Bài nay in trong tập tiểu luận Nghĩ về văn học hải ngoại do Văn Mới xuất bản năm 2004 tại California, USA.
Trong phong trào thành lập các hội đồng hương và ấn hành kỷ yếu đang nở rộ hiện nay tại hải ngoại, có lẽ không có nơi nào được nhắc nhở một cách da diết, thiết tha, say mê như Huế. Người Huế yêu Huế, chuyện đó không có gì đáng bàn. Rể Huế yêu Huế để lấy lòng vợ, dâu Huế mê Huế để lấy lòng chồng, ồ, chuyện thường tình. Yêu chàng yêu nàng thì yêu luôn cả nơi người thương sinh ra và lớn lên. Yêu luôn cả những cơn mưa dầm, những trận lụt, những cơn gió lạnh căm căm, những hơi ẩm mốc lưu cữu qua bao nhiêu mùa mưa dai dẳng. Chuyện yêu ghét ở đây không thể lấy lý để bàn được. Người nào cũng thấy nơi chôn nhau cắt rốn của mình có những nét đáng yêu không thể tìm thấy ở nơi khác. Sự chủ quan cực đoan này càng gia tăng khi người ta mất quê hương. Những kỷ niệm thời thơ ấu, trường cũ thầy xưa, nơi hò hẹn ban đầu, kể cả những khổ cực nhọc nhằn của thời xưa qua màng lọc của thời gian trở nên thơ mộng, đẹp đẽ hơn giá trị thực của kỷ niệm.
Ðó là chưa kể thời còn trẻ, người ta rất dễ tính. Ăn cái gì cũng thấy ngon. Ðọc cái gì cũng thấy hay. Cười dễ cũng như say rất dễ. Ðiều này rất dễ kiểm chứng nếu chúng ta chịu khó tìm xem lại những cuốn phim, những cuốn truyện một thời chúng ta say mê xem đi xem lại nhiều lần. Hoặc trở về quê hương nhìn lại những dấu tích kỷ niệm mà trong trí tưởng chúng ta ôm ấp tiếc nuối như một bảo vật đã mất đi. Cảm giác bùi ngùi, hối tiếc, hụt hẫng là cảm giác chung của những người đã về quê để mong nhìn lại những dấu tích kỷ niệm. Cái gì cũng bé bỏng, bề bộn, đìu hiu vô hồn. Cái gì cũng trơ trọi, nhợt nhạt, xa lạ, không mang một ý nghĩa lớn lao hay gợi một xúc động sâu sắc như chúng ta tưởng tượng. Lỗi không phải là sự biến đổi của sự vật. Có nhiều trường hợp, khung cảnh cũ có đổi thay theo chiều thuận: đường sá ít lầy lội hơn, nhà cửa nhiều hơn, phố xá đông đúc hơn… Nhưng cảnh tượng trước mắt vẫn không phải là “cảnh của mình”. Ðọc những tập kỷ yếu của các hội cựu học sinh hay hội đồng hương các tỉnh phát hành rầm rộ vào những dịp Tết hay mùa xuân hằng năm, chúng ta thấy một điểm chung rất đáng yêu: là niềm tự hào về quê hương mình. Ðâu cũng là địa linh nhân kiệt. Nơi có những ưu thế thiên nhiên như sông sâu núi cao, ruộng đất mênh mông trù phú thì được ca tụng như vùng đất được Trời ưu ái. Nơi đất cày lên sỏi đá thì “nhân kiệt”, sản xuất những anh hùng liệt nữ. Nơi “thang mộc ấp” thì đường quan lại khoa bảng xênh xang, bảng liệt kê những bậc đại thần, khoa bảng dài hằng mấy trang giấy in cỡ chữ nhỏ. Trong cuộc tranh đua khoe cái ưu việt của nơi sinh trưởng, những người may mắn gốc gác ở chốn kinh kỳ như Hà Nội, Huế, Sài Gòn thường chiếm ưu thế. Thăng Long, đất ngàn năm văn vật. Sài Gòn, hòn ngọc Viễn Ðông. Còn Huế? Huế Ðẹp, Huế Thơ. Huế Mơ, Huế Mộng…
Dân Hà Nội hãnh diện về cái bề dày văn hóa của quê hương mình, một niềm hãnh diện có căn cứ. Là kinh đô của bao nhiêu triều đại, Thăng Long dĩ nhiên là nơi thu hút những người tài năng nhất của đất nước, và ưu thế chính trị người Thăng Long được hưởng dĩ nhiên chuyển thành ưu thế về giáo dục, ưu thế về văn hóa. Không phải ngẫu nhiên mà mặc dù nhà Nguyễn Gia Miêu đặt kinh đô ở Huế, dành ưu tiên quyền lực cho người Miền Nam và người vùng Bắc Trung Việt nhưng Thăng Long vẫn giữ vững ngôi vị kinh đô văn hóa Việt Nam suốt thời gian nhà Nguyễn trị vì. Số trường thi ở đất Bắc vẫn nhiều hơn. Sĩ tử đông hơn. Kẻ đậu đạt ở Bắc vượt hơn số đậu đạt ở Trung và Nam. Nền văn chương Hán, Nôm, và cả văn chương quốc ngữ hồi đầu thế kỷ đạt được thành quả nào đó, phần lớn cũng do số văn nhân thi sĩ sinh trưởng hoặc lập nghiệp ở đất Bắc. Không nơi nào có thể giành được danh hiệu “đất ngàn năm văn vật” của Thăng Long-Hà Nội, dù cái chất văn vật ấy không nhất thiết do người chính gốc Thăng Long-Hà Nội tạo nên.
Sài Gòn được những người Pháp thực dân khen là “Hòn ngọc Viễn Ðông” do lòng kiêu hãnh của những người tự nhận vai trò “khai hóa” đề cao những kết quả “khai hóa” nhỏ nhoi của mình. Không biết từ lúc nào, người ta lấy hình ảnh biểu trưng cho Sài Gòn là chợ Bến Thành. Tôi cho không có hình ảnh biểu trưng nào chính xác hơn! Sức mạnh của Sài Gòn là sức mạnh kinh tế, sức mạnh thị trường. Sài Gòn là một cái chợ, với đầy đủ những điều kiện thuận lợi của một cái chợ: đường giao thông tiện lợi rẻ tiền, hàng hóa phong phú, mãi lực của cư dân vùng chung quanh lớn lao, và quan trọng hơn hết, là óc thực tiễn và tinh thần khai phóng “dám nghĩ dám làm” thừa hưởng được từ người Hoa và những đợt di dân của người Việt không thể sống nổi ở quê hương cũ liều lĩnh bỏ hết để vào miền đất mới làm lại cuộc đời từ hai bàn tay trắng. Người ta ra Thăng Long để thành ông nghè ông cống. Ra Huế làm quan. Nhưng vào Sài Gòn để làm giàu. Nếu chấp nhận định luật bất biến về hiện tượng di dân (từ chỗ tài nguyên nghèo kiệt đông dân tới chỗ trù phú thưa dân, từ miền Bắc xuống miền Nam, và từ khi cuộc cách mạng kỹ thuật định nghĩa lại hai tiếng “tài nguyên” theo một cách khác hẳn trước đây, thì có hiện tượng di dân từ nông thôn ra thành thị), thì Sài Gòn có sức hút mãnh liệt nhờ sức mạnh vật chất chứ không phải những hứa hẹn mơ hồ về tinh thần. Sài Gòn được tôn vinh cũng như khinh miệt vì là cái chợ. Tao nhân mặc khách có viện dẫn lời hay ý đẹp của thánh hiền kim cổ bao nhiêu rồi cũng phải cần cái chợ. “Hòn ngọc Viễn Ðông” là cách nói văn hoa của người Pháp, một dân tộc rất sính văn chương. Nhưng có một phần đúng trong cách ví von ấy: là Sài Gòn được định giá cụ thể theo giá trị kim hoàn, cách định giá của thị trường.
Người Huế hãnh diện về quê hương của mình không giống như người Hà Nội hoặc người Sài Gòn. Dân Thanh Nghệ hoặc dân vùng chiêm trũng quanh cố đô khi đã đến lập nghiệp ở Hà Nội là quyết chí “bám trụ”, chịu thiệt thòi đời mình để đời con cháu khá hơn, hoặc bằng cơ hội học vấn, hoặc bằng cơ hội doanh thương. Hà Nội là cánh cửa mở vào một hy vọng, vì ngay trong thời nhà Nguyễn Gia Miêu, nơi qui tụ nhiều cơ sở giáo dục cao cấp của toàn Ðông Dương là Hà Nội chứ không phải Huế. Sài Gòn là đất mới, tài nguyên phong phú, thiên nhiên ưu đãi, đất rộng, khí hậu tốt… là nơi mở rộng vòng tay đón tiếp những di dân khốn cùng ở Trung và Bắc. Người Hà Nội, người Sài Gòn, tuy cung bậc có khác, nhưng cùng ca tụng quê hương mình vì bằng long với cuộc sống hiện tại, và tràn trề hy vọng cho tương lai.
Người Huế, ngược lại, ca tụng quê hương lúc đã xa quê hương, và ca tụng theo thể quá khứ. Không cần chờ đến cuộc đổi đời khủng khiếp xảy ra năm 1975 mới có nhiều người Huế phải mang kiếp tha hương. Người Huế có kinh nghiệm di dân phong phú hơn người của bất cứ tỉnh nào trên đất Việt, vì một thực tế có vẻ nghịch lý: “Người Huế, nếu muốn thăng tiến, bắt buộc phải xa Huế!”
Tại sao lại có điều nghịch lý như thế, một điều không thể xảy ra cho người Hà Nội hay người Sài Gòn? Câu trả lời thật đơn giản: Huế bị khủng hoảng kinh niên trong thị trường nhân dụng. Do ưu thế chính trị được hưởng suốt hai thế kỷ, người Huế được nhiều cơ hội học hành hơn các nơi khác. Số trí thức chuyên viên tốt nghiệp nhiều mà nhu cầu nhân dụng ngay tại Huế ở mức thấp nhất, còn thấp hơn những tỉnh khác ở Miền Trung chứ chưa nói tới Miền Nam. Người tài ở Huế còn biết tìm đất dụng võ nơi đâu, nếu không Nam tiến. Ðà Lạt, Nha Trang gần như một thứ phó bản của Huế. Trước 1975, vào bất cứ công sở nào của Miền Trung chúng ta đều gặp những cấp chỉ huy nếu không gốc Bắc thì cũng gốc Huế. Huế thành một nhãn hiệu của văn hóa, của cốt cách cư xử . Một nhãn hiệu của quyền lực? Ðiều này tùy thuộc thực tại chính trị của từng thời kỳ. Và trong nhiều trường hợp, quyền lực này không mạnh bằng quyền lực Hà Nội và Sài Gòn.
Người Huế muốn an toàn trong niềm tự hào quê hương, đã khôn ngoan không muốn khoe quyền lực. Họ khoe một sức mạnh khác, sức mạnh văn hóa. Cho nên mới có những “Huế Ðẹp”, “Huế Thơ” để đối chọi với “Thăng Long chốn ngàn năm văn vật” và “Sài Gòn hòn ngọc Viễn Ðông”. Sức mạnh văn hóa đó tạo nên một “cốt cách Huế” bao trùm từ cách nấu nướng, ăn mặc, đi đứng, nói năng… cho đến cách cư xử, viết nhạc, làm thơ, viết truyện. Ðặc tính chung của “cốt cách Huế” là thanh nhã, mềm mỏng, trọng về chất hơn trọng về lượng, và tìm sự an ủi tinh thần trong phong cách lãng mạn tự coi mình như vượt lên trên mức dung thường, biết mình đang bị dạt bên lề nên cố vươn lên chiều cao để làm người viễn kiến hay kẻ tiền phong. Cốt cách ấy thể hiện trọn vẹn trong nhân dáng và tính tình của người phụ nữ Huế, mà một nhà thơ gốc Bắc nhận ra được nhờ nhìn từ bên ngoài:
Gái Huế cười duyên sau nón Huế
Trái tim bọc vải mấy trăm vòng
Ðã như biển động còn e lệ
Cười núp đằng sau những chấn song
(Hà Huyền Chi)
Những người “không yêu Huế” giải thích nét e lệ quyến rũ ấy là kết quả của một nếp sống khép kín bị đè nặng bởi dư luận và tinh thần bảo thủ của một vùng đất không bắt kịp đà tiến chung của những vùng đất khác. Làm sao người phụ nữ Huế dám “cười nói cho thỏa thuê” như phụ nữ Sài Gòn khi bất cứ chuyện bất thường cỏn con nào xảy ra trong gia đình hôm trước cũng trở thành chuyện bàn tán xôn xao cho cả thành phố vào hôm sau. Nói như thế là đơn giản hóa một điều phức tạp hơn nhiều. Nét duyên dáng e ấp của người phụ nữ Huế phải được xem là thành phần của một toàn cảnh văn hoá gồm khung cảnh thiên nhiên thơ mộng, nếp sống thiên về những giá trị tinh thần và trí tuệ, niềm tự hào giòng dõi và thế lực của dân kinh đô, ảnh hưởng khắc kỷ kiềm chế bộc lộ tình cảm của đạo Nho và đạo Phật, nền kinh tế dựa vào nguồn thu nhập cố định không có những phiêu lưu đột biến của các nghề kinh doanh lớn… Phụ nữ Huế chỉ e ấp núp sau nón Huế dù lòng biển động khi sống trong khung cảnh văn hóa Huế. Bằng chứng là khi ra khỏi khung cảnh văn hóa đó, chỉ cần vượt đèo Hải Vân vào Ðà Nẵng, họ cũng bạo dạn, xông xáo chẳng khác gì những người phụ nữ vùng khác. Nhiều khi họ còn “quậy” hơn cả gái Ðà Nẵng, Sài Gòn.
Cốt cách ấy thể hiện trong cách dọn một chén chè đậu ngự: chén nội phủ mỏng tang, năm hạt đậu ngự và nước chè trong vắt, người phàm phu quen với những ly sâm bổ lường to bự của Sài Gòn nhìn chén chè chán nản lắc đầu nhưng người thanh cảnh thì vừa múc một hạt đậu ngự chậm rãi đưa lên môi vừa tưởng tượng đang cùng ăn một thức cao lương mỹ vị với vua chúa nhà Nguyễn. Một bữa tiệc dọn theo cách Huế cũng đặc biệt: nhiều món, mỗi món một chút, dụng tinh bất dụng đa. Khách ăn phải ăn nhỏ nhẻ, từ tốn, vừa ăn vừa thưởng thức cái tinh xảo của nghệ thuật nấu nướng chứ không được vội vã, ham hố. Ngay cả những món Huế bình dân đã vượt ranh giới địa phương để thành món ăn dân tộc như bánh nậm, bánh bột lọc, bún bò, cơm hến… cũng còn vương vất nét đài các nhiêu khê, đòi hỏi rất nhiều công phu. So với phở Bắc, hủ tiếu Nam, mì Quảng… bún bò Huế có biến đổi để thích nghi nhưng biến đổi ít hơn, cố gắng để giữ những đặc tính truyền thống. Cả món cơm hến bình dân cũng thế, ra đến nước ngoài những tô cơm hến cũng cố giữ lấy “nếp nhà”, không chịu “hòa hợp”.
Cốt cách ấy thể hiện trọn vẹn trong nhạc Trịnh Công Sơn: nhạc điệu nghe “trệ” cả tâm hồn như nghe một khúc Nam bình, trong khi lời ca là những từ ngữ đầy chất trí tuệ, bay bổng lên trên như không liên hệ gì với cõi đời trần tục này. Ma lực của nhạc Trịnh Công Sơn cũng là sản phẩm của văn hoá Huế. Bị câu thúc trong chiều rộng, nhạc Trịnh Công Sơn đưa người ta lên chiều cao, bay lượn bên trên những phiền toái ô trọc của đời thường. Lời ca như những câu trong Nam Hoa Kinh được thi hóa bằng hình tượng thiên nhiên đậm đặc chất Huế, khiến người hát lẫn người nghe có ảo giác như đã vượt được lên trên cõi bụi chung quanh. Nghe nhạc Trịnh Công Sơn cũng “sang” như ăn một chén chè đậu ngự, trong khi cái buồn chì chiết, dai dẳng, lê thê cứ vây bủa tâm hồn ta như những cơn mưa vô tuyệt kỳ ở Huế.
Nguyễn Tuân thời tiền chiến đã viết rất đúng về Huế, về cốt cách Huế qua một câu văn tùy bút ngắn, bỏ lửng: “Ði xa thì nhớ Huế, mà ở Huế thì…”. Vâng, Huế đẹp Huế thơ cũng nhờ cái nghịch lý ấy. Người Huế nhớ tưởng quê hương da diết hơn người các địa phương khác cũng vì cái nghịch lý ấy: cái nghịch lý không thể sống trên quê hương dù yêu thương quê hương thiết tha.
Nguyễn Mộng Giác
Số lần đọc: 5975
RE: Huế, nơi để tưởng nhớ
Bác viết chí lý quá. Là một người Huế, một người yêu Huế nhưng không thể nào kiếm được một công việc khả dĩ. Giải pháp tốt là rời quê hương vào Miền Nam, để rồi cùng nhau thành lập Hội Đồng hương, tổ chức nhiều hoạt động hướng về quê hương.