Mặc Lâm là phóng viên đài Á Châu Tự Do (RFA)
Nguyễn Mộng Giác sinh năm 1940 tại Bình Định. Nghề nghiệp chính của ông là nhà giáo. Năm 1962 tác phẩm đầu tiên của ông xuất hiện trên tạp chí Bách Khoa qua sự giới thiệu của học giả Nguyễn Hiến Lê và từ đó ông bắt đầu chú tâm vào lãnh vực viết lách.
Năm 1972 tác phẩm đầu tiên của ông được xuất bản mang tên Bão Rớt và sau đó là một loạt tác phẩm khác ra đời như Tiếng Chim Vườn Cũ, Qua Cầu Gió Bay, Ðường Một Chiều, Ngựa Nản Chân Bon, Xuôi Dòng, Sông Côn Mùa Lũ, và Mùa Biển Ðộng.
Ông sang Mỹ năm 1982 và trông nom tờ Văn Học trong một khoảng thời gian rất dài. Hiện ông đã về hưu và sống tại miền nam tiểu bang California.
Tác phẩm Sông Côn Mùa Lũ
Sông Côn Mùa Lũ là tác phẩm quan trọng nhất của Nguyễn Mộng Giác viết về thời kỳ Tây Sơn. Là người cùng quê với người anh hùng áo vải này tác giả có lợi thế trong việc nghiên cứu lịch sử có liên quan đến đời sống và những dữ liệu lịch sử lẫn văn hóa bản địa ấy được ông đối chứng bằng kinh nghiệm thực tế của bản thân mình. Sông Côn là con sông chảy qua vùng đất Tây Sơn được Nguyễn Mộng Giác dùng làm nền cho nhân vật của ông sinh hoạt. Tiểu thuyết Sông Côn Mùa Lũ dài hơn hai ngàn trang được ông viết trong bốn năm khi còn trong nước vào những năm 1978-1981.
Theo tác giả cho biết thì bộ trường thiên lấy khung cảnh thời Tây Sơn, thế kỷ 18 và khởi đầu là sự nghiệp của anh em nhà Tây Sơn, Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ và chấm dứt khi Nguyễn Huệ mất. Đây là thời gian có nhiều biến động. Quan trọng là qua những biến động đó, cái thử thách dành cho người đương thời, nhất là những nho sĩ, những người viết lách, những người có trình độ trí thức cao. Mỗi người một thái độ phản ứng khác nhau. Từ thái độ bất hợp tác với triều mới như Lý Trần Quán, đến thái độ hợp tác như Ngô Thì Nhậm, Phan Huy Ích, đến người thuộc loại cơ hội như Nguyễn Hữu Chỉnh. Một thời đại mà tất cả biến động của lịch sử và cái phức tạp của đời sống hiện ra trọn vẹn, giống như những phức tạp hiện ra trong thời kỳ cộng sản ở Việt Nam vậy, giống nhau lắm. Và vì giống như vậy, thay vì trực tiếp viết về cộng sản, Nguyễn Mộng Giác chuyển qua hai thế kỷ trước viết về thời Tây Sơn.
Theo các nhà phê bình văn học thì ngoài những thành công về nhân vật, về ngôn ngữ, về dựng cảnh, về phát triển tình tiết…tác phẩm Sông Côn Mùa Lũ bao quát một cái nhìn đúng và sâu về dòng chảy của lịch sử, về sự phát triển của dân tộc – một cái nhìn đáng yêu và rất dễ chia sẻ.
Gây nhiều tranh cãi
Tác phẩm Sông Côn Mùa Lũ được nhà xuất bản Văn Học in lại trong nước đã gây nhiều tranh cãi cho cả hai phía bênh vực và chống đối tác phẩm, trong lẫn ngoài nước. Chúng tôi có cơ hội gặp trực tiếp để phỏng vấn nhà văn tại tư gia của ông. Câu chuyện bắt đầu khi ông cho biết hoàn cảnh ra đời của cuốn sách:
Nguyễn Mộng Giác: Cái thời gian từ năm 1977 đến 1981 có thể nói là thời kỳ gian khổ nhất đời tôi. Tôi cũng như nhiều người bị thất nghiệp, và gần như hoàn toàn tuyệt vọng về phương diện tinh thần nên tôi tìm đến sự viết lách để khuây khỏa mà thôi.
Mặc Lâm: Và trong khi viết với hoàn cảnh như vậy ông có hy vọng là tác phẩm này sẽ được in ra hay không?
Nguyễn Mộng Giác: Suốt bốn năm ban ngày đi làm mì sợi, ban đêm ngồi viết tôi không có một ý tưởng nào về việc làm sao cho cuốn sách được ra đời. Tôi chỉ viết vì những thao thức của mình mà thôi.
Mặc Lâm: Có thông tin cho rằng ông đã đưa tác phẩm cho một nhà xuất bản trong nước trước khi vượt biên. Sự thật thì như thế nào thưa ông?
Nguyễn Mộng Giác: Sau khi tác phẩm viết xong thì tôi tính chuyện vượt biên. Tôi lo sợ tác phẩm này bị tịch thu nên tới nhà xuất bản Văn Nghệ xin đăng ký để in, như một cách đánh tiếng cho sự có mặt của tác phẩm mà thôi.
Mặc Lâm: Ông có thể cho biết trong hoàn cảnh nào mà Sông Côn Mùa Lũ được in và xuất hiện một cách chính danh trong nước hiện nay?
Nguyễn Mộng Giác: Vào khoảng năm 1995-1996 gì đó, ông Mai Quốc Liên có sang Mỹ công tác và gặp tôi cho biết rằng ông ấy rất thích quyển sách và đề nghị được in trong nước.
Mặc Lâm: Trước khi nhà xuất bản Văn Học chính thức in Sông Côn Mùa Lũ thì ông có nhận được một thông báo hay hỏi ý kiến gì hay không?
Nguyễn Mộng Giác: Tôi có tò mò về diễn tiến của cuốn sách ra sao nhưng họ không cho biết điều gì cả.
Mặc Lâm: Và sau khi sách đã phát hành thì sao? Không lẽ họ không nói gì đến tác giả?
Nguyễn Mộng Giác: Cũng không. Mặc dù cuốn sách được đọc trên đài phát thanh và truyền hình nhưng tên của tác giả thì không được nói đến.
Mặc Lâm: Chúng tôi được biết có một thời kỳ nhiều tổ chức tại Mỹ đã lên tiếng chống đối ông về việc in Sông Côn Mùa Lũ trong nước, ông đã có những phản hồi hay giải thích thế nào về việc này?
Nguyễn Mộng Giác: Đồng nghiệp và các cơ quan ngôn luận chuyên về văn chương thì không nói gì cả, nhưng những hội đoàn chính trị thì chống đối và lập luận của họ là Cộng Sản chỉ làm điều gì có lợi cho họ mà thôi.
Mặc Lâm: Sau nhiều chục năm hoạt động trong lĩnh vực văn học thì ông rút ra được điều gì mà ông cho là có ý nghĩa nhất?
Nguyễn Mộng Giác: Thật ra thì tự xét về mình hay tự đánh giá mình thì cũng đáng ngờ lắm. Sau nhiều năm tôi thấy rằng trong mọi hoàn cảnh mình ráng sống và viết cho tử tế để không phải thẹn với lương tâm là điều mà tôi vừa ý nhất.
Mặc Lâm: Xin cảm ơn nhà văn Nguyễn Mộng Giác về buổi nói chuyện ngày hôm nay.
Mặc Lâm
Nguồn: http://www.rfa.org/vietnamese/programs/LiteratureAndArts/Nguyen-mong-giac-and-the-controversial-of-song-con-mua-lu-mlam-11152008095921.html
Số lần đọc: 3394