Nguồn: Bạn Văn, Một Thuở – nhà xuất bản Văn Mới, Hoa Kỳ 2005
Tôi quen với Kinh Dương Vương từ thời cùng viết trên tạp chí Bách Khoa ở Sài Gòn, những năm đầu thập niên bảy mươi. Chúng tôi thuộc vào thế hệ những người bước vào tuổi hai mươi khi chiến tranh bắt đầu, sau đó suốt mười lăm năm liên miên sống trong cảnh chinh chiến. Có những người như tôi, do nghề nghiệp, sống cuộc đời dân sự. Đa số những bạn trẻ đồng thời kẻ trước người sau đều khoác áo lính. Như Kinh Dương Vương. Như Trần Hoài Thư. Như Hồ Minh Dũng. Như Hoàng Ngọc Tuấn. Như Ngụy Ngữ. Như Mường Mán…Cùng là người Miền Trung với nhau, nhưng chúng tôi ít được gặp nhau. Nơi gặp gỡ thường xuyên hằng tháng là những tạp chí văn chương thời bấy giờ như Văn, Bách Khoa, Văn Học, Vấn Đề, Thời Tập, Ý Thức…Chúng tôi chia sẻ với nhau những kinh nghiệm và cảm nghĩ của lớp người trẻ trước chiến tranh, và dĩ nhiên, mỗi người có một lối nhìn khác biệt. Nếu có điểm chung, có lẽ là những thao thức trước hoàn cảnh của đất nước, khác với không khí văn chương “an toàn” ở thủ đô mà từ xa nhìn về, chúng tôi cảm thấy có cái gì phù phiếm xa hoa, không liên hệ gì tới hoàn cảnh chung của đất nước.
Trong những truyện ngắn đọc được trên Bách Khoa, Văn…của những bạn trẻ cùng thời, tôi thích những truyện của Kinh Dương Vương. Truyện nào của anh cũng “nặng” chất hiện thực. Hình như anh muốn dồn hết vào truyện tất cả tai ương của những người khốn cùng, những kẻ bất hạnh. Anh không hề muốn điểm xuyết chút thơ mộng nào vào thảm kịch của dân tộc để làm nhẹ gánh ưu tư như lối viết của Hoàng Ngọc Tuấn, Ngụy Ngữ, Mường Mán. Anh cũng không muốn pha cái “tráng” vào cái “bi” để thành những truyện bi tráng như lối viết của Nguyên Vũ, Thế Uyên, Phan Nhật Nam. Thảm kịch trong truyện Kinh Dương Vương là thảm kịch nguyên khối, bề bộn, giống như một bức tranh dã thú đắp bằng chính máu lệ thịt xương của nạn nhân chiến tranh. Đọc truyện của anh, tôi có cảm giác gây gây tê dại như nghe tiếng chát chúa lê thê của hai thanh kim khí cọ vào nhau, hoặc chứng kiến một tai nạn xe cộ thảm khổc ngay trước mắt mình.
Tôi tò mò về cuộc đời của tác giả những truyện ngắn ấy, và biết được những mảnh tin tức rời rạc do người quen với Kinh Dương Vương kể lại. Tôi nghe người ta bảo tác giả là một hoạ sĩ trẻ từng hăng hái cầm cờ dẫn đầu những cuộc xuống đường chống chính phủ. Lại nghe Kinh Dương Vương nhập ngũ, rồi đào ngũ, rồi trở thành lao công đào binh, rồi lại được phục hồi quân hàm trước khi bị Cộng quân bắt làm tù binh ở Buôn Mê Thuột đầu năm 1975. Như vậy là người chứng với lời chứng là một, khác với những trường hợp người ta viết về những điều người ta không thực sự sống hoặc thực sự tin tưởng.
Mãi đến sau tháng Tư năm 1975, chúng tôi mới biết mặt nhau. Thời đó, những người cầm bút Miền Nam đều sống lêu bêu trên các vỉa hè và quán cóc Sài Gòn, hẳng ngày gặp nhau để nhìn rõ khuôn mặt hốc hác vô vọng của nhau. Nơi chúng tôi thường tụ tập là quán cà phê lập ở một chái đình của nhà thơ Huy Tưởng. Kinh Dương Vương vừa ở tù về, đem vợ con từ cao nguyên về sống bất hợp pháp ở Sài Gòn. Sinh kế không có, ồ, chuyện ấy là chuyện chung của mọi người. Kinh Dương Vương bị thêm cái lo của người sống không hộ khẩu. Điều ngạc nhiên là trong cả bọn chúng tôi, Kinh Dương Vương lại là người vui vẻ hồn nhiên nhất. Không ai dại dột tiếp tục viết lách để rước họa vào thân, cả bọn hằng ngày ngồi bên ly cà phê dỏm bàn đủ mọi thứ chuyện trên đời, trừ chuyện viết lách.
Thế rồi một hôm trên bức vách loang lổ của quán cà phê Huy Tưởng có treo một bức tranh mới của Rừng, bút hiệu khác của Kinh Dương Vương khi anh vẽ. Bây giờ tôi không còn nhớ chi tiết của bức tranh, chỉ nhớ tất cả những người đến uống cà phê ở quán Huy Tưởng đều sững sờ kinh dị trước tác phẩm mới của Kinh Dương Vương. Anh dùng toàn màu chói, và nội dung tranh là cái nhầy nhụa của cùng khổ, chết chóc, bạo hành. Tranh anh đi ngược lại cái lạc quan hồ hởi bắt buộc của thời đại, đứng ngoài cái dòng hiện thực xã hội chủ nghĩa cao rao trong những khóa bồi dưỡng chính trị dành cho văn nghệ sĩ Miền Nam. Một số người thì thào lo âu cho Kinh Dương Vương. Một số nhắc tới túi khôn thức thời của những kẻ nín thở qua sông. Kinh Dương Vương nghe, chỉ cười, và dõng dạc bênh vực tác phẩm của mình. Bức tranh treo trên vách quán cà phê một thời gian ngắn, sau đó Huy Tưởng gỡ xuống, thay thế bằng một bức tranh khác “không có vấn đề”, thơ mộng hơn, tươi hơn, một bức tranh không gây phiền nhiễu cho anh thi sĩ chủ quán.
Chúng tôi lặng lẽ, kín đáo quan sát, chờ đợi những gì Kinh Dương Vương sẽ làm. Tại sao không? Anh đã từng cầm cờ xuống đường trong cuộc đấu tranh của Phật giáo chống chế độ Ngô Đình Diệm. Đang là sĩ quan quân đội VNCH, thấy không thích cuộc chiến mình đang tham dự, anh bỏ ngũ. Vừa ở tù cộng sản về, không thích cảnh sống khắc nghiệt ở cao nguyên, anh dẫn bầu đoàn thê tử về Sài gòn. Bây giờ, một người “dấn thân” như thấ cũng dám cầm biểu ngữ đến trước Hội Văn nghệ Giải phóng để đòi lại quyền tự do sáng tạo lắm chứ! Chúng tôi lầm! Kinh Dương Vương viết như thế, vẽ như thế, chỉ vì thấy viết như thế vẽ như thế là đúng, là đáng viết thành truyện, đáng vẽ thành tranh, chứ không mượn văn chương hội họa để tranh đấu cho một thứ gì khác. Nói như lối nói của các cán bộ tuyên huấn thời bấy giờ, anh không có “ý đồ” nào ngoài việc sống trung thực hồn nhiên với bản tính mình, với những nguyên tắc, ý niệm mà anh cho là phải, là đúng.
Tôi nghĩ chính lối sống hồn nhiên của Kinh Dương Vương đã giúp anh vượt qua những bất trắc, hiểm nguy trong thời gian dài sống dưới chế độ cộng sản, mặc dù anh tiếp tục sáng tạo ngược dòng. Mặc dù theo tiêu chuẩn Nhà nước, tranh của anh “đầy cả vấn đề”. Như một bức vẫn được giới hội họa Việt Nam bàn tán một cách thích thú: họa sĩ Rừng vẽ một cái đầu người được cưa ngang, đỉnh sọ mở ra như cái nắp hộp. Bên trong cái đầu cắt ngang, thay vì những thớ não bộ ngoằn ngoèo ôm xoắn lấy nhau, là một đống rắn ghê tởm.
Tại sao con người hiền hòa, lạc quan một cách hồn nhiên ấy lại ưa viết ưa vẽ những điều gây ngỡ ngàng kinh dị? Tôi tự hỏi như thế từ lâu, bắt đầu từ thành kiến với những bút hiệu lạ lùng như Kinh Dương Vương và Rừng. Ai chưa từng biết Kinh Dương Vương chắc sẽ nghĩ anh thích lập dị, thích làm điều khác thường, thích chơi trội. Không! Gặp và thân với Kinh Dương Vương, bạn sẽ thấy mình lầm. Anh “hiền như ma xơ”, hồn nhiên như đứa trẻ, vội vàng tin ngay những điều người ta nói mà không hề nghi ngờ những khuất lấp ẩn giấu bên trong. Bản tính anh như thế, cho dù chính anh sống qua biết bao nhiêu thăng trầm lừa đảo, biết bao nhiêu thất vọng ê chề. Anh viết văn, làm thơ, vẽ tranh theo ý anh thích, bất chấp thiên hạ quanh anh có thích hay không thích những điều anh viết anh vẽ.
Một người như thế, tất nhiên không thể gặp nhiều thuận lợi trên đời. Và một người trung thực hồn nhiên như thế, tất nhiên cũng không thể bị đời phụ rẫy mãi. Thế giới vẫn còn rất nhiều người có thiện tâm. Cái Đẹp, cái Thiện vĩnh cửu vẫn còn lấy nền tảng là một số nguyên tắc sống trải dài khắp nơi và mọi lúc, như yêu sự thành thực, ghét trò giả trá. Tranh của Rừng không theo dòng “hiện thực phải đạo” như hội họa Việt Nam sau năm 1975, nhưng đạt đến một thứ hiện thực cao hơn, phục vụ một thứ đạo cao hơn là đạo làm người. Vì thế ngay sau khi hội họa Việt Nam mở được cánh cửa hé ra thế giới bên ngoài, tranh của anh được giới thưởng ngoạn Đông Âu, rồi Tây Âu ưa thích. Đời sống vật chất của anh khá lên. Anh khăng khăng sáng tạo theo con đường riêng của mình, và đã được đền bù xứng đáng.
Mải theo nghiệp hội họa, Kinh Dương Vương có phần nào bỏ bê văn nghiệp. So với những cây bút trẻ cùng thế hệ thời bấy giờ, anh viết nhiều nhưng chưa xuất bản được tác phẩm nào. Sang định cư tại Hoa Kỳ, anh mới có thì giờ sắp xếp lại những truyện ngắn đã viết trước đây, cho in tác phẩm đầu tay là tuyển tập truyện ngắn Những Chiếc Mặt Nạ Cười này. Giống như Tô Thùy Yên, Hồ Minh Dũng ra nước ngoài mới cho xuất bản cuốn sách đầu tiên, Kinh Dương Vương cũng làm một việc tương tự. Nhưng việc in sách của anh còn có thêm một ý nghĩa khác: nó bổ khuyết cho một sự nghiệp hội họa đã định hình, giúp cho bạn đọc nhìn thấy một bản sắc văn nghệ độc đáo trải dài suốt ba mươi năm trên cả hai lãnh vực văn chương và hội họa.
Tôi đã viết dài dòng về Kinh Dương Vương, người bạn văn thân thiết của tôi. Nói về con người, tức là đã phần nào chuẩn bị cho bạn đọc đi vào tác phẩm. Công việc của tôi đã xong. Mời bạn đọc tiếp tục khoảng đường còn lại, là đi vào thế giới của Kinh Dương Vương, của Rừng. Những trang sách thơm trải rộng trước mắt các bạn. Xin mời!
Nguyễn Mộng Giác
California 1 tháng 3 năm 1997