Nơi lưu giữ những tác phẩm của Nhà Văn Nguyễn Mộng Giác (1940-2012)

Nơi lưu giữ những tác phẩm của Nhà Văn Nguyễn Mộng Giác (1940-2012)

Trang NhàTưởng nhớ Nguyễn Mộng GiácVănNguyễn Mộng Giác – một ân tình riêng

Nguyễn Mộng Giác – một ân tình riêng

Tôi thật sự không biết anh Nguyễn Mộng Giác nhiều, cũng đã không thật sự đọc anh ấy, mặc dù đã biết đến tên Nguyễn Mộng Giác từ khi còn tạp chí Bách Khoa.

nmg nv
Nguyễn Mộng Giác & Nguyễn Viện


Nhưng anh Giác lại đã dành cho tôi quá nhiều ân tình.

Nếu tôi nhớ không lầm, tôi chỉ gặp anh Giác 2 lần ở Việt Nam khi anh về nước chơi. Một lần ở quán Trống Đồng (chủ nhân Vũ Trọng Quang), tất nhiên nhậu. Một lần thực hiện cuộc phỏng vấn anh cho báo Thể Thao Văn Hóa.

Còn trong suốt thời gian tôi ở California năm 2006, có lẽ ngày nào tôi và anh Giác cũng gặp nhau cùng cà phê với nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang, họa sĩ Hồ Thành Đức, nhà văn Đặng Thơ Thơ… Tôi cũng rất nhớ bữa cơm cuối cùng ở Cali, cùng với anh Giác còn có mặt nhà sử học Tạ Chí Đại Trường, nhà thơ Lê An Thế và vài người bạn…

Anh Giác kể với tôi, có lần anh Nguyễn Khoa Kha, giám đốc NXB Văn Mới (Cali) khoe anh cuốn “Rồng và Rắn” của tôi do Tổ hợp xuất bản Miền Đông (Washington DC) ấn hành và nói anh đọc. Rồi anh Giác cho biết thêm, anh Nguyễn Khoa Kha cũng muốn in sách cho tôi. Thế là cuốn “Chữ dưới chân tường” đã được xuất bản. Sau này, anh Nguyễn Khoa Kha vẫn muốn in tiếp cho tôi, nhưng tôi thì lại không từ bỏ được “những ngôn ngữ nhạy cảm ngay cả với độc giả ở Mỹ”, nên thôi.

Anh Nguyễn Mộng Giác cũng đã dành cho tôi những lời giới thiệu rất trân trọng khi anh cho phổ biến tác phẩm “Cửa địa ngục” của tôi trên tạp chí Văn Học (2-3 kỳ gì đó, tôi không nhớ chính xác). Và anh cũng làm cho tôi một việc quan trọng khác (cùng với Dương Tường, Phạm Thị Hoài, Nguyễn Hương, Phan Nhiên Hạo, Hoàng Ngọc-Tuấn…) là viết giới thiệu tôi với William Joiner Center để tôi có cơ hội đến Mỹ.

Khi bắt đầu bệnh, anh còn muốn làm thêm cho tôi một việc, là viết một bài về tôi. Anh nói anh thấy tôi ở hầu như tất cả những biến động gần đây. Nhưng anh đã không kịp làm điều đó.

Tôi viết lại những điều này, như một lời tri ân đối với anh, cũng như với tất cả những ai đã từng ít nhiều giúp đỡ tôi.

Với riêng anh Giác, tôi muốn nói thêm: Cái biến động thực sự, không phải là những sự kiện mang tính thời sự văn học hay xã hội, mà là cái làm cho bản thân ta thay đổi. Nhưng điều này có lẽ không ai ngoài chính bản thân chúng ta biết. Cái biến động đã làm nên những tác phẩm của nhà văn. Nhìn ở góc độ này, hẳn nhiên anh đã trải qua những biến động lớn lao và nó lưu dấu anh như một nhà văn thật sự, theo nghĩa mạnh nhất của nó: người tạo ra những biến động. Và cái chết có thể là biến động cuối cùng mà chúng ta sẽ mang niềm bí mật ấy đi mãi.

Nguyễn Viện
Saigon 7.7.2012

Nguồn: http://tienve.org/home/activities/viewThaoLuan.do?action=viewArtwork&artworkId=15061

   Số lần đọc: 3321

Tác Phẩm

BÀI KỀ

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây