Nơi lưu giữ những tác phẩm của Nhà Văn Nguyễn Mộng Giác (1940-2012)

Nơi lưu giữ những tác phẩm của Nhà Văn Nguyễn Mộng Giác (1940-2012)

Trang NhàTiểu LuậnNỗi Băn Khoăn Của Kim DungPhần Hai - Chương 1 - Tâm sự Nhạn Môn quan

Phần Hai – Chương 1 – Tâm sự Nhạn Môn quan

(Nỗi Băn Khoăn Của Kim Dung – Phần Hai – Chương 1 – Tâm Sự Nhạn Môn Quan)

Vách núi sừng sững như chọc thủng khoảng mây, ngăn tầm mắt người Khất Đan bên nầy và người Tống bên kia. Những cuộc nam chinh của nước Liêu từ cửa ải này xuất phát, cuồn cuộn chảy vào Trung Nguyên để nổi lửa đốt cháy nhà cửa và bật cung khơi nguồn máu chảy. Rồi nếu muốn bắc phạt để trả nợ máu, quân Tống cũng từ cửa ải này tuôn vào những sa mạc nước Liêu dậm nát không còn ngọn cỏ xanh hay một tiếng khóc tiếng cười.

Nhạn môn quan là tuyến đầu, biên giới giữa nước Liêu và nước Tống. Quân lính hai bên sẵn sàng ở thế tác chiến, đôi mắt xoi mói hoài nghi. Trừ trường hợp do nội tình, một bên bị suy yếu để bên kia thừa cơ lấn áp cướp bóc, bình thường cửa ải đóng kín, không ai được qua khỏi. Chỉ có chim hồng chim nhạn nhờ góp gió vào đôi cánh, từ ngả nhạn môn quan bay xuôi về phương nam tìm hơi ấm.

Tâm sự Nhạn môn quan là hoài bão của kẻ muốn làm kiếp chim, bay bổng lên trên, xóa hết biên giới nhỏ hẹp để sống theo tình người. Kẻ đó vẻ mặt hiên ngang, tính khí cao ngạo, to lớn hào sảng như con hùng sư (1), lớn mật mà cẩn thận, trí dũng song toàn (2), là nhân vật mà Kim Dung tha thiết đặt hết niềm tin, cố gắng thâu góp tất cả mọi đức tính lý tưởng giao cho hắn, nhờ hắn thay mình vào đời để bình thiên hạ.

Nhân vật tuyệt vời ấy là TIÊU PHONG, trong Lục Mạch Thần Kiếm. Cuộc đời của Tiêu Phong gắn liền vào cửa ải này.

Nếu Tiêu Viễn Sơn và người vợ bất hạnh không bồng con về thăm ngoại, thì Tiêu Phong vĩnh viễn là một vương tử Khất Đan, suy nghĩ theo quan niệm thuần túy Khất Đan, hành động theo quyền lợi người Khất Đan, nghĩa là ông sẽ bằng lòng với thế đứng của kẻ ở mạn bắc Nhạn môn quan.

Cuộc đời run rủi cho mọi sự bi đát mâu thuẫn có thể xảy ra, do mưu ly gián Liêu Tống của Mộ Dung Bác, quần hào trung nguyên tưởng một nhóm võ sĩ Đại Liêu âm mưu tấn công Thiếu Lâm tự để đoạt kinh, nên cùng nhau ra Nhạn môn quan phục kích. Vợ chồng Tiêu Viễn Sơn vô tình mắc nạn, mẹ Tiêu Phong bị thảm sát, cha Tiêu Phong tuyệt vọng tưởng vợ con chết hết nên ôm xác thân nhân nhảy xuống vực sâu tự vận. Nhưng như lời Trí Quang đại sư thuật lại:

Gã người Liêu trong lúc lơ lửng chưa xuống đến đáy vực mới phát giác ra con mình chưa chết. Gã liền lập tức quăng con lên. Tâm linh gã mau lẹ đã đành, nhưng tung con đúng chỗ không sai mảy may thì võ công này ai mà không khiếp sợ. Tôi nhìn anh em chết thảm, khóc ròng một lúc rồi nhấc đứa nhỏ lên toan đập nó vào tảng đá cho chết đi. Nhưng vừa toan liệng vào; bỗng nghe nó khóc thét lên. Tôi nhìn mặt nó một cái, thấy má nó bụ bẫm đỏ hây, mắt nó đen láy và trong sáng đang nhìn tôi. Nếu tôi không trông vào mặt nó, thì đã quật chết tươi rồi, chả còn chuyện gì nữa“. (trang 146 quyển 1)

Cậu bé Tiêu Phong sống sót nhờ một cái nhìn. Trí Quang đại sư đã nhìn thẳng vào gương mặt đứa bé, để thấy trong đôi má bụ bẫm đỏ hây quyền sống thiêng liêng của một con người, trong đôi mắt đen láy chan chứa niềm vui, tình thương yêu, tình liên đới giữa người với người, không phân biệt Liêu hay Tống, già hay trẻ.

Tiêu Phong được quyền sống sót nhờ ở tình người, và dĩ nhiên lớn lên, cũng phải có nhiệm vụ phụng sự cho tình người.

   Số lần đọc: 17124

Tác Phẩm

BÀI KỀ

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây