Trong bộ trường thiên tiểu thuyết Sông Côn Mùa Lũ của nhà văn Nguyễn Mộng Giác, khi viết về tâm trạng của Phan Huy Ích trong lần thứ hai vào Phú Xuân, có câu “Đó là nỗi lạc loài của kẻ chồn chân mỏi gối đứng nép bên lề nhìn kẻ đi người lại trước mặt mình.” Viết về một kẻ sĩ sống trước mình gần hai trăm năm giữa hoàn cảnh đất nước cực kì tao loạn, không khác lắm với thời đại của mình, tôi đồ đấy chính là tâm trạng của tác giả bộ sách, nhà văn Nguyễn Mộng Giác, một nhà văn Việt Nam tiêu biểu ở nửa sau thế kỉ XX, một nhà văn mà tâm tư lúc nào cũng trĩu nặng nỗi đau của một kẻ sĩ bởi những thảm trạng liên miên xảy ra suốt thời gian dài trong lịch sử dân tộc, đất nước Việt Nam.
Tôi gặp nhà văn Nguyễn Mộng Giác lần đầu vào những năm đầu của thập kỉ 80. Khi ấy, anh vừa đặt chân lên nước Mĩ. Cùng nhà báo Nguyễn Thượng Hiệp, anh cộng tác với tờ Đồng Nai, một tờ tuần báo khổ lớn xuất bản và phổ biến trong cộng đồng Việt Nam tị nạn ở miền Nam bang California. Tờ Đồng Nai, nhờ khả năng làm báo và tài viết của hai anh, mau chóng biến thành tờ báo có uy tín lớn trong cộng đồng, bài vở thông tin, quan điểm được độc giả đánh giá cao, và đặc biệt nhất là phần văn nghệ phong phú do anh Nguyễn Mộng Giác phụ trách. Cũng lúc đó tôi đang tập tễnh bước chân vào làng văn hải ngoại. Qua lời anh chủ nhiệm Nguyễn Thượng Hiệp, tôi được biết Nguyễn Mộng Giác từ trước 75 đã là nhà văn có uy tín, nhiều nhiệt tâm. Nhưng tờ Đồng Nai không tồn tại lâu dài bởi người chủ báo chỉ là con buôn. Anh Nguyễn Mộng Giác bỏ tờ báo tìm được việc làm vững chắc trong một cơ xưởng ấn loát. Từ đó cho đến cuối đời, anh không bao giờ trở về làm báo thương mại kiếm sống nữa mà chỉ hì hụi sống chết với nghiệp văn chương. Sau thời Đồng Nai, tôi gặp anh nhiều lần tại tư gia vợ chồng hai nhà văn Nhật Tiến – Đỗ Phương Khanh vào những buổi họp mặt văn hữu cuối tuần. Dần dà, tôi nhìn thấy ở anh một con người có phong thái hiền hòa, bình dị, dễ mến, dễ đến gần, trên môi lúc nào cũng sẵn nở nụ cười. Anh không đợi người khác đến với anh, đọc cái gì thấy thích, anh đến nói thẳng với tác giả và sẵn sàng chia sẻ quan điểm riêng của mình. Có lần tôi viết một bài về nhà thơ Nga Boris Pasternak (đó là thời nước Nga đang rục rịch đổi mới, mở cửa), anh đọc xong, bảo tôi, “Thư nên đi theo con đường dịch.” Tôi nhìn anh dò xét, “Thật không anh…? Nhưng dịch nhiêu khê lắm anh à. Em sợ em kham không nổi.” Anh trả lời, “Ừ, nhưng độc giả Việt Nam mình cần đọc những tác phẩm hay của thế giới và mình nên có những bản dịch tốt.” Ngẫm nghĩ một lát, tôi bảo anh, “Em cũng có nghĩ đến chuyện này . . . Em đang đọc một cuốn tiểu thuyết của tay tiểu thuyết gia người Tiệp Khắc tên là Milan Kundera nhan đề The Unbearable Lightness of Being . . . Nếu dịch thì em sẽ dịch cuốn sách đó.” Mắt anh bỗng sáng lên sau cặp kính trắng, “Mình cũng thích tiểu thuyết của ông này lắm, hồi mình còn nằm trên đảo tị nạn, mình có mượn của thư viện cuốn The Book of Laughter and Forgetting về đọc. Hay lắm. Thư cố lên nhé.”

Từ trái: Hoàng Khởi Phong, Lê Uyên Phương, Khánh Trường, Mai Thảo, Phan Ni Tấn, Trần Duy Đức, Nguyễn Mộng Giác (Nam California, 1989)
Số lần đọc: 4840