Nơi lưu giữ những tác phẩm của Nhà Văn Nguyễn Mộng Giác (1940-2012)

Nơi lưu giữ những tác phẩm của Nhà Văn Nguyễn Mộng Giác (1940-2012)

Huyền thoại Mẹ

Bài này in trong tập tiểu luận Nghĩ về văn học hải ngoại do Văn Mới xuất bản năm 2004 tại California, USA.

Mỗi lần nói đến Mẹ Việt Nam, trong đầu chúng ta hiện lên một hình ảnh quen thuộc: một người đàn bà thôn quê thân hình mảnh khảnh nhưng có sức chịu đựng bền bỉ, ăn mặc đơn giản, mái tóc thưa không chải, da nhăn, quanh năm lo lắng cho chồng cho con mà không hề than van về số phận kham khổ của mình. Mẹ là hiện thân của sự hi sinh, và nhờ sự hi sinh ấy mà trở thành cột trụ cho cả gia đình, về kinh tế cũng như về tinh thần.

Hình ảnh quen thuộc, người-mẫu-Mẹ ấy đã trở nên một thành tố quan trọng trong văn hóa Việt Nam truyền thống, đến nỗi chúng ta coi điều đó là hiển nhiên, không còn gì phải bàn cãi nữa.

Xét lại một số huyền thoại bình dân về hạnh phúc gia đình, chúng ta sẽ thấy mọi sự hiển nhiên thật ra cũng có “vấn đề”. Chẳng hạn một huyền thoại xưa: chàng ngâm thơ, em dệt tơ. Cách đây mười năm, nhà văn Vũ Huy Quang trong một bài phiếm luận có đem cái huyền thoại hạnh phúc này ra xét lại. Anh thấy sự phân công không bình đẳng giữa cặp vợ chồng trẻ đang hạnh phúc này. Nàng thì đang lao động vất vả, còn chàng thì đang thưởng thức nghệ thuật. Nàng làm ra tiền để nuôi chàng, chàng chỉ biết ngâm thơ mà thôi. Vũ Huy Quang khôi hài mớm lời cho người vợ đảm đang thời xưa, nhỏ nhẹ tâm sự rằng nàng dệt tơ để may áo đẹp cho thi sĩ của lòng em, còn em thì đâu cần mặc gì!

Cái thời của những nho sinh tiến thân bằng thi ca và kinh sách thánh hiền qua đi, sang thời tân học đầu thế kỷ hai mươi, thì nghề nghiệp, cách ăn mặc, cách cư xử của những cặp vợ chồng trẻ tân thời có khác; nhưng trong truyền thống văn hóa chung, sự phân công trên đây không khác: Mẹ vá may cha đọc báo. Người vợ thời xưa “dệt tơ, người vợ ngày nay “vá may”, công việc không thay đổi bao nhiêu. Anh chồng thì vẫn nhàn nhã như xưa, chỉ khác là thay vì ngâm thơ, anh ta có một thú giải trí tân thời nhờ sự phát triển của ngành ấn loát và chữ quốc ngữ đã phổ cập. Ðọc báo, anh chồng chẳng những có thể đọc thơ, còn có thể đọc tiểu thuyết, xem tin tức thế giới, xem giải đáp tâm tình, tìm em gái bốn phương kết bạn tri âm, xem kết quả cá ngựa, theo dõi một vụ chửi bới nhau giữa một người anh ta không ưa và một người anh ta ưa không nổi… nghĩa là có đầy đủ các mục hấp dẫn, đến nỗi người chồng không có thì giờ ngâm thơ cho vợ nghe để vợ quên cái cực nhọc vá may.

Ðôi lúc cũng có những trường hợp người vợ “đòi quyền sống”, đòi bình quyền với chồng như cô Loan trong Ðoạn Tuyệt của nhà văn Nhất Linh. Chồng cô Loan, anh chàng Thân, không có nghề nghiệp gì rõ ràng, suốt đời chỉ biết sống bám vào mẹ. Anh “thưởng thức” cuộc sống nhàn nhã của mình mà không cần tìm đến thi ca và báo chí. Cô Loan không chịu đêm đêm ngồi dệt tơ hay vá may. Cô đọc sách. Cô muốn bình đẳng. Ngay lập tức án mạng xảy ra. Cô được người tạo ra cô là Nhất Linh bênh vực, cô được trắng án trước tòa đại hình. Nhưng cô bị những người đồng thời với cô chỉ trích, phê phán nặng nề vì tội đã dám bước ra khỏi truyền thống. Một nhà văn đồng thời, Nguyễn Công Hoan, còn đi xa hơn nữa, viết ngay một cuốn tiểu thuyết khác, đưa ra một mẫu nhân vật nữ khác (cô giáo Minh), để nhắc nhở cho những người mẹ người vợ Việt Nam nhớ rằng hễ bước qua khỏi ranh giới là máu sẽ đổ, tốt hơn hết nên ngoan ngoãn thủ phận dệt tơ và vá may người ta đã dành sẵn cho họ từ xưa!

Tại sao sự bất công rõ ràng như thế lại trở thành điều hiển nhiên, thậm chí còn là thành-tố của văn hóa Việt Nam truyền thống?

Câu hỏi có thể gây nên một cuộc tranh luận sôi nổi trong các cuộc họp mặt ngày nay, khi điều kiện sống của người phụ nữ rõ ràng đã thăng tiến, không phải chịu đựng số phận hẩm hiu như thời cô Loan trước chiến tranh thứ hai.

Phe chống với phái đòi quyền sống cho phụ nữ lập luận rằng người vợ dệt tơ, vá may trong khi chồng ngâm thơ, đọc báo là người hạnh phúc, bằng long với công việc của mình, chấp nhận sự phân công tự nhiên giữa vợ chồng như tất cả những người vợ trên đời, ngày xưa cũng như ngày nay, ở Tây phương cũng như ở Ðông phương. Này nhé: có gì khác nhau, về bản chất, giữa cảnh hạnh phúc gia đình ngày xưa ở Việt Nam với cảnh một gia đình người Mỹ ngày nay: người vợ cũng lo thay quần áo, pha sữa, đổi tã cho đứa con nhỏ vừa mang từ nhà gửi trẻ về; trên bếp nồi xúp đang sôi, bánh mì trong lò nướng điện, chén bát dơ buổi sáng còn bày trên bàn chờ rửa… còn người chồng thì ngồi dựa ngửa trên sofa bấm remote control chuyển hết đài này tới đài khác tìm tin kết quả football, cá ngựa, basketball, tennis… Người chồng Mỹ cũng đang hưởng thụ, nhàn nhã, còn người vợ Mỹ cũng đang lao động mà không hề được trả lương phụ trội theo đúng luật lao động sau khi đã làm việc vất vả suốt tám tiếng đồng hồ ở sở. Vấn đề không nằm ở chỗ sự phân công giữa vợ chồng bất công hay công bằng. Vấn đề nằm ở chỗ dù lúc nào, ở đâu, cũng có sự đồng thuận tự nhiên giữa vợ chồng, sự đồng thuận không do kết quả của lý lẽ quyền lợi mà do bản năng bẩm sinh để sinh tồn. Nó giống hệt như bản năng sinh dục. Người đàn ông khởi đầu công việc truyền giống. Nhưng công việc đòi hỏi nhiều thời gian, nhiều kiên trì, nhiều tế nhị hơn, từ lúc tiếp giống cho đến thụ thai, giữ gìn thai nhi, sinh nở, bú mớm, theo dõi từng bước chập chững vào đời cho tới ngày dựng vợ gả chồng…. lại là công việc của phụ nữ. Ðó là Thiên mệnh. Ðòi quyền sống, đòi trả lương phụ trội những đêm dỗ con ngủ, cho con bú, thức trắng đêm canh bệnh cho con… xin đừng đòi ông chồng, đòi chủ xí nghiệp, đòi chính quyền. Hãy đòi Ông Trời!

Dĩ nhiên một lập luận như thế ở các cuộc tụ họp cuối tuần sẽ bị các bà nhao nhao phản đối. Ông Trời giao phận sự nhọc nhằn cho người vợ người mẹ để loài người không bị tuyệt chủng không có nghĩa là dành cho đàn ông cái ưu quyền được thảnh thơi ngâm thơ, đọc báo, xem football mỗi buổi tối. Không hề có một thứ luật Trời nào cấm đàn ông nấu nướng, thay tã cho con, ru con ngủ, chở con đi nhà trẻ, dạy con làm bài… để vợ có thì giờ hát karaoke, giũa móng tay, đi shopping, gọi điện thoại đấu hót với bạn bè. Cái gọi là văn hóa, truyền thống, luật lệ xã hội thật ra chỉ là sản phẩm của nam giới, nhằm bảo vệ cho một thứ ưu quyền không chính đáng. Nếu tính số thời giờ làm việc của vợ và chồng trong một ngày, kết quả cho thấy lúc nào ở đâu người phụ nữ cũng phải làm việc nhiều giờ hơn nam giới. Sự công bằng đòi hỏi có phân công hợp lý, chẳng hạn người chồng lo việc lao động để nuôi gia đình, người vợ lo việc nội trợ và chăm sóc giáo dục con cái. Một bên đối ngoại, một bên đối nội.Một bên lo duy trì đời sống. Một bên lo làm đẹp cho đời sống.

Phái trung dung ba phải sẽ nhìn các chiến sĩ hung hăng của phong trào nữ quyền với đôi mắt thương cảm, và than: “Cái thời hoàng kim ấy đã xa rồi! Và cả khí thế một thời bừng bừng của phong trào phụ nữ đòi quyền sống, cũng xa rồi!” Ðã có thời các bà đòi được giải phóng khỏi bếp núc, son chảo, tiêu đường mắm muối… Xin từ từ, đừng vội! Từ khi có nồi nấu cơm điện, người phụ nữ Á Ðông thực sự được giải phóng, không còn bị các bà mẹ chồng mắng nhiếc vì cái tội không biết vo gạo, lường nước, giữ lửa làm sao cho nồi cơm khỏi sống, khê, nhão, cháy. Bình sữa cao su giải phóng cho phụ nữ khỏi những nhọc nhằn nuôi con sau khi cái túi cao su cho họ cái quyền nhận hay không nhận sự truyền giống, chủ động trong việc có con hay không, có con vào lúc nào, ở đâu. Nếu phương pháp thụ tinh nhân tạo và nuôi thai trong ống nghiệm được luật pháp và tín ngưỡng xã hội chấp nhận, các bà sẽ rũ bỏ luôn cả công việc chính yếu Ông Trời vẫn giao cho các bà. Chính sự tiến bộ của khoa học đã “giải phóng” cho phụ nữ, cho phép họ có nhiều cơ hội và thì giờ hơn để tham gia vào những hoạt động lâu nay vẫn dành cho nam giới. Khi ai cũng thụ thai, sinh nở, nuôi con, nấu nướng được, thì việc gì đàn ông chúng tôi phải nặn óc ra làm thơ đặt nhạc ví các cô các bà với hoa, với trăng, với mây, với gió; việc gì phải lăng xăng nịnh nọt quà cáp để má bầy trẻ bằng lòng; việc gì phải ráng mỉm cười chịu đựng để biến những lời cằn nhằn càm ràm thành những bản tình ca êm ái! Cái gì cũng có cái giá của nó. Khi những phụ nữ Liên sô được bầu làm anh hùng lao động ngồi ưỡn ngực trên máy cày cho phóng viên chụp hình in trên báo Sự Thật, họ không hề biết là những độc giả nam giới không ngắm tấm huy chương lấp lánh mà ranh mãnh thì thầm bình luận với nhau về cái ngực xệ và đôi vai to bành của người anh hùng. Trên phim ảnh Mỹ hiện nay, mẫu phụ nữ xông xáo, chủ động, lấn lướt, quyền cao chức trọng trước một đám nhân viên nam giới khiếp phục, thường không có sức lôi kéo khán giả. Sức mạnh của phụ nữ là Cái Ðẹp, không phải do ở Quyền Lực. Ðó là ý Trời!

Các bà đòi một sự phân công hợp lý, kẻ trong người ngoài, kẻ lo kiếm sống kẻ lo nuôi con? Khỏi cần đòi hỏi! Cái thời người chồng đi làm đủ nuôi cả gia đình đã qua rồi! Nhu cầu cho đời sống ngày càng cao, tiện nghi (cần thiết và không cần thiết) đời sống rõ ràng cũng nâng cao theo đà tiến của khoa học kỹ thuật. Cái giá phải trả là mọi người phải làm việc nhiều hơn để được hưởng những tiện nghi phải có, không có không được. Người ta sống “sang” hơn thời xưa, nhưng rõ ràng là vất vả hơn, ít có thì giờ nhàn nhã hơn xưa. Các bà có muốn ở nhà nuôi con cũng không được. Phải gửi con cho nhà trẻ, phải đi làm, phải xông pha kiếm sống y như chồng và đêm về, cũng phải “dệt tơ, vá may” y như các bà nội trợ thời xưa. Bao nhiêu nước chảy qua cầu từ thời ông chồng ngâm thơ Lý Bạch cho tới thời ông chồng xem võ sĩ Mike Tyson cắn tai Evander Holyfield, nhưng hình như hình ảnh người mẹ người vợ trong gia đình không thay đổi bao nhiêu. Tại sao thế? Chỉ có Trời biết!

Nguyễn Mộng Giác

   Số lần đọc: 4972

Tác Phẩm

BÀI KỀ

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây