Bài này in trong Ngày N+, Văn Nghệ xuất bản, California 1988
Chuyện xảy ra vào những tuần lễ kề cận ngày 30-4. Một tối cuối tuần, trong phòng khách một căn chung cư, “các bác các chú” tụ tập nhau vừa uống rượu vừa bàn tính chuẩn bị ngày Sài gòn thất thủ. Câu chuyện lan man cuối cùng hết người này đến người nọ say mê kể lại những ngày vàng son trước 30-4 và những ô nhục khổ ải sau ngày bi thảm đó.
Căn phòng chật càng lúc càng ngập ngụa khói thuốc lá và hơi rượu. Người vợ hiền của gia chủ, cùng với đám con cái ngoan ngoãn lấp ló ở hành lang dẫn về các phòng ngủ, thông cảm chịu đựng tiếng ồn ào kể lể của “các bác các chú”. Thế rồi vào một lúc nào đó đứa bé trai thì thào bằng tiếng Anh với con chị:
“Các chú các bác thiệt là kỳ cục (em dùng chữ “weird”). Giống như mấy đứa con nít đang cầm cây cà rem bị một thằng vô lại giật mất, tiếc cả đời, năm nào cũng tụ tập nhắc lại chuyện mất cây cà rem.”
Chú bé trai ỷ y “các chú các bác” nghe tiếng Mỹ không quen, nhất là những cách đối đáp trên đường phố của giới trẻ, nên yên tâm không sợ “các chú các bác” hiểu và giận.
Tôi đã nghe những câu tương tự, và đau xót trong lòng. Vì đấy là một trong những phát biểu vô tư hay độc ác (tùy theo quan niệm của từng người) của giới trẻ nhìn về lớp đi trước. Hơn thế nữa, đấy là bằng chứng cái hố ngăn cách giữa hai thế hệ ngày càng rộng, do những hiểu lầm, do không ai nói cho giới trẻ biết không phải trước 1975 ai trong “các chú các bác” cũng đều hí hửng nắm chặt lấy cây cà rem. Trong những người đã oằn vai gánh chịu bao nỗi nhục nhã sau 30-4-75, rất có nhiều người chưa hề biết tới “cây cà rem”, và nếu bây giờ họ dành trọn những ngày còn lại cho một lý tưởng nào đó, cũng không phải vì họ nhớ tiếc một cây cà rem.
Tôi thường tự hỏi vì sao sự hiểu lầm giữa trẻ và già, giữa “các chú các bác” với lớp trẻ trưởng thành nơi đất người trầm trọng như vậy? Trước khi trách móc lớp trẻ, chúng ta phải tự vấn mình trước. Chúng ta đã làm gì? Có lúc nào chúng ta bình tĩnh nhìn thẳng vào quá khứ, và thẳng thắn nhận chịu trách nhiệm hay chưa?
Hàng năm hễ cứ gần tới ngày 30-4 là một loạt các bài báo, các hồi ký ra đời, người viết phần lớn là những vị có thẩm quyền, nắm quyền cao chức trọng thời Việt nam Cộng hòa. Tại các hiệu sách, không hề thiếu những hồi ký của các vị tướng từng hét ra lửa một thời. Không vị nào nhận mình có trách nhiệm trong cuộc triệt thoái vô tổ chức và bi thảm. Những vị đã bị đẩy ra rìa thì nặng lời chỉ trích người chiến hữu cầm quyền, nói thêm là nếu quyền hành vào tay mình, nhất định không thể có ngày 30-4-75. Những vị được ngồi ghế cao cho đến phút áp chót thì đổ lỗi cho người Mỹ phản bội.
Ai cũng bảo “kẻ khác làm tôi mất nước”. Duy chỉ có ông Lê văn Phúc bảo “tôi làm tôi mất nước”. Tuy cuốn sách có nhan đề đó của ông Lê văn Phúc, nhưng ông đã dùng lối giả vờ tự trào để phúng thế, không phải là một lời tự xưng tội, nhưng ít ra tác giả cũng nêu một gương sáng về lòng thành thực. Cuốn “Tôi làm tôi mất nước” được xuất bản đã gần bốn năm, từ đó đến nay họa hoằn lắm mới có người theo gương ông Phúc. Những người trung thực theo gương ông Phúc không thuộc hàng tướng lãnh, không thuộc từng lớp được ưu đãi đang nhớ tiếc “cây cà rem” của thời vàng son cũ. Họ là những thường dân, những người lính cấp thấp trực tiếp cầm súng chiến đấu, máu họ đã đổ để bảo vệ phần đất mà hàng ngũ lãnh đạo Việt nam Cộng hòa đã để cho mất về tay Cộng sản. Họ không có gì để hối tiếc, không có gì phải hối hận về những gì đã làm. Nếu có hối hận, là hối hận đã không làm đủ phần vụ của mình, đã để cho cái guồng máy rệu rã ấy khi sụp đổ kéo sụp theo cuộc đời họ, gia đình họ, gây họa cho thân nhân họ. Năm 1986, tôi được đọc những lời chứng trung thực của một Sĩ quan Thủy quân Lục chiến viết về mặt trận Quảng trị-Huế, cuốn “Tháng Ba Gãy Súng” của Cao Xuân Huy. Năm nay, tôi lại được đọc thêm một cuốn hồi ký giá trị khác, cuốn “Ngày N +…” của nhà thơ Hoàng Khởi Phong. Những cuốn hồi ký như “Tháng Ba Gãy Súng” hay “Ngày N +…”, theo tôi nghĩ, sẽ giúp cho các em đã thốt những lời độc ác bất công trên đây có cơ hội hiểu lớp người đi trước hơn, có cái nhìn đúng đắn hơn về nỗi tiếc nỗi hận mà “các chú các bác” phải đau lòng ôn lại nhắc lại hằng năm, như người bị một vết thương sâu lâu lâu phải can đảm ngắm lại vết sẹo dù biết là sẽ phải xót xa.
Để xóa tan những hiểu lầm của lớp đi sau, không có gì hữu hiệu hơn là phải thẳng thắn, chân thực. Đừng nói quanh bào chữa. Điều đó lại càng quan trọng hơn đối với người cầm bút. Tôi được quen với nhà thơ Hoàng Khởi Phong đã lâu, và phần nào chịu ảnh hưởng từ cái tính sôi nổi, nhiệt thành, thẳng thắn của anh. Hồi đó vào khoảng năm 1971, lúc tôi mới mon men bước vào làng văn. Một người bạn chung, nhà thơ Nguyễn Bắc Sơn, giới thiệu cho chúng tôi biết nhau. Tôi thì tự giới thiệu bằng một vài truyện ngắn đăng trên Bách khoa và Văn. Hoàng Khởi Phong thì vừa tự xuất bản một tập thơ, cuốn “Phục hồi quyền chức làm người”. Nhan đề một tập thơ mà giống như một cương lĩnh chính trị, khác với những nhan đề đầy thi vị nhờ có mây bay hoa nở khác. Chưa gặp người, tôi đã vội đoán tác giả tập thơ này đang đi chênh vênh giữa hành động và suy tưởng, giữa lý thuyết với thực tế, đang vùng vẫy muốn thoát ra khỏi guồng máy vì là một nhà thơ, nhưng đồng thời cũng say mê tạo dựng một thứ guồng máy khác, vì khao khát hành động. Khi đã gặp người, nghe Hoàng Khởi Phong kể những nỗi thăng trầm lao đao của mình, tôi thấy mình đoán đúng. Mỗi lần gặp nhau, anh sôi nổi phát biểu những nhận định thời cuộc giống như sôi nổi bàn luận văn chương. Cái chất văn nghệ làm hại sự nghiệp quân đội của anh, khiến anh gặp nhiều khốn đốn, bị nhiều khiển trách. Anh bị thuyên chuyển nhiều lần, bị đưa đến những nhiệm sở khó và xấu. Nhưng cũng chính nhờ những kinh nghiệm xương máu ấy mà thơ anh càng sôi nổi, đậm chất bi tráng.
Chúng tôi bặt tin nhau trong những ngày thất tán đưa đến cảnh Sài gòn sụp đổ. Tôi kẹt lại Việt nam, còn Hoàng Khởi Phong đã thoát được khỏi những đòn trả thù (chắc chắn là sẽ dữ dội) của Cộng sản, ra đi từ năm 1975. Bảy năm sau, mừng mừng tủi tủi gặp lại nhau trên đất khách, điều tôi mừng hơn hết là ông bạn cũ vẫn không khác xưa. Từ ông đại úy Trưởng đồn Quân cảnh tới người thợ tiện chuyên làm ca đêm, Hoàng Khởi Phong vẫn vậy. Vẫn tiếng nói sang sảng. Vẫn những phát biểu sôi nổi quá khích. Vẫn đôi mắt sáng rỡ khi nói tới thơ. Anh vẫn chưa giải quyết được mối mâu thuẫn kéo dài giữa nhiệt tình chính trị và đam mê văn chương, vẫn tin tưởng là đến một lúc nào đó, hai thứ đam mê phải hội nhập thành một. Lúc huyền thoại trở thành thực tế. Lúc những bậc minh quân chịu mài mực cho các thi bá viết thơ. Ai lại không mơ như vậy?
Trong lúc chờ đợi cái thời hoàng kim viễn tưởng ấy, từng người đành phải nhìn thẳng vào cái thực trước mắt. “Ngày N + …” của Hoàng Khởi Phong là cái nhìn đó. Có điều đáng mừng là anh ôn lại nỗi đau cũ với cái nhìn của nhà thơ, nghĩa là hết sức chân thật, hết sức đam mê sôi nổi. Anh có thể sai lầm, hoặc trí nhớ không nguyên vẹn, nhưng lòng đam mê cái đúng, cái tốt của anh thì hiển hiện trên từng trang tập hồi ký này.
Tôi cho điều đó mới là quan trọng.
Nguyễn Mộng Giác
21-10-1988