Nơi lưu giữ những tác phẩm của Nhà Văn Nguyễn Mộng Giác (1940-2012)

Nơi lưu giữ những tác phẩm của Nhà Văn Nguyễn Mộng Giác (1940-2012)

Trang NhàTruyền ThôngPhỏng VấnNguyễn Mộng Giác với Nguyễn Viện

Nguyễn Mộng Giác với Nguyễn Viện

Mùa hè năm 2007, nhà văn Nguyễn Mộng Giác về nước và chuyển nhượng tác quyền bộ tiểu thuyết Sông Côn mùa lũ cho Hãng Phim truyền hình Sài Gòn TFS với giá 70 triệu đồng. Theo tin từ Hãng phim TFS, hợp đồng ký với nhà văn Nguyễn Mộng Giác đã được ký kết, khởi đầu cho dự án thực hiện bộ phim truyền hình lịch sử nhiều tập về nhân vật Quang Trung – Nguyễn Huệ, như trong tiểu thuyết Sông Côn mùa lũ đã xây dựng.

Ông Việt Hùng, giám đốc Hãng phim TFS, cho biết: hiện nay bản quyền bộ tiểu thuyết Sông Côn mùa lũ đã được TFS hoàn tất thủ tục đăng ký với Cục Bản quyền tác phẩm văn học nghệ thuật VN, và đạo diễn Quốc Hưng được giao chuyển thể thành kịch bản phim và đạo diễn để thực hiện bộ phim này. Đạo diễn Quốc Hưng cho biết: “Đây là công việc trong tương lai, tôi rất hào hứng khi bắt tay vào chuyển thể tiểu thuyết Sông Côn mùa lũ thành kịch bản cho bộ phim sắp tới, mặc dù công việc này ước lượng phải mất tròm trèm một năm.”

 

Nguyễn Viện (NV): Thưa nhà văn Nguyễn Mộng Giác, xin anh cho biết việc chuyển thể làm phim từ bộ tiểu thuyết Sông Côn mùa lũ (SCML) của anh đã tiến hành tới đâu, và việc ký hợp đồng với hãng TFS đã xảy ra như thế nào?

Nguyễn Mộng Giác (NMG): Xin cho tôi trả lời theo tuyến thời gian cho các bạn đọc dễ theo dõi. Trước hết là cơ duyên tôi gặp đạo diễn Nguyễn Quốc Hưng, người thực hiện bộ phim truyền hình nhiều tập Ngọn nến hoàng cung, và rất thích lối làm phim lịch sử sâu sắc và cẩn trọng của anh. Ngày 27/7/2005, tôi lại được theo dõi buổi trao đổi “bàn tròn trực tuyến” về đề tài “Phim hướng đến khán giả” trên “Tuổi trẻ Online.” Trong buổi trực tuyến, một thính giả hỏi: “Trên màn ảnh rộng VN đến giờ vẫn thiếu vắng những bộ phim về đề tài lịch sử. Theo anh, đó là do các đạo diễn thiếu vốn sống, thiếu tài năng hay đề tài này không đáp ứng thị hiếu của số đông khán giả?” Anh Hưng trả lời: “… Để thực hiện một bộ phim lịch sử, có những đòi hỏi, yêu cầu hết sức nghiêm ngặt, từ ý tưởng nội dung đến phương pháp thể hiện, mà nổi trội lên trên hết là yếu tố kinh phí. Có lẽ đây là lý do chính mà cho đến nay, đề tài lịch sử vẫn là một dạng ‘kính nhi viễn chi’ đối với các nhà sản xuất.”

Một thính giả lkhác hỏi: “… Tôi xem phim nước ngoài đóng phim lịch sử rất hay. Chúng ta có nhiều vị anh hùng mà tên tuổi của họ thế giới đều biết, tại sao chúng ta không dựng phim về họ, chẳng hạn như vua Quang Trung, ‘người anh hùng áo vải”?”

Đạo diễn Nguyễn Quốc Hưng trả lời: “Vì sao chúng ta không có những bộ phim lịch sử hay, chất lượng? Tôi xin nhường quyền trả lời câu hỏi này cho những nhà sản xuất, những cấp có thẩm quyền. Tiện đây, tôi xin giới thiệu với độc giả một cuốn tiẻu thuyết về vua Quang Trung rất hay nhưng tiếc là chưa được giới thiệu một cách đúng mực. Đó là cuốn Sông Côn mùa lũ của nhà văn Nguyễn Mộng Giác. Nếu có điều kiện, tôi sẽ chuyển thể cuốn tiểu thuyết này lên phim.”

Chưa hề quen biết nhau mà anh Hưng đã nói về tôi như thế, thì mùa hè năm ngoái về Việt Nam, tôi tìm thăm anh Hưng là chuyện dĩ nhiên. Hai người một trẻ một già, sống cách nhau nửa vòng trái đất, nhưng nhờ đọc và xem tác phẩm mà gần nhau, tôi nghĩ đó là cái lộc của người làm nghệ thuật.

NV: Trong cuộc gặp gỡ đó, đạo diễn Nguyễn Quốc Hưng đề nghị chuyển thể SCML thành kịch bản phim truyền hình nhiều tập cho TFS?

NMG: Không! Chúng tôi biết rất rõ những khó khăn trong việc làm phim lịch sử ở Việt Nam hiện nay. Chúng tôi không có ảo tưởng nào cả.

NV: Nhưng có một hợp đồng anh dành bản quyền SCML làm phim truyền hình nhiều tập cho TFS như Tuổi trẻ loan tin hôm 18.5.2007?

NMG: Sau đó hai tuần, đạo diễn Nguyễn Quốc Hưng có đưa tôi đến nơi anh làm việc, và tôi gặp đạo diễn Việt Hùng ở TFS. Đạo diễn Việt Hùng đề nghị tôi làm hợp đồng cho phép TFS chuyển thể SCML thành phim truyền hình nhiều tập, thời gian TFS có quyền dùng SCML làm phim truyền hình là 5 năm. Tôi chấp nhận.

NV: Như vậy, việc ký hợp đồng đã xảy ra từ năm ngoái, sao bản tin trên Tuổi trẻ được viết như việc mới xảy ra năm nay?

NMG: Tôi không hiểu hết các phức tạp đằng sau việc thực hiện một bộ phim nên không dám võ đoán. Có thể việc ký hợp đồng dành bản quyền tác phẩm văn học để chuyển thể thành phim thì đơn giản, nhưng muốn thực hiện, nhất là phim lịch sử nhiều tập, phải hội đủ rất nhiều điều kiện. Sau một năm, TFS thấy khả thi, mới loan báo thành tin, như tín hiệu để những người có trách nhiệm bắt đầu công việc. Anh Nguyễn Quốc Hưng bắt đầu chuyển thể….

NV: Anh thực sự đặt kỳ vọng vào đạo diễn Nguyễn Quốc Hưng và điện ảnh VN hiện nay?

NMG: Anh hỏi khó! Nhưng tôi không trả lời qua quýt cho xong đâu!

Dĩ nhiên là sau khi xem Ngọn nến Hoàng Cung, tôi “kỳ vọng” anh Nguyễn Quốc Hưng là đạo diễn thích hợp để thực hiện bộ phim SCML. Trước hết, anh ấy thích bộ truyện của tôi. Tiếp theo, thủ pháp làm phim của anh ấy, qua Ngọn nến Hoàng Cung, vô cùng cẩn trọng ở chi tiết hiện thực, và phóng khoáng ở tổng thể. Tôi nhớ trong buổi chuyện gẫu ở TFS năm ngoái, tôi có nói với đạo diễn Việt Hùng hai ưu điểm nổi bật của phim Hollywood so với phim Âu châu và khối Liên Xô cũ: người làm phim Hollywood vô cùng cẩn trọng, tái hiện thực tại trong phim đúng đến từng chi tiết nhỏ nhất, trong khi tổng thể thì không bao giờ làm thầy thiên hạ bất cứ điều gi (chẳng hạn như “kỹ sư tâm hồn, chứng nhân thời đại, nhà tiên tri, người hướng dẫn quần chúng…”) Chuyên nghiệp, và đừng làm thầy đời, tôi cho đó là những điều kiện tối cần cho người làm phim VN hiện đại.

NV: Trả lời như thế không “qua quýt” nhưng vẫn “huề vốn”…

NMG: Tôi chưa nói hết. Riêng với anh Nguyễn Quốc Hưng, chúng tôi cũng cố hết sức sòng phẳng với nhau. Tôi nói kinh nghiệm những nhà văn có sách được chuyển thể thành phim đều là kinh nghiệm không vui. Nhiều người phải công khai tuyên bố tác phẩm chyển thể ấy không còn là tác phẩm của mình nữa. Có nhà văn khuyên đồng nghiệp là sau khi lấy được món tiền nhỏ tác quyền của hãng phim, hãy quên chuyện đó đi. Nếu có thì giờ thì đi xem phim cho biết, nhưng khôn ngoan thì không nên đi xem.

Những độc giả của các tuyệt tác văn chương lại bị dễ thất vọng hơn nữa khi xem các phim chuyển thể từ sách. Lý do dễ hiểu: khi đọc sách, họ được mặc sức tưởng tượng về vóc dáng nhân vật, tình tiết câu chuyện. Họ được làm đồng-tác-giả của những Victor Hugo, Leo Tolstoy, Boris Parternak… Khi xem phim, đạo diễn ép buộc họ chấp nhận những khuôn mặt có sẵn, câu chuyện có sẵn.

Anh Hưng cũng nhấn mạnh với tôi khác biệt của chất liệu sáng tạo giữa văn học và điện ảnh: một bên là chữ, một bên là hình ảnh. Khi viết kịch bản phim, anh không dùng ký hiệu văn học, mà dùng chất liệu hình ảnh. Chẳng hạn chương tôi viết về đêm tân hôn của công chúa Ngọc Hân, về văn chương có thể rất lý thú về biến chuyển tâm lý, nhưng qua điện ảnh sẽ là một cạm bẫy nguy hiểm: không khéo, đạo diễn sẽ biến đêm tân hôn ấy thành một màn hài kịch.

Tôi nghĩ đạo diễn Nguyễn Quốc Hưng sẽ “sáng tạo” Sông Côn mùa lũ theo cách của anh, một người làm phim. Sách của tôi là khởi điểm cho công trình sáng tạo khác.

NV: Bài học lịch sử bao giờ cũng là bài học của một dân tộc. Nhưng tiểu thuyết lịch sử lại là cách nhìn của một nhà văn về lịch sử mà không phải lúc nào cũng “truyền thống” và “chính thống.” Có thể nói sự khác biệt của anh về bài học lịch sử cũng như bút pháp làm nên Sông Côn mùa lũ?

NMG: Tôi đã nói là tôi không muốn “làm thầy đời.” Tôi viết SCML trong giai đoạn gần như tuyệt lộ, viết để tạo ra một thế giới riêng và sống tung tăng trong thế giới đó hằng ngày, để quên chuyện trước mắt. May mà nó còn chút giá trị, qua được thử thách của thời sự và thời gian.

Nếu có một bài học lịch sử (mà ít khi người làm lịch sử chịu học vì lúc nào cũng nghĩ mình là một trường hợp cá biệt, xưa nay chưa hề có) thì theo tôi, nó đơn giản thế này: lịch sử cũng “thường” thôi, vĩ nhân trong lịch sử cũng như tất cả chúng ta, lẩm cẩm và sáng suốt, cao thượng chen lẫn ti tiện, khi can đảm cũng có khi yếu hèn, thiện ác lẫn lộn.

Có thể các nhà văn khác tự tín hơn tôi, lạc quan hơn tôi. Họ viết hịch, viết sử thi. Nhân vật của họ cao cả, ăn nói dõng dạc, bàn toàn chuyện vĩ mô. Tôi quan tâm đến những điều nhỏ nhoi trong lịch sử, vĩ nhân mà xuề xòa, có thể bắt gặp đang uống nước mía bên hè phố. Con người và cuộc đời lúc nào cũng phức tạp và huyền nhiệm. Những điều tâm huyết hết sức “ba phải,” “huề vốn,” phải không anh?

NV: Vâng. Cám ơn anh Nguyễn Mộng Giác.

Nguyễn Viện thực hiện

(trích  http://damau.org/archives/4857 )

   Số lần đọc: 3943

Tác Phẩm

BÀI KỀ

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây