Nơi lưu giữ những tác phẩm của Nhà Văn Nguyễn Mộng Giác (1940-2012)

Nơi lưu giữ những tác phẩm của Nhà Văn Nguyễn Mộng Giác (1940-2012)

Mùa Biển Động – Chương 02

Đáng lý bữa tiệc sinh nhật của Quỳnh Như chấm dứt hồi mười một giờ đêm. Nhưng ăn xong, đồng hồ đã chỉ mười giờ rưỡi. Nhân vật chính của đêm nay là Quỳnh Như nên thầy mẹ, các anh chị và bạn bè đã ngầm đồng ý với nhau nhường cho cô bé cái quyền hướng dẫn cuộc vui. Chính ông Thanh Tuyến xác nhận điều đó thành lời hẳn hoi, khi Quỳnh Như vừa thổi tắt dễ dàng mười tám ngọn nến cắm trên bánh sinh nhật.

Vì đột ngột được ủy nhiệm làm quản trò, nên Quỳnh Như ngộp thở vì quyền hành. Cô nghĩ ai cũng có tài cả, và ai cũng muốn nhân dịp này trổ tài cho mọi người thưởng thức. Y như Quỳnh Như vậy!

Còn chỗ nào lý tưởng hơn! Phòng khách ấm cúng, ngọn đèn tường núp trong các vỏ sò nến ánh sáng mát dịu ấm áp, lại thêm mầu vàng hài hòa của các thứ trang bị căn phòng như gợi cảm giác quyến luyến man mác. Lòng từng người dịu lại. Đã đến giờ của tâm sự, giữa khung cảnh lý tưởng nhất. Quỳnh Như loay hoay chưa biết chỉ định người nào hát hoặc đàn địch, làm trò vui trước, thì chợt để ý đến bộ trống đàn cồng kềnh. Quả tình đem cả giàn trống này đến đây chẳng khác lấy dao chém ruồi. Thế mà họ cũng chịu đến, chịu khó thật. Quỳnh Như hãnh diện về mình. Cô nhìn cách ban nhạc hút thuốc thơm, uống rượu, thấy họ rụt rè khác hẳn lúc họ hát bài Crazy Love. Dường như xa đàn xa trống, họ lúng túng quê kệch đến đáng thương, như có ca sĩ đang hát trên sân khấu thì micro bị hư. Nghĩ như vậy nên Quỳnh Như mời họ cầm đàn cầm dùi trống trở lại, biểu diễn “nhè nhẹ” cho vài bản Rock và Twist. Đến lượt Quỳnh Như được các cậu yêu cầu ngồi vào dưong cầm đàn cho họ nghe bản Sérenata của Schubert. Quỳnh Như say sưa với vai trò nhân vật chính nhiều quá nên bị lỗi khá nhiều nhịp. Ông Thanh Tuyến nổi hứng kể chuyện vui lúc ông cùng bà tản cư về sống tại một làng quê cách Hà nội khoảng năm mươi cây số. Ông kể chuyện không được mạch lạc, lại không vui như cách ông cười giáo đầu. Tuy nhiên giới trẻ vẫn vỗ tay nồng nhiệt. Ông vui quá. bảo bà hát lại cho “các con các cháu” nghe bài hát ông mê mệt hồi đó. Hồi cô tiểu thư Hà nội đi tản cư và nhờ có nhan sắc và giọng hát, được tuyển vào ban ca kịch xung phong tuyên truyền. Bài hát thiếu chất tuyên truyền lại “tuyên truyền” được ông Thanh Tuyến là Con Thuyền Không Bến của Đặng Thế Phong. Bà Thanh Tuyến từ chối không được, cuối cùng phải hát. Ba đứa con bà phải trố mắt kinh ngạc. Bà hát thật hay. Quỳnh Như tối hôm đó không tài nào ngủ được vì nhiều lý do, trong đó có giọng hát hơi khao khao, đặc biệt lê thê chán chường của mẹ. Cô bé lay chị Trang dậy hỏi:

– Chị có bao giờ ngờ me hát hay như vậy không? Tiếc nhỉ! Tại sao me không làm nghề ca sĩ?

Quỳnh Trang cũng không dỗ được giấc ngủ, quay lại nói:

– Lúc ấy tân nhạc chỉ mới nhóm lên thôi, đã được như bây giờ đâu. Sống được bằng ca hát chỉ có các ả đào.

Quỳnh Như nhớ lời mẹ hồi tối. hỏi chị:

– Hát đào nương thì có gì xấu đâu mà me không muốn em biết nhiều. Em hỏi về khu Khâm thiên, me nói qua loa rồi lánh sang chuyện khác. Sao thế?

Quỳnh Trang nhìn em để đo lường xem Quỳnh Như giá vờ hay nói thật. Ánh mắt Quỳnh Như thắc mắc chân thành, nên Quỳnh Trang bảo:

– Họ vừa hát vừa tiếp khách đấy.

Quỳnh Như chợt hiểu, đỏ mặt lên, thì thào:

– Ghê quá. Sao họ nỡ tàn nhẫn thế nhỉ?

Quỳnh Trang nhạc nhiên hỏi em:

– Như bảo ai tàn nhẫn?

– Bọn đàn ông. Chẳng bù với các cụ Nguyễn Công Trứ. Cao Bá Quát, Chu Mạnh Trinh. Dương Khuê, trọng vọng các cô đến nỗi làm ra thơ lưu lại hậu thế cho mình học. Như hai cô Hồng và Tuyết của cụ Dương Khuê.

Quỳnh Trang chờ cho em nói hết, mới bảo gọn:

– Các Cụ cũng chẳng hơn gì đâu.

Quỳnh Như ngồi hẳn dậy. Cái giường nệm trắng hai chị em ngủ trở mình kêu cót két. Quỳnh Như hỏi dồn:

– Chị căn cứ vào đâu mà lại nói thế?

Quỳnh Trang đủng đỉnh đáp:

– Vào chính thơ văn của các cụ.

– Nhưng trong thơ văn có điều gì… điều gì thô tục đâu!

– Không thô tục, nhung các cụ khinh các cụ bà ở nhà ghê lắm. Ai đời đem tiền nhà đi hát, đã không giấu vợ cho phải phép lại còn thản nhiên làm thơ để truyền tụng ở đời. Các cụ bà ngày trước hiền đấy. Giả thử bây giờ thầy làm như các cụ thử xem. Me đem me xé xác ra chứ! .

Quỳnh Như thấy ngộ nghĩnh quá, cười vang. Cô bé lại hỏi:

– Giả sử… em chỉ nói giả sử me mình hát hay, thầy có cho me đi hát đào nương không?

– Không đâu. Người ta lấy ả đào về làm vợ, chứ ai lại cho vợ đi làm ả đào.

Quỳnh Như lại nằm xuống giường, kéo chăn đắp đến cổ, mắt lim dim, mỉm cười một mình. Cuộc sống êm ái thật. Me hát hay, thầy trẻ trung, phòng khách ấm cúng sang trọng, tiếng đàn dương cầm thánh thót, những tiếng cười dòn dã, ánh sáng mát dịu của ngọn đèn ngủ trong phòng hai chị em. Kể cả chị Quỳnh Trang nữa, sao đêm nay chị ấy hiền hậu dễ thương quá! Phải! Mình bộp chộp bạ đâu nói đấy thì phải có một bà chị như chị Quỳnh Trang kiềm chế mình bớt, nếu không hóa ra lố lăng. Chị ấy không bao giờ cười thành tiếng. Chỉ cười nụ, hoặc cười nhỏ một tiếng rồi lấy tay che miệng lại. Bàn tay chị ấy đều đặn như khuôn mặt và thân thể chị ấy. Dù thế, mỗi lần chị cười, mình vẫn thấy được đôi mắt trong sáng vừa dọ dẫm vừa liều lĩnh trước cuộc vui của chị. Quỳnh Như thấy phục chị, thương chị quá. Cô lại lay chị và hỏi:

– Chị Trang ơi, chị ngủ chưa?

Quỳnh Trang nắm lấy bàn tay em, bóp nhẹ âu yếm rồi mở mắt đáp:

– Chưa, nhưng đừng nói lớn, khuya rồi.

Từ đó hai chị em thì thào nói chuyện, sợ xao động cái ánh sáng êm ả của cuộc sống đêm nay.

– Chị ơi!

– Cái gì thế?

– Đêm nay chị thấy ai đẹp nhất?

– Mày biết rồi còn hỏi.

– Ý em đâu phải thế! Em mà đẹp gì. Cái răng cời nhổ đi có sao không chị?

– Sao lai nhổ?

– Để thấy kỳ lắm. Mỗi lần cười không thoải mái chút nào.

– Mày để như vậy có duyên hơn. Chính vẻ bối rối của mày khi nhớ tới cái răng cời làm cho mày có vẻ lấp lửng e ấp thật đặc biệt. Con Nam cũng nói với tao thế.

– Chị Nam độ rày hơi ốm, chị Trang nhỉ!

– Ừ.

– Hiệu sách của bác Văn ra sao, chị đến chưa?

– Nhỏ thôi. Nằm ở khu vực đó, ế là phải.

– Khu nhà bác Văn à? Em thấy ở quanh đấy có nhiều trường học. Ðáng lẽ phải khá chứ.

– Tâm lý khách mua sách không như thế đâu. Sách không phải là một nhu cầu tối cần thiết như cơm áo, nên chỉ mua kèm khi nhân dịp mua thứ khác còn tiền lẻ. Hiệu sách mở giữa phố đông bao giờ cũng đắt hơn.

– Khi hôm chị Nam mặc áo gì chị Trang nhỉ? Em bu lu quá nên không để ý.

– Chỉ áo dài trắng thôi. Cái áo cũ mặc từ năm học đệ nhất với chị.

– Sao chị biết?

– Vì vết mực ở ống tay áo do chị sơ ý làm bẩn vẫn còn đó.

– Chị mập ra, nhiều cái áo cũ không mặc được. Đem tặng chị Nam vài cái đi!

Quỳnh Trang im lặng một lúc, không trả lời. Quỳnh Như tưởng chị tiếc của, nói:

– Chị không mặc được, để làm gì! Thân thể em không vừa kích thước áo chị đâu!

Quỳnh Trang gắt:

– Mày tưởng chuyện đem cho dễ làm hay sao. Cho không khéo, chẳng khác nào chửi vào mặt người nhận.

Quỳnh Nhu công nhận lời chị quá đúng. Ừ nhỉ! Quả có những trường hợp như thế thật. Cuộc đời sao rắc rối quá! Giá nó đơn giản hơn chút nữa, đơn giản như cách suy nghĩ và mong ước của Quỳnh Như thì hay biết mấy! Quỳnh Trang nói:

– Tội nghiệp! Nam nó chưa biết cả cách đánh phấn nữa.

Quỳnh Như không tin được, hỏi lại:

– Chị ấy có đánh phấn à?

– Có đấy.

– Sao bữa nay chị ấy làm dáng thế. Chẳng lẽ để làm vui lòng em.

– Mày biết rồi còn giả vờ mù.

– Chị nói gì lạ thế?
– Thôi ngủ đi.

– Ngủ sao được. Chị chưa giải thích rõ, nhất định em không cho chị ngủ.

– Chuyện người lớn mày biết làm gì?

– Ơ hơ, em đã thành người lớn rồi. Chị quên sao?

– Thôi được, nói cho mày để yên tao ngủ. Con Nam nó yêu anh Tường đấy.

– Chị chỉ tưởng tượng. Có thấy anh Tường tỏ ra điều gì khác thường đâu?

– Hiện nay thì chưa. Nhưng cảm tình của con Nam thì chắc lắm rồi. Mỗi lần phải đến gần anh Tường, hoặc mỗi lần tao nhắc đến tên anh ấy, khuôn mặt nó lạ lắm.

– Lạ thế nào chị?

– Thật khó nói. Gần như nó không còn kiểm soát được đôi mắt, nụ cười, đôi tay của nó nữa.

Thấy ý chị ngô nghĩnh, Quỳnh Như cười lớn, cười xong mới nhớ, nên trùm chăn lên mặt cười rung rúc một hồi. Sau khi đã cười thỏa mãn, Quỳnh Như lật chăn ra hỏi:

– Còn cái miệng. Chị ấy có kiểm soát được không?

– Dĩ nhiên được. Nó đâu có lém mồm như mày. Nhưng qua cách nó liếc nhìn về chỗ anh Tường, sau đó cười bẽn lẽn như bị bắt quá tang, rồi đưa tay măn măn cái chéo khăn bàn, mình đoán lòng nó dễ lắm.

– Anh Tường mình có thấy không?

– Chắc không. Lúc ấy, ảnh nói gì với anh Ngô ra vẻ sôi nổi lắm.

Quỳnh Như xịu mặt, nói giọng hờn dỗi:

– Em chịu, càng ngày càng xa cách với ảnh. Chị đi Sài gòn có hơn tháng, em ở đây chịu đựng đủ điều.

– Chuyện gì mà mày bi thảm hóa thế?

Giọng Quỳnh Như tức tối:

– Cái gì ảnh cũng la rầy. Tuần trước em may xong cái áo gấm Thượng hải, đem về chỉ định khoe với thầy me thôi. Nhưng thầy me bận đi đâu cả, em chịu không nổi nao nức mặc áo đi vào khoe với ảnh. Ảnh ngắm một hồi không khen cũng không chê. Qua lối ảnh nhìn, em biết ban đầu ảnh phục em mặc đẹp. Nhưng sau đó ảnh chau mày hỏi em: “Công may hết bao nhiêu thế́?”. Em nói giá và cẩn thận phân bua vì vải hiếm thợ may sợ cắt hư phải đền nhiều tiền nên lấy giá cao. Anh bĩu môi phán một câu: “Bấy nhiêu tiền đủ cho một gia đình nghèo ở gầm cầu Gia hội sống một tháng đấy”. Chị Trang nghĩ xem, đang vui mà nghe như thế, có bực không!

– Rồi mày nói sao?

Giọng Quỳnh Như trở nên hăng hái:

– Em gọi ảnh là “ông thánh”. Xin “ông thánh” anh tôi cứ đem hết quần áo ra phân phát cho những người chui rúc ở tất cả các gầm cầu. Chị có biết ảnh nói sao không?

– Ảnh nói gì?

– Ảnh nói một mình ảnh làm không đủ. Phải có nhiều người làm việc đó. Kinh nghiệm cổ kim cho thấy nhỏ nhẹ khuyên lơn, hoặc van xin thì không ai chịu làm như thế cả. Chỉ còn một cách.

Quỳnh Như láu lỉnh dừng lại, giả vờ ngáy dài, lơ mơ muốn ngủ. Quỳnh Trang kiên nhẫn chờ mãi không được, thúc cùi chỏ vào hông em hỏi:

– Cách gì thế?

Quỳnh Như phá lên cười, cười xong nhớ cần im lặng cho người khác ngủ, lại giấu mặt dưới tấm chăn len.

– Anh ấy nói chỉ có một cách duy nhất là tước đoạt tài sản do bọn giàu có bóc lột được lâu nay đem trả lại cho dân nghèo. Làm như thế là thực hiện công lý vĩnh cửu, theo ý muốn của Thượng đế.

Quỳnh Trang không ngờ anh mình có những ý tưởng như vậy, lo sợ vu vơ không nói gì được. Quỳnh Như tưởng chị đã ngủ, hỏi hơi lớn:

– Chị còn nghe em nói không?

– Còn. Gì vậy?

– Hôm chị vào Sài gòn học dược được nửa tháng, thầy với anh Tường có cãi nhau một bữa thật gay go.

– Thật thế à? Chuyện gì vậy?

– Vẫn chuyện ấy. Anh cứ nói theo cái giọng trách móc dấm dẳng khó chịu như thế. Hôm đó me vào Đà nẵng nhận hàng nên chỉ có em, thầy và anh ấy ở nhà. Anh không dám nói thẳng như đã nói với em, nhưng thầy hiểu liền. Thầy quát: “Tao không muốn nghe cái luận liệu đó trong nhà nầy”.

– Rồi anh Tường phản ứng thế nào?

– Anh ấy không sợ hãi gì cả. Anh nhìn thẳng vào mặt thầy, mím môi nhìn một lúc rồi nói: “Thầy không muốn nghe người trong nhà nói thì cũng phải có lúc người ngoài phố chận thầy lại, sau khi đập nát cửa kính, đốt cháy chiếc Toyota trắng của thầy, họ sẽ quát vào mặt thầy: “Ê, xuống đi. Thằng nhà giầu bần tiện. Mày đổ chính máu tụi tao, mồ hôi tụi tao vào cái xe của mày để làm nhiên liệu, mày biết không?”

Quỳnh Trang ngạc nhiên quá, chống tay ngồi dậy nhìn em sững sờ. Có thể như vậy được sao? Quỳnh Trang run run hỏi:

– Sau đó thầy làm gì?

– Thầy đánh cho anh Tường một bạt tai. Chị về kỳ này có thấy anh ấy thay kính hay không? Cái gọng nâu bị gẫy từ hôm ấy.

Quỳnh Trang thì thào:

– Hèn chi hồi nãy Nam nó hỏi, chị không đáp được. Nó hỏi tại sao cặp kính cận trước đây rất hợp với khuôn mặt xương xương của anh ấy, sao bây giờ lại đổi sang gọng vuông. Nam nó theo dõi anh ấy từng ly từng tí.

Có tiếng ho húng hắng bên phòng ngủ của ông anh. Hai chị em sợ anh đã nghe thấy, nhìn nhau lo ngại, rồi cố dỗ giấc ngủ. Có lẽ bây giờ đã quá một giờ khuya.

Nằm yên chưa được đầy mười lăm phút, Quỳnh Như lại gọi nhỏ:

– Chị Trang ơi!

Quỳnh Trang không ngủ được, nhưng vờ nằm yên xem con em làm gì. Quỳnh Như se sẽ ngồi dậy thật nhẹ, để cái lò xo dưới nệm khỏi kêu cót két, se sẽ chống tay choàng qua Quỳnh Trang, lém lỉnh cúi xuống thật gần. Hình như bà chị đã ngủ thật vì mặc dù Quỳnh Như nhìn chị lâu, hơi thở Quỳnh Trang vẫn đều đặn. Quỳnh Như ngắm chị , thấy khuôn mặt chị phúc hậu thật. Hai má bầu, cái mũi thẳng, môi trên hơi đầy nhưng bù lại, cái miệng khá rộng thành thử vẫn giữ được nét cân đối. Quỳnh Như tưởng tượng người đàn ông có diễm phúc được làm chồng chị Quỳnh Trang, được áp lên đôi má êm và mịn màng này, được hôn lên đôi môi đầy này, được vuốt ve mớ tóc dầy kia… Quỳnh Như cảm thấy xao xuyến. Trong vòng tay cô, bà chị vẫn ngủ say. Hình như quá say thì phải, vì Quỳnh Trang bắt đầu ngáy. Quỳnh Như ngờ ngợ điều gì. Cô mĩm cười, cúi sát thêm vào gần mặt chị, bậm môi làm cho cái mồm méo xệch. Quỳnh Trang không nhịn được nữa, bật cười kêu lên:

– Mày làm cái trò gì thế, con quỉ.

Quỳnh Như cũng cười rúc rích:

– Ai bảo chị ngáy lớn. Nghe chị ngáy lớn quá, em biết chị giả bộ liền.

– Thôi ngủ đi. Quá khuya rồi.

– Em không ngủ được. trong lòng cứ nao nao thế nào!

– Hay mày phải lòng đứa nào rồi? Đêm nay có thấy đứa nào coi được đâu.

Quỳnh Như thành thực tâm sự:

– Em chả chú ý đến ai cả. Em chỉ thích có mỗi một mình em. Đêm nay em thấy mình lạ quá. Em lớn hẳn lên, đẹp hẳn lên. Qua mười tám tuổi, chao ơi, thiên hạ không ai dám gọi em là con bé nữa nhé. Phải kêu “cô” đàng hoàng. “Thiếu nữ”. Ừ nhỉ, em đã thành một thiếu nữ như ai. Từ nay nhất định em không thèm mặc jupe xanh đi học nữa. Phải áo dài. Chị biết không, hồi tối anh Ngô mời em làm người mẫu cho anh ấy vẽ bức tranh thi tốt nghiệp đấy.

Quỳnh Trang hơi ganh tị, hỏi xẵng:

– Thật thế à?

– Lại không thật. Nếu chị muốn, em sẽ nhờ anh ấy vẽ luôn cho chị.

Quỳnh Trang giận. nói ngay:

– Chả thèm.

Quỳnh Như cố giữ thế diện cho mình:

– Anh ấy vẽ đẹp đấy chứ. Anh Tường bảo anh Ngô sẽ trở thành một họa sĩ lớn. Chắc chắn thế.

Giọng Quỳnh Trang mỉa mai:

– Còn mày sẽ trở thành một người mẫu lớn. Sướng chưa!

Quỳnh Như ngơ ngẩn chưa hiểu nổi vì sao đột nhiên chị mình cau có mỉa mai, nằm xuống giường suy nghĩ. Càng nghĩ cô càng tủi thân. Năm nay lên mười tám tuổi, trong nhà không ai hiểu cho cô cả. Thầy me có nuông chiều thật đấy, nhưng chiều chuộng là một đàng, hiểu con là một đàng. Còn lại ba anh em trong nhà. Anh Tường dở chứng đăm đăm suốt ngày. Xem tiện nghi và sự giàu sang đang hưởng là một thứ chất độc làm ung loét tâm hồn, một nỗi ô nhục nên giấu đi mà hưởng chứ không nên khoe ra. Chỉ còn mỗi một mình chị Quỳnh Trang để tâm sự. Thế mà chị ấy có chịu nghe cho đâu. Mình định kể cho chị ấy nghe niềm hãnh diện đáng yêu của mình đêm nay, niềm thương bao dung mình muốn mọi người trên thế gian đều được chia sẻ âu yếm. Thiếu nữ! Mười tám tuổi! Thiếu nữ! Ôi chao, thật là tuyệt vời. Quỳnh Như bất giác cười khúc khích.

Quỳnh Trang quay lại hỏi:

– Mày còn định bày trò gì nữa!

Quỳnh Như cười, rồi đáp:

– Chẳng có trò gì. Thấy vui nên cười, thế thôi.

– Con này điên rồi.

– Có lẽ.

Họ lại cố dỗ giấc ngủ.

…….

Tối hôm ấy sau bữa tiệc sinh nhật. Ngô rủ Tường đèo nhau qua tiểu khu xem có thể rủ Ngữ đi về xưởng vẽ uống cà phê nói chuyện hay không. Nghe gợi ý của bạn, Tường sáng mắt lên. Nhưng ngay sau đó, chàng nói:

– Qua chỗ đó mình không thích tí nào cả.

Ngô quên thói quen suy nghĩ của bạn, hỏi lại:

– Chỗ đó là đâu?

Tường đáp, giọng khinh miệt:

– Những chỗ chuyên bàn tính chuyện bắt người và giết người. Tiểu khu không làm chuyện đó thì làm gì? Thằng Ngữ có nói gì thì nói, giữa bạn bè vì thương nhau nên thông cảm cho nhau. Nhưng nó vẫn cứ là cái mắc xích cần thiết cho bộ máy đàn áp. Nó bảo chỉ lo việc vặt như tiếp công văn đến chuyển công văn đi ư? Thử tưởng tượng nếu nó bỏ phứa hết cả, công văn đến thì lấy đi cầu, công văn đi thì cho trẻ con thắt thuyền, kết quả sẽ ra sao? Nó tình nguyện làm cái mắc xích ngoan ngoãn, để mặc cho người ta lâu lâu bôi dầu bôi mỡ, thì bảo không liên can sao được.
Ngô cau mày khó chịu. Tường nói thật hăng, thật lâu, nhưng Ngô không nghe gì thêm được. Bạn chàng đã nhai đi nhai lại từng ấy lập luận biết bao nhiêu lần rồi. Thành thực mà nói, trong ba người thường đi lại thân mật với nhau là Tường, Ngô và Ngữ, chỉ có nhà Tường là khá giả. Do đó mọi khoản chi phí như tiền trả cà phê, đường, tiền mua xăng đổ vào chiếc vespa công cộng, tiền mua các cuốn sách cần thiết để làm tài liệu tranh luận, kể cả khoản tiền bù khú trên đò Thương bạc, đều do Tường xuất ra cả. Ngô và Ngữ mặc nhiên xem điều đó tự nhiên, vì biết tiền lương giáo sư triết của Tường chỉ đủ cho chàng tiều vặt, hút thuốc và may quần áo. Ông bà Thanh Tuyến giàu có, đứa con trai đầu có lấy tiền ăn tiêu với bạn bè cũng không có gì đáng ngạc nhiên. Họ chỉ khó chịu khi Tường làm như chưa hề biết xuất xứ các món tiền mình đem tiêu hàng ngày. Chàng làm như mình hoàn toàn vô can, đứng ngoài với bàn tay sạch sẽ để chê kẻ này, trách kẻ kia. Ngô xin về để tháp tùng cô em gái. Diễm chờ ông anh từ lâu ở trước của hiệu radio Thanh Tuyến, cho nên Ngô không kịp nói điều mình muốn nói. Chàng chỉ dặn bạn:

– Sáng mai đem vespa lại đằng tao. Tao đến tiểu khu chở thằng Ngữ về, rồi ba đứa đi uống cà phê Thành nội. Sáng mai này có giờ dạy không?

– Không. Ðược, khoảng tám giờ tao qua mày.

Tường đến đúng giờ hẹn. Nhà Ngô nằm trong khu cư xá hỏa xa nằm dọc theo sông đào An cựu. Trước đây khi ngành hỏa xa còn hoạt đông bình thường, có lẽ căn nhà gạch này không đến nỗi tồi tàn lắm. Cách kiến trúc nặng nề từ thời Pháp thuộc với những tường ghép đá và cửa lá sách cao lớn, với mái ngói nhọn như mái các lâu đài châu Âu thời trung cổ, nói chung căn nhà chắc chắn nhưng thiếu bề rộng cho cả gia đình, chưa nói tới sự ngăn nắp phân chia rõ ràng phòng ăn, phòng ngủ, phòng khách theo lối sống mới. Ngoài cái buồng trong dành cho đàn bà con gái, còn đàn ông con trai từ lớn tới nhỏ làm gì cũng ở cái phòng rộng bên ngoài. Trong phòng, chỉ có một cái bàn gỗ khá chắc trên đó chi chít các dấu dao khắc, gọt, lem luốc dấu mực của biết bao thế hệ con cái nhân viên hỏa xa. Quanh cái bàn phong trần ấy là hai cái băng gỗ có dựa. Phòng khách ở đấy. Phòng ăn cũng ở đấy, tại cái bàn phong trần. Đặt khay nước có bốn cái tách trà bốc khói thì thành bàn khách. Đặt cái mâm thau với son cơm, đĩa rau muống, chén nước chấm, đĩa cá kho tiêu… thì thành bàn ăn. Hai bên bàn kê thêm một cái giừơng gỗ trải chiếu và một cái đi-văng cũ mặt láng vì mồ hôi. Ngô đã sống từ nhỏ tới lớn ở căn nhà này, đã nhìn hàng ngày những chuyến xe lửa chạy qua trước mặt mình, khi thì hiền hậu chậm chạp, khi thì mệt nhoài thở dốc, khi thì hung dữ gào thét. Ngô thường bâng khuâng đứng bên đường rầy nhìn theo cái đèn đỏ xa dần xa dần phía sau đuôi toa tàu couchette, lòng chán nản vu vơ. Những cảm giác ấy tích lũy lâu ngày thành một thứ hoài cảm thân thiết, quí giá đến nỗi dù muốn dời nhà bao nhiêu, cuối cùng gia đình Ngô vẫn ở căn nhà xập xệ đó.

Từ khi vào học cao đẳng Mỹ thuật, Ngô mới thấy cần một chỗ rộng và yên tĩnh hơn để vẽ. Mấy năm gần đây ngành hỏa xa sa sút vì đường sắt bị phá hoại ở nhiều đoạn, lâu lâu chỉ còn chạy được chặng đường Huế- Đà nẵng. Một phần cơ sở phải chuyển nhượng qua Air Vietnam. Ga Huế không đủ kinh phí tu bổ nến nhiều dãy nhà kho, khu sửa chữa, khu gia cư bị hoang phế. Ngô tìm được một góc kho hàng khá tịch mịch và sáng sủa, sửa dọn lại, che kín thành một xưởng vẽ. Trừ hai bữa cơm, thường thường, các bạn bè của Ngô đến tìm chàng ở đây. Họ sống được thoải mái tùy thích, không phải ràng buộc vì lễ phép hoặc vì công lệ, thành thử cuối cùng, xưởng vẽ của chàng trở nên một nơi tụ tập văn nghệ lý tưởng, ở đó không có cái sang trọng ngăn nắp làm cho khách rụt rè khó chịu vì sợ làm điều gì thất thố, cũng không có cái bừa bộn dơ dáy thái quá của những căn phòng bọn độc thân. Khoảng vườn chuối kế tiếp với xưởng vẽ không rậm lắm nên ánh sáng mặt trời lọc qua các khe lá non chiếu hắt vào xưởng thứ ánh sáng trong xanh lung linh; lá chuối khô sột soạt, tiếng chim sẻ ríu rít trên ngọn nhãn và ở những mái kho bỏ trống, mấy toa xe cũ đứng án ngữ trước mặt như quay lưng với cuộc mưu sinh. Làm gì ngoài đời thì làm, nghĩ xuôi ngược thế nào cũng được, nhưng hễ đến đây, dường như mọi người đều được cảnh vật chung quanh dặn trước: “Hãy sống thoải mái. Hãy để mặc cho Tạo Hóa sinh diệt, tàn phai rồi nẩy mầm. Hãy lắng nghe tiếng chim chíp và tiếng nước rủ rỉ ngoài sông đào. Xin được yên tâm”. Có lẽ đó là nét quyến rũ của xưởng vẽ.

Ngô để mặc cho Tường quét dọn và nấu nước sẵn pha cà phê, lấy vespa chở Ngữ về. Họ đã đổi ý, muốn vừa uống cà phê tại nhà vừa nói chuyện tầm phào hơn là đi la cà tận Thành nội.

Ngữ và Ngô về thì cà phê cũng vừa pha xong. Tường mở kính cận ra lau, đôi mắt lờ đờ nhìn Ngữ khiến Ngữ cảm thấy nhột nhạt. Ngữ đột nhiên thấy bạn già nua, cau có khác thường. Chàng cười gượng hỏi bạn:

– Đêm qua có vui không?

Tường nói:

– Chờ mày mãi.

Ngô giải thích rõ hơn:

– Các cô cứ cá với nhau thế nào mày cũng tới. Một bên thách, một bên bắt, lần lần canh bạc lên cao lắm. Mày biết bao nhiêu không?

– Bao nhiêu?

– Một chầu bún bò.

– Ai thua ai được vậy?

– Mấy cô em gái của mày bị thua. Không biết anh em trong nhà hiểu nhau đến thế nào mà các cô ấy nhất định bảo mày sẽ tới. Quế còn nói chắc: “Anh ấy không tới thì chặt đầu em đi”.

Ngữ cười bảo:

– Tại tụi nhỏ thấy mình cạo râu kỹ quá. Tao định đi dự thật, nếu…

– Nếu thế nào?

– Nếu vào phút chót không có lệnh viết gấp diễn văn cho đại tá tiểu khu trưởng.

Tường bực dọc khai pháo:

– Mày hạ mình làm những chuyện lăng nhăng ấy sao?

Ngữ đã quen với những câu khiêu khích loại ấy, nên cười đáp:

– Những chuyện đó lăng nhăng, đúng, khỏi cần bàn cãi nữa. Cái trò làm lớn thật lố lăng. Nếu không tự ứng khẩu để nói thì phải tự viết mà đọc. Sai cấp dưới làm bài sẵn để lên bục đọc chính tả, thực chẳng biết xấu hổ là gì. Khôi hài hơn nữa là những người đứng nghe đều biết rằng ngài đại tá chỉ có việc đọc bài người khác viết sẵn, rằng ngài vừa đi ăn phở về hoặc mới ở sòng xì tố với ngài tỉnh phó nên không có hứng ban huấn từ. Biết tẩy như thế nhưng vẫn lễ phép cung kính lắng nghe. Nghe xong gật gù đắc ý, rồi lên cảm ơn đại tá đã sáng suốt ban toàn lời vàng ngọc.

Tường hỏi:

– Mày thấy rõ như thế sao còn viết giùm cho hắn?

Ngữ hỏi lại:

– Nếu mày ở vào hoàn cảnh tao, mày sẽ làm gì?

– Tao đâu có buông xuôi để đến nỗi phải ở thế kẹt của mày. Mày đặt câu hỏi không đúng!

Ngữ thấy chóng mặt. Chàng bậm môi lại nhìn Tường. Khuôn mặt xương xương. Mái tóc dài. Đôi mắt hơi nhỏ có đuôi, mỗi lần không nhìn ai thì lờ đờ còn khi chủ ý nhìn thì muốn tọc mạch xoáy sâu vào tâm hồn kẻ khác. Đôi môi thâm vì hút nhiều thuốc lá. Trên khuôn mặt hơi bệnh hoạn ấy, có điều gì bất thường, thiếu sự quân bình hài hòa. Ngữ nói một mạch dài:

– Vâng. Mày là thằng có bàn tay sạch nên mạnh bạo chê bai kẻ khác. Mày có ý chí làm chủ được cuộc đời mình nên chưa hề bị du vào thế kẹt. Mày muốn làm gì thì làm, và chỉ làm điều mình cho là hợp lý. Tao với mày thân nhau quá, biết nhau từ hồi còn học lớp đệ thất nên khỏi cần phải khách sáo làm gì. Mày tự hào chưa hề yếu đuối, thỏa hiệp? Mày nhớ lại coi. Nhớ lại cái thời tao với mày còn học đệ nhị và đột nhiên cả hai đều khám phá ra cái nhạt nhẽo vô vị của những điều mình học. Tao bỏ trường, còn mày, mày sợ thầy mẹ buồn. Lên đệ nhất mày cũng than phiền chương trình triết học chắp vá, và chỉ đưa đến những ảo vọng về trí tuệ, những ngộ nhận về hạnh phúc. Rồi chính mày học thuộc lòng những ảo vọng, những ngộ nhận đó, thuộc đến nỗi mày vừa đậu được cái bằng tú tài triết vừa đậu luôn vào Ðại học Sư phạm̉. Mày chịu khó học thuộc bài hơn ai hết, dù mày không tin chút xíu nào giá trị trong các bài đó. Nhờ chịu buông xuôi từ đầu nên mày khỏi kẹt vào khúc cuối. Mày được hoãn dịch vì công vụ, khỏi mặc áo lính, nên khỏi phải nghe lời thằng cha căng chú kiết nào hết. Tay mày sạch. Được rồi. Nhưng muốn giữ tay sạch, mày phải nhờ vả vào bàn tay không được sạch lắm của nhiều người, trong đó có cả tao. Mày nhớ chưa?

Tường không chờ đợi những phản ứng dữ dội như vậy, nên ngơ ngác nhìn hết Ngô đến Ngữ. Ngữ vừa dứt lời, Ngô đã tiếp:

– Tối hôm qua, tao cũng muốn nói với mày như vậy.

Tường hỏi cho có hỏi:

– Lúc nào?

– Lúc mày từ chối không chịu qua tiểu khu đón thằng Ngữ về.

Tường lại giở kính ra chùi, chùi xong đeo vào mắt trở lại. Chàng hấp háy mắt nhìn hết Ngô đến Ngữ, như hy vọng với một đôi kính trong, hình dáng các bạn sẽ khác đi. Khi thấy cả hai đều kiên nhẫn chờ mình trả lời, Tường hỏi:

– Chúng ta có nên nói huỵch toẹt những gì chúng ta nghĩ về nhau không?

Ngữ thấy cách lau kính của Tường đủ biết bạn ở vào trạng thái kích động cao độ, nên cười giả lả, tìm kế hoãn binh:

– Nên lắm. Nhưng nên từ từ. Sự thật không nên đến một lúc ồ ạt như thác đổ. Bây giờ hãy tạm uống cà phê sáng đã. Gớm, buồn ngủ thật. Tường hơi cụt hứng, định nói gì đó, sau lại thôi. Ngô ở vai chủ nhà cứ sợ có đổ vỡ cãi vã giữa hai người bạn thân, bây giờ mới yên tâm. Ngô thầm phục sự điềm tĩnh của Ngữ. Sợ Tường quay lại chuyện hóc búa để trả lời Ngữ, Ngô chỉ bức tranh mình vẽ dở dang bảo hai bạn:

– Mình vừa tìm được cái mầu nền “đã lắm”. Không hẳn là xanh ngọc bích. Bầu trời ngọc bích quang đãng không như vậy. Có thể có khá nhiều mây, nhưng sự u ám chưa đủ đậm để tuyệt vọng. Ðó là tình trạng lơ lững giữa ngậm ngùi, bồi hồi, vui không duyên cớ, buồn không hiểu vì sao buồn. Ðã lắm.

Tường uống một ngụm cà phê, rút thuốc Capstan ra hút, rồi bảo Ngô:

– Mày tìm được cái thứ lơ lửng như thế này mà kêu đã lắm đã lắm hoài. Đã cái gì?

Ngô tiên cảm lại có một cuộc tranh luận mới, mỉm cười hỏi lại:

– Mày đòi gắn ngòi nổ vào mấy hộp sơn của tao sao?

Tường đáp ngay:

– Khỏi cần. Thứ mầu sắc u ám với đám thiếu nữ ho hen của mày, có gắn được ngòi nổ thì tim dẫn lửa cũng tịt thôi. Không khí tòan ẩm mốc đìu hiu. Trước kia tụi mình bất lực, viết vẽ như thế được. Bây giờ Ngô triều đổ rồi, bọn quan lại về vườn hết. Đúng là lúc thế hệ trẻ có thể làm được việc. Không làm được thì thôi, đừng nói dóc nữa.

Ngô kêu lên:

– Tao có nói dóc đâu. Tao chưa hề, và chưa bao giờ muốn ống sơn dầu của tao lộn bất cứ loại hột nổ nào. dù hột nổ nhãn hiệu USA hay nhãn hiệu USSR. Tao vẽ cho tao. Cái gì tao thấy đã thì tao vẽ, hôm nay thấy đã mà ngày mai hết thấy đã thì xoá đi. Ngày mốt lại thấy đã, thì vẽ lại. Lẩm cẩm quá chứ gì. Tao không mong làm cho cuộc đời đơn giản hơn. Ngược lại.

Tường hỏi:

– Mày cóp được ở đâu bao nhiêu ý tưởng ích kỷ thế? Mày tưởng hễ là nghệ sĩ là chúa rồi, chỉ còn biết vâng theo cảm hứng của ta thôi hay sao?

Ngữ chen vào hỏi Tường, giọng hơi khôi hài châm chọc:

– Mày định ăn ghém văn nghệ phải không? Thái nhỏ văn nghệ ra kẹp với chả cá chính trị rồi ăn ngay, khỏi cần kiên nhẫn chờ luộc chín hoặc để lên men chua thành dưa. Coi chừng. Bọn văn nghệ thâm lắm. Ăn vội, nhiều khi trúng độc phát đau bụng liền.

Ngô cười lớn. khôi hài:

– Tụi mình đúng là dân ăn tục nói phét. Một thằng giáo sư triết chán triết, một thằng vẽ vời chưa nên hình, một thằng viết được vài ba cái truyện ngắn chưa đâu chịu đăng, thế mà bàn đến sứ mệnh văn nghệ như những đại đại triết gia, đại đại họa sĩ, đại đại văn hào. Hô hô. Khôi hài không chịu được.

Quả nhiên câu nói đùa của Ngô một lần nữa làm cho cuộc tranh luận hạ bớt nhiệt độ. Tuy nhiên, mỗi người vẫn ấm ức dậm chân tại chỗ. Tường cảm thấy khó chịu vì hai người bạn thân không đồng ý với cách nhìn của mình, Ngữ không quên được những lời khinh thị của bạn về địa vị thấp kém của mình trong quân đội, còn Ngô thì chưa dễ quên câu chê bai phũ phàng của Tường. Họ im lặng uống hết mấy tách cà phê nguội, băn khoăn tìm kiếm đề tài nào ít gai góc hơn.

Người ái ngại nhất là Tường. Chàng cảm thấy mình đã làm phiền lòng hai bạn. Cho nên khi bắt gặp cái nhìn làm hoà của Ngữ, Tường vui vẻ nói:

– Khi hôm mày không đến thật uổng.

– Sao thế?

– Kể ra có mấy cô choai choai ca hát líu lo cũng khá vui. Có cả cái ban nhạc Thanh niên Hoàng gia nữa.

Ngữ trố mắt kinh ngạc hỏi lại:

– Hoàng gia nào?

Cả Tường lẫn Ngô đều cười. Tường nhường cho Ngô nói trước:

– Thì đúng là hoàng gia trăm phần trăm chứ có mạo hóa đâu. Thời ông Diệm hoàng gia bị buộc phải đả đảo quốc trưởng, để thề trung thành với Ngô chí Sĩ. Bây giờ chí sĩ chết, hoàng gia lại lên chân. Thằng Mân con ông thầu khoán Tôn Thất Toàn bên An cựu, mày biết không? Nó là sáng lập viên của cái gọi là Royal Youth Club đấy. Câu lạc bộ chưa có hội viên, nhưng trống kèn và ca sĩ thì đã có rồi. Mặt trống đề chữ RYC bay bướm lắm.

Tường cười, nói thêm:

– Mày nên chuẩn bị xin gia nhập hội đi thì vừa.

Ngữ cười ha hả ra vẻ thú vị lắm. Chàng nói:

– Ai cho vào. Chỉ có hoàng tộc thôi.

Tường vội nói:

– Nhưng mày được bên họ ngoại. Bà cụ là Tôn nữ chứ gì. Thằng Lãng đã xin được vào dự bị hội viên đấy.

Ngữ thôi cười, trầm ngâm nhận xét:

– Thật đáng sợ. Cái óc trục lợi tham danh của loài người thật kinh khủng. Mới có một tháng sau ngày gia đình ông Diệm đổ, ở cái xó ẩm mốc này người ta còn nghĩ ra được Royal Youth Club huống chi ở các nơi như Sài gòn. Tụi mày có thấy cái mốt tư tưởng của giáo sư và sinh viên đại học Huế này thay đổi không? Trước đây các thầy các cậu chuộng cái kiểu “chứng nhân minh triết” của Camus vì nó ít nguy hiểm và giữ được thế giá. Chịu đựng phi lý nhưng hiểu tận chân tơ kẽ tóc nó, thế mới oai. Bây giờ, thời thế thay đổi. Các thầy bị tù trở về, thế nào cũng đòi hỏi một chỗ đứng coi được. Làm nhân chứng, lỗi thời rồi. Có thể lại có cái mốt mới: thứ “hiện sinh dấn thân” của Jean Paul Sartre.

Nguyễn Mộng Giác

 

   Số lần đọc: 4345

Tác Phẩm

BÀI KỀ

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây