Nơi lưu giữ những tác phẩm của Nhà Văn Nguyễn Mộng Giác (1940-2012)

Nơi lưu giữ những tác phẩm của Nhà Văn Nguyễn Mộng Giác (1940-2012)

Khẩu Nghiệp

Tôi làm việc tại một công ty ấn hành niên giám điện thoại, ca hai, từ bốn giờ chiều đến quá nửa đêm. Ðể khỏi buồn ngủ, ngoài cà phê tôi có thói quen mở nghe các đài phát thanh Việt ngữ trong vùng cho trí óc luôn luôn tỉnh táo. Thôi thì đủ mục. Quảng cáo các phòng mạch. Y tế thường thức. Nhạc yêu cầu. Tin tức thế giới, Việt Nam và Cộng đồng. Nhưng mục gây cấn nhất là các talk show thảo luận về các vấn đề chính trị trong cộng đồng địa phương. Vì hầu hết các hội đoàn đều tách làm hai, làm ba, nên các cuộc tranh cãi về thời sự cộng đồng luôn luôn sôi nổi. Nhiều chương trình phát thanh chỉ giữ vai trò gợi ý, nêu vấn đề, sau đó để mặc cho thính giả gọi vào muốn nói gì thì nói, gọi đối thủ của mình bằng những ngôn ngữ không mấy tử tế, rất có hại cho “sức khỏe” của trẻ con. Lâu lâu có thính giả trẻ tuổi gọi vào than phiền “sao mấy chú mấy bác ăn nói kỳ quá, chúng cháu muốn theo gương cư xử của các chú các bác mà không thể theo được.”

Căn cứ vào giọng nói, tôi đoán thính giả nọ trẻ tuổi thật. Và những gương sáng về cách ăn nói “thiếu gương mẫu” cũng từ “các chú các bác” cao tuổi thật, vì giọng khàn và yếu, sau khi cố gắng trút hết những bực bội giận giữ lên đối phương, “các chú các bác” thường ho khan rất lâu.

Ban đầu, tôi hơi ngạc nhiên. Tôi cứ nghĩ những người cao tuổi đáng lẽ đều đã thành triết nhân, cuộc đời thăng trầm chìm nổi đã nhiều thì phải thấy tất cả chỉ là phù du, hơn thua được mất chẳng còn quan trọng nữa, thì việc gì phải giận dữ, cao giọng với nhau. Những giấc mộng thời trẻ dù chưa toại nguyện, thì bây giờ tuổi già sức yếu, có muốn cũng không thực hiện được. Sợ lớp trẻ không biết được những kinh nghiệm thất bại của cha ông, phải kềm cặp chúng để chúng khỏi bị lừa? Tạm coi những kinh nghiệm thất bại của các cụ là gia tài quí giá đi! Nhưng lớp trẻ được giáo dục kỹ càng hơn, giao tiếp với một xã hội đa diện và phong phú hơn, thường xuyên học hỏi để theo kịp đà tiến ngoạn mục của cuộc cách mạng truyền thông hiện nay, họ không phải là những đứa trẻ ngây ngô dễ bị lừa dối. Phải sống trong một xã hội cạnh tranh ráo riết (cạnh tranh thực sự bằng tài năng, cách làm việc, óc tổ chức, và sự nhạy bén lựa chọn những giải pháp đúng), lớp trẻ thích nghi với những biến chuyển hiện tại hơn thế hệ đi trước. Thành thực mà nói, nếu con cháu chúng ta có lễ phép lắng nghe những “kinh nghiệm quí giá” chúng ta truyền lại, chỉ vì giáo dục gia đình truyền thống nhắc họ phải kính trọng các bậc trưởng thượng, chứ thực sự trong đầu óc lớp trẻ, họ đã có những kinh nghiệm và giải pháp riêng, hợp với nhu cầu của họ hơn. Còn đối với những bạn trẻ như người đã gọi vào đài phát thanh than phiền cách ăn nói của “các chú các bác”, tôi nghĩ họ đã có một lựa chọn dứt khoát.

Vì ai gây dựng cho nên nỗi này?

Ðột nhiên viết tới đây tôi nhớ câu thơ trên trong Chinh Phụ Ngâm. Ðặt câu hỏi, thắc mắc về nguyên nhân của cái “nỗi này” vì đã lâu, tôi không hề thắc mắc như thế. Tôi quen nghe những cách ăn nói như thế từ lâu, nhất là khi câu chuyện đưa đẩy đến những vấn đề thời sự chính trị. Trong các cuộc họp mặt, đám đàn ông con trai ngồi tán gẫu với nhau ít lâu, thì thong thường, không khí thực sự hồn nhiên vui vẻ khi các ông liếc chừng về phía các bà vợ rồi hạ giọng kể cho nhau nghe những chiến tích (có thực hay tưởng tượng) trên tình trường. Sau đó, câu chuyện chuyển sang thể thao: không khí có sôi nổi hơn, nhưng vì môn thể thao nào cũng có luật lệ phân minh, nên những bất đồng trong tranh luận khen chê còn có trọng tài giải quyết. Ðến khi chuyển qua thời sự chính trị, thì hết thuốc chữa. Bao nhiêu lời lẽ hằn học đều xổ ra hết, chỉ đến khi các bà vợ can thiệp bằng những lời nhẹ nhàng kiểu “nói cho lắm nước mắm dưa cải”, các ông mới giật mình thấy cuộc tán gẫu đã đi quá đà.

Tôi nghĩ loại hoạt cảnh như tôi vừa kể đã xảy ra khắp nơi, bất cứ lúc nào, bất cứ ở đâu. Trong “máu” của nam giới, có ấp ủ sẵn khát vọng quyền lực, khát vọng chinh phục, và không có môi trường sinh hoạt nào thỏa mãn khát vọng đó đầy đủ cho bằng môi trường chính trị. Mà chính trị, nếu gạt bỏ tất cả mọi huyền thoại, chiêu bài người ta thường quàng lên để che giấu thực chất, chỉ là phương cách để chiếm quyền và giữ quyền. Nó không có gì cao cả thiêng liêng như người làm chính trị thường hoang truyền, nhưng nó cần thiết, vì xã hội loài người không thể tồn tại nếu không có tổ chức.

Trong một xã hội dân sự bình thường, chính trị chỉ là một trong những hoạt động xã hội khác như kinh tế, giáo dục, tôn giáo… cho nên người ta có thể không cần quan tâm đến sinh hoạt chính trị nhưng vẫn được sống an toàn theo sở thích riêng của mình, guồng máy công quyền không được phép can thiệp vào những cái thuộc quyền hợp pháp của cá nhân, như tự do tư tưởng, tự do phát biểu, tự do tín ngưỡng, tự do quyết định các xếp đặt và cư xử trong đời sống riêng, miễn là không xâm phạm đến quyền lợi của người khác. Trong một xã hội dân sự bình thường như thế, người ta có thể cãi nhau quyết liệt vì chính kiến, nhưng sau đó, họ vẫn là bạn nhau, mày tao mi tớ thân mật với nhau. Do vẫn là bạn nhau nên khi cãi nhau về chính trị, họ vẫn biết ăn nói nhã nhặn với nhau, xưng hô tử tế với nhau, vì dù mê chính trị tới đâu họ vẫn nhớ chính trị chỉ là một bộ phận nhỏ của đời sống, Dân Chủ hay Cộng Hòa ngự ở Tòa Bạch ốc thì mình cũng phải đi cày mới có tiền trả đống bills hàng tháng. “Nỗi này” chỉ xảy ra khi các ông làm chính trị bắt buộc mọi người phải tin “chính trị là thống soái”, đặt thành triết thuyết toàn trị kiểu Quốc Xã hay Cộng Sản. Những mô thức chính trị này xóa bỏ xã hội dân sự đã có sẵn lâu nay, tự cho phép được toàn quyền quyết định cả những cái thuộc đời sống tư của cá nhân như cách suy nghĩ, quan hệ tình cảm, cách cư xử với người khác, quyền cư trú và lựa chọn việc làm… Người cầm quyền trở thành Ðấng Toàn Năng, và những triết thuyết chính trị kiểu đó cũng muốn trở thành một thứ tôn giáo. Hậu quả tất nhiên là tất cả những ai không đồng ý với hệ thống chính trị của mình đều trở thành kẻ tà đạo, kẻ thù nguy hiểm đáng bị tiêu diệt không chút xót thương.

Trước khi tiêu diệt sinh mạng của chúng, phải tiêu diệt uy tín của chúng,nhân cách của chúng. Bao nhiêu ngôn ngữ hạ tiện kinh tởm nhất phải đổ lênđầu chúng, phải khắc chữ chàm lên mặt chúng cho chúng không dám ngửng mặtnhìn người khác. Không được gọi chúng bằng cách gọi thông thường dành chongười tử tế. Phải gọi chúng bằng “thằng”, “con”, “bọn”, “y” dù chúng bằng tuổi ông nội bà nội mình.

Giấc mơ của những nạn nhân

Khi những người bị Ðội Cải cách Ruộng đất “xâu chuỗi” đứng ra “tố điêu” địa chủ phú nông những tội hoàn toàn tưởng tượng, gọi các nạn nhân là “con này”, “thằng kia”, họ bị đẩy ra khỏi một hệ thống giá trị đạo đức truyền thống, gồm những nguyên tắc gần như được mọi người khắp nơi chấp nhận: như yêu sự chân thực ghét sự dối trá, kính trọng người già cả, yêu thương đùm bọc kẻ yếu đuối hoạn nạn, đề cao kẻ cần cù làm ăn lương thiện, chỉ trích bọn bất lương nịnh bợ lừa lọc… Họ được dạy là thời mới có một trật tự đạo đức mới: đạo đức cách mạng. Cái gì cách mạng bảo đúng tất nhiên là chân lý, hơn nữa, là đạo đức. Cái gì ở ngoài vòng kiểm soát của cách mạng, tất nhiên đáng khả nghi, không thể nào tốt được. Khi một nàng dâu xỉa xói vào mặt cha chồng tố cáo cụ già đáng thương cái tội loạn luân, hành động đó làm lay động cả một nền tảng đạo đức. Dù sau này có “sửa sai”, sự đổ vỡ trong tình gia đình, giữa vợ chồng, cha con… không bao giờ hàn gắn được. Tất cả đều là nạn nhân, ai cũng đồng ý như thế!

Nhưng tâm lý các nạn nhân, sau khi trải qua kinh nghiệm bi đát ở các chế độ toàn trị, cũng rất phức tạp. Sau khi Quốc Xã sụp đổ ở Âu châu, trên hoang tàn của Thế chiến thứ hai, người ta đổ xô nhau tìm hiểu vì sao nhân loại lại đưa nhau vào những trò giết người dã man và ngu xuẩn như vậy. Người ta tìm hiểu tâm lý những kẻ gây ác. Người ta tìm hiểu tâm lý các nạn nhân Do Thái ở các trại tập trung. Và các nhà tâm lý học khám phá một điều khác thường: giấc mơ của các nạn nhân không phải là một chế độ nhân đạo hơn chế độ đã đày đọa họ, một xã hội tự do hơn xã hội đào thải họ, mà mơ trở thành những cai tù cay nghiệt hơn những tên cai tù hiện tại. Nhiều nhà nghiên cứu còn khám phá rằng các nạn nhân Quốc Xã khi có quyền hành có khuynh hướng suy nghĩ, hành xử, nói năng y như bọn Quốc Xã đã hành hạ họ. Họ cũng cực đoan và kỳ thị trong cách xét đoán như bọn Quốc Xã. Họ cũng đặt ra một thứ đạo đức tối thượng như phe Quốc Xã: cái gì không phục vụ cho sự nghiệp Chống Quốc Xã đều xấu, đều đáng khả nghi.

Tôi nghĩ hậu quả trầm trọng nhất những chế độ toàn trị như Quốc Xã hay Cộng sản để lại cho nhân loại, là sự xóa bỏ xã hội dân sự và những nguyên tắc đạo đức hằng cửu từng giúp loài người phân biệt được thiện ác, tốt xấu trong đời sống thường ngày. Người bạn trẻ gọi điện thoại vào Ðài than phiền cách ăn nói của “các chú các bác”, vì bạn có may mắn không phải sống trong những trại cải tạo, không phải bị nhồi nhét lòng căm thù, không phải nghe ra rả hằng ngày những lời chửi bới “con nọ thằng kia”.

Và “các chú các bác” nạn nhân của chế độ toàn trị, dù đã may mắn thoát khỏi nanh vuốt của kẻ thù, vẫn chưa thoát được hấp lực của triết lý chính trị toàn trị: như chính trị là thống soái, và một hệ thống tổ chức vô cùng hữu hiệu trong việc tạo loạn và tranh quyền.

“Các chú các bác” nghĩ phải “dĩ độc trị độc”. Bọn cai tù quen xỉa xói “con nọ thằng kia”. Muốn trị bọn cai tù, mình cũng phải “con nọ thằng kia”. Có lẽ đã tới lúc lớp già chúng ta nên chịu khó nghe những lời rụt rè của con cháu trong nhà, mỗi khi chúng ta quá to tiếng.

Nguyễn Mộng Giác

   Số lần đọc: 4983

Tác Phẩm

BÀI KỀ

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây