Nơi lưu giữ những tác phẩm của Nhà Văn Nguyễn Mộng Giác (1940-2012)

Nơi lưu giữ những tác phẩm của Nhà Văn Nguyễn Mộng Giác (1940-2012)

Trang Nhà Blog Trang 58

Phỏng vấn nhà văn Nguyễn Mộng Giác

Nguyễn Mạnh Trinh thực hiện

NMT: Xin anh cho một vài dòng tiểu sử về mình.

NMG: Tôi sinh năm 1940 tại Ngân Sơn, Phú Yên nên có một số truyện ngắn và bài báo tôi lấy bút hiệu Nguyễn Ngân Sơn. Ðó cũng là quê hương của nhà văn Võ Hồng. Nhưng nguyên quán của tôi là làng Xuân Hoà, huyện Bình khê, tỉnh Bình Ðịnh, một làng nhỏ nằm một bên con sông Côn. Bên kia sông là quê hương của anh em nhà Tây Sơn. Như anh biết, thời gian chín năm kháng chiến chống Pháp, Bình Ðịnh thuộc vùng kháng chiến, liên khu 5. Tôi lớn lên, học hành trong vùng kháng chiến, mãi tới sau hiệp định Genève quê tôi mới được chính quyền quốc gia tiếp quản. Sau hai năm thất học trước đó, tôi tiếp tục học tiếp trung học ở Qui nhơn, Nha Trang và Sài gòn. Sau một năm học Ðại học Văn khoa Sài gòn, tôi chuyển ra Huế học Ðại học Sư phạm Ban Việt Hán. Tốt nghiệp năm 1963, tôi đã dạy văn chương tại các trường Ðồng Khánh Huế, Cường Ðễ Qui nhơn. Sau một thời gian làm hiệu trưởng trường Cường Ðễ, chánh sở Học chánh Bình Ðịnh, tôi chuyển vào Bộ Giáo dục ở Sài gòn làm chuyên viên nghiên cứu giáo dục.

Sau 1975, bị sa thải vì những cuốn sách đã viết và chức vụ cũ đã giữ, tôi thất nghiệp một thời gian, làm đủ thứ nghề mà chẳng nghề nào thành công, bán sách cũ, làm mì sợi. Cuối năm 1981, tôi vượt biển theo ngả Nam Dương, ở các trại tị nạn Kuku và Galang gần một năm. Ðúng ngày lễ Tạ Ơn năm 1982, tôi đặt chân đến Hoa Kỳ. Như vậy là tôi đã ở đây trên 13 năm. Tôi lập gia đình từ năm 1965, và có ba cháu nay đều đã trưởng thành.

NMT: Còn cuộc đời văn chương?

NMG: So với các bạn văn cùng thế hệ, tôi bắt đầu viết lúc đã ngoài ba mươi. Thật ra nói như thế cũng không đúng hẳn. Người cầm bút nào mà không tí toáy thử viết cái này cái nọ lúc còn ở tuổi niên thiếu. Tôi cũng vậy. Nhưng sau khi đọc phải những tác phẩm bậc thầy, nhất là gặp Dostoievsky, tôi xé bỏ hết những gì mình đã viết. Tôi tôn Dostoievsky làm thần tượng. Cho đến nay, tôi vẫn còn giữ tấm ảnh cũ của Dostoievsky tôi từng dán trước bàn viết thủa ban đầu.

Nếu hiểu “viết” có nghĩa là “viết và phổ biến bằng chữ in” , thì tôi khởi viết từ 1971, nhiều nhất, đều đặn nhất là trên tạp chí Bách Khoa. Trước 1975, tôi đã in được 5 tác phẩm: Nỗi băn khoăn của Kim Dung (tiểu luận), Bão rớt (truyện ngắn), Tiếng chim vườn cũ (truyện dài), Qua cầu gió bay (truyện dài), Ðường một chiều (truyện dài). Bảy năm sống dưới chế độ cộng sản, tôi viết xong bộ trường thiên Sông Côn Mùa Lũ nhưng dĩ nhiên là không in được. Vượt biên, tôi để bản thảo lại cho nhà tôi giữ. Năm 1990, nhà tôi sang Hoa Kỳ trong chương trình đoàn tụ gia đình, đem được bản thảo theo. Nhờ thế, ngoài những tác phẩm Ngựa nản chân bon (truyện ngắn), Xuôi dòng (truyện ngắn), bộ trường thiên Mùa biển động tôi xuất bản ở hải ngoại, tôi có them được bộ trường thiên Sông Côn mùa lũ nhà An Tiêm xuất bản những năm 1991 và 1992.

NMT: Ở Việt Nam, anh là nhà giáo, nhà văn. ở đây, anh làm báo, viết văn, và làm graphic designer cho công ty GTE. Có liên quan thế nào giữa những nghề nghiệp ấy? Chúng hỗ tương nhau hay chống chõi nhau?

NMG: Dĩ nhiên là hỗ tương, vì không có một nghề để nuôi thân thì làm sao yên tâm để nghĩ chuyện viết lách. Tôi đủ óc thực tiễn để hiểu rằng không thể sống được bằng ngòi bút, nói cho đúng hơn, sống được bằng văn chương. Nhiều người viết văn đã sống được bằng ngòi bút, nhưng chỉ một số rất hiếm hoi sống bằng văn chương. Số còn lại sống bằng nghề báo.

NMT: Anh viết tác phẩm đầu tay trong trường hợp nào? Có kỷ niệm nào đáng kể?

NMG: Tác phẩm đầu tay của tôi không phải là tiểu thuyết, mà là một tập tiểu luận về truyện chưởng Kim Dung, in năm 1972. Tôi rất mê Kim Dung. Ngoài Dostoievsky, Kim Dung là nhà văn ngoại quốc có nhiều ảnh hưởng đến cách suy nghĩ của tôi. Hồi đó, tôi đang dạy học tại trường trung học Cường Ðễ. Trong số đồng nghiệp, có anh Châu văn Thuận là một thành viên của tạp chí Ý Thức. Qua Châu văn Thuận, tôi quen với Lữ Quỳnh một thành viên Ý Thức khác. Các anh ấy xin bài cho Ý Thức. Tôi viết bài đầu tiên về Kim Dung, được nhiều người mê Kim Dung thích lắm. Có khích lệ, tôi viết một bài khác gửi cho Bách Khoa và gửi một bản cho nhà văn Nguyễn Hiến Lê. Ông Lê mang bài đó đến Bách Khoa bảo đáng đăng. Tôi có duyên nợ với Bách Khoa từ đó. Tập tiểu luận mỏng in ấn lem nhem nhưng lại là tác phẩm mang đến cho tôi nhiều vui buồn nhất. Vui vì là đứa con đầu lòng. Vì được nhiều bạn đọc ghiền Kim Dung tán thưởng. Buồn, vì sau 1975 phong trào mê Kim Dung lan truyền nhanh tới bộ đội, cán bộ, và cả giới viết lách miền Bắc. Chính quyền tìm biện pháp ngăn chặn. Họ lục xem trong Nam những ai đã viết về Kim Dung. Cuốn Nỗi băn khoăn của Kim Dung của tôi và cuốn Vô Kỵ giữa chúng ta của Ðỗ Long Vân trở thành cái bia oanh kích tự do. Ðủ thứ tội lỗi, nào mập mờ giữa chính và tà, nào tung hỏa mù để biện minh cho kẻ cướp nước… Mỗi lần nghe loa phóng thanh phường đọc ra rả những lời kết tội nặng nề với tên tác giả rõ ràng, tôi lạnh gáy, hối hận tại sao thủa ban đầu mình không chọn một bút hiệu nào đó mà lại lấy tên thật.

NMT: Có người nói tác phẩm đầu tay thường có nhiều chất cảm và có hồn tuy kỹ thuật chưa cao. Còn những tác phẩm sau, thường có nhiều tiến bộ về kỹ thuật nhưng chất cảm và hồn giảm đi. Theo anh, vấn đề này nên phân tích thế nào?

NMG: Tay nghề cầm bút ngày càng cao là chuyện bình thường. Còn xúc cảm, nhiệt tâm tác giả gửi gấm trong tác phẩm ngày càng giảm đi, thì theo tôi nghĩ, không phải ai cũng như ai. Cái mất đi theo tuổi tác là sự hồn nhiên, chứ không phải xúc cảm, nhiệt tâm. Thông thường, một người cầm bút lúc khởi nghiệp viết về mình, cho mình, nên dễ đạt được ước muốn Hàn Mặc Tử từng ước muốn: Tôi muốn hồn trào ra đầu ngọn bút. Mỗi lời thơ đều dính não cân ta. Nhưng viết về mình một thời gian rồi cũng cạn, tác phẩm sau là bản sao của tác phẩm trước. Nhà văn đối diện với một thử thách lớn, từ viết về mình chuyển qua viết về người. Những ai không qua được thử thách này, giá trị tác phẩm của họ chứng minh được điều anh vừa đưa ra.

NMT: Cầm bút, anh có mục đích nào không? Như phục vụ nhân sinh, quốc gia, dân tộc… Hay chỉ vì mình thích và muốn làm được những điều mình ưa?

NMG: Khi mê gái không ai có thì giờ ngồi tẩn mẩn phân tích người mình mê đẹp ở chỗ nào. Chỉ có hai hạng người đủ bình tĩnh suy nghĩ về người con gái đó: người ngoài, và chính anh chàng mê gái khi anh bắt đầu hết mê. Mê văn chương, mê viết lách cũng như mê gái mà thôi. Khi nghe một nhà văn ba hoa về sứ mệnh này sứ mệnh nọ, tôi bắt đầu nghi ngờ lòng mê văn chương của anh ta. Một là anh ta mê những thứ khác hơn văn chương, nên dùng văn chương như một công cụ để làm chuyện khác. Anh ta hết là nhà văn, hay phân biệt chi li như Sartre, anh ta là écrivant, không phải là écrivain. Hai là anh ta biết rất rõ ngòi bút của mình đã sa sút, nên vội tìm một cái mộc che thân, giống y chang anh chàng mê gái muốn quất ngựa truy phong bèn tìm hiểu xem người đẹp ấy có thực đẹp hay không, giữa sắc đẹp và đức hạnh nên chọn bên nào.

NMT: Hình như anh ác cảm với những “người dùng văn”, những écrivant.

NMG: Không phải thế. Họ dùng văn để làm những chuyện ích quốc lợi dân, hay lắm chứ. Nhưng xin phân biệt cho rõ: nếu dùng văn để bảo vệ đạo đức, họ phải sống đạo đức và họ đáng được tuyên dương như một nhà đạo đức, không nên tuyên dương như một nhà văn. Trường hợp dễ gặp hơn là dùng văn chương để phục vụ chính trị. Một nhà văn nhỏ tự nhiên trở thành vĩ đại khi giương cờ giăng khẩu hiệu lên văn chương của mình. Ai chê anh ta nhỏ, anh ta trở cán cờ đập vào mặt liền. Vâng, anh ta có thể trở thành anh hùng dân tộc, trở thành tổng bí thư, tổng thống. Nhưng nói gì thì nói, anh ta vẫn cứ là một nhà văn nhỏ tí.

NMT: Bây giờ tôi lại thấy hình như anh không ưa những người làm chính trị bằng những người viết văn. Liệu trong anh có gì mâu thuẫn không, khi những tác phẩm anh viết phần lớn lấy khung cảnh lịch sử, chính trị, như hai bộ trường thiên Mùa Biển Ðộng và Sông Côn Mùa Lũ?

NMG: Anh nói đúng. Từ thâm tâm, tôi không ưa những người làm chính trị.

NMT: Vì sao?

NMG: Thích hay không thích cái này cái nọ là chuyện trực tiếp, tức thời, ảnh hưởng đến cách lựa chọn và quyết định của mọi người. Biện hộ cho những cái mình thích hay không thích là chuyện về sau. Người ta không thích màu đỏ chẳng hạn, nên không bao giờ mua xe màu đó. Có ai hỏi, người đó mới tìm lý lẽ giải thích: vì màu đỏ chói quá, màu đó giống với màu máu, màu đó là màu cờ của phe cộng sản v.v… Trong đời, tôi cũng có nhiều ước mơ: hồi lên năm nằm bệnh viện Huế thấy hiến binh Nhật cưỡi xe mô tô phóng nhanh trên đường trước bệnh viện, tôi mơ làm người hiến binh. Học tiểu học thầy cô dẫn đi dự các lễ lạc, thấp người chen chúc mãi vẫn không thấy cảnh lễ lạc phía trước, liền mơ làm anh phó nhòm được quyền chạy khắp nơi chụp hình. Lớn hơn mơ làm Xuân Diệu để có thể làm thơ tình gửi những người đẹp… Ðại khái các giấc mơ của tôi đều thấp lè tè như thế, không có giấc mơ nào sang cả, hào nhoáng quyền lực. Có thể vì vậy mà tôi chọn nghề giáo. Thi thố quyền lực với những trẻ kém tuổi hơn mình, học thức thua mình, coi bộ dễ dàng hơn thi thố tranh giành quyền lực với người lớn, tức là làm chính trị. Cứ suy nghĩ theo cái dòng đó thì tôi mê viết lách cũng phải. Không thể ứng xử thoải mái với thực tế và những người chung quanh, tôi tìm thoải mái trong thế giới tưởng tượng. Tôi “làm chính trị” trong sự an toàn, trong thế giới của riêng tôi. Nhưng đó chỉ là những lời biện minh tới sau.

NMT: Trở lại hai bộ trường thiên Mùa Biển Ðộng và Sông Côn Mùa Lũ. Nhiều người định nghĩa “trường thiên tiểu thuyết” theo những cách khác nhau: như trường thiên tiểu thuyết phải trải dài nhiều thời kỳ với toàn bộ không gian thời gian; như phải có nhiều tuyến nhân vật để thể hiện toàn bộ đời sống một thời kỳ… Vậy theo anh, phải nghĩ thế nào về trường thiên tiểu thuyết? Có thể mang nối nhiều cuốn truyện dài thành một bộ trường thiên hay không?

NMG: Bàn về thể loại văn học thì không bao giờ xong, vì mỗi người quan niệm một khác. Vả lại việc đó đã có các nhà nghiên cứu ở các đại học lo. ở đây, tôi chỉ nói tới kinh nghiệm riêng của mình. Khi viết bộ trường thiên Sông Côn Mùa Lũ, khuôn mẫu tôi nghĩ tới luôn, là bộ Chiến tranh và Hòa bình của Leb Tolstoi. Ðiều đó dễ hiểu, vì tôi cũng muốn tái dựng lại một giai đoạn lịch sử đầy biến động của Việt Nam hồi cuối thế kỷ 18, và biến động là khung cảnh thích hợp nhất để con người tỏ lộ hết tất cả cái tốt cái xấu của mình. Tôi thích quan sát và suy nghĩ về cách ứng xử của con người trong những hoàn cảnh khác nhau, và có hoàn cảnh nào thấy chân tướng con người rõ hơn thời chiến tranh, thời có những cuộc cách mạng. Tôi mường tượng thấy một bộ trường thiên phải là một bức bích họa lớn của một thời đại, do đó phải trải dài trên một không gian và thời gian rộng, bao trùm lên số phận của nhiều người. Sông Côn Mùa Lũ là một thử nghiệm ban đầu của tôi. Qua Mùa Biển Ðộng, quen tay, tôi vẫn giữ lối dàn dựng ấy.

NMT: Mùa Biển Ðộng có bao nhiêu phần trăm hư cấu và bao nhiêu phần trăm sự thực?

NMG: Một trăm phần trăm hư cấu. Trả lời như vậy, sẽ có một số bạn đọc nghĩ tôi muốn tránh những chuyện bắt bẻ phiền phức của độc giả, chất vấn tại sao sự thực thế này mà lại viết thế kia. Sẵn đây tôi xin kể một chuyện bên lề . Tháng Năm 1995 vừa qua, tôi có về Việt Nam thăm mẹ tôi, và có gặp nhà
văn Hoàng Phủ Ngọc Tường ở Sài gòn. Dĩ nhiên là anh Tường đã đọc kỹ Mùa Biển Ðộng, nên sau vài câu xã giao, anh trách: “Cậu viết về anh em khác với nhiều cảm tình mà viết về tôi thì xấu quá. Bất công lắm.” Tôi đáp là tôi có viết rõ trong lời cuối của bộ trường thiên, và đáng lẽ anh là nhà văn anh không nên trách tôi như thế. Chúng tôi không có thì giờ tranh luận nhiều hơn. Khi tôi nói “là nhà văn”, có nghĩa là những người cầm bút sáng tác đều biết rất rõ vai trò của óc tưởng tượng trong sáng tạo, và dù có lấy thực tại làm nguyên mẫu thì tác phẩm văn chương vẫn tạo ra một thực tại hoàn toàn khác.

NMT: Ðã có một số phản ứng không đồng ý về cách anh mô tả người lính Việt Nam Cộng hòa trong truyện. Những phản ứng ấy có ảnh hưởng gì đến cá nhân anh và ngòi bút của anh lúc ấy?

NMG: Có chứ! Bị công kích dữ dội vì xây dựng nhân vật Lãng ở tập 1, tôi hơi ngỡ ngàng, nghĩ chuyện không có gì mà sao ầm ĩ thế! Nhất là trong cái ầm ĩ chung có cả những lời dao to búa lớn của những người chưa từng đọc sách, và cả những người cầm bút đã có chút tiếng tăm như Nguyên Vũ, Duyên Anh. Dạo đó tôi có viết một bài báo trần tình, bảo rằng truyện còn dài, xin chờ tới lúc bộ trường thiên hoàn thành rồi hãy phê phán. Không ai chịu chờ cả. Họ đã khăng khăng như thế thì tôi cũng khăng khăng viết tiếp theo ý mình, nhờ thế có tập 2, tập 3, tập 4, tập 5. Lại thêm nhờ có ầm ĩ mà sách bán chạy. Hoan hô sự ầm ĩ!

NMT: Ở thời điểm bây giờ, 1995, đọc lại Mùa Biển Ðộng, anh thấy tâm tư của anh, cách suy nghĩ của anh hiện nay so với thời gian viết Mùa Biển Ðộng có khác không? Anh có thấy lối suy nghĩ của anh hồi ấy đã đủ chín chưa?

NMG: Có phải ý của anh Trinh muốn nói là hồi viết Mùa Biển Ðộng tôi chưa chín đủ? Không. Cho tới nay, lối nhìn của tôi về lịch sử hiện đại Việt Nam vẫn không thay đổi.

NMT: Viết lại một thời kỳ đầy xáo trộn của lịch sử Việt Nam có những người cùng trang lứa, có chính anh tham dự, anh có tránh được chủ quan và thiên kiến không? Chữ “chín” tôi vừa hỏi có ý như thế.

NMG: Chủ quan không thể tránh được. Từ chủ quan mà có thiên kiến. Mỗi người chỉ có thể cố gắng khách quan được chừng nào hay chừng nấy mà thôi. Tôi nghĩ chủ quan và khách quan như tử số và mẫu số của một phân số văn chương. Từ xúc động chủ quan trước một hoàn cảnh, nhà văn viết nên tác phẩm. Không có xúc động, không có những thôi thúc nội tâm hoàn toàn riêng tư, người viết không bao giờ viết. Nhưng nếu những điều nhà văn viết ra chỉ là những ghi nhận chủ quan trong một hoàn cảnh hạn hẹp, thì văn chương chỉ có khả năng làm xúc động những người cùng cảnh ngộ mà thôi. Qua khỏi hoàn cảnh riêng biệt đó, tác phẩm trở nên lỗi thời nhanh chóng. Muốn tồn tại lâu dài, văn chương đòi hỏi phải có những mẫu số chung để vượt qua cái riêng tư, cái nhất thời, vượt qua biên giới của chủng tộc, quốc gia. Mẫu số chung ấy, người ta thường gọi là “tính người”, ở đâu cũng có, thời nào cũng vậy. Cho nên mặc dù chính trị là chất kích thích mạnh mẽ, nhưng những nhà văn chỉ chú tâm đến đề tài chính trị thường mau bị thời gian đào thải hơn những nhà văn chú tâm đến nhân sinh nói chung. Cùng là tác phẩm của Nhất Linh, Bướm Trắng sống lâu hơn Ðoạn Tuyệt. Nhiều thế hệ bạn đọc Việt Nam quên bẵng một điều hiển nhiên, là Vương Thúy Kiều không phải là đồng bào của mình.

NMT:Viết Mùa Biển Ðộng, anh có tự xác nhận chỗ đứng của mình ở bên này hay bên kia lằn ranh nào đó hay không? Hay anh chỉ muốn mô tả những người Việt Nam trong một thời kỳ đặc biệt của lịch sử?

NMG: Do chủ đề, dĩ nhiên tôi viết từ cái nhìn của một người Miền Nam, viết về thân phận của những người Miền Nam trong giai đoạn từ 1963 đến 1981. Bạn đọc Miền Nam dễ thông cảm với tôi hơn những bạn đọc Miền Bắc. Tôi thường tò mò muốn biết những bạn đọc Miền Bắc nghĩ gì sau khi đọc Mùa Biển Ðộng. Một vài ý kiến của độc giả Miền Bắc khiến tôi vui mừng. Họ bảo tôi đã cố gắng công bằng, và nhìn những người bên kia lằn ranh như những con người, không phải là một ý niệm, một con số, hay một tấm bia oanh kích tự do.

NMT: Hình như trong Mùa Biển Ðộng nhân vật nào lưu manh thì thường có số phận tốt hơn những người thật thà lương thiện?

NMG: Thế à! Tôi chưa nhận ra điều đó. Truyện của tôi ít có những tên lưu manh đúng nghĩa, chỉ có những tay cơ hội. Mà những tay cơ hội thì, như anh thấy, thời nào lúc nào cũng thành công trên đời. Riêng những người thật thà lương thiện thì thường thua thiệt trong thời loạn. Thời gian của Mùa Biển Ðộng là thời loạn.

NMT: Sông Côn Mùa Lũ cũng là bộ trường thiên đồ sộ của anh. Anh viết bộ này hồi còn ở trong nước, như anh cho biết từ đầu. Xin anh cho biết nhiều chi tiết hơn về chuyện này.

NMG: Xin đọc cho anh nghe trang ba trong tập bản thảo Sông Côn Mùa Lũ, ghi “Những dấu mốc” thực hiện tác phẩm này. Gần Tết 1978: Quán cà phê Duy Tân, với Nguyễn Thành Hải: Chiều đẹp. Ðêm xuống dần. Ánh đèn thủy ngân rọi lên màn sương lãng đãng dưới hai hàng cây cao đường Phan Ðình Phùng. Trong một lúc cao hứng, hứa với Hải sẽ viết một cuốn tiểu thuyết thật dài về tâm trạng trí thức thời loạn. Chọn thời Tây sơn của các nho sĩ thời xưa.

24-5.1978: Bắt đầu viết chương 1 của bản phác thảo.
1-9-1980: Viết xong chương cuối của Phần 6.
1-3-1981: Viết xong chương cuối Phần Kết từ.
6-8-1981: Sửa lại cấu trúc và xem lại sử liệu.

Như vậy có thể nói tôi hoàn tất bộ trường thiên này trong vòng bốn năm.

NMT: Chắc anh phải ngồi viết ròng rã hằng ngày?

NMG: Không đâu! Như tôi có viết trong trang “ghi ơn” nhà tôi ở cuối bộ truyện, đó là thời kỳ đen tối nhất gian nan nhất của đời tôi: bốn năm, hai năm lang thang thất nghiệp, hai năm làm công trong tổ hợp mì sợi Dân Sinh dưới Phú Lâm, hai lần ở tù. Nhưng quyết tâm viết bộ truyện này của tôi rất cao, tôi coi đó như một món nợ phải trả cho quê hương Bình Ðịnh của tôi. Thời khoá biểu hàng ngày của thời đó như sau: sáng 6 giờ dậy đạp xe xuống Phú Lâm làm mì sợi, làm việc từ 8 đến 12 giờ trưa. Trong hai giờ nghỉ trưa: nấu cơm, ăn cơm và viết. Làm việc trở lại từ 2 đến 6 giờ chiều. Trên đường về lại Thị Nghè, chở mì đi bán hoặc giao cho người đặt mua. ăn cơm chiều. Mua một tách cà phê dỏm đầu ngõ. Viết từ 9 giờ tối đến 12 giờ khuya.

NMT: Anh có sử dụng những pho chính sử hoặc dã sử để làm tài liệu?

NMG: Có chứ. Tôi có ghi hết trong phần Thư mục ở cuối bộ truyện. Tuy nhiên, những tài liệu giúp cho tôi nhiều nhất là cuốn Hoàng Lê Nhất Thống Chí của Ngô gia văn phái, Lịch sử Nội chiến của Tạ Chí Ðại Trường, Phủ biên Tạp lục của Lê Quí Ðôn và các bài viết của các giáo sĩ Thiên chúa đăng trong BEFEO. Về dã sử, tôi thu thập những truyền thuyết tại địa phương Tây Sơn, Bình Ðịnh.

NMT: Trong SCML, ngoài một số nhân vật lịch sử còn có những nhân vật vô danh của đời thường do anh tạo ra. Anh muốn xây dựng những biểu tượng nào qua những nhân vật tầm thường ấy?

NMG: Những nhân vật vô danh (theo nghĩa không phải là những nhân vật lịch sử) trong SCML là những nhân vật chính. Họ là những đứa con trong gia đình ông giáo Hiến, thầy của Nguyễn Huệ và Nguyễn Lữ. Qua những nhân vật này, tôi muốn trình bày lịch sử đã ảnh hưởng thế nào đối với đám quần chúng thấp cổ bé miệng thời Tây Sơn. Mỗi người con của ông giáo có một cách tham dự lịch sử khác nhau: Kiên như một người thụ động nhẫn nại chịu đựng lịch sử, cuối đời tìm được lối thoát bằng tôn giáo; Chinh tham dự như một người say mê bạo lực và chết vì bạo lực; Lãng tham dự như một trí thức nghệ sĩ cố sống trung thực và bị đào thải vì long trung thực; An là tổng hợp kỳ diệu của tất cả mọi thái độ, đại biểu cho vai trò người phụ nữ trong thời loạn: lãng mạn mà thực tiễn, sức chịu đựng bền bĩ, tháo vát sáng suốt trước hoạn nạn.

NMT: SCML bắt đầu bằng một cuộc chạy trốn và kết thúc bằng dấu hiệu trưởng thành của đứa cháu ngoại. Những người trong gia đình ông giáo cùng chịu những thăng trầm của lịch sử, , và đều có những kết cục không may. Có phải đó là dụng ý của anh không?

NMG: Tôi cứ viết tự nhiên như thế chứ không có dụng ý nào cả. Có người cho tôi bi quan với cuộc đời. Có thể lắm. Tôi dễ xúc động trước những số phận không may hơn là những thành công vinh quang. Cũng phải thôi! Những kẻ thành công đã có cả một guồng máy quyền lực khổng lồ suy tôn họ, văn
chương có nhảy vào tuyên dương cũng bằng thừa.

NMT: Anh cũng có tuyên dương ba anh em nhà Tây Sơn đấy chứ! Nguyễn Huệ trong SCML, theo tôi nghĩ, lãng mạn và trí tuệ hơn Nguyễn Huệ có thật ngoài đời.

NMG: Tôi không đồng ý với anh. Nguyễn Huệ sinh trưởng ở nơi xó núi, nhưng ông là một người thông tuệ khác thường. Chẳng những ông theo kịp lịch sử, ông còn biết vượt lên trên để tạo ra lịch sử. Những người như vậy hiếm có trong lịch sử Việt Nam. Trí thức lớn của Bắc hà cỡ như Ngô Thì Nhậm, Nguyễn Hữu Chỉnh, Phan Huy ích… mà phải khuất phục trước Nguyễn Huệ, không phải chỉ do sức mạnh quyền lực đâu. Vì thế, để giải thích do đâu Nguyễn Huệ có tầm trí tuệ cao như thế, tôi đã nghĩ ra những bài giảng của ông giáo Hiến trong tập 1. Chính ông giáo Hiến đã truyền cho người học trò thông minh khả năng nghi ngờ những trật tự có sẵn (như bài giảng về Bài Tựa Truyện Du hiệp trong sách Sử Ký của Tư Mã Thiên) và tham vọng quyền lực. Một người đồng thời như Nguyễn Du mà cũng lặng lẽ chiêm ngưỡng Nguyễn Huệ dù cuộc đời khốn đốn hoạn nạn vì Tây sơn. Bằng chứng đâu? Cách Nguyễn Du tả Từ Hải đó.

NMT: Sẵn tiện xin hỏi anh: Nguyễn Huy Thiệp, Trần Vũ tả Nguyễn Huệ một cách hoàn toàn khác anh: dâm dật, tàn nhẫn, độc ác… Anh nghĩ thế nào?

NMG: Mỗi người có quyền nhìn nhân vật của mình theo cách mình cho là đúng. Nguyễn Huệ trong truyện Nguyễn Huy Thiệp, Trần Vũ là nhân vật tiểu thuyết, không phải là nhân vật lịch sử. Dĩ nhiên tôi không thích cách nhìn đó.

NMT: Như anh nói, quê hương anh và quê hương ba anh em Tây Sơn chỉ cách nhau một con sông: sông Côn. Anh cũng vừa nói là viết SCML, anh muốn trả nợ quê hương. Tinh thần địa phương có làm cho anh thiếu khách quan khi viết về các nhân vật lịch sử hay không? Chẳng hạn mọi người đều cho Nguyễn Nhạc là một tay gian hùng. Anh viết khác.

NMG: Gian hùng, anh nói quá lời. Mà lịch sử cũng bất công với Nguyễn Nhạc. Anh nghĩ xem, một ông tướng vô danh nào đó của Gia Long cũng có tên đường. Nhà tôi ở Thị Nghè nằm trên con đường trước đây mang tên Dương Công Trừng, tên một tướng của vua Gia long. Công trạng của ông là gì, không ai biết. Tôi cũng không biết. Nguyễn Nhạc thì ai cũng biết. Không có con đường nào, dù hẻo lánh lầy lội nhất đi nữa, được mang tên Nguyễn Nhạc. Ông có tội gì với dân tộc? Không có Nguyễn Nhạc, thì không có phong trào Tây Sơn. Ông hoàn tất xuất sắc vai trò người lãnh đạo một cuộc khởi loạn: ông dùng bọn trộm cướp vô lại mà không để cho chúng cuốn theo để thành một tên cướp lớn, ông dùng những trí thức nho sĩ nặng óc sách vở mà không bị họ loè bằng chữ nghĩa, ông đi dây tài tình giữa các thế lực để giữ quyền bính, Trịnh phía Bắc, Nguyễn phía Nam. Ông chỉ có một cái tội: là có một người em quá xuất sắc.

NMT: Nhưng anh cũng tô điểm cho Nguyễn Lữ quá nhiều. Theo lịch sử, Nguyễn Lữ chỉ là một người bất tài, giao việc nào cũng hỏng. Trong SCML, anh biến Nguyễn Lữ thành một người thâm trầm, ưa suy tư về những chuyện lớn lao, siêu hình.

NMG: Ðó là Nguyễn Lữ trong trí tưởng tượng của tôi. Và sở dĩ tôi tưởng tượng như thế, là vì ở quê tôi, người ta cứ gọi ông là “Thầy Tư Lữ”. Sao người quê tôi gọi Nguyễn Lữ là “thầy”? Từ thắc mắc đó, tôi xây dựng nhân vật này như một người có khuynh hướng thần bí. Ðiều đó giúp tôi giải thích sự vụng về của Nguyễn Lữ trong hành động thực tế.

NMT: Cả hai bộ trường thiên tiểu thuyết anh viết đều lấy chiến tranh làm khung cảnh. Anh thích viết về chiến tranh?

NMG: Tôi sinh ra và lớn lên trong chiến tranh, thích hay không thích, tôi khó lòng thoát khỏi nó. Anh thấy đấy, trên giấy tờ chiến tranh Việt Nam đã chấm dứt từ hai mươi năm nay. Nhưng trong từng người chúng ta, chiến tranh chưa hề chấm dứt. Chúng ta vẫn viết về chiến tranh, vẫn suy nghĩ như một người sống trong thời chiến. Vết hằn của chiến tranh ăn sâu vào tâm hồn chúng ta, không cách nào gột rửa, tẩy xóa được. Chúng ta đã đánh mất cái hồn nhiên của người sống trong thời bình. Hai bộ trường thiên của tôi là hai cuộc chiến tranh lớn cách nhau hai thế kỷ, nhưng cùng một xuất xứ. Ðó là những xúc động, suy nghĩ của tôi về thân phận con người trong chiến tranh, nhất là những người trí thức, nghệ sĩ. Ngoài ra còn có một lý do khác thuộc vấn đề kỹ thuật viết truyện. Trường thiên tiểu thuyết là một bức tranh toàn cảnh về một xã hội trong một thời gian dài, do đó đòi hỏi nhiều tuyến nhân vật và mỗi nhân vật phải có một nét đặc thù. Trách nhiệm mô tả, xếp đặt nhiều nhân vật trong nhiều hoàn cảnh khác nhau bắt buộc tác giả phải chọn một bối cảnh thích hợp cho thể loại trường thiên. Theo tôi, bối cảnh thích hợp nhất là chiến tranh, thời loạn, vì trong bối cảnh đó, con người mới bộc lộ tất cả khả năng và chân tướng của mình. Ði tìm thời gian đã mất của Marcel Proust là một bộ tiểu thuyết đồ sộ đi sâu vào những ngóc ngách chi li của nội tâm con người, nhưng không phải là trường thiên tiểu thuyết. Nên chọn một từ khác thích hợp hơn: trường giang tiểu thuyết chăng? Nhưng thôi, việc đó để cho các nhà nghiên cứu văn học bàn luận.

NMT: Bây giờ xin chuyển qua thể loại khác: truyện ngắn. Cho đến nay, anh đã cho xuất bản được ba tập truyện ngắn: Bão Rớt, Ngựa Nản Chân Bon và Xuôi dòng. Trong ba tập truyện đó, anh thích tập nào nhất?

NMG: Nếu trả lời theo lối các nhà ngoại giao, tôi sẽ bảo tập nào tôi cũng thích, hoặc không thích tập nào cả. Thành thực mà nói, tôi thích tập Ngựa Nản Chân Bon nhất. Những truyện ngắn trong tập này tôi đều viết ở đảo tị nạn Kuku Nam Dương, trong vòng một tháng, đầu năm 1982. Trong đời viết văn của tôi, chưa có thời kỳ nào tôi viết hăng như thời ấy. Sống ở một hòn đảo nhỏ giữa biển xanh, hoàn toàn cách ly với thế giới bên ngoài, tôi say sưa viết truyện. Mỗi ngày một truyện ngắn. Loại dài như truyện Ngựa Nản Chân Bon, viết chỉ hai ngày là xong. Viết như một thôi thúc giải tỏa những u uất chất chứa lâu ngày, chứ lúc đó còn mù tịt về tình hình xuất bản ở hải ngoại, không hề hy vọng viết để in ra sách. Nhờ thế cả tập truyện nói được trung thực cái “tôi” của tôi lúc ấy. Không bao giờ tôi có được một bối cảnh toàn hảo như vậy để viết truyện, không bao giờ!

NMT: Có phải những truyện ngắn trong Ngựa Nản Chân Bon mang nhiều thông điệp đặc biệt của làn sóng thuyền nhân tị nạn cộng sản thời đó, những thông điệp khác hẳn lớp di tản trước đó và lớp di dân sau đó?

NMG: Thú thật với anh tôi rất sợ hai chữ “thông điệp”. Thôi thì cứ tạm hiểu như “những điều gửi gắm” đi. Vâng, tôi muốn ghi lại, muốn gửi gắm những xúc động nóng hổi, những tâm sự không thể nói ra lời của thời kỳ bảy năm sống dưới chế độ cộng sản. Như lời nhắn của người đã ra đi gửi cho những người ở lại. Tôi không viết cho những người tôi sắp gặp ở hải ngoại, vì như tôi đã nói, ở đảo tôi không biết tí gì về sinh hoạt chữ nghĩa báo chí của đồng bào bên Mỹ, bên Pháp, bên Canada, bên Úc. Tôi không hề nghĩ về họ khi viết các truyện ngắn bên đảo.

NMT: Anh muốn nhắn gì cho những người ở lại?

NMG: Những lời chia tay đứt ruột, cho mẹ tôi, cho vợ con tôi, cho anh em bạn bè tôi. Tương lai trước mặt còn rất mù mờ, nỗi mong hằng ngày của trên một trăm người trên đảo là mong con tàu Seasweep hiện ra ở chân trời để chở chúng tôi qua trung tâm tị nạn Galang, ở đó người ta mới lập hồ sơ, phỏng vấn, và làm thủ tục cho đi định cư ở một nước thứ ba nào đó. Vì mù mờ nên chúng tôi chưa biết lo, chưa biết sợ tương lai. Quê hương, quá khứ thì gần gũi, có cảm tưởng như mới hôm qua. Những khổ nhục, thương đau hãy còn tươi roi rói. Lòng thương yêu, trong xa cách (nhất là thời đó chúng tôi vẫn nghĩ cuộc chia ly này là vĩnh viễn, xa cách này ngàn trùng), càng đậm đà hơn. Tôi viết những truyện ngắn ấy trong một nỗi nhớ thương ngút ngàn.

NMT: Tôi thấy các mẫu nhân vật trong tập truyện ấy có rất nhiều chất người. Cái chất người ấy ở đâu cũng thế hay thay đổi theo hoàn cảnh, môi trường?

NMG: Có thay đổi theo hoàn cảnh. Anh Trinh cũng là thuyền nhân, chắc anh đã thấy cách ứng xử ăn nói của người ta thay đổi theo môi trường sống như thế nào. Lạ lắm. Cũng con người ấy, khi chưa lên thuyền vượt biển, họ cư xử nói năng như một công dân gương mẫu của chế độ mới. Trong cơn nguy hiểm trước sóng to gió lớn, họ để lộ những tư cách hèn yếu bất ngờ. Rồi cũng con người ấy khi lên bờ lại trở thành một người hoàn toàn khác, khác từ cách đi đứng cho tới những lời phát biểu rực lửa trước micro. Bi quan thì cho đó là bản chất tráo trở của con người. Tôi lạc quan hơn, cho rằng con người, nói chung, nếu không đáng yêu, thì cũng đáng thương.

NMT: Có người nói tình yêu trong các truyện ngắn của anh có nhiều tính ước lệ, hơi khô khan và đứng đắn quá. Anh nghĩ gì về nhận xét trên?

NMG: Tôi cam đoan với anh là không có tình yêu nào khô khan đứng đắn cả. Nếu có, chỉ do lỗi của người viết về tình yêu. Từ bản tính, tôi đã vụng về trong cách trang trải tấm lòng của mình cho người khác thấy. Tôi làm quen rất dở, và thường không tạo được cảm tình đối với người khác ngay buổi sơ giao. Có thể bản tính ấy ảnh hưởng đến cách viết truyện của tôi.

NMT: Có thể vì anh ít đề cập đến tình dục trong các truyện ngắn. Có phải anh né tránh vấn đề ấy vì cho đó là điều cấm kỵ?

NMG: Tôi không cho tình dục là điều cấm kỵ trong văn chương. Nhiều lúc tình dục là cao điểm của tình yêu, là bằng chứng của một lòng tin cậy trọn vẹn, một sự hiến dâng trọn vẹn. Khi Nguyễn Du viết:

Tiếc thay một đóa trà mi
Con ong đã tỏ đường đi lối về

rồi chính nhà thơ lại cho Thúy Kiều hối hận trước đây đã không trao than cho Kim Trọng:

Biết thân đến bước lạc loài
Nhị đào thà bẻ cho người tình chung

ông đã phân biệt rất rõ một vụ hiếp dâm và tình-yêu-dục-tính. Viết về tình dục rất khó, viết giỏi thì thành văn chương erotic, viết vụng một chút lại thành porno. Tôi rất phục những nhà văn viết về tình dục rất văn chương như D.H. Lawrence, Alberto Moravia, Lê Xuyên, Kiệt Tấn. Họ vinh danh tình dục. Tôi tự biết không có tài trên phương diện này, nên khôn ngoan tránh đi đấy thôi.

NMT: Khi viết tiểu thuyết, anh hay dùng ngôi thứ nhất hay ngôi thứ ba? Và anh thích ở vị trí nào nhất?

NMG: Ngôi thứ ba. Tôi thích viết ở ngôi thứ nhất hơn, vì tiện hơn. Ðã xưng tôi rồi, thì khỏi phải phân thân lung tung, khi phải giả làm em bé thơ ngây, khi phải đóng bộ ông già sắp xuống lỗ. Nhưng ngôi thứ nhất có những cái ràng buộc, không thích hợp với truyện dài, càng không thể thích hợp với trường thiên tiểu thuyết.

NMT: Khi viết truyện, anh có cảm giác mình là Thượng đế có quyền xếp đặt số phận nhân vật của mình không? Và anh muốn loại nhân vật nào phải khổ sở bất hạnh?

NMG: Tôi đã nói tôi là người thích ứng vụng về với thực tế nên tạo ra một thế giới tưởng tượng để sống thoải mái trong đó, nếu anh muốn bảo sự sang tạo ấy là công việc của Thượng đế, thì vâng, tôi thích làm một chú Thượng đế nhỏ. Nhưng thích là một chuyện, còn làm được không lại là chuyện khác. Theo kinh nghiệm, tác giả chỉ làm Thượng đế được trong giai đoạn đầu, tức là giai đoạn ông ta mon men tìm cách nặn ra nhân vật. Ðến khi nhân vật có một vóc dáng, một nhân cách định hình rồi, thì nhân vật liền “giành quyền tự quyết”. Có những lúc nhân vật lôi tác giả đi. Tác giả cho nhân vật A gặp nhân vật B và chưa nghĩ họ nên nói với nhau những gì. Hai nhân vật gặp nhau trên bản thảo, và họ ăn nói huyên thiên vượt ngoài dự định của tác giả. Cho nên bảo tác giả là bà mẹ của nhân vật thì đúng, còn bảo là Thượng đế, chắc sai rồi.

Tôi không muốn cho ai khổ sở bất hạnh hết, mặc dù hầu hết nhân vật tiểu thuyết của tôi đều khổ sở bất hạnh. Tôi có bi quan lắm không?

NMT: Có phải anh bi quan vì không tìm thấy hạnh phúc trong đời riêng, hay gặp toàn những rủi ro trên đời?

NMG: Không phải thế. Tôi gặp rất nhiều may mắn trên đời, đôi lúc gặp hoạn nạn thì như các cụ ngày xưa thường nói “cùng tắc biến, biến tắc thông”. Nhưng tôi dễ xúc động trước những chuyện bất hạnh, nhất là cái bất hạnh đớn đau của phụ nữ và trẻ em. Văn chương bắt nguồn từ những xúc động riêng tư của người viết, và mỗi người có một điểm nhạy cảm khác nhau.

NMT: Anh là người chủ trương tạp chí Văn Học…

NMG: Xin phép cắt lời anh! Tôi không phải là người duy nhất chủ trương tạp chí Văn Học. Như anh biết, Ban chủ biên Văn Học thay đổi theo nhiều giai đoạn, lý do chính là gánh nặng quản lý và tài chánh của tờ báo, không ai kham nổi một thời gian dài cũng như không ai muốn nó chết, nên người này nản thì có người khác nhảy vào thay thế.

Giai đoạn đầu, từ tháng 5 năm 1985 đến tháng 1 năm 1986 lúc tờ báo có tên là “Văn Học Nghệ Thuật”, ban chủ biên có Võ Phiến, Lê Tất Ðiều, và tôi.

Giai đoạn hai từ tháng 2 năm 1986 đến tháng 11 năm 1989, tôi đứng mũi chịu sào nhưng có nhiều bạn văn tận tình hỗ trợ như Hoàng Khởi Phong, Cao Xuân Huy, Nhật Tiến, Phạm Quốc Bảo, Bùi Vĩnh Phúc, Võ Ðình, Ðịnh Nguyên, Vũ Huy Quang, Nguyễn Bá Trạc…

Giai đoạn ba từ tháng 11 năm 1989 đến tháng 6 năm 1992, do hoàn cảnh gia đình tôi tạm nghỉ, ban chủ biên gồm các anh Hoàng Khởi Phong, Trịnh Y Thư, Cao Xuân Huy, Nguyễn Ðức Lập, Khánh Trường. Thời gian này trùng hợp với nhiều biến chuyển chính trị trên thế giới, và đời sống riêng của các anh trong Ban biên tập Văn Học cũng có nhiều xáo trộn. Khánh Trường không đồng quan điểm với Cao Xuân Huy và Nguyễn Ðức Lập, tách riêng làm tờ “Hợp Lưu”. Một thời kỳ Hoàng Khởi Phong đi tìm việc và sinh sống ở San Jose, Houston… công việc thật sự của tờ báo dồn cả vào hai anh Trịnh Y Thư và Cao Xuân Huy.

Giai đoạn bốn từ tháng 7 năm 1992 đến tháng 10 năm 1994, tôi trở lại với Văn Học, phụ anh Trịnh Y Thư và Cao Xuân Huy lo việc bài vở. Phải nhận là trong hơn hai năm gian nan này, Trịnh Y Thư là kẻ đứng mũi chịu sào lèo lái Văn Học như tôi trong thời kỳ thứ nhì.

Giai đoạn năm
từ tháng 11 năm 1994 đến nay thì Ban chủ biên gồm các anh Châu văn Thọ giám đốc nhà xuất bản Thanh Văn, anh Nguyễn Xuân Hoàng, anh Mai Kim Ngọc, anh Thạch Hãn và tôi. Như anh thấy đấy, so với những tạp chí văn chương khác như Văn, Làng Văn… trước sau ban chủ biên không thay đổi, Văn Học long đong hơn nhiều .

NMT: Có người cho rằng những tạp chí văn học là bề mặt và cái nôi của văn chương. Theo anh, điều ấy đúng không?

NMG: Sự thực là thế tuy mới nghe có vẻ như người trong làng tự vẽ mặt vẽ mày cho nhau. Phương tiện truyền thông ngày nay tiến bộ khủng khiếp, nên như anh thấy, ai cũng có thể ra báo được cả. Gõ vào keyboard một chặp, một bài viết thành hình. Ðưa cho nhà in một đêm, hôm sau bài viết đã được phổ biến. Nếu là một bài viết nổ, ngay lập tức bài đó được gửi fax đi khắp nơi. Ðã qua rồi, cái thời do in ấn khó khăn mà chữ viết là ưu quyền của một số người.

So với sức phổ biến và ảnh hưởng tức thời đến người đọc, các tạp chí văn chương yếu thế thấy rõ. Một bài thơ, một truyện ngắn đăng trên các báo biếu hoặc báo phổ thông ăn khách thường có tầm phổ biến rộng hơn đăng trên một tạp chí văn chương.

Nhưng cũng có một sự thực khác, là một truyện ngắn xuất hiện trên tạp chí văn chương được người đọc thưởng thức một cách “văn chương” hơn, nghĩa là đòi hỏi tác giả nhiều hơn. Tôi có một kinh nghiệm về chuyện này: Những truyện ngắn độc đáo của Thế Giang xuất hiện lần đầu trên tờ Diễn đàn ở Paris, sau đó tờ Người Việt ở California đăng lại. Ðọc truyện Thế Giang trên Người Việt, tôi thích quá, xin đăng lại trên Văn Học cho văn giới biết. Quả nhiên sau đó, người trong giới cầm bút xôn xao hỏi nhau Thế Giang là ai, và năm sau anh qua California chơi, Thế Giang được bạn văn đón tiếp nồng hậu dù chưa hề gặp nhau.

Trên báo loại phổ thông, văn chương chỉ là đồ nguội dự trử, có cũng được mà nếu cần cắt đi để đăng tin nóng và quảng cáo cũng không sao. Trên tạp chí văn chương, nó là đồ nóng. Cả người viết lẫn người đọc cùng trân trọng những sáng tác trên tạp chí văn chương, nên sự đánh giá chính xác hơn. Trên các tờ báo phổ thông phổ biến rộng rãi như Văn Nghệ Tiền Phong, Phụ Nữ Diễn Ðàn cũng có những truyện ngắn , bài thơ giá trị. Nhưng nếu cần tìm hiểu văn chương hải ngoại, chắc ít ai bỏ công đọc hết những sáng tác trên các báo ấy. Trước 1975, văn học Miền Nam phản ảnh trên những diễn đàn như Sáng Tạo, Văn, Bách Khoa, Thời Tập… chứ không phản ảnh trên Sài gòn Mới, Chính Luận… Các nhà phê bình vẫn hay chia nhóm giới cầm bút bằng cách căn cứ vào những diễn đàn họ thường cộng tác. Nhóm Sáng Tạo, Nhóm Văn, Nhóm Bách Khoa. Vâng, tạp chí Văn Học trong hơn mười năm qua tự nhiên cũng tạo ra một nhóm, một cái nôi thân ái chung.

NMT: Anh làm việc như thế nào khi chủ trương tạp chí Văn Học? Có cố gắng nào về tài chánh, về thì giờ điều hành cũng như về bài vở in ấn?

NMG: Anh “xâm phạm” vào bí mật nghề nghiệp của tôi rồi đấy! Ðáng lý tôi phải trả lời ỡm ờ để lấy oai, nhưng như thế thì không song phẳng. Chưa có thời kỳ nào trong lịch sử báo chí VIệt Nam mà cách làm báo văn chương ở đây “thủ công nghiệp” đến như thế! Một lần có độc giả ở xa về Little Sài gòn chơi, điện thoại tới ngỏ ý muốn thăm “tòa soạn” và “các anh chị em trong ban biên tập”. Tôi xin lỗi là “tòa soạn” chật hẹp quá, sợ tiếp khách không được. Vì chỉ là cái hộp thư bưu điện. Còn anh chị em trong ban biên tập thì ai nấy chạy lo kiếm sống hết cả, lâu lâu họ tạt tới chỗ ở của người lo bài vở, nói chuyện đôi ba câu, rồi đi. Từ ngày có computer và Internet, các tác giả không cần ghé “toà soạn” nữa, chỉ nằm nhà gửi bài qua đường dây điện thoại. Một độc giả khác nghe giọng nữ của nhà tôi trên số điện thoại Văn Học, hỏi có phải là nữ thư ký của “tòa soạn” hay không.

Một bạn văn từ Việt Nam qua, sau khi đọc những bài báo động về “diễn tiến hòa bình thâm độc của bọn phản động qua đường lối văn chương”, đến thăm tận “hang ổ” của các “toà soạn” Văn, Văn Học, Hợp Lưu liền bật cười lắc đầu, hỏi tiền CIA cấp cho các ông đâu mà các ông để “tòa soạn” thế này. Các tòa soạn ở Việt Nam đâu có thế! Tôi còn nhớ sau 1975 tòa soạn tuần báo “Văn Nghệ Giải Phóng” đặt tại một tòa biệt thự, nhân viên gần 70 người. 70 người với phương tiện của “nhân dân” ra một tờ báo 16 trang hằng tuần. Một hai người của tạp chí văn chương hải ngoại ra một nguyệt san, không tốn của “nhân dân” một xu, chỉ tốn tiền nhà. Làm bảng đối chiếu, chúng ta đóng góp cho tài sản văn chương dân tộc với một chi phí thấp. Ðáng hãnh diện phải không anh?

Làm báo Văn Học những người tham gia chỉ tốn tiền chứ không hưởng được gì cả về tài chánh. Tôi không biết rõ các tạp chí khác ra sao, riêng Văn Học thì suốt mười năm nay, chỉ có lỗ và huề vốn. Chi phí hằng tháng chỉ gồm tiền đánh máy, tiền in, và bưu phí. Không có lương và nhuận bút cho ai cả. Có hồi chúng tôi nghĩ phải xin quảng cáo để bù bớt tiền in, nhưng gặp nhiều trường hợp đau lòng tủi nhục, chúng tôi quyết định không thèm xin nữa. Cũng có người đề nghị “phổ thông hóa” tờ báo cho dễ có độc giả. Ðề nghị ấy bị bác bỏ. Văn Học cứ nhất định là Văn Học, lúc nào rán được thì cứ rán.

Bài vở thì thịnh suy theo từng thời kỳ, theo thịnh suy chung của văn học hải ngoại. Có thời kỳ như từ 1985 đến 1989 anh chị em khắp nơi gửi bài vở ào ào, bài nào cũng hay. Có thời “văn bài như lá mùa thu”.

NMT: Nếu cần nói ngay một vài điều ngắn gọn về tạp chí Văn Học, anh sẽ nói gì?

NMG: Một diễn đàn văn chương mở rộng, trung dung, ai tới cũng được miễn là có đam mê văn chương và không quá khích (dù với bất cứ lý do gì).

NMT: Hình như anh nói cho anh chứ không cho Văn Học.

NMG: Có lẽ thế. Tôi xin thêm: Văn Học hãnh diện được làm nơi khởi nghiệp của đa số các nhà văn nhà thơ hải ngoại, mặc dù họ khác nhau rất xa. Văn Học không trung dung, mở rộng, thì làm sao những cá tính khác nhau ấy cùng gặp nhau trên Văn Học.

NMT: Anh có dự định văn chương nào trong thời gian sắp tới?

NMG: Tôi chỉ viết truyện khi có một thôi thúc mãnh liệt nào đó, dù viết khá dễ dàng và làm việc rất kỷ luật. Có thời gian tôi viết rất đều như từ 1971 đến 1974, từ 1977 đến 1981 (Sông Côn Mùa Lũ), từ 1982 đến 1989 (Mùa Biển Ðộng). Cũng có thời gian tôi không viết gì cả như hiện nay và từ 1975 đến 1977. Tôi không thể giải thích được vì sao có những giai đoạn “đình công” như thế! Dự định văn chương những ngày sắp tới tùy thuộc vào sức thôi thúc nội tâm của tôi mạnh hay yếu. Mơ ước của tôi là có cảm hứng và điều kiện viết được một bộ trường thiên thứ ba về đời sống lưu vong, và một bộ văn học sử về văn học hải ngoại. Xin nói thêm là mơ ước to tát quá, chắc “mộng không thành”!

NMT: Một ngày của nhà văn Nguyễn Mộng Giác?

NMG: Anh hỏi khó làm chi! Có những ngày nhạt nhẽo vô tích sự và có những ngày đầy ắp ý nghĩa. “Một ngày như mọi ngày” hiện nay chia làm hai phần: buổi sáng dành cho văn chương như lo cho tờ Văn Học, viết lách lăng quăng, đàn đúm với bạn bè, làm “thợ vịn” trong việc nội trợ gia đình; buổi chiều và tối đi làm sở Mỹ kiếm sống.

NMT: Anh có điều gì cần nói thêm với độc giả?

NMG: Tôi bắt bạn đọc nghe tôi quá nhiều rồi. Thêm nữa chỉ sợ họ chán. Xin chấm dứt ở đây vậy.

   Số lần đọc: 9397

Ðầu năm viếng chủ báo: Nguyễn Mộng Giác và báo Văn Học

0

Trần Long Hồ phỏng vấn nhà văn Nguyễn Mộng Giác, chủ biên báo Văn Học.

1. Có lẽ Văn Học là một tờ báo văn chương kỳ cựu nhất và cũng là tờ có giá trị nhất trong sinh hoạt văn học hải ngoại. Từ khi tờ tiền thân của Văn Học là Văn Học Nghệ Thuật xuất hiện vào tháng 04-1978, đến nay đã hơn 22 năm. Lúc đó tờ Văn Học Nghệ Thuật do nhà văn Võ Phiến làm chủ nhiệm và nhà văn Lê Tất Ðiều làm chủ bút, còn giám đốc trị sự và mỹ thuật là họa sĩ Lâm Triết, và ông Trần Ðình Long làm giám đốc kỹ thuật. Trong thời gian lâu dài như vậy, chắc hẳn tờ Văn Học đã trải qua nhiều chặng đường chông gai và gặp lắm trở ngại. Ðến nay, tờ Văn Học vẫn tồn tại và đứng vững, chứng tỏ những người chủ trương đã bỏ nhiều công sức và khổ nhọc để duy trì tờ báo. Như vậy, lịch sử sống còn của tờ Văn Học mang nhiều yếu tính lịch sử sinh hoạt văn học hải ngoại. Là người chủ biên hiện tại và lâu dài của tờ Văn Học, xin ông cho độc giả biết qua về tiến trình thành lập và phát triển của tờ Văn Học từ lúc tiền thân của nó là tờ Văn Học Nghệ Thuật?

NMG: Vâng. Văn Học Nghệ Thuật là “tạp chí văn nghệ đầu tiên của người Việt hải ngoại”, như Ban Chủ biên tạp chí đã hãnh diện cho in trên bìa báo, thời nhà văn Võ Phiến làm chủ nhiệm, nhà văn Lê Tất Ðiều làm chủ bút, Ông Trần Ðình Long làm Giám đốc kỹ thuật (phụ trách in ấn và quản trị). Số đầu của Văn Học Nghệ Thuật ra vào tháng Tư 1978, và chỉ xuất bản được 11 số rồi đình bản.

Tháng 11 năm 1982 tôi từ trại tị nạn Galang Nam Dương đến định cư tại Hoa Kỳ, đầu tiên tạm cư ở Houston, tháng Ba năm sau sang California và định cư vĩnh viễn tại đây. Giao tình cũ của tôi với các nhà văn Võ Phiến và Lê Tất Ðiều, do cùng cộng tác chặt chẽ với tạp chí Bách Khoa ở Sài Gòn trước 1975, được dịp nối lại, nhưng bấy giờ mỗi người do hoàn cảnh phải lo việc mưu sinh riêng, nên không có cơ hội làm việc với nhau trong sinh hoạt văn chương. Mãi đến năm 1985, cơ hội mới đến.

Ban đầu, dự tính xuất bản một tạp chí văn chương là do một nhóm văn hữu thân thiết với tôi như Hoàng Khởi Phong, Cao Xuân Huy, Nguyễn Bá Trạc, Nhật Tiến, Phạm Quốc Bảo, Bùi Vĩnh Phúc, Vũ Huy Quang… tất cả đều ở Quận Cam Nam California, nhờ một người bạn của anh Hoàng Khởi Phong có nhã ý muốn tài trợ toàn phần cho tạp chí, như một cách quảng cáo cho cơ sở buôn bán đồ gỗ của ông. Nhưng dự tính ấy gặp trở ngại, nên cuối cùng việc xuất bản tạp chí không thành, rồi hoàn cảnh đưa đẩy tới quyết định tục bản tờ Văn Học Nghệ Thuật, với nhà văn Võ Phiến làm chủ nhiệm, nhà văn Lê Tất Ðiều làm chủ bút, và tôi làm thư ký tòa soạn, Trị sự và Kỹ thuật do anh Trần Ðình Long (chủ nhà in NV Printing) đảm nhiệm. Số 1 Văn Học Nghệ Thuật Bộ mới ra đầu tháng Năm 1985. Tạp chí Văn Học Nghệ Thuật tục bản ra được 9 số (trong đó có số đôi 8 & 9 là số Xuân 1986) rồi lại đình bản, sau đó tạp chí Văn Học do tôi chủ trương ra đời.

2. Ông định cư tại Hoa Kỳ nhiều năm sau khi tờ Văn Học Nghệ Thuật được thành lập. Xin ông cho biết lý do nào tờ báo đổi tên thành Văn Học cũng như động cơ nào thúc đẩy ông đứng ra đảm nhận trọng trách chủ biên (hay chủ bút) của tờ Văn Học?

NMG: Có thay đổi là do những sáng tác tôi viết thời bấy giờ, nói rõ hơn là do tôi xuất bản cuốn 1 (Những đợt sóng ngầm) và cuốn 2 (Bão nổi) của bộ trường thiên Mùa Biển Ðộng. Cuốn Những đợt sóng ngầm xuất bản năm 1984 gây ra một cuộc tranh luận sôi nổi về chủ đích của tác giả, chẳng hạn nhiều tờ báo thời bấy giờ chỉ trích tôi dữ dội về cách tôi viết về chế độ Ngô Ðình Diệm, về phong trào tranh đấu Phật giáo, về hành vi của một nhân vật (Lãng) là lính binh chủng Dù. Tôi không trả lời các lời công kích, chỉ viết một bài trần tình bảo bộ trường thiên chưa viết hết, xin độc giả đợi đọc trọn bộ hãy phê phán, nhưng những lời chỉ trích ngày càng nhiều. Nhà văn Võ Phiến và nhà văn Lê Tất Ðiều nghĩ giải pháp tốt hơn hết là tôi nên tránh việc trực tiếp đương đầu với những lời chỉ trích, nhất là đừng để cho tạp chí Văn Học Nghệ Thuật phải dính vào những chuyện tranh luận quanh cuốn sách của tôi. Tôi cũng chủ trương như vậy, vì ngay cả bài trần tình duy nhất tự bênh vực mình, tôi cũng không đăng trên Văn Học Nghệ Thuật. Nhưng tôi không đồng ý chủ trương nên rút lui khỏi tờ Văn Học Nghệ Thuật. Tôi chấp nhận chịu trách nhiệm những gì tôi viết, và cho tới bây giờ, vẫn tin rằng những gì tôi nhận NGUYỄN MỘNG GIÁC 152
định về hai mươi năm Việt Nam Cộng Hòa trong bộ Mùa Biển Ðộng là đúng. Cho nên mặc dù hoàn cảnh sống của tôi lúc bấy giờ rất khó khăn, tôi vẫn nhất định duy trì nuôi dưỡng tờ báo, chỉ đổi tên thành Văn Học để hai nhà văn Võ Phiến và Lê Tất Ðiều khỏi phải liên đới trách nhiệm về những gì tôi viết và những gì sẽ đăng trên Văn Học.

Tôi nghĩ giải quyết như thế là sòng phẳng, và mười lăm năm hiện diện của tờ Văn Học, cùng những cuốn sách tôi đã in từ đó đến nay, cũng đã đủ để trả lời những lời công kích hoặc những ngộ nhận thời bấy giờ.

3. Trong quá trình hình thành tờ Văn Học, ông đã phải đương đầu với nhiều khó khăn. Trong số khó khăn đó, có lẽ tài chánh là trở ngại quan trọng, ngày nay tờ Văn Học vẫn sống thọ, như vậy ông đã có cách khắc phục trở ngại này, ông có thể cho độc giả biết cách thức của ông như là một kinh nghiệm hay không?

NMG: Anh nói đến “kinh nghiệm” đương đầu với khó khăn tài chánh? Xin anh hỏi những người điều hành các tờ tạp chí khác, chứ kinh nghiệm của Văn Học là một kinh nghiệm tồi! Suốt 15 năm xuất bản, cho tới nay Văn Học chưa có khả năng làm một việc đáng lý phải làm từ đầu, là trả nhuận bút cho các tác giả. Văn Học cũng không trả được đồng nào cho những người trong ban điều hành có tiền cà phê thuốc lá hoặc đãi đằng xã giao bạn bè cộng tác phương xa đến thăm. Hai khoản chi duy nhất của Văn Học là tiền in và bưu phí gửi báo. Một “business” lâu đời tới mười lăm năm mà như thế, thì có gì hay ho để kể cho những bạn văn muốn xuất bản một tạp chí văn chương.

Văn Học sống được cho đến ngày nay là nhờ ở tinh thần cộng tác bất vụ lợi của các văn hữu, và các độc giả dài hạn. Quí văn hữu cần một diễn đàn tương đối “tử tế” để phổ biến những điều mình viết ra từ tâm huyết, nên sẵn sàng thông cảm cho Văn Học. Còn bạn đọc dài hạn cũng như các bạn đọc mua Văn Học ở các hiệu sách, nguồn tài trợ chính của Văn Học, thì mua và đọc Văn Học vì yêu văn chương chữ nghĩa, không ngại mất thì giờ. Số “ân nhân” quí giá này, thành thực mà nói, không nhiều như số người giải trí bằng video ca nhạc hay phim bộ Hồng Kông. Chúng tôi không có con số chính xác, nhưng đoán số độc giả chịu khó đọc tạp chí văn chương và khảo cứu Việt học ở hải ngoại chỉ vào khoảng trên dưới một nghìn người. Với con số đó, và với nội dung như nội dung tờ Văn Học, chúng tôi nghĩ khó lòng thoát ra khỏi tình trạng tài chánh khiêm tốn hiện nay.

4. Có một giai đoạn ông giao trọng trách chủ biên tờ Văn Học lại cho các nhà văn như Trịnh Y Thư, Hoàng Khởi Phong, Khánh Trường, và Cao Xuân Huy. Sau đó các ông Hoàng Khởi Phong rồi Trịnh Y Thư giữ vai trò chủ biên trong một khoảng thời gian. Từ đó, có sự bất đồng về quan điểm trong chủ trương tờ Văn Học mà nhà văn kiêm họa sĩ Khánh Trường đã đứng riêng ra để thành lập tờ Hợp Lưu. Lý do nào đưa đến sự thay đổi liên tục trong vai trò chủ biên tờ Văn Học?

NMG: Tháng 11 năm 1989, tôi giao hẳn trách nhiệm chủ biên và điều hành tờ Văn Học cho hai bạn văn thuộc nhóm sáng lập Văn Học từ thuở đầu, là Hoàng Khởi Phong và Cao Xuân Huy. Lý do chính là tình trạng tài chánh khó khăn của tôi. Từ số 1 Văn Học Nghệ Thuật tục bản ra tháng Năm 1985 cho đến số 44 Văn Học, tôi chịu trách nhiệm hoàn toàn việc tài chánh của tờ báo. Trong bài “Nhìn lại một chặng đường” in trên Văn Học số 44, tôi có viết: “Cho đến số 44 vừa qua, chưa tháng nào việc thu chi của Văn Học được quân bình. Tiền bù lỗ hàng tháng tuy không nhiều, lên xuống tùy theo số tiền thanh toán của các hiệu sách và tiền độc giả gia hạn nhanh chậm, nhưng nói chung chừng hai, ba trăm Mỹ kim…”.

Số tiền bù lỗ này, tôi thấy trước là không thể kham nổi khi gia đình tôi có thêm hai người nữa, vì nhà tôi và cháu gái sắp qua Hoa Kỳ theo diện đoàn tụ gia đình vào đầu năm 1990. Tiền lương tôi nhận được từ Công ty Niên giám điện thoại GTE lại quá thấp. Không còn giải pháp nào khác hơn là “chạy làng” trước khi nhà tôi qua. Và hai bạn Hoàng Khởi Phong và Cao Xuân Huy thì “điếc không sợ súng” nhờ có máu nhà binh trong người, sau khi nghe tôi trình bày hoàn cảnh, đã sẵn sàng tiếp tục gánh nặng Văn Học.
Từ tháng 11 năm 1989, Ban Chủ biên Văn Học hoàn toàn thay đổi, gồm ba người: Hoàng Khởi Phong, Cao Xuân Huy và Khánh Trường.

Về sau khi anh Hoàng Khởi Phong vì việc mưu sinh phải lên San Jose, rồi Houston, Cao Xuân Huy phải mời nhà văn Nguyễn Ðức Lập giúp đỡ trong việc biên tập. Ðó cũng là thời kỳ tình hình sinh hoạt chữ nghĩa trong nước có nhiều biến chuyển lớn, văn nghệ sĩ được “cởi trói” và một loạt các văn nghệ phẩm, tác giả mới lọt ra được nước ngoài, như phim của Trần văn Thủy, truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp, Phạm thị Hoài, truyện dài Bảo Ninh, Dương Thu Hương, cao trào văn nghệ mà ngoài này gọi là “văn nghệ phản kháng”. Một hiện tượng như thế không thể không tác động lên suy nghĩ của ban biên tập Văn Học. Các anh phụ trách biên tập Văn Học lúc đó chia làm hai nhóm: một nhóm nghi ngờ thực tâm của văn chương phản kháng, một nhóm xem đây là những người đồng chí hướng. Do đó mới có chuyện Khánh Trường tách ra làm tờ Hợp Lưu. Thời gian đã đủ dài để bây giờ chúng ta nhận biết ai đúng ai sai. Riêng tôi, tôi cho rằng cột chặt văn chương vào chính trị, văn chương chẳng có lợi gì, chỉ thua thiệt. Nhà văn dĩ nhiên không thể thoát ra ngoài môi trường chính trị mình đang sống, nhưng xem những gì họ viết là biểu hiện chính trị thuần túy, thì sai lầm. Con người sáng tạo, tác phẩm văn chương phức tạp hơn nhiều. Nếu người viết đơn giản là công cụ chính trị, thì toàn thể nhà văn nhà thơ chỉ là những cán bộ tuyên truyền.

5. Một thời gian sau, ông nhận lại vai trò chủ biên tờ Văn Học và đảm nhiệm công việc này cho đến ngày nay. Xin ông cho độc giả biết lý do của sự chuyển biến này?

NMG: Có những lúc tờ báo chỉ còn độc một mình Cao Xuân Huy lo, còn nhà thơ Trịnh Y Thư thì gồng mình gánh gánh nặng tài chánh. Cho nên Cao Xuân Huy lại nhờ tôi, qua quen biết rộng trong văn giới liên lạc để xin bài. Cho đến tháng 11.1994 thì Cao Xuân Huy và Trịnh Y Thư kham không nổi nữa, quyết định “trả lại” tờ Văn Học cho “người gây ra nó” là tôi. Số phận lêu bêu của Văn Học, như anh thấy đó, là số phận một đứa con khó nuôi. Và như tâm lý các bậc cha mẹ lỡ sinh một đứa con bệnh hoạn bất hạnh, tôi cũng không đành tâm bỏ nó khi bị “trả lại”. Từ đó mới có một nhóm chủ trương gồm các anh Châu văn Thọ, Lê Thọ Giáo, Mai Kim Ngọc, Nguyễn Xuân Hoàng và tôi trách nhiệm duy trì tờ Văn Học cho đến nay. Nhà văn Mai Thảo mất, nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng tiếp tục điều hành tờ Văn. Như vậy ba tạp chí văn chương Văn, Văn Học, Hợp Lưu tuy khác nhau về chủ trương biên tập và hình thức, nhưng cũng là chỗ thân tình, cùng chia sẻ với nhau cái đam mê muốn cho văn chương có một chỗ đứng độc lập nào đó trong cảnh hỗn độn đầy tiếng la hét ồn àocủa sinh hoạt chính trị.

6. Số đầu của tờ Văn Học, Lá Thư của Ban Chủ Biên có đề ra, nối tiếp đường lối mà nhà văn Võ Phiên chủ trương trước đó cho tờ Văn Học Nghệ Thuật là (1):
– Giới thiệu những bài khảo cứu văn hóa Việt Nam mới nhất của giới học giả tại hải ngoại.
– Giới thiệu các nền văn chương lưu vong chống cộng của các dân tộc khác trên thế giới.
– Phân tích phê bình loại văn chương tuyên truyền của cộng sản Việt Nam hiện nay.
– Theo dõi các biến cố văn nghệ quan trọng trên thế giới. – Ðiểm sách và phê bình các tác phẩm văn nghệ Việt Nam tại hải ngoại.
– Giới thiệu truyện ngắn, thơ, tùy bút… thật chọn lọc do các văn hữu hải ngoại vừa sáng tác.
Qua một thời gian lâu dài với nhiều chuyển biến của chính trị và xã hội, chủ trương mà ban chủ biên vạch ra từ số đầu vào tháng 02- 1986 cho đến nay tất nhiên có thay đổi. Xin ông cho độc giả biết những gì sửa đổi và bổ sung trong chủ trương của tờ Văn Học?

NMG: Sau này các nhà nghiên cứu về văn chương hải ngoại có thể đọc lại các số Văn Học để tìm ra những thay đổi trong nội dung và hình thức bài vở đăng trên Văn Học. Riêng tôi, người chịu trách nhiệm chính trong việc biên tập Văn Học, tôi thấy những chủ trương ban đầu anh nhắc lại trong câu hỏi không khác với chủ trương hiện nay bao nhiêu.

Nếu có những mục trong chủ trương nêu ra không thể hiện đầy đủ vào thời này hay thời khác trên Văn Học, theo ý tôi, là do những thay đổi từ phía văn hữu, chứ không do phía ban biên tập. Vì một thực tế này: các tạp chí văn chương hải ngoại trông chờ bài các văn hữu gửi về để đăng như con trông mẹ về chợ, kỳ báo nào in xong cũng hồi hộp trông chờ bài cho số sau. Rất ít bài dự trữ, và những bài “đặt hàng” cho những “người có thẩm quyền” cũng ít có hồi âm. Nghĩa là ban biên tập không chủ động được nội dung của bài vở. Một tạp chí có giá trị hay không, không do tài điều khiển của người chủ trương (có binh đâu mà điều khiển!), mà do cảm tình và lòng tin cậy của người viết dành cho người chủ trương.

Chỉ có một điểm thay đổi rõ ràng là có chủ trương của Văn Học. Ðầu năm 1992, lúc Văn Học lâm vào khủng hoảng đến nỗi báo ra trễ nhiều lần và đã tính đến chuyện biến tờ báo từ nguyệt san thành số đôi hai tháng ra một lần, tôi phải trở lại trực tiếp làm chủ bút giúp Cao Xuân Huy lo bài vở để cải tiến tờ báo. Trong thư tòa soạn số 74 (tháng Sáu 1992), tôi viết: “Ban Chủ biên Văn Học đồng ý là cần duy trì tờ Văn Học như một diễn đàn văn chương của người Việt hải ngoại, phản ảnh đời sống tinh thần của người Việt hải ngoại. Vì là diễn đàn của người Việt hải ngoại nên Văn Học phải đặt ưu tiên những vấn đề của đồng bào hải ngoại; đó là căn cước, là yếu tính, và nếu Văn Học có đóng góp được gì cho sinh hoạt văn hóa dân tộc Việt Nam nói chung, thì phần đóng góp cũng từ chỗ đứng đó.

Vì là diễn đàn văn chương, nên Văn Học tự giới hạn trong những vấn đề thuộc phạm vi văn chương, không để bị lôi cuốn vào các vận động chính trị giai đoạn. Văn chương không thể đứng ngoài những cuộc vận động chính trị nhằm bảo vệ quyền tự do, quyền sống của con người, nhưng Văn Học quan niệm sự đóng góp tích cực nhất, cần thiết nhất của văn chương vào cuộc vận động là những tác phẩm giá trị nhằm đề cao con người, đả phá những thế lực tha hóa hoặc đàn áp quyền sống thiêng liêng của con người.”

Chủ trương đó khiến Văn Học quan tâm giới thiệu, nhận định, quảng bá các tài năng văn chương hải ngoại nhiều hơn các báo bạn; quan tâm đến việc sưu tập, sơ kết các thành quả của văn học hải ngoại; giới thiệu các tác giả và tác phẩm quan trọng của văn chương hải ngoại. Ngược lại, trên Văn Học không có những thời sự chính trị nóng bỏng hay những tranh cãi chính trị hấp dẫn sự tò mò của bạn đọc, như vụ Tổng thống Clinton qua thăm Việt Nam, cuộc biểu tình đòi Thái lan trả tự do tức khắc cho Lý Tống…

7. Trong số bài xuất hiện trên Văn Học trong nhiều năm qua, hình như có sự xuất hiện thưa thớt của các tác giả miền Nam, có người gọi nôm na là “miệt vườn”. Ðiều này có đúng hay không? Nếu có, ông có thể vui lòng giải thích lý do cho độc giả biết hay không?

NMG: Văn chương “miệt vườn” là một khuynh hướng sáng tác đặc biệt trong văn chương hải ngoại, với các tác giả gốc “Nam kỳ” (chính xác hơn chữ Miền Nam) như Hồ Trường An, Kiệt Tấn, Nguyễn văn Sâm, Ngô Nguyên Dũng, Nguyễn Ðức Lập, Trần Long Hồ, Xuân Vũ, Nguyễn văn Ba, Võ Kỳ Ðiền, Nguyễn Tấn Hưng… Tôi không kể một số tác giả gốc Nam kỳ khác (như Phan thị Trọng Tuyến, Nguyễn thị Ngọc Nhung) vì lối viết của họ không có “tính cách Nam Kỳ” truyền thống. Giới nghiên cứu văn học sẽ bàn kỹ thế nào là văn chương Nam kỳ truyền thống, theo tôi, nghĩ thoáng qua tôi thấy loại văn chương đó chú trọng đời sống và tâm tình người vùng Nam kỳ (phần lớn là dân quê), thiên về phong tục và sử dụng tối đa ngôn ngữ nói cho văn chương (khác với ngôn ngữ viết của các nhà văn Bắc và Trung kỳ). Có một thời kỳ (từ 1985 đến 1990) văn chương “miệt vườn” nở rộ trên Văn Học, với những văn phẩm xuất sắc của Hồ Trường An, Kiệt Tấn, Nguyễn văn Sâm, Ngô Nguyên Dũng.. Tôi nghĩ cho đến bây giờ, những truyện ngắn hay nhất của Hồ Trường An, Kiệt Tấn là những truyện “miệt vườn” các anh ấy cho đăng trên Văn Học.

Nhưng sau đó, “văn chương miệt vườn” thoái trào. Ngã Nguyên Dũng bỏ viết truyện “miệt vườn”. Nhiều người khác vẫn tiếp tục, nhưng tôi cho là không thành công bằng những gì Hồ Trường An và Kiệt Tấn đã viết. Lý do của thoái trào? Văn chương “miệt vườn” nằm trong dòng văn chương hoài niệm quê hương. Nó chỉ tha thiết, chỉ hấp dẫn khi chúng ta cảm thấy mất quê hương vĩnh viễn, không bao giờ có thể nhìn lại quê hương thân yêu trong đời sống này. Các thay đổi những năm gần đây khiến trở về thăm quê cũ không khó khăn mấy. Hình ảnh quê hương được điều chỉnh lại, thay thế cho những hồi cố trong “miệt vườn”. Có viết theo kiểu “miệt vườn” chỉ là viết rán.

Văn Học ít đăng những truyện “miệt vườn” vì số người viết loại này ít đi, những truyện hay loại này ít đi, mà số truyện loại này gửi về tòa soạn cũng thưa thớt. Lý do chỉ thế thôi. Không có kỳ thị địa phương hay phe nhóm ở đây.

8. Tương tự như câu hỏi trên, trong nhiều năm gần đây có sự thiếu vắng bài viết của những tác giả ở ngoài nước không chấp nhận chế độ Cộng Sản, ông có thể vui lòng giải thích điều này cho độc giả biết hay không?

NMG: Xin thành thực thưa với anh, đây là một câu hỏi đầy sơ ý. Sơ ý vì nếu tôi hỏi lại: “Thế những người viết trên Văn Học đều là những người “chấp nhận chế độ Cộng sản” hay sao? Văn Học là tờ báo Cộng sản hay Thân Cộng nên những người không chấp nhận Cộng sản tránh xa không cộng tác nữa hay sao?” chẳng lẽ anh sẽ trả lời: “Quả đúng như thế, Văn Học bị những nhà văn chống Cộng xa lánh, cô lập, bất hợp tác.” Tự xưng tụng mình hay phe nhóm mình là Chống Cộng tích cực, là Chiến sĩ Tự Do không phải là điều Văn Học muốn bạn đọc khen ngợi. Ðã có những tờ như Làng Văn làm việc này. Ðăng những tuyên ngôn tuyên cáo nẩy lửa, những truyện ngắn bài thơ đấu tranh khí thế ngút trời (nhưng giá trị văn chương ít ỏi) cũng không phải là “sứ mệnh” nhóm Văn Học muốn mang. Văn Học chỉ đăng những tác phẩm vừa chống Cộng vừa có giá trị văn chương, vì không phải hễ tác phẩm chống Cộng “tất nhiên” phải có giá trị văn chương. Văn Học không lúc nào thiếu những tác phẩm của những nhà văn không chấp nhận Cộng sản, Văn Học chỉ thiếu vắng những bài vở “chống Cộng nhưng dở”. Xin nhắc lại: Không phải tác phẩm chống Cộng nào cũng hay.

9. Ở cương vị chủ biên tờ Văn Học, trong khi chọn bài dĩ nhiên ông bị ảnh hưởng rất nhiều từ mọi phía và bị chi phối bởi nhiều yếu tố khác nhau. Ông có thể cho độc giả biết một cách cụ thể, trong một ước lượng phải đành bằng con số về phần trăm ảnh hưởng của các yếu tố sau đây:
– cảm tình bè bạn.
– cảm tính trong ý thích và nhận định cá nhân.
– tên tuổi tác giả.
– lập trường chính trị.

NMG: Tôi không thể định lượng một cách cụ thể các yếu tố chi phối việc chọn bài. Trên thực tế, người chủ bút hoàn toàn chủ quan trong việc chọn bài, đúng hay sai, ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng của tờ báo. Nếu chung quanh vị chủ bút có một số bạn hữu có trình độ, việc chọn lựa bài đăng của chủ bút sẽ bớt định kiến, giá trị bài vở sẽ khá hơn. Ngược lại, giá trị tờ báo ngang bằng với trình độ chủ bút, không tránh được.

Riêng Văn Học, chúng tôi quan tâm đến giá trị văn chương và chất lượng khoa học của bài khảo cứu hơn là quá khứ chính trị của tác giả. Trên cùng một số báo, có bài của những tác giả có lập trường chính trị đối nghịch nhau. Họ chỉ giống nhau ở bài viết: cả hai bài đều đả phá những thế lực đàn áp con người, bóp chết tự do. Có thể có những người cho rằng chỉ có mình mới là người nắm giữ chân lý, nhất định không thèm đứng chung với những ai không giống mình. Những vị đó khó chịu khi thấy tên mình xuất hiện bên cạnh những “con nọ, thằng kia”. Quí vị đó quá khó tính! Văn Học mất một số cộng tác viên tương tự như quí vị đó, nhưng không lấy làm tiếc.

10. Trong số vấn đề mà các vị chủ biên phải đương đầu, có hai điểm cần xét rõ là “vị nể” và “bị hù dọa”. Có những tác giả “cổ thụ” gởi bài đến, đôi khi giá trị bài viết có giới hạn, mà ông không muốn đăng trên tờ Văn Học, ông đã giải quyết như thế nào? Có những tác giả mà bài viết có vẻ “trang hoàng kiến thức” và mang tính “chiếu chỉ cung đình”, dĩ nhiên bài viết thường có giá trị, trong những trường hợp như vậy ông có cảm thấy “bị hù dọa” bởi bài viết và phải đăng chúng trên tờ Văn Học hay không?

NMG: Bài vở Văn Học nhận được không nhiều đến nỗi tôi phải băn khoăn khi phải chọn bài này, bỏ bài kia. Tạp chí cũng không phải là một thế lực trần thế ghê gớm đến nỗi người ta phải hù dọa chủ bút để đăng bài của mình. Ðăng bài trên Văn Học làm sao gây chấn động lớn lao ngay lập tức cho bằng phóng một bài chửi bới nẩy lửa lên Internet? Vì bài vở ít, nên thông thường bài của những vị đã có tiếng tăm trong văn giới thường được chọn đăng với rất ít sửa chữa của biên tập. Những vị này trực tiếp chịu trách nhiệm với bạn đọc về bài viết của mình, và thông thường, họ cũng rất cẩn thận khi đưa bài để đăng. Bài của những tác giả mới viết, nhất là những bài khảo cứu (chúng tôi không biết khả năng thực sự của tác giả thế nào, lại không có phương tiện kiểm chứng khoa học những gì đưa ra trong bài khảo cứu), chúng tôi dè dặt hơn. Nhiều vị có bằng cấp cao, nay hồi hưu rảnh rỗi, hưởng nhàn bằng cách quay sang khảo cứu một đề tài không thuộc chuyên môn của mình, nên bằng cấp cũ không đủ bảo đảm giá trị của bài viết. Nói chung, suốt thời gian làm chủ bút Văn Học, tôi chẳng bị ai “hù dọa” cả.

11. Ðể phát triển tờ Văn Học, ông có dùng những thủ thuật riêng như là chiến thuật vận động. Chẳng hạn như ông cố tình đăng những bài, mặc dù bản thân ông không thích, nhưng bài ấy có tác động “đụng chạm lớn” có thể gây ra “một chiến trường đẫm máu trong sinh hoạt văn học”?

NMG: Tờ Văn Học cứ “xìu xìu ểnh ểnh” như thế sau 16 năm, chứng tỏ tôi không biết làm “business”, Văn Học chẳng nắm được thủ thuật “câu khách’ nào cả. Văn Học “hiền khô”, hay tránh xa các vụ tranh cãi. Ai chửi cũng im lặng chịu đựng, không “trả miếng”. Như anh thấy, không hề có “chiến trường đẫm máu” nào trên Văn Học.

12. Ðã từ lâu và còn mãi tới bây giờ, sinh hoạt văn học hải ngoại vẫn còn tồn tại những hình thức “bộ lạc”. Ông có nghĩ rằng ông vẫn là một “tù trưởng” của bộ lạc Văn Học hay không? Nếu có, ông sẽ làm cách gì để chuyển hóa nó lên một hình thái cao hơn?

NMG: Nhận định bất cứ chuyện gì cũng cần chú ý đến thực tế. Thực tế của sinh hoạt văn chương ở hải ngoại là những cố gắng cá nhân đơn độc, bằng những phương tiện thô sơ giữa một thời kỳ khoa học kỹ thuật tiến bộ vượt bực. Một tạp chí ra hằng tháng mà chỉ có một người làm từ A đến Z (kể cả những nhà xuất bản lớn có uy tín như Văn Nghệ chẳng hạn, cũng vậy), thì nói tới “bộ lạc” đã là phóng đại rồi. Tờ báo do một người lo, nên phản ảnh cái ưu cái khuyết của người chịu trách nhiệm trực tiếp rất rõ. Sức tập trung của một tờ báo dựa vào cá tính của người đứng mũi chịu sào, nhiều hơn những thứ lớn lao như là chủ trương, lập trường chính trị, văn phong, trường phái.

Chẳng hạn bây giờ Văn Học do tôi chịu trách nhiệm chính, nên là “bộ lạc” của những người “có vẻ” (tôi nhấn mạnh chữ có vẻ) trung dung, nghiêm chỉnh. Nhưng nếu Văn Học chuyển qua tay một chủ bút khác, nó sẽ trở thành “bộ lạc” những người chịu chơi, ưa nổ, chủ trương văn chương phải như cuồng phong, bão lửa…

13. Trong quá trình hoạt động của một chủ biên văn học, ông có gì phải “tự thú” với độc giả hay không? Chẳng hạn như ông đã không ưa mà hay “dìm” một tác giả nào đó. Hoặc là ông thích mà “đưa” tác giả nào đó lên một cách thường xuyên hay ca ngợi người ấy có phần lộ liễu.

NMG: Tài năng bây giờ có nhiều phương cách để bộc lộ ra cho thiên hạ biết, đâu phải chỉ duy nhất qua tạp chí văn chương. Có một bài thơ, một truyện ngắn ưng ý, đưa in lên báo Việt ngữ địa phương quá dễ. Người ta kỳ thị thì mình phóng lên Net. Nhóm chủ trương các website trên Net kỳ thị nữa, thì mình tự làm riêng website của mình, có kèm đủ hình ảnh, tiểu sử, bằng cấp. Làm sao dìm tài của ai, hay thổi phồng được ai nếu người đó tự họ không có tài? Cũng có những trường hợp “giao tế”, nhưng rất ít.

14. Là một vị chủ nhiệm một tạp chí thuần túy văn chương lâu đời, xin ông vui lòng cho độc giả biết một cách khái quát về tình trạng “lão hóa” trong sinh hoạt văn học, cụ thể về tác giả sáng tác và độc giả?

NMG: Lão hóa là một hiện tượng tất nhiên của văn chương hải ngoại, một hiện tượng không thể khác đi, không thể tránh né. Lý do cũng dễ hiểu: lớp trẻ lớn lên nơi xứ người không thông thạo tiếng Việt, thậm chí không biết tiếng Việt, thì đâu là nền tảng cho một dòng văn học tồn tại lâu dài? Người đọc sách báo tiếng Việt hiện nay phần lớn ở vào lứa tuổi từ 40 trở lên, người viết thì lứa tuổi trung bình cao hơn, có thể là 50. Người viết phái nữ trẻ tuổi hơn người viết phái nam. Ðấy là một thực tế, gây khó khăn cho những mong muốn canh tân, thay đổi chủ đề, cách nghĩ, cách viết.

15. Bước qua năm 2001, có vị đã đề cập đến những vấn đề lớn lao của một ngàn năm tới, tôi không dám nghĩ đến những điều quá lớn lao, chỉ rón rén xin ông cho biết ý kiến về tương lai phát triển của loại báo văn học thuần túy trong tương lai nằm trong tình hình sinh hoạt chung của văn học hải ngoại?

NMG: Căn cứ vào số người viết lẫn số người đọc ngày càng giảm của tạp chí văn chương, tôi bi quan. Sẽ tới ngày tạp chí văn chương vì thiếu độc giả, phải đình bản. Hiện nay số người viết và số người đọc xấp xỉ bằng nhau. Sẽ tới ngày số người đọc ít hơn số người viết (vì người viết thường không đọc nhau). Sách ngày nay được in ra tràn lan, phần lớn do nhu cầu của người viết chứ không do nhu cầu của người đọc.

16. Trong quá trình phát triển, hình như ông vẫn gởi tờ Văn Học một cách giới hạn về bạn bè trong nước. Trong tương lai, ông có nghĩ rằng, ông sẽ có kế hoạch qui mô và công khai để phổ biến tờ Văn Học vào độc giả trong nước hay không?

NMG: Làm sao có một “kế hoạch qui mô” khi chính quyền Việt Nam hiện nay xem mọi ấn phẩm in ở hải ngoại đều khả nghi, đều mang nhãn hiệu “diễn tiến hòa bình”. Nếu Văn Học có lọt về được trong nước là do bạn đọc mang về, chứ ban chủ biên không có phương tiện tài chánh để làm việc đó. Nhưng bạn đọc Văn Học ở trong nước có nhiều, nhờ website Văn Học trên Internet. Văn Học đưa lên website một số lượng bài vở khá tiêu biểu, gần nửa số trang in.

(1) “Thư của Ban Chủ Biên Tạp Chí Văn Học”, Văn Học, số 1 tháng 02-1986.

   Số lần đọc: 1772

Trò chuyện với sinh viên

Nhà văn Nguyễn Mộng Giác đến nói chuyện với sinh viên lớp Việt Văn 101A, trường Ðại học Berkeley vào ngày 1 tháng 11 năm 2005. Phỏng vấn do nhóm sinh viên lớp Việt văn , gồm Nguyễn Hữu Nghĩa, Bảo Ngọc, Vy Huyền và Trần Ngọc thực hiện.

Phần I: Nhà văn Nguyễn Mộng Giác nói chuyện

Xin tự giới thiệu, tôi là Nguyễn Mộng Giác, bút hiệu và cũng là tên thật, một cái tên rất cải lương. Tôi không thích tên này tí nào cả, nhưng ba mẹ đặt nên phải chịu thôi. Hôm nay, theo lời mời của cô giáo Nguyệt Cầm, tôi có dịp nói chuyện với các bạn về vấn đề văn chương Việt Nam. [1]

Tôi đề nghị thay vì nói những vấn đề đại luận lôi thôi, có lẽ tôi sẽ tâm sự với các bạn về công việc viết lách, kinh nghiệm viết lách hay quá trình viết lách cũng như xuất bản. Như vậy có lẽ đáp ứng được tò mò hơn là những chuyện lớn lao, mà trong khuôn cảnh của trường đại học này, các bạn đã thừa tài liệu để tìm hiểu rồi. Hôm nay, tôi chỉ xin kể về hoàn cảnh một số tác phẩm mà tôi cho là quan trọng trong đời viết văn của tôi.

Trước năm 1975, tôi xuất bản được năm tác phẩm. Trong đó có một tập tiểu luận Nỗi băn khoăn của Kim Dung, xuất bản năm 1972, một tập truyện ngắn Bão rớt, ba truyện dài Tiếng chim vườn cũ, Qua cầu gió bay và Đường một chiều (truyện dài được giải thưởng văn chương về tiểu thuyết của hội Văn bút Sài Gòn năm 1974). Sau năm 1975, thời gian ở Sài Gòn, thân phận chung của những người ở Sài Gòn thì các bạn đã biết rồi, bị đẩy sang lề và tồn tại một cách khó khăn, không ai viết được gì. Nhưng từ năm 1977 cho đến năm 1981, trong vòng bốn năm, tôi cố gắng viết một bộ trường thiên nhan đề Sông Côn mùa lũ (SCML).

Những tác phẩm trước năm 1975, một số lớn các bạn chưa có dịp đọc, thì tôi xin cho qua. Tôi chỉ trình bày những điều đã viết sau năm 1975 và đã xuất bản ở đây, để các bạn có thể so sánh và biết được từ tác phẩm đã đọc sang chi tiết về quá trình sáng tác ra sao. Bộ SCML tôi viết từ năm 1978 và viết xong vào năm 1981. Viết xong đi vượt biên, để bản thảo lại cho nhà tôi giữ. Đến năm 1990, nhà tôi qua Mỹ theo diện đoàn tụ và đem qua. SCML xuất bản tại Mỹ năm 1990 và 1991. Sau 9 năm, bộ truyện này được xuất bản tại Hà Nội năm 1999 và tái bản lần thứ hai năm 2003. Ở Việt Nam tái bản bộ này hai lần, tại Hà Nội và Sài Gòn. Tôi không biết trong các bạn có ai đã đọc bộ này chưa. Nói chung, bộ trường thiên lấy khung cảnh thời Tây Sơn, thế kỷ 18 và khởi đầu là sự nghiệp của anh em nhà Tây Sơn, Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ và chấm dứt khi Nguyễn Huệ mất. Đây là thời gian có nhiều biến động. Quan trọng là qua những biến động đó, cái thử thách dành cho người đương thời, nhất là những nho sĩ, những người viết lách, những người có trình độ trí thức cao phong phú lắm. Mỗi người một thái độ phản ứng khác nhau. Từ thái độ bất hợp tác với triều mới như Lý Trần Quán, đến thái độ hợp tác như Ngô Thì Nhậm, Phan Huy Ích, đến người thuộc loại cơ hội như Nguyễn Hữu Chỉnh. Một thời đại mà tất cả biến động của lịch sử và cái phức tạp của đời sống hiện ra trọn vẹn, giống như những phức tạp hiện ra trong thời kỳ cộng sản ở Việt Nam vậy, giống nhau lắm. Và vì giống như vậy, thay vì trực tiếp viết về cộng sản, tôi chuyển qua hai thế kỷ trước viết về thời Tây Sơn. Có nhiều hoàn cảnh mà tôi suy từ thời mình bây giờ sang thời trước.

Hoàn cảnh viết bộ truyện này là hoàn cảnh vô cùng khó khăn. Sau năm 1975, tôi đang làm chuyên viên nghiên cứu tại Bộ Giáo dục Sài Gòn (BGDSG) thì bị cho nghỉ việc. Tôi bán sách cũ ngoài chợ trời hai năm, sau đó xin làm công cho một tổ hợp mì sợi. Các bạn có gia đình qua sau năm 1975 biết là cả nước Việt Nam trong giai đoạn thiếu gạo và phải ăn bo bo, nhập cảnh bột mì rồi làm mì sợi để sống. Tôi làm công nhân cho một tổ hợp mì sợi từ năm 1978 đến năm 1981. Chương trình làm việc của tôi thời kỳ này là 6 giờ sáng đem một lon cơm, đạp xe từ Thị Nghè tới Phú Lâm làm việc. Làm việc từ 8 giờ sáng cho đến 12 giờ trưa. 12 giờ nghỉ ăn cơm, ăn cơm xong từ 12 giờ đến 2 giờ thì ngồi viết. Xong rồi, làm việc từ 2 giờ đến 8 giờ. Sau đó 8 giờ thì ra khỏi xưởng, chở mì sợi đi bán, về tới nhà khoảng 10 giờ tối, và ngồi viết từ 10 giờ cho đến 12 giờ. Viết trong tình trạng làm việc và viết như vậy trong bốn năm thì hoàn tất bộ trường thiên tiểu thuyết này, dày 2000 trang. Nói như vậy, không có nghĩa là tôi có khả năng viết trọn vẹn cả bộ truyện. Trong thời gian viết, bộ truyện này bị ngưng lại vì hai lần tôi ở tù. Lần đầu viết xong cuốn ba thì tổ hợp mì sợi bị đóng cửa rồi ban điều hành tổ hợp bị bắt. Năm 1979, các bạn nhớ đó là thời gian Việt Nam và Trung Quốc đánh nhau. Tổ hợp tôi làm việc là một tổ hợp của người Hoa. Công an Sài Gòn nghi ngờ tổ hợp làm gián điệp cho Trung Cộng nên tất cả ban điều hành đều bị bắt. Tôi bị kẹt trong đó 4 tháng, đang làm ăn bình thường thì bị bắt như vậy. Bốn tháng sau, được thả ra, tôi tiếp tục viết, đến gần xong phần kết từ ở cuốn thứ tư thì có mối vượt biên ở Vũng Tàu. Vượt biên không thành công, tôi bị bắt lần nữa và lần này bị giam bốn tháng. Sau khi được thả ra, tôi về viết xong phần kết. Tháng 10 năm 1981 thì hoàn tất bộ này, tôi đóng và để lại cho nhà tôi giữ và đi vượt biên. May mắn vượt biên lần này thành công. Việc giữ bộ sách ở Việt Nam lúc đó là một việc làm nguy hiểm, cho nên nhà tôi phải gởi chỗ này, chỗ nọ. Đến năm 1990 khi nhà tôi qua Mỹ theo diện đoàn tụ thì bà đem theo trong hành lý. Lúc lên phi trường Tân Sơn Nhất, hải quan hỏi cái gì thế này, bà nói là đời đi dạy học buồn quá, nên ngồi viết nhật ký. May là lúc đó các ông công an lo kiểm soát những đồ quý giá mà không để ý đến mớ giấy vụn này, cho nên đem qua lọt. Nhờ vậy mà bộ sách qua đây được xuất bản và phổ biến. Bây giờ, nó đã trở về Việt Nam và được tái bản hai lần. Chính tôi cũng không hiểu tại sao nhà nước Việt Nam đem đọc nguyên văn bộ sách này trên đài phát thanh trong chương trình Đọc truyện Đêm khuya suốt bốn tháng trời. Họ nghĩ đây là tác phẩm không nguy hiểm, vì chỉ nói đến vị anh hùng dân tộc Nguyễn Huệ và phần tác hại, nếu có, thì không đáng ngại. Đây là quá trình sáng tác bộ sách Sông Côn mùa lũ.

Tháng 12 năm 1981, tôi vượt biên qua ngả Nam Dương, đến đảo Kuku, rồi sau đó chuyển qua đảo Galang. Tôi ở trại tị nạn Nam Dương hai tháng. Ðây là thời kỳ nhịp độ viết lách sung mãn nhất trong đời viết của tôi. Trong thời gian đó, tôi viết một số truyện ngắn, sau này in trong hai bộ Ngựa nản chân bon và Xuôi dòng. Cũng trong thời gian này, tôi viết được cuốn I của bộ trường thiên thứ hai là bộ Mùa biển động (MBĐ). Ấm ức về những gì mình đã không viết được trong thời gian ở Việt Nam, trong thời gian này, cứ mỗi ngày tôi viết một truyện ngắn. Khung cảnh đảo Kuku thời ấy thơ mộng lắm. Hòn đảo xanh giữa biển, rừng cây xanh và đám mây là là, khung cảnh rất thần tiên. Tôi lấy tấm ván kê làm bàn trên sườn núi, ngồi đó viết từ sáng đến chiều. Trên đầu là mây bay, bên cạnh mình là những con khỉ chí choé, và cứ như vậy mỗi ngày tôi viết một truyện ngắn. Số người ở đảo Kuku lúc đó khoảng hai, ba trăm người. Hai, ba trăm người không có một tờ báo hay một cuốn sách để đọc, do vậy tôi có một lượng độc giả rất lý tưởng. Ban ngày mình viết xong, tối đến truyện được chuyền cho anh em bà con trong lán đọc. Và truyện trở thành đề tài thảo luận của cả trại. Rất thú vị. Cho nên tôi nghĩ, bạn nào đọc những truyện này sẽ thấy được tâm tình của một lớp người qua kinh nghiệm vượt biên, tất cả cái đau đớn, cái hy vọng, cái tuyệt vọng mà các bậc cha chú của các bạn đã trải qua. Các kinh nghiệm vượt biên tôi cố gắng ghi một cách trung thực, không tô điểm, nếu là người bi quan thì sẽ cho đó là những kinh nghiệm xấu, nhưng nếu là người lạc quan thì cho là chuyện bình thường. Chẳng hạn như khi tàu vượt biên bị chết máy, lênh đênh trên biển, hết nước, thì may mắn có trời mưa. Khi những giọt nước mưa chảy xuống cái tấm bạt trên ghe thì mấy ông già không chút do dự, đẩy bật những đứa trẻ ra để mà giành uống nước đó. Trong cảnh tranh tối tranh sáng, cảnh giành nhau để sống, con người rất tàn nhẫn. Nhưng cũng chính các cụ già này khi lên đến đảo thì lại hô hào mọi người làm vườn hoa cho các em chơi. Như vậy mình nói các cụ già giành nước với các em uống, và cụ già muốn làm vườn hoa cho các em chơi, cụ nào là thật?! Khó trả lời lắm, rất khó trả lời. Một ví dụ nữa tôi lấy trong chuyến vượt biên: do hệ thống hút nước của ghe bị hư, ghe bị vô nước. Muốn cứu ghe thì phải tạt nước ra, nhưng không ai chịu làm cả. Nước đó dơ dáy lắm, gồm cả phân và nước tiểu, nên không ai chịu xuống tát ra cả. Tôi thấy vậy thì xung phong. Tôi nói tao già rồi nhưng mà tao xung phong để bọn trẻ bắt chước, hy vọng là bọn trẻ thấy mình làm thì sẽ thấy lòng ân hận mà xuống giúp mình, nhưng không ai giúp cả. Sau đó tôi nghe bọn trẻ nói chuyện với nhau, “Tội gì mình phải xuống làm. Phải giữ sức khỏe để lỡ ghe chìm còn sức mà bơi.” Đại khái như vậy. Nếu mình bi quan thì cho là những con người rất xấu trong cảnh tồn tại nguy hiểm. Nhưng nếu mình lạc quan, nhìn một cách dung dị hơn, thì mình cho họ đáng thương. Qua những kinh nghiệm đó, tôi nghĩ là tôi có lý. Không có người xấu, chỉ có người đáng thương. Và tôi dùng cái nhìn đó để tạo những nhân vật của bộ SCML và bộ MBĐ. Qua hai bộ trường thiên và tập truyện ngắn Xuôi dòng, các bạn sẽ thấy tôi nhìn đời không tốt, không xấu, nó tự nhiên như vậy. Con người chỉ có hai loại, con người đáng yêu và con người đáng thương. Tôi không biết các bạn có đồng ý với tôi không?

Khi tôi đến định cư tại Mỹ thì tôi bắt tay viết bộ trường thiên thứ hai. Nếu lúc đó không viết thì bây giờ không thể viết được. Bộ MBĐ cũng dày gần 2000 trang, viết trong bảy năm. Tôi viết bộ này trong điều kiện vật chất khá hơn. Suốt 16 năm, tôi làm graphic designer [thiết kế đồ hình] cho một công ty điện thoại, hàng ngày làm việc từ 4 giờ chiều đến 12 giờ khuya. Buổi sáng đến tiệm cơm Nhật mua một hộp combo [một dạng cơm hộp], và ra công viên ngồi ăn, viết từ 9 giờ sáng cho đến 3 giờ rưỡi chiều xong rồi đi làm. Cứ như vậy viết đều trong vòng bảy năm thì xong bộ này. Không biết trong các bạn đây, có bạn nào ma đưa lối quỷ dẫn đường để chọn công việc viết lách này không. Nhưng để giải thích vì sao mình kiên nhẫn như vậy thì điều chính là thế này, mình chỉ bỏ công viết được những tác phẩm đòi hỏi sự kiên nhẫn khi nào mình ngây thơ. Cái đam mê đương nhiên là có rồi, nhưng phải ngây thơ nữa. Khi tôi viết bộ này, thì hoàn cảnh sống quá bi đát, cả phương diện vật chất và tinh thần. Tôi nghĩ rằng mình viết như viết di chúc vậy, viết xong chết cũng được. Nhưng may là viết xong… chưa chết. Hồi viết bộ này thì tôi cũng ngây thơ nữa, cứ cho là cái kinh nghiệm mình trải qua ở Việt Nam từ năm 1963 là năm Ngô Đình Diệm sụp đổ, cho đến năm 1981, qua nhiều chế độ, nhiều thăng trầm, nếu mình không viết thì sẽ không ai viết cả, và như vậy thì uổng lắm. Quá ngây thơ! Thật ra, nếu mình không viết thì sẽ có người viết và viết hay hơn mình. Do cái ngây thơ đó nên tôi ráng viết trong vòng bảy năm và hoàn tất bộ này. Khi đọc lại, dĩ nhiên thấy không bằng lòng. Các bạn biết mình như người thợ hàn vậy thôi. Mình lấy miếng này mình hàn miếng kia, độc giả không thấy nhưng mình thấy. Tất cả các phần ghép nối, các phần giả tạo, phần tưởng tượng chưa tới, mình đều thấy cả. Đọc lại tôi thấy không bằng lòng. Nhưng may là, nếu hồi đó không viết thì bây giờ không viết nổi. Có người hỏi tôi, bây giờ anh rảnh, sao không viết cái gì đi. Tôi trả lời một cách triết lý là bây giờ mọi thứ không còn quan trọng nữa, viết làm gì. Mình biết mình không viết được thì cứ nói mình không viết được, đừng nói dối. Quả là khi mình không còn ngây thơ thì mình không thể viết được nữa. Chúc các bạn giữ được ngây thơ, nhờ ngây thơ đó mà các bạn làm được nhiều việc. Sau khi in bộ này, tôi không còn viết được gì nhiều ngoài một số bài luận về văn học như cuốn Nghĩ về văn học hải ngoại (NVVHHN).

Tôi cho rằng những cố gắng của mình đem lại kết quả, và nếu mình viết trên tinh thần tương đối sòng phẳng, thì có lẽ nó sẽ vượt qua được một số biên giới. Cái biên giới quan trọng là biên giới về ý thức hệ, chính trị. Chẳng hạn như bộ SCML, tuy có nhiều điểm động chạm và xa gần phê phán các chế độ độc tài, nhưng với liều lượng mà người trong nước có thể đọc được. Bằng chứng là sau khi đọc liên tiếp trong bốn tháng trên đài phát thanh hằng đêm, thính giả rất thích và bây giờ họ đăng bộ truyện này trên một website của báo Bình Định. Tôi cũng rút được kết luận là những cố gắng của người viết Việt Nam tại hải ngoại là một cố gắng rất đáng phục. Lấy từ kinh nghiệm của tôi, việc xuất bản rất khó khăn. Thời tôi mới qua, 1985-1990, thời gọi là cực thịnh của văn học hải ngoại, một tập truyện in ra từ 1000-2000 ấn bản, bán trong vòng một năm thì hết. Nhưng con số đó càng ngày càng tụt, và bây giờ ấn bản cho loại văn nghệ như tiểu thuyết và thơ v.v…, chỉ khoảng 500 bản và bán ba bốn năm không hết. Lý do? Tôi tin rằng các bạn vẫn tò mò về văn chương hải ngoại, nhưng tìm đọc thì mệt quá vì còn quá nhiều chuyện để lo. Các bạn lại thấy các điều viết trong sách của các cha, các chú chẳng liên quan gì đến mình. Các cha các chú nghĩ chuyện quá khứ, lật album lại thời huy hoàng, còn bạn lại cho rằng đó là điều lãng xẹt. Đó là chưa kể lượng độc giả ngày càng ít đi. Tôi làm tờ Văn Học, lâu lâu vẫn nhận được thư của các độc giả, có khi là: “Xin chú đừng gởi báo nữa vì ông ngoại cháu mất ngày hôm qua”; có khi thì: “Tôi rất thích báo của ông, nhưng bây giờ mắt kém quá, nếu báo của ông in chữ như kinh Phật thì tôi mới đọc được.” Đó là thực tế, các bạn trẻ không đọc, còn các cụ già thì mất dần. Văn học hải ngoại sẽ đến lúc tàn tạ. May bây giờ có internet nên tiện cho việc truyền thông, liên lạc với nhau. Đó là ngõ mới, nhanh hơn, gọn hơn, thay cho loại sách in. Cũng như chuyện đời, tìm cách để sinh tồn, không dùng cái tốt xấu đạo đức để mà phê phán được, mà phải chấp nhận nó, chấp nhận luôn cả cái già nua và cái chết sắp đến của một thứ sinh hoạt văn chương. Các bạn nếu muốn tiến thân, có tìm sự nghiệp văn chương thì viết bằng tiếng Anh chứ không ai viết bằng tiếng Việt làm gì. Nhưng viết bằng tiếng Anh có những đòi hỏi riêng của nó. Nếu các bạn viết với tâm tình Việt Nam giống như thế hệ cha chú của các bạn thì hỏi độc giả Mỹ họ quan tâm làm gì? Cái thành công của Amy Tan không phải là viết về tập tục văn hoá Trung Hoa, mà tôi cho là bà đáp ứng được khuynh hướng ích kỷ của độc giả Mỹ. Khi đọc một tác giả người da màu, độc giả bản xứ chờ đợi điều gì? Chờ đợi một người bản xứ, một người da trắng ra tay cứu vớt một gia đình trong cơn hoạn nạn và chàng hoàng tử da trắng đó sẽ cải tạo, văn minh hoá gia đình kia. Hình ảnh đó đáp ứng được nguyện vọng chung, cái khao khát chung của lòng tự cao tự đại của người bản xứ. Nếu như vậy thì mới thành công, và tôi tin rằng một số các bạn nếu viết sẽ không bằng lòng với vị thế đó. Nếu muốn vượt trên cái thành kiến đó, nếu muốn tự tin như người bản xứ thì đòi hỏi khả năng học thức, sự kiên nhẫn và sự phấn đấu gấp hai, gấp ba lần người bản xứ. Không biết các bạn ở đây đã sẵn sàng để trả cái giá đó chưa, nếu mà rủi ro có bạn theo nghiệp văn. Đó là những lời mà tôi nói qua về việc viết lách và một số những nhận xét sơ khởi về tình hình văn chương hải ngoại.

Phần II: Nhà văn Nguyễn Mộng Giác trả lời câu hỏi của sinh viên

Nhóm sinh viên (NSV): Nhà văn có đề cập là trong thời gian viết cuốn Sông Côn mùa lũ (SCML), nhà văn bị tù hai lần. Lần thứ nhất khi nhà máy mì sợi bị đóng cửa, lần thứ hai khi vượt biên không thành công. Xin hỏi hai lần ở tù, mỗi lần khoảng bốn tháng, có ảnh hưởng như thế nào đến việc sáng tác bộ trường thiên SCML?

Nguyễn Mộng Giác (NMG): Một lần khi trả lời phỏng vấn, tôi có nói với anh Nam Dao rằng tuy bị ngăn trở do ở tù, khổ sở, nhưng cũng may là suốt thời gian đó, ảnh hưởng của đời sống tù trong tác phẩm tôi rất ít. Giọng bi phẫn, giận dữ đều không có. Ngay cả thời kỳ ở tù ra rồi, mặc dù xáo trộn, nhưng khi đọc lại đều không thấy những điều đó trong tác phẩm. Ðó là điều rất may, vì nếu tôi đưa tình cảm nhất thời của mình vào thì hẳn sẽ phá hỏng bộ truyện. Phần kết là phần viết sau khi ở tù về, chỉ mang giọng xót thương thôi, không hề có giọng bi phẫn.

NSV: Xin nhà văn cho biết về quá trình xuất bản bộ trường thiên SCML tại Việt Nam. Đầu tiên, bộ sách được xuất bản với mong muốn của ai và quá trình đó có gặp điều gì khó khăn? Nhà văn phải làm gì để bộ trường thiên này được xuất bản ở Việt Nam?

NMG: Chuyện sách được xuất bản và tái bản ở Việt Nam không do mình chủ động. Khi GS Mai Quốc Liên, giám đốc Trung tâm Quốc học, qua bên này theo phái đoàn thăm một số trường đại học, ông tới nhà một người bạn, thấy bộ SCML và xin mang về. Trong thời gian rảnh, ông đọc và thấy thích quá. Ông về vận động để xin tái bản ở Việt Nam và trong hai năm thì họ cho phép tái bản. Lẽ dĩ nhiên, khi họ xin phép tái bản thì họ đưa một số người giám định đọc, và họ có cho tôi coi những đoạn mà mình nói mánh nói khóe. Họ nói những đoạn này tư tưởng chính trị không rõ ràng, nhưng không hiểu sao khi họ thảo luận riêng thì họ cho giấy phép in nguyên văn. Suốt một bộ truyện 2000 trang không bỏ chữ nào. Họ cấp giấy phép cho Nhà xuất bản Văn Học (NXBVH), một nhà xuất bản có uy tín, nhưng ông giám đốc không có tiền in, và một phần cũng sợ. Khi thảo luận về bộ sách này thì có hai phe, một phe nói ông Giác viết bộ sách MBĐ rất phản động, một phe nói những bộ sách kia xấu, nhưng bộ này, bộ SCML là bộ sách tốt, cần phân cách giữa tác giả và tác phẩm. Cuối cùng họ cho giấy phép và họ quy định là khi ra sách, nhắc tác phẩm mà không nhắc đến tác giả.

NSV: Nhà văn bắt đầu viết văn từ bao giờ? Tác phẩm đầu tay là tác phẩm nào? Quá trình viết và in tác phẩm đó như thế nào? Độc giả đón nhận tác phẩm của nhà văn ra sao?

NMG: Tôi viết từ thời sinh viên, nhưng không gởi in ở đâu hết. Bởi vì tâm lý chung là không tự tin, nhất là khi viết xong rồi, đọc các tác phẩm của những bậc thầy, thì bao nhiêu bản thảo của mình đều đem ra xé hết. Cho nên tôi ngưng viết. Đến năm 1971, lúc 31 tuổi mới viết lại. Khi viết lại thì đăng bài trên tờ Bách Khoa, Sài Gòn. Tác phẩm đầu tiên không phải là truyện mà là tiểu luận, viết về Kim Dung, xuất bản năm 1972.

NSV: Ngày 30 tháng 4 năm 1975, lúc đó nhà văn đang làm gì và đang ở đâu? Biến cố năm 1975 thay đổi cuộc đời của nhà văn như thế nào?

NMG: Ngày 30 tháng 4, tôi ở Sài Gòn và đang làm chuyên viên nghiên cứu Bộ Giáo dục Sài Gòn. Sau khi cộng sản tiếp quản nha nghiên cứu thì họ cho học tập chính trị một thời gian, rồi đến tháng 3 năm 1976, trong đợt đầu tiên xét biên chế thì họ cho tôi nghỉ.

NSV: Khi sang định cư tại Hoa Kỳ, động cơ nào khiến nhà văn tiếp tục viết trong hoàn cảnh sống lưu vong, sống trong sự thay đổi hoàn toàn và rất ít người đọc tác phẩm?

NMG: Động cơ như tôi nói khi nãy là động cơ ngây thơ đó. Và cứ nghĩ là nếu mình không viết thì không ai viết cả, và nhờ vậy mới hăng hái viết, chứ nếu nghĩ mà mình viết ra làm gì, và cái đó có ích lợi gì đâu thì đương nhiên là không ai viết rồi.

NSV: Vậy từ khi nhà văn cầm bút trước năm 1975, nhà văn có cảm giác ngây thơ khi viết, và khi qua đến Mỹ vẫn có cảm giác như vậy?

NMG: Có lẽ càng ngày càng lớn tuổi, sức khoẻ không còn được như trước nữa, do lười biếng, do đủ thứ, nên càng ngày ngây thơ càng bớt đi. Ngay bây giờ khi đọc lại, cái đọc cũng khó khăn hơn. Những tác phẩm xưa kia mình đọc thấy hay, bây giờ lại thấy dở quá. Đôi khi không dám đọc tác phẩm của mình nữa.

NSV: Theo nhà văn thì sự ngây thơ có cần thiết cho việc viết văn hay không? Nhà văn nghĩ mỗi người nên có mỗi cách khác nhau?

NMG: Nó cần thiết cho mỗi người ở mỗi thời đại. Văn học nghệ thuật không có sự ngây thơ thì làm sao có được? Chính đó là cái khiến nhiều người nghĩ một lời thơ, một câu của mình viết ra rung động trời đất.

NSV: Trong truyện “Đường một chiều”, có nhân vật Ninh là người giết mẹ. Vậy tác dụng của anh ta trong truyện là gì? Tác giả dùng nhân vật này để nói lên điều gì?

NMG: Con người mấp mé giữa tội ác và thánh thiện, nó gần lắm. Và tình cảm của đứa con, con Ly, giữa tình yêu với thằng Ninh và tình yêu với bà mẹ nó mơ hồ lắm. Lúc bấy giờ, tư tưởng chính là khó định đoạt được ranh giới giữa tốt và xấu, thiện và ác. Cái đó là cái tôi đọc thấy được trong truyện Kim Dung. Truyện Kim Dung là truyện chánh tà không phân biệt. Có những điều trong truyện mình tưởng là chánh nhưng thật ra là tà. Thành ra các cô xét đoán thanh niên mà xét đoán lầm lẫn là không được (cười).

NSV: Trong cuốn Nghĩ về văn học hải ngoại, có nói rất nhiều về tình hình văn chương hải ngoại. Cuốn đó được xuất bản rất lâu rồi, trong thời điểm này, nhà văn nghĩ như thế nào về môi trường phê bình văn học?

NMG: Nói trắng ra là bộ môn phê bình ở miền Nam trước kia và hải ngoại bây giờ rất yếu. Có thể đếm trên đầu ngón tay những người phê bình có uy tín. Bây giờ điểm lại người có uy tín nhất hiện nay là Nguyễn Hưng Quốc, tiếp theo là Đặng Tiến, Bùi Vĩnh Phúc, Thụy Khuê, Trần Hữu Thục, Nguyễn Vy Khanh… và một vài người khác nữa. Còn chuyện khen chê nhiều khi là chủ quan nhiều hơn. Rồi có những cuộc tranh luận, không xoay vào tác phẩm, không xoay vào đề tài mà cãi qua vài ba trận là bắt đầu nói xấu về đời tư của nhau. Đó là cái rất yếu của người phê bình. Miền Nam trước kia cũng vậy, không khác gì. Đó chỉ là văn chương thôi, còn chính trị nữa thì không thể nói.

NSV: Không ai dám lên tiếng hay sao?

NMG: Chẳng hạn hồi trước khi về hưu, trong một lúc cao hứng, tôi tuyên bố là khi tôi về hưu sẽ viết một bộ văn học sử về văn chương hải ngoại. Hồi đó là dại dột, cho nên nói vậy, chứ bây giờ mà bắt tay vào là sinh chuyện. Khi kê khai mà thiếu bất kỳ ai thì chết với họ. Có khi kể họ sau người khác cũng không được. Mà chẳng lẽ kê khai đồng hạng cả thì cũng không được.

NSV: Trong truyện “Những ngã rẽ một dòng sông”, nhà văn có nói đến sự chia rẽ trong cộng đồng. Theo nhà văn thì sự chia rẽ đó là động lực để phát triển văn học? Hay có những tác động tiêu cực nào đến nền văn học hay không?

NMG: Tương lai văn học hải ngoại nó vắn số, nó không sống lâu đâu. Cho nên gần đây, gặp bạn bè tôi cứ nói họ in sách nhanh đi. Trong vòng vài năm nữa internet phát triển thì sách không ai in nữa.

NSV: Bài “Tình trạng lão hoá trong sinh hoạt văn học” trong cuốn Nghĩ về văn học hải ngoại có nhắc đến thế hệ trẻ Việt Nam đang sinh sống ở Mỹ. Những người Việt qua đây khi còn nhỏ, không được tiếp thu nền giáo dục thuần túy Việt Nam. Những người qua đây ở tuổi 14, 15 thì được giáo dục dưới mái trường của cộng sản, không biết đến những nhà văn nhà thơ trước năm 1975 như Nguyên Sa, Mai Thảo v.v… Theo nhà văn, ảnh hưởng của gia đình có quan trọng trong việc tiếp nhận văn chương của giới trẻ hay không?

NMG: Ảnh hưởng của gia đình, nếu có, tôi cho là ít chứ không nhiều. Như các bạn ở đây, người nào cũng có một chương trình dày đặc, học xong thì phải lo kiếm việc, rồi còn phải lo đến vấn đề thăng tiến trong công việc. Bức bách đời sống hiện nay quá cao, thời gian dành cho văn chương rất ít. Cái thứ hai là ngay trong gia đình có truyền thống về chữ nghĩa cũng khổ lắm. Ví dụ gia đình tôi hai đứa con gái và đứa con trai khi qua đây đã lớn, đã học lớp 11 bên Việt Nam. Trong nhà sách vở ê hề, nhưng nó không bao giờ đụng tới. Nó đọc báo chí chỉ coi phần sport [thể thao] thôi. Lâu lâu mẹ nó mở nhạc Trịnh Công Sơn thì nó nói nhạc đó boring [chán] lắm. Đời sống khác, tâm trạng nó phải khác đi rồi. Ngay cả bà xã tôi, nhiều lần người ta hỏi chị đọc tác phẩm của anh thấy thế nào, bà nói tôi có đọc đâu; người ta hỏi tại sao thì bà trả lời là ổng định nói thì tôi đã biết ông nói cái gì rồi, cần gì phải đọc. Thực tế là như vậy. Ảnh hưởng của cha mẹ đối với con cái ở Việt Nam thì nhiều chứ ở đây thì không bao nhiêu đâu. Thành ra cái thế hệ này đi qua rồi, thì văn chương hải ngoại phải đi xuống thôi, không thể nào khác.

NSV: Đứng trước tình hình văn chương hải ngoại như vậy, không biết giới văn chương hải ngoại có muốn tìm hiểu nền văn chương trong nước và đem văn chương trong nước ra hải ngoại, để lớp trẻ vẫn tiếp tục theo dõi dòng văn chương chung của Việt Nam? Và hướng đi của nền văn chương hải ngoại để đáp ứng được giới trẻ ở đây?

NMG: Hướng thì khó nói lắm vì văn chương phải có hai phần: người sáng tác là người viết, và người hưởng thụ là người đọc. Người viết hiện nay, qua tình hình các tờ báo văn chương mà tôi biết, không có lớp tiếp nối. Ở Việt Nam, phần nòng cốt của sinh hoạt văn chương là giới trẻ, học sinh, sinh viên. Độc giả Mực tím, rồi độc giả của Nguyễn Nhật Ánh, rồi lên cao hơn nữa; nó giống như hình tháp, càng lớn tuổi thì càng ít đi. Đó là một sơ đồ hợp lý và bình thường. Ở bên này thì ngược lại, càng già càng nhiều mà càng trẻ thì càng ít. Nó không vững. Đó là chỉ nói về loại văn chương viết bằng tiếng Việt, còn loại văn chương viết bằng các thứ tiếng khác lại là chuyện khác nữa. Có những yêu cầu khác, xuất bản khác, độc giả khác, đề tài khác. Có thể nói là lớp độc giả cuối, tác giả đợt cuối của văn chương hải ngoại là lứa các nhà văn như Lê Thị Thấm Vân, Trần Vũ.

NSV: Có khi nào nhà văn nghĩ mình phải thay đổi cách viết để xoay qua một đối tượng trẻ trung hơn. Ví dụ những cuốn mà nhà văn đã viết, đang viết và sẽ viết chỉ hướng về đối tượng ở tuổi từ 40 đến 60. Có khi nào nhà văn nghĩ mình sẽ đổi ngòi viết hoàn toàn để hướng vô lứa tuổi thanh thiếu niên không?

NMG: Tiếng Việt mình gọi là “cưa sừng làm nghé” đó phải không? (Cười) Mình không thể viết theo người đọc được. Không thể nào ráng được.

NSV: Nhà văn có những tác phẩm rất giá trị. Ðể phổ biến văn chương của mình, cho giới trẻ Việt Nam hiểu thêm về thời cuộc, nếu một người nào đó đưa toàn bộ các tác phẩm của nhà văn lên mạng thì nhà văn có đồng ý hay không? Hay nhà văn sẽ phản đối?

NMG: Việc đưa lên mạng còn tùy nó ăn khách hay không nữa. Thật ra, văn chương của tôi không phải là loại văn chương của đại chúng, của đám đông đâu. Mà nó đòi hỏi người đọc hơi nhiều. Trong các tác phẩm của tôi, bộ SCML đã đưa lên mạng.

NSV: Tình hình hiện tại không cho phép độc giả trong nước đọc văn chương hải ngoại. Chỉ qua đường internet, độc giả trong nước mới có thể thưởng thức được những tác phẩm giá trị bên ngoài.

NMG: Điều đó tốt, rất tốt. Ví dụ ở San Jose có website của Thời Văn, mỗi tuần đăng rất nhiều bài, ở trong nước muốn xem rất dễ dàng. Cái chính là ở chỗ họ xem nhưng họ lại không thông cảm được. Và chẳng hạn như nhà văn rất ăn khách trong nước bây giờ là Nguyễn Nhật Ánh, khi đọc tôi không thấy hay.

NSV: Trong truyện “Tìm nơi không gió”, tác giả tả cảnh người đàn ông vá xe đạp và một cô giáo bán thuốc lá dạo. Tại sao hình ảnh đó lại được nhà văn đặc biệt chú ý như vậy?

NMG: Cái hình ảnh đó rất tiêu biểu sau năm 1975.

NSV: Trong bài “Huế, nơi để tưởng nhớ”, nhà văn có nói Huế là một nơi rất đẹp, thơ mộng, nhân tài rất nhiều, nhưng cuối cùng không ai ở lại hết. Ai cũng bươn vô Sài Gòn, dù theo nhà văn thì Sài Gòn là một cái “chợ.” Cuối bài, hình như có sự liên hệ giữa Huế với Sài Gòn và Việt Nam với Mỹ. Như người Huế, họ rất tài giỏi nhưng không thể sống nơi miền đất gò bó tài năng của họ, nên họ bươn đi khắp miền đất nước để tìm đời sống khá hơn. Người Việt Nam tài giỏi, muốn vươn lên, nhưng đất quê hương quá “hẹp” nên phải ra hải ngoại, đi đến những vùng đất khác. Vậy nhà văn nghĩ gì về Việt Nam, là nơi “xa để mà nhớ hay ở để mà thương”?

NMG: Hỏi sao mà ác quá vậy (cười). Quả tình bây giờ mà tụi mình trở về Việt Nam thì chỉ về làm khách thôi chứ về ở luôn thì chết. Đời sống Việt Nam bây giờ tuy có khá lên nhưng nó không hợp lý. Mình sống ở Mỹ là hợp lý. Mình biết cái quyền của mình, biết là mình đóng thuế thì đến cơ quan công quyền nào, họ sẽ làm cho mình. Mình nộp thuế thì tiền mình đóng sẽ dùng cho việc hợp lý. Lần đầu tiên con gái tôi về Việt Nam, tôi biểu nó bỏ 5 dollars vô trong hộ chiếu để khỏi bị khám xét thì nó nhất định không chịu. Nó nói nếu tiền này đóng có biên lai thì con chịu, còn nếu không thì không đóng. Xã hội Việt Nam vẫn còn những điều bất hợp lý như vậy đó.

NSV: Những chuyện buồn, kỷ niệm buồn thì đã ít nhiều được phản ảnh qua các tác phẩm của nhà văn rồi. Vậy nhà văn có thể kể nhưng kỷ niệm vui, hay kỷ niệm vui nhất trong đời viết của nhà văn không?

NMG: Kỷ niệm vui nhất của người viết, tôi nghĩ giống nhau lắm, đó là lần đầu tiên bài của mình được đăng. Bài đầu tiên tôi được đăng là bài viết về Kim Dung, được đăng trên báo Bách Khoa. Tôi viết và gởi cho ông Nguyễn Hiến Lê. Kỳ đó vô Sài Gòn chấm thi, thấy bài được đăng lên báo, tự nhiên thấy mình quan trọng quá. Thấy tên mình nằm trên mặt báo, “đã” vô cùng. Đã đến độ mà trong chuyến bay từ Sài Gòn về Quy Nhơn cứ sợ máy bay rớt, chết mất một thiên tài. Cái cảm giác đó khó tìm lại lắm. Thường thường như vầy, mỗi lần vô hiệu sách mà thấy các tác phẩm này nọ của tác giả nào đó thì thấy ghê gớm lắm. Sau đó, mình nghĩ nếu họ viết được thì tại sao mình viết không được. Và viết được, rồi được đăng và in sách. Cuốn sách khi được in rồi, nhiều khi trong hiệu sách họ sắp trong chỗ khuất thì mình lén lén lấy để ra ngoài. Cái đó là những kỷ niệm sướng nhất và cảm động nhất.

NSV: Hy vọng chuyến đi đến Berkeley của nhà văn là một kỷ niệm vui. Cảm ơn nhà văn về buổi nói chuyện hôm nay.

 

   Số lần đọc: 207

Vài Dòng Tiểu Sử

0

 – Sinh năm 1940 tại Bình Định, miền Trung Việt Nam.

– Học trung học ở trường Cường Để Qui Nhơn, trường Võ Tánh Nha Trang và trường Chu Văn An Sài Gòn (2)

– Học một năm ở Đại Học Văn Khoa Sài Gòn rồi ra Huế học Đại học Sư phạm ban Việt Hán

– Tốt nghiệp thủ khoa Đại học Sư phạm Huế năm 1963, khóa Nguyễn Du (1)

– Dạy học tại trường Đồng Khánh Huế (1963-1965), trường Cường Để Qui Nhơn (1965-1973)

– Là Chánh Sự Vụ Sở Học Chánh tỉnh Bình Định (1973-1974) và làm chuyên viên nghiên cứu giáo dục Bộ Giáo Dục, Sài Gòn (1974-1975) (2)

– Bắt đầu viết văn năm 1971, đã cộng tác với các tạp chí Bách Khoa, Văn, Thời Tập, Ý Thức.

– Vượt biển tị nạn năm 1981 qua ngả Nam Dương, đến định cư tại Hoa Kỳ cuối năm 1982.

– Cộng tác với các báo Đồng Nai, Việt Nam Tự Do, Người Việt, Văn, Văn Học Nghệ Thuật.

– Chủ bút tạp chí Văn Học, California, Hoa Kỳ, từ 1986 đến tháng Tám /2004.

– Định cư tại thành phố Westminster thuộc quận Orange, California, cùng với gia đình.

– Qua đời lúc 22 giờ 15 phút  ngày 2 tháng Bảy năm 2012 (ngày giờ địa phương ở California) tại tư gia ở Westminster, California.

Chú thích:

(1) Gìn Vàng Giữ Ngọc, Hà Thúc Hoan, 2006

(2) Nguyễn Mộng Giác với Phạm Phú Minh và Trần Doãn Nho

   Số lần đọc: 20332

Danh Sách Tác Phẩm

0

1. Tác phẩm xuất bản tại miền Nam trước năm 1975:

Nỗi băn khoăn của Kim Dung (tiểu luận, nxb Văn Mới, Sài Gòn 1972)
Bão rớt (tập truyện ngắn, nxb Trí Đăng, Sài Gòn 1973) *
Tiếng chim vườn cũ (truyện dài, nxb Trí Đăng, Sài Gòn 1973)
Qua cầu gió bay (truyện dài, đăng trên tạp chí Bách Khoa từ số 350 đến số 357, nxb Văn Mới, Sài Gòn, in thành tập năm 1974)
Đường một chiều (truyện dài, Giải thưởng Trung tâm Văn bút Việt Nam, 1974, nxb Nam Giao, Sài Gòn 1974)

2. Tác phẩm xuất bản ở hải ngoại:

Ngựa nản chân bon (truyện ngắn, nxb Người Việt, Hoa Kỳ 1984)
Xuôi dòng (tập truyện ngắn, nxb Văn Nghệ, Hoa Kỳ 1987)

Mùa biển động (trường thiên tiểu thuyết, nxb Văn Nghệ, Hoa Kỳ, xuất bản từ 1982-1989) gồm tất cả 5 tập:

. Những đợt sóng ngầm, 1984
. Bão nổi, 1985
. Mùa biển động, 1986
. Bèo giạt, 1988
. Tha hương, 1989, tái bản lần thứ 6 năm 2001.

Sông Côn mùa lũ (trường thiên tiểu thuyết, 4 tập, viết từ năm 1977-1981)

. Nhà xuất bản An Tiêm (Hoa Kỳ) xuất bản những năm 1990,1991
. Nhà xuất bản Văn Học (Hà Nội) và Trung Tâm Nghiên Cứu Quốc Học tái bản lần thứ nhất năm 1998
. Trung Tâm Nghiên Cứu Quốc Học, nhà xuất bản Văn Học và nhà sách Văn Lang (Sài Gòn) tái bản lần thứ nhì năm 2003
. Nhà xuất bản Văn Học và Nhà sách Thanh Nghĩa tái bản lần thứ ba năm 2007

Nghĩ về văn học hải ngoại (tiểu luận, nxb Văn Mới, Hoa Kỳ 2003)
Bạn văn, một thuở… (tạp luận, nxb Văn Mới, Hoa Kỳ 2005)

3. Tác phẩm chưa xuất bản:

Tình và Đạo trong thơ Hàn Mặc Tử (tiểu luận)
Vào đời (truyện dài), đã đăng một phần trên tạp chí Bách Khoa (Sài Gòn, 1973-1974)
Đêm hoang (truyện dài), đã đăng trên tuần báo Đồng Nai (Hoa Kỳ)
Mây bay về đâu (truyện dài)

4. Những bài viết trên tạp chí Văn Học (California, Hoa Kỳ):

– Đất Khách, khúc ngâm trên đất tạm dung. (VH 5)
– Nguyễn Hiến Lê trong đời tôi (VH 8&9)
– Thư gửi một người bạn trẻ (VH 11)
– Thư mùa xuân gửi người bạn trẻ (VH 12-13)
– Đàm thoại với nhóm Thế Hệ ở Houston (VH 15)
– Tìm hiểu thế giới nhân vật của Võ Phiến (VH 19)
– Tạ ơn đời, tạ ơn anh (VH 21)
– Doãn Quốc Sỹ, người anh khả kính (VH 31)
– Những ý nghĩ về một bài báo đăng trên Đoàn Kết (VH 38)
– Lời cuối cho một bộ trường thiên (VH 42) (phụ lục của bộ Mùa Biển Ðộng)
– Nhìn lại một chặng đường (VH 45)
– Đôi điều suy nghĩ khi đọc sách báo xuất bản ở Việt nam hiện nay (VH 49)
– Phan Huy Ích ở Phú Xuân (trích Sông Côn Mùa Lũ, VH 55 9/1990)
– Góp ý về một cách nhìn ( VH59&60)
– Đọc lại thơ Tuệ Sỹ(VH65)
– Chaka (VH 70-71)
– Lại bàn một chuyện cũ ( thiếu VH 74)
– Bệnh hoang tưởng. Câu chuyện văn học (VH 76)
– Mùa Vu lan, nghĩ về mẹ (VH 77)
– Cơn khủng hoảng của truyện ngắn (VH 79)
– Nhìn lại một năm sinh hoạt văn học và xuất bản hải ngoại (VH 80-81)
– Văn học lưu vong hay văn học di dân (VH 99)
– Khả năng và Triển vọng của văn học hải ngoại (VH 103)
– Chúc Tết (VH 105-106)
– Vài ghi nhận về sinh hoạt văn chương và xuất bản năm 1994 (VH 105-106)
– Trời xanh bên kia sông (VH 108)
– Hai mươi năm văn xuôi hải ngoại (VH 109)
– Viết về chiến tranh Việt Nam (VH 115)
– Những chim báo bão ( VH 114&115)
– Nhìn lại một năm văn chương (VH 117-118)
– Hoạt cảnh của ngày xuân (VH 129-130)
– Ði với Về, cùng một nghĩa như nhau (VH 133)
– Đi vào cõi thơ Khoa Hữu (VH 141-142)
– Nỗi cô đơn lớn lao của Mai Thảo (VH 143)
– Kho tàng của quá khứ (VH 149)
– Tình trạng lão hoá trong sinh hoạt văn học (VH 153-154)
– Đọc Tâm Thanh, từ một góc riêng (VH 159)
– Đọc “Chân mang giày số 6” (VH 160)
– Ðọc Miêng (VH 161)
– Hai con đường vào đời, vào thơ (VH 162)
– Đọc “Tùy bút” của Trúc Chi (VH 164)
– Đọc “Về với biển cả” của Hoài Mỹ (VH 177-178)
– Mười sáu năm nhìn lại (VH 181)
– Thực chất và huyền thoại (VH 183)
– Vài ghi nhận khi đọc truyện Phạm Hải Anh ( VH 193)
– Đọc “Con Nữ”, tập truyện của Đỗ Quỳnh Dao (VH 197)
– Thảo luận về tiểu thuyết lịch sử ( VH197)

5. Các bài đăng trên các tạp chí khác

– Đọc Lại Hoàng Đạo
– Ðồng hồ dừng lại từ 30.4.1975
– Huế, nơi để tưởng nhớ
– Huyền thoại Mẹ
– Khẩu Nghiệp
– Kỷ niệm về hai câu đối
– Ngày Xuân con én đưa thoi
– Ngày xuân nghĩ về quê hương
– Ngô Thì Nhậm, Khuôn Mặt Trí Thức Lớn Thời Tây Sơn
– Nhìn lại những trang viết cũ
– Những Ảo Tưởng Một Thời
– Những Vết Rạn Đời Thường
– Sống và viết tại hải ngoại
– Tám Khùng
– Tản mạn về biến cố 11 tháng Chín
– Văn chương của Võ Phiến “đứng” được với thời gian
– Đọc Phạm Việt Châu, hai mươi lăm năm sau…
– Nghĩ về Bùi Giáng, Hàn Mặc Tử và Thanh Tuệ!
– Trinh Vương, một kỷ niệm đẹp
– Ngày đứa con hoang trở về

6. Thư riêng

– Thư Gởi Vũ Phan Long
– Thư gửi Anh Lương Thư Trung

 

 

   Số lần đọc: 21596

Sông Côn Mùa Lũ – Tóm Lược

4-10-1977: Bắt đầu tìm tài liệu

24-5-1978: Bắt đầu viết chương I Sông Côn Mùa Lũ

1-3-1981: Viết xong chương cuối lúc 10 giờ 25 đêm tại Sài Gòn.

TÓM LƯỢC

PHẦN I: VỀ AN THÁI

Chương 1: Năm 1765, sau khi Trương Phúc Loan giết quan nội hữu Trương văn Hạnh, giáo Hiến đem gia đình (gồm vợ và năm con, bốn trai một gái) trốn khỏi Phú xuân bằng thuyền. Ra đến cửa khẩu bị chặn lại, giáo Hiến ghé thăm người bạn cũ là sư cụ chùa Hà Trung. Sau đó, theo đường bộ, họ vượt đèo Hải Vân vào Qui Nhơn. Tâm trạng giáo Hiến khi đứng trên đỉnh đèo nhìn xuống phía nam.

Chương 2: Về đến bến Gò Bồi. Trên đường lên An Thái quê vợ của giáo Hiến, ông gặp một người làm việc của biện Nhạc tên Lợi. Đến An Thái, cả gia đình tạm cư nhờ sự giúp đỡ của Hai Nhiều, người anh cùng cha khác mẹ của bà giáo.

Chương 3: Cảnh sống của gia đình ông giáo ở vùng đất mới. Giao tiếp ban đầu với dân An thái. Sự giúp đỡ của họ. Sự vị nể của dân địa phương đối với một ông đồ thất thế từ kinh đô vào. Tính tình và công việc của mấy đứa con: Kiên, Chinh, An, Lãng, Út.

Chương 4: Đời sống gia đình ông giáo tạm ổn định. Bà giáo bệnh nặng từ khi vào An Thái, sau một thời gian nằm liệt giường mê man, đã từ trần. Đám tang bà giáo. An có kinh nguyệt lần đầu đúng hôm mẹ mất, hãi hùng trước một tương lai bất trắc mơ hồ.

Chương 5: Đối phó với bọn chức dịch tham lam ở An Thái. Qua Lợi, giáo Hiến làm quen với biện Nhạc. Nguyễn Nhạc nhờ ông giáo dạy học cho hai cậu em Lữ và Huệ. Kiên đến tuổi sung quân, phải tạm lánh lên Tây Sơn thượng coi sóc trạm trầu cho biện Nhạc. Cha con, anh em chia tay nhau.

Chương 6: Lớp học của ông giáo Hiến. Lễ khai tâm cho Lữ, Huệ. Lữ học hành tầm thường trong khi Huệ tỏ ra thông minh xuất sắc. Bài tựa truyện du hiệp trong Sử ký Tư Mã Thiên khiến Huệ ngờ vực vai trò của đạo Nho. Trong khi đó, cả vùng Tuy Viễn được mùa, nhờ thế gia đình ông giáo sống được một năm ổn định.

Chương 7: Các câu hỏi của Huệ khiến ông giáo băn khoăn, bắt đầu nghi ngờ nền tảng trung quân của mình. Biện Nhạc xuống thăm ông giáo, nói xa nói gần đến chí hướng mình và ý định nhờ ông giáo làm quân sư.

Chương 8: Lợi chăm sóc giúp đỡ gia đình giáo Hiến. An có cảm tình với Lợi. Cô bé so sánh tính tình Lợi và Huệ. Những kình cãi vụn vặt giữa gia đình Hai Nhiều và gia đình giáo Hiến.

Chương 9: Ông giáo được tin Kiên bị hành hung trên Tây Sơn thượng. Ông vội lên trường trầu thăm con. Nguyên nhân vụ hành hung. Cảm tưởng đầu tiên của giáo Hiến giữa những người bất đắc chí trốn đồng bằng lên nương náu ở trường trầu.

Chương 10: Kẻ hành hung Kiên trốn vào rừng bị cọp ăn. Xác kẻ bất hạnh được tìm thấy, tạo nên sự căm phẫn đối với Kiên. Kiên bị đám đông phẫn nộ bao vây, nhờ có Chinh và Mẫm cứu thoát. Sự hoang mang của Kiên. Ông giáo đành phải mang Kiên xuống lại An Thái.

Chương 11: Hai cha con ông giáo về An Thái. Lớp học ông giáo chỉ còn một người học trò là Nguyễn Huệ. Khắp vùng đói kém, trộm cướp xảy ra hằng đêm. Ông giáo và Nguyễn Huệ bàn với nhau về thời thế, và Huệ càng thêm hoài nghi khả năng của nhà nho.

Chương 12: Kiên bị bắt lính. Thái độ của họ hàng láng giềng đối với gia đình ông giáo sau khi Kiên bị bắt. Cùng lúc đó, gia đình biện Nhạc ở Kiên thành bị quân phủ bao vây, nhà bị đốt. Biện Nhạc đem cả gia đình lên Tây Sơn thượng. Huệ từ biệt ông giáo và An lên Tây Sơn thượng theo anh. Mười hôm sau, Huệ lén xuống An Thái đưa gia đình thầy lên đó tị nạn.

PHẦN II: TÂY SƠN THƯỢNG

Chương 13: Tân Mão 1771.

Địa thế vùng Tây Sơn thượng. Các khó khăn buổi đầu ở căn cứ địa. Nạn khan hiếm muối do cắt đứt liên lạc với đồng bằng. Nỗi hoang mang bơ vơ của ông giáo giữa đám người nghèo khổ hung bạo. Vụ hành quyết một người vô kỷ luật để thị uy của biện Nhạc khiến ông giáo và An rúng động bàng hoàng, trong khi Chinh bị cuốn hút vào bạo lực. Bất đồng giữa biện Nhạc và ông giáo.

Chương 14: Nhạc sai Phạm Ngạn lo việc xây thành phòng thủ, trong khi Huệ lo tập luyện cho các nhóm nghĩa quân chuẩn bị đột kích các đồn quân phủ. Chinh say mê bạo hành, bị ông giáo đập đòn. Dưới Tuy Viễn, gia đình Lợi bị quân phủ tàn sát. Tây Sơn thượng ráo riết chuẩn bị khởi nghĩa. Nhạc bác bỏ “giải pháp hoàng tôn” do giáo Hiến đề nghị.

Chương 15: Giáo Hiến và Huệ bàn nhau về ý nghĩa phải có của hành động khởi nghĩa. Tình yêu còn mơ hồ giữa Huệ và An. Nhạc nhờ giáo Hiến thảo cho một tờ hịch khởi nghĩa, và một lần nữa lại có bất đồng quan điểm trầm trọng. Việc tổ chức các đội nghĩa quân. Bắt đầu xuống núi tấn công các làng cận sơn. Sự khác biệt giữa các đội do Nhạc, Huệ và Tuyết chỉ huy.

Chương 16: Sự lạm dụng bạo hành là nguyên do các thất bại ban đầu. Lãng chán nản xin trở lên Tây Sơn thượng. Dân các làng cận sơn giấu sổ thuế, không dám nhận thóc do nghĩa quân tịch thu của nhà giàu chia cho. Nhạc mời ông giáo xuống hỏi ý kiến, và đồng ý tạm dùng chiêu bài “phò hoàng tôn Dương”.

Chương 17: Huệ về Tây Sơn thượng thúc đẩy việc rèn thêm vũ khí. Thận chế ra được vũ khí mới: hỏa hổ. Huệ ghé thăm An con gái thầy giáo. Hai người nhắc đến thời An Thái, rộn rã với ý tưởng sắp được về quê.

PHẦN III: HỒI HƯƠNG

Chương 18: Tình hình Nam Hà năm Quí Tị (1773) theo nhận định của sử quán triều Nguyễn. Phê phán lối nhận định thiển cận này. Giáo Hiến say sưa với giải pháp hoàng tôn. Nhạc quyết định đánh xuống Kiên thành. Sau khi thành công, xếp đặt lại bản doanh cho có đủ nghi vệ cần thiết. Cuộc hội kiến hợp tác giữa các nhóm lẻ tẻ để hợp nhất lực lượng: biện Nhạc, Nguyễn Thung, Huyền Khê, Tập Đình Lý Tài.

Chương 19: Huệ vượt lệnh anh, dẫn quân chiếm sâu xuống An Thái bị Nhạc quở trách. Huệ ghi nhận sự thay đổi thái độ của anh. Cảnh An Thái sau ngày được giải phóng. Niềm vui mới của Huệ. Mẫm gặp lại được anh ruột. Gia Đình Hai Nhiều về An Thái. Hành động tham lam và sốc nổi của vợ chồng Hai Nhiều.

Chương 20: Lợi về Xuân huề, trả thù nhà. Huyền Khê can thiệp, Lợi bị Nhạc trừng phạt. Cái thế cài răng lược giữa lực lượng Tây Sơn thượng và Nguyễn Thung, Tập Đình Lý Tài.

Chương 21: An và Lãng xuống thăm cha ở trại Kiên Thành, rồi về An Thái. An chứng kiến sự tham lam hống hách của vợ chồng Hai Nhiều. An và Lãng tìm lại dấu tích kỷ niệm cũ. Huệ đến thăm, bàn luận với hai chị em về các triển vọng mới. An thao thức đau khổ vì tưởng Huệ đã thay đổi.

Chương 22: Ban tham mưu của Nhạc chuẩn bị kế hoạch đánh phủ Qui Nhơn.

Chương 23: Nghĩa quân đánh phủ Qui Nhơn. Chiếm hai kho Càn dương và Nước ngọt. Khâm sai Lạng bị anh ruột của Mẫm giết. Cảnh hỗn loạn ở phủ Qui Nhơn. Tiệc khao quân.

Chương 24: Lâu nay Kiên bị giam trong ngục tối tại phủ Qui Nhơn, nay được quân khởi nghĩa giải thoát. Cảm thức tự do đầu tiên. Kiên mạnh dạn đứng ra lo liệu tang ma cho viên cai cơ, ân nhân của mình, sau đó bảo bọc cho vợ con viên cai cơ.

Chương 25: Ông giáo giúp Nhạc ổn định trị an sau chiến thắng. Các ý kiến khác nhau về những việc phải làm, trong đó có việc phân chia các chức vụ. Giáo Hiến ngỡ ngàng thấy cả Kiên lẫn Huệ đều thay đổi. Ông cảm thấy Nguyễn Huệ càng lớn lao hơn, và xa lạ hơn trước.

Chương 26: Kiên đưa vợ con viên cai cơ về An Thái. Cảnh đoàn tụ buồn hiu, ngượng ngập. Hai Nhiều bị ám sát. Không khí khủng bố sau đó tại An Thái. An, Lãng lại hoang mang trước không khí sợ hãi ấy. Họ bàn luận với nhau. An nhắc trọn các ý kiến của Huệ. Lãng theo Huệ xuống sung quân ở đèo Cù Mông.

Chương 27: Các cuộc giao tranh giữa quân Tây Sơn và quân triều sau khi phủ Qui Nhơn mất.

Chương 28: An rời An Thái xuống ở phủ Qui Nhơn. An được các gia đình “quí phái mới” mời dạy nữ công, trang điểm cho con gái họ. An dạy chữ cho Thọ Hương, con gái Nhạc. Kiên về ở hẳn với vợ viên cai cơ tại cái quán gần bến tắm ngựa. Chinh sống buông lung khi dự trận với toán quân Hòa nghĩa ngoài Quảng Nam. Lợi giữ kho nên đủ phương tiện giúp đỡ cho An để gây cảm tình.

Chương 29: Nhạc cho “rước” đông cung Dương về Qui Nhơn. Cuộc nghinh giá long trọng. Cảm giác hụt hẫng của giáo Hiến khi gặp đông cung. Xúc động ban đầu của Thọ Hương. Tình thế gay go của Qui Nhơn: quân Trịnh đã dấn sâu vào Quảng Nam. Quân Gia Định đã chiếm Phú Yên. Giải pháp hoãn binh của Nhạc.

Chương 30: Nguyễn Huệ gửi biếu An tập thơ Đỗ Phủ. Tâm trạng dao động của giáo Hiến trước tình thế khó khăn. Huệ nói với thầy về sự đào thải tất nhiên của lịch sử. Huệ ghé thăm An ở Qui Nhơn. Thọ Hương lo âu khi nghe tin cha sắp gả mình cho đông cung Dương.

Chương 31: Các biện pháp của Nhạc để trấn an dân chúng Qui Nhơn. Đám cưới Thọ Hương và nỗi thất vọng ê chề của Thọ Hương sau ngày cưới. Giải pháp hoàng tôn không giải quyết được tình hình cô lập. Nhạc chọn giải pháp hợp tác với Trịnh. Ông giáo bị ngờ là kẻ phản bội, bắt đầu bị đào thải.

Chương 32: Huệ ở doanh trại đóng trên đỉnh Cù Mông. Niềm tin tưởng lạc quan khác thường của Huệ giữa giai đoạn đen tối. Lợi lợi dụng việc tiếp tế cho quân lính để tìm lợi riêng. Tình cảm ông giáo và An trong cảnh thất sủng và bị cô lập.

Chương 33: Chinh theo đạo quân Hòa nghĩa rút về Qui Nhơn. Cuộc sống phóng đãng của Chinh. Lợi bị Chinh buộc phải chu cấp cho các cuộc rượu thịt của bọn lính vong mạng.

Chương 34: Chiến thắng đầu tiên của Nguyễn Huệ ở Phú Yên. Khắp Qui nhơn dân chúng rộn rã đón tin chiến thắng. Nhạc đứng ra làm mối để ông giáo gả An cho Lợi, vì nhu cầu chính trị. Tâm trạng tuyệt vọng của An trước cuộc hôn nhân bất đắc dĩ.

Chương 35: Đám cưới An tổ chức cùng một lúc với lễ tiếp sắc của chúa Trịnh. Tâm trạng Nguyễn Huệ khi nghe tin An đi lấy chồng. Cuộc đối thoại giữa hai anh em Nhạc Huệ. Tâm sự giữa An và Thọ Hương.

Chương 36: Nguyễn Hữu Chỉnh vào Qui Nhơn lần đầu. Chỉnh giãi bày quan niệm thực tiễn về nhân sinh. Giáo Hiến và Huệ tâm sự với nhau sau lễ cưới của An.

Chương 37: Cảm tưởng xót xa bẻ bàng của An sau đêm tân hôn. Giáo Hiến khám phá ra sự lầm lẫn của mình khi thuận gả An cho Lợi. Vị thế ông giáo ở Qui Nhơn bấp bênh nguy hiểm hơn. Nguyễn Huệ can thiệp với Nhạc để ông giáo được sống yên thân tại Bằng châu. Nguyễn Nhạc xưng vương ở Qui Nhơn.

PHẦN IV: PHƯƠNG NAM

Chương 38: Ở Bằng Châu, giáo Hiến thất chí, lú lẫn thành người bị bệnh tâm trí. An dần dà thích nghe với cuộc sống vợ chồng dung thường. Lợi bị thất sủng do liên lụy với cha vợ, tình nguyện theo quân vào đánh Gia định để lập công. Ông giáo càng ngày càng mất sáng suốt.

Chương 39: Lợi từ Gia Định trở về, nhờ có công mau chóng phục hồi được địa vị cũ. An sinh đứa con trai đầu lòng. Thọ Hương đến thăm An sau thời gian bị khủng hoảng (do đông cung Dương trốn đi). An hỏi thăm tin tức Nguyễn Huệ.

Chương 40: Diễn tiến vụ phản bội của quân Hòa nghĩa (trong đó có Chinh) tại phủ Phú yên năm Ất Mùi 1775. Tâm trạng Chinh sau khi cắt đứt ràng buộc với gia đình và Qui Nhơn. Gia Định vào năm đông cung Dương trốn khỏi Qui Nhơn mới vào Gia Định. Chinh trong hoàn cảnh mới.

Chương 41: Nguyễn Đăng Trường trốn khỏi Qui Nhơn vào nam. Gia Định lo ngại các cuộc tấn công định kỳ của Tây Sơn. Trước khi dẫn quân vào Gia Định, Huệ đến thăm thầy. Giáo Hiến xin học trò nương tay đối với họ Nguyễn Gia Miêu. Huệ gặp lại An sau khi An lấy chồng.

Chương 42: Tình hình phòng thủ ở Gia Định. Nhật ký chiến dịch của Lãng ghi lại diễn tiến cuộc tiến công Gia Định lần thứ hai năm Đinh Dậu. Nguyễn Huệ gặp lại Nguyễn Đăng Trường.

Chương 43: Sau chiến thắng, Lãng tìm tông tích Chinh. Nguyễn Huệ đọc các tài liệu về phong tục, địa thế Gia Định do Lãng sưu tập để tìm giải pháp trị an thích hợp. Huệ bắt được đông cung Dương ở đồn Ba vác. Huệ do dự, nhớ lời cầu khẩn của thầy, trước khi ra lệnh hành quyết Tân Chính vương. Lãng tìm ra xác Chinh ở căn cứ Đông sơn tại Cần thơ. Quyết định của Huệ để cứu danh dự cho gia đình thầy. Duệ tôn bị bắt và bị giết.

Chương 44: Lãng trở về Qui Nhơn. Cái chết của Chinh và của hai chúa khiến giáo Hiến thêm quẫn trí. Thọ Hương sau cái chết của đông cung tại Gia Định. Manh nha mối tình giữa Lãng và Thọ Hương.

Chương 45: Công cuộc xây dựng Hoàng đế thành. Vua Thái Đức xếp đặt để Nguyễn Huệ cưới em gái Bùi văn Nhật, Bùi Đắc Tuyên, để củng cố quyền hành. An sinh đứa con gái thứ hai, đặt tên Thái để nhớ kỷ niệm đẹp thời An Thái.

Chương 46: Diễn biến tình yêu của Lãng. Những cuộc bàn tán chung quanh cuộc hôn nhân của Nguyễn Huệ. Lãng đến quán rượu thăm Kiên, nghe Kiên thuyết lý về quan niệm vạn vật hòa đồng.

Chương 47: Tai biến của gia đình An: Lợi bị bắt giam vì biển thủ khi lo việc cấp lương cho dân phu xây thành. Sự quyền biến của An trước hoạn nạn. An vận động xin tha cho chồng nhưng thất bại.

Chương 48: Quan hệ giữa Lãng và Nguyễn Huệ trong hoàn cảnh mới. Lãng thăm Kiên, lại được giảng giải thêm về khám phá tâm linh của Kiên. Ông giáo Hiến mất. Đám tang có Nguyễn Huệ đi đưa.

Chương 49: Ba anh em Nhạc, Lữ, Huệ nói chuyện với nhau về vai trò nhà nho. Phái bộ Chapman thăm Qui Nhơn. Cuộc bệ kiến của Chapman ở Hoàng đế thành. An biến đổi tính tình do cuộc mưu sinh. Đối thoại của An và Lãng về cuộc đời. An chịu đến gặp Nguyễn Huệ để xin ân huệ tha cho Lợi.

Chương 50: Lợi được phóng thích. An thích nghe hơn với các cuộc làm ăn bất chính của Lợi. Nguyễn Ánh chuẩn bị chống cự cuộc tiến công thường niên của Qui nhơn. Huệ phác họa kế hoạch đánh Gia Định. Ghi chép của Lãng về chiến thắng lẫy lừng này của Nguyễn Huệ trước quân Gia Định (có thêm sự giúp đỡ của các cố đạo). Huệ đọc các ghi chú của Lãng, chê trách những điểm không đồng ý.

Chương 51: Vụ tàn sát Hoa kiều sau cái chết của Phạm Ngạn. Tiếp theo nhật ký chiến dịch của Lãng. Lãng xin xuống Cần Thơ hốt cốt Chinh. Bất đồng giữa Nhạc và Huệ về giải pháp cho Gia Định.

Chương 52: Năm Nhâm Dần 1782. Chỉnh đem gia đình trốn vào Qui Nhơn. Tình hình Bắc Hà do lời thuật của Nguyễn Hữu Chỉnh. Huệ phát biểu ý kiến về Chỉnh. Lãng xin được rời quân ngũ để qua làm việc ở giáo phường, vì không chịu được cảnh chém giết.

Chương 53: Bị dao động, Lãng lại thăm Kiên. Kiên cho biết Nguyễn Lữ cũng chán cảnh bon chen tìm đến Kiên để nghe thuyết giáo. Lợi thay đổi “kỹ thuật” sống, làm thân với Nguyễn Hữu Chỉnh để đón gió.

Chương 54: Em rể Nguyễn Hữu Chỉnh vào Qui Nhơn cho biết tình hình mới nhất ở Bắc hà. Mối nghi ngờ của Tây Sơn đối với Chỉnh. Lãng chính thức về bộ Lễ, làm ở giáo phường.

Chương 55: Chỉnh khuyên Lợi nên theo Nguyễn Huệ để dọn đường cho tương lai. Tin Nguyễn Ánh rước quân Xiêm xâm lăng Gia Định đến Qui Nhơn. Trận Rạch gầm. Xoài mút. Phê phán lối giải thích của sử quan triều Nguyễn. Diễn tiến trận chiến thắng quân Xiêm.

PHẦN V: VƯỢT ĐÈO HẢI VÂN

Chương 56: Lãng viết và cho tập diễn tuồng Chàng Lía. Phản ứng bất lợi của triều đình đối với vở tuồng. An khuyên em nên cẩn thận khi viết một vở tuồng “bình dân”. Suy nghĩ của Lãng về lời chị, về tương lai.

Chương 57: Nguyễn Hữu Chỉnh lại khuyên Lợi nên tiên liệu thời cơ. Lợi đem các tính toán của mình nói với vợ. Tin thắng trận về đến Qui Nhơn. Cuộc tranh cãi giữa hai vợ chồng An Lợi về các tính toán đón gió do Chỉnh truyền cho Lợi.

Chương 58: Cuộc tiếp đón lạnh nhạt của Qui Nhơn đối với đoàn quân chiến thắng khải hoàn. Đêm diễn tuồng Chàng Lía để khao quân bị Nhạc ra lệnh cho ngưng chỉ. Nhạc Huệ tranh luận gay gắt với nhau về vở tuồng. Huệ xin nhà vua cho Lãng trở lại làm thư ký thân cận cho mình.

Chương 59: Nguyễn Phú Như vào Qui Nhơn cho biết tình hình Thuận Hóa. Nhạc, Chỉnh, Huệ bàn kế hoạch đánh Thuận Hóa. Nguyễn Huệ suy nghĩ về vị trí bấp bênh của mình ở Hoàng đế thành.

Chương 60: Bàn kỹ hơn về kế hoạch tấn công Thuận Hóa. Tâm trạng Lãng trước khi theo quân ra bắc. Lãng lại đến thăm Kiên. Ý kiến của Kiên về chiến tranh.

Chương 61: Lợi ra Phú Xuân trước theo kế hoạch chia rẽ hàng ngũ địch của vua Thái Đức. Nhà vua dặn dò Nguyễn Huệ trước khi xuất quân. An dặn dò Lãng. Quận Tạo mắc mưu chia rẽ của Qui Nhơn. Lãng gặp lại Lợi ở Phú Xuân.

Chương 62: Thành Phú Xuân bị bao vây. Cảnh dáo dác náo loạn ở kinh thành. Diễn tiến trận tấn công của Tây Sơn.

Chương 63: Quân Tây Sơn chiếm thành Phú xuân. Cảnh phố phường sau khi thất thủ. Lãng vâng lệnh Nguyễn Huệ gặp dật sĩ Ngô Thế Lân.

Chương 64: Nguyễn Hữu Chỉnh khuyên Nguyễn Huệ nên nhân đà thắng lợi tiến công ra bắc. Băn khoăn của Nguyễn Huệ. Phản ứng của dân Thuận Hóa khi đọc tờ hịch Bắc tiến. Tâm trạng của Trần Văn Kỷ.

Chương 65: Trần Văn Kỷ gặp sư cụ chùa Hà Trung để hỏi về lẽ xuất xử. Trần Văn Kỷ quyết định ra mắt Nguyễn Huệ. Bàn thảo kế hoạch đánh Bắc Hà. Ghi chép của Lãng về cuộc Bắc tiến năm Bính Ngọ. Thăng long sụp đổ trước sức tiến công của Tây Sơn.

Chương 66: Nguyễn Huệ vào Thăng Long, yết kiến vua Lê. Cảnh Thăng Long trong cơn binh lửa. Cái chết của Trịnh Khải. Thái độ đắc chí của Nguyễn Hữu Chỉnh khi trở lại kinh đô.

Chương 67: Chỉnh e ngại trước thái độ cố chấp của sĩ phu Bắc Hà. Tâm trạng Nguyễn Huệ ở Thăng Long. Vua Lê Hiển tôn thiết triều để chính thức tiếp kiến Nguyễn Huệ. Nguyễn Huệ cưới Ngọc Hân công chúa.

Chương 68: Tâm trạng Ngọc Hân đêm hợp cẩn. Tâm trạng Nguyễn Huệ. Vua Lê băng hà.

Chương 69: Vua Thái Đức ra Thăng Long. Hai anh em nói chuyện với nhau. Ngọc Hân ra mắt vua anh. Vua Thái Đức tiếp kiến sĩ phu Bắc Hà. Vua Lê Chiêu Thống và vua Thái Đức gặp nhau.

Chương 70: Dư luận dân chúng Thăng long trước các biến cố. Lợi vui chơi trác táng ở Thăng Long. Vua Thái Đức lừa Nguyễn Hữu Chỉnh để bỏ Chỉnh lại Bắc Hà, đột ngột rút quân về nam.

Chương 71: Quân vào đến dinh Vĩnh. Vua Thái Đức và Nguyễn Huệ bàn luận với nhau về Nghệ An. Chỉnh theo kịp đến dinh Vĩnh. Đến Lũy Thầy. Tinh thần quân sĩ lúc nghỉ lại Lũy Thầy. Lãng cùng với Nguyễn Huệ thăm quân sĩ. Hai người tâm sự với nhau khi đứng trên lũy nhìn ra phía bắc.

PHẦN VI: PHÚ XUÂN
Chương 72: Về đến Phú Xuân. Dân Thuận Hóa nô nức mừng chiến thắng. Lễ khao quân. Mối bất hòa giữa Nhạc Huệ bắt đầu biểu lộ. Vua Thái Đức công khai trách mắng các tướng lãnh theo phe em. Nhà vua trở về Qui Nhơn.

Chương 73: Ác mộng của công chúa Ngọc Hân. Nguyễn Huệ do dự trước khúc quanh quan trọng của lịch sử. Nguyễn Huệ suy nghĩ về Ngọc Hân. Nguyễn Huệ hỏi ý kiến Trần văn Kỷ về giải pháp cho Bắc Hà. Kỷ nhắc đến La sơn phu tử. Lãng tháp tùng phái bộ Phú Xuân ra Nghệ An mời Nguyễn Thiếp tham chính.

Chương 74: Vua Thái Đức về Hoàng đế thành, giận lây gia đình các tướng đã theo Huệ, trong đó có gia đình An. Bắt đầu biện pháp khủng bố, quản thúc. Lễ phong vương cho Nguyễn Lữ. Lữ lại tìm đến Kiên để an tâm. Lời khuyên của Kiên.

Chương 75: An trốn ra Phú Xuân để tránh khủng bố. Ba mẹ con đến nơi, ngẫu nhiên gặp Lợi ngoài đường phố. An ra mắt Nguyễn Huệ.

Chương 76: Nguyễn Huệ nhận được thư phúc đáp của La sơn phu tử. Nguyễn Huệ bực dọc trước thái độ cố chấp của bọn nhà nho trung quân hẹp hòi. Tâm trạng Trần Văn Kỷ. Lãng đến thăm An. Hai chị em bàn với nhau về lời lẽ hỗn xược trong bài hịch chống Qui Nhơn. Nhận định về nguyên nhân vụ “nồi da xáo thịt” giữa hai anh em Nhạc Huệ. Nỗi cơ đơn của Nguyễn Huệ trước quyết định bất đắc dĩ.

Chương 77: Vũ văn Nhậm báo cáo tình hình Bắc Hà. Sứ bộ Trần Công Xán vào Qui nhơn đòi Nghệ An. Cuộc tiếp sứ. Quyết định của Nguyễn Huệ.

Chương 78: Mô tả cung điện của chúa Nguyễn ở Phú Xuân. Công cuộc sửa sang cung điện cũ để làm cung điện cho vương triều mới. Vai trò mới của Lợi. Gia đình Nguyễn Huệ đã ra Phú Xuân. Vai trò trung gian của An giữa Hoàng hậu và Ngọc Hân công chúa. Cảnh sung túc của gia đình Lợi. Cuộc hội kiến đáng ngại giữa Hoàng hậu và Ngọc Hân.

Chương 79: Trở lại nhân vật Kiên. Kiên trở thành một “đạo sĩ” được dân chúng Qui Nhơn kính nể. Nếp sống yên tĩnh của Kiên bị đảo lộn vì có người bà con viên cai cơ từ Gia Định ở chung. Kiên sợ bị lôi cuốn vào âm mưu tạo phản, trốn khỏi Bằng châu lên lập am ở An Thái.

Chương 80: La sơn phu tử lại gửi thư từ chối cộng tác với Nguyễn Huệ. Trần văn Kỷ thảo lá thư mời thứ ba. Phe Bùi Đắc Tuyên tranh mối làm ăn với Lợi, tìm cách hại Lợi. Hình bộ thượng thư Hồ Công Thuyên được phái đem thư ra mời La sơn phu tử.

Chương 81: Vụ mưu phản ở Qui Nhơn bị khám phá. Bùi Đắc Tuyên lợi dụng cơ hội lại tìm cách hại Lợi. Lãng xin thụ giáo quan Trung thư Trần văn Kỷ. Hai người bàn nhau về lẽ chính thống. Tình yêu sôi nổi của Lãng đối với cô con gái con Trần Văn Kỷ.

Chương 82: Kiên bị bắt giam. Nguyễn Lữ đến thăm Kiên tại nhà ngục. ở Hoàng đế thành, vua Thái Đức chán nản bỏ cả thiết triều. Lữ xin nhà vua tha chết cho Kiên.

Chương 83: Vợ chồng Lợi cố vận động để thoát nạn. Lo sợ, Lợi định trốn vào Gia định. Một lần nữa, Lợi thoát nạn. Lãng thố lộ tâm sự với chị.

Chương 84: Trên đường ra Bắc giết Nhậm, Nguyễn Huệ gặp La sơn phu tử. Nguyễn Huệ nổi giận vì bọn hủ nho cố chấp. Đến Thăng long, Nguyễn Huệ ra lệnh giết Nhậm, rồi xếp đặt lại các quan chức.

Chương 85: Nguyễn Huệ tiếp kiến giới sĩ phu Bắc Hà. Ngô Thì Nhậm ra mắt riêng Trần Văn Kỷ, hai người tâm sự về văn chương, thời thế, lẽ xuất xử của nhà nho. Nhậm được Nguyễn Huệ tin dùng. Cảnh Thăng Long qua mắt Lãng.

Chương 86: Phan Huy Ích vào Phú Xuân. Tâm trạng của Phan Huy Ích. Tình bạn giữa Phan Huy Ích và Trần Văn Kỷ. Sự lạc loài của Ích ở triều đình. Ích được giao tra xét vụ án gạo. Phạm Văn Hưng đem tin buồn từ Gia Định về. Nguyễn Huệ tiếp Kỷ và Ích bàn luận về lẽ trung quân và chính thống.

Chương 87: Vụ gạo thêm rắc rối. Các tranh chấp nội bộ giữa các phe phái ở Phú xuân. Bất lợi của phe Bùi Đắc Tuyên. Lãng được gặp mặt và nói chuyện với con gái Trần Văn Kỷ lần đầu. An báo cho Lãng biết cô Cúc con Trần Văn Kỷ có bệnh nan y. Lãng hoang mang tự tìm hiểu mình.

Chương 88: Phan Huy Ích được trở về bắc làm việc với anh vợ là Ngô Thì Nhậm. Buổi tiệc tiễn hành đạm bạc. Trần Văn Kỷ phân tích thái độ ngập ngừng của Phan Huy Ích. Lại tranh luận về chính thống. Phan Huy Ích từ biệt Nguyễn Huệ. Nhà vua nghi ngờ khả năng của nhà nho.

Chương 89: Ngô Thì Nhậm qua mắt Phan Huy Ích. Nhậm cho Ích đọc thư chửi bới mình của bọn hủ nho Bắc hà. Tâm sự giữa hai người.

Chương 90: Thái độ của các nho sĩ Bắc Hà trước lời mời hợp tác của đại tư mã Ngô Văn Sở, trong lúc có tin Chiêu Thống đang rước quân Thanh về xâm lăng đất tổ. Ban tham mưu Tây sơn bàn chuyện chống giữ. Cuộc họp mặt của giới sĩ phu Bắc Hà trước nạn xâm lược. Tâm trạng xấu hổ tủi nhục cho nghiệp nho của Nhậm.

Chương 91: ở Phú Xuân, An được Ngọc Hân nhờ vào cung thêu áo bào cho Nguyễn Huệ. Lợi tham gia vào vụ đốt kho thóc, giữa lúc Nguyễn Huệ chuẩn bị lên ngôi đế. Lợi bị bắt và bị hành quyết.

Chương 92: Tình cảnh mẹ con An sau khi Lợi chết. Lãng dẫn chị và hai cháu đi thăm mộ. Phú xuân nhận được tin quân Thanh đã chiếm Thăng Long. Tâm sự giữa An và Lãng trước hôm làm lễ đăng quang.

Chương 93: Lễ đăng quang sáng 25 tháng 11 Mậu Thân (1788) và sau đó là lễ xuất sư. Lãng tìm chị và hai cháu không được, theo đại quân ra bắc.

Chương 94: Vua Quang Trung ghé Nghệ an vời La sơn phu tử đến hỏi ý kiến. Sự thay đổi quan niệm của Nguyễn Thiếp. Cuộc tuyển binh ở Thanh Nghệ. Nhà vua phủ dụ ba quân.

Chương 95: Đến đèo Ba dội. Các tướng lãnh và văn thần báo cáo tình hình Bắc hà. Bàn luận kế hoạch tiến công. Lãng cho nhà vua biết ba mẹ con An đã trốn khỏi Phú Xuân.

Chương 96: Diễn tiến chiến thắng năm Mậu Thân từ lúc xuất phát ở đèo Ba dội cho đến lúc toàn thắng. Vua Quang Trung vào Thăng long. Quang cảnh cung điện vua Lê. Cảnh nô nức của dân chúng. Lãng đề nghị diễn tuồng Chàng Lía để khao quân. Nguyễn Huệ gạt đi y như Nguyễn Nhạc đã làm sau khi thắng quân xâm lược Xiêm ở Rạch gầm, Xoài mút.

PHẦN KẾT TỪ

Chương 97: Trở lại An ở Phú Xuân. Ba mẹ con trốn đi không được do biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt trong lễ đăng quang. Các cuộc bàn tán ở trong quán về cuộc bắc tiến diệt xâm lăng. An nghe nhắc đến Bến Ván. Tâm sự của bà chủ quán có con trai và chồng sung quân dẹp giặc.

Chương 98: Mô tả Bến Ván như một vùng đệm vô chính phủ do sự nhường nhịn hoặc né tránh giữa hai anh em Nhạc Huệ. Gia đình An tạm ổn định ở Bến Ván. An lẻn về An thái tìm Kiên… Hai anh em gặp nhau. Kiên thuật lại cái chết của Nguyễn Lữ và tình hình dao động của Qui Nhơn. An hỏi anh về tương lai. Kiên thú nhận sự lừa đảo của mình.

Chương 99: Lãng sau chiến thắng Xuân Kỷ Dậu trở về Phú Xuân, dần dần bị đào thải, thành người bất đắc chí. Nếp sống buông thả bất chấp dư luận của Lãng. Lãng sống bám vào một mụ góa hồi xuân có nhiều tai tiếng. Tìm xuống chùa Hà trung học kinh Phật, rồi mê phong lan. Niềm hân hoan của Lãng khi đọc bài Chiếu khuyến nông.

Chương 100: Lãng bỏ mụ góa trở lại đời sống lang bạt. Bị chính các biện pháp khắt khe trong Chiếu khuyến nông đe dọa. Nhận được tin An. Hai chị em gặp nhau ở Bến Ván. Không chịu đựng nổi Bến Ván xô bồ, Lãng trở ra Phú xuân. Lãng tìm quên bằng thú chơi phong lan. Cuối cùng, Lãng mất tích trong một cuộc tìm thứ mặc lan hiếm có.

Chương 101: Nguyễn Huệ mất (1792). Bến Ván đóng cửa đề phòng Qui nhơn. An lấy cớ ra Phú Xuân tìm Lãng, dự đám táng vua Quang Trung một cách vô danh. Trở lại Bến Ván, An bị Phát mắng. Thái (con gái An) có kinh lần đầu. An nói với con gái về sự tiếp nối của đời sống.

   Số lần đọc: 7083

Sông Côn Mùa Lũ – Tài Liệu Tham Khảo

1. Hoàng Lê nhất thống chí: Ngô gia văn phái. Hai bản dịch:

a. Bản của Ngô Tất Tố. Phong trào văn hóa tái bản, Sài gòn 1969.

b. Bản của Nguyễn Đức Vân, Kiều Thu Hoạch. Nhà xuất bản Văn học, Hà nội 1970.

2. Tìm hiểu thiên tài quân sự của Nguyễn Huệ. Nguyễn Lương Bích và Đặng Ngọc Phụng. Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, Hà nội 1971.

3. Lịch sử nội chiến ở Việt nam từ 1771-1802. Tạ Chí Đại Trường. Nhà xuất bản Văn học sử, Sài gòn 1973.

4. Tây sơn Việt nam thời bành trướng. Nguyễn Phương. Nhà sách Khai Trí, Sài gòn 1968.

5. Kinh tế và xã hội Việt nam dưới các vua triều Nguyễn. Nguyễn Thế Anh, nhà xuất bản Lửa Thiêng Sài gòn.

6. Việt sử xứ Đàng Trong (1558-1777). Phan Khoang. Nhà xuất bản Khai Trí, Sài gòn 1970.

7. Đại nam chính biên liệt truyện. Phần Ngụy Tây. Bản dịch của Viện Khảo cổ. Phủ Quốc vụ khanh đặc trách văn hóa, Sài gòn 1970.

8. Bản triều bạn nghịch liệt truyện. Kiều Oánh Mậu. Bản dịch của Trần Khải Văn. Bộ Quốc gia giáo dục, Sài gòn 1963.

9. Lịch triều tạp kỷ. Ngô Cao Lãng. Bản dịch của nhà xuất bản Khoa học xã hội, Hà nội 1975.

10. Đại Việt sử ký toàn thư. Ngô Sĩ Liên. Bản dịch của Cao Huy Giu. Nhà xuất bản Khoa học xã hội, Hà nội 1973.

11. Đại Việt quốc thư. Bản dịch của Hoàng văn Hòe, Đình Thụ. Bộ Quốc gia giáo dục Sài gòn xuất bản 1967.

12. Phủ biên tạp lục. Lê Quí Đôn. Tập 1 bộ Lê Quí Đôn toàn tập. Nhà xuất bản Khoa học xã hội, Hà nội 1977.

13. Thượng kinh ký sự. Lê Hữu Trác. Nhà xuất bản KHXH, Hà nội 1977.

14. Kiến văn tiểu lục. Lê Quí Đôn. Bản dịch của Lê Mạnh Liêu, Đàm Duy Tạo. Bộ Quốc gia giáo dục xuất bản, Sài gòn 1963-1965.

15. Hải ngoại ký sự. Thích Đại Sán. Viện Đại học Huế xuất bản 1963.

16. Phương đình dư địa chí. Nguyễn văn Siêu. Ngô Mạnh Nghinh dịch. Nhà xuất bản Tự do, Sài gòn 1958.

17. Những đại lễ và vũ khúc của vua chúa Việt nam. Đỗ Bằng Đoàn, Đỗ Trọng Huề. Nhà xuất bản Hoa Lư, Sài gòn 1968.

18. Sử ký Tư Mã Thiên. Bản dịch của Nhượng Tống. Tân Việt xuất bản, Sài gòn 1964.

19. La sơn phu tử. Hoàng Xuân Hãn. Nhà xuất bản Minh Tân, Paris 1952.

20. Tuyển tập thơ văn Ngô Thì Nhậm quyển 1,2. Nhà xuất bản Khoa học xã hội, Hà nội 1978.

21. Dụ am ngâm lục. Phan Huy Ích. Nhà xuất bản Khoa học xã hội, Hà nội 1979.

22. Khâm định Việt sử thông giám cương mục. Bản dịch của viện Sử học. Nhà xuất bản Khoa học xã hội, Hà nội.

23. Quang Trung, anh hùng dân tộc. Hoa Bằng. Nhà xuất bản Bốn Phương, Sài gòn 1958.

24. Bút nghiên. Chu Thiên. Nhà xuất bản Đồ Chiểu Sài gòn tái bản 1968.

25. Tây sơn Nguyễn Huệ. Kỷ yếu hội nghị nghiên cứu phong trào nhân dân Tây sơn và anh hùng Nguyễn Huệ. Ty Văn hóa và Thông tin Nghĩa bình xuất bản 1978.

26. Đường thi. Ngô Tất Tố tuyển dịch. Nhà xuất bản Khai Trí Sài gòn.

27. Chinh phụ ngâm khúc. Đoàn thị Điểm diễn nôm. Nhà xuất bản Tân Việt 1958.

28. Thơ Đỗ Phủ. Trần Xuân Đề. Nhà xuất bản Giáo dục, Hà nội 1975.

29. Việt nam Phật giáo sử lược. Thích Mật Thể. Phật học viện Trung phần ấn hành 1960.

30. Việt nam văn học sử yếu. Dương Quảng Hàm. Bộ Quốc gia giáo dục xuất bản, Sài gòn 1961.

31. Nước non Bình định. Quách Tấn. Nhà xuất bản Nam Cường, Sài gòn 1968.

32. Tang thương ngẫu lục. Phạm Đình Hổ và Nguyễn Án. Trần văn Ngoạn trích dịch: Nam Phong tạp chí I, IV. Nguyễn Hữu Tiến dịch: Nam Phong tạp chí IV, V.

33. Vũ trung tùy bút. Phạm Đình Hổ. Nguyễn Hữu Tiến dịch. Nam Phong tạp chí V, XXỊ

34. Việt nam sử lược. Trần Trọng Kim. Nhà xuất bản Tân Việt, Sài gòn 1956.

35. Chapman và Berland H. Relation d’un voyage en Cochinchine en 1778. BSEỊ XXIII/2, 1948.

36. La révolte et la guerre de Tay Son d’après les Franciscains Espagnols de Cochinchine, Taboulet G., BSEI, XV/3-4, 1940.

37. Pierre Poivre. Bài của Malleret đăng trên EFEO, 1974.

38. Tạp chí Sử Địa, Sài gòn các số:

– 9 và 10, 1968. Đặc khảo về Quang Trung.

– 13, 1969. Kỷ niệm chiến thắng xuân Kỷ dậu.

– 21, 1971. Hai trăm năm phong trào Tây sơn.

39. Khảo cổ học tạp chí, Hà nội 1977, số 4 có bài:

– Đồn lũy trên đất Tây sơn của Vũ Minh Giang. – Hoàng đế thành của Phan Huy Lê.

40. Thơ Nghiên Hoa Mộng. Hư Chu. Nhà xuất bản Nguyễn Hiến Lê, Sài gòn 1956.

41. Tục ngữ Việt nam. Chu Xuân Diên, Lương văn Đan, Phương Tri biên soạn. Nhà xuất bản Khoa học xã hội, Hà nội 1975.

NGỮ VỰNG DỰA THEO

42. Việt Nam tự điển của Lê Văn Đức, Lê Ngọc Trụ. Nhà xuất bản Khai Trí, Sài gòn 1970.

43. Hán Việt tự điển của Đào Duy Anh. Nhà xuất bản Minh Tân, Paris 1950.

44. Việt ngữ đồng âm của Nguyễn Châu. Bản chép tay chưa xuất bản.

45. Từ điển tiếng Việt. Nhà xuất bản Khoa học xã hội, Hà nội 1977.

ĐỊA DANH DỰA THEO

* Phủ biên tạp lục của Lê Quí Đôn. Nhà xuất bản Khoa học xã hội, Hà nội 1977.

* Đại Nam nhất thống chí. Sử quán triều Nguyễn.

* An Nam đại quốc họa đồ (Tabula Geographica emperii anamitici. AB auctore dictionairii latino-anamitici disposita. 1838.)

* Tài liệu viết tay về thành Gia định xưa của Sơn Nam.

* Lịch sử nội chiến ở Việt Nam từ 1771-1802 của Tạ Chí Đại Trường. (Phần xác minh địa danh các nơi thuộc Gia Định).

   Số lần đọc: 4913

Sống và viết tại hải ngoại

LTS. Bài này in lần đầu trên tạp chí Việt – số 2,1998.

Chủ đề tạp chí Việt nêu ra làm cho tôi tự hỏi: “Mình bắt đầu thực sự ‘sống’ ngoài quê hương từ lúc nào đây?”

Trong “Lời cuối cho một bộ trường thiên”, phụ lục của bộ Mùa Biển Ðộng, tôi có viết: “Sau nhiều lần toan tính ra đi thất bại, đến lần thứ năm tôi mới rời khỏi quê hương. Ngày đó không bao giờ tôi quên: 29-11-1981. Khi chiếc ghe nhỏ đã ra tới ngoài khơi, nhìn vào bờ thấy ngọn hải đăng Vũng Tàu ngày càng xa, lòng tôi quặn thắt, có một phần thân thể và tâm hồn tôi đã chết. Tôi ngồi khóc lặng lẽ, quên cả nỗi sợ chết vì lúc đó sóng dữ, chiếc ghe khi bị đưa lên cao lên đầu ngọn sóng, khi bị đẩy chúi xuống lũng nước sâu. Sau năm ngày sáu đêm trôi trên mặt biển mênh mông, chúng tôi được tàu giàn khoan vớt và đưa vào đảo Kuku Nam Dương ngày 6-12-1981.”

   Số lần đọc: 1048

__404__

Bad karma: we can’t find that page!

You asked for {%sh404SEF_404_URL%}, but despite our computers looking very hard, we could not find it. What happened ?

  • the link you clicked to arrive here has a typo in it
  • or somehow we removed that page, or gave it another name
  • or, quite unlikely for sure, maybe you typed it yourself and there was a little mistake ?

{sh404sefSimilarUrlsCommentStart}It’s not the end of everything though : you may be interested in the following pages on our site:{sh404sefSimilarUrlsCommentEnd}

{sh404sefSimilarUrls}

   Số lần đọc: 97260

Mùa Biển Động – Lời Thưa Trước

Toàn bộ trường thiên tiểu thuyết Mùa Biển Động không phải là một bộ tiểu thuyết lịch sử. Tác giả không có khả năng, mà cũng không có ý định ghi lại các biến chuyển lịch sứ Việt Nam từ 1963 đến nay. Tác giả chỉ mong ước ghi lại biến chuyển tâm trạng của một thế hệ thanh niên trong giai đoạn đó mà thôi.

Cho nên mặc dù tác phẩm có mô phỏng một số mẫu sống, một số nhản vật, một số sự kiện lịch sử có thật, nhưng Mùa Biển Động chỉ là sản phẩm của tưởng tượng. Nhũng người từng tham dự vào các biến động lịch sử trong giai đoạn này chắc chắn thẩy rõ điều đó.

Sở dĩ có lời thưa này, là vì cho đến nay, vẫn còn rất nhiều bạn đọc không muốn phân biệt giữa sự thực lịch sử và sự thực tiểu thuyết.

Đâu là sự thực của đời sống? Đó là điều tác giả quan tâm trước tiên khi dự định viết bộ trường thiên tiểu thuyết này.

Nguyễn Mộng Giác

   Số lần đọc: 5611