Nơi lưu giữ những tác phẩm của Nhà Văn Nguyễn Mộng Giác (1940-2012)

Nơi lưu giữ những tác phẩm của Nhà Văn Nguyễn Mộng Giác (1940-2012)

Trang NhàTiểu LuậnNỗi Băn Khoăn Của Kim DungPhần Hai - Chương 2 - Những bước vô chiêu của Lệnh...

Phần Hai – Chương 2 – Những bước vô chiêu của Lệnh Hồ Xung

(Nỗi Băn Khoăn Của Kim Dung – Phần Hai – Chương 2 – Những bước vô chiêu của Lệnh Hồ Xung)

THỰC TRẠNG PHÂN HÓA CỦA CÁC CHÍNH PHÁI

Đến bộ truyện Tiếu ngạo giang hồ, Kim Dung hết sức bi quan khi nhận định về chính phái. Thực trạng phân hoá không những phát sinh giữa phái khác, mà còn manh nha rồi phát tác trầm trọng tạo cảnh nồi da nấu thịt giữa các kiếm khách cùng một phái với nhau.

Trong phái Hoa Sơn, có một mối thù truyền kiếp giữa phe khí tông và kiếm tông đến độ Nhạc Bất Quần thà mất một tên đệ tử tài ba còn hơn thấy hắn trọng kiếm hơn trọng khí. Dù Nhạc Bất Quần có che giấu, cái quá khứ đẫm máu của cuộc tương tàn giữa hai phe Hoa sơn vẫn làm cho mọi người trong võ lâm rùng mình.

 

Trong phái Hành Sơn, do tính tình khác biệt, gia cảnh sang hèn, vẫn có sự hiềm khích âm ỉ giữa Mạc Đại tiên sinh và Lưu Chính Phong. Lúc Tung Sơn âm mưu bức tử Lưu Chính Phong, Mạc Đại tiên sinh không ra tay viện trợ. Mãi về sau, khi biết chắc chắn Lưu Chính Phong sắp chết, Mạc Đại tiên sinh mới quyết định giết Phí Bân. Người đọc có thể xem đó là hành động cuối cùng của một chưởng môn chính phái để chuộc lỗi kẻ sắp lìa đời, tự xoá hết mọi mặc cảm tội lỗi để thảnh thơi hưởng hết cuộc đời thừa.

Trong phái Thái Sơn, trên Phong thiền đài, chính sư thúc của chưởng môn là Ngọc Cơ Tử đã giết chết chưởng môn là Thiên Môn đạo nhân. Đến lúc Ngọc Cơ Tử trở thành phế nhân cụt cả hai tay, thì Ngọc Khánh Tử lại tranh giành chức chưởng môn Thái Sơn với Ngọc Âm Tử, làm trò cười cho hàng nghìn người cả chính lẫn tà.

Sự phân hoá đó bắt nguồn ngay trong bản chất các phái thuộc phe chính. Hầu hết danh môn chính phái đều là những kết tập cục bộ. Mỗi phái vì cùng một nguồn gốc võ học, tự họp nhau lại thành một nhóm người có tổ chức. Trên có chưởng môn, truyền lưu theo võ công, giữ bí quyết tuyệt học của môn phái. Sau đó, theo trình độ, phân chia địa vị huynh đệ.

Bản chất của môn phái là sự độc lập, tự tồn. Lý tưởng của võ lâm là làm thế nào để mỗi phái được tồn tại lâu dài ở một địa phương riêng biệt không xâm phạm quyền lợi khu vực của nhau. Đào Hoa Tiên tuy không được bình thường về thần kinh, nhưng nhờ Doanh Doanh, mớm lời đã nói rất đúng thực trạng chia rẽ ngay trong cách tạo lập các chính phái:

“Ngũ Nhạc kiếm phái hợp nhất thì được, nhưng năm trái núi Thái Sơn, Hành Sơn, Hoa Sơn, Hằng Sơn và Tung Sơn lại ở năm phương vị khác nhau: đông, nam, tây, bắc, trung, thì làm sao hợp liền vào một khối được? Tả Lãnh Thiền đâu phải đức Thượng đế có quyền di sơn đảo hải để chụm năm tòa núi lớn này vào một chỗ.”
(trang 2042 quyển 2)

Vì được tạo thành trong tinh thần cục bộ địa phương và muốn duy trì trạng thái biệt lập về quyền lợi và bổn phận, nên giới luật của chính phái có chủ ý duy trì trật tự cố hữu, bảo vệ nguyên trạng. Ngay cả hai phái võ uy tín về phương diện đạo đức là Võ Đang và Thiếu Lâm cũng có một thái độ thiếu dứt khoát đối với thực trạng bất công bóc lột tàn nhẫn của xã hội. Chính phái thường làm ngơ trước bất công, gian tà, hay nếu có thái độ, chỉ là một thái độ hoà hoãn, gần như khuyến khích. Chính phái thường hô hào bảo vệ một thứ tôn ti trật tự có lợi cho thiếu số đặc quyền.

Chúng ta cứ lấy thất giới của Hoa Sơn làm bằng chứng.

Trong lễ bái sư của Lâm Bình Chi, Nhạc Bất Quần uỷ nhiệm cho Lệnh Hồ Xung long trọng tuyên đọc bảy điều giới của môn phái. Lệnh Hồ Xung liền nói:

“Lâm sư đệ hãy nghe đây.

Nhất giới của bản phái là lừa thầy diệt tổ, bất kính tôn trưởng.

Nhị giới là ỷ mạnh hiếp yếu, gia hại kẻ vô tội.

Tam giới là gian dâm hiếu sắc, trêu cợt phụ nữ.

Tứ giới là đồng môn ghen ghét, tàn sát lẫn nhau.

Ngũ giới là thấy lợi quên nghĩa, trộm cắp tài vật

Lục giới là ngông cuồng tự đại, khinh khi đồng loại

Thất giới là giao thông với địch, cấu kết bọn yêu tà.

Hoa Sơn thất giới là thế đó. Đã là đệ tử bản môn nhất luật phải thi hành.

(trang 464 Tiếu ngạo giang hồ 3)

Chúng ta không dám nghi ngờ trí nhớ xuất chúng của Lệnh Hồ Xung nên chắc chắn đây là những giới luật mọi môn phái Hoa Sơn phải thuộc, để làm phương châm cho hành động. Suốt bảy điều răn, chúng ta đã thấy gì?

– Điều thứ nhất và điều thứ tư có mục đích bảo vệ trật tự có sẵn trong môn phái. Điều thứ nhất (lừa thầy diệt tổ, bất kính tôn trưởng) nhằm bảo vệ trật tự hàng dọc và điều thứ tư (đồng môn ghen ghét, tàn sát lẫn nhau) nhằm bảo vệ trật tự hàng ngang. Muốn bảo vệ trật tự đó, người lập thất giới đã tiên liệu những ngoại lệ nguy hiểm.

– Trước hết phải ngăn ngừa uy quyền của kẻ thật xuất sắc về võ công hay nắm địa vị thuận lợi để lạm dụng chức vụ. Điều hai ngăn ngừa kẻ mạnh hiếp yếu, điều sáu ngăn ngừa kẻ có tài tự cao tự đại. Còn điều ba và điều năm ngăn ngừa những lạm dụng của kẻ nắm ưu thế, lạm dụng tiền tài và tình yêu.

– Tuy vậy, điều răn cuối cùng mới là điều quan trọng nhất, đập mạnh vào trí nhớ kẻ nhập môn. Đó là điều giao thương với địch, cấu kết bọn yêu tà.

Nếu không bị ám ảnh bởi thù nhà, chắc chắn Lâm Bình Chi không khỏi thắc mắc tự hỏi: Thế nào là địch? Thế nào là yêu tà? Không phải vô tình mà các cao thủ võ lâm sáng lập Hoa Sơn phải dành rất nhiều mơ hồ trong cách định nghĩa chữ ĐỊCH, chữ YÊU TÀ. Sự chừa rất nhiều tự do để suy diễn quy nạp về đối phương có mục đích ngăn ngừa hầu hết, nếu không bảo là tất cả, các ảnh hưởng ngoại lai. Những gì xâm phạm đến trật tự có sẵn, đều có thể bị gắn chữ YÊU TÀ. Những nhân tài dám ra ngoài khuôn khổ có sẵn, có thể bị xem là ĐỊCH.

Không biết các giới luật các phái khác trong Ngũ nhạc kiếm như thế nào, chúng ta chỉ xét riêng trường hợp Hoa Sơn, đã thấy thất giới điều này là cái gươm bén dành cho chưởng môn, để giữ vững trật tự, duy trì nguyên trạng, cắt đứt mọi hy vọng hoài bão canh tân cho phù hợp với hoàn cảnh.

Như vậy, xét chung, tính chất cục bộ là bản chất của chính phái. Gạt bỏ âm mưu hiệp nhất để làm minh chủ thống nhất võ lâm, chúng ta thấy lập luận của Nhạc Bất Quần ở Phong Thiền đài thật đáng với thực trạng phe chính:

“Sự phân tán trên chốn giang hồ trải hàng ngàn năm đã gây ra những vụ thù hằn chém giết không bao giờ chấm dứt. Số bạn đồng đạo võ lâm bị chết uổng không biết bao nhiêu mà kể. Xét cho cùng thì kiếp nạn giang hồ gây ra chỉ vì ý kiến riêng rẽ bè phái. Tại hạ nghĩ rằng nếu khắp võ lâm không còn môn hộ bang phái riêng biệt, thiên hạ biến thành một nhà, ai ai cũng coi nhau như huynh đệ đồng đạo thì những tai nạn huyết kiếp mười phần bớt được chín. Các vị anh hùng hào kiệt đã không phải bỏ mình trong lúc tráng niên thì dĩ nhiên số cô nhi quả phụ trên đời không còn mấy nữa.

Đáng tiếc là các môn phái võ lâm tu luyện võ thuật theo những nguồn gốc khác nhau, vì thế môn phái đã có sự cách biệt do những môn võ công gây nên rồi. Như vậy mà bây giờ muốn cho những người luyện võ không phân biệt tôn phái để thành thiên hạ đệ nhất gia là một việc khó khăn không biết đến đâu mà nói.”
(trang 2046, 2047 TNGH quyển 12)

Sau đó, bản chất của chính phái cũng là tính chất bảo thủ. Nó đưa hành động nhân danh phe chính đến ngõ cụt phi lý hoặc biến thiện chí thế thiên hành đạo của họ thành cố chấp, mâu thuẫn. Không có gì nực cười bằng cảnh vì đuổi theo tru diệt tên yêu tà Hướng Vân Thiên, hằng trăm kiếm khách phe chính sẵn sàng kề cận hợp tác với hàng trăm tên yêu tà của ma giáo. Biên giới chính tà không còn nữa rồi, và từ trên trà đình uống rượu với Hướng Vân Thiên, tên lãng tử phiêu bạt Lệnh Hồ Xung nhìn xuống đám người lúc nhúc dưới kia, không thể nhận ra ai là kẻ đáng trọng, ai là kẻ tà ma mà bảy điều răn của Hoa Sơn đã nhắc nhở đến.

 

   Số lần đọc: 21927

Tác Phẩm

BÀI KỀ

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây