Nơi lưu giữ những tác phẩm của Nhà Văn Nguyễn Mộng Giác (1940-2012)

Nơi lưu giữ những tác phẩm của Nhà Văn Nguyễn Mộng Giác (1940-2012)

Trang NhàMùa Biển ĐộngTập 2 - Bão NổiMùa Biển Động - Chương 15

Mùa Biển Động – Chương 15

Ngữ đạp xe theo đường Lê Lợi để qua cầu Trường tiền về Gia hội. Đêm ấy trăng tròn. Ngữ chỉ chú ý đến trăng, vì khi chuẩn bị lên xe đạp thì cảm thấy đau lưng dữ dội. Chàng ưỡn người ngửa mặt lên trời cho xương sống bớt nhức, và đúng lúc đó, Ngữ bắt gặp mặt trăng tròn vành vạnh nấp một nửa sau chòm lá đen. Cảm giác lâng lâng dễ chịu không biết từ đâu, có lẽ là từ ánh trăng vàng lụa trên bầu trời mênh mông. Cũng có thể là từ hơi gió nhẹ thổi từ mặt sông Hương về, mang theo một thứ hương vị đặc biệt pha trộn nào mùi tanh của rong rêu, mùi chua của lá nõn, mùi khét nhạt của bụi đường, mùi băng phiến phảng phất còn sót lại sau khi những tà áo trắng Đồng khánh đã bay về khắp ngả hữu tả ngạn…

Tự nhiên Ngữ thấy dễ chịu, lòng trở nên nhẹ lâng lâng. Cây hai bên đường Lê Lợi giao cành làm thành một vòm cung dài tít tắp, và những bóng đèn đường soi rõ mầu lá xanh bóng, mỗi lần gió nhẹ thổi qua là mỗi lần mặt lá phản chiếu ánh sáng thành những tia lóng lánh. Ngữ yêu nhất con đường này của Huế, con đường mang nhiều dấu vết thơ mộng nhất của tuổi học trò. Cả các bạn Ngữ cũng đồng ý như vậy, tuy mỗi người có một cách giải thích riêng không ai giống ai.

Ngô thích đường Lê Lợi không phải vì ở ngay ga Huế nơi bắt đầu con đường chạy dọc theo sông Hương, mà vì, theo cách nói của Ngô, con đường đó giải thoát người ta khỏi Huế ẩm mốc.

Hồi tình hình an ninh còn khá, những đứa con của Huế bỏ quê cha đất tổ đi học xa hay tha phương cầu thực đều phải qua đường Lê Lợi lên ga Huế. Lúc đường hỏa xa bị phá hoại, xe hỏa chỉ còn chạy được những quãng ngắn và chạy thất thường, cơ quan hỏa xa phải nhường ga Huế cho Hàng không Việt nam và một lần nữa, những đứa con của Huế đi xa mưu sinh hay học hành nhớ mãi con đường xanh bóng cây thẳng tắp ấy như một lưu niệm đẹp cuối cùng.

Tường chê lối giải thích ấy vừa không hợp lý vừa không hợp tình. Không hợp lý vì không phải những đứa con của Huế chỉ có thể rời tổ ấm bay xa độc nhất qua con đường ấy. Huế là nơi sinh ra, lớn lên, học hành đậu đạt, nhưng không thể là nơi để tất cả mọi đứa con của Huế chen nhau tìm chỗ đứng hay lập nghiệp. Huế quá chật để đủ chỗ cho mọi người. Huế lại có quá nhiều gia đình quyền thế đến nỗi muốn ngoi lên chỗ sáng sủa, những đứa con của Huế phải tránh đi chỗ khác, ra khỏi cái tàng che của những thế gia vọng tộc. Phải vượt qua đèo Hải vân đi về phương nam, không tìm được một chỗ sáng sủa mát mẻ ở Quảng nam thì hãy đi vào sâu nữa, Quảng ngãi, Bình định, Phú yên, Nha trang, Phan rang, Phan thiết.. Cho nên đường Lê Lợi dù có bị tắt nghẽn vì lý do nào đó, bắt buộc Huế phải mở một con đường khác. Chưa nói không phải đứa con nào của Huế khi xách gói ra đi tha phương cầu thực cũng đủ giàu để mua vé máy bay. Phần nhiều là một tấm giấy sự vụ lệnh chưa ráo mục khuôn dấu đỏ, một lá thư gửi gắm, vài bộ quần áo, một ít tiền lộ phí, và một ước vọng tiến thân vô bờ…

Lối giải thích ấy cũng không hợp tình, vì theo ý Tường, Ngô đã nhìn mọi sự qua nỗi ẩn ức của mình.

Ðời sống gò bó chật chội trong căn nhà cũ do một cơ quan vận tải sạt nghiệp cấp cho gia đình Ngô, ước vọng đuợc một ngày nào đó lên những chuyến máy bay Hàng không Việt nam xa hẳn Huế, bỏ lại thành quách rêu phong và cuộc sống trầm lặng duới kia, sự tìm kiếm vô vọng đường nét màu sắc riêng biệt cho tranh của mình, tất cả những cái đó, theo ý Tường, đã khiến Ngô thấy Huế tù túng ẩm mốc thêm lên. Sự thực không phải vậy. Sự thực Huế vẫn âm ỉ sức nóng và sắp đứng dậy. Các biến cố gần đây chứng tỏ rằng Huế vẫn còn là một trung tâm quyền lực như thời các vua Nguyễn còn tại vị. Huế chỉ tạm thời thiêm thiếp vì những đứa con Huế ở lại mà bạt nhược hay ra đi vì tham lam. Huế đã thức dậy!

Vì thế, Tường cho rằng cái đáng yêu của đường Lê Lợi nằm ở chỗ con đường thẳng tắp và xanh bóng cây ấy có quá nhiều sử tính. Khác hẳn với khu thành quách cổ kính hay phố xá ồn ào bụi bặm bên kia sông, khu hữu ngạn bên này là khu hành chánh của Huế. Khu quyền lực của Huế, thứ quyền lực thực sự chi phối lịch sử chứ không phải là những cái ngai sơn son thếp vàng bụi bặm trong Ðại nội. Khỏi cần tìm đâu xa. Cứ lấy một tòa công ốc trên đường Lê Lợi rồi quay ngược lại quá khứ, người ta đủ thấy những chủ nhân ông của tòa nhà ấy liền tiếp nhau lèo lái lịch sử, thay nhau hét ra lửa hoặc hái ra tiền, từ viên khâm sứ Pháp cho đến toàn quyền Nhật bên cạnh chính phủ Trần Trọng Kim, rồi Phan Văn Giáo thủ hiến Trung Việt, rồi đại biểu chính phủ Miền Trung Trung phần… Bao nhiêu thế lực tôn giáo, văn hóa, chính trị đều cố chường mặt ra đường Lê Lợi. Những phong trào quần chúng muốn biểu dương lực lượng hay biểu lộ niềm phẫn nộ cũng chọn đường Lê Lợi. Giống như đường Catinat ở Sài gòn, con đường này là chỗ ghi dấu tất cả mọi biến cố của lịch sử. Mỗi gốc cây, mỗi góc đường, mỗi hè phố là một chương trong cuốn sử dài, cho nên theo ý Tường, đi trên đường Lê Lợi có cái khoái cảm như được lật từng trang của cuốn sưu tập cố sự với đầy đủ tiếng khóc tiếng cười, người thiện kẻ ác, giọt nước mắt hân hoan pha lẫn giọt nước mắt thống khổ, máu pha lẫn mồ hôi…

Mỗi lần nghe hai ngưòi bạn thân huyên thiên theo lối đó về vẻ đẹp độc đáo của đường Lê Lợi, Ngữ chỉ im lặng mỉm cười. Chàng không nói gì, vì cho rằng càng cố giải thích, Ngô và Tường càng đi xa cái thực. Mà sự thực thì đơn giản. Huế đẹp nhờ con sông Hương, điều ấy ai cũng công nhận. Và dòng sông hiền lành độ lượng chia sớt vẻ kiều diễm thơ mộng cho hai con đường chạy dọc hai bờ. Nhưng đường Trần Hưng Ðạo bên kia sông không biết làm gì với ân huệ đó, vì một phần con đường chạy qua trước mặt đám thành quách rêu phong, phần còn lại bận bịu suốt ngày suốt đêm chuyện buôn bán tất tả. Chỉ có đường Lê Lợi là biết tận dụng phần chia sớt rộng lượng. Hai hàng cây xanh ôm ấp mặt đường nhựa phẳng, những tà áo nữ sinh Ðồng khánh đi về, những cuộc hò hẹn trên công viên, giọng rao chè thảnh thót trong đêm, những tòa biệt thự hay công ốc giữa khu vườn rộng. .. bấy nhiêu cũng đủ khiến cho con đường vốn đẹp ấy thêm đẹp trong tưởng nhớ của những người con Huế.

Ngữ nghĩ đơn giản như vậy, và tin rằng mình đúng.

***

Về đến nhà, Ngữ được Nam cho biết hồi chiều có Tường đến tìm. Ngữ thấy nét mặt em không tỏ ra vui vẻ hay sượng sùng khi báo tin ấy, nên hơi thắc mắc. Chàng hỏi:

– Nó có nói chuyện gì quan trọng không?

Giọng Nam buồn rầu:

– Anh ấy hỏi anh đâu. Em bảo anh ở Tiểu khu, không hiểu tại sao giờ này vẫn chưa về.

– Tường nó có bảo sẽ quay lại không?

– Không biết. Anh ấy thấy không có anh, vội vã đi ngay. Em hỏi có cần nhắn gì không, nhưng…

Nam ngưng giữa câu, không nói tiếp. Ngữ ngạc nhiên nhìn Nam, thấy em gái có vẻ xanh xao buồn hiu, như vừa qua một cơn đau. Chàng đoán giữa Tường và Nam có chuyện gì không vui. Ngữ tới chỗ bàn nước rót một tách trà nguôi, uống cạn cho đỡ cơn khát, mắt vẫn lâu lâu liếc nhìn em dò xét. Nam lo dọn dẹp đồ đạc bừa bộn ở căn nhà dưới, và mặc dù Ngữ không nói gì, hình như nàng vẫn không muốn đi chỗ khác. Ngữ đoán em gái có điều gì muốn nói với chàng, một điều thật khó nói cho đúng cho đủ, và còn đang do dự vì chưa biết nên nói hay không. Ngữ lấy bao Pall Mall Hân cho rút ra một điếu, tìm lửa châm thuốc. Tìm mãi vẫn không thấy cái bật lửa ở đâu, Ngữ hỏi em:

– Dưới bếp còn hộp diêm nào không?

Nam đáp:

– Dạ còn. Ðể em đi lấy.

Ngữ cởi đôi giầy nhà binh, cởi đôi tấc len bắt đầu hôi, nhét cả giầy lẫn tấc vào gầm chiếc phản gỗ, rồi ngả lưng lên ghế duỗi chân cho đỡ mỏi. Nam đem lên cho anh xấp diêm Mỹ kẹp trong miếng bìa nâu loại các chàng G.I. vẫn thường dùng. Ngữ nghĩ: “Của thằng Lãng đem về đây”. Chàng hỏi Nam:

– Ba ngủ chưa?

– Chắc ba còn thức. Vì trong phòng còn ánh đèn. Anh muốn nói chuyện với ba à?

– Không, chỉ hỏi vậy thôi. À, trong nhà còn thứ đồ khô nào để mai anh đem theo ăn không?

Nam ngạc nhiên hỏi:

– Anh không về nhà an cơm cho nóng?

– Mai anh phải ở lại Tiểu khu. Cấm trại 100%.

Giọng Nam thì thào, như sợ hãi:

– Liệu có việc gì không anh?

Hỏi xong, nàng đến ngồi trên cái ghế đối diện với Ngữ, dáng nhu mì yếu đuối như cây lau sợ gió.

Ngữ không đáp, hỏi lại:

– Khi chiều, Tường có cho em biết tình hình có gì lạ không?

Nam buồn rầu đáp:

– Em có hỏi, nhưng anh ấy không nói.

rồi nàng cười, cố lấy giọng giễu cợt:

– Anh ấy đứng dậy được là chạy mất tiêu. Tìm anh ấy còn khó hơn tìm chim nữa!

Ngữ không muốn em kéo dài lối nói chuyện gượng gạo nửa vời mãi, nghiêm mặt hỏi Nam:

– Anh hỏi thật, có phải em với Tường giận nhau không?

Nam ngồi yên, cúi xuống nhìn ngón tay đang di di vết nước trà trên bàn, không nói gì. Ngữ lúng túng không biết phải nói gì thêm cho em thành thật tâm sự với mình, hoặc an ủi em. Hai anh em ngồi lặng như vậy thật lâu. Dưới bếp, cái vòi nước bị hư Ngữ chưa kịp sửa nên nước chảy rỉ rả xuống bồn rửa chén, tiếng nước nghe hơi giống như tiếng dế.

Nam vẫn tiếp tục cúi gằm mặt xuống nên Ngữ không thể thấy được nét mặt của em. Mái tóc trước trán Nam rủ xuống, ánh đèn điện trên trần soi rõ cả mấy cái kẹp tóc bên trên thái dương. Ngữ đổi sang chuyện khác cho em bớt xúc động. Chàng hỏi:

– Má với con Quế còn ở lại Đà nẵng à?

Nam đáp nhỏ:

– Dạ!

– Hồi chiều em đi học về có kịp làm cơm cho ba không?

– Kịp!

Dù trả lời gióng một, nhưng Ngữ nhận thấy giọng nói của Nam càng ngày càng bình tĩnh hơn. Nên Ngữ hỏi:

– Lúc Tường nó lại, ba đã về chưa?

Nam ngửng lên nhìn anh, và đúng lúc đó, Ngữ thấy đôi mắt Nam lóng lánh nước mắt. Nam biết mình sắp khóc trước mặt anh, không giữ ý nữa, vừa sụt sùi thút thít vừa đáp:

– Ba có gặp anh ấy. Nhưng…

Thấy em lại ngập ngừng, Ngữ giục:

– Nhưng thế nào?

– Anh ấy bảo có việc gấp cần gặp anh thôi, nên chỉ nói vài câu với ba, rồi xin về. Chắc thế nào anh ấy cũng trở lại.

Ngữ bảo Nam:

– Em đừng buồn. Nó đang say, không nhìn thấy ai đâu!

Nam thì thào:

– Em biết thế. Em sợ cho anh ấy…

Có tiếng xe Vespa nổ trước cửa, rồi tắt. Nam hốt hoảng bảo:

– Anh ấy đến. Anh ra mở của giùm em.

Nói xong, Nam đi nhanh vào buồng trông như chạy trốn.

***

Đúng là Tường trở lại tìm Ngữ. Không muốn cho Nam phải bối rối, Ngữ đề nghị trước:

– Tụi mình tìm quán cà phê nào vắng ngồi nói chuyện thú hơn!

Tường tán thành ngay, giục bạn:

– Lên Vespa tao chở đi.

Ngữ nói:

– Ðể tao vào mang giầy đã. Hồi chiều mày có tìm tao phải không?

– Phải. Tiểu khu có việc gì mà mày ở lại tối thế?

Thấy Tường không nhắc đến Nam, Ngữ thất vọng. Chàng chậm rãi mang tấc mang giầy, cho Tường chờ đợi. Khi ra đến cửa, Ngữ hỏi bạn:

– Có việc gì quan trọng không?

Tường không đáp, chỉ giục:

– Uống cà phê rồi hãy hay. Ðến tiệm nào gần để chở mày về xong, tao còn đi công chuyện.

Họ ghé vào quán cà phê ngay cạnh rạp xi-nê Lido. Vừa ngồi xuống chưa kịp gọi cà phê, Tường hỏi ngay:

– Mày thấy tên tỉnh trưởng thế nào?

Ngữ cười, cố gắng che bớt vẻ mỉa mai:

– Hôm nay tao gặp hên. Nội một buổi chiều, đã có tới hai người tìm tao để hỏi một câu y như vậy.

Tường không chú ý giọng khó chịu của bạn, hỏi dồn:

– Ai hỏi mày thế?

– Môt tay trung sĩ phòng Hai trong Tiểu khu.

– Hắn thuộc phe nào?

– Phe mày. Vì là quân nhân Phật tử có để tang Nguyễn Đại Thức đàng hoàng.

Tường bắt đầu khó chịu, trách Ngữ:

– Sao hôm nay mày ưa nói cái điệu dấm dẳng thế? Mày làm như mày chẳng dính dấp gì những chuyện đang xảy ra cả. Mày kênh kiệu đứng ngoài. Giữa bạn thân, tao nói thẳng, mày có giận, tao chịu.

Ngữ không muốn làm Tường tức giận thêm, làm hòa:

– Mày muốn biết tay tỉnh trường đứng về phe nào chứ gì?

Tường vui mừng đáp:

– Ừ. Ðiều đó quan trọng lắm. Vì…

Tường nói đến đó, chợt dừng lại. Có lẽ Tường nghĩ Ngữ không thích đi sâu vào vấn đề, hoặc Ngữ chưa dấn thân đủ để biết những dự tính của mình, của phong trào, của Hội đồng Nhân dân Cứu quốc. Nhưng vài phút do dự qua đi, Tường vẫn nói:

– Nếu biết chắc tay tỉnh trưởng theo về phe mình, thì mọi sự có thể đơn giản hơn. Thay vì chú ý đối phó với Tiểu khu, mình dồn sức đối phó với Sài gòn. Trong tình thế này, bớt được đối thủ nào hay đối thủ đó.

Ngữ nói ngay cho Tường đỡ sốt ruột:

– Tay tỉnh trưởng có vẻ không thích ông tướng vùng. Khi chiều ông ấy vừa ký nội lệnh nhắc lệnh cấm trại 100%. Chưa biết ngày mai nhóm quân nhân Phật tử trong Tiểu khu sẽ phản ứng thế nào!

Tường chồm người về phía Ngữ, hăng hái đáp:

– Cần gì phải phản ứng. Cứ coi hắn như không có. Thật tức cười cho mấy ông thầy chùa. Đã đến nước này mà các ông ấy còn sợ phép nước. Tối hôm kia họp bàn kế hoạch để thành lập chiến đoàn Nguyễn Đại Thức, các ông trên Từ đàm cứ đòi chọn ngày chủ nhật để quân nhân Phật tử tham gia đông đảo. Chính tao đề nghị chọn một ngày thường, hơn thế nữa, chọn ngay giờ làm việc. Những kẻ còn sợ không dám đi họp lúc ba giờ chiều, là vứt đi. Không đáng quan tâm. Phải xem đó là một thử thách về ý chí, về sự quyết tâm. Chiến đoàn đâu cần hạng công chức quân nhân sáng vác ô đi tối vác về…

Ngữ cắt lời Tường:

– Hóa ra cuộc họp ngày mai là sáng kiến của mày?

Tường hãnh diện nói:

– Không có tao, các ông ấy cứ đi quanh mãi, tranh đấu mà làm như gõ mõ tụng kinh. Thấy mà sốt ruột. Tao có bảo với bên Hội đồng là đừng trông cậy nhiều vào nhà chùa, mình phải thúc họ đi. Họ qui tụ được Phật tử, nhưng qui tụ xong chẳng biết phải làm gì cả. Phí cả cơ hội và thì giờ!

Ngữ hỏi dò:

– Thế mà lâu nay tao vẫn tưởng Từ đàm giữ vai chính.

Tường sáng mắt lên, đua ba ngón tay phải lên trước mặt Ngữ phân tích tình hình:

– Mày phải thấy hiện có ba lực lượng, mỗi lực lượng tranh đấu đều có phần mạnh phần yếu của mình. Lực lượng Phật tử thì đông, răm rắp nghe lời các ông sư, nhưng đông mà thiếu tổ chức. Hồi còn ông Diệm, đem chuyện đàn áp Phật giáo ra để khích động quần chúng Phật tử, dễ lắm. Bây giờ khó hơn. “Bảo vệ Phật pháp”, khẩu hiệu đó trừu tượng quá. “Bảo vệ các thầy”, dễ hiểu hơn, dễ qui tụ hơn, nhưng lối đó chỉ tạo được những ngọn lửa rơm. Khi chính đời sống của mình hoặc vợ con bị đe dọa, thì nhiều người ngại, không dám xông ra báo vệ các thầy nữa. Chưa nói tới thực tế hiện giờ các thầy còn an toàn quá, còn được Phật tứ cưng chiều bảo vệ kỹ quá, khiến các thầy kiêu căng không xem hai lực lượng kia ra gì hết.

Lực lượng quân đội thì như mày biết, trừ một số quân nhân Phật tử, số còn lại giữ thái độ “chờ xem”. Ông tướng có gây được cảm tình với nhiều sĩ quan và quân nhân vùng Một đấy, nhưng nếu ông bị Sài gòn hất cẳng, không phải ai ai cũng liều chết để giữ ghế cho ông ấy. Nói thẳng thừng thì chỉ có những người thấy quyền lợi sắp mất nếu ông tướng không còn, mới hăng hái thôi. Đa số khôn ngoan thì đi hàng hai, chờ xem bên nào thắng thế thì theo. Có lẽ tay tỉnh trưởng của mày cũng thuộc loại đó, đúng không?

Ngữ không đáp, giục Tường:

– Mày nói cho hết đã. Còn lực lượng thứ ba?

– Lực lượng thứ ba là giới học sinh sinh viên trí thức tiến bộ của tụi mình. Mày đừng chau mày. Mày cũng đừng chối là đã khó chịu khi tao dùng hai tiếng “tụi mình”. Vì tao biết, trước sau gì mày cũng phải nhập cuộc. Ðể tao nói hết đã. Lực lượng thứ ba này mới là lực luợng nòng cốt làm nên lịch sử. Đó không phải là nhận định của riêng tao, mà của tất cả “anh em”. Một nhận định hoàn toàn khách quan, vì “anh em” đã mổ xẻ kỹ lưỡng cả ưu lẫn khuyết điểm của lực lượng này. Hãy nói về khuyết điểm trước. Rõ ràng về ảnh hưởng đối với quần chúng, về khả năng qui tụ đồng bào, chúng ta không thể bằng được mấy ông sư. Dân Huế nói chung, nhất là các bà, các cô, lâu nay vẫn xem các ông sư như một bậc siêu phàm, cái gì mấy ổng nói đều là chân lý cả. Dù có nhiều ông sư trẻ hăng tiết vịt lên, nói nhiều điều ngô nghê lảng nhách. Tuy vậy, hễ “các thầy” nói là người ta tin. Còn bọn tụi mình là “con cháu trong nhà”, đa số còn ăn cơm cha mę đi học, nên lời vận động không có sức nặng.

Còn so với phe quân nhân, thì lực lượng trẻ kém hẳn họ về kinh nghiệm chiến đấu. Họ có súng trong tay, mình thì không. Nếu cần chống nhau với Sài gòn, họ còn biết chỗ nào là điểm quan yếu để đóng chốt, và chốt nào thì dùng loại vũ khí gì. Tao với mày dù có giao cho súng cũng chẳng biết phải dùng sao cho đúng. Mày, lính văn phòng quên cha nó các bài học ở Đồng đế. Còn tao thì đi dạy, đến tháo cơ bẩm cái Garant M1 mà học hai tuần nay tao tháo còn chưa thạo. Nhưng tụi mình được hai ưu điểm rất lớn, đó là có quyết tâm tranh đấu hơn phe quân nhân, và có kế hoạch tranh đấu và có óc tổ chức hơn mấy ông sư. Cho nên tụi mình làm cái gạch nối giữa hai lực lượng kia, nói trắng ra là đứng lên trên để lãnh đạo hai lực lượng kia. Lực lượng học sinh sinh viên trí thức trẻ chúng ta dùng ảnh hưởng quần chúng của các ông sư để lôi kéo đám đông, và dùng súng và kinh nghiệm tác chiến của phe quân nhân để làm “cú đấm sắt” khi kế hoạch tranh đấu dài hạn của tụi mình cần đến. Mày còn nghe tao nói không, sao nét mặt mày như người mất hồn thế?

Ðúng là Ngữ đang lơ đãng, vì có hai điều khiến Ngữ băn khoăn. Thứ nhất là càng nghe Tường, Ngữ càng có cảm tưởng vừa kinh hãi vừa ngây ngất của những đứa trẻ đang tham dự vào một trò chơi lớn. Ngữ chưa làm quen được với lối phân tích lạnh lẽo, lối dùng chữ thẳng thừng khinh bạc của Tường. Lâu nay Ngữ vẫn xem bạn là một thứ snob, rất ưa được sống và nói huyên thiên về những gì đang thời thượng. Chàng quen thân Tường đã lâu, nên làm sao quên được cái thời Tường say mê hiện tượng hiện sinh cuối mùa của những năm cuối thập niên năm mươi ở Huế, thời Tường chen vào những bài luận quốc văn đủ thứ từ ngữ khó hiểu nhặt nhạnh từ thơ Holderlin, triết của Heidegger, văn của Sartre hay Camus, làm thành một thứ hổ lốn khó nuốt để giải thích những vấn đề thật đơn giản như tình yêu thiên nhiên của Nguyễn Khuyến, quan niệm về chí nam nhi của Nguyễn Công Trứ, thú hát cô đầu trong thơ Dương Khuê… Khi Tường trở về Huế dạy học, gặp lại bạn sau mấy năm mỗi đứa một phương, Ngữ kinh ngạc một cách thích thú vì thấy Tường đổi khác. Bạn chàng có một đam mê mới, đam mê làm một cuộc “cách mạng trong sạch và nhân đạo nhất trong các cuộc cách mạng”. Lối sống, lối ăn mặc, lối dùng chữ của Tường thay đổi hẳn, không có chút dấu tích nào của “thời hiện sinh” cũ. Tóc cắt ngắn hơn, ăn mặc giản dị sạch sẽ chứ không có những cái cẩu thả bất cần cố ý như trước. Thay vào những cuốn sách triết Tây phương dày cộm chi chít các ghi chú và gạch xanh gạch đỏ, là những cuốn lịch sử cách mạng Pháp, cách mạng Nga, thuật lãnh đạo, tâm lý quần chúng… Ngữ mừng bạn đã tìm được một thứ thời trang ít phù phiếm hơn, đôi lúc còn thích thú nghe Tường phân tích nguyên nhân thành bại của cuộc cách mạng này hay một biến cố kia, bằng những lời lẽ văn hoa. Tường vẫn thế, lúc nào cũng nhìn con người theo cái nghĩa thuần lý của nó, do đó những buổi nghe Tường say sưa nói hết cuợc cách mạng này đến cuộc cách mạng khác, Ngữ cảm thấy cách mạng y như một bài thơ tình.

Thành thử bây giờ nghe lời Tường phân tích tình hình, Ngữ ngỡ ngàng. Trò chơi mới ấy không biết sẽ dẫn đến đâu, nhưng Ngữ e ngại đã vượt quá tầm tay của bạn. Như một đứa trẻ lên mười được giao cho tự do sử dụng một cây súng nhạy cò!

Điều thứ nhì khiến Ngữ thêm băn khoăn, là ba tiếng “cú đấm sắt” thật lạ tai chàng nghe Tường nói lần đầu. Mấy tiếng đó, quanh Ngữ, chưa nghe ai nói như vậy. Có phải cũng cùng một nguồn như “bọn can thiệp Mỹ”, “nhân đạo chung chung”, “ra ngõ gặp anh hùng” Tường đã từng xài hay không? Ngữ không dám khẳng định, nhưng không thể không ngờ vực. Câu hỏi mà một lần Ngữ đặt ra với Ngô lại về: “Tường không còn hy vọng con đường nào khác ư?” Hay nghe đài Hà nội, dùng chữ của đài Hà nội đã trở thành một thời trang mới, như một thời Tường mê thơ Holderlin hay văn của Sartre.

Thấy lâu quá Ngữ không đáp câu mình hỏi, Tường quay về phía cái loa đang phát lớn bài “Đêm tàn bến Ngự” của Dương Thiệu Tước trong quán cà phê, thắc mắc:

– Hay mày chết mê chết mệt vì bài nhạc ru ngủ đó?

Ngữ ngồi ngay người đáp, cho bạn yên tâm:

– Không đâu! Tao vẫn nghe mày nói. Nhưng liệu tụi mày có đứng trên được hai lực lượng kia không?

Tường bực bội bẻ lại:

– Tại sao cho đến giờ, mày vẫn nói theo điệu của kẻ đứng ngoài. Tại sao lại nói “tụi mày”?

Ngữ nói cho qua:

– Thôi được, “tụi mình”. Nhưng thực lực lực lượng trẻ… của… tụi mình ra sao, tao đâu biết!

Nét mặt Tường rạng rỡ, khi đáp lời Ngữ:

– Chắc vì thế mày ngại chứ gì! Tao nói sơ cho mày hiểu. Tụi mình tuy ít, nhưng đã gài người vào một số vị trí quan trọng, kể cả hệ thống quân đội lẫn hành chánh. Nói nhiều không tiện, mày chỉ cần thấy thị trưởng Ðà nẵng (điểm chiến lược quan trọng nhất sau Sài gòn) là ai, là đủ hiểu. Và ngày mai, trong cuộc họp thành lập chiến đoàn Nguyễn Ðại Thức, mày sẽ thấy không có ông sư chống gậy nhai trầu nào đâu! Sẽ có những ông sư tuyên úy trẻ, năng động, thực tiễn chủ trì.

Ngữ hỏi:

– Ngày mai mày có mặt không?

Tường cười, có vẻ thương hại bạn:

– Tao chường mặt ra làm gì! Cứ để cho quân nhân Phật tử họ làm như là họ tự nguyện. Nhưng tao cũng biết trước chính chiến đoàn Nguyễn Đại Thức cũng hữu danh vô thực nếu không có một nhóm nòng cốt do chính tụi này nắm. Như một thứ “cảm tử quân” vậy. Những ngày sắp tới đây là nhỉmg ngày lịch sử nhớ đời. Sài gòn đã lớn tiếng đe dọa, gọi thẳng chúng mình là quân ly khai, là tay sai của cộng sản. Tin mới nhất cho biết chúng sẽ cử một ông tướng khác ra nắm lại quân đoàn Một. Tay đó có dám ra hay không, và người Mỹ sẽ có thái độ nào, phải chờ xem. Cho nên tao nói thật với mày, nếu mày muốn khỏi thẹn về sau, phải nhập cuộc. Ngay cả trường hợp mày muốn viết lách cho đlàng hoàng, cũng phải xông vào để có chất liệu sống mà xài.

Ngữ bối rối, không biết nói gì hơn ngoài cách bảo bạn:

– Cám ơn mày!

Tường reo lên:

– Có thế chứ! Thôi trở lại vấn đề chính: Theo mày thì tay tỉnh trưởng có vẻ “phản động” phải không?

Ngữ vội cải chính:

– Tao không nói vậy. Ông ta có vẻ không ưa chuyện rắc rối, cũng như không ưa ông tướng.

Tường cười, xoa tay thỏa mãn:

– Chỉ lo mất lon mất ghế thôi, chứ không dám đối mặt đương đầu, phải thế không?

– Có lẽ thế!

– Thôi được. Tao phải về.

Tường đi lại chỗ quầy trả tiền cà phê. Bài “Đêm tàn bến Ngự” lại được mở lần nữa, theo lời yêu cầu của mấy cô cậu vừa bước vào quán cà phê. Tường trở lại chỗ Ngữ bảo:

– Tao đèo mày về, rồi còn chạy đi lo chút việc nữa!

Lúc ngồi sau xe Vespa của Tường, Ngữ muốn hỏi bạn vì sao vẻ mặt Nam khác thường như vậy, nhưng không biết chuyển mạch từ những vấn đề cao xa trọng đại như thế qua chuyện tình cảm em gái ra sao. Xe đến trước nhà Ngữ. Chàng hỏi:

– Mày vào chơi chút không?

Tường không tắt máy xe, nói lớn để át tiếng máy nổ:

– Không. Tao đi nhé!

rồi chàng phóng xe trở ngược lên phố. Sương khuya xuống thật dày, đêm càng thêm mộng ảo.

Nguyễn Mộng Giác

   Số lần đọc: 50

Tác Phẩm

BÀI KỀ

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây