Từ văn phòng xuống lớp, tôi phải qua một khoảng sân nắng còn bốc bụi mù mịt. Học sinh đã vào lớp, nhưng những bước chân chim nhảy nhót đùa giỡn mấy phút trước đó, vẫn còn lưu dấu trong không khí. Tôi ngửi thấy mùi hăng hăng của cát nóng, mùi ngai ngái của lá me khô, và thoang thoảng đây đó mùi khét nắng của những mái đầu tóc hoe. Tôi cười một mình. Cát nhỏ rào rạt dưới chân. Gót guốc cắm sâu vào lòng đất, cắm thật sâu, nhưng ăn thua gì, khẽ nhấc một chút, chiếc guốc đã nhẹ hẩng. Giơ lên cao hơn lệ thường, tôi ấn mạnh guốc xuống cát lún chút nữa. Nhưng tôi vẫn bước. Đôi gót lãng du. Vì, đúng là đôi gót lãng du, thích chạy nhảy quanh co, đùa cợt, quên hết cả giờ giấc như lũ học trò của tôi. Nắng thêu hoa lên mặt sân. Cát ươm nồng không khí. Bụi bay lãng đãng nhẹ nhàng… Tôi chợt vui vô cớ. Tôi hát, tôi hát nho nhỏ, một bài gì đó đầu Ngô mình Sở nhưng chắc là một khúc vui vì nhịp nhanh và ríu rít như tiếng chim sẻ trên cành bàng phía trước văn phòng. Lũ học trò đang lao xao trong kia. Cái lũ quỉ. Đã dặn không biết bao nhiêu lần là khi cô chưa kịp tới, phải ngồi vòng tay lại, không ai được nói chuyện, không ai được đập bàn xô ghế. Liên toán trưởng phải có phận sự lên đứng trên bục cao nhìn xuống phía dưới lớp ghi hết tên đứa nào không cho đôi môi kịp làm da non. Cứ biên hết tên lũ quỉ đó cho cô. Nhiều lần thằng liên toán trưởng phân vân. Nhưng thưa cô tụi nó không sợ em. Em mới mở miệng, tụi nó đã ê xuống đi. Tôi đã mách nước cho thằng liên toán trưởng: “Thế này nhé, em được cả lớp bầu lên chứ phải chuyện chơi đâu. Em được cô tin cậy, như vậy em phải cho tụi nó thấy cái oai của em chứ. Em đứng thế này này. Đứng thật thẳng. Hay tay chắp sau lưng. Ngực hơi trỡn tới một chút. Em nhìn đăm đăm không chớp mắt xuống phía dưới, ráng đừng có nhảy. Em nhìn quét một lượt từ phía phải qua phía trái, rồi lại nhìn từ trái qua phải…”
Lúc tôi đến cửa lớp, bọn quỉ đang chọc ghẹo nhau, la hét chí chóe trong khi liên toán trưởng hí hoáy ghi gì đó lên bảng. Thằng bé chắc nó áp dụng bài học của mình, sau khi nghiêm nghị ra uy đã cương quyết ghi tên bọn mất trật tự lên bảng cho cô phạt. Tôi bước vào, cả lớp đứng dậy đồng loại, im phăng phắc, không nhúc nhích, y như những pho tượng trong cái nhà mồ xi măng vuông vức sáu thước bề ngang, sáu thước bề dọc. Liên toán trưởng ngượng nghịu bối rối, nửa muốn đưa tay xoá hàng chữ trên bảng nửa muốn trở về chỗ mình. Tôi đọc thấy hàng chữ nguệch ngoạc “yêu cầu các trò…” Chết rồi! Yêu cầu! Yêu cầu! Làm lớn mà không dám ra uy, còn xuống giọng năn nỉ, yêu cầu các trò im lặng không thì cô la. Tôi bắt đầu ra dấu cho Tuấn về chỗ, chậm rãi bước lên ngồi trên bàn thầy. Đứa nào đó trong đội trực đã cắm vào bình hoa hai cái bông trang và mấy nhánh lá xanh. Chiếc khăn phủ bàn bằng ni lông trắng thật ngay ngắn, phẳng phiu. Đám học trò của tôi đáng yêu biết bao nhiêu. Tại sao tôi có thể gắt gỏng với những tâm hồn thơ ngây, những nét mặt non nớt nầy cho được. Tại sao có lần tôi đã ôm đầu mà thét lên trước mặt hiệu trưởng: “Anh cho tôi đi. Làm ơn cho tôi thoát khỏi cái địa ngục nầy. Toàn là lũ quỉ sứ, ồn như cái chợ và khét nắng không chịu nổi”. Tôi ngắm hai cái bông trang trong bình, nói với học trò:
“Các em lấy vở viết chính tả”.
Như một phép lạ, tiếng ồn ào vỡ như thác nước. Cả tụi nhao nhao:
“Cô chưa cho ngồi xuống mà cô!”
Tôi cười giả lả, phác tay bảo:
“Ờ, cô quên, thôi các em ngồi xuống đi. Môn đầu tiên là viết chính tả phải không?”
“Dạ, chính tả cô”.
Tôi quay xuống hỏi:
“Em nào xung phong lên viết bảng”.
Dường như không có đứa nào không đưa tay xung phong. Lần nào cũng vậy! Không hiểu được lên bảng, ngọ ngoạy phía sau cái màn che vải xanh phai màu để nắn nót viết những hàng chữ xiên xẹo lên dốc xuống ghềnh có cái gì hấp dẫn, đến giờ chính tả, đứa nào cũng tranh nhau giơ cao tay cho cô chọn. Một ý nghĩ ranh mãnh chợt đến, tôi nói:
“Cô biết chọn ai bây giờ! Thôi, cô chỉ chọn những em đẹp trai thôi!”
Quá nửa lớp rụt rè rút tay lại, không nhí nhỏm như trước nữa. Mấy đứa biết rõ mình đẹp trai, hết sức tự tin, đứng thẳng người lên, đưa tay cao lên hơn. Thấy vẻ tiu nghỉu của mấy đứa xấu, tôi hối hận. Sao lại tạo cho mấy đứa bé ngây thơ nầy sự thắc mắc vô lối về chuyện đẹp xấu, gieo cho chúng niềm oán trách hờn tủi đối với số phận, đối với Thượng đế? Mình có điên không đây? Trời đâu đã nắng bao nhiêu, và gió nam chưa thổi mà Nhàn! Mày có điên không Nhàn! Tôi bối rối, bảo học trò bỏ tay xuống, giải thích cho chúng hiểu:
“Cô nói đùa đó. Cô thương các em đồng đều, không phân biệt lớn nhỏ, giàu nghèo, xấu đẹp gì hết. Các em đừng có mặc cảm”.
Lũ trẻ ngơ ngác không hiểu. Thằng Tuấn giơ tay hỏi:
“Thưa cô, mặc cảm là sao hở cô?”
Mày lại lầm lẫn nữa rồi Nhàn! Lũ trẻ lớp bốn có hiểu gì đâu mà nói chuyện mặc cảm không mặc cảm! Tôi không biết phải giải nghĩa thế nào, vừa nói bâng quơ, vừa tìm ý.
“Mặc cảm hả! Mặc cảm là… là mặc cảm. Chờ các em lớn hơn cô mới giải thích được. Cô cho ví dụ như thế nầy nhé. Như em Trần Xuân Đức ngồi chỗ cửa sổ kìa”.
Thằng Đức giật mình không hiểu cô muốn gọi mình làm gì, sợ sệt đứng dậy. Cả lớp reo lên thúc dục:
“Đức vồ! Đức vồ! Cô gọi kìa!”
Tôi cười bảo Đức ngồi xuống, rồi chờ cho cả lớp yên lặng mới nói:
“Các em đặt cho Đức cái biệt hiệu Đức vồ, vì Đức có cái trán lồi hơn thiên hạ một chút. Đầu tiên Đức đâu có để ý, phải không. Nhưng về sau nghe các bạn chế nhạo, em chột dạ, cứ vuốt vuốt cho mái tóc trước trán che lấp phía trước, che lấp cả mắt luôn”.
Cả lớp lại cười ồn ào. Tôi hỏi tiếp:
“Như vậy là Đức có mặc cảm”.
Thằng Minh giơ tay hỏi:
“Thưa cô, như vậy mặc cảm là cái gì xấu trên thân thể mình phải không cô?”
Những đứa khác cũng còn thắc mắc nhưng sợ không dám hỏi, nên chú ý nghe lời tôi giải đáp. Tôi nói:
“Không phải thế. Minh hiểu lầm rồi. Thôi cô lấy một ví dụ nữa nhé. Tại sao em cứ đội mũ hoài vậy Minh? Vào lớp mát em đội mũ, ra sân có bóng mát, em cũng đội mũ. Cô vào lớp, em mới chịu bỏ mũ ra”.
Minh bẽn lẽn, trả lời ngập ngừng:
“Mấy bữa nay trời nắng quá cô”.
Cả lớp cười ồn lên. Đứa nào đó nói lớn:
“Không phải, Minh gáo nói xạo!”
Tôi làm mặt nghiêm để tái lập trật tự. Tôi nói:
“Nhiều hôm trời không nắng em vẫn đội mũ. Cô biết hết. Chỉ vì em sợ tụi bạn quỉ sứ len lén đến phía sau lưng đưa tay xoa cái đầu trọc của em rồi la lên: Minh Gáo ! Minh Gáo!”
Minh thẹn, ngồi im một chỗ không nói gì được. Tôi hơi hối hận, nhưng muốn nhân cơ hội tìm hiểu vì sao Minh thường cúp một cách tàn sát, trọc lóc như các nhà sư, tôi nói:
“Em sợ tụi nó chòng ghẹo nên đội mũ. Đó là mặc cảm. Nhưng cô hỏi thật nhé, tại sao em không cúp cao hơn một chút?”
Minh đứng dậy, giọng lí nhí:
“Thưa cô, cha me bảo cúp như vậy cho được lâu, đỡ tốn tiền”.
Không khí trong phòng có vẻ ngột ngạt, vì sự nghiêm nghị, thẹn thùng của tôi. Mải vui tôi đã vô tình gợi cho Minh một điều em cố quên: Cái nghèo. Lũ học trò thấy vẻ mặt tôi, không dám vui đùa tự nhiên la hét nữa. Để xoá tan nỗi khổ tâm của Minh, tôi gắng cười nói, san sẻ bớt mặc cảm của em cho mấy đứa khác:
“Mà thôi, chuyện đó có gì đáng buồn đâu. Em nào lại không có cái hơi lạ, hơi khác thường cần phải che giấu bạn bè. Này nhé, trong lớp nầy, cô thấy thiếu gì! Có em cả tháng trời không chịu tắm, cổ có ba vòng kiềng đất đen. Mỗi lần cô gọi lên đọc bài cứ co ro thụt cổ thun vai cho cô khỏi trông thấy. Ai đó?”
Cả lớp lấy lại niềm vui ban đầu, trả lời lớn:
“Đồng đất”.
“Có em không hiểu vì sao cứ áy náy mãi về cái quần, cái nịt của mình. Mỗi lần cô kêu lên bảng, trước khi gân cổ lấy giọng đọc bài em đó luôn luôn đưa tay lên nịt rán kéo lên”.
“Bình Xách Quần”.
“Có em vì không nghe lời cha mẹ, cả ngày chạy rong ngoài đường, nắng đốt đen thui cả mặt mũi, chân tay”.
“Tương Ông Táo”.
“Thôi, mắt thì giờ nhiều rồi. Cô chọn một em lên viết chính tả nhé. Cô chọn một em không mặc cảm”.
Tôi giơ tay chỉ lên trần, xoay người đảo một vòng như cái quay bán kẹo kéo trước cổng trường. Cả lớp yên lặng chờ đón. Tôi xoay qua xoay lại hai ba vòng, cuối cùng chỉ vào Tùng.
Cả lớp cười rồ, reo lớn:
“Tùng Bi Li! Tùng Bi Li!”
Tùng hãnh diện ra mặt, chạy nhanh lên bục, kéo mạnh cái màn che hết tấm bảng gỗ sơn màu lá cây. Che kín xong, Tùng ngồi xuống chui ra ngoài, đến bàn tôi lấy viên phấn. Tôi bảo cùng cả lớp:
“Các em viết cẩn thận nhé. Nhất là dấu hỏi, dấu ngã. Lần nầy em nào còn viết lầm hỏi ngã cô sẽ trừ một điểm chứ không phải trừ nửa điểm như kỳ trước. Nhớ chưa?”
“Thưa cô, nhớ”.
Chờ cho Tùng chui trở vào màn, tôi đọc:
“Chính vì con
Chính vì con mà người thợ xay bột…”
Tương Ông Táo láu táu hỏi:
“Bột viết C hay T cô?”
Tôi mắng át:
“Viết chính tả mà còn hỏi cô. Với lại hỏi gì mà đần vậy. Bột viết C thành ra chữ gì?”
Bấy giờ cả lớp mới thấy cái ngớ ngẩn của Tương, ồ lên cười. Chờ cho chúng im lặng trở lại tôi đọc tiếp:
“… mà người xay bột phải mặc quần áo đầy bột trắng xoá. Chính vì con mà áo người hàng thịt nhuộm đỏ đầy những máu. Chính vì con mà nhà nông bị cháy nắng, dày dạn gió mưa. Chính vì con mà người thợ máy phải đứng trên đầu xe lửa, mà người lính phải chiến đấu ngoài biên thùy. Mỗi người trong khi làm việc riêng của mình phải phục vụ được toàn thể đồng bào. Ngày nào mà con đã hiểu mọi điều đó…”
Chờ cho học sinh viết tiếp, tôi đưa mắt nhìn quanh lớp. Dước góc trái, thằng Viên ngồi cắn quản bút không viết, nhìn lơ đãng ra phía hàng rào dây thép gai đan theo hình ô vuông. Tôi hỏi:
“Viên, sao không lo viết mà ngồi thừ ra đó thế?”
Viên giật mình cúi xuống vở, nhưng vì không nghe câu trước nên phải quay sang hỏi đứa bên cạnh. Thằng Đồng lắc đầu quầy quậy, lấy tay che kín trang vở. Thấy dáng Viên tội nghiệp quá, tôi nhắc lại:
“… Ngày nào mà con đã hiểu mọi điều đó, không những con sẽ kính trọng những người lao động ấy, mà lại còn cố gắng để thành người có ích cho xã hội. Chấm hết. Cô đọc lại dò nhé!”
Lúc chấm điểm cả lớp đều khá cả, chỉ trừ có Viên. Xoá viết thành xoá; nhuộm thành nhượng; những thành nhửng. Không thể chịu đựng được nữa. Tôi quát lớn:
“Học hành như vậy hả? Đi học một hôm nghỉ hai ba hôm. Ngồi trong lớp chỉ lo ngóng chuyện ngoài đường. Không muốn học nữa, thì nghỉ học đi, đừng vác mặt đến đây nữa”.
Viên cúi gằm mặt xuống bàn, vai so lại như run sợ vì không chịu đựng nổi những ánh nhìn thương hại, khinh bỉ của bạn bè đổ dồn về phía mình. Hình như Viên có khóc, vì Viên đưa cổ tay lên quệt nhiều lần ở mũi. Tôi vẫn giữ im lặng, để dằn mặt một học sinh lười biếng và cảnh cáo những đứa khác. Không khí trong phòng lắng đọng, tù túng, căng thẳng. May mắn, lúc bấy giờ, chuông báo hiệu giờ ra chơi giục giã, nô nức.
*
Chưa kịp cho học trò ra sân, con Phương dạy bên lớp năm đã chạy đến trước cửa léo nhéo:
“Nhàn, ra tao nói cái nầy!”
Tôi vờ không nghe thấy, gắng làm mặt nghiêm bảo học trò:
“Các em khá lắm. Thôi ra chơi đi. Không được chạy nhảy nhiều rách quần áo mẹ. Không được chọc ghẹo đập lộn nhau nghe chưa!”
Lũ trẻ đồng thanh trả lời:
“Nghe”.
Tôi vừa phát tay, cả lớp đã ùa ra khỏi phòng nực nội như đàn ong vỡ tổ. Phương vẫn kiên nhẫn đứng chờ ngoài hiên. Tôi hỏi:
“Chuyện gì đó bà?”
“Ra đây. Vui lắm. Mày có biết chàng Tiêu hôm nay ăn mặc thế nào không?” Tôi miễn cưỡng đi theo Phương. Tôi muốn nói với cô bạn đồng nghiệp: “Biết rồi. Khổ lắm! Nói mãi!” Tiêu vừa đổi tới trường này sau khi được giải ngũ. Dáng người cao lớn, vạm vỡ. Vai rộng. Mái tóc cắt ngắn và mầu da nâu, dấu tích của bao năm binh nghiệp, khiến ở Tiêu toả ra một vẻ cường tráng, cương nghị của những chàng giác đấu La Mã. Phương tíu tít hỏi thăm người nầy một ít, người kia một chút, và chỉ trong vòng vài ngày sau đã biết rõ cuộc đời ái tình cự nghiệp của ông thầy mới. Phương chê Tiêu kênh kiệu, chê Tiêu thô. Bộ đi đứng cứng nhắc, thiếu vẻ nho nhã cần thiết. Chê Tiêu có đôi mắt lờ đờ, khác hẳn vẻ mơ màng của các nam nhân vật tiểu thuyết tình cảm của Phương đọc suốt sáng, suốt chiều. Chê Tiêu thiếu mái tóc óng ả nghệ sĩ của chàng tài tử Pháp mà Phương cắt báo xi nê lồng vào bìa vở soạn bài. Nhưng tôi biết Phương quá rồi! Gương mặt xương xương như bất cần của Phương như thêm một chút sinh khí xa lạ nào đó. Sáng nay Phương có thoa chút son hồng trên đôi má, đôi môi ướt vaseline. Phương nói liên miên, tôi chỉ nghe thấp thoáng, vì biết câu chuyện quanh quẩn bấy nhiêu. Nhưng Phương không chịu buông. Thuý ở lớp ba lên chú ý ngay chiếc áo hoa của Phương, nhận xét thật thà:
“Mày may áo mới hồi nào đó? Khổ người mày, nét mặt mày mặc áo hoa lớn đâu có hợp”.
Phương giận đến đỏ mặt. Nhân cơ hội hai cô bạn cãi vã nhau về thời trang ăn mặc, tôi tìm lối thoát:
“Thôi, cho tao về lớp một chút. Bỏ quên cái thẻ kiểm tra trong cái mu soa, sợ tụi học trò lục lạo quăng mất”.
Tôi bỏ đi. Cả Phương và Thuý vẫn còn cãi một cách hăng hái. Bước vào cửa, tôi hết sức ngạc nhiên. Viên vẫn ngồi ở chỗ cũ, hí hoáy vẽ gì đó lên bàn học. Tôi hỏi:
“Sao không ra chơi hở Viên?”
Viên ngước lên, đôi mắt còn thật buồn:
“Thưa cô, em không thích. Ra nắng sợ đau”.
Lối thưa gửi lễ phép của Viên làm cho tôi cảm động. Tôi hỏi để giảng hoà:
“Khi nãy cô la, em có buồn cô không?”
“Dạ không, cô la đúng mà!”
Tôi đi xuống chỗ Viên, ghé ngồi lên bàn học sinh thấp lè tè và sơn màu nâu. Tôi hỏi Viên, có hạ giọng cho thật êm ái, hoà nhã:
“Cô hỏi thật. Tại sao Viên lười biếng vậy? Em học khá lắm, nhanh nhẹn và thông minh lắm. Nhưng mấy tháng nay, em đi học thất thường. Mà dù có đi, đến lớp ngồi thờ thẫn mất hồn như con cá ươn. Lúc nãy, tại sao đang viết chính tả, em ngồi thừ nhìn ra đường cái? Nhớ nhung gì ngoài đó?”
Tôi đưa tay vuốt tóc Viên. Nó cảm động đến rơm rớm nước mắt. Tôi quay đi cho Viên khỏi thẹn và lấy lại bình tĩnh, Viên trả lời:
“Em viết xong câu chính tả cô đọc, ngửng lên nhìn tụi nó trong lớp có đứa ngoẽo đầu, có đứa mím môi đến tức cười. Có đứa nằm soài trên mặt bàn. Bỗng nhiên em nghĩ: Đứa nào cũng có Ba hết, trừ mình. Em buồn muốn khóc, không nghe tiếng cô đọc bài nữa”.
Tôi cảm thấy nghẹn ngào trong cổ họng, sống mũi nhột nhạt. Tôi đã la oan cậu bé học trò bất hạnh của tôi. Mùi khét nắng toả ra từ mái tóc rối của Viên, lối ăn mặc cẩu thả dơ dáy của Viên, bàn tay dính đầy mực và những trang vở nhập nhoè chữ nghĩa của Viên không còn làm tôi khó chịu nữa.
Tôi hỏi:
“Ba em mất lúc nào?”
“Lâu rồi cô, cách đây bốn năm năm. Lúc ấy bé Xíu mới được có tám tháng”.
“Bé Xíu là em út của Viên hả?”
“Dạ. Tụi nó sợ em lắm. Thằng Trung học lớp hai dưới Mai Xuân Thưởng. Con Xíu phải ở nhà giữ em cho má đi làm”.
“Má em làm gì?”
“Dạ làm thư ký trong toà hành chánh. Má đi làm cả ngày thưa cô”.
Tôi tìm được một cớ chính đáng để khuyên răn Viên:
“Đấy em thấy không? Má em ở vậy. Suốt ngày đầu tắt mặt tối để ráng nuôi con, lo miếng cơm manh áo cho con đi học. Muốn mua cho em một quyển sách, muốn may cho em một cái áo, má phải vất vả biết bao ngày. Viên không biết nghĩ, bỏ lớp trốn học đi bụi đời ngoài đường là nghĩa lý gì! Má hi sinh cho Viên như vậy, nỡ nào Viên không thương má…”
Tôi còn định nói nhiều, thật nhiều. Tôi tưởng tượng Viên là Tường đứa con trai đầu của tôi. Sẽ có ngày bé Tường lớn lên, bằng tuổi Viên. Sẽ có ngày tôi khóc đến đỏ hoe cặp mắt khi hay tin bé Tường trốn học, la cà ngoài đầu đường góc chợ với lũ ma cô, ăn cắp. Tôi sẽ nói với bé: “Tường không thương mẹ sao Tường. Tường không nghĩ lúc mẹ dật dờ không ra người khi mang nặng thai con trên thân thể ốm yếu mảnh khảnh của mẹ. Tường không nghĩ nỗi lo âu của mẹ, bồn chồn khi con khẽ ho, khắc khoải khi con ấm mình đi tướt…” Tôi định nói, nói mãi nói hoài, nếu không nhìn trở lại dáng ngồi của Viên. Viên gục đầu lên bàn học, cố dằn lắm, nhưng không thể nào ngăn nổi những tiếng khóc ấm ức. Cuối cùng như một cơn nước lụt phá vỡ bờ đê, Viên khóc oà. Tôi luống cuống hỏi:
“Sao thế Viên? Cô có nói điều gì làm tủi thân em đâu. Sao thế Viên?”
*
Suốt ba hôm nay, Viên không đi học. Hôm đầu tôi nhìn về chỗ Viên ngồi, thấy trống, có cảm giác khó chịu của một kẻ thất bại. Tôi đã quá tin ở sức mạnh lời nói của mình. Viên đã khóc tức là đã ăn năn. Đứa con trai mười tuổi bất chấp mọi sự, ngồi khóc vùi trước mặt bạn bè, tất nhiên lòng nó phải xúc động cao độ, đến nỗi niềm kiêu hãnh chỉ là điều phù phiếm bá vơ. Trông cách Viên chăm chỉ viết tập, cẩn thận làm tính đố, ngoan ngoãn vâng lời, tôi đã tin rằng Viên hối hận. Viên đã hiểu, Viên biết Viên làm khổ mẹ. Viên ham chơi không nghĩ đến nỗi xót xa như muối đổ vào lòng của người mẹ goá chắt chiu từng chục từng đồng để gắng nuôi con nên người. Thấy Viên không đi học tôi bực mình. Hoá ra thằng bé vẫn chứng nào tật nấy: giả vờ khóc đấy rồi, buổi trưa về, nhìn cái bảng quảng cáo phim chưởng loè loẹt xanh đỏ trước rạp chiếu bóng, nghe tiếng nhạc dồn dập rộn rã từ loa phóng thanh, tiếng gọi quyến rũ của phố phường vẫn đủ sức lôi mạnh Viên về con đường cũ. Qua ngày sau, nhìn chỗ Viên ngồi tôi đâm ray rứt tự hỏi: Lỗi ở thằng bé hay lỗi ở mình. Tuổi thơ hồn nhiên, sống bằng những sự việc trước mắt, lo ăn, lo ngủ, lo chạy nhảy nô đùa, có bao giờ thắc mắc đến những vấn đề trừu tượng, phiền nhiễu. Chính mình đã đưa Viên vào một thế giới khác, nhọc nhằn hơn, ảm đạm hơn. Thế giới có những cơn lốc xoáy bụi mịt mù có những thác lũ cuồn cuộn quấy đục dòng sông tuổi thơ. Mặc cảm. Phải rồi. Chính mình đã khiến Viên mang nặng thêm một mặc cảm phạm tội, một gánh nặng làm còng chiếc lưng mềm, làm oằn đôi vai nhỏ. Viên không chịu đựng được nữa. Viên thua cuộc. Trong nỗi thất vọng Viên đâm liều, Viên nhủ thầm: Mình hư đốn quá mức rồi! Không còn có cách nào cứu vãn được nữa. Mình đã xuống cùng tận của đáy sâu hôi thối và nhơ nhớp. Thôi! Thà liều thả mình rơi xuống, vì đã đến nước này, có làm gì cũng chỉ là vô ích, phí công.
Hết trách Viên, tôi lại trách tôi. Tôi bực bội, cáu kỉnh vô cớ. Cả lớp mường tượng cảm thấy một mối nguy hiểm thấp thoáng đâu đó, tự động giữ im lặng và nét mặt đứa nào cũng nơm nớp, lo lắng trong lặng lẽ. Mấy ngày đó, ở nhà, thằng Tường và con Tí lại đau. Tôi tưởng đang sống giữa địa ngục. Cho nên tôi vui mừng biết chừng nào, khi đến sáng hôm thứ ba, vừa vào lớp được bao mươi phút thì một người đàn bà dẫn Viên tới. Hôm ấy trời gió, hai cửa sổ và cửa lớn trông ra phía sân đều đóng im ỉm. Nghe tiếng gõ, Tuấn nhanh nhẹn chạy ra mở cửa. Người đàn bà ấy đã đứng chờ sẵn ngoài hiên, phía sau thằng Viên có thu mình cho nhỏ lại, ngượng ngập cúi đầu khi tôi bước ra. Không chờ tôi hỏi, người đàn bà tự giới thiệu trước:
“Xin lỗi cô, tôi là má của trò Viên”.
Tôi không ngạc nhiên chút nào, vì đã đoán được dễ dàng từ đầu. Những lời xã giao ban đầu, ca tụng sự tận tuỵ của tôi và khung cảnh nhà trường, vừa vào tai này đã lọt qua tai kia, bay đi theo gió. Tôi không nghe được gì, tò mò nhìn người mẹ của Viên. Không hiểu sao tôi có ác cảm với bà ngay từ lúc mới gặp. Tôi chưa hề quen biết bà, lại không có một thành kiến nào với một phụ huynh học sinh xa lạ. Hơn thế nữa, chính tôi đã từng dùng hết sự dịu dàng khéo léo đề cao đức hy sinh của bà đối với Viên, để khuyên răn Viên chăm chỉ học hành. Tuy thế mới thoạt nhìn, tôi ngờ ngợ nhận thấy, mơ hồ thôi, có điều gì không hợp. Có thể tại vì mùi nước hoa hơi nồng, có lẽ cũng là loại champange đắt tiền nhưng bà đã lạm dụng, đi quá trớn. Ờ mà sao tôi lại khắt khe như thế được? Chính tôi, đôi lúc vào những ngày khó ở, vẫn dùng loại nước hoa này. Tại sao tôi đột nhiên khó tính với người mẹ của Viên. Có thể chuyện dùng nước hoa hay không, chưa thực sự đóng một tầm quan trọng nào nếu tôi không cố phác họa một hình ảnh khác, hoàn toàn khác về bà. Nghe Viên kể, tôi tưởng tượng ra một người đàn bà nhỏ thó, tóc rối, mắt buồn hiu, ăn mặc lôi thôi nhưng còn đủ đơn giản sạch sẽ để giữ tư cách con nhà. Tôi tưởng tượng một mẹ Việt Nam quên hết bản thân, quên hết cuộc đời mình để lo lắng cho con cái. Trong trí tưởng tượng đầy sương trinh và nắng hồng của tôi, người mẹ của Viên không bao giờ thèm dùng nước hoa. Nhưng nghĩ kỹ, có lẽ còn có nhiều chi tiết đáng ngờ khác: cái lối thường xuyên đưa lưỡi liếm đôi môi dầy cho luôn luôn ướt mọng, nũng nịu, nỗi lo lắng thái quá đến nỗi bàn tay cứ đưa lên vuốt nhẹ mái tóc chải kỹ sợ rối theo gió… Nói tóm lại, người đàn bà đang huyên thiên kể lể trước mặt tôi đây là một kẻ xa lạ, bị tôi từ khước, vì dám ra ngoài những mẫu mực tự ý tôi qui định. Tiếng nói của bà hơi khao khao, đầm ấm, như pha lẫn một khát vọng huyền bí và một mệt mỏii quyến rũ. Bà nói, bà nói mãi. Tôi bất chợt chụp được một vài âm thanh, hơi lạnh mình vì giọng rã rời mà thúc giục vời gọi:
“… Cô nghĩ mà xem. Tôi goá bụa đơn chiếc. Anh ấy mất là khỏe thân cho riêng anh ấy, còn tôi phải lo nuôi đám con dại. Ban đầu tôi cứ tưởng rồi ra trời đất sụp đổ hết. Tôi biết lấy gì nuôi lũ trẻ đây? Tôi đập đầu vào quan tài anh ấy, tôi đòi nhảy xuống cho người ta chôn chung một huyệt với anh ấy. Nhưng bà con hàng xóm cứ khuyên răn mãi, bảo gắng sống mà nuôi con. Tôi sống được đến ngày nay, chịu cực, chịu khổ, chỉ vì không nỡ bỏ chúng bơ vơ trên đời. Thế mà thằng quỉ sứ này có thương tôi đâu. Tôi đi làm cả hai buổi, nhiều bữa giấy tờ ở sở làm không xong, phải ở lại làm đến tám chín giờ tối. Tôi cứ nghĩ mình cực khổ thế, con cái nó tự biết thương mẹ, chăm lo học hành. Không ngờ cả bọn a tòng với nhau. Thằng anh đầu đàn bỏ học đi chơi, hai đứa em lại nói dối mẹ để che chở cho anh. Nếu cảnh sát không bắt đám trẻ con cờ bạc du đãng đem về ty, nếu anh ty trưởng không điện thoại cho hay, thì tôi cứ tin rằng con mình ngoan ngoãn. Trời ơi! Tôi nghe điện thoại mà không tin tai mình. Trời đất đảo điên! Sụp hết, đổ hết!…”
Tôi không thể tiếp tục nghe cái máy phát thanh liên hồi tả oán nữa. Tôi tìm cách nói sang chuyện khác. Viên vẫn nép sau mẹ, hai tay vo vạt áo và bàn chân di di lên khóm cát vươn vãi trên nền xi măng. Tôi cắt ngang lời thiếu phụ nói với Viên:
“Đó, Viên thấy không? Em không chăm học, làm khổ sở cho má. Hôm trước cô đã khuyên răn em nhiều. Em chịu ngồi nghe. Cô nhớ em có khóc nữa. Thế mà tại sao bây giờ vẫn quen đường cũ hở Viên? Em có thương má không?”
Người mẹ quay lại nhìn con. Viên đứng yên, không trả lời, cũng không gật đầu. Thiếu phụ lắc đầu chán nản phân trần:
“Đấy, cô thấy không? Nó cứng đầu, cứng cổ! Tôi đang làm ở sở mà phải xin phép ông chủ sự về nhà, hỏi thằng Trung em nó, chỗ nó thường lui tới, bắt nó dẫn đến đây cho cô dạy dỗ giùm…”
Chụp được cơ hội may mắn, tôi mời khéo:
“Thôi, bà yên tâm về sở làm việc đi. Tôi sẽ ráng tìm hiểu, khuyên lơn nó. Tuy ham chơi, nhưng Viên nó thông minh và biết điều”.
Thiếu phụ mừng rỡ, giọng vồn vã:
“Tôi chỉ mong có thế thôi! Trăm sự nhờ cô”.
Bà quay lại đe dọa con vài câu rồi ra về.
Viên không nói gì, cũng không chào mẹ, theo tôi vào lớp. Lòng tôi hoang mang. Dáng điệu, cử chỉ, lời lẽ của mẹ Viên cùng thái độ bất kính của đứa con phải có liên hệ xa gần nào đó. Có cái gì không ổn giữa tình mẫu tử. Như tiếng máy xe lọc cọc, lọc cạch do một bộ phận mòn cũ, hư nát. Thế thì thứ gì đã mòn cũ, hư nát trong gia đình goá bụa này? Tôi dạy qua quít cho xong chuyện thấp thỏm chờ giờ ra chơi. Tôi giữ Viên ở lại. Viên run sợ thật sự, mắt rươm rướm khi ngước lên cầu khẩn tha thứ. Tôi không nói gì. Lấy kinh nghiệm mấy năm dạy học, tôi ngồi xuống bên Viên, sửa lại cái cổ áo cáu bẩn, phủi bụi trên quần đùi xanh, vuốt ve cho mái tóc bù rối của Viên thẳng lại. Kết quả như mọi lúc, Viên gục xuống khóc. Tôi tiếp tục vuốt tóc cậu bé, nói thật nhẹ:
“Em cứ khóc đi! Khóc cho thoả thuê đi! Cô không giận em đâu! Cô hiểu em, Viên có điều gì u uất không thể nói được với ai, canh cánh bên lòng, giữ lại không nổi mà nói ra thì không đành. Cô biết em sắp nói hết cho cô biết, phải thế không? Phải thế không Viên?”
Viên khóc to hơn. Mấy đứa học trò lấp ló nơi cửa sổ, gặp đôi mắt tôi lườm quở trách, vội vã lảng xa. Rồi nước mắt cũng vơi, Viên thút thít, trong khi tôi vẫn kiên nhẫn chờ đợi. Chờ một lúc không được, tôi nói:
“Em đừng oán hận má. Má la rầy em, bắt em đi học, chỉ vì mong sao cho em nên người. Một người mẹ gương mẫu luôn luôn…”
Sự phẫn nộ oà vỡ. Viên nói lớn, vẻ nóng nảy, thảng thốt khác thường:
“Cô đừng nói vậy. Má em không xứng đáng. Bữa nào má cũng về lúc tối mịt và lúc nào cũng về có đàn ông đi kèm. Má cười với họ, má đùa giỡn với họ, chính tai em nghe má gọi cái ông lái xe Jeep xanh thường đưa má về là “cưng”. Đưa cái xách cho em “cưng”! Thằng Trung chưa biết gì cứ gọi là chú Thảo. Con bé Xíu nhờ công giữ em được má cho tiền, ham tiền quên hết. Còn em, em lớn rồi, em…”
Tôi kinh nhạc hỏi vội:
“Giữ em? Bé Xíu là con út mà? Hôm trước Viên bảo thế. Viên ngước lên mắt còn đỏ và đôi má nhớp nhúa còn rõ ngần nước mắt:
“Má đẻ thêm bé Chút năm ngoái, thưa cô”.
*
Sáng nay Viên lại không đến lớp. Tôi đành chịu thua vậy chứ biết làm thế nào. Tôi bất lực, không thể làm gì được. Mỗi người có một cuộc đời. Tôi có nỗi lo riêng của tôi. Cu Tường lại nóng mình. Bé Tí chụp vào cái tẹt mốt pha sữa, nước sôi làm phồng cả cánh tay non. Tôi đã xót xa nhìn hai đứa con khóc lóc cả đêm qua. Nhà tôi làm việc cực nhọc, tôi không dám đánh thức anh ấy dậy, đành phải lo âu một mình. Cho nên dầu hơi thất vọng khi không thấy bóng Viên xếp hàng, tôi vẫn giữ được thản nhiên.
Bà mẹ Viên lại tới. Biết rồi, khổ lắm, nói mãi! Ai không biết bà tảo tần nuôi con. Bà sinh con ra, có gan sinh con ra, thì phải ráng mà nuôi chúng chứ! Nói với tôi làm gì! Tôi lạnh nhạt hoàn toàn, và ngạc nhiên không hiểu tại sao người đàn bà đó có thể con cà con kê một cách chân tình với một pho tượng.
“Có trời đất chứng giám, tôi thương nó còn hơn cả tôi. Nó giống anh ấy như đúc. Nhiều lúc nhìn nó nháy mắt, nhìn nó hờn dỗi, tôi cứ tưởng anh ấy sống lại, anh ấy chòng ghẹo tôi, anh ấy giả vờ hờn dỗi tôi vào những ngày đầu yêu nhau. Tôi lo lắng cho nó, vậy mà nó không biết nghĩ. Có trời mới hiểu tại sao nó lêu lổng chơi bời không thương mẹ, thương em…”
Bực dọc quá, tôi nói:
“Thưa bà, có lẽ Viên nó sợ hãi quá mức. Trẻ con hay có nhiều trái chứng. Tâm hồn nó mỏng manh như sợi tơ sợi tóc, nhiều lúc xúc động quá nó có thể liều lĩnh. Tôi ngại hôm qua bị bắt vào ty, ông ty trưởng có nặng lời quát tháo với nó chăng. Nó sợ quá đâm liều”.
Thiếu phụ vội cải chính:
“Không! Không bao giờ. Tôi biết tính anh Thảo, xin lỗi ông trưởng ty, ông ấy luôn luôn hoà nhã khả ái với tất cả mọi người. Không bao giờ ông ta dọa nạt nó. Mà thực ra, không bao giờ Viên nó sợ ông ty”.
Một ý định đanh ác thoạt hiện, tôi mím môi trước khi dằn giọng:
“Bà nhớ lại xem, có vô ý nặng lời với em Viên không? Trẻ mồ côi thường có một tâm tính nhạy cảm hơn trẻ thường. Hoặc bà gay gắt với nó khi Viên xin tiền mua sách vở. Hoặc Viên vô ý làm té bé Chút bà trừng phạt quá đáng?”
Thiếu phụ giật mình, vội ngửng đầu lên nhìn tôi đăm đăm. Chưa bao giờ tôi thấy một đôi mắt bi phẫn như vậy. Ở đó toát ra sự đau đớn cùng cực và sự giận dữ cùng cực. Như đôi mắt con bò đã bị căng nọc xuống đất và bị cắt lìa khí quản. Tôi hơi lùi lại, hai bàn tay nắm chặt vào vạt áo dài. Nhìn tôi một lúc thiếu phụ mới lắp bắp nói được:
“Anh ấy chết đi. Tôi đã gắng nuôi con để quên. Để quên cô độc. Nhưng tôi mới có hai mươi tám tuổi đầu… Tôi còn trẻ quá…”
Tôi cảm thấy ngộp thở, như bước lùi vào một khoảng không. Tôi sợ. Tôi lùi lại phía cửa, lùi lại nữa. Tôi không nghe thiếu phụ nói gì, nhưng đôi tay bà ta giơ tới trước, mắt đổ lửa như muốn bóp chết hiện hình của nỗi cô độc là chính tôi. Khi lưng tôi chạm cánh cửa đánh một tiếng rầm, thiếu phụ giật mình khựng lại khóc oà lên, rồi bỏ chạy ra cổng.
Nguyễn Mộng Giác
Số lần đọc: 134