Nơi lưu giữ những tác phẩm của Nhà Văn Nguyễn Mộng Giác (1940-2012)

Nơi lưu giữ những tác phẩm của Nhà Văn Nguyễn Mộng Giác (1940-2012)

Một mảng mây bay

Chiếc thuyền vượt biên cập bến đảo Kuku chiều hôm đó có một cô gái khoảng 16, 17 tuổi được nhiều người chú ý, không phải vì cái nhan sắc thường thường bậc trung của cô! Tóc thề hơi rối thả đến nửa lưng, mặc cái quần lụa đen đã cũ và chiếc áo sơ mi mầu nâu đã dỉ mồ hôi, tay xách cái túi vải nhỏ may bằng bao đay loại thông dụng ở Sài Gòn, cô không có điều gì đặc biệt để bắt mắt. Cô được chú ý nhờ vẻ dung dị lạc lõng giữa những cô gái ăn mặc sang trọng quần jean áo polo đi cùng chuyến, và vẻ mặt bơ vơ ngơ ngác khi mới lên bờ. Lúc mọi người đã được bác sĩ khám bệnh tổng quát và đứng chờ đăng ký vào sổ nhập trại trước văn phòng cầu tàu, cô đứng riêng một mình, buồn rầu nhìn quanh đảo. Mặt biển màu bạc hiệp với màu bầu trời mênh mông lấp mất con đường về.

Rừng rậm trước mặt lặng lẽ và âm u như tương lai. Những túp lều của dân tị nạn đến trước nằm dọc theo bãi cát, mái lều và tường che gió chằm vá chểnh mảng bằng lá dừa và vải bạt ni lông mầu xanh lá cây do cơ quan UNICEF cấp. Cuộc sống tạm bợ buông thả hiện rõ trong cảnh những lon đồ hộp rỗng nằm vương vãi quanh các lều, lá vàng rơi rụng trên lối đi, thân cây rừng vỏ xám xù xì chôn chân xuống cát chống đỡ những căn lều nghiêng và cách ăn mặc của đám người tò mò bu quanh những người bạn mới. Theo thủ tục, cô phải chờ những hộ gia đình ghi danh trước rồi mới đến lượt mình. Cô thuộc loại hộ độc thân, hộ độc thân độc nhất của thuyền CN 1234. Cô là con số lẻ thừa thãi của chiếc thuyền ba mươi mốt người. Cho nên khi lãnh lương thực, ba mươi người cùng đi với thân nhân vác nguyên ba bao bố lương thực mỗi bao chứa sẵn 10 khẩu phần. Cô được trao một bao ni lông khẩu phần lẻ. Lên bệnh viện lãnh đồ đạc cá nhân, cô lại lãnh riêng một chiếc chiếu, một cái mền bông hiệu Trung Quốc, một cái đèn dầu hỏa, kèm theo bao ni lông khác chứa đôi dép Nhật màu vàng cỡ lớn, ống kem đánh răng hiệu Prodent, cục xà phòng thơm Novia, hai bánh xà phòng giặt, cái gương tròn, lược và cái bót đánh răng màu đỏ. 

Sự đơn độc bắt đầu gây bối rối bẽ bàng khi trở lại nhà kho UNHCR để lãnh dụng cụ nấu ăn. Mỗi đơn vị năm người được phát một cái xô nhựa đựng nước, hai cái son, một cái vá dài, hai cái vá cán ngắn, năm cái bát gỗ dán ép màu nâu và năm cái muỗng thiếc sơn màu lá cây. Ba mươi người may mắn kia mau chóng chia thành sáu cái bếp nấu ăn chung. Cô lại trở thành người thừa thãi. Những người đồng hành e ngại nhìn cô, định giá bộ quần áo cũ, đoán non đoán già những thứ núp kín trong cái túi đay nhỏ và nhẹ. Những gì sượng sùng giấu mặt chứ không phơi mình khoe khoang tất nhiên chẳng được bao nhiêu tiền. Người ta sợ phải bao bọc nặng nợ một cô gái nghèo. Bếp này đưa nhường “phần ưu tiên” cho bếp kia. Tình thế đang khó xử thì một cậu thanh niên khoảng 24, 25 tuổi từ căn lều gần đấy cầm đôi dép Nhật màu xanh cỡ nhỏ số 9 ra vồn vã hỏi cô:

– Ðôi dép của em số 10 phải không? Cô định xé bọc ni lông để xem số trên cái quai dép, cậu thanh niên đã ngăn lại:

– Khỏi cần. Anh nhìn qua cũng biết là số 10. Mang không vừa đâu. Anh có đôi số 9 mang chật lắm. Chịu đổi không?

Họ thỏa thuận với nhau nhanh chóng, ai cũng cho rằng mình may mắn. Dường như cảm thấy mình thiếu sòng phẳng vì đôi dép nhỏ số 9 hơi cũ, cậu thanh niên ân cần hỏi thăm:

– Em đã tìm ra chỗ ở chưa?

Cô gái nhìn quanh khắp các cô bạn đồng hành. Ai cũng tránh nhìn cô, sợ phải khó xử trước cái nhìn van lơn, chới với. Cô tủi thân rơm rớm nước mắt. Cậu thanh niên vội nói:

– Nếu chưa có chỗ hãy đến lều bọn này. Chỗ nằm con em gái anh còn rộng. Ðồng ý nhé? Ba mươi người kia cùng reo lên:

– Phải đấy. Cô về đó cũng tiện.

– Lều chúng tôi cũng ở gần đây thôi. Em đến nhận phần chén bát đi.

– Nếu cần liên lạc gì, chúng tôi sẽ xuống cho cô hay liền!

Nếu cô gái không tức giận lừ mắt nhìn quanh, có lẽ họ còn nói nhiều nữa. Cô nhìn đống mền chiếu và lương thực dưới chân mình, nhìn biển mênh mông và rừng trùng điệp, đưa tay gạt mồ hôi trán, do dự một lúc, rồi gật đầu. Từ căn lều kế cận nổi lên nhiều tiếng cười ồ. Ai đó đằng sau bức tường vải bạt la lớn:

– Tài thật, thằng Minh lại trúng mánh rồi! 

Một người khác có giọng nói khao khao:

– Thế là mất toi đôi dép. Ðứa nào còn để dành dép nhựa Sài Gòn cho tao mượn với! Cô gái biết mình vừa sa vào một thứ bẫy nào đó. Cô quay lại nhìn các bạn đồng hành cầu cứu. Họ đang cười nham nhở. Giận quá, cô mím môi cúi xuống ôm đống đồ đạc, đi theo cậu thanh niên tên Minh.

*

Từ khi có người đẹp tên Eve, Adam người đàn ông đầu tiên ở vườn Ðịa Ðàng mới biết cảm ơn Thượng Ðế vì Ngài đã sáng tạo ra loại lá nho to bản. Từ khi Thương về ở căn lều xập xệ ấy, năm cậu thanh niên chủ nhà mới bắt đầu biết thẹn. Người đầu tiên là Minh. Thương vừa đặt đống chăn màn đồ đạc xuống cái sạp ghép bằng thân dừa, Minh đã nói:

– Anh phải xin lỗi em trước, nếu không, em sẽ nghĩ tụi này là một bọn mất dạy. Không. Ðây chỉ l à một trò đùa không có ác ý. Tụi này đang than nhà thiếu bàn tay đàn bà nên bề bộn dơ dáy quá, thì thuyền của em tới. Tụi này theo dõi từ đầu đến cuối, thấy cả đám chỉ một mình em đi cô độc. 

Thằng Vĩnh gợi ý nên rủ em về ở chung. Nó nói cho vui vậy thôi, nhưng bàn tán một hồi, cuối cùng tụi này đi đến chuyện thách thức. Ai mời được em về đây? Nếu có người làm được thì cả bọn bất tài còn lại chịu mất gì? Thằng Vĩnh có sáng kiến đầu tiên, nên sẵn sàng chịu mất đôi dép Nhật để làm phần thưởng, anh đã được cuộc. Phải xin lỗi em trước, vì anh nói dối một điểm nhỏ cho em yên tâm về đây: anh không có cô em gái nào cả. Lều chỉ có năm đứa con trai lười như hủi, và nghèo mạt rệp. Không đứa nào ra đi mà đem theo được một phân vàng hộ thân. Ðấy, anh đã nói tất cả sự thật. Bây giờ tùy em định liệu.

Bốn cậu trai còn lại thấy Thương thất vọng xịu mặt và lo âu nhìn căn lều bừa bộn dơ dáy, nên vội lên tiếng van lơn thành thực:

– Cô ở lại với chúng tôi đi.

– Cô đừng ngại. Chỉ vì chúng tôi chán, nên nhà cửa mới ra nông nỗi. Nếu cô muốn, chỉ nháy mắt là khá lên ngay.

– Cô đừng thấy mấy bộ mặt cô hồn mà đâm sợ. Anh em chúng tôi, trước khi đến đây, không ai quen ai. Chỉ vì đều là dân cầu bơ cầu bấc nên mới tìm đến ở với nhau mà thôi.

– Chúng tôi không để cho cô nhọc thân về chuyện chợ búa bếp núc đâu. Chúng tôi tự làm lấy cả. Cô chỉ việc làm cây cảnh cho đẹp cửa đẹp nhà. Cô ở lại với chúng tôi nhé?

Nghe họ cầu khẩn tha thiết quá, Thương bắt đầu mềm lòng. Nhưng sợ họ khinh, nên cô nói vớt:

– Một mình em là gái, ở đây, thấy bất tiện lắm! Minh vội chỉ tay về phía một cậu thanh niên da sạm nắng, có cái mũi lân và đôi hàm răng hô, vui mừng nói:

– Khỏi lo. Thằng này tên Tiến, thợ mộc. Chỉ cần nửa giờ đồng hồ, nó lên văn phòng cao ủy mượn cưa, dao búa về dựng ngay cho em một cái phòng khuê riêng biệt với đầy đủ cửa sổ, cửa lớn, bàn phấn, rèm che. Hay em chịu khó ngồi chờ nửa giờ nữa xem tụi này có làm đúng lời hứa không. Nếu em thấy tụi này xạo, thì có quyền ra đi. Rán chờ nửa giờ thôi, em… em tên gì cho tụi này biết với. Cô gái bật cười, vui vẻ đáp:

– Em tên Thương.

Tiến nói rổn rảng như lân gầm:

– Nửa giờ sợ không kịp. Cô Thương cho tôi 45 phút đi.

Bốn người kia sợ Thương ra đi, vội nói:

– Có tụi tao phụ chứ đâu phải một mình mày làm. Nửa giờ dư sức.

Thương hãnh diện thầm vì được săn đón nài nỉ, nhưng cứ làm bộ ngần ngại. Cô nhìn quanh, nhận xét lơ lửng:

– Các anh để nhà cửa thế này… Hùng, anh chàng cao lớn tóc dài chuyên mổ heo ở lò sát sanh Chánh Hưng vội đáp:

– Tất nhiên là chưa được gọn ghẽ mấy. Nếu Thương không vừa mắt, chỉ cần nửa giờ. Lạc thợ lò bánh mì quốc doanh Thắng Lợi chữa lại:

– Làm gì tới nửa giờ. Mười lăm phút là cùng. Vĩnh thợ may con người ốm yếu, ăn nói nhỏ nhẻ, quen tính cẩn thận, nói y như khi tỉ mỉ đơm từng cái khuy áo:

– Mười lăm phút? Cột nhà xiêu hết cả. Nền lại toàn rác là rác. Nửa giờ sợ dọn chưa xong đâu. Thương bị lòng chân thành của đám con trai thuyết phục. Không do dự gì nữa, nàng xắn tay áo lên, đứng dậy nói:

– Ðể em giúp các anh một tay.

Năm cậu thanh niên nhận được thắng lợi bất ngờ nên ngớ ra một lúc. Khi hiểu, họ reo lên:

– Hoan hô cô em gái.

– Có thế chứ! Nào, nói được phải làm được.

– Bắt tay làm liền đi anh em. Người đẹp đã bắn phát súng lệnh rồi.

– Làm nhanh kẻo không kịp nấu cơm chiều. Mình đã hẹn nửa giờ cộng với nửa giờ là một giờ. Phải rán “vượt chỉ tiêu” và “đạt yêu cầu” mới được.

Họ hăng hái bắt tay vào việc. Lon đồ hộp, bao ni lông, lá dừa khô, giẻ rách, tàn thuốc, củi cháy dở, giấy vụn, moi từ gậm giường ra vun thành đống cao. Chuột, dán, ruồi, muỗi mất chỗ trú thuận lợi. Bụi bay mù mịt, Thương ra ngoài dây thép phơi quần áo mang vào năm cái khăn hôi và bẩn bắt buộc bọn con trai phải bịt mũi lại. Vì tay người nào cũng bẩn nên họ phải nhờ Thương buột khăn hộ: Trừ Vĩnh thợ may thấp bé, bốn anh con trai kia phải khuỵu chân xuống, Thương mới với tay tới tầm mặt họ. Khuôn mặt, ánh nhìn cả bọn rạng rỡ, bẽn lẽn y như nét mặt trẻ con được mẹ săn sóc ở chốn đông người. Chưa đầy một tiếng đồng hồ, căn lều xập xệ bề bộn đã vươn vai đứng thẳng dậy: mấy cây chân chống không cần thiết được anh thợ mộc cưa ra làm “khuê phòng”, những tấm bạt còn lành lặn dành riêng cho phái yếu. Cái giường mặt ván phẳng phiu và cái bàn không gãy chân đặt ngay ngắn phía sau tấm rèm xanh. Chỗ ăn ngủ dành cho phái nam cũng trở nên ngăn nắp thứ tự. Chiếu trải ngay ngắn, mền gối xếp lại đặt thẳng sát tường, bàn ăn được phủ một tấm ni lông có sọc xanh đỏ. Ðể thay thế cho hai cái băng xiêu vẹo, bốn cậu tình nguyện mượn cưa rán sức cưa thân cây dừa đổi bên cạnh thành sáu chiếc ghế đẹp. Không cần ai nhắc, từng người len lén nhét hết mớ quần đùi dơ, áo may dô rách, khăn bẩn vào xách riêng. Chưa yên tâm, họ còn dồn những túi quần áo hôi hám ấy vào một góc lều xa “khuê phòng” nhất. Xong công việc, họ kéo nhau ra suối tắm. Trở về, họ đã thấy một bó hoa sim tím cắm sẵn trong hộp cá sardines. Lọ hoa đặt trang trọng vào chính giữa chiếc bàn ăn. Lòng cả năm người đều nở hoa từ giờ phút ấy.

*

Chẳng hiểu xưa kia Adam có bực bội vướng víu gì không khi phải mang chiếc lá nho, chứ năm cậu con trai ở Kuku Camp dạo đó thì chẳng bực bội vướng víu vì cuộc sống mới chút nào. Họ hí hửng đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác, hí hửng như trẻ con hí hửng trước giỏ quà mẹ vừa mang từ chợ phiên về. Cuộc sống của họ bị đảo lộn dữ dội, tuy thế, dù có bị lộn nhào như anh võ sinh nhu đạo tập tò học vài thế ngã sơ đẳng, họ vẫn cứ vui. Sau chuyện nhà cửa, cách ăn uống của họ bị đảo lộn. Trước kia, người nào lo phần nấy. Bọc lương thực cấp cho mỗi người ăn năm ngày gồm có bảy lon rưỡi gạo, một lon cá hộp, một lon thịt, một bao muối, một bao đường, một gói trà, một gói đậu xanh, kèm thêm những thứ gia vị như tiêu ớt, bột ngọt… Khẩu phần có thể thay đổi tùy theo kỳ nhưng căn bản vẫn bấy nhiêu gạo, đồ hộp, đường và muối. Ăn sáng khi thì được hai gói mì ăn liền, khi thì được một bọc miến 200 grams. Cái son nhỏ được phát họ dùng để nấu nước trà. Chỉ còn cái son lớn. Họ đành phải nấu cơm chung, nấu xong xới ra chia đều làm năm bát vun. Ðồ ăn thì tùy ý từng người. Vì chỉ có hai lon đồ hộp để làm thức ăn suốt năm ngày nên họ áp dụng một lối “nội trợ” đặc biệt: ngày đầu tiên ăn cơm với cá hộp, ngày thứ hai ăn với đường, ngày thứ ba ăn thịt hộp, ngày thứ tư ăn muối và ngày cuối cùng ăn với canh miến hoặc mì sợi. Thứ tự phân chia thức ăn tùy thuộc tính từng người. Minh Chợ Trời, và Hùng Ðồ Tể tính tình vô tâm sốc nổi, chủ trương: Thà một phút huy hoàng rồi chợt tối, Hơn nghìn năm le lói suốt năm canh. nên ăn liền tù tì hai lon đồ hộp dù phải ăn đường và ăn muối vào những hôm còn lại. Tiến thợ mộc và Vĩnh thợ may quen sự tỉ mỉ hài hòa của nghề nghiệp nên theo giải pháp hợp lý ban đầu. Lạc thợ lò bánh tính trẻ con thích ăn nhín, nên dành đồ hộp cho hai ngày cuối cùng. Lối ăn xỗi ở thì ấy chỉ dành cho bọn đàn ông chưa ăn trái cấm. Họ đã biết thẹn, nên đành phải răm rắp tuân theo lệnh của cô gái lạ. Tại sao không đem cá hộp ra đổi cá tươi của thổ dân Nam Dương để về nấu canh với rau trai rau dền mọc đầy quanh lều? Không có tiền ư? Tại sao không bớt gạo mỗi bữa nấu đem đổi rau về ăn có chất tươi? Năm cậu con trai hơi lo cái bao tử lưng lửng của mình, nhưng nghĩ đến dĩa rau muống bốc khói, nồi canh chua thơm tho, họ yếu lòng do dự, từ do dự đến buông xuôi chỉ có nửa bước. Thương trở thành thủ kho kiêm chuyên viên kế hoạch. Minh quen nghề chợ trời ở Sài Gòn phụ trách việc mua bán đổi chác với thổ dân Nam Dương.

Lạc theo nghề cũ, chỉ đổi nhiệm vụ chút xíu từ làm bánh mì sang làm cơm. Hùng Ðồ Tể và Tiến thợ mộc quen dao cưa lo việc củi lửa. Cái lối vơ đâu chụm đó trước kia không đẹp mắt người đẹp.

Phải làm cái gì cho “hùng” cho “tiến”. Thế là cả hai vác cưa lên rừng cưa cả những cây đước lớn khiêng về, đổ mồ hôi cưa ra từng khúc ngắn, rồi vươn vai lấy gân bổ những nhát rìu cật lực để chẻ nhỏ đem phơi. Nếu còn ở Sài Gòn, họ đủ sức mở Cửa hàng chất đốt phục vụ cho trọn một phường đông dân.

Vĩnh thợ may yếu sức lo việc quét dọn sạch sẽ căn lều mỗi sáng, và trước mỗi bữa ăn, tự nguyện làm giờ phụ trội chẻ củi khô thành những cây đóm nhỏ cho người đẹp dễ nhen lửa.

– Hình như độ rày muỗi nhiều quá phải không các anh?

Thế là sáng hôm sau “hình như” mọi người đều đột nhiên nhớ đến cái hại của bệnh sốt rét rừng, đều căm thù sâu sắc loài muỗi nên không ai bảo ai kẻ mượn dao kẻ mượn cào phát quang khoảng cây dại cỏ lát mọc um tùm sát bên chái phải của túp lều. Ðàn muỗi trả thù bằng cách liều chết xông vào đốt sưng cả tay chân năm cậu trai, nhưng ai nấy đều xem những vết sưng ấy là mề đay tưởng thưởng cho tinh thần phục vụ.

– Gớm! Hễ đến chiều xế là chỗ vòi nước không còn chỗ chen chân. Em chờ lấy hai xô nước về tắm mãi không được!

Gớm thật! Sao lại có nhiều hạng người bất lịch sự đến thế. Nghe nói bên Tây phương ở chỗ công cộng như ga xe lửa, trên xe buýt, phòng đợi sân bay mọi người đều phải nhường quyền ưu tiên cho phụ nữ, trẻ em, người già, kẻ tàn tật. Phải làm quen với nếp sống văn minh ngay lúc này, tại đây. Bắt đầu từ căn lều này trước. Thế là năm cậu trai lên rừng chặt cây, rảo khắp trại vơ vét vải bạt về ‘xây” cho cô gái một phòng tắm. Ðể Thương khỏi phải nhọc lòng đi mượn xô chờ nước, Minh và Tiến tìm đâu được một cái thùng phuy cũ đã rỉ sét hết nửa trên. Họ lấy dao đục bỏ phần trên, phần dưới lấy cát chà sạch rồi mới khuân đặt vào phòng tắm.

– Em thấy ăn muỗng kỳ kỳ thế nào ấy! Trông như trẻ con chưa biết cầm đũa! Ờ! Kỳ thật! Sao đến bây giờ mình mới thấy kỳ! Một tay bưng bát, một tay cầm cái muỗng thiếc, xúc cơm đưa vào miệng, chẳng ra cái thể thống gì cả. Mỗi lần muốn vẽ cá cứ trầy trật mãi. Nứa mọc đầy hai bên rừng, dao bén có sẵn trên văn phòng cao ủy, sao không vót lấy vài đôi đũa mà dùng cho đúng cách quê hương. Cái việc vặt ấy một mình chú Vĩnh thợ may ốm yếu cũng làm nổi. Nhưng tinh thần trách nhiệm chung để đâu? Thế là đủ cả phái nam trong nhà vác dao lên rừng chặt nguyên một cây nứa dài về, chẻ ra, vót đũa đủ cho cả trại. Mọi người đoán ý để làm vui lòng “cô thủ kho” kiêm “chuyên viên kế hoạch”, sau đó kiên nhẫn lặng lẽ chờ đợi một nụ cười. Ðúng là lòng họ nở hoa!

*

Từ hôm có Thương về ở chung, họ quên cái thói quen ngủ sớm dậy trễ. Trước đây họ biết làm gì đâu mà chẳng đi ngủ sớm. Ăn cơm xong, họ ngồi bần thần mỗi người một góc, không ai nói chuyện với ai. Họ ở lại đảo này đã gần hai tháng. Chuyện đời đã kể cho nhau nghe đến tận cặn. Chuyện tiếu lâm kể đi kể lại mãi hóa nhàm, chỉ mới tằng hắng lấy hơi đã biết người nào sắp kể chuyện gì. Râu rờ mãi không mọc nổi. Lông mũi đã nhổ hết. Ráy tai đã cạo sạch. Cái thú thay nhau đấm bóp để chờ giấc ngủ diễn đi diễn lại hóa thành cái nợ đời. Ăn cơm xong, họ không cần thắp cây đèn bão, mỗi người nằm một chỗ im lặng chờ nghe tiếng ngáy của người kia. Họa hoằn lắm Lạc mới nổi hứng ông ổng hát mấy câu đầu bài vọng cổ không tên nói đến một cảnh ly biệt. 

Ðau đớn bấy kẻ đi người ở

Dạ quan hoài cách trở sơn khê

Kẻ đi da diết nhớ người ở lại, nhưng “dạ quan hoài” cần sự im lặng để lan man thấm dần vào từng hơi thở dài. Cho nên về sau, mỗi khi anh thợ lò bánh mì mới “đau đớn bấy…” đã nhiều lời phản đối nổi lên khắp các xó tối:

– Thôi, câm mõm lại cho tao nhờ.

– Rầu thúi ruột còn phải nghe mày rên rỉ, chán lắm!

– Rán chờ qua Mỹ hãy làm học trò Hùng Cường. Ở đây xin ông cho các con yên! Thương về ở chung, năm cậu con trai vẫn đi ngủ sớm, nhưng họ chỉ nằm lơ mơ, giả vờ ngủ mà thôi. Không phải ánh sáng cây đèn bão trong “khuê phòng” đã làm họ mất ngủ. Không, không. Xin đừng vội nghĩ cô em gái chung của họ bất lịch sự, thiếu tế nhị trong cách cư xử. Ngay đêm đầu khi phải thức khuya để viết thư gửi về nhà, Thương đã ái ngại hỏi họ:

– Em để đèn sáng, các anh có khó ngủ không? Cả năm đều mau mắn đáp:

– Không, không hề gì.

– Thương đừng ngại. Mặt trời soi vào mặt tôi vẫn ngủ được.

– Ở Sài Gòn tôi ngủ ngay trước cửa lò nướng bánh.

– Cả đàn heo eng éc bên tai tôi vẫn ngủ ngon… Thương nhận thấy cần phải phân bua thêm:

– Em nhớ nhà quá. Biết có viết cũng không gửi thư được, nhưng cứ viết cho đỡ nhớ. Cả năm cậu con trai đều thấy lòng mình man mác buồn. Không ai bảo ai, họ đổi thế nằm. Cái thế nằm nghiêng giúp họ, lâu lâu, hễ lim dim hé mắt là họ có thể thấy được cái bóng nhỏ nhắn thân yêu in trên tấm vách nhựa xanh của phòng khuê. Họ thao thức theo dõi tâm trạng người em gái qua dáng điệu của cái bóng ấy. Sáng hôm sau, họ thì thào bảo nhau:

– Ðêm qua em chống cằm ngồi đến khuya.

– Phải nói là quá khuya, vì đêm 23 âm lịch trăng chỉ lên sau 12 giờ.

– Lúc trăng nhú ở đầu núi, em vẫn chưa đi ngủ.

– Buổi chiều đến phiên đứa nào nấu nước? Em cầm chai rót nước không có lấy một giọt.

– Kể ra con gái mười bảy mà đôi vai như vậy cũng hơi gầy. Ðáng lẽ phải no tròn hơn kia. Nhận xét hơi phàm tục ấy liền gặp phải nhiều lời phản đối:

– Con gái nhà lành đều thế cả. Ðâu phải dân lao động mà đòi vai u thịt bắp.

– Tóc xõa thì làm sao biết vai gầy vai mập. Chỉ đoán hão!

– Lúc em viết xong, hình như có khóc vì mái tóc hơi run run.

– Ờ, tao nghe hình như có tiếng thút thít.

– Chỉ đoán mò. Mày nằm xa nhất, nghe sao được!

– Mày ở gần mà ngủ khì, biết gì!

– Sao mày biết tao ngủ?

Cuối cùng họ đều thú nhận không ai ngủ được. Không phải họ thú nhận thành lời. Họ chỉ cười bẽn lẽn. Thế thôi.

Từ đêm thứ năm kể từ lúc đổi thay nếp sống, họ bắt đầu nghe thấy tiếng cô em gái thì thào trong “phòng khuê”. Tiếng thì thào đều đều, buồn buồn, hơi ngân nga như tiếng cầu kinh. Họ có một niềm thao thức mới. Họ loại bỏ ngay giả thuyết cô gái đọc kinh tối vì không thấy Thương đi lễ nhà thờ hoặc đeo thánh giá. Tụng kinh Phật giọng khác hẳn, họ biết. Vài người vốn yêu cái thú đau thương, nghĩ đến lời thì thầm của một người yêu nhờ gió đêm mang đến một người yêu tận nơi “Sơn khê cách trở”. Dĩ nhiên trong số đó có Lạc, lâu nay ấm ức vì không được hát “đau đớn bấy…” Họ nể vì cô em gái đến nỗi tuy thắc mắc nhưng không ai dám hỏi Thương thì thầm điều gì. Có thể cả năm người đều sợ chạm mặt với thất vọng. Thà cứ để lơ mơ như thế, nỗi thấp thỏm như vị cay của bữa ăn giúp thêm hương vị cho đời sống nhàm chán của họ. Giữa tiếng gió rừng vù vù thổi qua mái tranh, tiếng chuột rúc ở giỏ lương thực, tiếng sóng biển ì ầm, tiếng vượn hú trên rừng, tiếng mọt đục ở đầu kèo, đối với họ, tiếng thì thào bên kia vách nhựa vẫn mang nhiều ma lực quyến rũ hơn hết. Họ không cần hiểu rõ. Dù Thương không thì thào cho họ, vì họ, nhưng đó vẫn là âm thanh của mến thương.

Cái thú được ru ngủ đêm đêm bằng tiếng thì thào huyền diệu bí mật ấy tạm chấm dứt khi Minh khám phá ra rằng cô gái đang học Anh văn. Họ hơi khựng lại, để sau đó chuyển từ thương cảm sang kính phục. Cả năm đều là dân lao động ít học. Lúc ở bên nhà, họ chỉ nghĩ đến chuyện đi tìm một cuộc sống mới. Sang đến đây, họ mới âm thầm lo lắng không hiểu lúc được định cư ở một nước thứ ba, họ ăn nói làm sao đây. Họ nghe nói bên xứ người các nghề chân tay kiếm được nhiều hơn nghề làm ở bàn giấy. Mà chân tay họ khỏe, họ biết. 

Nhưng sống giữa một tập thể nói tiếng Anh, họ không thể làm người câm, điếc. Họ phục lăn mấy anh thông ngôn làm việc trên văn phòng cao ủy tuy xem nhẹ mái tóc dài, thân thể ốm nhách và đôi kính cận của những người hay chữ ấy. Bây giờ, họ “sắm riêng” một cô em gái hay chữ trong nhà. Ðáng hãnh diện biết chừng nào! Lần này cũng chính Minh lãnh nhiệm vụ đứng ra đánh giá trình độ Anh văn của cô em gái. Minh ngập ngừng mãi mới hỏi:

– Ðêm qua em học thứ gì mà thức khuya thế? Thương đáp:

– Ở đây không có sách vở gì cả, nên em mượn được tờ báo tiếng Anh đem về học ôn một số từ ngữ.

– Báo tiếng Anh mà em đọc được à? Thương thành thực nói:

– Em chỉ hiểu được những bài dễ. Những bài viết về kỹ thuật có nhiều từ khó, thì em chịu!

– Thương cho anh xem qua có được không? Cô gái hỏi rất thành thực:

– Anh đọc được các bài kỹ thuật chứ? Minh đỏ mặt đáp:

– Tôi chỉ coi hình. Chữ Anh tôi có học đâu! 

Thương tưởng Minh nói nhún, đưa bốn trang báo Sunday Times cho Minh.

Minh xem qua thấy có mấy cái truyện bằng tranh, một bức hình chụp ba cô gái Tàu tươi cười cầm ba chai nước giải khát đã mở nắp, một bức quảng cáo chiếc xe hơi hiệu Peugeot 305, và một ảnh quảng cáo hai cái đồng hồ Thụy Sĩ. Những cột chữ khác thì rối rắm, nằm chật cả phần giấy còn lại. Minh chỉ một đoạn chữ nghiêng in thưa, hỏi:

– Họ nói cái gì trong này?

Thương giải thích:

– Họ giới thiệu hai bài thơ được giải. Bài đầu nhan đề là Singapore được ban tuyển thơ của tờ báo tặng 40 đồng. Nhưng em thích bài thứ hai nhan đề Dejection hơn.

– Thương đọc cho tôi nghe thử.

– Anh đừng chê em đọc sai nhé.

Minh lại đỏ mặt, rồi thành thực nói:

– Tôi có biết gì đâu mà nói đúng sai. Cứ đọc xem tiếng Anh nghe thế nào.

Thương bắt đầu tin Minh thành thực, nên đọc: Dejection

In the still jungle of myself
I’m lost, and try to find
A bird, a deer, a human face
To touch my empty mind.
I wander past the silent trees
And know that I should fly
Beyond the prison of this earth
Towards the darkening sky.
For even thunder is voice
And storms may be sublime
And while I’shelter here alone
It is a waste of time

(Clare Meiklejohn)

Bài báo cũ rồi. Tận 13 tháng 7 năm 1980. Sự thán phục của Minh không lấy gì đo hết. Anh chàng khen:

– Em đọc hay quá. Nghe như ngâm thơ. Thương cười:

– Thì đúng là thơ. Còn “nghe như” gì nữa!

– Em dạy cho tụi này học đi, đừng dạy thơ. Tụi này chỉ cần biết những câu đại khái như: “Chào ông, chào bà”. “Chúng tôi cần việc làm”. “Vâng, chúng tôi rất mạnh khỏe”. “Lương hàng tháng được bao nhiêu?” “Còn ít lắm. Thêm chút ít có được không?”. “Cảm ơn”. “Cho tôi gửi gói này về Việt Nam”. “Tốn hết bao nhiêu?”. Ðấy, cần thiết nhất là những câu ấy.

Thương bật cười tưởng Minh nói đùa, hỏi lại:

– Anh không cần học các câu như: “Tôi mệt lắm cho tôi nghỉ việc vài ngày”. “Xin bác sĩ cứu tôi”, “Làm ơn đừng báo tin buồn cho gia đình tôi biết” hay sao?

Minh nghiêm mặt đáp:

– Không cần. Tụi này còn trẻ và khỏe mạnh. Tụi này khỏi cần gặp bác sĩ. Em tin đi, tôi còn sống cho đến ngày về lại được Việt Nam. Thương hỏi:

– Chắc không?

– Chắc chứ! Năm nay tôi mới 24 tuổi. Bốn đứa kia tuổi từ 20 đến 23. Nhất định tụi này còn sống được ít ra đến năm 70 tuổi. Gần 50 năm nữa, tức là nửa thế kỷ. Chẳng lẽ mọi sự cứ dẫm chân tại chỗ như hôm nay?

Thương suy nghĩ một lúc, rồi nói:

– Nếu còn ngày rộng tháng dài như vậy, thì việc gì các anh phải học vội mấy câu. Các anh cứ học từ từ.

Minh vui mừng reo lên:

– Thương nhận lời dạy tụi này rồi nhé, bài bản tùy cô giáo định.

Từ đêm hôm ấy, năm cậu trai thôi thao thức nhìn về bức vách nhựa màu xanh của phòng khuê. Cái đèn bão được chuyển ra chỗ bàn ăn của phòng ngoài. “Cô giáo” nhỏ vỡ lòng cho năm “ông anh học trò” bằng những từ ngữ cần thiết như: bãi biển, con suối, rừng cây, bầu trời, đám mây, đóa hoa, nụ cười, và một chữ đơn sơ mà khó hiểu nhất: hạnh phúc.

*

Vâng, quả nhiên hạnh phúc happiness là từ ngữ đơn sơ mà khó hiểu nhất, vì nó mong manh như một mảng mây bay.

Năm cậu học trò vừa thuộc được chữ CLOUD và đang bập bẹ học đọc chữ HAPPINESS thì một chiếc thuyền vượt biên nữa cập bến đảo Kuku. Như thông lệ, mọi người đổ xô ra cầu tàu để hy vọng tìm ra thân nhân trên chiếc thuyền may mắn. Những người mới đến được tàu khoan dầu vớt, nên khi chiếc tàu tiếp vận ống khói sơn xanh mang ngôi sao vàng đậu ngoài cửa vịnh hú còi, không khí khắp trại tị nạn rộn rịp hẳn lên. Nhân viên phòng cao ủy, ban an ninh chính quyền Nam Dương, bác sĩ y tá của hội hồng thập tự lo chuẩn bị đón tiếp. Người lo giăng dây trước cửa văn phòng tiếp đón ở cầu tàu. Ban đại diện Việt Nam sửa soạn sổ đăng ký nhập trại.

Bác sĩ Tra-quýt mang ống nghe chực sẵn ở phòng chẩn bệnh. Hai quân cảnh người Nam Dương khiêng tấm vải bạt ra trải sẵn trên cầu tàu để chuẩn bị khám xét hành lý. Chiếc thuyền mang tên Tân Thành nhổ neo ra khơi. Mọi người nao nức chờ đợi. Người lớn ra sát bờ nước để nhìn cho rõ. Trẻ con bất chấp lời cảnh cáo của quân cảnh Nam Dương, leo cả lên cầu tàu.

Mười lăm phút sau, chiếc Tân Thành quay vào, trên thuyền lố nhố nhiều bóng người mặc quần áo mầu sẫm. Thương và năm cậu học trò ngoan cũng có mặt trong số người chờ đợi. Chiếc Tân Thành cập bến. Bước lên trước tiên là bốn thủy thủ của chiếc tàu tiếp vận hãng khoan dầu. Người ta dễ nhận ra họ vì cách ăn mặc sang trọng, sặc sỡ khác hẳn lối ăn mặc của người Việt. Giờ phút quan trọng sắp đến. Vài người tị nạn bắt đầu leo lên cầu tàu. Con nít, đàn bà được khám xét qua loa nên vào trước. Mấy đứa nhỏ ngơ ngác nhìn quanh đảo, rồi chăm chú bước vì sợ lọt chân xuống những kẽ cầu ghép bằng thân cây. Một chị đàn bà mang thai mệt lả phải vịn vai hai người đàn bà  khác. Một chị mặc áo len xanh mạnh dạn đứng lại ở khúc ngoặc cầu tàu giơ tay nói lớn với mọi người.

– Xin chào bà con cô bác. Ðến được đây thật quá mừng.

Nhiều tiếng lao xao hỏi từ bốn phía.

– Từ đâu đi đấy?

– Trên ghe có mấy người?

– Ði bao nhiêu ngày mới được vớt? Câu trả lời bị gió bạt mất. Nhưng cần gì! Họ dồn đến gần hơn để hỏi người khác. Một người nhận được câu trả lời, thế là chỉ cần một phút sau cả trại đều biết các chi tiết. Ðàn ông được khám xét kỹ hơn nên thường lên sau cùng.

Một cụ già mặc quần đùi và chiếc áo thun in hình sặc sỡ có lẽ xin được trên tàu khoan. Một thanh niên chỉ mặc cái quần tây dài bị rách toạc một ống, và ở trần, vì cái áo treillis cũ đã bị tịch thu ngoài cầu tàu theo luật của chính quyền Nam Dương. Một người đàn ông tóc muối tiêu ôm mớ quần áo ướt vì cái túi vải Kaki xanh rêu cũng bị tịch thu. Hai thanh niên dìu một bé trai khoảng 10 tuổi chân bị băng bột. Cuối cùng là một chàng trai  vạm vỡ mặc bộ đồ công nhân dính đầy dầu mỡ có dáng đi vững chắc tự tín. Người ta đoán anh ta là tài công.

Thương vừa trông thấy anh ta, liền mừng rỡ kêu lớn:

– Anh Thành, anh Thành, em đây này! Chàng trai bỡ ngỡ không tin có người biết mình, nên chỉ khựng lại một chút, rồi tiếp tục bước. Thương leo hẳn lên thành cầu tàu gọi lớn hơn:

– Anh Thành! Thương ở đây!

Thành dừng hẳn lại. Anh nhận ra cô gái. Nước mắt Thương ràn rụa. Thành ngồi xuống nhìn cô gái sững sờ, chưa dám tin ở mắt mình.

– Em đấy ư, Thương? Có phải em đấy không? Thương đáp trong nước mắt:

– Em đây chứ còn ai! Làm sao anh thoát được? Rồi làm sao anh tìm ngay được chiếc này? Vậy mà bao lâu nay em cứ tưởng anh bị bắt trở lại rồi. Nếu người quân cảnh Nam Dương không hối thúc, có lẽ họ còn bíu lấy nhau, một người ngồi trên cầu tàu, một người rướn người níu lấy thành cầu, để hỏi cho đến tận đầu nguồn. Cô gái chới với chạy dọc bờ cát nhìn theo chàng trai lúc ấy phải lần lượt vào phòng chẩn bệnh và chờ đăng ký nhập trại. Năm cậu học trò ngoan ái ngại nhìn cô giáo, chưa biết phải xử trí thế nào. Họ ngập ngừng giữa hoang mang. Thương vẫn tức tưởi khóc. Cuối cùng, lại chính Minh lãnh phận sự khó khăn. Anh tiến về phía Thương, hỏi nhỏ:

– Em gặp được người quen ư?

Thương ngửng lên, vừa cười vừa khóc, giọng đứt quãng:

– Vâng. Người quen.

Minh rụt rè hỏi:

– Ai thế?

– Chồng chưa cưới của em. Tụi em đi với nhau, nhưng taxi của anh ấy bị công an biên phòng rượt bắt, em đã tưởng anh ấy không thoát. Ai ngờ… Rồi chợt nhớ đến hiện tại, Thương vui vẻ nói:

– Thế là chiều nay em phải dọn nhà. Cảm ơn năm anh đã giúp đỡ Thương nhiều. Anh Thành đã ra kìa. Xin lỗi, em đi nhé!

Anh Thành, em đây!

*

Tối hôm đó, năm người không thắp đèn. Mỗi người nằm một góc nghe muỗi vo ve và tiếng sóng vỗ ì ầm. Lạc thợ lò bánh nghĩ đến cái bánh cưới phải làm cho kẻ phụ bạc. Vĩnh thợ may nhớ lại cảm giác xót xa khi do ngẫu nhiên đã may chiếc áo cô dâu cho người yêu cũ. Tiến thợ mộc nghĩ đến những chiếc giường cẩm lai gắn kính. Hùng Ðồ Tể ngậm ngùi nhớ lại những lần được thuê mổ heo với giá cao mà lòng không vui. Còn Minh thì không quên được những lúc mua được chiếc áo cưới hàng tốt, thương cho cặp tân hôn sa sút rồi chạnh lo cho mình, ngần ngừ không nỡ bán lại. Happiness, chỉ có 9 chữ và 3 âm, nhưng sao rắc rối quá lắm!

Nguyễn Mộng Giác

 

   Số lần đọc: 115

Tác Phẩm

BÀI KỀ

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây