Giao tình trên ba thập niên của Giác với tôi bắt đầu bằng chuyện tử sinh và kết cục cũng bằng chuyện sinh tử. Câu chuyện nghe buồn, nhưng thật ra không buồn lại có nét tích cực. Hôm nay tôi sẽ khai triển điều này trong bài văn cuối cùng dành cho bạn.
Câu chuyện tất nhiên liên hệ đến anh Võ Phiến, một nhà văn lớn như mọi người đã biết. Còn tôi thủa ba mươi năm trước thì tuơng tự như mọi y sĩ trung niên, bỗng dưng thấy cuộc sống của mình và của bệnh nhân có khi như bắt chước tiểu thuyết, và một vài kinh nghiệm trong nghề có thể dựng thành truyện ngắn truyện dài.
Ngắn gọn là tôi đưa anh Phiến xem xấp truyện vừa viết xong. Một nhà văn lớn như anh chắc đã khá đủ phiền toái vì đám người viết nghiệp dư quấy rầy, không xin ý kiến thì nhờ thảo cho một bài tựa. Nhưng biết vậy mà vì ham viết nên tôi vẫn lầm lì đưa anh đọc truyện ngắn đầu tay của mình. Không biết vì nhân quả nào, hành động táo bạo lại tạo ra một chuỗi sự việc thuận lợi bắt đầu cho một giao tình văn học kéo dài trên ba thập niên với Giác.
Anh Phiến đưa truyện tôi cho Giác đọc. Khoảng một tuần sau tôi nhận được một bưu kiện nhỏ, trong có lá thư chủ nhiệm tờ Văn Học cho hay sẽ chạy truyện ngắn của tôi ngay số tới. Trong bưu kiện còn có cuốn Ngựa Nản Chân Bon, tuyển tập truyện ngắn Nguyễn Mộng Giác sáng tác những tháng ngày ngồi bên đảo Ku Ku đợi thủ tục nhập cảnh Mỹ. Lá thư rất tâm tình do Nguyễn Mộng Giác ký, và cuốn Ngựa Nản Chân Bon có lời tác giả đề tặng ưu ái như của nhà văn cho nhà văn, tuy hồi ấy tôi chưa viết lách gì đáng kể.
Tôi cảm động vì sự đằm thắm của tờ Văn Học. Nửa đời người sinh họat với báo chí y tế, tôi đã quá quen với những lá thư tòa soạn tuy rất đẹp rất lịch lãm, nhưng gọn ghẽ không bao giờ dài quá 60 chữ dù để nhận đăng hay không nhận đăng tài liệu gửi đến. Giao tình trong sinh hoạt nhân văn với bạn đồng hương là một ấm tình không thể có một nơi nào khác.
Tôi tức thì đọc Ngựa Nản Chân Bon, thú vị với từng truyện ngắn, từ truyện đầu đến truyện cuối. Qua mỗi nhân vật, mỗi cảnh đời, Giác giúp tôi thấy được phần nào người và việc miền Nam trong những năm tháng tôi đã ra ngoại quốc. Theo đề nghị của Thơ Thơ thuộc nhóm biên soạn cuốn Tưởng Niệm Nguyễn Mộng Giác, hôm nay tôi ngồi víêt lại những cảm nghĩ về anh với một hoài niệm êm đềm.
Điều tôi muốn nói trước tiên là con ngừơi Nguyễn Mộng Giác. Điểm đặc biệt đáng quý nơi anh là sự trung thực. Giác không bao giờ giả vờ yêu thương ai hay tỏ ra thích thú điều gì mà anh không thực tâm. Tôi nhớ đến tính cương trực của Phùng Quán, không dễ dàng xoay chiều theo những áp lực chính trị, xã hội, giao tế thời thượng. Ông Quán có bài thơ Lời Mẹ Dặn nổi tiếng về vụ này, với đọan thơ rất hùng truyền tụng phổ thông trong văn giới:
… Thấy vui muốn cười cứ cười
Thấy buồn muốn khóc là khóc.
Yêu ai cứ bảo là yêu
Ghét ai cứ bảo là ghét
Dù ai ngon ngọt nuông chiều
Cũng không nói yêu thành ghét
Dù ai cầm dao dọa giết
Cũng không nói ghét thành yêu …
Có lẽ mỗi hòan cảnh, mỗi đối tượng cũng như mỗi đối phương mỗi khác, và Giác không phát biểu như ông Quán dù trong văn chương hay ngòai đời. Cũng có lẽ văn nạn của Giác không trầm trọng như của ông Quán, và chưa ai cầm dao dọa giết anh.
Nhưng ai theo dõi những sôi động của cộng đồng tị nạn khi Bolsa mới thành lập đều bíêt Giác cũng gặp khá nhiều khó chịu vì sự trung thực của mình. Lý do là anh không vờ đi được những nhược điểm của một số công chức quân nhân bất xứng của Đệ Nhị Cộng hòa, mặc dù anh kiêu hãnh vì miền Nam. Anh thường nói dù thua trận, miền Nam vẫn có cung cách sống, truyền thống giáo dục, hệ thống tư pháp, nền tảng văn hóa nghệ thuật vân vân… cao hơn những ngừơi thắng trận. Trong Ngựa Nản Chân Bon (NNCB), nhân vật của anh kính cẩn khi kể lại cái chết siêu việt của vị cao tăng tự thiêu vì đạo pháp, cái chết oai hùng của tư lệnh quân khu miền Tây hay của trung tá cảnh sát Sài gòn tự vẫn tại tượng đài chiến sĩ trước quốc hội…Nhưng anh không quên nhắc tới quán nước Givral gần đó, nơi tụ họp của nghị viên và chính khách mà một số bất xứng bất tài chỉ biết phe phỡn với nhau về những đề tài nham nhở.
Nhưng chuyện tôi muốn bàn hôm nay không phải những thương ghét nhất thời của nhóm này nhóm nọ, mà là cái ưu tư của Giác trong NNCB, và có lẽ gián tiếp hay trực tiếp trong nhiều tác phẩm của anh về một đề tài cao hơn mà một nhà văn nghiêm túc không thể né tránh. Đó là chuyện tử sinh.
Giác dựng NNCB là cảnh bốn thuyền nhân tị nạn trên đảo Ku Ku, họp nhau uống ấm trà dã chiến tại lán của một linh mục đạo Gia tô, sau khi tu sĩ cử hành xong tang lễ cho một đồng hương xấu số. Khách của linh mục gồm một trung úy trẻ có thói quen nhà binh dứt khóat mọi chuyện, một thầy giáo trung học hình như dậy văn hay triết, một nhà báo bất đắc dĩ, và một ông cụ cán sự hưu trí từng trải, biết người, biết việc, biết đời, với kinh nghiệm sống trải dài từ hồi Pháp thuộc cho đến ngày miền Nam thất thủ…
Nhân vừa dự đám ma về, mọi người bàn về cái chết. Nhờ quá trình và kinh nghiệm sống khác nhau Giác đã nghiên cứu và dành cho từng nhân vật, một quang phổ ý kiến nhờ đó mà được khai thác. Còn nữa, đám thuyền nhân xem ra rất thân nhau nên câu chuyện gần như không kiêng kỵ, thậm chí có người hỏi linh mục về đức tin và về thái độ của nhà tu với chuyện tự vẫn dưới ánh sáng Phúc Âm. Câu chuyện nhờ vậy mà được ráo riết mổ xẻ cho đến ngọn nguồn.
Cái chết đầu tiên do linh mục kể. Kẻ bất hạnh là một học giả hay một lọai trí thức nào đấy, rất giàu về sách, còn nghèo mạt rệp về mọi phương diện khác. Hôm tự tử ông ta sai vợ đi chợ để rảnh rang thi hành ý định. Còn lại một mình, ông ta treo giây thòng lọng lên trần, không dùng ghế đẩu mà xếp sách thành chồng để leo lên. Chui đầu vào thòng lọng xong, ông đá cho chồng sách đổ.
Ẩn dụ dùng chồng sách thay thế chiếc ghế đẩu khi treo cổ tự tử rõ ràng thích ứng với nhà trí thức chán đời. Sống với sách mà chết cũng với sách, quả là Giác dựng truyện công phu. Nhưng tôi thắc mắc là tại sao ông ta tự tử. Theo bố cục, sự việc chắc không ăn nhằm đến chuyện quốc cộng. Còn cảnh nghèo túng thì tôi nghĩ không đủ mạnh để làm nhà trí thức từ giã cuộc đời và bỏ lại vợ con trong cảnh bơ vơ. Kho sách bán ký cũng mang lại ít nhiều thu họach đủ cho ít nhất một thời gian. Cái trang bản thảo cuối cùng với dấu hỏi và dấu chấm than không thỏa mãn như một lý giải. Tại sao ta ra đời và tại sao cuộc sống chỉ là một chấm than lớn là những ý niệm hơi quá sang cho hòan cảnh nghèo túng của hai vợ chồng. Ưu tư cũng không thực tiễn và quá siêu hình để một con người trí thức bỏ lại cuộc đời cũng như trách nhiệm với vợ con. Tôi tiếc đã không hỏi Giác thêm về ẩn dụ của câu chuyện, như đã thóang dự tính khi đọc NNCB lần đầu. Nhưng dù sao tôi nghĩ Giác đã xử dụng được cái chết này để đưa ra ý kiến của một giáo sĩ về đề tài tự vẫn và sự cấm kỵ của Phúc âm.
Rồi một ngừơi trong hội uống trà cho rằng cái chết tự vẫn bản chất có ý nghĩa cao siêu. Đó là một phản ứng tích cực cho thân phận con ngừơi. Đã không chọn được thời điểm cũng như nơi chốn khi ra đời, tự vẫn là dành lấy quyết định để chết thế nào, bao giờ, và ở đâu…
Khi mọi người đã kể lại và cho ý kiến của mình về những cái chết khả kính khác nhau, từ tử vì đạo, vì thế cuộc, vì dân vì nước, tới vì danh dự trai thời lọan… cụ cán sự già mới phát biểu ý kiến. Cụ phát biểu khi cuộc trà của linh mục sắp tàn, có người hỏi cụ có sợ chết không. Cụ bảo sợ. Và chính xác hơn, cụ nói cái chết cụ sợ nhất là cái chết của một thây ma biết đi. Thây ma ấy là nhà văn Thanh Tịnh, người bạn học tài hoa đã sớm thành thần tượng của cụ với những bài như ‘Ngày Khai Trường‘ trong Quê Mẹ. Cụ thấy ‘Ngày Khai Trường‘ hay ho tầm cỡ ‘La Rentrée des Classes‘, một trích đọan tác phẩm của Anatole France mà sở giáo dục Bảo Hộ đã cho in chung với những trích đọan tác phẩm của các nhà văn Pháp nổi tiếng khác để làm sách giáo khoa trung học.
Nhưng gặp lại sau 75, thần tượng đã đổi thay để trở thành cái máy nói, chuyên quảng cáo cho ông Hồ. Thanh Tịnh suy tôn lãnh tụ bằng những lời lẽ cũng như điệu bộ nhờ lập đi lập lại nhìêu lần đã nhuần nhuyễn như con múa rối có lắp sẵn dây cót và bài bản…
Và cụ cán sự già lẩy thơ Chinh Phụ Ngâm. Chính xác hơn, cụ đọc:
‘Dòng nước sâu ngựa nản chân bon‘
Dòng nước sâu ẩn dụ cho sự chết. Dòng nước không đáy tất nhiên là đáng sợ. Nhưng nếu không dám nhảy vào thì cụ cũng nhất định không thành con ngựa gỗ, hay thảm hơn một thây ma biết đi như Thanh Tịnh để quảng cáo cho ông Hồ…
Truyện của Giác là những trằn trọc nghiêm túc về cái chết và những suy tư nặng tính siêu hình. Nói chung, thế hệ tôi dù không theo nhân văn đều được học ít nhiều về Triết. Những ai theo nhân văn khi lên đại học, thì vốn liếng về Triết tất nhiên dồi dào. Do đó, khi viết chúng tôi thường có xu hướng để Triết len lỏi vào văn bài, không bằng lời thì bằng ý.
Tuy nhiên, những người như tôi triết một cách tài tử. Những phiền muộn của các đề tài thâm sâu, thậm chí đen tối, khi viết xong chỉ cần một giấc ngủ ngon là rũ sạch ra khỏi đầu. Còn Giác, tôi nghĩ chúng theo đuổi anh lâu hơn. Anh đủ ám ảnh về thân phận con người để dựng ra NNCB với chủ đề nghiêm chỉnh về chuyện tử sinh.
Rồi chúng tôi ít gặp nhau. Anh vì sức khỏe bỏ tờ Văn Học, còn tôi thì một vài sinh họat mới làm xao lãng chuyện viết lách. Gần đây tôi nghe anh đau nặng, một căn bệnh ngòai chuyên môn của tôi nên tôi không trực tiếp giúp anh được chuyện gì.
Tôi thỉnh thỏang đến thăm khi anh còn ra ngòai được. Lúc đầu chúng tôi có khi còn đi ăn trưa với nhau, dùng lại cái món bí-tếch anh thích khẩu và về những chuyện văn chương anh tâm đắc. Bệnh anh dần dần nặng hơn, chuyện kiêng khem mỗi ngày mỗi gắt gao, và ly rượu đỏ cũng tuyệt đối không được đụng tới.
Bệnh anh bớt đi rồi lại tái phát, và anh ra vào bệnh viện gần như hàng tháng. Lần cuối đến thăm Giác, tôi nhìn thần sắc và nghe báo cáo của nhân viên y tế, biết anh không còn được bao lâu. Anh nằm li bì trên giuờng bệnh, lồng ngực di động lên xuống theo nhịp thở nặng nề. Giác xấp xỉ cái tuổi 70 cổ lai hi, bệnh tật ngặt nghèo lại nhiều biến chứng, tôi chỉ mong anh ít đau đớn, điều mà các y sĩ của anh có thể gọi là thành công.
Ngự Thuyết và tôi đứng bên giuờng tưởng anh đang hôn mê, nhưng sau năm mười phút anh mở mắt. Anh tỉnh táo tức thì, câu chuyện mạch lạc như mới từ một giấc ngủ bình thuờng thức dậy. Gặp bạn đến thăm, Giác say sưa nói chuyện. Tất nhiên là chuyện văn học. Lần này đề tài là Sông Côn Mùa Lũ, với sự khó khăn khi viết đọan Bắc Cung Hòang Hậu Lê Ngọc Hân ra mắt Chính Cung Hòang hậu Phạm Thị Liên vợ cả vua Quang Trung.
Anh cừơi, cái cừơi méo mó vì chưa lắp răng nhưng sung sướng và vui thú. Tôi không nhớ từng câu từng chữ chính xác, nhưng đại để anh nói đọan này là một thử thách cho người viết. Hòan cảnh căng thẳng và đối chọi khi hai bà gặp nhau là chuyện thuờng tình của việc chồng chung chưa dễ ai chiều cho ai, ngay trong truyện Kiều. Nhưng trong cảnh vương giả và gốc nguồn khác biệt của hai hòang hậu, nhân tâm lại càng rầy rà và nhà văn lại càng vất vả. Vậy mà anh đã dựng được sự căng thẳng ngay từ khi Chánh Cung rót trà mời khách. Anh thú vị đã đặt được bàn tay thô kệch mưa nắng lao động của gái Bình Định bên bàn tay thanh tú ngọc ngà của công chúa Bắc Hà. Giác nghĩ chính anh cũng ấn tượng vì nghịch cảnh hai bàn tay, và nhân vật của anh là hai bà Hòang cũng ngỡ ngàng. Nhưng cột khéo thì mở cũng phải khéo, và anh đã dùng cậu bé Quang Tỏan làm gạch nối hai ngừơi đàn bà nguồn gốc và tư thế quá khác nhau…
Thấy anh vui vẻ chuyện trò, tôi nghĩ các bác sĩ của Giác chắc biết phong tục Việt Nam nên đã giấu anh tình trạng bệnh lý tuyệt vọng. Nhưng tôi lầm khi chúng tôi sắp ra về, anh nói ra đi anh không còn gì tiếc nuối. Anh mãn nguyện với những gì cuộc sống đã dành cho anh. Anh đã viết được những cuốn truyện anh muốn viết, anh bằng lòng với sự thành đạt con cái đã gặt hái, và anh yên ổn ra đi. Giác bình thản và thư thái. Giọng anh chững chạc, không chút nghẹn ngào hay xúc động khi nói tới cái chết của bản thân. Giác không còn vẻ ưu tư tôi thường thấy nơi anh khi anh khỏe.
Tôi lại nhớ đến Ngựa Nản Chân Bon. Tôi nhớ đến cái trăn trở về sự chết của đám thành viên hội uống trà dã chiến mà tôi nghĩ cũng là của chính tác giả. Tôi ôn lại những cái chết duyệt qua trong truyện ngắn ấy.
Phê phán hay ngưỡng mộ ai thì NNCB quá rõ ràng. Nhưng Giác tâm đắc với cái chết nào, bây giờ tôi mới rõ. Cái chết của Giác không giống cái chết của các ông tướng tá oai hùng của miền Nam thời tháng tư 75. Thật ra anh không thất bại trong việc anh làm là viết văn. Anh cũng không thích nghi với cái chết kiểu cách trí huệ và đầy ẩn dụ cao siêu mà mơ hồ của nhà tư tưởng nọ khi ông ta leo lên chồng sách để treo cổ. Sau cùng, Giác không bao giờ chết như của con ngựa gỗ Thanh Tịnh nào đó mà tuy tim còn đập phổi còn thở nhưng lương tâm cùng liêm khiết đã ra đi chỉ còn để lại một thây ma.
Nếu mỗi chúng ta cuối cuộc đời đều đứng trước một dòng nước sâu có lẽ không đáy, thì dòng nước ấy không làm Giác sợ hãi. Giác tự tại lội xuống, không khẩu hiệu, không cường điệu, không đại ngôn…
Mai Kim Ngọc.
Cali, tháng 8, 2012.