Nơi lưu giữ những tác phẩm của Nhà Văn Nguyễn Mộng Giác (1940-2012)

Nơi lưu giữ những tác phẩm của Nhà Văn Nguyễn Mộng Giác (1940-2012)

Trang NhàTruyền ThôngPhỏng VấnPhỏng vấn nhà văn Nguyễn Mộng Giác

Phỏng vấn nhà văn Nguyễn Mộng Giác

Phỏng vấn thực hiện trực tiếp vào tháng 9- năm 2000 tại tư gia nhà văn Nguyễn Mộng Giác, phát thanh ngày 24 tháng 9 năm 2000 trong Chương Trình Văn Học Nghệ Thuật Radio TNVN- FM103.03 MT, và được xuất bản năm 2004 trong tác phẩm- Tác Giả với Chúng Ta (Lê Quỳnh Mai). Tác giả gởi đăng lại trên Thư Viện Sáng Tạo để tưởng niệm ông vừa thất lộc ngày 2- 7- 2012 tại California. USA


Từ trái: Nhà văn Nguyễn Mộng Giác, Lê Quỳnh Mai, chị Nguyễn Khoa Diệu Chi (vợ NMG), Tiến Sĩ Mai Thanh Truyết

LQM: Tập I (Những đợt sóng ngầm) và tập II (Bão nổi) trong 5 tập của trường thiên Mùa Biển Động vừa xuất hiện năm 1984-1985 đã gây nhiều sóng gió. Xin ông cho biết hơn 7 năm hoàn thành bộ sách,nhân vật và tình tiết trong truyên có bị ảnh hưởng gì bởi những biến cố đó không?

NMG: Đây là niềm thích thú trong việc viết trường thiên Mùa Biển Động. Khi cuốn 1 và 2 ra đời, tôi chưa viết cuốn 3,4,và 5, dàn bài chung thì có, hình thành ra sao thì chưa. Nhờ cuốn 1 và 2, tôi đã có hứng thú viết phần sau. Phản ứng của một số độc giả lúc bấy giờ nghĩ rằng tôi viết bộ truyện này với ý định phê phán quân lực VNCH, hay có một ý định nào đó đối với chế độ Ngô Đình Diệm. Nhưng sau này, độc giả thấy rằng dự đoán đó sai và toàn bộ Mùa Biển Động đã có một chủ ý khác hơn là những thiên kiến ban đầu.

Các phần viết về cuộc di tản trên quốc lộ 1, và cuộc rút quân ra khỏi Quảng Trị, Thừa Thiên trong bộ truyện Mủa Biển Động dựa vào hai cuốn hồi ký- Ngày N+ của Hoàng Khởi Phong, và- Tháng Ba Gãy Súng- của Cao Xuân Huy.

LQM: Còn các biến cố khác như Biến Động Miền Trung, Tết Mậu Thân, Mùa Hè Đỏ Lửa, ông có mặt tại Huế lúc đó hay chỉ dựa vào các tài liệu khác?

NMG: Tôi có mặt từ 1960- 1965 khi những gì xảy ra ở Huế về phong trào Phật Giáo.Đây là thời gian tôi học ở Sư Phạm Huế và hai năn dạy học ở trường Đồng Khánh. Nhưng khi biến động Phật Giáo xảy ra ở miền Trung, tôi đã được đổi vào Qui Nhơn, không có mặt ở đó, nên tất cả những gì xảy ra ở Huế, tôi đều tìm hiểu qua nhân chứng tại chỗ, qua thân nhân, qua bạn bè, qua sách báo, không trực tiếp.

LQM: Trường thiên Mùa Biển Động toát lên thân phận bi thảm của con người Việt Nam. Theo ông, đó là do- cộng nghiệp- hay do -tính tình- như ChamFord đã viết; Tính tình là số mạng?

NMG: Khi một người viết về đề tài nào,viết tới hay không, phần nhiều là do người đó có cùng cộng hưởng với những thân phận, với những đau buồn của nhân vật, với thời thế, với không gian mà mình tham dự vào để mình viết tới hay không.Mỗi lần nghĩ đến thân phận xót xa của những người bị đau khổ trong chiến tranh và nhất là các phụ nữ, trẻ em, tôi không quên được và có một sự xúc động lạ lùng. Những xúc động mạnh đó đã ảnh hưởng và thúc đẩy tôi viết.Cho nên gọi là cộng nghiệp cũng có thể đúng, cũng đúng cho động cơ sáng tạo của người viết văn.

LQM: Năm nhân vật nữ trong Mùa Biển Động đều là người Huế. Có phải khi sáng tạo ra họ, ông đã nghĩ đến câu: Học trò xứ Quảng ra thi, thấy cô gái Huế chân đi không đành?

NMG: Lý do đơn giản vì bộ trường thiên Mùa Biền Động lấy cuộc đời chìm nổi của ba gia đình xuất thân tại Huế, nên đương nhiên các nhân vật phải là người Huế.Thành thật mà nói thì đời sống riêng của tác giả cũng có ảnh hường đến lối lựa chọn, mô tả nhân vật. Tôi là học trò xứ Quảng ra Huế thấy cô gái Huế là nhà tôi, và chân đi không rời, nên cuối cùng ở Huế.Việc này đã ảnh hưởng đến lối viết của tôi.

LQM: Trong Mùa Biển Dộng, nhân vật Tường hoạt động cho lý tưởng, sau cùng thất vọng ê chề. Vậy ông có đồng ý với Oscar Wilde rằng: Ở đời có hai điều bất hạnh, bất hạnh thứ nhất là không thành, đạt ước mơi; bất hạnh thứ hai thê thảm hơn là ước mơ thành đạt?

NMG: Ý kiến của Oscar Wilde là ý kiến rất thâm thúy có vẻ như châm biếm đối với những người quá kỳ vọng ở lý tưởng.Thường khi người ta đạt được lý tưởng, thì thấy lý tưởng chỉ là một mớ thực tế lổn nhổn tầm thường. Có nhiều người công kích tại sao tôi lại cho một nhân vậ t(Tường) thiên tả theo cộng sản trở thành nhân vật chính của truyện. Thật ra, tôi dựa vào một số bạn bè để cấu tạo nên nhân vật này.Nhưng nhân vật Tường giống đoạn đầu mà không giống đoạn sau.Ít ra trong đoạn đầu cũng có phần đúng là cái động cơ thúc đẩy cho một số sinh viên và giáo sư Huế thay nhau tranh đấu lúc bấy giờ, họ xem đó là động cơ lý tưởng.Nhưng cái lý tưởng mà họ nghĩ bên cộng sản cung cấp, thật ra chỉ là một cái gì mà sau này họ cảm thấy tất cả sự ê chề, thất vọng.Đó là cái ám ảnh họ suốt đời cho đến ngày nay.

LQM: Đoạn tả cảnh âu yếm giữa Tường và Nam trong Mùa Biển Động hấp dẫn như cảnh Michael Douglas và Glenn Close trong phim Fatal Attraction.Nhưng họa sĩ Võ Đình lại dung chữ- CHAY- khi nhắc về NMG( Rừng Mắm Văn Nghệ, VĐ, xb 2000).Xin ông cho biết ý kiến?

NMG: Một số bạn bè như anh Võ Đình, Thế Uyên, Nguyễn Mạnh Trinh cũng xếp tôi vào loại viết chay. Nhưng xếp như vậy bởi vì họ không đọc kỹ! Tôi coi việc phân biệt chay với mặn (hay rõ rang hơn là đề cập đến dục tính trong tiểu thuyết) không phải là một ý niệm về đạo dức hay luân lý. Tình yêu theo đúng nghĩa của nó phải là tình yêu cộng thêm dục tính.Rất bình thường không có gì phải tránh né.

LQM: Trần Vũ dựa vào tác phẩm Sông Công Mùa Lũ, viết thành truyện ngắn Mùa Mưa Gai Sắc( Cái Chết Sau Quá Khứ, xb 1999) đã tạo nhiều tranh luận.Để viết Sông Côn Mùa Lũ, ông đã xử dụng đến khoảng 50 tài liệu.Theo ông, tài liệu nào chính xác và quan trọng nhất?

NMG: Có hai loại tài liệu mà tôi dung để viết bộ trường thiên tiểu thuyết về xã hội Việt Nam cách đây gần hai thế kỷ.

Những tài liệu mà một người viết tiều thuyết cần là tài liệu liên quan đến lối sống, lối suy nghĩ trong đời sống thực tiễn lúc bấy giờ, ví dụ đàn ông đàn bà ăn mặc như thế nào, sinh hoạt thế nào, đồng tiền họ dung là đồng tiền gì, cách tổ chức làng xã ra sao.Khi tìm tài liệu như vậy, mới thấy người viết tiểu thuyết Việt Nam rất khó khăn trong việc viết tiều thuyết lịch sử. Ở Pháp có thể sờ thấy áo của Napoléon, nhưng Việt Nam thì không. Cuối cùng nguồn tài liệu duy nhất có thể tin cậy được về thời kỳ này là cuốn Phủ Biên tạp Lục của Lê Quý Đôn, vì ông Lê Quý Đôn theo chân quân Trịnh vào chiếm Phú Xuân, trong vòng 6 tháng, ông giữ vai trò lo về việc bình định phát triển của vùng mới chiếm, đồng thời ông cũng ghi nhận lại được hết những sinh hoạt của miền Nam, nên đó là tài liệu gốc quan trọng về sinh hoạt của thế kỷ 18 ở Đàng Trong. Một nguồn tài liệu khác là thư từ giao dịch của các giáo sĩ về thời đó. Còn tài liệu nhận định tổng quát về thời kỳ này, theo tôi, cuốn của nhà sử học Tạ Chí Đại Trường quan trọng nhất, cuốn Lịch Sử Nội Chiến.Đó là những tài liệu chính mà tôi đã xử dụng.

LQM: Ông bỏ thời gian 7 năm để viết trường thiên I Mùa Biền Động dài 1860 trang, và gần 4 năm để viết trường thiên II Sông Côn Mùa Lũ dài 1942 trang.Bao giờ ông cho ra mắt trường thiên III?

NMG: Nếu bắt người đọc từng ấy trang, từng ấy dòng đã là một sự tra tấn quá lớn đối với độc giả,cho nên hành hạ người ta thêm thì không nên vì bây giờ thì giờ quí giá. Nhưng nếu còn sức và sự đam mê như trước, tôi sẽ cố gắng viết hai công trình tạm gọi là khá tham vọng: một bộ sách về văn học hải ngoại và một bộ trường thiên về đời sống hải ngoại.

LQM: Truyện dài Bóng Thuyền Say( Gỉai ThưởngTrung Tâm Văn Bút Việt Nam, 1974), sau khi tái bản, được đổi thành Đường Một Chiều( Văn Nghệ xb, 1989).Xin ông cho biết tại sao lại có sự thay đổi này?

NMG: Sở dĩ có sự thay đổi vì tác phẩm này bị khó khăn về vấn đề kiểm duyệt. Sau khi được giải thưởng Văn Bút, nhà xuất bản Nam Giao đề nghị đổi tên là Bóng Thuyền Say để dễ dàng việc xin giấy phép. Khi tái bản, tôi lấy lại tên cũ là Đường Một Chiều.

LQM: Ông có đồng ý với nhận xét của nhà phê bình lý luận Nguyễn Hưng Quốc tiếp trong Tạp Chí Văn Học số 158: Văn Học Việt Nam là một nền văn học nghiệp dư?

NMG: Mỗi nền văn học của một dân tộc, có số phận riêng của nó. Có muốn hoàn toàn chuyên nghiệp như nền văn học của các nước tân tiến cũng không được, vì người viết không thể nào dùng văn chương để nuôi sống mình, bắt buộc phải nghiệp dư.Theo tôi, quan trọng không phải là nghề mà mình sống được bằng văn chương, mà quan trọng là sự quan tâm của người viết đối với việc hoạt động văn học. Như ông Võ Phiến chẳng hạn, một công chức của thời Saigon cũ và một cựu công chức của Los Angeles, nhưng ông chỉ xem việc mưu sinh là nghiệp dư và chữ nghĩa mới là nghề chính, điều đó mới quan trọng.

LQM: Tản Đà than rằng- Văn chương hạ giới rẻ như bèo- Một nhân vật trong truyện Một Ngày Như Mọi Ngày của ông đã phát biểu- Sách văn học bán ế lắm-(Ngựa nản chân bon,xb 1988, trg 47).Xin ông cho biết về tình hình xuất bản sách văn học hiện nay?

NMG: Lời phát biểu của tôi tuy là hậu sinh, nhưng có khác gì lời của Tản Đà. Đó là sự thực đúng từ cổ chí kim.Trong 25 năm sinh hoạt về xuất bản, báo chí cũng như sáng tác ở hải ngoại, thời kỳ tạm gọi là toàn thịnh của sinh hoạt chữ nghĩa là thời kỳ 1985-1990.Thời kỳ này số tirage, số ấn hành của mỗi cuốn sách cao nhất. Ví dụ nhà xuất bản Văn Nghệ in sách của Nguyễn Hiến Lê, Võ Phiến hay của tôi đến 2000 ấn bản và tiêu thụ hết trong một hai năm.Tình trạng này càng ngày càng xuống. Hiện nay, sách tương đối có nhiều người mua, họ cũng chỉ in khoảng 1000 ấn bản, nhất là thơ và truyện ngắn họ chỉ in 500 ấn bản. Tức là số ấn hành xuống một phần tư. Lý do chính vì số độc giả càng ngày ít đi, lớp trẻ không đọc được vì không biết tiếng Việt hoặc không đủ sức đọc tiếng Việt.Lớp già càng ngày càng mất dần. Tình trạng này xảy ra cho các sắc dân ở Bắc Mỹ, không riêng gì Việt Nam. Có một thời kỳ trong lịch sử Mỹ, người ta bàn nên dung tiếng Anh hay tiếng Đức dể làm quốc ngữ, nghĩa là tiếng Đức thời bấy giờ quan trọng, nhưng bây giờ vai trò ấy trong xã hội Mỹ không còn nữa. Một sắc dân nhập cư trong xứ lạ có nền văn hóa lớn và mạnh như Âu Châu hay Hoa Kỳ, thì tiến trình bị hội nhập không thể tránh khỏi. Theo tôi, dù cố gắng nhưng không thể tồn tại mãi một nền văn chương hải ngoại.

LQM: Ở truyện ngắn Mẹ Trong Lòng Người Đi( Ngựa Nản Chân Bon, trg 1), ông trích dẫn bài Trẻ Thơ của Huyền Không: Chùa xưa mái ngói cũ- Trèo lên nắm cây sào- Đêm khuya rồi không ngủ- Kéo rụng bao nhiêu sao?/ Xin ông cho biết tiều sử, tác phầm của tác giả này.

NMG: Đây là 4 câu thơ của Huyền Không, tức thầy Thích Mẫn Giác, thụ trì chùa Việt Nam tại Los Angeles. Tôi vô tình đọc được trong một tờ báo Phật Giáo tại đảo tị nạn Galang. Trong cái nghịch ngợm có tất cả sự trong sáng của tôn giáo và sự đam mê của văn nghệ. Theo tôi, không có ngây thơ không có đam mê thì không có văn chương không có nghệ thuật. Bốn câu thơ này đến vào giữa khung cảnh của trại tị nạn, tôi đọc là rất thích.Sang đến Mỹ tôi mới biết Huyền Không là bút hiệu của thầy Thích Mẫn Giác.

LQM: Nỗi băn khoăn của cả một thế hệ thể hiện trong những tác phẩm của ông (Nỗi Băn Khoăn của Kim Dung) đã dẫn độc giả đến một cảm giác bơ vơ. Có phải đó chính là cảm giác bơ vơ thật sự từ đáy lòng của nhà văn Nguyễn Mộng Giác không?

NMG: Thông thường tác phẩm đầu tiên của một người viết, trình độ nghệ thuật hay cách diễn tả còn sơ sài, vì đó là tác phẩm chập chững của người mới vào đời. Gần như tác phẩm đầu nói được chất chung của cả một văn nghiệp. Đối với tôi, tiểu luận Kim Dung rất mỏng, viết rất rời rạc, lại là cuốn nói lên được tất cả những ý chính trong những tác phẩm của tôi. Cái băn khoăn trong thời đại của chúng ta tóm gọn trong câu hỏi: Thế nào là chánh, thế nào là tà? Qua Kim Dung, nhân vật chính mà chúng ta tưởng là chính nhân quân tử thực ra là Ngụy quân từ như Nhạc Bất Quần, nhân vật tưởng như tà thì trong cách suy nghĩ của họ rất là quân tử. Kim Dung không phải là người không phân biệt được chánh tà, nhưng ông muốn tìm một cái chánh chính xác,và một cái tà đúng nghĩa của nó, không có chuyện nhập nhằng mạo danh. Đây là câu hỏi áp dụng rất đúng cho thời đại chúng ta, những dân tộc sống với một chế độ đàn áp như chế độ cộng sản và tìm một lối thoát ra. Khi tìm câu trả lời, thì nhiều người đã dùng y phương pháp cộng sản để tìm một giải pháp, như vậy đâu có khác gì cộng sản.Theo tôi, nỗi băn khoăn đó vẫn còn trong đời sống hải ngoại.

LQM: Nhà thơ Phùng Quán đã trả một giá rất đắt khi viết-: Người làm xiếc đi trên dây rất khó nhưng không khó bằng làm nhà văn, đi trọn đời trên con đường chân thật…- Ông cũng diễn tả ý trên trong truyện Trở Lại Gánh Xiếc ( Ngựa Nản Chân Bon, trg 106).Để làm một nhà văn chân thật, ông đã phải trả giá thế nào?

NMG: Thật ra không có nhà văn giả dối.Tại giả dối vì họ viết bài báo đề sống với đời, hay những bài nghị luận hùng hồn để đọc trước công chúng.Sáng tác một tác phầm giả dối thì nó giả và sượng, độc giả biết ngay. Nhưng chân thật thế này thế nọ thì cũng quá đáng, vì đó lá cái giá phải trả của người viết, phải sẵn sàng chấp nhận chuyện đó.

LQM: Truyện ngắn Bầu Ơi Thương Lấy Bí Cùng (Ngựa Nản Chân Bon, trg 122) có câu: Đôi mắt nghệ sĩ có thể nhìn suốt chín cõi- Nhìn như thế, ông thấy đời buồn hay vui?

NMG: Trong tác phẩm tôi có cái nhìn bi quan về đời sống đa số nhân vật nam hay nữ đều có những số phận bất hạnh không tìm ra hạnh phúc. Nhưng trong đời bình thường, tôi thấy sướng hay khổ đều do mình, nếu chấp nhận giới hạn đừng nhiều cao vọng, đừng chờ đợi nhiều người khác, thì cuộc sống cũng dễ dàng chứ không khó khăn như người ta tưởng. Tuy nhiên tôi không giải thích được tại sao đời sống bình thường đơn giản bên ngoài và đời sống tôi diễn tả trong tác phầm có sự khác biệt.

LQM: Nhà văn Phan Nhật Nam viết: Sống thật phiền. Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp viết: Cuộc sống thật buồn. Nhà văn Nguyễn Mộng Giác viết: Được sống lương thiện khó biết mấy( Tìm Nơi Không Gió, bx 1987, trg 50). Theo ông đời có đáng sống không?

NMG: Câu tôi viết: được làm người lương thiện khó biết mấy. Đó là hoàn cảnh sống ở Việt Nam, nhất là từ sau 1975. Người lương thiện quá khó sống, bị đẩy sang bên lề, phải lưu manh luồn lọt mới sống nổi. Ở Việt Nam người lương thiện không có đất sống.Khi mới qua Mỹ, một người bạn dạy học ở Qui Nhơn, lái xe từ Dallas xuống Houston đón lên chơi, anh khoe là bảy năm qua Mỹ mà chưa bị phạt lần nào, hai vợ chồng có việc làm, nhà cửa đàng hoàng, con cái học dại học.Một người bạn quá chân thật và hiền lành, mà sống được như vậy, thì xứ Mỹ là đất có chỗ cho người lương thiện. Theo tôi đó là thước đo trình độ văn minh của một quốc gia nơi nào người lương thiện sống được thì nơi đó đáng sống.

LQM: Truyện ngắn Lẽ Sống của ông có câu: Ước vọng bay lên cao, nhấc chân lên khỏi mặt đất là ước vọng của loài người không phân biệt lớn nhỏ. Kẻ đã lên cao rồi còn muốn lên cao nữa! Họ không biết bong bóng lên cao quá sẽ nổ hay sao?( Ngựa Nản Chân Bon, trg 80). Theo ông, giáo dục tôn giáo hay pháp luật có kềm giữ được quả bóng không cho nó bay lên cao quá không?

NMG: Tôi muốn nói đến tham vọng nhiều hơn là ước vọng, bởi vì ước là vọng, thường không đạt được, không đạt được thì bao giờ cũng đẹp. Còn tham vọng người ta có thể có được trong tay nếu có quyền thế. Kinh nghiệm qua lịch sừ, người đạt được tham vọng thường vong thân và chịu những họa. Câu tôi nhắc trong Sông Côn Mùa Lũ: Làm sao biết dừng lại, dừng lại ở giới hạn mà mình phải dừng lại, điều đó khó vô cùng.Trong Tứ Thư của Đạo Nho gọi là tri chỉ, có nghĩa là biết dừng lại. Theo tôi, nhờ có tôn giáo, luật pháp, qui ước xã hội, nên con người ta biết đâu là lằn ranh phải dừng lại.Nhờ vậy, đời sống có giới hạn và trật tự. Cũng như trong cách cư xử người với người theo truyền thống hay phong tục, phải có những lằn ranh nào đó để cư xử với nhau, đó mới là điều quan trọng.

LQM: Ông khẳng định qua lời viên trung úy rằng: Không thể chấp nhận được cuộc sống không có ý nghĩa (Ngựa Nản Chân Bon, trg 138). Có phải là điều nhân bản mà ông muốn gởi đến độc giả?

NMG: Theo tôi đó là một ước vọng.Tất cả mọi người đều có quyền sống. Nhưng nếu đời sống có ý nghĩa thì cuộc đời sẽ đẹp hơn. Tôi đã dùng ý này trong một đoạn đối thoại trong Mùa Biển Động, khi Ngữ bàn với bạn bè về chuyện vượt biên: Quê hương không phải đơn giản là nơi ta sinh ra lớn lên, nơi có bà con thân thuộc, mà quê hương là nơi mình cảm thấy có ích.Nếu mình không cảm thấy có ích cho quê hương nữa, mình là người bị đối xử như khách lạ, thì nó không còn là quê hương. Mình sống trên quê hương của mình mà là kẻ tha hương. Đó là điều tôi vẫn nghĩ về vai trò và ý nghĩa của cuộc đời.

LQM: Theo thống kê tỉ lệ đổ vỡ trong các gia đình Bắc Mỹ lên đến hơn 50%. Điều đó cũng thể hiện trong một số truyện ngắn của NMG( Chủ Nhật Buồn, Giếng Ước).Theo ông tiên đoán vào thập niên tới, gia đình có còn quan trọng và cần thiết nữa hya không?

NMG: Có hai thời điểm khác nhau:Thứ nhất là gia đình người Việt Nam trong đời sống tị nạn. Qua kinh nghiệm gia đình của một người bạn thân viết văn khi hai vợ chồng đi đến đổ vỡ, nạn nhân không phải là vợ hay chồng không thôi mà còn là mấy đứa con. Tôi đã từng chứng kiến sự đau khổ của những đứa con này, tuy đời sống qua được, nhưng vết thương đó không bao giờ lành. Cho nên trong bất cứ hoàn cảnh nào, hạnh phúc vẫn là một ân huệ đối với trẻ con, và đổ vỡ ở bất cứ thời đại nào cũng là hình phạt đối với nó. Thứ hai sang thế kỷ mới, theo tôi, định nghĩa gia đình phải khác vì đời sống đã khác. Tình trạng người chồng đi làm lo cho cả nhà, người vợ lo việc con cái nội trợ như trước thập niên 50) không còn nữa.Hai vợ chồng cùng đi làm, con cái gởi nhà trẻ, phải sắp xếp mọi thứ thì đã là một mẫu gia đình khác. Mẫu gia đình cha sống với mẹ kế, mẹ sống với chồng kế, con cái cuối tuần này ở với cha, cuối tuần kia ở với mẹ, càng ngày càng phổ biến.Tình trạng gia đình đã thay đổi, ý kiến của tôi thì còn quá sớm để tiên đoán.

LQM: Ông có nhắc đến tài tử Brigitte Bardot, Cyd Charisse ( Đêm Cuối Năm, Xuôi Dòng, xb 1987, trg 15).Ông có mê điện ảnh không? Phim nào ông thích nhất? Nam nữ tài tử nào là thần tượng của nhà văn Nguyễn Mộng Giác?

NMG: Lẽ dĩ nhiên khi mới lớn ai cũng mê điện ảnh, sưu tầm những tờ chương trình là thú vui của thời trẻ. Mỗi lứa tuổi, thì tôi có mẫu tài tử lý tưởng khác nhau. Mới lớn tôi rất mê Tarzan, lớn hơn thì mê hình ảnh anh chàng cướp biển do Burt Lancaster đóng, thời sinh viên thần tượng của tôi là James Dean trong vai trò của người nổi loạn, bây giờ đến tuổi này, tôi vẫn xem phim trên cable. Phim bây giờ thiên về kỹ thuật quá nhiều, phần nhân bản quá it, như phim kiếm hiệp chỉ chú trọng đến phần kiếm và không quan tâm đến phần khí.Theo tôi, đó là khuyết điểm của điện ảnh hiện đại.

LQM: Nữ danh ca Thái Thanh được nhắc đến trong truyện Hương Đêm của NMG ( Xuôi Dòng, trg 74). Ông nghĩ gì về tiếng hát vượt thời gian của làng âm nhạc Việt Nam?

NMG: Cho đến bây giờ tôi vẫn không thay đổi ý kiến về giá trị giọng ca Thái Thanh. Có những ca sĩ mới sau này hoặc ca sĩ ở Việt Nam hát lại những bài nhạc Thái Thanh hát, nhưng không ai vượt qua được giọng ca vừa thanh cao, vừa trong trẻo, và đặc biệt là tình của Thái Thanh gởi vào lời ca. Tôi rất thích nghe Thái Thanh hát,và có tất cả những băng nhạc này.

LQM: Truyện Nguyễn Mộng Giác nhắc đến một số danh họa như Picasso, Modigliani.Ông có mê hội họa như nhà văn Doãn Quốc Sỹ không?

NMG: Tôi trưởng thành tại vùng nông thôn ở Liên Khu 5 trong thời kỳ kháng chiến. Chúng tôi sống và lớn lên trong thời trẻ đầy gian nan ảnh hưởng chiến tranh, cơ hội học hỏi tiếp cận hội họa không có, nên kiến thức căn bản để thưởng thức hội họa không được bao nhiêu.Sau Genève, qua vùng tiếp quản quốc gia học tiếp và đi dạy, cơ hội cũng ít. Ở Huế được tiếp cận với một số họa sĩ trẻ như Rừng, Đinh Cường, nên quen lần với họa.Nhưng cái tình của tôi đối với hội họa không có gì quan trọng. Sau 75 trong giai đoạn cực khổ nhất của đời sống, tôi khám phá ra vai trò của hội họa của Đường Thi rất quan trọng.Những câu cô đọng của thơ Đường, hoặc màu sắc là liều thuốc làm đời sống bớt gian khổ. Trong giai đoạn 75-82, hội họa và thơ Đường là hai món ăn tinh thần quý giá đối với tôi.Tất cả những kiến thức hiểu biết đều nhờ gian đoạn này. Vì vậy mới võ vẽ vài câu về hội họa trong truyện ngắn.

LQM: Khi trở Về Việt Nam, ông có thấy lại con chim Mía, một đặc sản của vùng Phú Phong, quê hương của nhân vật chính trong Sông Côn Mùa Lũ hay không? Xin ông cho biết cảm tưởng nếu nhìn lại được loài chim này?

NMG: Chim Mía là một đặc sản của vùng Phú Phóng, Kiên Thành, quê hương của anh em Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ, Nguyễn Nhạc. Muốn bắt nó, người ta giăng lưới theo những đám mía và gây tiếng động, hàng loạt chim sẽ bay vào lưới. Mỗi con chim vừa đủ một miếng ăn, và rất ngon.Chuyến về Việt Nam năm 1999, tôi đến thăm Điện Tây Sơn và đã thấy lại chim Mía, nhưng không phải chim Mía sống, mà là chim Mía đang nằm trong đĩa nên cuộc tái ngộ hơi bi đát!

LQM: Xin cảm ơn nhà văn Nguyễn Mộng Giác

Lê Quỳnh Mai

Tiểu Sử (nhà văn NMG ghi chú)

Sinh năm 1940 tại Bình Định.
Dạy học tại Huế. Qui Nhơn
Chuyên viên nghiên cứu giáo dục( Saigon, trước 1975)
Định cư tại Hoa Kỳ (1982)
Chủ trương Tạp Chí văn Học( Nam California)

Tác Phẩm (nhà văn NMG ghi chú)

Nỗi Băn Khoăn Của Kim Dung
Bão Rớt
Tiếng Chim Vườn Cũ
Qua Cầu Gió Bay
Bóng Thuyền Say
Ngựa Nản Chân Bon
Xuôi Dòng
Mùa Biển Động
Sông Côn Mùa Lũ

Nguồn: http://sangtao.org/2012/07/05/phong-van-nha-van-nguyen-mong-giac/

   Số lần đọc: 3234

Tác Phẩm

BÀI KỀ

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây