Nơi lưu giữ những tác phẩm của Nhà Văn Nguyễn Mộng Giác (1940-2012)

Nơi lưu giữ những tác phẩm của Nhà Văn Nguyễn Mộng Giác (1940-2012)

Qua Cầu Gió Bay

5

Vi thuật xong những lời nhắn nhủ của Thiếu tá trưởng trại từ lâu, mà không ai nói gì. Trong nhịp sống bình thường, có những lúc bất chợt, người ta khựng lại, ngơ ngác nhìn quanh rồi nhìn lại mình, tự hỏi: Ta đang ở đâu đây? Cả trại như đang ở vào trạng thái ấy , bàng hoàng, nửa tin nửa ngờ cả mình lẫn người. Tiếng ếch nhái trên khoảng sình lầy phía nam kêu rõ hơn. Gió lạnh mùa thu làm lay động mái tôn. Mọi người ai về giường nấy, thao láo nhìn về khoảng lờ mờ trước mặt, hay gục đầu xuống hai gối. Bên phòng tâm trí, đột nhiên có tiếng la hét và tiếng chân chạy rầm rập. “Giữ chặt tay chị ta lại. Đừng cho xé rách quần áo”. Một vài tiếng rên nho nhỏ ở góc tối chái tây. Đã quen thuộc quá với các tiếng động bất thường, không ai tỏ vẻ lo lắng đặc biệt nào.

Vài vệt đèn pin quất qua quất lại ngoài khoảng trời đêm, rồi chiếu vào cổng trại. Nhiều người tò mò quay nhìn ra. Đôi tiếng lao xao lo âu. Sau tiếng chìa khóa lách tách mở cổng, toán người bên ngoài mới hiện rõ dưới ánh đèn vàng. Một toán quân cảnh, súng cầm ở thế sẵn sàng tác xạ, đứng dàn ngay trước hiên. Viên Trung úy phụ tá dẫn bốn, năm nữ trợ tá ngập ngừng đứng trước cửa nhà tiền chế, lấy tau che bớt ánh sáng, nhìn vào. “Hình như ông ta muốn tìm cô Vi. Chị Vi đâu rồi?” Thấy người nữ tù binh Y sĩ ra cửa, Trung úy có vẻ mừng rỡ:

– Cô giúp tôi chút. Đáng lý đây là công việc của Y sĩ trưởng, nhưng ông ấy được phép nghỉ tối nay. Cô Loan có mang hồ sơ bệnh nhân nặng của trại C theo đây. Nhờ cô Vi hướng dẫn cho.

Người nữ trợ tá tên Loan lật xấp tài liệu bệnh trạng dày cộm, lấy pin soi đọc lớn:

– Số 61.8726 : Nguyễn thị Hà nằm đâu?

Vi hỏi:

– Trong trại này có tới hai Nguyễn thị Hà. Nhờ cô xem thử Nguyễn thịb Hà “tâm trí” hay Nguyễn thị Hà bị thương hàn?

– Để tôi xem.

Người nữ trợ tá soi pin xuống cuối trang lẩm nhẩm đọc: Fièvre typhoide.

– Đúng là thương hàn rồi. Có hai ống thuốc chích đây.

Người y sĩ nữ tù dẫn toán nhân viên bệnh xá tới cái giường góc bắc.

Một bệnh nhân đàn bà khoảng 40 tuổi hay già hơn nữa đắp chăn rên hừ hừ. Mọi người trại C im lặng theo dõi toán nữ trợ tá làm việc. Một cô lay bệnh nhân dậy, bảo hả miệng đo nhiệt độ.

– Ba mươi chín độ rưỡi. Nóng hơn hồi hôm qua, Trung úy.

– Cô lấy thuốc ra đi.

Người trợ tá đặt khay thuốc và ống tiêm lên nền xi măng chuẩn bị làm việc. Lúc hai cô lật sấp người bệnh xuống, người nữ tù phản đối.

– Để tôi nhịn đói cho chết luôn. Cần gì thuốc men nữa.

Hai người không trả lời, một người bẻ quặt hai tay bệnh nhân ra sau lưng rồi tiện tay dấn xuống, một người kéo quần trễ dưới mông rồi ấn mạnh hai bắp chân. Bệnh nhân vẫn vùng vằng phản đối.

Trung úy phụ tá cầm ống tiêm soi lên ánh sáng, ấn mạnh ngón tay cái cho hơin đầu mũi kim thoát ra, rồi bình thản đến gần giường. Ông quát:

– Nằm yên nào. Gãy kim chết bây giờ!

Bệnh nhân nhìn về phía đám đông đang theo dõi mình, có vẻ muốn phân trần một cách tuyệt vọng, rồi chịu để cho Trung úy làm việc. Lúc mũi kim thứ hai đâm mạnh vào thịt, bà mới khẽ rùng mình xuýt xoa. Cô nữ trợ tá kéo giunm2 quần bệnh nhân lên, dặn sáng mai nhớ ghi vào sổ khai bệnh để Y sĩ trưởng bệnh xá khám lại. Người nữ tù binh lí nhí cảm ơn, định hỏi gì nữa, nhưng bối rối nhìn về phía đám đông, lại thôi.

Nửa giờ sau toán nhân viên bệnh xá mới tiêm xong thuốc cho trại C phía nữ. Ngọn đèn lớn đã tắt, chỉ còn hai cái bóng điện nhỏ chiếu hắt ánh sáng lờ mờ vào căn nhà tối.

Không biết phần lớn tù binh đã ngủ hay còn thức, nhưng trong trại yên lặng hoàn toàn.

Vi nhận thấy đó là một dấu hiệu bất thường. Mấy tháng trước, vào các dịp này trong trại tàn phế suốt đêm người ta lầm rầm bàn tán xôn xao. Sáng nay , tin từ phòng hành chánh cho biết từ 9 giờ mai, hội đồng y khoa sẽ giám định cấp độ tàn phế cho tù binh trại C, để quyết định xếp loại phóng thích.

Các lần trước, vào những đêm như đêm nay dường như không có ai chợp mắt nổi. Họ nói với nhau chuyện mưa nắng, kể lể tình cảnh gia đình, làm ra vẻ ơ hờ nhưng thực ra ai cũng muốn thổ lộ tâm tư về chuyện ở hay về. Thông thường tù binh tàn phế được gọi từng người vào phòng hội đồng, và được hỏi riêng có muốn về nhà không. Vì vậy, đêm nay ai cũng băn khoăn tự hỏi và tự trả lời cho mình, giấu hết ý nghĩ riêng. Tầm mắt không còn ngăn bởi sườn núi xanh thoai thoải về phía trời cao, vũng sình bên này bãi tập trực thăng và con đường cái quan hun hút chạy về phía thung lũng. Có một thứ ánh sáng tâm linh soi rõ cho họ thấy trong đêm nay, những kỷ niệm thiếu thời, nét thanh bình êm ả của gia hương, dôi mắt tiếng cười, mầu áo của một người mẹ, một người chị, một người con…

Quê hương, quê hương! Sức mạnh quyến rũ của nó như sức hút của quả đất, lá rơi về cội xác thân phiêu lưu lang bạt rồi vẫn rán mục rữa trong lòng mộ sâu cạnh nắm xương ông cha thân thích. Trở về căn nhà xưa, khóc trong vòng tay thân yêu: con đã về đây, mẹ đã về đây, chị đã về đây, em đã về đây… Có thể nếp cỗi làm già thêm mặt héo hon của mẹ, nhưng khu vườn rau, đồng lúa vẫn xanh. Có thể gia đình đã trôi nổi bềnh bồng, xóm làng ngày cũ không chịu đựng nổi sức phá của bom , trọng pháo. Đôi mắt em thơ sáng thêm, nhưng tâm hồn xa lạ. Cuộc đời nhọc nhằn làm chai lì cảm giác cả kẻ ra đi lẫn người ở lại. Nhưng vẫn còn là của nhau. “Ruộng ta ta sặm xương đi ta cày. Nhà ta giặc đốt rồi ta làm lên ta ở”…

Một cái gật đầu hay một cái lắc đầu đủ xoay hướng một cuộc đời. Đêm nay, một mình rình rập thái độ, tư tưởng của bè bạn và của mình, Vi vẫn thấy thấp thoáng nỗi ngờ về thực sự ban chiều. Phải chăng là cái bẫy để cân nhắc lợi hại về chính trị trước khi quyết định phóng thích những tù binh tàn phế? Cuộc tuyệt thực có làm cho hội đồng giám định y lkhoa thay đổi thái độ?

Ngày mai mình sẽ xin ở lại như lần trước hay sẽ xin về? Gió lạnh lọt vào phòng. Tiếng mảnh tôn va vào nhau thức giấc đôi kẻ vô tâm. Sự lạnh lẽo làm đậm đà nỗi xao xuyến, còn tiếng động trên mái có vẻ giống như hồi trống giục giã. Vi nhớ đến hình ảnh “cởi áo trao nhau, về nhà dối mẹ qua cầu gió bay”. Vi đã cho, cho hết, từ tâm hồn và thể xác, chịu lạnh căm căm để thấm thía cảm thấy nỗi yếu đuối mỏng manh của phận người. Còn lại gì, tim, gan, thịt, xương trong lớp da vàng! Còn lại gì, sự lạnh lẽo bơ vơ không biết về đâu. Vi cũng là “kẻ qua cầu” như lời nàng nói với viên Thiếu tá, và khi gió lạnh đêm đêm thổi về, chiếc áo mong manh tưởng đã tìm thấy là niềm tin yêu ở cuộc đời, bay xa, bay xa…

Nguyễn Mộng Giác

   Số lần đọc: 15491

Tác Phẩm

BÀI KỀ

Bài tiếp theo

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây