Nơi lưu giữ những tác phẩm của Nhà Văn Nguyễn Mộng Giác (1940-2012)

Nơi lưu giữ những tác phẩm của Nhà Văn Nguyễn Mộng Giác (1940-2012)

Trang NhàTruyền ThôngBài Viết Về Nguyễn Mộng GiácÐọc Ngựa Nản Chân Bon của Nguyễn Mộng Giác

Ðọc Ngựa Nản Chân Bon của Nguyễn Mộng Giác

Chủ đề xuyên suốt tập truyện ngắn Ngựa nản chân bon của tác giả Nguyễn Mộng Giác là hành trình một đời người, từ bé cho đến khi trưởng thành, rồi chia tay với thế gian, và cũng là một quá trình biến đổi của đất nước và con người Việt Nam sau biến cố 30 tháng 4 năm 1975. Xoay quanh những thân phận và tính cách nhân vật, tác giả muốn nêu lên những câu hỏi về bản chất của con người và về thế giới nhân sinh quan. Tác giả không đưa ra những lời giải đáp áp đặt mà để độc giả tự tìm lấy và tự lý giải qua mỗi câu truyện theo cách riêng của mình. Tuy nhiên, mỗi câu truyện đều mang nhiều hàm ý sâu sắc của tác giả.

Truyện đầu tiên, “Mẹ trong lòng người đi”, mở đầu bằng bốn câu thơ của thầy Huyền Không:

Chùa xưa mái ngói cũ
Trèo lên nắm cây sào
Đêm khuya rồi không ngủ
Kéo rụng bao nhiêu sao?

Câu truyện vừa như một lời tự sự, vừa là một lời nhắc tất cả chúng ta về sự thiêng liêng của một vì sao mang tên: “Mẹ”. Còn có một suy nghĩ thật táo bạo nhưng trong sáng của tuổi thơ: Cậu bé trèo lên mái chùa dùng cây sào với lên, kéo những vì sao xuống. Cậu không hiểu nếu cậu làm được điều đó cũng có nghĩa đêm tối sẽ bao trùm thế giới.

Rồi tình yêu đầu đời cũng đến với cậu trong truyện “Tố Chân”. Cuộc tình e ấp, mơ mộng, lãng mạn, mãnh liệt của chàng họa sĩ Thiệu với Tố Chân đẹp như tranh học trò, với tập vở trang trí hoa lá, với guốc mộc, với thơ tình, v.v… Chàng trân quý đặt cho người tình cái tên của mọi hạnh phúc trên đời: “Lạc Phúc”. Nhưng vì tính nông nổi, bồng bột và tự ái thường thấy ở tuổi trẻ, chàng đánh mất tình yêu đẹp nhất cuộc đời của mình. Loạn lạc xảy ra, Tố Chân phải lấy chồng. Thiệu cũng có vợ và trở về Huế ẩn cư. Tưởng rằng đã quên cuộc tình xưa, nào ngờ khi Thiệu nhận được tin Tố Chân báo lâm trọng bệnh và muốn nói lời cuối là nàng không hề oán giận chàng, chàng đã vội vã lên đường tìm nàng trong sợ hãi chen lẫn hối hận. Họ gặp lại nhau. Cuộc sống ưu ái để nàng qua khỏi cơn trọng bệnh, nhưng dường như gặp lại nhau khiến họ bẽ bàng hơn, không những vì tình cảnh của hai người mà còn vì hoàn cảnh xã hội sau ngày 30/4/1975 đã ảnh hưởng không ít đến cuộc sống của họ. Dẫu sao, cả hai đã trưởng thành và đã hiểu thế nào là cuộc đời, thế nào là tình yêu. Câu truyện kể nhiều biến động lớn, nhiều thay đổi, nhưng rốt cuộc những gì không tỳ vết, không vẩn đục vẫn sẽ tồn tại mãi, như tình yêu của Tố Chân và chàng hoạ sĩ.

Truyện “Thư gửi đám mây xa” đưa người đọc đến gần với biến cố lịch sử lớn của đất nước, và chuẩn bị tinh thần cho người đọc về những nhiễu nhương trong xã hội Việt Nam sau ngày 30/4/1975. Truyện kể về những điều được cu Hà và bà Ngoại viết trong thư gửi cho Mẹ của Hà sau khi Hà và bà Ngoại đã bình an đặt chân đến trại tị nạn. Qua những tâm tư trong thư, độc giả có thể thấy nhân vật bà Ngoại rất quan tâm đến những phong tục, truyền thống của người Việt, đồng thời, bà là người luôn biết giữ lễ nghĩa và sống tử tế. Phần cu Hà, tuy tuổi còn nhỏ nhưng rất biết nghĩ và dành rất nhiều tình cảm cho cha mẹ, em út và bạn bè. Tuy rời xa quê hương, nhưng tâm tư và tình cảm con người vẫn hướng về nơi chôn nhau cắt rốn, ở nơi ấy luôn hiện hữu mái ấm gia đình, chòm xóm và bạn bè thân thương.

Một Việt Nam thật sự sau cơn biến loạn 30/4/1975 hiện lên rõ nét trong truyện tiếp theo “Một ngày như mọi ngày”, khi mọi thang giá trị trong đời sống đều bị đảo ngược. Một xã hội Việt Nam rối loạn, con người mất phương hướng. Một nhà văn mỗi ngày sàng lọc những từ ngữ và tư tưởng hay nhất trở thành một người mỗi sáng thức dậy vắt óc xem sẽ bán thứ nào đây để mua thuốc lá và cà phê. Chua chát thay, những cuốn sách quý giá chứa đựng tinh tuý của nhân loại dù đã bị đem cân bán như giấy lộn, vẫn bị người đời chê bai. Cay đắng hơn nữa là các nhà văn, nhà thơ trở thành một đám con buôn, tính toán chi li, và lừa lọc. Các nhà giáo thì trở thành những kẻ bán bưng, trộm cắp. Do chế độ tem phiếu, con người không còn giữ được những bản chất tốt đẹp, họ lừa lọc và chà đạp lên nhau để sống. Nhiều kẻ cậy quyền cậy thế, ngang tàng hống hách vô lối. Nhiều kẻ ấm ức nhưng không dám nói ra. Con người tha hoá, hay nói đúng hơn là buộc phải tha hoá để tồn tại và thích hợp với xã hội mới, mức độ tuỳ thuộc vào bản lãnh của con người và giới hạn mỗi con người tự đặt ra cho mình. Tựu trung, toàn bộ giá trị văn hoá tinh thần là những gì bị loại bỏ trong xã hội Việt Nam thời đó.

Truyện “Tạ ơn” miêu tả chuyến ra đi tìm cuộc sống mới của nhiều tầng lớp nhân dân miền Nam Việt Nam. Lần này, tác giả cho ta thấy cuộc sống tạm thời buồn chán của một nhóm dân chài sau khi đã đến được đảo Kuku. Sự ra đi của họ nhằm mục đích duy nhất là rời khỏi Việt Nam càng xa càng tốt, chứ không có ý niệm rõ ràng về nơi chốn sẽ đến. Nhưng họ có ý niệm rõ ràng về nơi chốn để hướng về là Việt Nam, nơi họ đã bỏ ra đi. Mâu thuẫn này nảy sinh từ đâu? Họ không có học vấn, nhưng tình yêu đối với quê hương cũng như nhận định về Cộng sản Việt Nam không khác người có học. Nhớ quê da diết, họ muốn kiếm một nơi thật cao để nhìn về, rồi cùng dâng hương tạ ơn Phật đã cho họ thoát nạn trên biển sâu. Họ còn không quên cầu cho người còn ở lại Việt Nam dưới ách Cộng sản được bình yên.

Cuộc sống trên đảo Kuku được khắc họa thêm trong truyện “Lẽ sống” nhưng. Khi mọi người trên đảo đã quá chán nản với chờ đợi, đã chán chê với chuyện học ngoại ngữ để chuẩn bị đối phó với cuộc sống ở xứ người, người lớn ủ ê, trẻ con cũng không buồn chơi đùa nữa. Tất cả dường như sống động trở lại nhờ sự xuất hiện của một người vừa lên đảo. Ông mang đến một “lẽ sống” cho tình cảnh sống nhờ trên hòn đảo gần như đảo hoang này. Truyện “Lẽ sống” mang dáng dấp tự truyện. Tác giả đóng vai người kể chuyện. Cảm thấy tò mò về con người có sức mạnh mang lại nụ cười trên môi lũ trẻ, ông tìm đến ông ta sau nhiều lần đắn đo. Không phải dễ dàng để ông hiểu được chân lý sống của người đàn ông lạ. Con người có “lẽ sống” lạ này cố gắng giữ cho mình cái nghề còn một chút ý nghĩa cho cuộc đời, nhất là đối với tâm hồn trong sáng của trẻ con, đó là nghề bán bong bóng. Người đọc có thể nhận ra một điều, khi chỉ là những đứa trẻ còn cần bàn tay của cha mẹ dẫn dắt thì chúng hồn nhiên trong trắng; rồi cuộc đời dần bôi bẩn chúng, nhất là trong xã hội hỗn loạn của Việt Nam sau 1975. “Lẽ sống” nằm sâu trong truyện thì nhiều, nhưng có một tầng nghĩa người đọc có thể nhận ra ngay là khi con người đã chán nản tất cả, chán cuộc đời, chán mối quan hệ giữa người với người thì thiên nhiên là người bạn đáng quý. Quay trở lại với thiên nhiên, con người có thể tìm thấy niềm vui sống trở lại, cũng có nghĩa là con người quay trở về với bản chất vốn có của mình: thánh thiện, hồn nhiên, không lệ thuộc vào vật chất.

Trong “Về trời”, tác giả bày ra trước mắt độc giả sự đểu giả của con người trong từng hoàn cảnh, hay đúng hơn là nhằm thích nghi với từng hoàn cảnh. Ba vợ chồng Táo Quân bị bất đắc dĩ theo đoàn người vượt biên mà phải chứng kiến bao nhiêu cảnh đạp lên đầu nhau để lên tàu, rồi giành giật nhau cái ăn cái uống, trộm cắp đồ nhau trên tàu. Nhưng khi tàu vừa mới cập bến thì đã …lột xác nên người thánh thiện, thành người tình trong mộng, thành kẻ kêu gọi bảo vệ cho người già con trẻ, v.v… và v.v…. Đến nỗi, ba ông bà Táo Quân không biết đâu là thật, đâu là giả. Cuối cùng đành phán một câu là nên đặt tên đám người này là “Thánh nhân sa đoạ” hay là “Con thú thánh hoá” đều đúng cả. Trong bản thân hai chữ “Con Người” cũng đã mang hai phần “Con” của “thú tính” và “Người” của “nhân tính”. Tuỳ từng hoàn cảnh mà phần nào sẽ lấn át phần nào. Vấn đề nhức nhối ở đây là tại sao vào những lúc đáng ra phải càng đùm bọc thương yêu nhau hơn, họ lại chỉ bộc lộ cái thú tính mà thôi. Ðây là một câu hỏi mà tác giả không có câu trả lời.

“Dốc nhân sinh” là câu trả lời cho cuộc chiến kéo dài 20 năm của Việt Nam. Đó không phải là cuộc chiến chống ngoại xâm, cụ thể là chống Mỹ như Cộng sản tuyên truyền, mà là cuộc chiến huynh đệ tương tàn với súng đạn của ngoại quốc. Hai người thương phế binh của hai phía đều mất tất cả, không có ai được trong cuộc chiến này. Họ ngồi lại với nhau trong một quán cà phê không có tiếng nhạc du dương nữa, cũng không còn tiếng súng đạn, nhưng xem ra trận chiến của họ với cơm áo bằng sức lực và những phần thân thể còn lại còn khốc liệt hơn nhiều.

Những người may mắn sống qua thời loạn lạc vẫn còn nguyên vẹn và không có ý định vượt biển tìm chân trời mới có tự do cũng không dễ thở hơn là mấy. Người nghệ sĩ đàn vĩ cầm trong truyện “Trở lại gánh xiếc” tiêu biểu cho sự dằn vặt, đau khổ của người muốn bám chặt đam mê của mình bằng mọi giá. Cứ tưởng, “giải phóng” rồi thì người nghệ sĩ cũng được giải phóng khỏi đau khổ, để được thoả sức sống cho đam mê của mình. Nhưng không, người nghệ sĩ năm xưa phải trồng chuối để được tiếp tục đánh đàn vĩ cầm thì nay còn khốn khổ hơn. Anh phải chấp nhận vừa đi dây thăng bằng vừa chơi đàn. Ði dây như vậy nguy hiểm lắm, đầu óc lúc nào cũng phải căng ra như dây đàn, chỉ một sơ sày là toi mạng ngay. Hình ảnh của người nghệ sĩ vĩ cầm đi dây mang tính biểu tượng rất cao.

Truyện “Bầu ơi thương lấy bí cùng” đưa ra một cái nhìn về những người Cộng sản từ B về, mà lại là cái nhìn thương cảm hơn là thù hận. Câu truyện mở đi từ trong một nhà tù cải tạo ở miền Nam. Qua cách lột tả tâm trạng chờ đợi của các tù nhân trong lần đầu tiên được gặp lại người thân và nhận được những giỏ thức ăn gởi lên trại, người đọc có thể hình dung được sự cay nghiệt của Cộng sản đối với những người không cùng chiến tuyến đã bại trận thế nào. Cứ ngỡ rằng, tác giả sẽ trút cơn giận xuống đầu những quản giáo tù, điển hình là ông vệ binh già người Nghệ Tĩnh khi ngăn cản không cho người tù được gặp mẹ và em chỉ vì chuyến xe lửa của họ đến muộn. Nhưng không, khi nghe được những lời phẫn nộ của người quản giáo cho thấy ông ta đang ghen tức vì những người đi tù còn được thăm nuôi, trong khi thân phận ông ta hẩm hiu đi B hơn mười năm vẫn chưa một lần được về thăm vợ con, rồi vợ con cũng không có đồng bạc nào để vào thăm ông dù đã hoà bình…, thì người tù cảm thấy thương hại cho số phận oái ăm của ông ta. Hơn nữa, dẫu không hiểu được tại sao người Cộng sản với nhau lại đối xử với nhau như vậy, người tù vẫn có thể hiểu và thông cảm với sự ngược đãi của người quản giáo đối với anh ta (một kẻ thù). Trong trại giam, khi kẻ có thức ăn ngon bổ, người không có thì thú tính của con người cũng bắt đầu bộc lộ. Dù có muốn chia ngọt xẻ bùi đến đâu, nhưng khi tình thế buộc phải nghĩ cho mình trước thì con người sẽ trở nên ích kỷ. Tác giả, qua hình ảnh người tù chưa nhận được đồ thăm nuôi, cũng đã bày tỏ sự thông cảm của mình đối với bạn tù một cách tế nhị. Những câu chuyện về vợ con những người đã bị đi học tập cải tạo thỉnh thoảng ném bánh trái, thuốc men xuống cho những người tù cải tạo khi tàu đi ngang qua các rẫy dọc đường phần nào cho thấy sự phản kháng của người dân miền Nam, và cũng chứng tỏ tình đồng loại giữa người với người vẫn còn. Quay trở lại cái nhìn của tác giả đối với người lính cộng sản, khi người kể truyện được cử đi canh rẫy bắp cho khỏi bị trộm thì chính người canh cũng vì đói nên đi bẻ bắp trộm; nói cho đúng thì bắp đó do những người tù trồng nên, nhưng nhà nước đã sở hữu tất cả nên ăn bắp của mình trồng cũng bị coi là trộm. Chuyện bất ngờ ở đây là người tù lại bắt được quả tang chính anh chàng quản giáo trẻ chưa đầy hai mươi tuổi cũng đi trộm bắp như mình. Người tù được anh ta kể cho nghe câu chuyện của viên quản giáo già không như ông nói. Ông ta đã có dịp về phép thăm vợ, nhưng vợ ông đã lấy người khác và có con khi ông đang còn ở trong rừng. Và cả viên quản giáo già lẫn tay quản giáo trẻ cũng từng bẻ bắp trộm như hai người trong đêm đó. Vậy mới thấy, bản chất của con người cũng như nhau cả. Ðến đây, ta mới thấy được cả hai phía đều đang bị cầm tù, vì trong sự thua thiệt với đời thì bên nào cũng như nhau, có khác chăng chỉ là hình thức. Qua câu truyện, phần nào tác giả bày tỏ sự thương cảm đối với những người lính Cộng sản, mà trong con mắt của tác giả, chính những người này cũng thuộc tầng lớp bại trận và thua thiệt trong đời sống cá nhân.

“Một mảng mây bay” một lần nữa vẽ lên trước mặt người đọc bức tranh của đảo Kuku với những người Việt tạm thời tị nạn. Cũng như mọi chuyến tàu khác, chuyến tàu của Thương cập bến với mọi lứa tuổi, và trong chuyến tàu này, Thương là người duy nhất không có thân nhân đi cùng. Lên đảo, cô độc, không một chốn nương tựa, Thương cảm thấy vô cùng lạc lõng. Những con người cùng vượt biển bao sóng gió trước kia bây giờ xoay lưng làm mặt lạnh với cô, như sợ vẻ nghèo nàn của cô sẽ làm khổ họ. Nhưng, cũng may mắn cho Thương, một nhóm thanh niên lao động bộc trực và đầy cảm thông gồm năm người, những người đến đây trước Thương, đã dang tay đón mời cô. Họ trân quý cô không chỉ vì cô là người con gái duy nhất ở cùng lều với họ, nhưng vì cái bản tính tế nhị và đảm đang của người con gái Việt. Sau này, họ càng khâm phục hơn nữa khi biết được Thương là một cô gái thông minh và có học thức. Cô nhận lời làm cô giáo dạy tiếng Anh đàm thoại cho năm chàng trai thuộc tầng lớp lao động này. Cuộc sống tạm bợ của họ trở nên ý nghĩa biết bao khi họ biết mong chờ vào một tương lai tươi sáng, hứa hẹn hạnh phúc như từ “Happiness” mà họ đã hỏi Thương, “hạnh phúc tiếng Anh nói là gì?” Mỗi một người trong họ bắt đầu nhen nhóm những ước mơ được cùng Thương xây dựng cái tương lai hạnh phúc kia. Nhưng, khi một chuyến tàu mới cập bến, mang theo Thành, người chồng sắp cưới của Thương từ Việt Nam sang, cũng là lúc năm chàng thanh niên đành chia tay với những ước mơ thầm kín của mình. Và Thương như một đám mây trong trắng bay trên cao, trong một khoảnh khắc ngắn ngủi nào đó đã đậu trên vòm trời của năm chàng trai, tỏa xuống họ những bóng mát dịu dàng, rồi từ từ bay xa.

“Ngựa nản chân bon” là những suy tư của tác giả về ý nghĩa của cuộc sống và cái chết. Câu truyện bắt đầu bằng một đám ma cho người vừa từ giã cõi đời, làm cho bốn người đàn ông vừa già vừa trẻ gồm một linh mục, một kỹ sư, một ông giáo, và một trung uý quân đội Miền Nam Việt Nam muốn tranh luận về ý nghĩa trên. Cả bốn người họ đều cũng đã vượt biển đang tị nạn tại đảo. Họ tranh luận về vấn đề con người có được quyền tự kết thúc cuộc đời của mình không, và nếu chọn cách đó thì có phải là một người cam đảm không. Câu truyện có kết cấu mở. Linh mục kể câu chuyện một nhà trí thức uyên thâm đã chọn cho mình một kiểu kết thúc cuộc đời như đi tìm câu trả lời cho một câu hỏi không có lời lý giải. Ông này đã kê tất cả những chồng sách tôn giáo, chính trị, nho giáo… dưới chân mình, bước lên đưa cổ vào thòng lọng rồi đạp đổ hết cả chồng sách đó để kết thúc đời mình. Viên Trung uý kể câu chuyện của một sĩ quan cảnh sát Việt Nam Cộng hoà đã tự vẫn bằng súng lục trước toà nhà Quốc hội cũ của Sài Gòn trong tư thế trang nghiêm của một sĩ quan và bộ quân phục nghiêm chỉnh. Ông giáo góp phần bằng lời nhận xét thâm sâu về việc người ta lấy khăn trải bàn của tiệm bánh Givral để phủ lên người viên sĩ quan, nhưng không thể che hết được tất cả. Người đi đường còn nhìn thấy được hai mũi giày thẳng đứng lên trời của người đã tự vẫn trong danh dự. Ông giáo còn góp thêm câu chuyện của chính mình để cho thấy có một kiểu chết, là chết lần chết mòn ở Việt Nam của nhiều tầng lớp người trong đó có giới cầm bút, trong đó có nhà văn đã tự giết chết cả tự trọng và trí tuệ của mình như Thanh Tịnh để ôm chân Cộng sản. Rồi chết lần chết mòn trong các trại tù cải tạo hay chết trong hầm biệt giam. Có người muốn đấu tranh bằng tuyệt thực khi đến hạn mãn tù vẫn chưa được thả, nhưng khi đến gần cái chết đã biết sợ và rút lui để được sống. Như đã nói, câu truyện mở nên độc giả phải tự tìm ra cho mình ý nghĩa của nó. Trải qua bao sóng gió đắng cay, con người lại nghĩ đến ý nghĩa của cuộc sống và cố tìm cho ra cái đích cuối cùng của cuộc đời. Vấn đề nổi trội ở đây không những là sự lý giải cho sự sống hay cái chết mà là nỗi băn khoăn sống và chết như thế nào để xứng đáng được gọi là một con người chân chính.

Kết thúc tập truyện là truyện “Về nguồn”. Tác giả lấy bối cảnh của Việt Nam thời cộng sản và lấy chi tiết của việc xét tuyển vào đại học để phát triển mạch truyện. Mở đầu câu truyện bằng một bản tin thời tiết là một điểm lạ, mà thời tiết này được ông Trưởng ban tuyển sinh ví như bầu không khí u ám của viện ông và cả sự nghiệp của ông cũng như nhiều đồng nghiệp khác. Tưởng như chuyện trời sập, đâu ngờ đó chỉ là chuyện xét lý lịch cho hàng vạn con em vào đại học. Nghe thật đơn giản, nhưng theo phân tích của ông trưởng ban thì việc này không đơn giản chút nào. Những bản lý lịch mù mờ, không thể chứng minh được là con địch hay con dân, mà truy lý lịch tận ba đời thì đúng là điên cả đầu. Nếu loại hết con cháu địch ra thì không đủ chỉ tiêu cho các trường đại học, nên dù đã bị trễ hạn đến cả nửa năm trời mà ban tuyển sinh vẫn chưa có lối thoát. Nhưng ông trưởng ban vẫn kiên trì vì lời Bác dặn:

Không có việc gì khó
Chỉ sợ lòng không bền
Đào núi và lấp biển
Quyết chí cũng làm nên.

Cứ thế, ông trưởng ban nhìn ngắm Bác trên bàn thờ như ngắm một vị thánh để có thêm động lực làm việc hăng hái. Những lo âu của ông, ông cứ trông chờ vào bản tin thời tiết để mà định. Khi trời hết bão thì ông khấp khởi mừng. Mà bên ban làm tin thời tiết cũng bị “giũa” tơi tả mới chịu ngưng báo tin bão, mưa! Có nghĩa là, phải theo chỉ thị tất tần tật (kể cả dự báo thời tiết), để mà giữ vững lòng cho anh em cách mạng trong thời cuộc rối ren của bao nhiêu chuyện như tham ô, lãn công, trại tù mọc lên như nấm, vượt biên ồ ạt, v.v… Phải công nhận ông trưởng ban là người chí công vô tư. Chỉ việc lo tuyển sinh của ông cũng đủ nhức đầu, thế mà ông còn lo thêm bao nhiêu chuyện trên. Và cái chìa khoá vạn năng để gỡ rối mà ông nghĩ ra được là dựa theo lời Bác: “Muốn xây dựng Xã hội chủ nghĩa trước hết phải có con người Xã hội chủ nghĩa”. Chí lý quá, ông hồ hởi lay bà vợ đang ngủ dậy. Bà vợ ông là cán bộ ở nông trường bò giống. Bà chỉ cho ông thấy là mấy cái nạn mà ông đang lo đó nó đi theo qui luật tự nhiên của con người. Con người luôn muốn thoả mãn nhu cầu của mình, ngầm ám chỉ chuyên chính vô sản chỉ là hình thức mà thôi. Và bà vợ hiến cho ông một kế hay là nhân giống những người cách mạng có lập trường vững vàng để cho ra những thế hệ cách mạng con cũng vững vàng, từ đó xây dựng được xã hội chủ nghĩa như trên nông trường bò sữa của bà nhân giống đàn bò vậy. Thật là mỉa mai, con người cách mạng cộng sản được ví như một đàn bò cần nhân giống lên. Và ý tưởng táo bạo này được Ban Chính trị trung ương triệu tập hội nghị khẩn cấp và triển khai ngay. Nhiệm vụ cao cả về truyền giống bằng phương pháp tinh viên đông được giao cho các uỷ viên cao cấp của bộ chính trị. Từ đây mới có chuyện để bàn về cội nguồn của cộng sản Việt Nam. Các ông trong bộ chính trị ngoài mặt cương quyết hoàn thành nhiệm vụ được giao, nhưng về đến nhà là giao lại ngay nhiệm vụ truyền giống của mình cho tài xế, cho công an kinh tế, cho cán bộ thương nghiệp, cán bộ vật tư xăng dầu, v.v… những thành phần luôn ve vãn xung quanh bộ chính trị để trục lợi nên sẵn sàng nhận nhiệm vụ. Những thành phần này về lý luận cách mạng thì khỏi cần bàn, nhưng về mánh khoé đục khoét và dùng mưu đồ thâm độc với nhân dân thì vào hàng cao cấp. Đảng Cộng sản Việt Nam đã giải quyết những vấn nạn như vậy đó, và họ có hài lòng hay chưa, tác giả không đưa ra câu trả lời. Tên truyện là “Về nguồn”, tức tìm về cội nguồn của Đảng Cộng sản Việt Nam, cái cội nguồn xuất phát từ một trại chăn nuôi nơi những con người xã hội chủ nghĩa được nhân giống từ lớp cặn bã cao cấp nhất của xã hội.

Ðề tài nổi bật trong tập truyện Ngựa nản chân bon của Nguyễn Mộng Giác là hiện thực Việt Nam và sự chuyển biến của con người Việt Nam sau biến cố lịch sử 1975. Một mảng đời người dân bị hoàn cảnh đẩy ra khỏi nước bắt đầu cuộc đời lưu vong trên những chiếc ghe trôi dạt vào những trại tị nạn khắp các nước Đông Nam Á. Trên ghe hay trong những trại này, người tị nạn Việt Nam đều cố gắng sống còn để mơ đến một ngày tự do. Trong lúc cùng quẫn, con người trở nên sống theo bản năng, quên đồng loại, đó là sự thật. Tuy nhiên, không phải ai trong con đường tị nạn đều biến chất. Có người vẫn giữ được phẩm giá cho mình và cho người khác. Nhưng qua đó độc giả thấy được những cay đắng, khốc liệt trong cuộc di dân có một không hai trong lịch sử Việt Nam hiện đại mà Cộng sản Việt Nam là nguyên nhân chính. Một mảng đề tài khác của tập truyện là thân phận của những người dân vẫn còn ở lại trong nước. Cuộc sống của họ cũng gian khổ và nhiều cay đắng không kém người tị nạn. Người trong nước cũng biến chất chỉ vì miếng cơm manh áo hay vì địa vị, lợi ích cá nhân mà không do dự bán đi phẩm giá của mình. Cũng có người kiên cường, nhưng kết thúc phải là cái chết. Nổi rõ lên trong nước là sự chịu đựng và nhẫn nhục dưới chế độ mới. Người dân trong chế độ mới phải tìm mọi cách để thích ứng và tồn tại. Và cũng từ đó mà nhiều tệ nạn xã hội đã nhanh chóng xuất hiện như nấm mọc sau mưa tạo nên một bức tranh Việt Nam thời hậu chiến thật ảm đạm. Nhiều trí thức trong xã hội không khỏi băn khoăn, rối trí khi những giá trị của con người và của xã hội bị chủ thuyết Mác-Lê làm đảo lộn. Tập truyện bắt đầu từ những cái chạm trán đầu tiên đầy sợ hãi và âu lo của người dân miền Nam với Cộng sản. Dần dần, về cuối tập truyện, với những khám phá về chủ nghĩa xã hội và con người Cộng sản, người dân trở nên hiểu biết hơn, và cũng từ đó, thái độ của họ dần chuyển từ sợ hãi sang khinh miệt hay thương hại. Tóm lại, tập truyện mang lại cái nhìn trong giai đoạn sau 1975 về hiện thực của xã hội Việt Nam, tình trạng của người Việt cả trong nước và trên các đảo tị nạn, nhận thức của người Việt về tình hình đất nước và về chủ nghĩa xã hội cũng như chân tướng con người Cộng sản Việt Nam.

Hoa Ðồng Nội

http://talawas.org/talaDB/showFile.php?res=13116&rb=0102

   Số lần đọc: 4570

Tác Phẩm

BÀI KỀ

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây