực xây dựng tỉ mỉ chặt chẽ từ bao nhiêu năm.
Trước áp lực của thế giới, và áp lực của một xã hội rối loạn vì kinh tế suy sụp, chính quyền phải đưa ra những chủ trương thay đổi, cởi mở hơn đôi chút về kinh tế và văn nghệ. Thế là những tiếng nói, những khát vọng bị vùi dập lâu nay được dịp cất lên, lan rộng ra. Văn nghệ phẩm đòi hỏi tự do, tố cáo bất công nẩy nở, phát triển trong mọi bộ môn từ kịch nghệ, điện ảnh, thơ, tiểu thuyết, báo chí. Những văn nghệ sĩ dám nói lên tâm nguyện của quần chúng được quần chúng đón nhận nồng nhiệt, họ có ảnh hưởng đến quần chúng nên bây giờ chính quyền không dễ dàng đàn áp họ như thời Nhân văn Giai phẩm. Sách báo viết theo đuôi chính quyền bị quần chúng thờ ơ, sách báo chống chế độ được hưởng ứng nồng nhiệt. Nhiều tên tuổi mới được quần chúng xác nhận giá trị (chứ không phải chính quyền) do ở chỗ họ đã dám nói thẳng, nói thật. Có thể kể tới kịch của Lưu Quang Vũ, thơ của Nguyễn Duy,Trần Mạnh Hảo, văn của Nguyễn Huy Thiệp, Phạm thị Hoài, Nguyễn Mạnh Tuấn, Nhật Tuấn, Dương Thu Hương, phim của Trần văn Thủy… Phần sáng tác phẩm, cả về lượng lẫn phẩm, đều hơn hẳn hai thời kỳ trước.
Đó là nói về chiều rộng. Về chiều sâu, lần này văn nghệ phản kháng cũng nhắm tới những đối tượng căn bản hơn. Những nhà lý luận phê bình lâu nay tuân thủ nghiêm túc căn bản lý luận Mác Lê, thì nay đã dám nói những điều chưa dám nói. Nhân các buổi tranh luận về truyện Nguyễn Huy Thiệp, những nhà phê bình như Trương Chính, Lại Nguyên Ân, Nguyễn Đăng Mạnh, Lữ Phương đã dám công khai hỗ trợ cho các quan điểm của Hoàng Ngọc Hiến, Nguyễn Minh Châu.
Tôi nghĩ dòng văn nghệ phản kháng giai đoạn này đã trở thành một tâm nguyện của quần chúng, nên dù, chính quyền có muốn buộc trói nó (như họ đã làm) chính quyền cũng không thể làm được. Không được cho phép, quần chúng sẽ có cách để phố biến nó. Mà thực tế ngay guồng máy chính quyền Việt nam hiện nay cũng đã rệu rã, lỏng lẻo, chưa chắc gì lệnh Hà nội các tỉnh đã nghe, lệnh cấp trên cấp dưới đã tuân hành. Dù muốn hay không, Việt nam đã trở thành một thị trường tự do theo luật cung cầu. Mà nhu cầu của quần chúng là tự do, cơm áo, quyền làm người. Chế độ Cộng sản Việt nam không cung cấp những món hàng đó được. Người dân phải ra chợ trời để mua những món hàng đó.
TB: Tôi xin để dành các câu hỏi 3 và 4 cho các cuộc thảo luận khác, không đề cập ở đây.
Nguyễn Mộng Giác
Số lần đọc: 5223