Nơi lưu giữ những tác phẩm của Nhà Văn Nguyễn Mộng Giác (1940-2012)

Nơi lưu giữ những tác phẩm của Nhà Văn Nguyễn Mộng Giác (1940-2012)

Lại bàn một chuyện cũ…

Nguồn: Văn Học số 74

Trước hết tôi xin kể một chuyện hậu trường văn chương ở đây, nơi vẫn được xưng tụng là thủ đô của người Việt tỵ nạn.

Một nhà thơ từng lê la mười năm ở các nhà tù cộng sản miền Bắc, được đoàn tụ gia đình chưa được bao lâu lại mắc vào vòng lao lý hơn ba mươi tháng vì tội liên hệ phản động. Cả gia đình nhà thơ vừa qua Mỹ theo diện H.O chưa đầy một năm. Gia đình đông, đến Mỹ vào lúc kinh tế suy thoái, việc làm khó kiếm mà tiền nhà tiền ăn cứ chồng chất hằng tháng phải trả, nhà thơ vẫn có một quyết định hết sức thơ: ông chạy đôn chạy đáo xoay tiền in được một tập thơ đẹp, sau đó chạy đôn chạy đáo tổ chức một buổi họp mặt văn nghệ để trình làng tập thơ của mình. Bạn bè tới dự đông đảo, bạn nghề thời ở Sàigòn và các tỉnh, bạn tù ngoài Bắc và Chí Hòa, bạn văn quen trước quen sau. Một người bạn văn được mời lên diễn đàn để phát biểu cảm tưởng về tập thơ. Những lời trân trọng, nghiêm túc, chí tình. Nhưng ở phần cuối, như muốn điểm xuyết cho một bài phát biểu phần lớn toàn những ý trân trọng ngợi khen, người bạn tỏ ý tiếc là tập thơ của nhà thơ cựu tù nhân cộng sản “chưa có nhiều lửa”.

Cái nốt ruồi điểm xuyết đầy thiện chí thân ái ấy không ngờ trở nên nguyên nhân một mối bất hòa trầm trọng. Nhà thơ giận bạn, bạn giận nhà thơ không hiểu mình. Tình bạn lâu bền bị tan vỡ chỉ vì một câu “giá mà…, “tiếc rằng…” đơn giản.

Chuyện mới, chuyện đơn giản ấy, thật ra là một chuyện cũ và không đơn giản chút nào. Hãy thông cảm cho người bạn ưu-thời mẫn-thế tôi tạm đặt bút hiệu là nhà văn “Giá Mà”. Ông có rất nhiều bạn đồng tâm cảm, đồng chí hướng, và được đông đảo độc giả ái mộ. Ông thuộc vào trường phái “Giá Mà” đã có một truyền thống lâu đời, và bất cứ thời nào, bất cứ ở đâu, chủ trương văn nghệ của ông cũng ở thế thượng phong; thời bình thì các nhà văn nhà thơ “Giá Mà” thường làm quan to, vừa viết văn vừa làm thơ vừa ban huấn từ nhắc nhở các vị nhà văn nhà thơ thường dân nên viết cái này, không nên viết cái kia; thời loạn thì họ làm lãnh tụ tranh đấu hô hào xuống đường, vừa làm thơ vừa viết hịch hoặc thảo tuyên ngôn. “Giá mà…”, “Tiếc rằng…” chỉ là cách nói văn hoa trao đổi giữa người văn nhã, chứ thực ra, theo truyền thống “văn dĩ tải…” của trường phái này, cách nói phải bộc trực đanh thép hơn, như “phải” và “không được”.

Xuất phát từ nguyên tắc “Văn nghệ phải phục vụ chính trị”, trường phái “Giá Mà” đòi hỏi văn nghệ sĩ phải dùng tài năng thiên bẩm của mình phục vụ đắc lực cho thế lực chính trị hiện đang “quản lý” văn nghệ sĩ, vì ngay cả tài năng thiên bẩm ngẫu nhiên cũng là tài sản của chính trị.

Trong các giai đoạn lịch sử chính trị ổn định, quyền lực chính trị duy trì được lâu bền để thành chính thống, thì đòi hỏi ấy không đặt cho giới văn nghệ nhiều vấn đề khó xử, không gây những băn khoăn thao thức lớn. Hàng nghìn năm cổ văn, thế mà ít khi chúng ta đọc được những thắc mắc hoài nghi về “văn dĩ tải đạo”. Ăn cơm chúa, thì múa tối ngày để đẹp lòng chúa là chuyện bình thường, không hề thắc mắc múa may như thế là vinh hay nhục.

Nhưng vào những lúc chính trị bất ổn, cái thế chính thống bị thử thách, thì ngay lập tức chủ trương “Giá Mà” bị giới văn nghệ e ngại, lo sợ. Họ ngại và sợ cũng phải, vì họ bị soi mói từng cử chỉ, từng chữ viết. Một câu thơ ngẫu hứng có thể bị xuyên tạc này nọ, và không thiếu gì nhà thơ mang họa cho họ hàng vợ con chỉ vì một chữ, một câu thơ “có vấn đề”. Người cầm quyền thiếu tự tín thì nạn nhân đầu tiên bao giờ cũng là văn nghệ sĩ.

Rồi ngay cả những thế lực muốn tranh đoạt quyền bính cũng không để cho giới văn nghệ yên thân. Thử tưởng tượng tình cảnh khó xử của Lý Bạch. Ông là một nghệ sĩ thuần túy được cái may mắn sống đầy đủ với chất nghệ sĩ của mình. Tục truyền nhà vua ưu đãi ông bằng cách ban cho nhà thơ lớn một tấm thẻ bài, ông đi đâu chỉ cần đưa tấm “credit card” đó ra là các quan địa phương phải cúc cung tận tụy lo đủ rượu thịt cho ông. Tôi tin là ông lạm dụng tấm thẻ bài ấy hơi nhiều, không chút áy náy, cho đến lúc… chính tấm thẻ bài làm phiền ông. Lúc nào vậy? Sử Trung Hoa ghi lại rằng vì Đường Minh Hoàng mê đắm nhan sắc người quí phi họ Dương, bỏ bê triều đình mà nhân tâm bất mãn, loạn lạc nổi lên khắp chốn, quan trọng hơn hết là loạn An Lộc Sơn. Giả sử hơi men và cảnh đẹp lôi cuốn Lý Bạch đến một miền đất bất mãn với triều đình. Ông sẽ cư xử làm sao, ăn nói làm sao khi có nhà nho lớn tiếng chất vấn ông vì sao đem tài thơ ca tụng nhan sắc Dương quí phi. Vân tưởng nghê thường hoa tưởng dung. Ngươi có “nhất điểm lương tâm” hay không, khi hàng vạn nhà đói khát vì triều chính suy đốn, nhân tâm ly tán vì “ác phụ” họ Dương thì ngươi lại viết những lời phù phiếm!

Tôi đoán nếu gặp cảnh huống khó xử như thế, Lý Bạch chỉ biết ngồi thừ một chỗ dùng rượu lộc giải phiền, chứ không biết phải phân giải thế nào.

Lý Bạch và những người chất vấn Lý Bạch (giả sử thế) cùng sống trong một hoàn cảnh nhưng không cùng nói một “ngôn ngữ”. Nói cho chính xác hơn, họ không giống nhau trong cách định giá chữ nghĩa, văn chương.

*

Nhà thơ cựu tù nhân cộng sản và nhà văn “Giá Mà” tạm giận nhau cũng vì quan niệm văn chương khác nhau.

Nhà văn “Giá Mà” nghĩ tới nhà thơ là nghĩ ngay tới công dụng của thơ. Nếu hôm ra mắt tập thơ thì giờ cho phép, ông đã cặn kẽ giải thích những điều ông lấy làm tiếc là bạn ông (người từng ở tù cộng sản mười ba năm, người chiến sĩ chống Cộng có thành tích, người có lập trường quốc gia bảo đảm) đã không làm dù đầy đủ điều kiện tốt.

“Giá mà” bìa tập thơ là bức tranh vách tù với những vòng kẽm gai dưới một vòm trời màu sẫm, thay vì tranh tố nữ!”

“Giá mà” lời thơ chỉ có những tiếng thét đau đớn vì đòn tra tấn, những đôi mắt căm hờn, những tên vệ binh tàn nhẫn, những lời hịch đanh thép!

“Giá mà” nhà thơ bạn ông cẩn thận chọn lọc hơn, gạt bỏ không thương tiếc những bài thơ phù phiếm thiếu lửa, không xứng đáng với mười ba năm tù!

“Giá mà” những điều “giá mà” trên kia đều có, buổi ra mắt thơ hôm nay đã trở thành một cuộc hội thảo đấu tranh sôi nổi với cả nghìn người tham dự, có chào cờ quốc ca và mặc niệm, có tuyên dương thành tích và choàng vòng hoa, có tuyên ngôn tuyên cáo, và ngày hôm sau, ảnh người thi sĩ chiến sĩ đã đăng tải trên hầu hết trang đầu báo Việt ngữ.

Ông thành thật tiếc cho bạn ông, nhà thơ quá đủ điều kiện để vinh thăng thành người chiến sĩ đấu tranh. Gươm đàn nửa gánh, non sông một chèo. Từ lâu, lâu lắm rồi, hình ảnh người nghệ sĩ mang gươm đi cứu đời cứu nước đã trở thành giấc mơ tuyệt vời. Bạn ông được đời trao cho thanh gươm báu, giá mà bạn ông biết tận dụng thời cơ vâng theo ý trời để múa một đường gươm đẹp!

Nhà thơ có lẽ không hiểu thiện chí của nhà văn “Giá Mà”, bực mình, ngẩn ngơ, rồi nổi giận chỉ vì mấy tiếng “chưa có nhiều lửa”. Mười bảy năm qua lúc nào ông cũng phải im lặng chịu đựng những lời “tuyên huấn” na ná như vậy. Đi đâu ông cũng nghe tiếng sắt thép chát chúa. Con ông ê a học bài:

Nay ở trong thơ nên có thép
Nhà thơ cũng phải biết xung phong.

(Thơ Hồ Chí Minh)

Dở tạp chí văn chương tìm chút gió mây, ông lại nghe quan to văn nghệ phán:

Thơ không chỉ đưa ru mà còn thức tỉnh
Không phải chỉ ơi hời mà còn đập bàn, quát tháo, lo toan.

(Thơ Chế Lan Viên)

Chạy trời không khỏi nắng. Ông sống giữa những tiếng huyên náo và màu đỏ chói. Ông tìm cách tự vệ. Nàng Thơ (Nàng Thơ đích thực chứ không phải thơ chép) cuối cùng đã đến cứu ông. Sau những ngày tù dằng dặc, sau những giờ phút kiếm sống vã mồ hôi, ban đêm Nàng Thơ se sẽ đến bên ông, an ủi vỗ về ông. Ông hả hê trút hết bao nỗi phiền muộn, những giấc mơ, những kỷ niệm, một tà áo, một ánh mắt, những phẫn nộ, những yếu đuối. Nàng Thơ chăm chú nghe hết những lời ông tâm sự, không hề nhắc nhở ông điều này, cấm đoán ông điều nọ. Ông cảm thấy thoải mái, yêu đời. Từ lâu lắm, ông không tìm lại được mình. Ông là con số tù, ông là bản lý lịch trích ngang trích dọc, ông là một nhân số tạm trú, ông là người ký tên vào bản tự kiểm. Nhờ Nàng Thơ, bây giờ ông đúng là ông.

Lúc còn ở tù, ông cố nhớ hết những lời Nàng Thơ thì thầm với ông. Vừa được trở về, việc đầu tiên ông làm là ghi lại hết những vần thơ êm ái ấy. Để làm gì? Không làm gì cả! Chưa chắc vợ con ông đã hiểu ông. Bạn bè còn tin được những ai? Ông ghi lại, làm thêm vài bài thơ nữa, chỉ để cho ông mà thôi. Người xưa bảo “thi ngôn chí” để phản bác lại nguyên tắc “văn dĩ tải đạo”. Thơ của ông là phần thể hiện trọn vẹn nhất cá nhân ông, những đau đớn và hy vọng, hiện thực và ước mơ của riêng ông trong thời kỳ dông bão. Chính vì thế mà ông tìm hết cách đem bản thảo ra nước ngoài, và, như một cách tự xác định trước vợ con bè bạn, ông tìm cách in thơ. Ông không hề nghĩ đến công dụng xã hội của thơ mình. Qua kinh nghiệm, ông nhận thấy vào những lúc khốn cùng nhất của đời, Nàng Thơ tìm đến ông vì lòng lân cảm chứ chẳng có mục đích nào khác. Nàng Thơ không hề lợi dụng ông, chiêu hồi ông để sai ông điều gì.

Nàng Thơ “đưa ru”, “ơi hời” cho ông tai qua nạn khỏi mà lòng không vướng bận những ai oán, chua chát. Nghe bạn ông “tiếc rằng”, ông nhớ ngay đến hai câu thơ của Chế Lan Viên. Nhưng xin tha cho ông: “đập bàn, quát tháo, lo toan”, theo ông nghĩ, không phải là việc của Nàng Thơ. Đó là việc của quan tòa, công an, cảnh sát, mật vụ, lính kín, cai ngục. “Đập bàn quát tháo” để “thức tỉnh” đời. Ông không quen làm việc đó. Dĩ nhiên đời nhiều lúc ngủ mê cũng cần đập bàn quát tháo để lay tỉnh thật đấy. Nhưng bá nhân bá tánh, khối người ưa quyền lực đã tự nguyện xung phong làm việc đó. Phần ông, không thích. Ông ưa “ơi hời” hơn.

Người nào ưa “đập bàn quát tháo” bằng thơ thì cứ việc. Có những lời quát tháo đã đi vào lịch sử. Thơ tuyên ngôn, hịch tranh đấu, thơ tù… không hề thiếu trong sách sử, đánh dấu một thời kỳ, tô điểm nét trí tuệ cho cuộc đời lãnh tụ. Nói cho công bằng, những nhà hoạt động chính trị, những “chí sĩ” ấy chỉ muốn dùng văn thơ để tuyên truyền cổ động cho xu hướng chính trị của mình, chính trị là chính, thơ chỉ là phụ. Họ là những nhân vật lịch sử lớn, nhưng là những nhà thơ nhỏ. Thơ của họ là “tài liệu lịch sử”, chưa phải là “tác phẩm”. Khi nắm quyền lực, họ có thể sai một bọn văn nhược tung hô họ thành thi bá, thi hào, một chữ viết sai chính tả, một dấu chấm trật chìa của họ cũng trở nên siêu đẳng kỳ diệu. Quyền lực hết, xuôi tay nằm xuống, họ vẫn là nhân vật lịch sử, nhưng thời gian vốn công bằng, họ liền trở lại cái vốn họ có: là một nhà thơ tồi.

Cũng có những nhà thơ đích thực bị lịch sử lôi cuốn đến nỗi lớn tiếng phủ nhận những “lời ru” để hăng hái “đập bàn quát tháo”. Xuân Diệu là một ví dụ. Chế Lan Viên là một ví dụ khác. Cả hai nhà thơ lớn của thi ca Việt Nam đều đã nằm xuống. Cả hai về già chỉ muốn nhớ lại họ là tác giả của những lời ru. Bạn đọc lỡ yêu mến họ cũng cố quên những lời quát tháo của họ, để khỏi vướng víu mỗi lần ngâm thơ tình của họ. Lỡ dại quát tháo quá nhiều bằng thơ, họ mất cả chì lẫn chài: Nàng Thơ bỏ họ, mà bọn làm chính trị dùng họ như là một khí cụ quá bén, sợ đứt tay nên không cho họ nhập bọn.

Nhà văn “Giá Mà” có thể chất vấn bạn: “Vậy thì địa vị xã hội, trách nhiệm xã hội của nhà thơ nằm ở đâu, là gì?” “Anh là một thứ ‘siêu-công-dân’ ở bên trên xã hội hay sao?” Có thể nhà thơ sẽ phân trần: gia cảnh tôi thế này, hình hài tôi thế này, tiền bạc tôi thế này, đời thương hại là may, còn dám lên mặt với ai. Tôi thua xa mọi người, trừ một niềm kiêu hãnh khuất tịch lặng lẽ: là tôi đau hơn cái đau của thiên hạ, mừng sâu hơn cái mừng của thiên hạ, và nỗi đau nỗi mừng của thiên hạ qua đi theo thời gian, còn tôi, tôi diễn ra được, lưu lại được. Tôi là một thứ “tang vật” của đời sống, bọn cầm quyền tai ngược không thích tôi không phải vì tôi là một đe dọa đối với quyền lực của họ, mà chỉ vì sợ những “tang chứng” xấu xa của đời họ lưu lại đời sau. Còn đối với người đời, tôi chỉ là một người láng giềng vô hại, được cư xử với một chút thương hại, một chút thông cảm, một chút kính nể. Người đời không hề đặt những câu hỏi gay gắt như trên cho nhà thơ. Chỉ có những ông chủ đặt câu hỏi đó để thu dụng thêm đầy tớ, những ông vua thu dụng thêm ca công, những nhà thơ tập tành làm lãnh tụ, những nhà văn đột ngột ưa thích đóng vai cán bộ tuyên huấn mới thích đặt câu hỏi đó.

Nhà thơ khỏi phải trả lời những loại câu hỏi đó, vì họ chỉ nghĩ đến “dụng”, trong khi nhà thơ chỉ quan tâm tới “thể”. Họ muốn Nàng Thơ phải ăn mặc hợp thời trang, trong khi nhà thơ trong những “phút linh cầu” chỉ biết tới những lời ru êm đềm thân ái của Nàng Thơ. Lời ru kết tụ Tâm Thành và cái Đẹp. Những thứ mong manh huyền ảo ấy nhiều lúc giúp ích cho đời nhiều hơn là thời trang và những tiếng đập bàn, quát tháo.ª

Nguyễn Mộng Giác

   Số lần đọc: 5532

Tác Phẩm

BÀI KỀ

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây