Nguyễn Mộng Giác và tôi có cùng một năm sinh âm lịch là Kỷ Mão, nhưng đối chiếu dương lịch thì tôi sinh ngày 11.12.1939, anh sinh ngày 04.01.1940, tôi lớn hơn anh 24 ngày.
Nhà nghiên cứu Đặng Quí Địch
Trong thời kháng chiến chống Pháp (1945 – 1954), học chế áp dụng toàn Liên khu V (Nam Ngãi – Bình Phú) theo hệ ba cấp chín năm: Cấp I có bốn lớp Một, Hai, Ba, Bốn; cấp II có ba lớp :Năm, Sáu, Bảy; cấp III có hai lớp: Tám, Chín. Từ năm 1945 đến năm 1950, cấp II, cấp III có dạy Pháp văn. Từ giữa năm 1950 trở đi, bỏ Pháp văn mà daỵ Hoa văn.
Năm học 1950 – 1951, tôi và anh đều lên lớp Năm. Tôi học trường cấp II Tuy Phước I ban đầu ở Phước Lộc, sau chuyển ra Phước Sơn; anh học trường cấp II Bình Khê rồi về Hòa Bình học lớp Bảy. Chúng tôi đều học Hoa văn nhưng anh nhờ có thân phụ là thầy giáo Nguyễn Châu dạy thêm Pháp văn tại nhà.
Năm học 1955 – 1956 trở đi, chính quyền Quốc gia theo học chế bốn cấp mười hai năm.: Tiểu học có năm lớp : Năm, Tư, Ba, Nhì, Nhất; Trung học Đệ nhất cấp có bốn lớp: Thất, Lục, Ngũ, Tứ ; Trung học Đệ nhị cấp có hai lớp : Tam, Nhị (thi Tú tài I); (Trung học Đệ tam cấp có một lớp Nhất (thi Tú tài II). Sinh ngữ chính có Pháp văn, sinh ngữ phụ có Anh văn, (bắt đầu dạy từ năm học 1955 – 1956), bỏ Hoa văn. Anh biết tiếng Pháp nên vô thẳng Đệ tứ trường Cường Đễ, tôi và các bạn đồng học không biết tiếng Pháp phải quay xuống học lại lớp Đệ thất (tương đương lớp Năm của hệ chín năm), thành ra tôi học thua anh ba lớp!
Năm 1971, tôi bỏ ra bốn lượng vàng in quyển sách đầu tay có tên là NHÂN VẬT BÌNH ĐỊNH. bấy giờ tôi làm Hiệu trưởng trường Tiểu học An Hành ở Phù Cát, anh làm Hiệu trưởng trường Trung học Cường Đễ tại Quy Nhơn. Anh mua được NHÂN VẬT BÌNH ĐỊNH tại một hiệu sách ở Quy Nhơn, đọc xong liền viết thư cho tôi, khen ngợi nội dung quyển sách, khích lệ tôi. Chúng tôi quen nhau từ ngày ấy.
Cũng trong năm này (1971), anh được Bộ Giáo dục bổ nhiệm chức Chánh sự vụ Sở Học chánh Bình Định, đồng thời tòa Hành chánh giao Thư viện Quy Nhơn cho Sở Thư viện tọa lạc tại Trung tâm Văn hóa ở đường Nguyễn Huệ – Quy Nhơn. Trung tâm này do Hàn Quốc xây tặng. Toàn bộ Trung tâm nay là Bảo tàng Tổng hợp Bình Định. Anh liền ra trường Tiểu học An Hành thăm tôi và mời tôi về Sở làm Quản thủ Thư viện Quy Nhơn. Tôi nhận lời nhưng xin anh thư thư một thời gian để tôi thu xếp việc trường và xin thôi dạy Văn ở Trung học Tư thục Gieuse- Phù Cát. Anh không nói năng gì, anh về rồi thì hai ngày sau tôi nhận được sự vụ lệnh cử tôi giữ chức Quản thủ Thư viện Quy Nhơn, cấp bậc ngang chức Trưởng phòng tại Sở và thư riêng anh giục tôi về ngay để nhận Thư viện. Tôi đành nhận nhiệm vụ mới trước rồi bàn giao Hiệu trưởng Trường An Hành và xin nghỉ dạy tại Trường Giuse sau.
Anh dành mọi ưu tiên cho Thư viện để chỉnh trang nội thất, mua thêm nhiều tủ đựng sách, cho chuyển nhiều tủ bàn ghế ở sở xuống Thư viện, mua sắm nhiều sách báo nên chỉ sau vài tháng thì bộ mặt Thư viện dễ coi hơn trước, khách đến đọc sách tại Thư viện (phần lớn là học sinh các trường Trung học tại Quy Nhơn) đông hơn trước, nhiều hôm không đủ ghế ngồi, họ phải ngồi ngoài hè.
Sau 30.4.1975, anh ở Sài Gòn rồi sang Mỹ, tôi bán đổ bán tháo căn nhà sàn phía bắc đường Bạch Đằng, trước hãng bia, rồi dọn về quê vợ là thôn Bình Khương, xã Hoài Đức, huyện Hoài Nhơn. Chúng tôi mất liên lạc nhiều năm.
Năm 1992, tôi soạn xong quyển MAI VIÊN CỐ SỰ (chuyện cụ Đào Tấn) và dịch xong quyển TANG SỰ TRÍCH BIÊN (di cảo của cụ Đào Tấn), tôi ôm bản thảo hai quyển sách này đến gõ cửa nhiều nơi nhờ xuất bản nhưng không được đáp ứng. Sau nhân có người quen ở Mỹ về, tôi gởi bản thảo MAI VIÊN CỐ SỰ cho anh, anh xuất bản quyển này tại California năm 1994. Trước trong và sau khi phát hành sách, anh viết cho tôi ba bức thư cho biết diễn tiến trước trong và sau khi sách phát hành tại Mỹ, đồng thời khuyến khích tôi viết và dịch nhiều hơn nữa tiểu truyện và tác phẩm nhân vật Bình Định để giới thiệu văn hóa Bình Định. Lá thư nào cũng đầy ắp tình cảm thân mật và thiết tha, mỗi khi nhớ anh, tôi thường mang thư ra đọc, đọc đi đọc lại nhiều lần mà không chán (tôi có đưa ba bức thư này vào Phụ lục sách TẤC LÒNG). Cùng với lúc viết thư , anh gửi về cho tôi 500 USD làm nhuận bút MAI VIÊN CỐ SỰ. Anh còn hứa sách bán chạy, anh sẽ trả thêm nhuận bút cho tôi (nhưng sau đó thì không, có lẽ sách bán không chạy). Anh còn gởi cho tôi 300 đô bảo là tiền của Đào Văn Tín nhờ anh chuyển cho tôi. Anh và tôi đều tưởng là Tín hào phóng cho nhưng sau đó mới biết là tiền Tín trả nợ cho tôi. Số là năm 1971, tôi có nhờ Đào Quí Trọng chuyển cho Tín 30 quyển NHÂN VẬT BÌNH ĐỊNH nhờ Tín bán giùm. Tín thấy trong sách có tiểu truyện ông nội Tín là cụ Phó bảng Biểu Xuyên Đào Phan Duân nên không bán mà đem số sách đó tặng thân bằng quyến thuộc làm kỷ niệm. Tín quên trả tiền sách cho tôi. Sang Mỹ rồi Tín mới nhớ lại khoảng nợ này nên nhờ anh chuyển trả cho tôi.
Năm 2002, tôi xuất bản quyển TANG SỰ TRÍCH BIÊN. Anh về thăm mẹ tại 55 Lê Lợi – Quy Nhơn, thấy chưa tiện ra thăm tôi nên gọi điện mời tôi vào Quy Nhơn cho anh gặp. Hôm ấy tôi vào nhà mẹ anh, được chị Diệu Chi tiếp, chị bảo anh đi chơi đâu đó, tôi nằm ở phòng khách đợi anh từ 9 giờ sáng đến 12 giờ trưa anh cũng chưa về, chị dọn cơm mời tôi, tôi không ăn, đợi anh về cùng ăn cho vui. Nửa giờ sau anh mới về. Gặp tôi, anh mừng lắm, chúng tôi ôm nhau khá lâu, chị lên tiếng mời cơm chúng tôi mới rời nhau. Ba người chúng tôi vừa ăn cơm vừa chuyện trò khá vui. Tôi hỏi anh chơi đâu mà lâu thế, anh bảo đến nhà Vũ Ngọc Liễn, gặp nữ nghệ sĩ Hòa Bình. Được ông Liễn giới thiệu anh cho Hòa Bình biết, chị rất vui vì được gặp tác giả những quyển truyện mà chị yêu thích. Có lẽ muốn làm cho anh vui mà nhớ lại thời niên thiếu từng chun rào để xem hát từng chen vào trường hát lúc “thả cửa“, ông Liễn đề nghị Hòa Bình hát vài câu, chị vui vẻ nhận lời, không chỉ hát vài câu mà hát hết lớp Lan Anh đánh võ Tam Tư để cứu chồng là Tiết Cương trong tuồng Hộ Sanh Đàn của cụ Đào Tấn. Hát hết lớp tuồng, chị thấy anh say sưa theo dõi và tỏ ra thích thú, chị bèn hát tiếp lớp “tuồng ruột” của chị là lớp Lan Anh đẻ con trong núi, chị đóng cả vai Lan Anh và vai Hồ Nô. Anh nghe thích lắm liền theo câu hát của Hòa Bình mà lấy ngón tay gõ nhịp trên bàn. Ông Liễn cũng thích thú không kém, liền “kéo đờn miệng” phụ họa theo từng câu hát của chị Hòa Bình. Hát vãn rồi đúng 12g20′, ông Liễn mời hai người ở lại dùng cơm, anh cảm ơn mà xin về vì biết có tôi đang đợi anh ở nhà. Tôi hỏi anh có biết Hòa Bình là ai không ? Anh nói là diễn viên nhà hát tuồng Đào Tấn ở Quy Nhơn. Tôi cho anh biết : “Còn hơn thế nữa, là Đại biểu Quốc hội hiện nay“. Anh trố mắt nhìn tôi ra vẻ ngạc nhiên. Tôi nói : “Không sao. Hòa Bình đọc sách anh mà vui tức đã nợ anh. Nay chị hát cho anh nghe để anh vui là đã trả nợ cho anh. Có qua có lại cho toại lòng nhau. Không ai nợ ai cả. Thế là hòa cả làng“. Anh và chị Diệu Chi nghe tôi nói xong thì hai người thích chí cười vang. Bữa cơm hôm đó thật ngon. Tản Đà bảo : “Đồ ăn ngon, chỗ ngồi ăn ngon, người cùng ăn ngon, thì ăn ngon“, quả thật chí lý!
Cơm nước xong, tôi lấy từ trong xách ra một quyển TANG SỰ TRÍCH BIÊN tặng anh chị, có lời đề tặng chữ ký và triện son cuả tôi. Anh hai tay nâng quyển sách tôi trao có vẻ xúc động biểu lộ trên cặp mắt trốn sau căp kính cận.
Anh hỏi tôi năm 1971 tôi xuất bản rồi phát hành quyển NHÂN VẬT BÌNH ĐỊNH lời lỗ thế nào ? Tôi cho anh biết sách in ra 1000 quyển, mất ở Bồng Sơn hơn phần ba, số còn lại bán đồng lặn, đồng mọc thu chưa được nửa vốn mà vàng thì mỗi ngày mỗi tăng, nếu tính ra vàng thì lỗ nặng. anh cười bảo tôi lời to chứ không lỗ đâu, vì nhờ có quyển sách này mà nhiều người biết đến tên tôi, tên tôi gắn liền với tên sách, nghe hoặc thấy năm chữ “Ông Nhân Vật Bình Định” thì ai cũng biết là tôi. Tôi cảm ơn anh rồi cho anh biết chuyện vui là “Năm 1972, đất nước còn qua phân mà NHÂN VẬT BÌNH ĐỊNH được phát hành tới Hà Nội”. Thấy anh chị có vẻ muốn nghe, tôi bàn kể tiếp. Số là năm 1972, bộ đôi vào Bồng Sơn rồi rút lên núi có bắt theo một số Dân vệ thất trận. Sau mấy người này về kể cho tôi nghe rằng họ thấy nhiều anh bộ đội nằm trên võng say sưa đọc NHÂN VẬT BÌNH ĐỊNH. Năm 1976, tôi và vợ con về ở tại thôn Bình Chương. Một buổi sáng nọ tôi thấy có một ông đội mũ cối vào nhà xin gặp tôi. Khi biết tôi là người ông cần tìm, ông tự giới thiệu mình là một học sinh miền Nam tập kết ra Bắc năm 1954, quê Tây Sơn, hiện còn công tác Giáo dục tại miền Bắc. Ông có người em kết nghĩa, năm 1972 có vào Bồng Sơn, đến trường Tăng Bạt Hổ thấy có đống sách NHÂN VẬT BÌNH ĐỊNH do tôi gửi nhờ trường bán giùm thì cầm 01 quyển lên đọc, thấy hay nên đọc đến cuối sách thấy có Phụ lục “Phong trào kháng thuế tại Bình Định năm 1908” thì nhớ tới ông đang soạn luận văn Tiến sĩ “Phong trào kháng thuế tại miền Trung” liền cất vào ba lô mang về Hà Nội tặng ông. Ba năm sau quyển sách mới tới tay ông, ông lấy quyển sách cho tôi xem thì thấy bìa đã rách nhưng trong ruột thì chưa mất chữ nào. Nhờ tư liệu trong sách tôi mà luận văn của ông thêm phong phú nên ông đến tìm gặp tôi để cảm ơn tôi, đồng thời xin thêm tư liệu ở tôi. Tôi cung cấp cho ông một số tư liệu sưu tầm được sau khi sách xuất bản, ông mừng lắm, có hứa khi nào luật văn viết xong ông sẽ gửi vào cho tôi một bản (nhưng sau đó thì không thấy). Trước khi ra về, ông tặng tôi một tấm chân dung Hồ Chủ tịch được dệt bằng chỉ đen và trắng. Anh nghe xong thích lắm, nhắc lại câu nói “Vật chất tuy lỗ nhưng tinh thần thời lời to!”.
Anh hỏi tôi về tình hình phát hành sách TANG SỰ TRÍCH BIÊN. Tôi cho anh biết sách được in dưới dạng “liên kết xuất bản“. Tôi phải nộp cho nhà xuất bản tiền giấy phép, tiền quản lý, tiền in ,v.v. Nhà xuất bản không phát hành mà có Công ty Phát hành sách tại Hà Nội nhận phát hành trong nước, hoa hồng 40%, sách bán xong vài ba năm sau mới thanh toán tiền cho tác giả. Còn gởi sách cho các hiệu sách bán giùm thì họ đòi điều kiện như Công ty Phát hành. May có anh bạn Nguyễn Thanh Quang, cán bộ Bảo tàng Bình Định nhận giúp tôi gửi bán tại Bảo tàng Quang Trung với hoa hồng 25%, nên sách tôi chỉ bán có một chỗ này mà thôi. “Tang sự trích biên” có nghĩa là “Lựa chép việc tang“. Sách bằng chữ Hán, có hai phần, phần I cụ Đào Tấn kể lại việc tang của mẹ cụ từ lúc bà ngã bệnh đén lúc chết, đến chôn cất, đến tuần tự, đến xây mả, v.v.; phần II chép gần 200 câu liễn của hàng trăng người từ nhất phẩm đại thần xuống tới người dân thường điếu mẹ cụ, trong số có nhiều câu thuộc loại danh tác, tôi dịch khá đạt. Sách phát hành vào dịp Tết vừa qua, tôi hy vọng là sẽ bán chạy. Nhưng Trần Đình Trắc bảo tôi rằng : “Đầu năm mới ai cũng cầu may mắn, ai lại đi mua sách nói đến chuyện tang ma !”. Tôi ngẫm nghĩ lời bạn nói cũng có lý nên phát hành đã ba tháng rồi mà tôi chưa dám hỏi anh Quang xem thử sách có bán được không… Anh nhìn tôi ra vẻ ái ngại rồi cả anh và chị đều xin phép lui vào nhà trong. Lát sau hai người ra phòng khách, anh đặt vào tay tôi một phong bì đựng tiền, tôi không dám nhận, anh nói :
-“Tôi có cho anh đâu. Đây là tôi bù lỗ sách TANG SỰ TRÍCH BIÊN để anh chóng thu lại vốn mà in tiếp quyển khác. Khi quyết toán nếu còn lỗ nữa thì anh cho tôi biết để tôi bù thêm”.
Cung kính bất như phụng mệnh, tôi đành nhận lấy phong bì, gấp đôi rồi bỏ vào túi áo trước ngực. (chiều về tới nhà, tôi mở phong bì ra xem thì thấy anh chị cho tôi 200 USD).
Tôi từ giã anh chị, hẹn ngày gặp lại, anh đưa tôi xuống gác, ra khỏi cửa thì anh dừng lại, tôi băng qua đường để sang nhà chị tôi (cách nhà mẹ anh chừng mấy chục thước). Tôi đến tới cửa nhà chị thì quay lại thấy anh còn đứng ở chỗ cũ nhìn theo tôi, tôi vẫy tay chào anh rồi vào nhà chị tôi.
Tháng 4 năm 2007, anh về Quy Nhơn thăm mẹ. Sáng 26, anh gọi điện báo tôi biết anh đang đi xe bus ra Bồng Sơn thăm tôi. Đến 9 giờ thì anh tới nhà tôi. chúng tôi gặp nhau rất mừng. Trên xe, ngồi bên anh là một sinh viên năm cuối trường Đại học Sư phạm Quy Nhơn tên là Nguyễn Văn Trang. Trang có đọc tác phẩm anh, có thấy ảnh anh trên sách, trên báo và trên mạng nên nhìn biết anh, hai người làm quen với nhau. Anh rất vui vì tác giả được gặp độc giả nên nói cho Trang biết là anh ra Bồng Sơn thăm tôi. Trang cũng khoe là trước đó mấy ngày có đến gặp tôi để xin tư liệu viết bài cho Báo Bình Định vì ra trường rồi Trang sẽ vào làm tại tòa soạn báo nào chứ không đi dạy. Qua tiếp xúc với Trang, anh biết ở Việt Nam anh có nhiều độc giả thì anh phấn khởi lắm!
Anh lấy từ trong cặp ra tặng tôi một bộ SÔNG CÔN MÙA LŨ với lời đề tặng rất thân mật.
Anh còn thay mặt tác giả đề tặng tôi một tập sách THẦN NGƯỜI VÀ ĐẤT VIỆT của Tạ Chí Đại Trường in ở Việt Nam.
Anh nói với tôi rằng Phong trào Tây Son, nhà Tây Sơn sở dĩ có là nhờ có ba anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ và Nguyễn Lữ. Sử sách chép khá tường tận về thân thế và sự nghiệp của ông Huệ nên vai trò của ông Huệ nổi bật trên Lịch sử và Văn học. Hai ông Nhạc và Lữ thì sử sách sơ lược một cách quá sơ lược nên vai trò của hai ông này bị lu mờ. Anh đã viết về Quang Trung Nguyễn Huệ rất tốt trong SÔNG KÔN MÙA LŨ. Nay anh muốn viết một bộ Lịch sử Tiểu thuyết nữa, nối theo bộ SÔNG KÔN MÙA LŨ, có độ dài tương tự, để tái hiện vai trò hai ông Nhạc và Lữ trong Phong trào Tây Sơn. Bố cục bộ sách thì đã phác họa trong tầu, tư liệu thì còn cần phải tìm thêm; còn tên sách thì sẽ đặt khi bản thảo hoàn thành. Về quê chuyến này có bạn là Tiến sĩ Sử học Tạ Chí Đại Trường cùng đi. Anh dự định thuê một chiếc thuyền chở hai anh đi từ đầu sông Côn đến cuối sông Côn để khảo sát địa bàn chiến lược thời Tây Sơn, tìm thăm các di tích Tây Sơn ở hai bên bờ sông và tìm cảm hứng để viết bộ sách vừa nói.
(Nguyễn Hạnh, Phó Tổng biên tập tạp chí XƯA VÀ NAY cho tôi biết sau khi ở nhà tôi về, hai anh Giác và Trường có ngồi thuyền xuôi dòng sông Côn như anh Giác dự định).
Trưa ấy, anh ăn cơm với tôi tại nhà phố 125 Quang Trung, vợ và con gái tôi buôn bán tại nhà chợ 68 Trần Hưng Đạo, cả hai nhà cùng ở trong thị trấn Bồng Sơn, đến bữa ăn thì con gái tôi cho người giúp việc mang cơm về cho tôi. Hôm ấy, tôi dặn con tôi nhà có khách nên bữa bơm như bữa ăn thường. Lúc ngồi vào bàn ăn, tôi thấy trong mâm có dĩa thịt, dĩa cá, dĩa cà dĩa, dĩa mắm ruốt, dĩa dưa cải, bát canh rau muống, bát cơm, hai cái chén và hai đôi đũa. Tôi ngỏ lời xin lỗi anh rồi bưng ba dĩa cà, mắm, dưa ra khỏi mâm. Anh cười và cho biết anh thích ăn ba món này nên anh tự tay bưng ba dĩa ấy đặt vào mâm. Suốt bữa ăn, anh không động đũa đến hai dĩa thịt cá mà ăn dưa, cà, mắm một cách ngon lành. anh nói ở Mỹ anh nhớ và thèm những món ăn hằng ngày trong thời niên thiếu ở quê ngoại là làng Hòa Bình, trong đó có ba món anh đang ăn và món mắm cua. Anh nói ở Mỹ nhớ mắm cua, anh phải vào Thư viện mượn tạp chí Bách khoa số có đăng bài “Mắm cua” của Võ Phiến đăng từ những năm 60 để đọc rồi cho đăng lại trên tờ Văn học của anh. Anh về nước mấy lần, muốn ăn món mắm cua mà chưa được ăn. Tôi nói mắm cua có hai thứ tươi và chua. Võ Phiến viết rất kỹ cách làm hai món mắm cua này. Ngày nay, ở Hoài Nhơn không còn thấy ai làm mắm cua chua, mà chỉ có mắm cua tươi được các bà bán dạo hai bên phố Bồng sơn vào mùa Đông. Anh về không trúng mùa mắm cua nên không được ăn món đặc sản này. Suốt bữa ăn, tôi chỉ ăn lấy lệ mà ngồi nhìn anh ăn say sưa ba món dưa, cà, mắm cảm thấy thương anh quá!
Tôi tưởng cũng nên mở dấu ngoặc tại đây để nói tại sao tôi bưng ba dĩa dưa, cà, mắm ra khỏi mâm cơm. Số là ở Bình Định có câu tục ngữ “Phải hay không phải cũng dưa cải chấm nước mắm” để chỉ trích “Kẻ ba phải” không phân biệt đươc phải trái. Và ở Bình Định, trước năm 1945 từng được công diễn tuồng hát Bội Lưu Bình Dương Lễ của cụ Tú thôn Lương Bình. Tuồng kể Bình, Lễ là đôi bạn thân nhưng Bình ham chơi, Lễ ham học nên Bình thi hỏng, Lễ thi đậu rồi làm Tri huyện. Bình tìm đến muốn nhờ vả Lễ, Lễ không nhìn. Tới bữa ăn, Lễ sai lính dọn cho Bình một chén cơm, một dĩa cà và một dĩa mắm. Bình tức giận, không ăn, bỏ về. Lễ cho cô vợ trẻ là Châu Long theo Bình, nuôi Bình ăn học, hứa là Bình thi đỗ thì sẽ kết duyên với Bình. Khoa ấy Bình đỗ Cử nhân được bổ làm Tri huyện, về nhà thì chẳng thấy Châu Long đâu bèn đến huyện đường tìm Lễ để mắng Lễ về việc bạc đãi Bình trước kia. Đến nơi thì gặp Lễ và Châu Long ra tiếp, Bình mới biết bạn đã lập kế để giúp mình. Bởi câu tục ngữ ấy và điển cố ấy nên ở Bình Định không ai dọn cơm khách bằng ba món trên. Giờ xin khép ngoặc lại để nói sang chuyện khác.
Cơm nước xong, tôi mời anh lên võng nghỉ trưa. Anh dặn đến hai giờ chiều thì gọi anh dậy mà về Quy Nhơn dự bữa chiêu đãi anh do học trò cũ tổ chức. Tôi thấy anh ngủ ngon quá, không nỡ đánh thức anh vào lúc 2 giờ chiều mà sau đó một giờ tôi mới gọi anh dậy.
Anh về rồi, tôi cảm thấy bùi ngùi trong dạ vì anh có cho biết anh đang mắc bệnh ung thư giai đoạn đầu, có vạch áo cho tôi xem vết mổ thăm dò kéo dài từ ngực xuống dưới rún. Cả anh và tôi đâu có ngờ đó là lần cuối cùng chúng tôi gặp nhau bởi lẽ đến mùa Đông năm này anh về Quy Nhơn thọ tang mẹ rồi bị đột quỵ được đưa về Mỹ… Vĩnh viễn không còn cơ hội về nước nữa. bộ sách nối theo SCML chưa viết được chữ nào. Thật đáng tiếc !
Tháng 8 năm 2008, Bình Định mở FESTIVAL TÂY SƠN- BÌNH ĐỊNH, tôi xuất bản cùng lúc bốn tác phẩm là NHÂN VẬT BÌNH ĐỊNH (in lần 3), HƯƠNG SƠN CỐ SỰ, BÌNH ĐỊNH HÁN VĂN TRÍCH DIỄM , VĂN THẾ Ở BÌNH ĐỊNH, bày bán nhiều nơi trong tỉnh để phục vụ FESTIVAL. Năm ấy, vợ chồng anh Nguyễn Văn Sâm từ Mỹ về Bình Định dự hội, có ra nhà thăm tôi và nghỉ lại một đêm. Anh Sâm trước năm 1975 từng dạy tại các trường Đại học Sài Gòn, Vạn Hạnh, Cần Thơ, Hòa Hảo là tác giả sách VĂN HỌC NAM HÀ (là giáo trình dạy sinh viên học thi lấy Cử nhân Văn khoa). Được biết ở Mỹ anh thường đến chơi với anh Giác nên tôi đã gởi bốn quyển sách nói trên nhờ anh Sâm chuyển cho anh Giác. Cả bốn quyển, tôi đều có lời đề tặng, giờ tôi nhớ được hai lời tên hai quyển :
Ta nhớ người xa cách núi sông
Người xa xa có nhớ ta không ?
Tú Xương
Quê nhà nhớ bữa cơm dưa,
Thương anh biết mấy cho vừa anh ơi !
Lộc Xuyên
Nghe nói nằm trên giường bệnh, nhận được quà cuả tôi thì anh vui lắm vì thấy tôi không phụ sự kỳ vọng của anh mà gắng bước trên con đường phục vụ văn hóa dân tộc.
Buổi sáng ngày 04.7.2012, Nguyễn Hạnh ở báo XƯA & NAY gọi điện báo tôi biết Nguyễn Mộng Giác mất rồi! Hạnh có nói là có người ở báo Tuổi trẻ gọi điện cho Hạnh để xin số điện thoại của tôi nhờ tôi viết bài về Nguyễn Mộng Giác, Hạnh cũng xin tôi viết bài về anh để Hạnh đưa lên XƯA & NAY , tôi đều từ chối vì chưa thể viết về anh được. Dù biết trước anh thế nào cũng chết vì mắc phải bệnh không thuốc chữa khỏi, nhưng khi nghe Hạnh báo tin buồn thì tôi sửng sốt rồi áo não suốt mấy ngày liền, đến ngày 12.7.2012 tôi mới bắt đầu cầm bút viết về anh. Hôm nay bài thứ hai viết tới hàng cuối, xin được xem như một nén hương tưởng niệm anh để đáp lại phần nào tấm ơn tri ngộ mà anh dành cho tôi suốt mấy chục năm qua. Chín suối có hay, tấc thành xin chứng !
Bồng Sơn 17 – 20.7.2012
Đặng Quý Địch
Số lần đọc: 3894