Trong bộ trường thiên tiểu thuyết Sông Côn Mùa Lũ của nhà văn Nguyễn Mộng Giác, khi viết về tâm trạng của Phan Huy Ích trong lần thứ hai vào Phú Xuân, có câu “Đó là nỗi lạc loài của kẻ chồn chân mỏi gối đứng nép bên lề nhìn kẻ đi người lại trước mặt mình.” Viết về một kẻ sĩ sống trước mình gần hai trăm năm giữa hoàn cảnh đất nước cực kì tao loạn, không khác lắm với thời đại của mình, tôi đồ đấy chính là tâm trạng của tác giả bộ sách, nhà văn Nguyễn Mộng Giác, một nhà văn Việt Nam tiêu biểu ở nửa sau thế kỉ XX, một nhà văn mà tâm tư lúc nào cũng trĩu nặng nỗi đau của một kẻ sĩ bởi những thảm trạng liên miên xảy ra suốt thời gian dài trong lịch sử dân tộc, đất nước Việt Nam.
Tôi gặp nhà văn Nguyễn Mộng Giác lần đầu vào những năm đầu của thập kỉ 80. Khi ấy, anh vừa đặt chân lên nước Mĩ. Cùng nhà báo Nguyễn Thượng Hiệp, anh cộng tác với tờ Đồng Nai, một tờ tuần báo khổ lớn xuất bản và phổ biến trong cộng đồng Việt Nam tị nạn ở miền Nam bang California. Tờ Đồng Nai, nhờ khả năng làm báo và tài viết của hai anh, mau chóng biến thành tờ báo có uy tín lớn trong cộng đồng, bài vở thông tin, quan điểm được độc giả đánh giá cao, và đặc biệt nhất là phần văn nghệ phong phú do anh Nguyễn Mộng Giác phụ trách. Cũng lúc đó tôi đang tập tễnh bước chân vào làng văn hải ngoại. Qua lời anh chủ nhiệm Nguyễn Thượng Hiệp, tôi được biết Nguyễn Mộng Giác từ trước 75 đã là nhà văn có uy tín, nhiều nhiệt tâm. Nhưng tờ Đồng Nai không tồn tại lâu dài bởi người chủ báo chỉ là con buôn. Anh Nguyễn Mộng Giác bỏ tờ báo tìm được việc làm vững chắc trong một cơ xưởng ấn loát. Từ đó cho đến cuối đời, anh không bao giờ trở về làm báo thương mại kiếm sống nữa mà chỉ hì hụi sống chết với nghiệp văn chương. Sau thời Đồng Nai, tôi gặp anh nhiều lần tại tư gia vợ chồng hai nhà văn Nhật Tiến – Đỗ Phương Khanh vào những buổi họp mặt văn hữu cuối tuần. Dần dà, tôi nhìn thấy ở anh một con người có phong thái hiền hòa, bình dị, dễ mến, dễ đến gần, trên môi lúc nào cũng sẵn nở nụ cười. Anh không đợi người khác đến với anh, đọc cái gì thấy thích, anh đến nói thẳng với tác giả và sẵn sàng chia sẻ quan điểm riêng của mình. Có lần tôi viết một bài về nhà thơ Nga Boris Pasternak (đó là thời nước Nga đang rục rịch đổi mới, mở cửa), anh đọc xong, bảo tôi, “Thư nên đi theo con đường dịch.” Tôi nhìn anh dò xét, “Thật không anh…? Nhưng dịch nhiêu khê lắm anh à. Em sợ em kham không nổi.” Anh trả lời, “Ừ, nhưng độc giả Việt Nam mình cần đọc những tác phẩm hay của thế giới và mình nên có những bản dịch tốt.” Ngẫm nghĩ một lát, tôi bảo anh, “Em cũng có nghĩ đến chuyện này . . . Em đang đọc một cuốn tiểu thuyết của tay tiểu thuyết gia người Tiệp Khắc tên là Milan Kundera nhan đề The Unbearable Lightness of Being . . . Nếu dịch thì em sẽ dịch cuốn sách đó.” Mắt anh bỗng sáng lên sau cặp kính trắng, “Mình cũng thích tiểu thuyết của ông này lắm, hồi mình còn nằm trên đảo tị nạn, mình có mượn của thư viện cuốn The Book of Laughter and Forgetting về đọc. Hay lắm. Thư cố lên nhé.”
Từ trái: Hoàng Khởi Phong, Lê Uyên Phương, Khánh Trường, Mai Thảo, Phan Ni Tấn, Trần Duy Đức, Nguyễn Mộng Giác (Nam California, 1989)
Thấm thoát dễ có đến gần ba mươi năm từ ngày đó cho đến hôm tôi ra tiễn đưa anh về với cát bụi.
Bên cạnh cái gia sản văn hóa đồ sộ anh để lại cho đời sau, anh không bao giờ có tính trịch thượng. Người như anh có quyền lên mặt kẻ cả, ngồi ở chiếu trên, nhìn xuống đám đông bắng nhắng bên dưới với cặp mắt coi thường, khinh thị chứ! Nhưng dĩ nhiên anh đã không thế. Anh bước xuống hòa đồng với mọi người, yêu quý mọi người, nói năng như mọi người.
Và anh không nói chuyện gì khác ngoài chuyện văn chương.
Dạo gần đây tôi hay phải đi làm xa nên ít có dịp đến thăm anh mặc dù biết anh đang nằm trên giường bệnh đối mặt với cái chết cận kề. Lần sau cùng tôi đến thăm anh là hôm tôi mới ở Pháp về cầm theo món quà tặng của nhà văn Đặng Mai Lan nhờ đưa cho nhà văn Phùng Nguyễn. Tôi hẹn với Phùng Nguyễn cùng đi thăm anh tại một viện dưỡng lão ở thị xã Garden Grove. Hai đứa chúng tôi ngồi cạnh giường hỏi chuyện anh. Có lúc nằm mãi anh cần ngồi lên, chúng tôi mỗi người một tay đỡ lưng anh ngồi dậy. Chỉ một động tác nhỏ như vậy đã khiến cái đau thể xác nhói buốt bắt anh phải kêu bật lên. Nhưng đau thì đau, bất luận lúc nằm hay lúc ngồi, khi cơn đau dịu xuống, anh vẫn tìm về các chuyện văn chương để nói.
Hình như suốt đời anh chẳng thích nói chuyện gì ngoài chuyện văn chương!
Anh nợ văn chương một món nợ quá nặng chăng? Hay đúng hơn văn chương nợ anh bởi nếu không có anh thì không có tờ Văn Học, một tạp chí chuyên đề văn chương tồn tại mấy mươi năm tại hải ngoại và chỉ đình bản sau cái chết năm 2010 của người chủ biên cuối cùng, nhà văn Cao Xuân Huy.
Linh hồn của tờ tạp chí Văn Học là Nguyễn Mộng Giác.
Có lúc có sự thay đổi chủ biên, có lúc có sự thay đổi nhân sự, nhưng tôi nghĩ sự thay đổi đó xảy ra chẳng qua chỉ vì anh Nguyễn Mộng Giác đã không muốn tờ báo là “của riêng” của mình. Nó là gia sản chung của người viết và người đọc hải ngoại. Nó không là “của riêng” của bất kì ai cả.
Anh nhiều lần viện dẫn lí do gia đình khiến anh phải nhờ một anh em nào khác trông coi tờ báo (trong đó có tôi), nhưng tôi thấy lí do này không thuyết phục lắm. Thực hiện một số báo như tờ Văn Học, kì thực, chẳng tốn kém bao nhiêu thời gian và công sức, theo kinh nghiệm bản thân tôi. Và nó cũng chẳng đòi hỏi phải có nhiều tiền. (Suốt thời gian tôi làm chủ biên, khác với nhận định sai lạc và chủ quan của nhiều người, tôi không bao giờ phải “móc ví” ra cả.)
Nhưng cho dù có lúc nhà văn Nguyễn Mộng Giác không đứng vai trò chủ biên, không hề nhúng tay vào nội bộ tờ báo, dù anh chẳng muốn nhận nó là “của riêng“, nhưng sau này khi nhìn lại, sẽ không ai có thể phủ nhận được dấu ấn sâu đậm của anh lên tờ báo.
Dấu ấn đó sẽ còn mãi trong suốt thời kì văn học chúng ta vừa chứng kiến.
Trịnh Y Thư
4.10.2012