Nơi lưu giữ những tác phẩm của Nhà Văn Nguyễn Mộng Giác (1940-2012)

Nơi lưu giữ những tác phẩm của Nhà Văn Nguyễn Mộng Giác (1940-2012)

Sông Côn Mùa Lũ – Chương 8

Cho đến cuối mùa đông năm Tuất (1766), gia đình ông giáo về An Thái được gần một năm rưỡi. Nhẩm tính lại khoảng thời gian ngắn ngủi đó, ông giáo mừng đã vượt qua được một chặng đường gian truân, tuy có chịu nhiều mất mát chua xót. Ông mất người bạn đường đã cùng ông thăng trầm trên hai mươi năm. Nắp áo quan đã đóng. Những nắm đất của người ở lại rơi trên tấm ván thiên dội những tiếng đục. Dù đã được chuẩn bị thật lâu để chịu đựng một cuộc phân ly, cái chết của bà giáo cũng để lại thật lâu trong lòng ông giáo một cảm giác trơ trọi hoang mang. Có nhiều buổi chiều, khi lũ học trò và các con đã về hết, ông ở nán lại trong khu đất miễu, ngồi nhìn những đám mây thay đổi màu sắc vơ vẩn trôi giạt trên bầu trời ngả tối. Ông đứng dậy, chân bước không nghĩ ngợi, không chọn hướng tới. Và hôm nào cũng vậy, lúc ý thức được toàn vẹn điều đang làm, ông mới nhận ra mình đang đi về phía mộ bà giáo.

Ông cũng phải xa một đứa con. Tết năm Dậu, Kiên có về thăm nhà một lần, mang về cho các em một gùi măng khô và đậu phộng. Vốn ít nói, Kiên chỉ kể sơ lược đời sống hiu quạnh của mình trên Tây Sơn Thượng. Những câu trả lời gióng một của Kiên khiến An mủi lòng, cay cay ở khóe mắt. Chinh tò mò muốn hiểu rõ sinh hoạt của dân miền ngược, bắt anh kể đi kể lại mãi về những cuộc săn nai, những chuyến leo núi, những lần len lỏi trên đường rừng đem muối đổi trầu và măng le tận các buôn thượng. Riêng ông giáo, ông lấy làm ái ngại cho con. Ông biết Kiên không tìm được một đời sống như ý. Cái nhiệm vụ quản lý buôn bán, trông coi một đám đông trai tráng ô hợp giữa một thung lũng vây bọc những núi là núi, mà người nào cũng có một mối hận với đời hoặc canh cánh nỗi khao khát được vượt đèo nhìn trở lại đồng bằng, biển cả, công việc ấy vượt quá sức của Kiên. Nhưng biết làm thế nào khác được! Kiên lười viết thư, có chuyến thồ nào về xuôi chỉ gửi ít măng, đậu, bắp về cho gia đình kèm thêm một lời nhắn “vẫn mạnh”. Thế thôi!

Phần may mắn của gia đình ông, không nhỏ. Gần như các thứ gạo, mắm, trà, thuốc,ông biện sai người đem biếu đều đều theo các chuyến hàng đã đủ cho cả nhà ông chi dùng. Phần dư dả là quà cáp của các phụ huynh học sinh khác, hai mùa bắp và một mùa lúa gieo của các đám miễu. An đỡ vất vả vì thôi làm hàng xáo, ở nhà trông nom thằng Út tươm tất hơn. Khoảng vườn nhỏ phía sau nhà xanh um những rau, cà, ớt. Chinh tiếp tay Kiên dựng tạm một chuồng nuôi heo, gà. Nói tóm lại, đời sống của gia đình ông có thể tạm gọi là “an cư lạc nghiệp”.

Nhưng cũng chính vì phần may mắn này mà giữa hai gia đình ông giáo và Hai Nhiều càng ngày càng có nhiều mối bất hòa. Bắt đầu luôn luôn là những chuyện lặt vặt: thằng Út nghịch ném đá vào con gà trống của nhà Hai nhiều,làm lộ hết một con mắt; An un lá tre vô ý quên xem hướng gió, để khói giạt cả vào nhà cậu mợ giữa bữa cơm chiều; một con heo bị sổng chuồng, một cái rác tấp qua tấp lại… ôi thôi biết bao nhiêu cái tủn mủn từng góp thành mối buồn phiền cho những kẻ láng giềng bất đắc dĩ. Và như nhiều trường hợp khác, mối bất hòa giữa hai nhà có từ phía đàn bà trước. Như hôm cái An un lá tre. Thấy khói bốc cao rồi ùn ùn giạt cả sang phía nhà cậu mợ, chưa kịp lấy nước dập tắt lửa thì từ phía bên kia, giọng Kiền đã vọng sang:

– Ai đốt rác làm ơn làm phước chờ cho người ta ăn xong bữa đã. Trời đánh còn tránh bữa ăn, nghe không?

An chưa kịp xin lỗi, thì bà Hai Nhiều đã phụ họa:

-Thôi con. Ráng chịu một chút không sao. Người ta quen biết lớn, nói làm chi cho thêm rầy rà.

Kiền cao giọng đáp lời mẹ:

– Quen ai mặc kệ, sống nhờ trên đất người ta thì phải nể chủ nhà. Không dưng rước hạng trôi sông lạc chợ! Bây giờ mẹ đã thấy chưa!

Có tiếng ông Hai Nhiều càu nhàu những gì không rõ. Rồi bà Hai Nhiều quay sang xỉa xói chồng:

– Ông có sợ thì qua bển mà năn nỉ họ. Phải mà. Mẹ con tôi hàng tôm hàng cá mà! Họ hàng nhà ông toàn người chữ nghĩa, văn hay chữ tốt, muốn làm gì ai không được!

Hôm đó Chinh giận quá, muốn qua nhà cậu mợ trả đũa cho hả, nhưng ông giáo ngăn lại. An dập tắt đống lá tre, đứng bên này nhìn qua bên kia chờ có ai ra vườn giải thích vài điều vừa để xin lỗi, vừa để tìm lời bóng gió nói kháy. Nhưng không có ai bên vườn Hai Nhiều cả. Từ đó, một thứ ngăn cách trầm lặng, lạnh lẽo dựng lên giữa hai gia đình. Người bên này tránh gặp mặt bên kia, có nói chuyện gì cũng phải có sự hiện diện của một người thứ ba. Tình trạng ngày càng trầm trọng, và không còn cách nào cứu vãn được khi đàn gà Chinh nuôi sang bươi nát đám cải của nhà cậu mợ. Ngay hôm sau, Hai Nhiều dựng một hàng rào dày bằng một thân cau, ngăn cách hẳn hai khu vực, quyền định ranh giới dĩ nhiên thuộc Hai Nhiều. Ranh giới ấy cắt làm đôi mấy vồng lang của Chinh, và nếu không có chút nể tình lân lý vào phút chót có lẽ đã đâm ngang vào hông cái chuồng gà của ông giáo. Thấy chồng có phần nào mạnh dạn sử dụng quyền chủ đất, bà Hai Nhiều nhổ phăng đám rau lang ở về phía vườn mình vứt ra đường cái. Điều đó vượt quá mức chịu đựng của Chinh. Không nói năng nhiều lời, anh ta xắn tay áo lên, ra nhổ phăng cả cái hàng rào, đem vứt trước nhà cậu mợ.

Đến lúc đó thì đám đàn ông mới vào cuộc. Vì số người ít hơn, tài ứng đối kém hơn, cha con Hai Nhiều hậm hực nuốt sự thất bại. Vả lại cuộc tranh chấp cũng đã kéo dài tới quá khuya rồi. Cả hai bên đều mệt nhoài. Ông giáo vẫn ngồi uống nước trà phía bên này, ráng hết sức nhẫn nhục để đứng ngoài, đứng trên những chuyện có thể làm giảm thế giá của mình. Rõ ràng ông ngồi trên lửa, nhưng thà lửa thiêu cháy cuộc đời ông còn hơn ông ra vườn sau đối đáp lời một lời hai với Hai Nhiều. Thế mà sáng hôm sau, khi thức dậy, men chiến thắng còn lâng lâng, gia đình ông giáo đã thấy người ta dựng lại cái hàng rào từ lúc nào rồi. Ranh giới mới lấn sâu về phía bên này thêm hai thước!

*

* *

Lợi xuống An Thái báo tin chị dâu mình là Ba Lý bị đau nặng cho vợ chồng Hai Nhiều biết, đúng vào lúc đang có không khí căng thẳng ấy. Không am tường tình thế, vô tình Lợi đổ thêm dầu vào lửa. Vừa vào nhà Hai Nhiều báo tin dữ xong, Lợi đã khệ nệ ôm xách đủ thứ chai lọ qua nhà ông giáo. Anh thấy cái hàng rào, bước chân khựng lại. Nhìn đám cỏ non xơ xác, Lợi đoán: Phải rồi. Chỉ tại ba con gà. Rào là phải. Không rào, làm gì có cải ăn tết. Lợi đi vòng ra đường, vào nhà ông giáo bằng cổng chính, ngang qua nhà học. Thấy cả lớp đang lắng nghe ông giáo giảng nghĩa, Lợi hơi e ngại không dám bước tiếp. Có một sức mạnh nào đó thôi thúc sau lưng Lợi, mạnh hơn cả nỗi e dè. Lợi bậm môi, cắm cúi đi qua nhà học, thẳng xuống phía bếp nhà ông giáo. An đang ngồi vá cái áo cho cha. Lợi cuối xuống đặt các thứ lỉnh kỉnh trước mặt An, thờ phào một cái khoa trương sự mệt nhọc, rồi cười nói rất tự nhiên:

– Thế nào cô Răng Rứa! Thường chứ! Lần này nhất định không quên như mấy lần trước, để khỏi bị chê là anh chàng cuội. Đáng lý chuyến ghe tháng trước tôi ghé đây rồi, nhưng sau nghĩ lại chưa mua giùm dầu phộng cho An. Thành ra đi luôn. Chuyến này đem xuống đủ cả. Đây này, hai cái tĩn này đựng nước mắm, cái có chữ thập vôi trắng là nước mắm nhỉ, ngon lắm. Cái có vòng tròn là nước mắm thường, dùng để nêm. An nhớ nhé, đừng dùng nước mắm nhỉ nấu canh, kho cá phí đi. Nhất đấy. Giã ớt tỏi rồi thêm vài muỗng nước mắm nhỉ, chan vào cơm nóng, ăn quên no. Nhớ cái tĩn có vòng tròn là nước mắm nhỉ… à quên, cái tĩn có chữ thập mới là nước mắm…

Lợi ngưng lại, không dám tin trí nhớ của mình. An nhìn nét mặt ngô nghê của Lợi, cười xòa. Lợi vẫn chưa nhớ ra ý nghĩa các ký hiệu, An nói:

– Kỳ trước em chỉ hỏi qua cho biết thế nào là nước mắm nhỉ, chứ có dám làm phiền anh đâu. Cha em dễ tính, ăn uống không cầu kỳ. Việc gì anh phải khổ nhọc thế!

Lợi giận mình lơ đãng, đưa bàn tay đập đập vào trán như để lay trí nhớ dậy. Lay mãi không được, nhưng Lợi tìm ra được cách giải quyết:

– Thôi thế này. An có con dao nào không? À, nó đây rồi. Chao! Cái mũi dao tà quá. Để tôi cạy nắp cái tĩn này lên là biết ngon dở ngay.

Lợi ấn mũi dao nạy lớp vôi trét quanh nắp tĩn, cẩn thận phủi hết các mũn vôi trắng trước khi lật nắp. Mùi nước mắm hơi nồng. Lợi không e ngại gì cả, tự nhiên vào bếp nhà An lục sóng chén lấy một cái chén nhỏ và một cái muỗng con. Anh nghiêng tĩn, múc một muỗng nước mắm màu nước trà đậm ra chén. Còn một chút nước mắm trên muỗng, Lợi đưa lên môi, le lưỡi liếm nhẹ, chắp chắp, mắt lim dim chú hết tinh thần định vị. An chờ Lợi nói, nhưng anh ta chưa dám quyết đoán vội, đưa muỗng lên nếm lần nữa, lặng lẽ chờ cho đầu lưỡi thấm hết hương vị chất nước thiêng, mắt thôi lim dim nhưng nhìn thẳng ra phía trước, mông lung. Một lúc sau, Lợi mới gật gù:

– Tuyệt hảo. Thật là tuyệt hảo… không thể tìm đâu ra nước mắm ngon hơn. Phải rồi. Cái tĩn… có vòng tròn là nước mắm nhỉ. Còn cái chữ thập là nước mắm thường.

Lợi đưa chén nước mắm cho An nếm thử. An thấy mùi hơi ngậy, nhưng khi nếm xong, có vị ngon ngót lăng tăng thấm lâu trên đầu lưỡi. Không chờ cho An ý kiến, Lợi xếp cái tĩn vừa khui lại gần cái tĩn có dấu chữ thập, rồi đến mở tiếp hai cái chai có bọc lá chuối khô và cột dây gai cẩn thận. Lợi định mở từng nút dây, nhưng vì vội, mở mãi không ra. Cuối cùng, anh dùng dao cắt phăng mấy mối dây, lôi ra từ lớp lá dày một cái chai đựng dầu. Lợi khoe:

– Dầu phộng hạng nhất đấy nhé! Phải dặn trước, không thì chúng nó lại bán loại dầu phàm, ăn hôi nghì. Thằng cha bán dầu nó hận tôi lắm, nhưng buôn bán mà, khôn sống mống chết.

An thấy Lợi dừng lại, biết anh ta chờ một câu hỏi tò mò của An rồi mới kể tiếp. Cô tinh nghịch, giữ im lặng làm như không biết ý Lợi. Cho nên Lợi đành phải tiếp:

– An biết không, đối với bọn buôn bán phải cao tay mới được. Tôi dặn đặt mua một lần mười hai chai. Thằng chả y hẹn đem đến đủ mười. Tôi tìm cách chê, để cuối cùng chọn hai chai dầu ngon nhất, còn trả lại hết. Mua dầu phộng mà không sành, tụi nó pha thêm dầu dừa vào. Thà chịu mua cao một chút mà được ăn dầu nguyên chất.

An hơi ngại ngùng khi sắp nói đến chuyện tiền. Cô nghĩ: nhân lúc này ta phải hỏi ngay, không còn lúc nào thuận lợi hơn. An hỏi:

– Cả hai chai dầu này nữa, An có nhớ, nhưng không ngờ việc chọn lựa rắc rối như vậy. Biết một lần, lần sau không dám phiền anh nữa đâu. Anh Lợi này, cho An xin gởi lại tiền mua dầu và nước mắm. Công phu anh mang xách xuống tận đây, quí hóa lắm rồi, không dám…

Lợi gạt ngang lời An xua tay nói mau:

– Không, không. Tôi chỉ có cái công mua và mang xuống đây thôi. Còn tiền là của bác biện. Nói thật đấy. Ông biện dặn bạn hàng dưới Gò Bồi đem nước mắm lên, và dặn đoàn thồ mang dầu xuống. Tiền nong không biết bao nhiêu, giữa bạn hàng với nhau, chắc không cao đâu. Đừng ngại.

An biết Lợi nói dối nhưng không tìm ra cách buộc Lợi nói giá cả hai món nước mắm và dầu. Có tiếng gọi Lợi từ phía nhà Hai Nhiều, hình như tiếng bà vợ. Lợi chộp ngay cơ hội, dặn dò lần nữa cho An phân biệt hai tĩn nước mắm, rồi trở về nhà bên kia. An đang băn khoăn không biết xử trí thế nào cho phải, thì Lợi trở lại. Anh lấy trong bọc một gói giấy nhỏ đưa cho An:

– Tí nữa lại quên. Chuyến đi Mỹ Cang vừa rồi, thấy kim và chỉ may loại tốt, tôi có mua cho An. Có cả chỉ màu để An tập thêu. Thôi về nhé. Chắc thế nào bác Nhiều gái cũng theo tôi lên thăm chị Lý. Này, tôi nói riêng cho nghe đừng kể cho ai nhé, chị Lý đau vì bỏ ăn mấy ngày liền. Mà bỏ ăn vì bị anh tôi đánh cho mấy bạt tai. Dâu con mà chanh chua, dám hỗn với mẹ chồng. Lần này mẹ tôi triệu cho được bác Nhiều gái lên để mắng vốn. Vui không?

Chưa quên những lời bóng gió xấc xược của mợ, An gật đầu vừa cười, vừa nói như reo:

– Vui quá. Thật thế à!

*

* *

An ngồi mân mê cái gói kim chỉ Lợi tặng, lòng dìu dịu. Cảm giác thoải mái, thân mật, mơn trớn, còn bàng bạc. Không khí đầm ấm tự nhiên Lợi mang đến vẫn còn phảng phất. Cô suy nghĩ mãi chưa hiểu vì sao mình có thể tiếp Lợi ngay trong cái bếp ám khói và lụp xụp này, quần áo xốc xếch, đầu tóc rối. Cô cũng không cần vén lại mái tóc cho gọn ghẽ, quên cả việc đơn giản là rót một tách nước trà loãng ra mời khách. Mình khinh thường anh ấy chăng? Không phải. Đối với lũ bạn trai cùng học võ với Chinh, rõ ràng An xem họ như không có, rẻ rúng đến nỗi không thèm nói với họ một lời. Mình kính trọng anh ấy chăng? Cũng không. Niềm tôn kính có những dấu hiệu của nó, như sự ràng buộc hạn chế ở một mức độ vừa phải cách ăn nói, cử chỉ. Phải nói những câu không thật sự muốn nói, phải đi đứng theo một cung cách gò bó khó chịu làm mất hết vẻ tự nhiên, phải vờ vui mừng hay lo âu những điều ta không thực sự vui mừng lo âu, miễn là không động chạm đến nhân cách ưu việt và tri thức khả kính của người trước mặt. Đối với Lợi, An không cảm thấy mình bị chút ràng buộc hay hạn chế nào. Cô nói những điều mình nghĩ, giữ nguyên cái thế ngồi thoải mái, được buông thả trong cách biểu lộ tình cảm. Cô yên ổn được nguyên vẹn là cô, và bằng lòng hoàn toàn về mình. An trở nên linh hoạt, tự tin trước Lợi. An không phải giữ ý, dè dặt từng lời nói đến cử chỉ. Hơn thế nữa, gần như An còn cảm thấy mình trở nên quan trọng, được cái bình thường của Lợi đưa lên cao hơn, đến một chỗ trang trọng tươi sáng mà An có thể cúi nhìn trở xuống với đôi mắt bao dung. Vừa được thoải mái khỏi phải cố gắng rướn lên một bậc cao quá tầm tay, vừa được cái thú vị thấy mình quí giá hơn kẻ khác, đó là những món quà vô hình Lợi mang lại cho cô bé. Những điều phức tạp này, An chỉ cảm thấy, chứ không thể tách bạch rõ ràng. Cho đến lúc Lãng xuống bếp uống nước, thấy chị ngồi mân mê gói kim chỉ, cậu kinh ngạc không hiểu vì sao nét mặt chị rạng rỡ hẳn lên, niềm vui sướng mơ màng hiện rõ trong đôi mắt, và cái miệng mỉm cười. Lãng nhìn chị, rồi nhìn gói kim chỉ, hỏi An:

– Của ai thế?

An trả lời:

– Hả? à, của anh Lợi mua giúp chị đấy!

Lãng vừa thấy thêm hai tĩn nước mắm và hai chai dầu đặt gần cái cối đá, hỏi chị:

-Còn những thứ này?

An nói dối em:

– Của ông biện nhờ anh Lợi mang xuống biếu mình.

Lãng gật gù, suy nghĩ một chập rồi đột nhiên nói:

– Sao em ghét cái bản mặt ấy thế!

An bị bất ngờ, nhìn em trân trân, đâm tức giận:

– Ơ cái thằng này! Anh ấy có làm gì mày đâu mà ghét người ta!

Lãng nói chậm rãi, giọng bực bội:

– Chẳng làm gì cả! Nhưng em không ưa!

– Mày không ưa người ta cái gì? Có tát tai mày như anh Chinh không? Có nhại cái giọng eo éo của mày như anh Thìn không?

Bị chị đem khuyết điểm của mình ra bêu riếu một cách bất công, Lãng nóng bừng cả mặt. Giọng cậu trở nên lắp bắp:

– Thế chị “mê” hắn ở chỗ nào? Ở cái giọng lải nhải bép xép động gì cũng nói, chỗ nào cũng xen vào phải không? Hay là tại hắn chịu xách dép, cầm nón cho chị, mua kim chỉ cho chị mà chị “mê” hắn. Chị có biết anh Huệ nói thế nào không?

– Nói cái gì?

– Nói về cái anh bép xép của chị đấy.

An bị chạm tự ái, quát em:

– Mày câm miệng lại.

Lớn tiếng với Lãng xong, An ngạc nhiên về chính mình. Hóa ra mấy tiếng “anh bép xép của chị” đối với An, An xem như một lời xúc phạm nặng nề. Không phải xúc phạm đến Lợi, vì quả thực Lợi vốn tính ba hoa, nhiều lời. Xúc phạm ở chỗ Lãng đã ghép đôi An với Lợi, ở hai tiếng “của chị” đầy mỉa mai và phẫn nộ. Thấy chị có vẻ buồn khổ vì mình, Lãng hối hận, cậu tìm cách nói nhỏ lại, giọng tâm tình:

– Em xin lỗi đã làm chị giận. Nhưng cả trường không ai ưa cái tính lắm mồm lắm mép của anh ấy cả. Anh Huệ bảo, nếu cắt cái lưỡi vứt đi, thì anh ấy không đáng một đồng tiền kẽm rỉ!

An ngồi im, nghiền ngẫm lời em vừa nói, lòng khổ sở đến tuyệt vọng vì sự chính xác của nó.

*

* *

An nghĩ đến điểm đáng ghét của Huệ chính là sự thông minh chuẩn xác đó. Đứng trước mặt Huệ, nói chuyện với Huệ, cô bé cảm thấy mình bị mất mát quá nhiều. Đôi mắt sáng rực lúc nào cũng chứa một ánh nhìn xoi mói và giễu cợt ấy khiến An lúng túng, như bất ngờ bị bắt gặp vừa vươn vai ngáp dài sau giấc ngủ dật dờ, đầu bù rối và mặt mũi đờ đẫn. Không có thể giấu gì được trước đôi mắt ấy. An mất cả niềm an lạc, mất luôn cả lòng tự tin. Cô bé phải lo đối phó, che bớt điều nay, căng phồng trí tuệ để trả lời cho được điều kia, rán ngoi lên một chút cho khỏi hụt hẫng. May cho An là hình như Huệ cũng muốn tránh các cuộc gặp mặt hay nói chuyện tay đôi với An. Những cuộc nói chuyện hiếm hoi ấy, đến lúc này vẫn còn để lại cảm giác khó chịu, gần như bẽ bàng. Một lần Huệ bắt gặp An đang ngồi may áo, và hoàn cảnh lúc đó không cho phép một trong hai người giả lơ tránh mặt nhau, vì làm như vậy là đi quá giới hạn cần thiết. Vốn thích ứng rất nhanh với các hoàn cảnh bất ngờ, Huệ nói với An một cách tự nhiên:

– Hôm nay mới rằm tháng mười, An may áo tết hơi sớm đấy!

An bối rối kéo chéo vải về phía mình, rồi đáp:

– Vì rỗi nên em may cho xong đi. Đã hẹn lần lữa mấy lần rồi còn gì!

– An may cho thầy chưa?

– Cha em bảo khỏi cần. Cha em bảo đến cái tuổi này, tuổi tác là cái nợ đáng lo hơn là điều đáng mừng. Hết từ lâu cái rạo rực mặc áo mới mùa xuân rồi!

– Còn An thì sao?

– Em ấy à? Gia đình em sắp ăn cái Tết thứ nhì ở đây. Em thành dân Qui Nhơn rồi. Các anh thế nào thì em thế ấy.

Huệ mỉm cười, ngập ngừng một lúc, rồi nói:

– Giống nhau thế nào được!

An cúi xuống dùng răng cắn đứt sợi chỉ thừa trên cánh tay áo mới, nên không hỏi ngay lý do được. Cô nhìn lên thấy nụ cười giễu cợt còn nguyên trên môi Huệ. An hỏi:

– Sao anh lại cười?

– Tôi cười vì An bảo giống chúng tôi. Chưa giống được đâu!

An bực, giọng gắt gỏng:

– Chưa giống thì đã sao.

– Chẳng sao cả.

– Thế tại sao anh cười?

– Tôi cười vì thấy chẳng những An mà cả nhà thầy cứ lúng ta lúng túng. Vừa muốn sống y như chúng tôi, lại vừa muốn người ta nhìn ra cái gì đặc biệt hơn chúng tôi. Không muốn lầm lẫn ra “dân núi”!

An bắt đầu ngờ ngợ trong lời của Huệ có những nhận xét vượt quá bình thường.An hỏi:

– Anh nói gì An chưa hiểu?

Huệ cầm cái áo của An vừa đặt trên rổ may đưa lên cho An xem rồi giải thích:

– Như cái áo này chẳng hạn. An may y theo kiểu ở đây. Thân rộng. Tay ngắn. Ống tay áo rộng cho thuận lợi việc đồng áng. Kiểu kinh vạt dài tha thướt hơn. Tay áo hẹp và dài. Nhưng cứ xem cách cắt áo của An đủ thấy. Ống không rộng quá. Cổ cao lên một chút không giống hẳn kiểu kinh mà cũng không giống hẳn kiểu núi. Tay áo dài quá cùi chỏ nửa gang tay. Mặc áo vào không nói nhưng người ta phải hiểu An muốn nói:” Hãy nhìn cho kỹ nhé. Tuy tôi mặc theo kiểu dân núi nhưng tôi không phải dân núi. Chúng tôi tới đây chưa được hai cái Tết. Nếu không vì hoàn cảnh bắt buộc, thì ở kinh, chúng tôi đã…”

An đỏ mặt lên vì xấu hổ và tức giận. Cô hằn học nhìn Huệ, giọng nói run run:

– Mặc kệ chúng tôi. Không việc gì đến anh. Không hiểu tại sao cha tôi lại tán tụng anh quá lời như vậy. Anh độc ác, không biết thương hại ai cả!

Huệ hối hận đã làm cho An giận dữ, dịu lời lại:

– Thôi, cho tôi xin lỗi. Tưởng An không để tâm đến những cái lặt vặt tôi ba hoa cho vui, không ngờ…

An cướp lời Huệ:

– Không ngờ cái gì. Không ngờ tôi lặt vặt nhỏ nhen chứ gì?

– Không phải thế. Sao tôi thấy anh chàng Lợi ba hoa toàn những chuyện không đâu vào đâu hết, An lại thú vị cười khúc khích mãi.

Nhận xét của Huệ như rót thêm dầu vào lửa. An giận tràn hông, không nói được nữa. Còn Huệ thì bỡ ngỡ, không hiểu trong câu nói đó có gì xúc phạm mà nét mặt An tự nhiên tái đi, mắt đỏ căm giận, Huệ vội nói:

– Tôi chịu thua không hiểu nổi An. Không hiểu nổi đàn bà. Thôi bỏ qua mọi chuyện đi. Cái áo này may xong chưa? Phải nhận An may đẹp thật.

An buông gọn hai tiếng cộc lốc:

– Cảm ơn!

*

* *

Bà Hai Nhiều theo Lợi lên Xuân Huề hôm trước, thì hôm sau đã về lại An Thái. An tò mò đứng từ bên này rào, kín đáo núp sau một khóm chuối rậm quan sát động tĩnh nhà bên kia, nhưng không thấy gì lạ. Cửa ngang nhà Hai Nhiều đóng im ỉm. Không có cả tiếng chuyện trò của hai vợ chồng, tiếng giã gạo hay tiếng rửa chén bát phía sau giếng. An chờ đợi dấu hiệu phẫn nộ của mợ. Cô thất vọng. Không có gì khác thường phía bên kia rào. Nếu có là sự lặng lẽ, căng thẳng như những thời khắc báo bão.

An đem chuyện Lợi kể thuật lại với Lãng. Lãng nói:

– Khi sáng em dậy sớm, ra vườn đi tiểu, nghe bên phía nhà mợ có tiếng khóc tỉ tê. Hình như tiếng mợ.

An chưa tin em, hỏi lại:

– Có chắc không?

– Chắc chứ.

– Mợ về hồi nào chị không hay?

– Em nghe chị Kiền bảo về tối hôm trước. Lúc có tiếng chó sủa, chị nhớ không? Thế mà chị cứ cằn nhằn mãi, trách em cài cổng không kỹ, tụi trộm mới đến rình.

– Chị Kiền có kể gì thêm không?

– Không. Em nghe chị Kiền trả lời chú Ba Vận. Gặp em, chị tránh đi, làm như không thấy em nữa.

– Trăm sự chỉ tại anh Chinh hết. Cậu mợ rào ở đâu là quyền của họ. Vườn nhà người ta mà. Nhổ làm chi cho xào xáo.

Lãng cãi:

– Ức quá nhịn làm sao được. Không có anh Chinh, cậu mợ đã rào đến chỗ này rồi. Cả con đường đi xách nước nữa, chắc cũng rào luôn. À quên, ang nước đã cạn chưa, để em đi xách cho.

An ngăn em:

– Thôi, thôi. Còn nhiều lắm. Để dùng cho hết rồi chùi lại đáy ang một thể. Hôm qua chị thấy rong đóng một lớp dày. Ủa, Lãng này. Em nhìn kìa. Có cái áo xanh của ai phơi trên dây cạnh giếng vậy? Không phải áo chị Kiền hay áo mợ.

Lãng nheo mắt nhìn theo hướng chị chỉ, rồi đáp lơ lửng:

– Ờ, ờ. Không phải áo mợ. Áo chị Kiền màu chàm kia!

An càng nhìn kỹ, càng có điều hồ nghi. Cô dè dặt hỏi em:

– Hình như cái áo xanh của mẹ, Lãng ạ.

Lãng không tin, quay nhìn chị, rồi nhìn về phía chiếc áo, Lãng nói:

– Ừ…hình như…đúng rồi. Cái áo lục xanh của mẹ.

An nhớ lại hết, cô nói:

– Chị nhớ rồi. Đây là cái áo năm ngoái mợ Hai mua cho chị Ba Lý. Lãng, khi sáng em nghe có tiếng khóc phải không? Thế là rõ: Mợ lên Xuân Huề dẫn chị Ba về đây không cho ở nhà chồng nữa. Hèn gì hai ngày nay, cửa đóng im ỉm.

Chuyện nhà của Hai Nhiều mau chóng thành chuyện hào hứng của lớp học. Chinh mang nó ra trường võ. Thìn mang nó đi chợ. Cả làng hay tin, những kẻ vô công hiếu sự chộp lấy như một trò vui phù phiếm, tạm quên cuộc sống vô vị. Nỗi hận tưởng đã phai của đám con cháu nạn nhân ông Tư Thới lại được dịp trỗi dậy. Các lời bàn tán đều độc địa, đến nỗi một người vô tâm như Chinh mà cũng bất nhẫn, tức quá tát tai một tên xấu mồm nhỏ tuổi sau giờ học võ. Vợ chồng Hai Nhiều thì ủ rũ, gần như hoảng hốt. Một tối ông giáo ngạc nhiên khi thấy Hai Nhiều rụt rè đứng trước cửa, e ngại không dám lên tiếng hay tự tiện vào nhà như trước đây. Ông giáo vui mừng ra cửa mời Hai Nhiều vào nhà, giả vờ xem như lâu nay chưa từng có chuyện xích mích giữa hai gia đình. Hai Nhiều ngần ngại, nói quanh co thật lâu, rồi mới hỏi:

– Chú có biết chừng nào ông biện xuống đây không?

Ông giáo chưa hiểu ý ông Hai Nhiều, nhưng cũng trả lời:

– Nghe Lữ với Huệ bảo khoảng mồng một tháng chạp có một chuyến muối lên. Chắc ông biện xuống vào khoảng đó.

– Như vậy là còn bốn ngày nữa.

– Vâng, khoảng bốn ngày.

– Mới đây mà lại gần tết rồi. Thật mau quá.

– Vâng mau. Anh chị đã làm gì chưa?

– Làm gì? Ờ, ờ có làm. Chậm chậm thôi. Năm nay nhà tôi lo sơ sơ vài thứ cúng tổ tiên ông bà rồi thôi. Vui vẻ gì mà tết với nhất!

Hai Nhiều thôi ngước mặt nhìn lên trần nhà, nhận thấy đã quanh co đủ để vào chuyện:

– Năm nay tưởng qua được một năm yên ổn, không ngờ tháng cuối cùng lại xảy ra chuyện vợ chồng con Ba Lý. Mấy ngày nay chắc chú đã nghe thiên hạ đồn đãi. Đừng vội tin bọn bép xép. Vợ chồng nó ăn ở với nhau đã lâu không con cái, nên bà mẹ chồng tìm chuyện làm găng với con Ba. Bà nhà tôi lại không dằn được cơn giận. Lâu nay tôi để ý, thấy ông biện nể chú. Hôm nào ổng xuống, chú nói cho một lời.

Ông giáo kinh ngạc hỏi:

– Sao lại dính tới ông biện, anh?

Hai Nhiều ngồi im một lúc, do dự không biết có nên nói hay không. Nhưng đã tốn công phu qua đây làm lành, ông không còn con đường nào khác là phải chịu lép nhờ đến ông giáo vậy. Hai Nhiều chậm rãi giải thích:

– Số là sau chuyện gia đình xục rục, thằng chồng con Ba bỏ nhà lên Tây Sơn thượng với ông biện. Thế mới rắc rối. Con gái gả đi lấy chồng là con dâu nhà người ta rồi, dẫn về đây luôn coi sao được. Mà về trên đó, không có thằng chồng thì sống làm sao. Chú làm ơn nói với ông biện, nhờ ông biện khuyên thằng chồng con Lý một lời.

Ông giáo mau mắn đáp:

– Dạ được. Tôi se cố. Vợ chồng đầu gối tay ấp mặn nồng còn hơn cả tình ruột thịt, láng giềng. Anh chị còn bỏ lỗi cho các cháu mà qua đây, huống chi là…

Ông giáo ngừng lại ở lưng chừng câu, vì thấy vẻ bối rối của Hai Nhiều. Không khí trở nên oi bức hơn vì cả hai đều không dám nói thẳng những điều đang nghĩ. Mãi đến lúc không thể ngồi im lặng được nữa, đứng dậy chào chủ nhà ra về, Hai Nhiều mới bảo ông giáo:

– Mai chú bảo cháu Chinh nó sang bên tôi nhổ một ít cải non về cấy. Tết sắp đến rồi, lo làm dưa cải ăn với bánh tét chứ. Thiếu đất thì phá quách cái hàng rào đi. Tôi trồng cau đã mục hết cả, đổ lúc nào không hay!

Nguyễn Mộng Giác

   Số lần đọc: 4101

Tác Phẩm

BÀI KỀ

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây