Nơi lưu giữ những tác phẩm của Nhà Văn Nguyễn Mộng Giác (1940-2012)

Nơi lưu giữ những tác phẩm của Nhà Văn Nguyễn Mộng Giác (1940-2012)

Trang NhàBài Viết NgắnPhê BìnhNgày Đứa Con Hoang Trở Về

Ngày Đứa Con Hoang Trở Về

“Tôi đã sống mãnh liệt và đầy đủ. Sống bằng tim, bằng phổi, bằng máu, bằng lệ, bằng hồn. Tôi đã phát triển hết cả cảm giác của tình yêu. Tôi đã vui, buồn, giận hờn đến gần đứt sự sống” (*)

Hàn Mặc Tử đã nói như vậy về cuộc sống mình. Và tất cả cái mãnh liệt vạn đại, được truyền thẳng vào thơ, khiến mỗi chữ mỗi câu như còn dính não cân, máu huyết của người sáng tạo.

Cho đến một trình độ nào đó, sự sống trọn vẹn đủ làm cho thơ lớn dậy. Từ ngữ trở thành ngục tù. Âm điệu trở thành phù phím. Chỉ còn có sự sống, chỉ còn có xúc cảm là quan trọng. Vì vậy không gì thú vị cho bằng tìm thấy qua thơ hình ảnh trọn vẹn của một cuộc đời.

Không phải cuộc đời riêng của Vũ Phan Long. Thấp thoáng trong ba tập thơ được xuất bản của nhà thơ ấy, chúng ta bồi hồi thấy lại chính cuộc đời ta.

Thủa mới lớn lên, ta thấy gì khác hơn ngoài cuộc đời xôn xao quanh đó. Tim ta hồi hộp, mắt ta bừng sáng tai nghe nhã nhạc mũi hít hương thơm. Cuộc đời là một hòa điệu giữa hy vọng và mơ ước. Sắc hồng, nắng mới, lộc non hoa nở. Vạn vật như thức dậy, tự mình cảm thấy xao động một cảm giác ngây ngất chưa bao giờ cảm thấy:

Cánh ong trên lá rập rình
Môi em mật ngọt nụ tình nở hoa.

Dĩ nhiên giữa những xúc động xôn xao ấy, cũng có những khoảng trống hư vô. Trong tập thơ đầu Đìu Hiu, tâm hồn Vũ Phan Long không thiếu những nét buồn. Nhưng buồn bã, thất vọng cô độc chỉ là những ngưng nghỉ của một cuộc tình dài lần lượt tiếp nối. Lời thơ nhẹ như nỗi mơ ước mới lớn. Ý thơ bay bay, dù là niềm ngây ngất hay là nỗi đìu hiu.

Bẵng đi ba năm, chúng ta thấy Vũ Phan Long không cho in tập thơ nào nữa. Chúng ta tưởng nhà thơ ấy chỉ là một người tình hờ. Cười lên một tiếng, rồi thôi, giấu biệt nỗi đau đớn làm của riêng. Nhưng chúng ta đã lầm. Khoảng giữa năm 1971, Vũ Phan Long cho ra đời một tập thơ khác: “Dưới Bóng Ngậm Ngùi“. Ta tự nhủ: Có lẽ chỉ là dư âm của một nỗi đìu hiu thuở trước. Cô đơn càng lan xa, càng tỏa rộng thì càng đưa hồn người thơ vào hoài niệm tiếc nuối. Nhưng không. Ta đã lầm. Ý thơ chuyển. Điệu thơ khác. Cả từ ngữ cũng biến thể. Cái du dương của một thuở yêu đời không còn. Trong mỗi câu của Dưới Bóng Ngậm Ngùi ta tìm thấy những ác âm. Những Hán tự rải rác đây đó trong tập thơ giống như những chướng ngại vật trên con đường đời. Như viên sỏi nhọn trên lối trăng. Như chiếc gai độc sau nụ hồng. Như cay đắng còn lại ở đáy cốc rượu:

Lê thê gió nổi thu phần
Quê hương khuất bóng phong trần bước ai
Về đâu hải giác thiên nhai
Dấu chân Từ Thức u hoài xưa sau.

Người suốt một đời mơ những nắng mới, hương thơm, lộc non, điệu nhẹ, có thể cảm giác thấy tiếc nuối khi vừa đọc xong Đìu Hiu rồi chuyển qua Dưới Bóng Ngậm Ngùi. Nhưng các ác âm ấy báo hiệu sự chuyển hướng trong tâm hồn họ Vũ, mà cũng là sự thay đổi trong chính hồn ta. Phải đến một lúc nào đó, đột nhiên soi mặt vào gương, ta thấy mắt ta buồn, trán ta nhăn, môi ta mím lại cam chịu ê chề. Phải có một ngày nào đó ta trải qua nỗi ngẩn ngơ của Vũ:

Cầm gương soi tóc ngậm ngùi
Tóc rằng tóc bạc đời vui tận đời
Bốn bề réo gọi má môi
Phất phơ nghìn gái lũng đồi bốc hương
Ném gương xốc áo lên đường
Ngẩn ngơ tóc bạc nghe dường tóc xanh.

Rồi cuộc đời trước mắt ta. Thơ chỉ còn là nỗi thống thiết, lạnh lẽo. Ta sẽ chập chờn thấy già cỗi:

Đêm nay trăng lạnh chìm sau núi
Một bóng tre nghiêng mãi cuối trời.

Ta sẽ chập chờn thấy cái chết:

Một con ốc chết trên cồn vắng
Xác tuyết nghìn thu lạnh bể khơi.

Ta sẽ thấy hư vô chờn vờn quanh đây, cùng khắp:

Một cành củi vang
Trăng tà vỡ máu
Thương lá muộn màng
Về đâu nương náu.

Và ta nghĩ đến đoạn kết của tất cả phận người. Kinh nghiệm đến phút cuối, là kinh nghiệm của lão, của bệnh, của tử. Trăng lạnh, bóng tre nghiêng, chân trời cuối, cồn vắng vẻ, lạnh bể khơi… những báo trước giờ tàn của cuộc đời. Sau Dưới Bóng Ngậm Ngùi, có lẽ chỉ là hư vô.

Nhưng một lần nữa, Vũ Phan Long làm chúng ta kinh ngạc. Nhà thơ ấy cho in tiếp thi phẩm thứ ba: Hòa Âm Cố Quận. Ta ngỡ ngàng thấy ở cuối chân trời, bên kia bể lạnh còn có một vũ trụ khác hoan lạc lạ lùng. Họ Vũ mượn lời của Herman Hesse tâm sự:

Tôi đã học qua thể xác và linh hồn tôi rằng: tôi cần phải phạm tội, cần phải đắm mê dục lạc, cần phải lao tâm nhọc trí kiếm tiền của, trải qua những cơn buồn nôn và xuống tận cùng hố thẳm tuyệt vọng, để mà học yêu thương cuộc đời, và không còn so sánh nó với một ảo tưởng nào về Toàn Thiện, mà trái lại để cuộc đời nguyên trạng là nó, yêu thương và vui thích được dự phần với nó”.

Ta lại gặp một “cuộc đời nguyên trạng” trong Hòa Âm Cố Quận cũng vẫn bấy nhiêu lầm lạc, nôn mửa, vỡ mộng, tội lỗi. Cũng vẫn bấy nhiêu ác âm trong lời thơ. Có lẽ lại còn nhiều ác âm khúc mắc hơn cả Dưới Bóng Ngậm Ngùi. Hán tự hết là những cô đọng cần thiết, đôi lúc hoàn toàn trở thành những chướng ngại:

Nguồn nước lục chan hòa cỏ biếc
Cành thanh xuân phát tiết tay hoa
Chiêm bao cánh én la đà
Bình minh trì ngự giữa tà huy phai.

(Mùa xuân lễ hội)

Nhưng có điều mâu thuẫn là các ác âm ấy không làm nổi bật sự thống thiết đau đớn như trước kia, mà lại tô đậm một niềm hoan lạc tràn đầy. Chính nhờ những đày đọa của cuộc đời mà họ Vũ thấy cuộc đời đáng sống:

Ôi đất trời lòng thâm tạ rưng rưng
Đất nhung biếc cho ngón mềm tơ biếc
Hương trái mật cho nụ hồn ngát mật
Trời bồng mây cho xiêm áo vờn mây
Giữa quê hương vĩnh phúc nước non nầy
Tay ta đấy em tựa đầu gối mộng
Cõi ngoài kia dẫu chập chùng gió sóng
Tổ tình yêu em yên ngủ linh hồn
Ta yêu đời, hạt bụi cũng yêu luôn!

(Con đồi vĩnh phúc)

Nhờ mặt đất lầy lội mà thấy được sự huyền nhiệm của vũ trụ. Có gì khác nhau giữa cái tung tăng của một hạt bụi với cái bập bềnh phiêu bạt của một đời người. Và nếu chịu khó lắng nghe, ta sẽ thấy cái cuộc đời xôn xao ríu rít quanh ta: hạt bụi hòa hài, lá cây hớn hở, chim kêu ríu rít, núi sông tự tại. Vũ trụ bao bọc mơn trớn đời ta, như một người mẹ hiền :

Nằm hôn mặt đất lệ dầm
Nghe hồn vũ trụ hòa âm bên người.

Lúc bấy giờ thế giới hiện ra dưới một hình thái khác. Như một Đạo sư đạt đạo, Vũ Phan Long nhìn mọi sự chan hòa hoan lạc. Những giọt rượu đời không còn nồng vị chua cay:

Những giọt rượu thanh bình mơ ước
Mùa hằng xuân non nước quê hương
Ngủ vùi dưới bóng tà dương
Máu me quên cả tư lường đớn đau.

(Chiếc ly thơm)

Cả đến những giọt lệ cũng trở thành giọt vui:

Giọt nước mắt im lìm bên mộ
Đẹp vòng tay Đất Mẹ chu toàn
Lệ sầu hòa lệ hân hoan
Nồng tươi cõi thế rộn ràng tiếng kêu.

(Giọt nước mắt)

Ngay cả những chuyện tạp nhạp nhất trần gian cũng trở thành những nguồn hoan lạc. Trong khi ý thơ của họ Vũ vẫn là những hệ lụy ray rứt của cuộc đời! Trong khi lời hòa Hòa Âm Cố Quận vẫn đầy những ác âm khúc mắc! Thế mới lạ lùng .

Vang bóng sau bao nhiêu ác âm gai góc hiểm trở của ý và lời, ta thấy chan hòa một niềm vui bất tuyệt. Niềm vui của đứa con hoang trở về cố quận. Tiếng chân ngựa lóc cóc trên đường đá, vào buổi xế bóng của một đời, tự nhiên có một nỗi náo nức riêng, còn sâu còn đầy, hơn cả niềm xôn xao mới lớn. Có lẽ nên tưởng tượng thêm: trên chiếc xe ngựa trở về cố quận, còn có một thiền sư lim dim đôi mắt, khe khẽ ngâm theo nhịp vó:

Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận
Đình tiền tạc dạ nhất chi mai.

Qui Nhơn, đêm 07-03-1973
Nguyễn Mộng Giác

Nguồn: http://kyniem.easyvn.com/vuphanlong/thuphebinh/nguyen%20mong%20giac.php?username=vuphanlong&file=thuphebinh/nguyen%20mong%20giac.php&pass=0

 

   Số lần đọc: 4681

Tác Phẩm

BÀI KỀ

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây