Khi có mấy truyện ngắn đầu tiên xuất hiện trên tạp chí Bách Khoa, anh Nguyễn Mộng Giác gây được ngay sự chú ý của giới nhà văn, đồng thời tạo nên tiếng vang trong nhiều lớp độc giả yêu thích bộ môn sáng tác. Với tài năng có sẵn, anh còn được bồi đắp nhiều thêm từ kiến thức học vấn của nhà trường. Nguyễn Mộng Giác sinh năm 1940, tỉnh Bình Định. Anh tốt nghiệp thủ khoa ban Việt Hán ở Đại Học Sư Phạm Huế. Năm đầu tiên mới ra trường (1963), anh dạy ở trường Nữ trung học Đồng Khánh Huế. Năm đó, tôi thuộc vào lớp tuổi học trò của anh.
Mùa hè 1972, chiến trận miền Nam sôi bỏng lan rộng khắp cả bốn vùng chiến thuật. An Lộc, Quảng Trị, Kontum trở thành các địa danh chiến sử, và lần lượt được các đơn vị tinh nhuệ QLVNCH giải toả sau nhiều trận đánh đẫm máu. Cuối tháng 11/72, tôi nhận Sứ vụ lệnh thuyên chuyển từ Trung đoàn 5/ Sư Đoàn 2 ở Quảng Tín đi Quân Đoàn II trên vùng cao nguyên Pleiku. Tại đây, tôi làm việc trong Ban Thông Tin Báo Chí thuộc Khối Chiến Tranh Chính Trị (CTCT).
Khối Chiến Tranh Chính Trị Quân Đoàn II (CTCT/QĐII) nằm một khu riêng biệt, có trồng nhiều cây im mát, từng dãy nhà trông ra con đường chính đi lên sân bay Bộ Tư Lệnh. Và, ngày đầu tiên mới đến, tôi hân hạnh được biết là sẽ cùng làm việc chung với hai anh Kim Tuấn và Trọng Tiến. Anh Trọng Tiến là một cây viết bình luận rất sâu sắc. Anh Kim Tuấn là một thi sĩ nổi tiếng có nhiều tập thơ đã xuất bản, những bài thơ hay của anh đều được phổ nhạc, và anh cũng là một phóng viên chiến trường rất năng động. Tôi bắt đầu học thêm chút ít về nghề viết báo dưới sự giúp đỡ và hướng dẫn của hai người kể trên.
Pleiku, một thành phố chiến tranh rất nặng tình chiến hữu. Anh Kim Tuấn là khuôn mặt hết sức quen thuộc với anh em trong giới nhà binh cũng như bên văn nghệ. Nhà anh ở phố Phan Bội Châu, gian trước mở cửa hàng buôn bán, phía sau có một phòng rộng được dùng làm nơi tiếp đón bằng hữu. Tôi nhờ quen anh, mà được gặp mặt những anh em văn nghệ khác ở đây, đó là Lâm Hảo Dũng, Hoàng Khởi Phong, Vũ Hoàng, Nguyễn Tiến Hải, Nguyễn Thanh Hiền, Lê Nhược Thủy, Miên Đức Thắng v.v.
Một ngày hôm đó, sau buổi họp thường lệ ban chiều, vị Đại úy Trưởng ban cắt cử tôi đi công tác xuống Qui Nhơn trong ít ngày để làm phóng sự sinh hoạt của Tiểu Khu, mà chính yếu là ở Trung Tâm Trại An Dưỡng Quân Khu II. Nơi đây, thời gian vừa qua tập trung khá nhiều anh em tù binh VNCH được phía Cộng Sản trao trả, đang dưỡng nghỉ, chờ ngày trở lại đơn vị.
Nhân chuyến đi của tôi xuống Qui Nhơn, anh Kim Tuấn nhờ tôi đưa tặng nhà văn Nguyễn Mộng Giác tập thơ mới xuất bản của anh, có tựa “Dấu Bụi Hồng”. Tôi cẩn thận cất cuốn sách tặng và lá thư riêng vào túi xách.
Ở Qui Nhơn, có gia đình em gái tôi. Em rể tôi đang dạy học ở trường trung học Cường Để mà hiện tại nhà văn Nguyễn Mộng Giác làm Hiệu trưởng. Khi được em gái tôi cho biết qua như vậy, tôi có chút ái ngại, một phần chưa quen biết anh, phần khác nữa quan trọng hơn vì anh là giới chức cấp cao trong ngành giáo dục của tỉnh. Nhà anh Nguyễn Mộng Giác ở ngay trong trường học. Buổi sáng chủ nhật, khoảng 9 giờ, tôi tìm đến. Khi bước chân lên cầu thang ở cuối dãy của trường, tay cầm cuốn sách, nỗi lo ngại làm tôi bâng khuâng. Nhưng dù vậy, tôi cũng đã có lá thư và thêm cuốn sách tặng của anh Kim Tuấn đỡ lời. Tôi tự nghĩ, nếu quá xa lạ, tôi chỉ gởi sách xong về ngay, còn có tình thân thì thật là vui cho tôi được trò chuyện với một nhà văn.
Khi lên khỏi cầu thang, tôi nhìn thấy cửa mở. Vừa dừng lại trước cửa, thấy chị Diệu Chi, vợ anh Giác, đang chơi đùa với cháu gái nhỏ tôi liền lên tiếng chào và hỏi thăm anh. Chị đáp lời, rồi mời tôi vào nhà, ngay lúc ấy, tôi gặp anh trong bộ quần áo nhẹ, cặp mắt đeo kính trắng. Tôi chào anh, nói mấy lời vào đề ngay. Tôi cảm thấy nhẹ nhõm khi nhìn thấy anh vui đón nhận một tác phẩm văn nghệ của một bạn văn từ xa gởi nhờ tôi mang đến. Sau đó, tự tay anh rót trà mời tôi uống nước và niềm nở hỏi chuyện anh em trên Pleiku. Tôi có được ngay tình thân lúc này và kể cho anh nghe sinh hoạt văn nghệ trên đó, cùng lúc nhắc tên từng người. Có người anh Giác đã biết, có người chưa. Chỉ sau mười phút trao đổi chuyện, anh Giác đứng dậy thay quần áo và bảo tôi đi kiếm quán cà phê.
Hai người rời nhà, xuống cầu thang đi bộ qua sân trường rộng rãi, các lớp học đều đóng cửa vì hôm nay là ngày chủ nhật. Tiếng trò chuyện nhỏ vừa đủ nghe, mỗi lúc, gần gũi hơn. Một thoáng ghi nhận, qua cái vẻ hiền từ anh nhà giáo, cái nét lãng mạn của người nghệ sĩ, tôi tìm thấy có sự đồng chất đọng trong nụ cười trên mắt anh Giác qua cặp kính trắng.
Anh đưa tôi tới quán cà phê Bích Vân. Vào ghế ngồi, anh mời tôi ăn sáng. Bữa ăn thật nhẹ nhàng, câu chuyện bỏ dở lại nối tiếp. Khi ăn xong, đến lúc uống cà phê, tôi mới bắt đầu nói đến những truyện ngắn anh đăng trên Bách Khoa mà tôi được đọc, có vài ý tưởng, đôi nhận xét mà tôi đã chuẩn bị, sắp sẵn trong đầu. Khi tôi nói, anh lắng nghe với lòng thành của người viết văn. Buổi gặp đầu tiên của chúng tôi giống như hai người khách đi chung một chuyến tàu, và khi đưa tay bắt để chào tạm biệt, chúng tôi đều có giữ được kỷ niệm về một thành phố mà mình cùng chung sống một cảm tưởng hay về một hoài niệm nào đó vẫn đằm thắm, yên bình.
Ngày hôm sau, trên chiếc xe Vespa, anh đưa tôi đến Trung Tâm An Dưỡng Quân Khu 2. Tại đây, chúng tôi được gặp Thiếu Úy Nguyễn Đức Quang làm người hướng dẫn. Qua từng dãy, tôi và anh vào thăm hỏi chuyện anh em, những chiến hữu bị CS bắt giam trong cuộc chiến. Có người ở trại giam trong Nam, có người bị đưa ra Bắc, và mỗi người đều kể lại chuyện tù của mình với nhiều cảm xúc thật sống động. Khi có những chi tiết cần nhớ, tôi ghi vào sổ tay. Tôi đi công tác để làm phóng sự thôi, còn anh Nguyễn Mộng Giác là nhà văn, đây cũng là cơ hội tốt để anh có thêm chất liệu sáng tác về đề tài chiến tranh.
Ít ngày sau, xong công tác tôi trở lên Pleiku, và chuyện trước nhất nói cho anh Kim Tuấn hay là tôi đã gặp anh Giác và đưa sách rồi. Cố nhiên, tôi cũng chuyển lại những lời nhận xét của anh Giác về thơ Kim Tuấn một cách trung thực. Trong các bạn văn quen, có vẻ tôi là người được anh Kim Tuấn tin cậy về những suy nghĩ trong thơ văn. Bao giờ cũng vậy, tôi luôn nêu những ý tưởng bằng cảm xúc chân thực của mình, chứ không đọc ý của người khác rồi dùng làm ý của mình. Theo tôi nghĩ, lấy những ý tưởng người khác trong sách để dùng vào ghi chú, hay làm bài như thời đi học thì được, còn có nhận xét, thì ý tưởng đó chỉ bộc phát từ suy nghĩ của mình thôi, dù là đúng hay sai, miễn là chính mình. Sau chuyến đi công tác, tôi viết bài phóng sự mất hết một ngày mới xong. Viết xong, tôi nhờ cả hai anh Trọng Tiến và Kim Tuấn sửa chữa. Bài viết này, qua tuần lễ sau, anh Kim Tuấn gởi về Sài Gòn cho đăng ở nhật báo Tiền Tuyến.
Vì gia đình em gái tôi ở Qui Nhơn nên tôi vẫn thường liên lạc với chồng em tôi, tiện đó, gởi lời thăm anh Giác.
Rồi đâu chừng bốn năm tháng sau, tôi hay biết tin anh Giác không còn làm Hiệu trưởng trường Cường Để và được bổ nhiệm chức vụ cao hơn là Chánh Sở Học Chánh tỉnh Bình Định. Thời gian qua, trên tạp chí Bách Khoa, tôi còn được đọc thêm một vài truyện ngắn mới của anh, trong đó, có truyện Đêm Trên Thung Lũng tôi rất thích. Anh viết rất cẩn thận, nhiều ý tưởng lạ, và trong cốt truyện luôn cho thấy những cảnh ngộ của con người giữa cuộc sống qua mỗi nhân vật. Tôi đọc văn anh, học nơi cách chấm câu, vì anh không chỉ viết truyện mà còn dạy cả môn Văn ở các lớp Đệ Nhị Cấp nữa.
Tôi làm việc ở Pleiku hơn một năm rồi thuyên chuyển xuống Qui Nhơn làm việc cho Ban Phát Thanh Quân Khu 2. Về quân số, tôi thuộc Khối CTCT/QĐII, nhưng về mặt hành chánh tôi trực thuộc Tiểu Khu Bình Định. Khi thuyên chuyển xuống dưới này, tôi lấy làm vui, vì được gần với anh Giác, rồi qua anh, tôi được quen nhiều khuôn mặt văn nghệ khác có tên tuổi, đó là nhà văn Lữ Quỳnh, nhà văn Hoàng Ngọc Tuấn, dịch giả Nguyễn Kim Phượng, nhà thơ Châu Văn Thuận, nhà thơ Đặng Tấn Tới, nhà thơ Võ Chân Cửu, và nhà phê bình Tôn Thất Bút. Ở Pleiku, nhà anh Kim Tuấn vào hai buổi tối cuối tuần thường họp mặt văn nghệ có các anh Trọng Tiến, Lê Nhược Thủy, Miên Đức Thắng, Hoàng Khởi Phong, Vũ Hoàng, mỗi lần như vậy, trà rượu, khói thuốc, ai cũng say sưa chuyện văn chương không thể dứt lời. Khi tôi xuống Qui Nhơn, thì nhà mới của anh Giác bên Sở Học Chánh có một căn phòng riêng biệt được dùng làm phòng đọc sách vừa là chỗ gặp gỡ anh em văn nghệ trong thành phố. Vì Qui Nhơn rất thuận đường, nên ở đây, cũng luôn có nhiều anh em từ Tuy Hoà, Nha Trang hay Đà Nẵng ghé chơi.
Những ngày tôi làm việc và sống ở Qui Nhơn thật là vui, rất đáng nhớ. Từ cái tình sơ buổi đầu, về sau càng trở nên sâu đậm, chân tình, gắn bó. Tôi và nhà văn Hoàng Ngọc Tuấn cùng suýt soát tuổi nên khi đã thân nhau, có thể gọi mày tao, và hai đứa tôi cũng có chung một bạn quen nữa là Cao Huy Khanh đang dạy ở trường Nữ trung học Nha Trang. Hoàng Ngọc Tuấn viết văn hay, anh có tặng cho tôi mấy cuốn truyện anh đã in. Có một truyện ngắn anh viết, cả tôi và anh cùng rất thích, đó là truyện Canh Bạc Của Một Vài Người. Thỉnh thoảng, Hoàng Ngọc Tuấn dẫn tôi tới thăm nhà văn Lữ Quỳnh ở phố Võ Tánh. Nhà văn Lữ Quỳnh có nhiều tác phẩm đã in, và anh có tặng cho tôi hai tập truyện ngắn Sông Sương Mù, Cát vàng. Anh Lữ Quỳnh cũng ở trong Quân Đội, mang cấp bậc Đại úy phục ở Quân Y viện Qui Nhơn. Anh sinh trưởng ở Huế, và cũng duyên may trong quen biết, vợ anh, là bạn học với vợ tôi ngày xưa ở trường Đồng Khánh. Nhà anh Lữ Quỳnh, căn trước mở hiệu sách và bán các thứ văn phòng phẩm.
Tuy rằng, tôi không tạo được tên tuổi như các anh em văn nghệ ở Qui Nhơn thường xuyên có bài đăng trên tạp chí Văn, Bách Khoa, Khởi Hành, Thời Tập, nhưng cái tình thân anh em dành cho tôi rất là đậm đà, thắm thiết, chúng tôi sống bên nhau bằng một thời tuổi trẻ lãng mạn thật là vui.
Nhưng rồi, Qui Nhơn lại xa cách. Anh Nguyễn Mộng Giác thôi chức vụ Chánh Sở Học Chánh tỉnh Bình Định vào Sài Gòn làm chuyên viên văn hoá ở Bộ Giáo Dục. Anh đi để lại một nỗi buồn vắng, trơ trọi cho nhiều anh em chúng tôi. Những ngày xa vắng ấy, tôi gợi nhớ nhiều đến những kỷ niệm về sinh hoạt văn nghệ của anh ở thành phố nhỏ này. Tôi nhớ một buổi tối ra mắt hai tác phẩm Bão Rớt, Tiếng Chim Vườn Cũ có đông anh em đến dự ở tại nhà riêng của anh. Từ chiều đến tối, anh em chúng tôi cùng vui với bữa ăn ngon, với những chai rượu đầy, và trò chuyện về thơ văn say sưa đến rạng sáng mới lăn quay ra ngủ. Vui, thật là vui trong buổi tối đó. Hai tác phẩm này của anh được nhà xuất bản Trí Đăng in, bán khá chạy. Có một niềm vui lớn cho chúng tôi và đồng hương Qui Nhơn là sau hai tác phẩm vừa kể trên, một cuốn truyện dài có tựa Bóng Thuyền Say được giải thưởng của Hội Trung Tâm Văn Bút. Khi hay tin anh được trúng giải, từ Qui Nhơn, nhà văn Hoàng Ngọc Tuấn đã viết một lá thư dài gởi tới Hội hoan nghênh tác giả trúng giải và tinh thần làm việc của Ban Giám Khảo dành cho những sáng tác dự thi.
Anh Nguyễn Mộng Giác rời Qui Nhơn, chúng tôi còn lại anh Lữ Quỳnh, Hoàng Ngọc Tuấn, Châu Văn Thuận, Nguyễn Kim Phượng tìm đến nhau, và lúc nào cũng nhắc nhở một con người thật chí tình đã cho mỗi chúng tôi một chút hạnh phúc trong thành phố nhỏ này chính là quê hương của anh.
Từ dấu hiệu con chim văn nghệ đầu đàn ra đi, cuộc chiến miền Nam đã ập đến như sóng thần, và đã biến miền Nam thành một cơn hồng thủy. Khi bỏ lại Qui Nhơn, những gia đình anh em chúng tôi may mắn gặp nhau lại ở Sài Gòn. Nhưng rồi, Sài Gòn cũng mất theo số phận của miền Nam. Trong những ngày lạc lõng ở Sài Gòn trước cảnh miền Nam thua trận, thời gian này, tôi được đọc rất nhiều truyện của anh Giác viết qua bản thảo.
Một buổi sáng ngày 28/06/75 tôi đến thăm anh Giác lần cuối, vì đến chiều, tôi phải đi trình diện học tập cải tạo và cũng không biết đến ngày nào là xong. Căn nhà anh Giác ở gần nhà tôi trong khu Thị Nghè. Khi thấy tôi xuất hiện trong dáng vẻ như để lộ nỗi sợ hãi về một chuyến đi, anh Giác rất hiểu tâm trạng người lính như tôi lúc này. Ngồi nói chuyện không lâu, anh đứng lên, rồi cúi mắt tìm qua hàng kệ những cuốn sách mà anh đã trân trọng cất giữ, giờ đây, không cần dùng nữa. Đó là những sách viết về chủ nghĩa Cộng Sản, đó là những tiểu thuyết của Liên Xô. Hai anh em chất sách lên xe đạp đi xuống chợ Bến Thành. Lúc này, khắp chợ, những sách miền Nam được bày bán trên vỉa hè. Đó là những sách in vào cuối thời điểm của cuộc chiến. Anh Giác và tôi chạy lòng vòng, may mắn thay, sách bán được hết. Trước khi về nhà, hai anh em ngồi quán cà phê Mai Hương để uống cà phê và nhìn Sài Gòn đã đổi thay với cuộc đời.
Về đến nhà đã trưa. Vừa cất tiếng chào anh và chị để từ giã, ngay lúc đó, anh Giác nhét vào túi áo tôi hai ngàn đồng, gọi là chút quà đi đường. Tôi nói với anh lời cám ơn rất nhỏ, vì tôi biết mình bị xúc động. Dưới nắng trưa, tôi đạp xe về nhà. Và, sau bữa ăn, tôi vội vàng đeo túi xách lên vai bước vội vàng ra bến xe lam để đi Chợ Lớn.
Từ một buổi sáng đó, khi đến trại tập trung đầu tiên ở Trảng Lớn tôi cũng nghĩ ngày trở về không xa, và ngày gặp lại anh Giác cũng gần. Nhưng không ngờ, tôi đi cải tạo hơn sáu năm, hai năm ở các trại miền Nam, và bốn năm ngoài miền Bắc. Những ngày tháng ở xa lắc xa lơ như vậy, trong thư nhận được của gia đình, thỉnh thoảng tôi cũng có được thư của anh. Và, qua thư anh, tôi biết thêm đôi chút tin tức của nhiều bạn văn khác.
Cuối tháng 9/81 tôi được giấy tha về. Trở về lại thấy Sài Gòn, thành phố thật tang thương và sau bao nhiêu trôi nổi với số phận, anh Giác cũng thay đổi ít nhiều. Ngày đầu gặp nhau khi đến thăm, rất mừng, nhưng hai chúng tôi cũng chỉ thấy vui trong nỗi ngậm ngùi. Những anh em tù cải tạo được tha về, ai cũng nghĩ đến cách mưu sinh. Sài Gòn, vẫn là nơi tạm trú, tá túc, đợi chờ. Tôi kiếm sống bằng nhiều công việc vặt vãnh. Buổi sáng sớm, tôi ngồi bán thuốc lá lẻ ở cổng trước Cơ Xưởng Ba Son. Khi nghe ba tiếng kẻng báo giờ làm cho công nhân tôi mới thu dọn tủ thuốc bỏ lên xe đạp, sau đó, đạp xe tới những tiệm cà phê bỏ thuốc lá sỉ. Vào buổi chiều, tôi thường đến khu chợ Cá Hấp đường Calmette mua các loại sách cũ để bán kèm khi gặp những mối khách quen. Nói chung, cuộc sống tạm bợ qua ngày.
Sau gần một năm tôi đi tù về, anh Giác vượt biên. Chuyến vượt biên này thành công sau hai lần trước thất bại. Thuyền của anh được tàu Hải Quân nước ngoài vớt, đưa đến đảo Galang, Nam Dương. Đâu chừng anh ở trại tị nạn khoảng sáu tháng, thì qua Mỹ. Từ ngày anh đi, tôi không mấy được biết tin anh. Thời gian trôi qua, tôi ở Sài Gòn được ít năm thì trở về Huế sống với gia đình. Lúc này, tôi được biết khá nhiều sinh hoạt văn nghệ của anh ở hải ngoại qua chương trình văn học của hai đài BBC và RFI. Tôi được nghe tiếng anh trả lời trong mỗi cuộc phỏng vấn, vẫn tiếng nói quen thuộc với sự nhận định luôn mới mẻ, sâu sắc, và tôi cũng được nghe trọn hai kỳ bài giới thiệu, điểm sách của chị Thụy Khuê về cuốn tiểu thuyết đồ sộ Mùa Biển Động của anh. Có thể nói, tên tuổi anh luôn được nhắc đến nhiều trong những chương trình phát thanh của các đài tiếng Việt ở hải ngoại.
Về Huế, tôi sống với cảnh an phận trong công việc của người bán hàng sách du lịch mà hàng ngày, tôi luôn có mặt ở Đại Nội, rồi đến các lăng tẩm của Vua triều Nguyễn ở xa thành phố. Thời gian ấy, không bao giờ tôi nghĩ đến chuyện đi đâu xa, nói chi, có ngày gặp lại anh Giác.
Nhưng rồi, cũng có một cuộc đổi đời lạ lùng, đẹp như mơ. Đầu tháng 11 năm 93, gia đình tôi được qua Mỹ theo diện HO. Vui mừng không kể xiết. Những ngày đầu tiên được người em rể chở lên khu thương mại Phước Lộc Thọ, tôi gặp lại được khá đông người quen: bạn tù, bạn đơn vị, bạn học cũ, và buổi hội ngộ ở đây chúng tôi chuyện trò rôm rả.
Một buổi sáng, tôi tình cờ gặp anh Giác trong tiệm sách Văn Khoa. Anh và tôi ngạc nhiên đến độ không ai tìm ra được một câu đúng nghĩa để diễn tả sự vui mừng sau nhiều năm xa cách. Thế rồi, anh bảo tôi đi theo anh. Trên lối đi ra bãi đậu xe, tôi có cảm giác mình đang có cái hư thực như chiêm bao. Chiếc xe Camry sơn màu kem thật dịu và đẹp. Tôi lặng im không nói gì khi đưa mắt quan sát bên trong xe, ghế trước và sau đều bọc nệm rất sạch.
Xe vừa lăn bánh, tôi nghe anh hỏi:
– Kham qua hôm nào ?
– Được hai tuần rồi.
– Sao không liên lạc gì cả ?
– Có biết nhà, biết số điện thoại của anh đâu ?
Xe chạy trên đường phố trong khu Little Saigon. Anh Giác nghe tôi kể lại những ngày cuối cùng ở Sài Gòn với bao nhiêu nỗi lo âu, chờ đợi nôn nóng trước khi lên đường. Bỗng anh cười lớn khi tôi nói đến sự mừng rỡ của tôi lúc đặt chân đến phi trường Los Angeles, và ngay lúc này được gặp anh.
– Đúng là quả đất tròn.
Giọng nói anh vui và nụ cười sáng lên qua cặp kính trắng. Anh đưa tôi tới tiệm ăn Nguyễn Huệ nằm trên đường Ward.
Vào tiệm, vừa thấy chúng tôi người chạy bàn chỉ ngay bàn trống phía trong cùng cạnh cửa kính nhìn ra góc sân bên trái. Ngoài mái hiên, có một dãy bàn dành cho người uống cà phê, hút thuốc.
– Ăn gì, gọi đi.
– Anh gọi đi, – tôi nói.
– Ăn cơm phần nghe.
– Dạ.
Người chạy phải ghi vào phiếu xong đặt phiếu lại trên bàn.
– Nhà anh ở gần đây không ?
– Gần. Năm phút xe là về tới nhà.
Chúng tôi lại nhìn nhau. Tôi là kẻ mới đến, còn anh Giác đã định cư ở đây được mười năm.
Bữa ăn mang đến đặt trên một chiếc khay lớn. Cơm nóng và có bốn món ăn để trong tô và dĩa. Chúng tôi vừa ăn, bắt đầu câu chuyện mang nhiều kỷ niệm của bằng hữu trong những ngày tháng cũ ở Qui Nhơn.
– Mình rất mong có chuyến về thăm nhà, nhưng không biết bao giờ?
– Em cũng vậy, sau này có được trở về thăm hay không. Không lẽ, mình như thế này mà lại mang cái tội biệt xứ.
Bữa ăn ngon miệng. Tôi ăn no thực tình. Anh Giác ăn ít nên thức ăn còn dư khá nhiều. Ăn xong, hai người uống cà phê. Và câu chuyện tiếp nối, chúng tôi nhắc nhở đến những anh em văn nghệ ở Sài gòn còn kẹt lại. Tôi nói:
– Anh em văn nghệ miền Nam chỉ có xoay xở trong việc dịch thuật, bán báo, hoặc mở quán cà phê, làm tranh sơn mài mưu sinh. Không có một ai muốn sáng tác, hay viết lách gì cho chế độ mới cả.
– Anh em cải tạo được về hết chưa ?
– Chưa hết, nhưng được coi là khá nhiều.
– Hai tuần nữa có nhà thơ Tô Thùy Yên qua.
– Em không hay biết.
Câu chuyện chậm rãi, thong thả. Tôi hỏi anh Giác về sinh hoạt văn nghệ trong quận Cam và ở các tiểu bang khác. Ngồi chừng một tiếng, chúng tôi rời quán. Khi đến quầy trả tiền, tôi thấy anh Giác đưa một cái thẻ cho người đứng ở quầy tính tiền. Người kia đánh vào máy, sau đó trả lại thẻ cho anh kèm với một tờ giấy trắng được in ra từ máy.
Anh Giác đưa tôi về nhà anh. Có chị Diệu Chi ở nhà. Khi mở cửa trông thấy tôi, chị ngạc nhiên vô cùng. Cả tôi và chị không nói được câu chào nhau đúng nghĩa khi mà sự xa cách đến nhiều năm giờ gặp lại. Chị vẫn không mấy thay đổi so với thời gian bốn năm trước mà tôi nhớ có gặp chị một lần ở quán báo nằm đối diện với trường Luật khoa cũ ở Sài Gòn.
Vào nhà, tôi hơi chững bước trên tấm thảm, và thấy căn nhà anh đang ở quá rộng rãi. Chị Diệu Chi ngồi xuống chiếc ghế bên cạnh chuyện trò với tôi. Loan, vợ tôi là bạn học cùng lớp với chị ở trường Đồng Khánh.
– Anh qua lúc nào ?
– Cũng được hai tuần rồi.
– Có Loan ở nhà không ?
– Có.
Một lúc sau, từ nhà trong, anh Giác đi ra. Từ lúc gặp anh ở hiệu sách đến giờ phút này, tôi vẫn còn bỡ ngỡ, lạ lùng. Căn nhà anh quá rộng, giọng nói anh vẫn điềm đạm, cởi mở là tôi nhớ thời kỳ ở Qui Nhơn thường tới nhà anh chơi. Chị Diệu Chi đang nói chuyện với Loan qua điện thoại. Tôi nghe tiếng cười của chị vang lên. Lúc nào chị cũng vui tính, thích đùa giỡn với bạn bè.
Khi đốt xong điếu thuốc, anh Giác nói:
– Ở hải ngoại, đã bắt đầu hình thành một dòng văn học mới.
Tôi hỏi:
– Ngoài này, anh em viết ra sao ?
– Ở ngoài này, dòng chính của văn chương là đề tài di dân. Từ dòng chính này, người viết đi theo tâm cảm của mình để thể hiện tác phẩm. Lớp người đi 75, nuối tiếc quê hương cũ, vì đất còn mới, chưa phải là nơi họ muốn gieo hạt giống. Lớp vượt biên, như mình đây, viết về những đề tài liên quan đến biển, đến các ốc đảo, trong đó sự liên hệ mất thiết giữa hai quê hương, một quê hương mình phải chối bỏ, một quê hương mình ước tìm mong đến. Lớp thứ ba, như ngày hôm nay Kham đến, đó là lớp người tự cho mình là nhân chứng của lịch sử về xã hội Việt Nam ở bên trong và bên ngoài trại tù. Lớp thứ tư, gồm lớp tuổi trẻ thế hệ zéro, một nửa, cùng với những người cầm bút tuy lớn tuổi nhưng khởi sự viết khi qua bên này, đây là lớp người thực sự gieo hạt giống cho nền văn chương hải ngoại.
Rồi bằng một giọng nhấn mạnh, anh nói:
– Văn chương di dân không còn là dấu ấn của văn chương miền Nam trước 75, dù rằng, trong các tác phẩm có sự nhắc đến hoài niệm, đến quê hương, đến tiếng nói mỗi miền, nhưng khí hậu thực sự của nó là ở bên này, không phải là những con người bên quê nhà. Văn chương di dân, mang dấu ấn của sự thiên di, nên từng giai đoạn, từng thời gian lột xác, tự nhiên hình thành. Với cái nhìn ngoại quan, thì chúng ta ở bên này ngôn ngữ và cách ứng xử hoàn toàn khác với người Việt bên nhà, và khi phần ngoại quan đã khác như vậy, dòng văn chương cũng sẽ khác.
Tôi gật đầu sau khi anh Giác ngừng nói. Khi lắng nghe nói, diễn giải, tôi có ngay sự liên hệ cụ thể về miền Nam sau biến cố chia cắt đất nước 1954. Năm đó, ranh giới miền Nam được cắt ngang đến vĩ tuyến 17. Người miền Bắc di cư vào Nam, và gia đình nào cũng tự nghĩ rằng mình đem theo tất cả quê hương mình theo, ngay đến cả thời tiết. Thế nhưng, tất cả đều thực sự đổi khác khi họ vào sống ở miền Nam. Khí hậu miền Bắc, thành phố Hà Nội, tiếng nói, tất cả đều được đưa hết vào văn chương, nhưng trong đó là một sự rung động hoàn toàn khác hẳn với nơi chốn cũ mình vừa bỏ đi. Sự thiên di, không phải là tính cách dời đổi thông thường, mà nó là một tâm trạng. Khi con người mang một tâm trạng, một hoàn cảnh trong sự thiên di, đó là chính là một xúc tác mới mẻ, dậy động lên từ trong suy nghĩ về sự biến đổi nội quan và ngoại quan.
Chi Diệu Chi quay trở lại phòng khách sau khi nói chuyện xong với Loan chừng nửa tiếng đồng hồ. Với nụ cười nhẹ nhàng, chị nói:
– Chiều nay, con Gi về, tôi sẽ xuống nhà đưa Loan lên chơi.
– Nói chuyện với chị, Loan vui không ?
– Không vui như ông đâu. Nó đang nhớ nhà.
– Quê hương của mẹ hiền.
– Mẹ hiền cái khỉ mốc. Quê hương gì mà ai cũng muốn bỏ chạy cả, hết nói rồi.
Mười hai giờ, chuông đồng hồ treo tường đánh lên.
– Hai ông ngồi hàn huyên cho mặn nồng, tôi đi dọn cơm ăn.
– Ăn rồi, chị Chi.
– Ủa, bộ ông ngại sao ?
Anh Giác lên tiếng:
– Anh đưa Kham đi ăn rồi.
– Ăn thêm nữa đi.
Chúng tôi đứng dậy đi xuống bàn ăn đặt cạnh gian bếp. Bữa ăn dọn ra, chị Chi ăn một mình còn tôi và anh Giác uống bia, nhấm nháp tí đồ mồi. Mới đến Mỹ, dù chưa có việc làm nhưng tôi đã cảm thấy sự thuận lợi cho mình qua tình bằng hữu mà giữa tôi và anh Giác đã biết nhau từ trước.
Chị Chi hỏi:
– Anh đã xin được việc làm chưa ?
– Chưa. Mấy hôm nay đọc báo Người Việt để tìm chỗ làm.
– Anh kiếm cho anh Kham việc gì làm đi, – chị Chi nói.
Anh Giác chưa trả lời, có vẻ đang suy nghĩ. Tôi hỏi anh Giác:
– Trên báo Người Việt có cần người sửa morasse.
Tôi vừa hỏi xong, anh Giác như sực nhớ.
– Hay quá. Kham làm việc này được. Chiều nay anh Yến đến, mình sẽ nói.
Niềm vui tràn qua hơi rượu bia ngấm đầy khắp mặt tôi.
– Anh nhớ xin giùm cho nghe.
– Chắc chắn rồi.
Mới hết một chai bia còn nhẹ, nên tôi uống thêm chai nữa. Bên ngoài, trời bỗng nhiên hơi tối và có cơn mưa nhè nhè đang bay. Tôi bỗng cảm thấy ấm áp, và câu chuyện của chúng tôi như sự ấm cúng trong gia đình.
– Anh chị mua nhà này lâu chưa ?
Chị Chi cười làm tôi hơi ngớ ngẩn. Rồi chị nói:
– Mới dọn về đây được bốn tháng.
– Ủa, nhà này chị thuê.
– Không, mua rồi.
Tôi nhẹ người trở lại. Rồi hỏi:
– Hôm nay anh em họp mặt.
– Nhà này, ngày cuối tuần là thành Câu Lạc Bộ.
Chị Chi ăn chậm và ít. Tôi cảm thấy no thực sự và hơi buồn ngủ, nên khi thấy bình cà phê pha sẵn để trên bàn, tôi rót ra một ly đầy để uống. Tôi và anh Giác trở lên nhà. Bên dưới bàn khách bày nhiều báo và tạp chí, lúc đặt ly cà phê lên bàn tôi mở một tờ tuần báo ra đọc. Một lúc sau, anh Giác trở lại với mấy cuốn sách cầm trên tay. Anh tặng, và đây là một niềm vui lớn của anh với những tác phẩm anh viết trong thời gian định cư ở đảo Galang và bên này.
Tôi mở ra trang đầu, đọc lời tựa. Nhìn anh, tôi cười nói:
– Xin mừng anh viết được trở lại.
Một giọng không vui, tôi tiếp lời:
-A nh em văn nghệ bên nhà rất khao khát được tự do để cầm bút.
Một giọng chân tình, anh Giác nói với tôi:
– Mình không ở nhà suốt ngày để viết. Ở đây, việc chính là đi làm để kiếm sống. Nhưng hai ngày cuối tuần, đó là thời gian rảnh mình dùng để sáng tác. Không đâu thú bằng ra công viên, đặt một cái bàn viết trên xe truck ngồi viết.. Ly cà phê, gói thuốc là nguyên liệu. Lúc đói, mình chỉ ăn cái bánh croissant, pâté chaud là đủ.
– Rồi anh thuê đánh máy?
– Không, tiền đâu mình đi thuê. Tự mình làm hết, cả layout. Chương nào viết xong, tối hôm sau mình đánh máy, cứ vậy, công việc tiến hành. Cái tiện là computer giúp cho mình sửa chữa bản viết sạch sẽ, gọn, ít sai lỗi chính tả.
– Bản thảo hoàn tất rồi, anh in ấn ra sao ?
– Bên đây có nhiều nhà xuất bản. Nhà Xuân Thu, Đại Nam in lại hầu hết những sách trước 75. Còn Văn Nghệ và Thanh Văn, in những sách mới bên này. Sách của mình, Văn Nghệ lãnh in hết.
– Tác quyền anh lãnh khá không ?
– 10% trên giá bìa.
– Theo số sách ấn hành.
Anh Giác gật đầu. Rồi anh hỏi tôi:
– Kham có nhớ nhà sách Lá Bối không ?
– Có nhớ.
– Ông Văn Nghệ là Lá Bối cũ đó.
– Ủa, ông thầy Từ Mẫn đúng không ?
Anh Giác chưa kịp trả lời, chị Chi đã lên tiếng:
– Đừng gọi bằng thầy nghe ông ?
– Sao vậy ?
– Lấy vợ rồi.
– Có vợ, gọi bằng thầy cũng được vậy.
– Không, không.
– Vậy nên gọi sao ?
– Anh, chắc chuyện.
Tôi cười vui. Bên ngoài mưa nho nhỏ, thì thầm. Không có ai buồn ngủ, và câu chuyện chúng tôi bắt đầu lan man, từ thành phố Qui Nhơn đến Sài Gòn. Rồi từ Sài Gòn lại trở ra Huế. Và Huế lại đem những kỷ niệm tuổi trẻ của chúng tôi đến thành phố.
Thời gian với ngày tháng rồi năm, dần dà, cuộc sống gia đình tôi ổn định. Tôi chỉ ở báo Người Việt một thời gian ngắn rồi đi làm hãng. Hai ngày cuối tuần, tôi lên nhà anh Giác chơi. Nhà anh là toà soạn báo Văn Học, ở đây, mỗi cuối tuần có đông anh em văn nghệ gặp mặt, nhờ đó, tôi được gặp lại các nhà văn cũ và làm quen với các nhà văn mới.
Tạp chí Văn Học đều đặn ra mỗi tháng. Báo được độc giả hoan nghênh, riêng tôi, được anh Giác cho đủ bộ từ số báo đầu tiên đến sau này. Với công việc làm tương đối dễ chịu nên tôi có được thì giờ đọc những sáng tác trong Văn học, và những tác phẩm của anh được in ra ngoài này. Anh Giác có hai bộ truyện trường thiên là Sông Côn Mùa Lũ và Mùa Biển Động.
Sau hơn mười lăm coi sóc tạp chí Văn Học anh Giác đã tạo được niềm tin cho độc giả cũng như anh em trong giới cầm bút. Nhưng rồi, anh phải ngừng công việc này khi tình trạng sức khỏe của anh đã có những dấu hiệu suy kém, ngày càng nặng.
Tạp chí Văn Học được chuyển giao lại cho nhà văn Cao Xuân Huy đã cộng tác với anh trong vai trò Tổng Thư Ký toà soạn. Để nhớ công lao xây dựng báo Văn Học của anh Giác, đồng thời, cũng vinh danh giá trị một nhà văn, chủ bút mới của Văn Học đã thực hiện một số đặc biệt về nhà văn Nguyễn Mộng Giác. Trong số báo này, có rất nhiều bài viết hay và cảm động của nhiều nhà văn, nhà thơ ở hải ngoại.
Bây giờ, do bệnh tình khá nặng nên anh Giác phải an dưỡng. Cho dù vậy, anh vẫn đọc sách, vẫn cố gắng sáng tác với niềm say mê của một người đã có nhiều duyên nợ với văn chương.
Sau số báo kỷ niệm của tạp chí Văn Học cách đây hai năm, đến lúc này, tạp chí Điện tử Da Màu cũng muốn dành một số đặc biệt về Nguyễn Mộng Giác.
Riêng đối với tôi, ở trong lớp tuổi học trò thuộc thế hệ đầu tiên của nhà giáo, nhà văn Nguyễn Mộng Giác, mỗi lần nhớ nghĩ đến anh, tôi luôn cảm thấy trong lòng mình có một niềm tin.
Nguyễn Chí Kham
(6/2007 – 1/2009)
