Giới thiệu tập truyện Cát Vàng của Lữ Quỳnh
Đây là tuyển tập truyện ngắn của bạn tôi – nhà văn Lữ Quỳnh – viết vào những năm đầu thập niên 70, lúc chúng tôi còn làm việc ở thành phố Qui Nhơn. Gần bốn mươi năm trôi qua, từ những thanh niên hăm hở đi tìm một giải pháp cho thời thế và cho văn chương, chúng tôi bắt đầu trở thành những ông già chậm rãi, mỏi mệt, cuộc vui hàng ngày không phải là những hăm hở mở đường phá núi, mà là những lúc ngồi lặng bên đống sách cũ, bùi ngùi nhớ lại thời trai trẻ, bồi hồi đọc lại những ước vọng ngông cuồng thời trước. Chỉ biết sống bằng dĩ vãng! Lớp trẻ chế giễu thế hệ chúng tôi nhẹ nhàng như thế, và chúng tôi thấy đúng. Phải, chúng tôi có cái thú đau thương của những người không còn tin ở tương lai nữa, nên dồn hết quan tâm cho quá khứ, lật từng trang đời thời trẻ dại để vui buồn một mình. Nhờ thế mới có tuyển tập này.
Nhưng ở đoạn cuối của một chặng đường dài nhìn trở lại những bước chân đầu ngỡ ngàng, chúng tôi cũng khám ra những điều thú vị. Bởi vì bây giờ mọi sự đã qua rồi, thời thế đã phân minh ai thắng ai thua, những điều hồ nghi trước kia bây giờ không còn có gì hồ nghi nữa. Những ước vọng nhân bản chúng tôi đã cả niềm tin để viết văn bây giờ rõ ràng đã trở thành không tưởng, kẻ ác người thiện không chịu hệ quả khắt khe của luật nhân quả, nói chung mọi sự diễn ra không theo mong ước lãng mạn ngây thơ của chúng tôi thời đó. Ngược lại cuộc đời gần như chơi trò nghịch ngợm, cuời mũi vào những khuôn mặt ngơ ngác của chúng tôi. Chúng tôi trưởng thành, với vị đắng nơi đầu lưỡi.
Những đau khổ trong văn chương thời trước có nguồn từ vùng đất chiến tranh chúng tôi ở: những xác người máu me bê bết không phải là tưởng tượng từ một phòng trà có máy lạnh ở thành phố, mà là “quà” trưng bày ở công viên để răn đe những kẻ sắp nhập cuộc; những xóm làng không có tiếng gà gáy, chó sủa là quang cảnh bày hằng ngày trước mắt trong các cuộc hành quân nguy hiểm. Chất liệu là chất liệu thật, ước vọng là ước vọng thật, nhưng kết quả của những cái thật ấy, sau kiểm chứng của thời thế, lại là những ảo tưởng.
Có thể gọi là ảo tưởng của nhiều thế hệ.
Trước hết là thế hệ may mắn sống qua được vài năm đầu của cuộc kháng chiến giành độc lập, những năm huyền thoại, khi chưa có rèn cán chỉnh cơ, khi chưa có đấu tranh giai cấp, cải cách ruộng đất …
“Người đàn ông nhớ tới một bài hát. Bài từ ngày chinh chiến mùa thu. Cái không khí bấy giờ thật cảm động. Đêm giã từ Mỹ Lộc. Người nhạc sĩ đứng bên ánh lửa bập bùng, một chân gác lên ghế đẩu thấp, gảy đàn ghi-ta. Từ ngày chinh chiến mùa thu. Giọng hát của người tình gã. Người tình, có phải là người tình không? Người con gái mặc áo nâu và quần đen bóng, mái tóc kẹp sau gáy, đầu tóc chảy nửa lưng. Đôi môi không phấn son nhưng mọng thắm. Nàng hát, những đầu ngón tay bối rối quấn vào nhau. Tiếng đàn người nhạc sĩ chậm rãi . Anh ngẩng mặt lên trời mà đàn. Đàn, hững hờ, không một chút bận tâm. Nhưng tiếng đàn, giọng hát làm những người ngồi vây quanh nhìn ánh lửa hồng mà chết ngất cõi lòng. Những đôi mắt ướt lấp lánh. Người con gái dứt bài hát với những giọt nước mắt lóng lánh quanh mi …” (Bóng tối dưới hầm)
Rồi những người hiện diện trong đêm nghe hát hôm ấy phải trả giá cho những giây phút hạnh phúc ngắn ngủi. Có người chết ngay sau trận oanh tạc hôm sau như chàng nhạc sĩ. Có người bị vây hãm trong căn hầm bí mật để tự mình phải lấy những quyết định khủng khiếp cho chuyện sống chết của nhiều người khác, kể cả những người vô tội. Có người tham dự vào những cuộc vận động long trời lở đất mà bây giờ nhìn lại, người ta không hiểu vì sao một đám đông đầy khả năng và tâm huyết như thế lại có thể chủ động xô nhau vào một cơn mê tập thể lâu dài như thế!
Thế hệ chúng tôi, thế hệ của Lữ Quỳnh, cũng có những ảo tưởng khác. Đọc lại truyện cũ chúng tôi viết ở Quy Nhơn thời đó, không hiểu sao chúng tôi thích dựng truyện trong một khung cảnh khá khác thường: truyện xảy ra trong vùng xôi đậu, có bên này và bên kia một dòng sông, có cây cầu bắc qua hay con đò lặng lẽ lén lút chèo giữa đám sương mù. Lữ Quỳnh có Sông sương mù. Tôi có Cây cầu tuổi dại. Chiến tranh lúc đó đối với chúng tôi là một điều phi lý, dù không ai thoát ra khỏi được cuộc chiến tranh ấy. Cho nên người bên này hay bên kia đều dễ thương như nhau, ít ra là “dễ thương như nhau” qua đôi mắt trẻ thơ của bé Phượng trong Sông sương mù. Mà những người dễ thương như thế thì không có lý do chính đáng nào để ghét nhau, nói chi đến chuyện thù nhau, rồi tìm cách giết nhau. Chỉ cần nắng lên và sương mù tan hết, cuộc sống sẽ trong sáng, người ta nhìn thẳng vào mặt nhau để thấy người đối diện thật xứng đáng để thương yêu. Ôi, thời đó chúng tôi lãng mạn biết chừng nào, ngây thơ biết chừng nào. Những kẻ nắm trong tay quyền lực để sai khiến lịch sử chắc “cười đến chảy nước mắt” sự ngây thơ của chúng tôi. Chúng tôi bị gọi là “ngụy hòa”, là “nhân đạo chung chung”, là “tung hỏa mù xóa nhòa ranh giới giữa chiến tranh xâm lược và chiến tranh giải phóng” … Những thứ tội tầy đình ấy chúng tôi phải lắng nghe, tự xưng tội công khai mà lòng ấm ức. Nhưng khi cơn bão đã qua, như lúc viết những dòng này, chúng tôi không thấy hổ thẹn với lòng tin ngây thơ ấy. Chúng tôi dù sao cũng còn tin ở lòng tốt của con người. Không tin, thì còn biết làm sao với cuộc sống mà mình không được quyền lựa chọn? Không tin, mình còn biết chơi với ai?
Cho nên tôi nghĩ tất cả những cách dấn thân của bạn bè thuộc thế hệ chúng tôi, mỗi người mỗi cách với tất cả những hệ lụy tốt xấu, dù mê cuồng ảo tưởng đến đâu, cũng là sản phẩm tất nhiên của một giai đoạn lịch sử. Có thể bây giờ, trong những lúc chán nản vì thấy đời không như ý, nhiều người lẩm bẩm một mình: “Giá như lúc đó …”
Giá như lúc đó Hiển không quyết định “vào cuộc” khi phong trào đấu tranh phật giáo Miền Trung bị đàn áp (trong truyện Cõi Yên Nghỉ), thì cuộc đời Lam sẽ ra sao? Số phận những người “ra đi” như Hiển có may mắn hơn số phận của thế hệ những người giã từ Mỹ Lộc đêm hôm ấy? Những gì xảy ra từ lần “vào cuộc” của Hiển, của bạn bè đồng hương người Huế của Hiển, thì mọi người đã biết: hoặc họ phải nín thở qua sông để thích nghi với trật tự mới, hoặc bị nghiền nát nếu muốn sống trung thực.
Người còn có quyền tự mình lựa chọn hướng đi còn thế, huống chi những mẫu nhân vật truyện Lữ Quỳnh chỉ được đóng vai trò nạn nhân. Số phận họ đã định sẵn khi họ sinh ra: người con lai hậu quả của một vụ hiếp dâm của lính thực dân Pháp, do mầu tóc mầu mắt mầu da, chỉ có thể đóng vai trò “quân xâm lược”, người liệm xác trong quân y viện, người đập đá mưu sinh dù sức tàn lực kiệt, những cảnh sống vô vọng trong vùng xôi đậu … hầu hết truyện ngắn của Lữ Quỳnh đều mô tả cảnh huống của những nạn nhân. Họ được quyền nói “Giá như …” vì không được quyền lựa chọn. Nếu trong số họ có người được phép lựa chọn, thì sự lựa chọn đó đưa tới thảm họa khôn lường (như trường hợp hai ông cháu trong Ngày Hòa Bình Đầu Tiên).
Cho nên “Giá như lúc đó …” là một giả định vô ích. Lịch sử đã an bài. Quá khứ không thể sửa được; còn với lứa tuổi chúng tôi, tương lai là những biến số khó hiểu, bất trắc.
Và có gì bảo đảm là những thế hệ tiếp nối sau chúng tôi không có những ảo tưởng mới?
Không còn chờ bắc một cây cầu hay gọi một chuyến đò ngang để sang sông, chỉ cần bấm một cái click là liên lạc ngay với hàng triệu người ở khắp nơi trên trái đất. Ôi diệu kỳ thay tiến bộ vượt bực của khoa học thông tin. Nhưng cái ảo và cái thực của cuộc sống hàng ngày khó phân biệt, thì ảo tưởng càng biến hóa khôn lường. Cái bóng của hạnh phúc càng khó chụp bắt. Sương mù chắng những không tan đi mà dày thêm, đến nỗi không còn phân biệt được đâu là ta đâu không phải là ta.
Nhưng thôi, tôi đã lạm bàn quá xa, bước nhầm vào lãnh địa dành cho tuổi trẻ trong khi cả ngày chỉ biết tìm vui bằng cái thú lật lại những trang ảnh cũ. Xin cho tôi tạm ngừng nơi đây để bạn đọc tìm thẳng tới những trang sách của Lữ Quỳnh bạn tôi. Hy vọng những trang sách đó nếu không mang đến những khám phá mới mẻ thì cũng làm xong nhiệm vụ những chiếc cầu, nối những bờ xa cho các thế hệ hiểu nhau hơn.
Nguyễn Mộng Giác
California 2 tháng sáu 2006
Số lần đọc: 5147
Bài viết hay quá thầy ạ. Bóng ma dĩ vãng, người ta thường gọi thế để nói lên nỗi ám ảnh của quá khứ, nhưng em luôn tin rằng dĩ vãng một thời với những mộng tưởng lãng mạng và nhân văn là căn bản để đưa chúng ta có một đời sống hiện tại ý nghĩa hơn. Và thế là đời sống luôn luôn là với “giá như” “phải chi”….Nhưng dù thế tuổi trẻ không bao giờ chịu khuất phục dưới bất cứ bạo lực nào nên lòng hăm hở vào một tương lai vẫn rạng ngời phía trước. Chút chia sẻ cùng thầy.