Nơi lưu giữ những tác phẩm của Nhà Văn Nguyễn Mộng Giác (1940-2012)

Nơi lưu giữ những tác phẩm của Nhà Văn Nguyễn Mộng Giác (1940-2012)

Sông Côn Mùa Lũ – Chương 15

Suốt thượng tuần tháng chạp, sức khỏe ông giáo suy giảm. Khí hậu mùa đông ở thung lũng cay nghiệt với người có tuổi. Sương buổi sáng tan chậm, và quá trưa một chút gió lạnh buốt từ rừng bủa về mang theo hơi ẩm của bao tầng lá chết mục. Giấc ngủ ông chập chờn, nên mỗi sáng, thay vì được sảng khoái chờ đón một ngày mới, đầu óc ông cứ ngầy ngật, bần thần. Hễ gió chiều bắt đầu lay động mái nhà thì hai bả vai ông mỏi rần, hơi thở khó khăn. Trạng thái choáng váng, bồi hồi thật giống như một người đang mải mê leo núi, bất chợt quay lại thấy mình đang ở một nhỏm đá chênh vênh ngay bên bờ vực sâu.

Tuy thông hiểu y lý, ông giáo không hiểu mình mắc chứng bệnh gì. Những dấu hiệu của tuổi già ư? Vâng, ở cái tuổi 53, ít người giữ được sự cường tráng và lạc quan. Nhưng mắt ông còn tinh tường, mỗi lần bóp nhẹ lên má, lên ngực và cánh tay, ông thấy bắp thịt chưa nhẽo. Ông chưa thuộc vào hạng lão nhược sớm đến thế. Vậy mà đột nhiên ông cảm thấy mệt mỏi, nỗi buồn chán vu vơ cứ lảng vảng bên trí. Ông không muốn đi đâu cả, suốt ngày hết nằm dã dượi lại đến ngồi bên bàn, chén nước để lạnh, váng trà in một vết ngấn trong lòng chén.

Có lẽ ông cả (từ đêm hôm ấy, ông giáo chiều theo ý Nhạc, đã thôi không gọi “ông biện” như trước) thông cảm sự đau ốm do thời tiết của ông giáo, nên dù trại rất nhiều công việc, ông cả để yên cho ông giáo nghỉ ngơi. Mọi việc, kể cả những vấn đề phức tạp trước đây cần có ý kiến của ông giáo, đều do ông cả tự lo lấy hết.

Thỉnh thoảng ông cả có xuống thăm ông giáo, lần nào cũng hỏi han ân cần, chú ý lo lắng đến từng thiếu thốn nhỏ nhặt, như cái khăn lau mặt đã sờn rách cần phải thay, cái gối quá thấp chưa đủ đỡ vai người yếu… Dường như không muốn quấy rầy người bệnh bằng các chuyện phức tạp, ông cả tuyệt nhiên không đả động gì đến chuyện trại nữa. Ông giáo vừa mừng vừa thắc mắc, và cũng như những lần không tìm ra được duyên do tâm trạng choáng váng, ông buông xuôi, không gắng sức tìm hiểu.

Một hôm Huệ vâng lệnh anh mang xuống biếu ông giáo một hộp nhân sâm. Nghe con gái báo là có Huệ đến, tự nhiên ông giáo cảm thấy tâm hồn nhẹ nhàng hơn. Ông ngồi bật dậy, gần như rộn rã vì kỷ niệm những đêm canh lúa dưới An Thái, những buổi thầy trò một già một trẻ cùng quên tuổi tác cách biệt, bàn luận sôi nổi về đủ vấn đề, xét lại tận cỗi rễ những giá trị tưởng như vững chắc hiển nhiên, để rồi cuối cùng vẫn quanh quẩn trong hoài nghi. Ông thích được nhìn đôi mắt tự tin nhờ vẻ giễu cợt, mảng tóc hơi quăn phủ ở góc trán, thích nghe giọng nói ấm và sang sảng rành rọt từng tiếng của Huệ. Sự sôi nổi của Huệ khiến ông giáo quên hết cảm giác bệnh hoạn bấy lâu, và từ lúc nào không biết, ông ngồi xếp bằng ngay ngắn đĩnh đạc trên phản giữa luồng gió rừng với một manh áo mỏng trên người, chăm chú nghe Huệ mới:

– … Còn chuyện này nữa, con không biết phải nói thế nào cho anh con hiểu. Lão thầy cúng bẻm mép đó huyên thuyên đủ điều nhưng điều căn bản phải định rõ trước tiên là: ta muốn gì? Muốn làm một bọn cướp núi cỡ như bọn Lương sơn bạc bên Tàu à? Hay muốn làm một đám cướp lớn hơn, lâu la kể hàng vạn người, đi đến đâu chân dẫm không chừa một ngọn cỏ? Dùng phù phép để lôi cuốn người Thượng, tạm cho là được đi. Dùng sấm để dụ hoặc kẻ ngu, cũng được. Rồi sau đó ta làm gì nữa? Tất cả chúng ta phải học làm thầy cúng để tiếp tục lừa dối thiên hạ hay sao? Đấy, theo ý con thì khi nào chưa hiểu ta muốn gì, thì cứ lúng ta lúng túng, lúc làm cái này, lúc lại làm ngược lại.

Muốn làm một bọ cướp lớn à? Cướp của ai? Bao nhiêu năm thầy sống dưới Tuy Viễn, thầy ước tính xem có được bao nhiêu nhà giàu để ta cất công khổ nhọc từ đây xuống dưới đó cướp của? Số của cướp được đủ nuôi ba nghìn người chúng ta được bao nhiêu ngày? Vét hết túi bọn nhà giàu rồi, thì làm gì đối với dân nhà nghèo? Lột những cái khố rách của họ à? Cướp mấy cái nồi đất không dính một hột cơm của họ à? Rồi đâu phải mình rảnh tay để lột áo thiên hạ! Quân phủ còn đó. Bọn cai tổng, xã trưởng, bọn thu thuế còn đó. Giáo mác, voi ngựa của chúng chờ ta bên kia đèo. Biết bao người khổ sở, bỏ xứ kiếm ăn, xiêu tán lên tận đây, vì ai? Vì giáo mác, voi ngựa, quan quân chúng nó! Giả sử mình đủ sức dẹp được chúng nó, thu hết voi ngựa, giáo mác, chuyện này con nghĩ không phải khó nhưng cũng không phải dễ, giả sử mình đánh bạt quân triều, đuổi hết được lũ chức sắc đi, lúc đó mình làm gì nữa? Lại dùng giáo mác đó dí vào lưng vào cổ dân đen để bắt nộp thuế à? Lại dùng voi ngựa đó để xênh xang cho sang trọng à? Bây giờ, thiên hạ sẽ nghĩ: ờ, tưởng có gì lạ, hóa ra chỉ thay người đóng tuồng mà thôi. Cũng bấy nhiêu mặt mũi, râu ria, áo mũ ấy thôi. Đó, con nghĩ lung tung như vậy, nhưng làm sao nói được với anh con bao nhiêu chuyện đó như con nói với thầy. Nhiều bữa chỉ có hai anh em, con muốn nói lắm, nhưng cuối cùng không nói được. Có lẽ so với anh cả, con nhỏ tuổi hơn nhiều. Nhưng thầy còn lớn hơn anh con trên một giáp, tại sao con nói được!

Sự phấn khích hiếm có của Huệ như một đợt sóng, cuốn đi tất cả những giả dối, e ngại, khách sáo thường bập bềnh trên mặt cách xử thế, để dưới ánh sáng của trí tuệ, chỉ còn lại lòng chân thành trong suốt, ai ai cũng có thể nhìn đến tận đáy lòng của nhau. Ông giáo hết sức thú vị vì tìm lại được hình dáng đứa học trò cũ, tuy lần này, Huệ đặt ra cho ông một vấn nạn phức tạp nan giải hơn trước. Không dễ gì mà giải đáp ngay cho Huệ! Ông phải tìm kế hoãn binh vậy! Nước phèn mau chóng làm ôi màu trà, từ chất vàng tươi ngả sang đỏ úa. Lớp váng nổi lên mặt tách trà làm rỉ những tách sứ trắng, quà tặng của ông cả. Ông giáo định quay xuống bếp gọi An thay bình nước. Nhưng thấy vẻ bẽn lẽn của Huệ, nhìn theo mắt cậu học trò yêu, ông thấy từ thật lâu, An vẫn lấp ló ở cửa thông để nghe lén câu chuyện. Huệ bối rối, vì bấy giờ mới thấy hết nhiệt tình thái quá của mình, hơn thế nữa, anh nhận ra rằng không phải chỉ có một mình ông giáo lắng nghe anh nói. Huệ mất cả tự nhiên, ngồi ngay lưng trên ghế trước cái phản con, loay hoay chưa biết phải làm gì nữa trong chờ đợi. Ông giáo vẫn trầm ngâm chưa nói gì. Một lúc sau ông bảo Huệ:

– Anh nói nhiều điều hợp lý. Phá hư một cái gì đó nho nhỏ dễ vỡ như cái chén mỏng này chẳng hạn, tuy không khó bao nhiêu nhưng cũng phải nhọc chứ. Dễ nhất cũng phải đưa tay gạt nó xuống đất. Giận dữ nổi lên, có người dám dùng hết sức xáng mạnh nó vào tường. Người khác sợ những mảnh vỡ nguy hiểm, lại phải mất công quét dọn, đưa chổi xuống tận gầm giường để thu quén từng mảnh li ti. Bấy giờ người lỡ giận đập vỡ cái chén, nếu hắn còn lương tâm, phải thấy mình lố bịch, và hối hận chứ. Hắn phải nghĩ thầm: Giá mình chỉ thả nhẹ cái chén cho nó vỡ từng mảnh lớn, hoặc tốt hơn hết là đừng đập nó đi, thì khỏi phải làm buồn phiền vợ con, giá giữ được bình tĩnh có hay hơn không? Anh nói đúng, phá thì dễ, nhưng những việc cần làm sau khi phá xong đấy mới là cái khó. Đập vỡ xong cái chén, còn bao nhiêu chuyện phải làm nữa! Vợ chồng kình cãi nhau, phải tìm cách làm lành thế nào đây. Con cái thấy cha giận dữ, nem nép lo âu hoặc xa lánh đi chơi chỗ khác, làm thế nào cho chúng bớt sợ, trở lại quanh quẩn quyến luyến bên mình như trước. Giải thích thế nào với láng giềng về những tiếng quát tháo, đổ vỡ bất thường. Đấy, tôi lấy một ví dụ nhỏ thế, để anh hiểu tôi đồng ý với anh. Anh nói đúng. Phá dễ thôi, làm gì sau khi phá mới khó. Nhưng anh Huệ này, anh có thấy là việc trước và việc sau không phải chỉ là nguyên do và kết quả diễn tiến tuần tự rành rẽ, mà chúng còn có ảnh hưởng qua lại với nhau không? Giống như trò ném thia lia. Mảnh sành ta nắm chéo cho lướt nhiều lần trên mặt nước tạo ra vô số phản ba, và những phản ba ấy lại va chập vào nhau, đôi lúc gây những đợt sóng lớn đủ làm chùn sức lướt của mảnh sành kế tiếp. Anh và tôi không bàn đến trường hợp những kẻ cuồng sát, những tên cướp của hung bạo, cái não bọn họ không lớn hơn hạt đậu. Ta bàn chuyện của những kẻ có hiểu biết, có trách nhiệm, cân nhắc lợi hại trước khi ném chết một con chuột hôi. Cho nên lòng vòng xa xôi rồi cũng phải đến điều mấu chốt này: Tuy dự định ta sẽ làm gì sau khi phá, mà ta chọn một cách phá thích hợp. Nếu chưa biết làm gì cả, thì đừng phá còn hơn. Nếu e làm mích lòng vợ con, thì rán chịu nhịn đừng gạt cái chén xuống đất.

Huệ nóng nẩy nói:

– Nhịn nhục làm sao được hở thầy! Nếu chịu quì, thì con và thầy đâu gặp nhau ở đây. Mấy nghìn con người kéo nhau làm gì lên cái đất khỉ ho cò gáy này.

Ông giáo đoán trước được phản ứng của Huệ, nên cười nhỏ một tiếng, bảo:

– Đấy. Không nhịn được nên phải cưỡng chống lại, tìm cách phá đổ, loại bỏ mối đe dọa nguy hiểm đi. Phá đi xong, ta dựng lại cái mới. Và chính ở điểm nòng cốt này này, tùy cái mới ta định dựng lên thế nào mà cách ta phá biến đổi. Cái nhà ta đang ở dột nát ẩm thấp quá, ngột ngạt khó thở quá, không chịu được nữa. Kẻ thất phu ngu muội có thể trong một phút bốc đồng nào đó, cho nó một mồi lửa. Còn chúng ta, chúng ta phải tính kỹ trước khi hành động. Nhà dột thật đấy, nhưng nếu rui mè còn tốt thì ta chỉ việc thay tranh thôi. Cả rui mè cũng mục nát cả thì liệu có nên bứng luôn mấy cây cột gỗ lim đi không? Cột kèo cũng bị mối mọt đục ruỗng đi ư? Thì phải coi lại thử cái nền có cần đào lên không? Trong khi dỡ mái xuống, đào cột lên, xáo cái nền nện lại cho vững, mấy cụ già hay se mình như hạng tôi, với mấy đứa nhỏ hay ấm đầu đi tướt nương tạm ở đâu? Cho đến bao giờ? Bếp che ở chỗ nào? Chiếu ngủ trải chỗ nào? Đấy, phải chú trọng đến nhu cầu liên tục của đời sống.

Huệ đăm chiêu nghĩ ngợi. Rõ ràng ông giáo đã đẩy anh vào một đám mù sương. Sau một lúc im lặng, Huệ hỏi:

– Theo ý thầy, cái nhà ta đang ở đã bị ruỗng nát đến đâu rồi. Chỉ dột sơ sơ, hay đã mục đến chân cột?

Nếu phải trả lời ông cả, thì nhất định ông giáo dè dặt. Với Huệ, ông giáo không dè dặt chút nào. Ông nói thẳng ý mình:

– Tôi cho rằng bọn bè đảng Trương Tần Cối ở Phú Xuân chỉ mới đục khoét hư hại đến rui mè. Sự nghiệp gầy dựng qua tám đời chúa suốt mấy trăm năm như tám cây cột vững, dễ gì mục ruỗng được. Chúa Trịnh Đàng Ngoài lăm le bao nhiêu lần có xô ngã được đâu. Chẳng những thế, đất đai ngày một mở rộng, mênh mang liền một dải từ Thuận Hóa vào đến Gia Định. Đất rộng, người đã đông, từ đời Võ Vương đã xác lập vương hiệu, lập triều đình riêng, chế mũ áo phong tục riêng. Tạm thời bọn loạn thần xáo động triều đình, nhân dân ta thán, nhưng tám cây cột đã cắm chặt vào cái nền đất phì nhiêu giàu có trên hai trăm năm nay rồi. Biết bao nhiêu công lao đó, người người đều mang ơn. Đạo Nho giúp cho trung hiếu được phổ biến đến hang cùng ngõ hẹp, thềm Chúa càng thêm vững.

Huệ nói:

– Anh con không nghĩ như thầy.

Ông giáo nói:

– Tôi biết. Còn ý anh thế nào?

Huệ hơi lúng túng, nhưng trấn tĩnh được ngay. Anh đáp:

– Con nghĩ khác. Anh con nghĩ đơn giản quá. Con thì có lé chưa thông hiểu kinh truyện, nên con… con nói điều này sợ thầy giận…

– Được, được. Anh cứ nói hết đi.

– Vâng, thầy thứ lỗi, nếu con chưa hiểu hết kinh truyện. Con nghĩ cả tám cây cột sở dĩ vững cho đến nay là nhờ cái nền nho ở dưới. Nào là “thiên mệnh”, nào là “quân xử thần tử, thần bất tử bất trung”, nào là “dân chi phụ mẫu”. Người dân dốt nát không đọc được kinh truyện, lại là kinh truyện khó hiểu từ bên Tàu đem sang, nên suốt bao đời nay nem nép lo sợ. Đến một lúc nào đó, tình thế đẩy họ vào đường cùng, họ không sợ hãi nữa mà hóa liều, thì tám cây cột kia sẽ thế nào? Người còn có một mái nhà để về, thì còn băn khoăn, suy tính xem nên dọi mái hay nên thay kèo. Nhưng đối với hạng cố cùng, xiêu giạt nay đầu đường, mai xó chợ, bữa no lo bữa đói, chết còn sướng hơn sống, thì những điều từ nãy đến giờ con với thầy nói với nhau phỏng có ích gì! Hỏi họ, họ sẽ đồng thanh đòi phá hết và làm lại hết.

Ông giáo lo lắng hỏi:

– Đã đến tình cảnh ấy rồi sao?

Huệ đáp:

– Con mong là chưa đến nỗi như vậy. Xua đuổi tất cả mọi người ra khỏi nhà, nhập bọn vào đám dân xiêu giạt, đâu phải là chuyện dễ làm. Nhưng mải nói chuyện, con quên mất lời dặn của anh cả. Thưa thầy, anh cả con kính nhờ thầy soạn cho một bài hịch.

Ông giáo giật nẩy người:

– Bài hịch? Để làm gì?

– Các dự định của anh con, chắc thầy đã biết rồi. Thầy nhớ đêm hôm ấy, đêm anh cả sai con đi đóng tất cả cửa lớn cửa nhỏ để bàn chuyện với thầy…

– Nhưng hịch nói những gì, viết thế nào?

– Anh con dặn chỉ cần ngăn ngắn thôi. Con nghĩ… con nghĩ ta nên viết bằng chữ Nôm. Đa số dân chúng không được đi học chữ Hán, họ không hiểu!

*

* *

An bẽn lẽn đứng chờ Huệ ra về để khép cổng lại. Tấm cửa đan bằng cây rừng tua tủa những gai khép hẹp, chứa không đủ một người lách qua. An lại vô ý nắm chặt lấy cánh cổng, nên thay vì tiễn khách, cô lại vô tình lưu khách. Huệ không hiểu An muốn mình về hay ở, tần ngần chưa muốn hỏi. Mấy cái lá dại tội nghiệp ở hàng rào chắc ngỡ ngàng không hiểu vì đâu cô chủ nhà không nói năng gì, cũng không dám cười, mấy ngón tay ấm mềm cứ bứt hết lá này đến lá khác thả vung vãi xuống lối đi. An nói nhỏ:

– Trời hôm nay lạnh dữ.

Huệ nói:

– Ờ, lạnh. Gió lớn quá.

– Không khéo lại bão.

– An tưởng thế? Chưa đâu.

Huệ trỏ những đám núi vây quanh, bảo An:

– Sắc núi còn thẫm lắm. khi nào rừng bắt đầu thay lá…

An không nghe Huệ nói, bâng quơ như tự nhủ mình:

– Em sợ bão.

Huệ cười nhỏ, nhìn mái tóc cuốn gọn để lộ khuôn mặt trái xoan thanh tú, hai cái tai nhỏ và chiếc cổ trắng của An, cố lấy can đảm nói:

– Khi nào gió mạnh đến nỗi thổi tung được mái tóc An, may ra mới có dấu bão lớn. Lúc đó, lúc đó… đáng tiếc lắm…

An không hiểu, ngửng đầu lên hỏi:

– Sao vậy anh?

Đôi má cô ửng hồng, vài sợi tóc mai bay vướng víu. Huệ không dám nói hết ý mình, tìm cách tránh đi.

– Vì khối nhà chòi sẽ bị đổ.

An biết Huệ nói dối, nhưng không thể tìm hiểu ý thật. Cô chỉ lờ mờ đoán Huệ nói bóng gió điều gì liên quan đến khuôn mặt mình, vì nhiều lần Huệ chăm chăm nhìn vào mắt cô. Bất giác An đưa tay lên quệt má. Huệ cười nói:

– Không có đâu!

An sượng sùng nói:

– Em tưởng… Nhà bếp em thấp quá, rờ đâu cũng bồ hóng với nhọ nồi.

– Thì nâng cao mái lên.

– Gió thốc vào làm sao nhóm lửa. Chịu thôi! Đàn ông các anh… Lãng với anh Chinh cũng bảo thế… Quên mất chuyện gió.

– Ai bảo để trống. Tìm phên che kín lại chứ!

An phụng phịu:

– Anh Lợi hứa sẽ mang lại, nhưng cứ quên mãi. Hôm trước em nhắc…

Huệ hỏi nhanh:

– Anh ta thường đến đây không?

Không hiểu sao An nói dối:

– Ít khi lắm. chỉ có một lần đến báo tin buồn. Tội nghiệp, anh ấy trở thành mồ côi!

Huệ bắt bẻ:

– An nói ít sao lúc nãy bảo Lợi nó quên mất. Lại bảo An nhắc anh ta nhiều lần.

An luống cuống, mặt đỏ hồng:

– Em nhờ Lãng nhắn anh ấy. Anh ưa bắt bẻ người khác lắm. Cha em tính độc đoán, không hiểu sao lúc nãy cha tranh luận với anh hăng hái thế. Chưa bao giờ em thấy cha hăng say và linh hoạt như sáng nay. Tại sao thế?

– Làm sao tôi trả lời được.

– Cả anh nữa.

– Tôi thế nào?

– Em tức cười. Cảnh tượng một già một trẻ tranh luận sôi nổi với nhau như hai người bạn tâm tình, em thấy lạ lắm. Với em, hoặc ngay cả với anh Chinh, thằng Lãng, không bao giờ cha nói những chuyện như vậy cả.

Huệ tò mò hỏi:

– An nghe từ đầu?

– Vâng. Anh và cha nói lớn tiếng, em…

– Biết thế tôi đã không nói.

– Em không đáng nghe ư?

– Không phải đâu. Nhưng những điều đó, mỗi người giữ riêng cho mình. Phải chờ một lúc nào đó, với ai đó, gần như gặp cái bóng của mình, ta mới nói một hơi cho thỏa.

An nhận xét:

– Em thấy chưa ai thỏa cả! Nhất là cha em. Còn anh thì…

Huệ hấp tấp hỏi:

– Tôi thì thế nào?

An cười che giấu sự lúng túng:

– Anh thì… anh thì… em biết nói thế nào bây giờ. Em cảm thấy, nhưng không biết nói sao cho đúng.

– Thì cứ nói điều cảm thấy đi!

– Vu vơ, mơ hồ lắm. Chịu thôi!

– An khéo giấu lắm.

– Em nói thật. Em không có tài ăn nói rành rọt, có đủ đầu đuôi như anh. Nhiều hôm cha em bực, gắt lên: “Ăn nói chẳng ra đâu vào đâu cả!” Nói chuyện với em, chỉ rước cái bực vào thân mà thôi!

*

* *

Nhạc hí hoáy mở nút dải buộc ống giấy không được, nên lấy con dao têm trầu cắt đi. Ông đưa tờ giấy gần sát đèn, ngửa người ra phía sau, lẩm nhẩm đọc. huệ hồi hộp theo dõi nét mặt anh, thâm tâm mong mỏi anh vừa ý với nội dung tờ hịch. Ông cả đọc chậm, vì phải suy nghĩ nhận cho ra mặt các chữ khó nên mày ông nhíu lại, ra dấu bảo Huệ lại gần. Ông nói:

– Cái gì thế này? Chú đọc tôi nghe đoạn này coi!

Huệ cầm tờ hịch đọc đoạn ông cả chỉ:

Giận quốc phó ra lòng bội thượng, nên Tây Sơn xướng nghĩa cần vương.

Trước là ngăn cột đá giữa dòng, kẻo đảng nghịch đặt mưu ngấp nghé.

Sau là tưới mưa dầm khi hạn, kẻo cùng dân sa chốn lầm than.

Ví lòng trời còn nếp Phú Xuân, ắt dấu cũ lại cơ đố Hữu Hạ…(1)

Ông cả phất tay bảo em dừng lại, lấy giọng nghiêm khắc hỏi:

– Chú nói thế nào mà ông ấy viết vậy?

Huệ lo ngại hỏi Nhạc:

– Có gì lạ đâu, anh?

Nhạc nổi bực, gắt với em:

– Viết thế mà chú bảo là không có gì à? Chú đọc kỹ lại đi. Chỗ “Giận quốc phó”.

Huệ đọc:

– Giận quốc ra lòng bội thượng, nên Tây Sơn xương nghĩa cần vương.

Nhạc bảo ngưng, rồi nói:

– “Giận quốc phó”. Được. Tên tham lam bất nghĩa đó ai mà không giận. Nhưng “ra lòng bội thượng” là thế nào? Phải cẩn thận cân nhắc từng chữ. Tờ hịch này truyền đi, nhất định tụi đồ gàn, tụi ký lục bẻm mép sẽ chẻ sợi tóc ra làm tư, bàn hươu tán vượn đủ điều. Không phải là chuyện đùa giỡn đâu. Chú coi, tại sao lại bảo tên quốc phó “ra lòng bội thượng”? Mình có dây dưa tình nghĩa gì với hắn? Sao lại giận hắn tráo trở không vâng mệnh. Lại còn viết: Nên Tây Sơn xướng nghĩa cần vương. Chú học chữ nghĩa thầy mấy năm, hiểu rõ bụng dạ người ta. Chú giải nghĩa đi. “xướng nghĩa cần vương” là thế nào?

Huệ đáp:

– Ý thầy giáo bảo ta khởi nghĩa diệt tên quốc phó để tôn phù bảo vệ ngôi vua.

Nhạc xẵng giọng hỏi:

– Vua nào nữa?

Huệ đã hiểu rõ mối bất hòa trong quan điểm giữa thầy và anh, nhưng đã từng mong mỏi: với thời gian, thế nào hai người thân kính sẽ tìm được những điểm chung. Không ngờ sự mâu thuẫn gay gắt phát lộ sớm như vậy. Huệ đành nói:

– Thầy giáo vẫn nghĩ ta phải phò hoàng tôn thì mới chính được danh. Cho nên mới dùng chữ “bội thượng, cần vương”, ở câu dưới lại dùng chữ “nếp Phú xuân, dấu cũ, cơ đồ Hữu Hạ”.

Giọng Nhạc trở nên giận dữ:

– Hóa ra cả đêm ấy, lão không nghe lọt tai ý ta. “Nếp Phú Xuân, dấu cũ”. Có đáng gì cái bọn vua chúa ươn hèn ngoài đó mà “nếp” với “dấu”. Lòng Trời nào dung bọn đàn bà không ra đàn bà, đàn ông không ra đàn ông đó. Chị Dương! Trời đất! Chú đem quăng trả lại cho lão!

Huệ thấy mình ở vào một thế khó xử. Vẫn nhanh trí, anh tìm ngay được lối thoát:

– Em thấy chúng ta chưa cần đến bài hịch. Nếu theo dự định ban đầu, gióng trống gióng cờ rầm rộ xuống núi thì cần hịch thật đấy. Nhưng anh đã thay đổi ý kiến, không phát quân ào ạt nữa. Chưa cần bài hịch đâu. Anh cứ giữ đó, biết đâu sau này có lúc dùng đến.

Nhạc không vui, biết Huệ né tránh một công việc khó khăn. Tuy vậy, dần dà nguôi bớt giận, ông phải nhận những lời em vừa nói có cái lý của nó. Để giữ thể diện, ông cả bảo:

– Chú sợ thì trả lại tôi. Hôm nào gặp lão, tôi phải hỏi cho ra lẽ.

*

* *

Hôm Nhạc sai em đến nhờ ông giáo thảo bài hịch, ông cả và tên thầy cúng hết sức tương đắc. Cả hai cùng nghĩ phải làm một cuộc xuất quân kinh thiên động địa. Chiêng trống sẽ vang dội núi rừng. Chim chóc, muông thú sợ hãi trốn ra nghìn dặm. Quân đông như kiến, chảy xuống đèo như thác lũ. Cờ xí rợp trời. Lịch hịch truyền ra, quân dân hò reo tở mở… Trên mình ngựa bạch, chủ tướng mặc áo bào đỏ, mũ giáp trụ đội đầu, hông đeo gươm báu. Lính hộ vệ hai hàng chạy theo chân ngựa, giáo thai bài vác nghiêng đều trên vai…

Quá quen với nghi thức cúng tế, Chỉ vẽ hẳn lên giấy mẫu cờ, mẫu quần áo lính hầu, lính hộ vệ, lính khiêng trống, buổi lễ xuất quân chủ tướng đứng ở đâu, quân sĩ xếp làm mấy hàng, lúc nào tất cả đều phải quì xuống, lúc nào đồng rập tung hô… Các nghi thức, kiểu mẫu, sơ đồ ấy dĩ nhiên không giống chút nào với nghi thức, kiểu mẫu ở vương phủ. Tất cả đều do tên thầy cúng bịa ra cả, dựa vào kinh nghiệm các cuộc tế lễ bùa chú cũng có, mà dựa vào y chang trong tuồng hát bộ cũng có. Nhạc chóa mắt trước bấy nhiêu điều phức tạp rỡ ràng, thật tình khâm phục sự quảng bác kiến thức của tên thầy cúng, nên sai Huệ đi nhờ viết hịch ngay.

Đêm về nằm một mình ôn lại các dự kiến “kinh thiên động địa”, Nhạc mới dần dần vỡ lẽ. vải ở đâu may bấy nhiêu cờ xí để che rợp cả trời? Ngoài một số chiêng trước đây bán ế vì các buôn Thượng mất mùa, một số mõ của trai tráng giữ việc canh phòng, một cái trống tịch thu được ở đồn dưới chân đèo, không còn thứ gì khác có thể gióng lên, gõ vào, để tiếng động đủ đuổi chim chóc bay xa vài trăm bước chứ đừng nói có thể lay động cả trăng sao, núi rừng. Lại còn quần áo của quân lính nữa, mỗi hạng mỗi kiểu khác nhau, thậm chí áo đội chiến chiến đấu này khác áo đội chiến đấu kia, cho dễ việc điều quân.

Ông cả nhận mình xốc nổi, hào khí hạ xuống, lịm theo giấc ngủ. Sáng hôm sau, ông gọi Lợi lên để hỏi tình hình kho gạo, lương thực, gọi Thận hỏi về khi vũ khí, gọi Năm Ngạn hỏi số đinh. Bao nhiêu con số thu lượm được như những gáo nước lạnh dội vào người ông. Huệ gặp anh trong tình trạng đó nên các tỷ lệ của Huệ được ông cả chấp nhận dễ dàng.

Thay vì kéo rốc cả ngàn người rầm rộ xuống đèo, quyết một trận sống mái với quân triều, được ăn cả ngã về không, như ông cả hào hứng dự kiến hôm qua. Huệ đề nghị nên chia từng toán nhỏ, ít thì khoảng 30 người, nhiều nhất là 100 người. Vũ khí nhẹ thôi, cung tên, giáo mác, kể cả dao cắt thịt, nếu các bà nội trợ chịu cho chồng mang đi. Quần áo “nghĩa quân” (Huệ thấy hai chữ này thích hợp) không cần thống nhất. Ai có gì mặc nấy. Toán người Thượng cứ việc đóng khố. Người nào chịu được sương sớm, mặc độc cái quần đùi vải thâm cũng không sao. Số dân đinh trên một nghìn người chia ra làm hai, một nửa ở lại tiếp tục làm rẫy, một nửa sung quân. Ít lâu sau, nửa này thay nhiệm vụ cho nửa kia, nên đời sống khỏi bị xáo trộn, nguồn lương thực không bị hao hụt. Thế là giải quyết được những khó khăn do Lợi, Thận, Năm Ngạn đưa ra!

Bây giờ đến vấn đề chính: đưa các toán nghĩa quân võ trang xuống núi để làm gì? Không phải để chiếm đất, vì có chiếm cũng không giữ được. Cũng không phải để cướp của. Còn ai đủ giàu để đáng cất công đâu! Nhiệm vụ chính của các toán nghĩa quân là đột nhập vào các làng gần núi, phá nát bộ máy cai trị do bọn thổ hào, chức sắc nắm giữ, để các vùng cận sơn có dân mà không có quan, khu vực kiểm soát của triều đình thu hẹp dần; khu vực các chức sắc bỏ trốn sẽ loang dần ra như dầu loang trong mặt nước, loang dần xuống phía biển, đến một lúc sẽ đến sát bờ thành phủ Qui Nhơn. Nhạc ngồi im nghe em nói, càng nghe càng thấy kế hoạch của Huệ sát thực tế, hợp lý và hợp tình hơn. Để khởi đầu, ông cả thử lập ba đội nghĩa quân để đánh dò đường. Một đội do chính ông điều khiển. Một đội giao cho Huệ. Đội thứ ba giao cho Tuyết. Mỗi đội gồm khoảng 100 người mạnh khỏe, ít bận bịu gia đình và đã tinh thông võ nghệ. Họ xuống núi vào một sáng tinh sương, và vì thiếu khua chiêng, gióng trống, hịch truyền, súng lệnh nên chim chóc và trẻ con vẫn được ngủ yên.

*

* *

Nhạc đích thân tổ chức các đội nghĩa quân tiên phong, phân chia đồng đều các thành phần nòng cốt. Nhưng sự qui tụ, kết nhóm cứ tuân theo qui luật tự nhiên của nó, dựa vào quen biết trong quá khứ, giống nhau về tính tình, liên hệ lâu dài về quyền lợi. Do đó dù Nhạc không muốn, ba đội nghĩa quân cứ mang ba sắc thái khác hẳn nhau.

Bao giờ người cầm đầu cũng muốn chọn những phụ tá đáng tin cẩn, hoặc trong số những bạn đồng hương, hoặc bạn tâm tình có chung một sở thích. Những người phụ tá này lại chọn những đội viên giống mình, nếu cùng lắm thì ít ra cũng hơi giống mình. Một nghĩa quân nào đó bị phân vào một đội xa lạ ư? Anh ta sẽ tìm mọi cách để trở về đúng chỗ của anh, giữa những người quen thân. Nhẹ thì năn nỉ, khó hơn thì biếu xén mua chuộc, khó nữa thì nhờ đến thế lực cao hơn, thế lực người chỉ huy trực tiếp. Cuối cùng, mỗi đội có riêng một “cá tính”, một “bản sắc”, bản phóng đại cá tính bản sắc của người cầm đầu. Bản sắc này tự nhiên trở nên một sức mạnh thuyết phục hoặc cái cớ để tự cao tự đại bất thành văn, nhưng mọi người trong tập thể đều mặc nhiên chấp nhận thành qui ước. Thành phần dị biệt hoặc lẻ loi trong tập thể đó, nếu có tài xoay sở hay có thế lực, đã tự tìm cho mình một tập thể thích hợp. Số còn lại quen nhẫn nhục, thụ động, phải gắng biến đổi để thích nghi. Tập thể nhờ thế dễ thành đồng nhất, hòa hợp thành một khối, cho nên người cầm đầu dễ bị ảo tưởng rằng mình có tài thu phục và đầy đủ quyền năng.

Đội nghĩa quân do Nhạc chỉ huy, thành phần cốt cán đều là những người buôn nguồn ở Tây Sơn thượng từ trước và những người liên hệ xa gần đến việc buôn bán. Đa số ở vào lứa tuổi chín chắn, có tài thích ứng với biến đổi của hoàn cảnh, nhanh chóng thấy điều lợi hại, xem thường sách vở và những hào quang nặng chất thuyết lý như là lòng nhân nghĩa, lương tâm, phận sự, chí làm trai, kinh bang tế thế… Họ cũng ghét cay ghét đắng những điều phù hoa như lòng thương yêu, sự mơ mộng, nỗi buồn vu vơ, nỗi chán nản trước nhân tình thế thái. Bọn hủ nho và thi sĩ không thể nào len lỏi vào được hàng ngũ họ. Sự nhạy bén trước thực tế và hiểu biết tường tận đường đi, trạm dịch, bến đò, khí hậu, sản vật ở mọi nơi khắp phủ Qui Nhơn đã khiến cho đội nghĩa quân này mau chóng trở thành nòng cốt của lực lượng, đa số về sau trở thành những nhân vật quan trọng của phong trào khởi nghĩa, làm nên một giai đoạn lịch sử hào hứng tuy phức tạp.

Đội nghĩa quân do Huệ chỉ huy qui tụ những thanh niên trẻ tuổi, phần lớn chưa quá 25. Không phải Huệ có quyền chê các “ông già” trên hai mươi lăm tuổi. Ngược lại, họ chê Huệ chưa xứng đáng chỉ huy họ. Tài năng là kết quả tích lũy những kinh nghiệm của năm tháng. Một cậu thanh niên 21 tuổi đầu, râu măng mới nhú lưa thưa trên mép, dù cậu ta là em ruột ông cả thì đã biết gì! Học lực, kiến thức của cậu ta thế nào? Nghe đâu có đi học vài năm ở An Thái. Thầy đồ nào thế? Cái lão mặt mày ủ dột vẫn thường lẽo đẽo theo chân ông cả đó mà. Trời ơi, tưởng ai hóa ra cái lão nho hủ ấy! Lão làm được tích sự gì! Thế mà dám mở trường dạy học! Rồi những “ông già” xin chuyển qua đội của Nhạc, hoán chuyển với bọn trai tráng. Những người nòng cốt trong đội Huệ đa số là những thanh niên đêm đêm thường tụ họp nhau luyện võ gần nhà ông giáo, từ lâu giữ nhiệm vụ tuần phòng và trật tự ở Tây Sơn thượng. Họ chưa có nhiều kinh nghiệm đời, chưa phải một mình đối đầu với những thử thách biến trá của đời sống. Họ cũng chưa bị đời sống nhồi xóc đến độ mất hết cả ý chí, thở dài buông tay trước trở lực. Giống như Huệ, họ xem đời như một trò chơi, ở tư thế một đấu thủ giàu tự tin.

Đội của Tuyết vừa thu hút vừa hứng lấy những thành phần phức tạp còn lại. Các hảo hớn lục lâm tìm Tuyết như tìm bạn cũ. Những kẻ thù ghét mái nhà gia đình và những gì lặp lại. Những kẻ ưa cuộc sống náo nhiệt nơi đầu chợ, góc phố. Những kẻ hận đời chờ cơ hội trả oán. Những kẻ say mê bạo lực v.v… Bấy nhiêu kẻ ngang tàng tìm thấy ở Tuyết mẫu người lý tưởng của mình, góp tụ thành một sức mạnh công phá hữu hiệu. Các cuộc bao vây tiêu diệt những cứ điểm quan trọng án ngữ dọc theo Trường Sơn dưới chân đèo đều do đội của Tuyết đảm nhiệm. Và khi phá vỡ tuyến phòng ngự của quân triều, bắt đầu đột nhập vào các làng mạc gần núi, thì những việc làm của đội Tuyết đều mang dấu ấn cá tính của Tuyết.

*

* *

Chinh được Tuyết khen “xứng mặt anh hùng hảo hớn” từ bữa cùng Tuyết và hai người khác đột kích đồn quân triều dưới chân đèo. Ông cả phân Chinh vào đội của Tuyết. Dĩ nhiên anh không có gì cần khiếu nại!

Ông giáo bực bội hỏi:

– Sao không vào đội của Huệ?

Chinh đáp:

– Ông cả phân đều như vậy, con có xin đổi cũng không được!

Ông giáo đành im lặng, bụng nghĩ ở địa vị Nhạc, phải chia đều các thành phần khác biệt vào từng đội để kiềm chế các vọng động, kiểm soát hoặc nương tựa lẫn nhau. Không thể làm khác được. Riêng phần ông giáo, ông còn có trách nhiệm tinh thần đối với hành vi con cái. Để mặc cho Chinh tự do tung hoành ở ngoài tầm mắt ông, ông không yên lòng chút nào. Ông hỏi:

– Lãng nó ở đội nào?

– Nó xin vào đội anh Huệ.

– Sao nó xin được mà mày không xin được?

Chinh biết mình nói hớ, vội đáp:

– Nó sức yếu chưa phải đi. Trong danh sách không có tên nó. Nhưng nó nằng nặc đòi đi cho được, nhờ anh Huệ nói giúp với ông cả.

Ông giáo đắn đo một lúc, rồi bảo con:

– Mày lên xin cho nó đi với mày.

Chinh đành trả lời gượng gạo:

– Vâng.

Anh định đứng dậy bước ra đường, không phải để lên gặp ông cả mà muốn đi cho khỏi cái nhà này. Nhưng ông giáo đã gọi giật lại:

– Ngồi đó đã.

Chinh ngồi xuống, không che giấu sự bực dọc của mình. Ông giáo suy nghĩ thật lâu, băn khoăn chưa biết bắt đầu như thế nào cho con hiểu lòng ông. Càng nghĩ trí ông càng rối. Giọng ông run vì xúc động:

– Độ này sức khỏe của cha giảm sút. Đêm nào cũng trăn trở không tài nào nhắm mắt được. Trời se lạnh là trong người đã chuyển theo, mỏi nhức ở bả vai và các khớp xương. Nhiều đêm không ngủ, cha thắp đèn ngồi chờ sáng. Cha nhìn các con ngủ say, nghĩ đến lúc không còn được ở gần các con nữa. Cha lo, không biết cuộc đời các con rồi sẽ ra sao. Thằng Kiên đã chịu tù tội. Con An ở chỗ hóc núi này, liệu có tìm được tấm chồng cho xứng đáng không, hay lại gặp một thằng du thủ du thực, say rượu về đánh đập vợ con. Lãng nó yếu đuối như vậy, chống chỏi làm sao với đời. Rốt lại chỉ có con là mạnh khỏe, xốc vác. Cha xem cách con ngủ, cha biết con vô tâm. Đặt lưng xuống là ngáy. Nhưng con biết không, đứa mà cha lo lắng hơn hết là con.

Ông giáo ngừng lại. Chinh bỡ ngỡ chưa hiểu vì sao từ giọng trách mắng nghiêm khắc, cha đổi qua cách nói tâm tình dịu dàng. Anh thấy lòng lâng lâng, cúi đầu ngoan ngoãn chờ nghe cha dạy. Ông giáo nói tiếp:

– Chuyện… chuyện của con hôm trước cứ ám ảnh cha mãi. Thà con tỏ ra đau đớn, kêu khóc van xin cha đừng đánh nữa, con yếu đuối như mọi người. Như vậy cha yên lòng hơn. Riêng con thì không. Con nằm yên chịu đau, không van xin, năn nỉ, không khóc lóc. Đã từng này tuổi, cha biết. Con chịu hình phạt mà trong lòng vẫn khăng khăng nghĩ rằng mình đúng. Con nhẫn nhục chịu đựng.

Ông giáo lại dừng. Chinh không hiểu hết sự phức tạp trong lời cha, tuy nhiên, anh mơ hồ cảm thấy, một phần nào đó, ông giáo nói đúng tâm trạng mình. Anh không thể tìm ra lời nào để chống chế, hoặc tự biện hộ. Thấy con vẫn ngồi yên, ông giáo nghĩ Chinh đã bắt đầu xúc động, ông tiếp:

– Con đinh ninh như vậy! Không đúng đâu, Chinh ạ. Việc con làm không có một chút ý nghĩa nào. Ngược lại, con phải thấy nó vô ích, và ghê tởm. Thời thế này, cha biết các con sẽ phải cầm đến gươm giáo. Ngay sáng mai, có thể con buộc phải chém giết, hoặc vì tự vệ, hoặc vì bổn phận, hoặc vì mệnh lệnh. Dù ở trong trường hợp nào, con hãy ghi nhớ rằng giết người là chuyện bất đắc dĩ, không phải là một lạc thú. Cha muốn Lãng cùng vào một đội với con, để anh em có nhau. Hãy thường xuyên che chở, bảo bọc cho nó. Đừng ham vui mà quên nó. Cha ở trên này luôn luôn lo lắng cho các con. Mẹ cũng không rời mắt các con đâu! Thôi, khuya rồi. Đi ngủ để mai còn đi sớm! Nhớ đắp mền cho Lãng. Nó đã bớt suyễn, nhưng phổi còn yếu lắm!

*

* *

Từ lâu, để đề phòng cướp bóc, các làng gần núi dọc theo các phủ Quảng Ngãi, Qui Nhơn, Phú Yên phải tự lo tổ chức hệ thống phòng thủ. Làng nào cũng có nhiều lớp rào gai bao quanh, chỉ chừa trống lối đi cho trâu bò và lối cho người. Ở lối vào luôn luôn có người canh gác, nhất là về đêm. Cửa ngõ từng nhà cũng kín đáo, kiên cố. Trên các tàng cây ăn trái, ẩn kín dưới lớp lá dày, là những chòi quan sát từ đó có thể nhận ra bọn cướp tận đàng xa và dùng cung giết kẻ địch. Trai tráng không được phép ngủ nhà, mà phải chia nhau nằm ngay bờ rào phòng thủ. Ban ngày họ ra đồng, lên rẫy, đêm phải thức để canh gác. Muốn sống còn qua buổi nhiễu nhương loạn lạc đầy bọn tham quan và kẻ cướp, họ đã phải mở to đôi mắt để nhận diện kẻ thù.

Vì vậy, nếu không có số đông ồ ạt kéo đến vây kín làng giữa ban ngày, chưa chắc đội nghĩa quân của Huệ đã vào lọt mấy hàng rào gai mà không tổn thất. Nhìn cách ăn mặc tùy tiện, gươm giáo chệch choạc, dân làng biết chắc không phải là quân phủ. Nhất định là bọn cướp. Nhưng sao chúng dám giở trò giữa thanh thiên bạch nhật kia? Chúng ỷ đông? Mà đông thật. Có chống lại cũng vô ích thôi, vì hầu hết trai tráng đã ra rẫy cả. Chống lại là rước lấy cái chết và cái cháy trọn vẹn chắc chắn. Đội nghĩa quân của Huệ vào làng bằng cổng chính, giữa những người đàn bà mặt mày nhớn nhác và những đứa trẻ áo quần rách rưới, da cháy nắng, mũi dãi thò lò lem luốc. Các bô lão và những chức sắc khép nép đón họ tận cổng, dẫn họ vào ngôi đình thấp bé cất dưới một gốc gạo già. Theo nghiêm lệnh của Huệ, không ai được chạm đến một cây kim sợi chỉ của dân. Xin nước cũng phải lễ phép thưa gửi với chủ nhà, uống xong phải cảm ơn. Dân làng nơm nớp chờ đợi tai họa, cho nên khi thấy “quân cướp ngày” hòa nhã lễ phép với mọi người, họ càng sợ hãi hơn. Kinh nghiệm cho họ biết, những kẻ độc ác thường ưa chơi khăm, giấu mũi gươm sau những lời hoa mỹ thân ái và những nụ cười hiền lành, như con mèo đùa bỡn với chú chuột tội nghiệp. Họ chờ. Đã đến lúc đây rồi!

Có lệnh mời tất cả dân chúng tụ họp ở đình làng. Những bà nội trợ giấu vội hũ gạo hẩm. Ông già bà cả nấn ná khấn vái tổ tiên phù trợ. Trẻ con khóc ri rỉ, tay níu lấy gấu áo mẹ. Việc tập họp bị chậm trễ, nhưng những tên cướp ăn mặc nghèo nàn và mặt mày hiền lành không nổi nóng, cứ kiên nhẫn đợi. Cuối cùng rồi sân đình cũng chật những người, tuy không ai dám ho một tiếng. Vài đứa bé chưa sợ hãi đủ, nổi lên khóc ré. Bọn trương tuần được dịp lấy lòng những kẻ có thể quyết định sống chết, mạnh bạo bỏ chỗ đứng, ra sân hạnh họe. Một nghĩa quân quát:

– Đứng yên đấy. Không được đi đâu cả!

Dân làng giật mình nghĩ: “Bắt đầu rồi. Cầu Trời Phật phù hộ cho chúng con, cho chúng con được tai qua nạn khỏi”. Lũ chức sắc, mặt không còn một giọt máu. lấm lét liếc về phía người cầm đầu trẻ tuổi, sợ hãi cái tuổi trẻ độc ác và nông nổi. Huệ lớn giọng hỏi:

– Bà con có biết chúng tôi là ai không?

Một bô lão, thấy mọi người đều hướng về phía mình trông chờ, biết không thể thoái thác nhiệm vụ được, đành lấy bạo hắng giọng nói:

– Xin quí ông thương cho chúng tôi. Quả tình chúng tôi không dám giấu diếm điều gì. Cả làng xác xơ, của cải không đáng cho các ông phải khó nhọc.

Huệ đưa tay ngăn cụ già đừng nói tiếp:

– Cụ lầm rồi. Chúng tôi không phải là bọn trộm cướp. Anh em chúng tôi thấy cảnh bất công cùng khổ, không thể chịu được, nên tụ họp ở Tây Sơn để khởi nghĩa, trừ kẻ gian diệt kẻ bạo, đem an vui cơm áo cho bà con. Lời nói vụng về không thể đủ ý. Anh em chúng tôi có thảo một tờ hịch, xin tuyên đọc để các cụ cùng bà con hiểu rõ chúng tôi.

Mẫm lấy bài hịch ông giáo soạn (bài hịch đã bị ông cả bác bỏ vì bất đồng quan điểm nhưng Huệ cứ giữ lấy, hy vọng chữ nghĩa thâm thúy thế nào cũng tác động mạnh mẽ hơn những lời nôm na), bắt đầu lớn tiếng đọc. Đám đông im phăng phắc, chú tâm lắng nghe. Họ nghe rõ lắm vì giọng của Mẫm rất tốt, từng tiếng rành rọt và ấm. Các bô lão gật gù. Bọn chức sắc liếc nhìn các bô lão, liếc qua Huệ, cũng gật gà gật gù. Số người lớn lam lũ đứng nép bóng gạo chỉ nghe tiếng tim mình đập liên hồi, lời hịch lúc còn lúc mất. Có vài tiếng ho. Tiếp theo vài tiếng huýt nhỏ. Mẫm thao thao đọc:

Giận quốc phó ra lòng bội thượng, nên Tây Sơn xướng nghĩa cần vương.

Trước là ngăn cột đá giữa dòng, kẻo đảng nghịch lăm le ngấp nghé.

Sau là tưới mưa dầm khi hạn, kẻo cùng dân sa chốn lầm than.

Vì lòng trời còn nếp Phú Xuân, ắt dấu cũ vẫn cơ đồ Hữu Hạ…

Vài đứa trẻ bắt đầu khóc. Mẹ chúng sợ hãi thì thào dỗ dành. Tiếng lao xao nổi lên đây đó, rồi dần dà trở thành tiếng ồn ào. Mẫm cố đọc to hơn cho át tiếng ồn, nhưng sức anh có hạn. Huệ hiểu ngay là không ai hiểu bài hịch nói gì, những kẻ gật gù chẳng qua chỉ vì hèn nhát sợ hãi mà cố biểu lộ sự đồng ý mà thôi. Huệ phất tay bảo Mẫm thôi đọc. Văn chương chữ nghĩa uyên thâm, những câu biền ngẫu nghiêm chỉnh thật vô dụng vào lúc này, ở đây. Phải tìm cách khác thôi! Hết sức nhanh trí, Huệ quay lại đám chức sắc hỏi:

– Ai giữ sổ đinh?

Một người đàn ông trạc 40, gầy ốm, mặc cái quần cụt màu nâu và cái áo cánh đen đã rách một bên vai, rụt rè tiến tới một bước thưa:

– Dạ, tôi.

Huệ lại hỏi:

– Ai giữ sổ thuế?

Vẫn người đàn ông đó đáp:

– Dạ tôi.

Huệ xẵng giọng:

– Về lấy mang ngay ra đây.

Lệnh được thi hành mau chóng. Huệ vẫy Mẫm và Lê lại, cùng xem xét mớ sổ sách vừa lấy được. Số đinh ít ỏi nên quyển sổ đinh mỏng manh. Còn sổ thuế thì dày cộm, chương mục phân minh, nợ cũ nợ mới chồng chất nhưng người biện lại cần mẫn vẫn ghi chú đầy đủ, tỉ mỉ.

Huệ lật đến phần ghi thuế hạng đào, đọc lớn:

– Nguyễn Văn Năm, tuổi Sửu.

Không có ai trả lời, Mẫm nhắc:

– Ai là Nguyễn Văn Năm.

Tên biện lại quay về phía gốc mít gọi to:

– Nguyễn Văn Năm kìa. Sao bà không thưa.

Một người đàn bà gầy ốm nách bồng một đứa nhỏ lên 3 tuổi, cả hai mẹ con đều ăn mặc rách rưới, lên tiếng:

– Dạ ổng đâu còn ở đây!

Tên biện lại gắt:

– Còn ở đây ai dám biên vào hạng đào. Cái bà này. Dạ thưa quí ông, bà này là vợ tên Nguyễn Văn Năm.

Huệ hỏi người đàn bà:

– Ông nhà trốn đi đâu rồi?

Bà Năm sợ hãi, giọng van xin:

– Quí ông thương cho hai mẹ con tôi, bà con cô bác ở đây ai cũng biết nhà tôi không có gì, đến cái nồi cũng không còn. Quí ông tha cho người nghèo, tội nghiệp mẹ con tôi lắm.

Huệ hỏi:

– Sao trước khi bỏ làng trốn đi, chồng bà không nộp thuế. Đây, sổ sách còn ghi rõ đây này. Tiền sai dư 1 quan 5, tiền thượng tân 5 thưng, tiền tết 5 thưng, cộng thêm tiền chi phí nội tâm (lòng thuyền) và bốc gạo 20 đồng (1)

Người đàn bà thật thà nói:

– Dạ đã không có ăn thì làm sao có mấy quan nộp thuế. Chỉ còn nước bỏ làng mà đi thôi. Biết làm sao được.

Huệ không nói gì, lật qua phần ghi thuế hạng cùng, đọc:

– Lê Văn Ét.

Một bà lão tiến ra thưa:

– Dạ thằng Ét tôi nó đi lên rẫy chưa về kịp. Quí ông thương tình.

– Sao không chịu nộp thuế?

Người mẹ đáp:

– Nó chỉ có cái quần vá, làm không đủ ăn. Năm ngoái tui ráng nộp cho nó, năm nay mất mùa bắp, chưa biết làm cách nào cho đủ. Ông biện đây đã hiểu tình cảnh nhà tui, xếp hạng cùng còn quá cao.

Huệ không nói gì, lại lật qua phần hạng cố, đọc lớn:

– Nguyễn Văn Sửu.

Một người đàn ông mắt chột, da vàng nghệ, lách khỏi đám đông tiến lên thưa:

– Dạ tôi xin hẹn tháng sau nộp đủ. Tôi có thưa trước với ông biện lại. Chắc ổng quên ghi.

Tên biện lại quên sợ, gắt:

– Đã nộp đâu mà ghi.

Tên Sửu cũng không vừa cãi lại:

– Tui chịu nộp tuy nộp trễ, chứ có lì mạng đâu mà ghi tên tui vô sổ.

Cụ già có uy tín được đám đông thầm cử lên nói lời đầu tiên với đội nghĩa quân, bấy giờ mới khoan thai tiến đến trước mặt Huệ, đĩnh đạc nói:

– Thưa quí ông. Từ nãy đến giờ, tôi thấy quí ông không phải là hạng tầm thường. Quí ông không động đến một ngọn rau, không phá phách nhà cửa, chém giết bừa bãi như bọn trộm cướp. Quí ông truyền hịch khởi xướng việc lớn. Dân làng chúng tôi lâu nay chỉ lo chăm chút làm ăn, không dám nghĩ đến sự cao cả như quí ông, nên không dám có ý kiến gì. Quí ông người nhiều, của lắm chắc chưa cần đến tiền gạo ít ỏi của cái làng nay. Số tiền thiếu thuế, chúng tôi xin khất tháng sau, chờ mùa bẻ bắp. Ông biện lại đây sẽ lo thu đủ, chờ đến hạn kỳ là nộp ngay, không dám chậm trễ.

Huệ tỏ vẻ không bằng lòng, nhìn quanh hỏi:

– Sao lại nộp chậm? Hay các người khinh chúng tôi không bằng quân triều? Anh Mẫm, đem tất cả sổ sách nợ nần ra đây.

Mẫm ôm mớ tập giấy bản bề bộn đến đặt trên cái bàn gỗ trước mặt Huệ. Huệ vứt cuốn sổ thuế đang cầm trên tay vào đống giấy tờ ấy, lớn tiếng bảo Lê:

– Thắp cây đuốc đem lại đây.

Mẫm e ngại đến bên Huệ, nhắc nhở:

– Không nên nóng nẩy, anh Huệ. Cả làng nghèo xơ, có khảo của cũng không được gì đâu. Anh nghĩ lại đi, đốt làng thì có ích gì!

Huệ không trả lời Mẫm, nghiêm mặt chờ Lê đem cây đuốc tới. Dân làng thầm nghĩ giờ thọ nạn đã đến, từ ồn ào lao nhao trở nên im bặt sợ hãi, mắt dõi theo cây đuốc. Huệ cầm cây đuốc giơ lên cao, nói thật lớn:

– Bà con nghe đây. Bao nhiêu năm bà con đói khát, rách rưới vì phải cong lưng nộp thuế cho triều đình. Nộp không nổi nên phải khất, khất nhiều lần phải trốn làng bỏ đi. Ai nợ bao nhiêu, ai khất bao nhiêu, ghi cả vào trong này, bà con ăn ngủ không yên cũng vì mớ giấy lộn này. Chúng tôi khởi nghĩa trừ gian, dẹp loạn, bênh vực kẻ nghèo khó, bảo vệ kẻ cô thế, làm sao chịu để mặc cho bà con khổ vì mấy cuốn sổ thuế. Không còn nợ ai cả! Bọn quan tham ác sắp chạy về kinh cả rồi. Hãy đốt quách mớ giấy nợ này đi. Bà con bằng lòng không?

Tất cả mọi người không còn tin ở tai mình nữa, kể cả Mẫm, người phụ tá thân tín của Huệ. Sau một lúc im lặng ngỡ ngàng, đám đông chợt hiểu. Họ ồ lên reo mừng, khi lửa cháy bùng trên đống sổ. Họ cũng cười ồ thích thú khi thấy tên biện lại lính quýnh muốn chạy đến cứu đống giấy bản mà không dám, gương mặt ngớ ngẩn vì sợ hãi.

Thấy đám đông nhìn về phía sau lưng mình chỉ trỏ cười nói, Huệ quay lại; tên biện lại đang thắc thỏm sợ hãi. Huệ nổi giận, quát lên:

– Sợ quân triều đình trở lại bắt tội à? Anh em, dẫn nó về núi cho nó hết sợ.Mau trói nó lại!

*

* *

Nhạc cho nghĩa quân ém sẵn ở đám rừng thấp từ khuya, nên tờ mờ sáng cả đội đã kéo vào làng. Rút kinh nghiệm các lần trước, ông không muốn số trai tráng có thì giờ trốn thoát, hoặc vắng mặt vì đã lên rẫy.

Đây là một làng giàu có, nhờ hoa lợi của dãy nương rẫy bạt ngàn quanh năm tươi xanh những bắp, đậu phộng, đậu xanh và thuốc lá. Nhưng của cải dồn vào dăm ba nóc nhà giàu, số dân ở chòi tranh quần quật quanh năm, mồ hôi và nước mắt chan cơm mà nợ nần chất chồng. Số dân bỏ làng ra đi lên cao, trong khi mấy tòa nhà lá mái cứ càng ngày càng khang trang, rộng rãi thêm. Chính nhờ gợi ý của một nghĩa quân tóc đã hoa râm người làng này mà Nhạc quyết định cuộc đột nhập hôm ấy.

Nhạc cho tập hợp dân chúng trên sân phơi thóc rộng, để đích thân giảng giải mục tiêu cuộc khởi nghĩa. Ông không nói nhiều. Bằng lối vấn đáp khôn khéo và linh động, ông chứng minh cho mọi người thấy họ làm nhiều mà sống không xứng đáng với công khó nhọc. Ông đứng ngay giữa sân, và mời dân làng đến đứng quanh ông để nghe cho rõ.

Ban đầu chưa có ai mau mắn đáp lời mời của ông, sau đó là lũ trẻ rắn mắt và những mụ đàn bà ưa ngồi lê đôi mách mon men đến gần ông cả hơn, làm thành một hàng bán nguyệt xốc xếch, nhem nhuốc. Các nghĩa quân đến mời từng người: lại có thêm những người cả nể và những kẻ nhút nhát. Câu chuyện của ông cả tự nhiên, cụ thể, những điều ông nói đơn giản và như chuyện ở trong tầm tay của mọi người, nên số người bị lôi cuốn vào cuộc đông thêm. Lớp bô lão giữ thể diện đứng ở vòng ngoài cũng vừa tránh hơi đủ xa sự thông tục xô bồ vừa núp vào được bóng râm của hàng dừa. Nhạc trỏ một đưa con trai khoảng bảy, tám tuổi, mũi dãi thành hai dòng xuống mép, tóc hoe khét nắng, mặc bính cái quần rách của cha nên lưng quần phải kéo lên quá ngực, và hỏi:

– Cháu tên gì?

Đứa bé sợ láo liên muốn tìm cách trốn. Lũ bạn giữ đứa bé lại. Nó gần muốn kêu “Me ơi!”, nước mắt rơm rớm. Nhạc vỗ về:

– Cháu đùng sợ. Hãy ngoan nào. Làm trai, phải dạn dĩ chứ. Nào, nói cho bác nghe, cháu tên gì?

Đứa bé hơi hãnh diện là “kẻ làm trai”, nhưng lưỡi vẫn líu chưa nói được. Lũ bạn chung quanh nhao nhao trả lời:

– Nó tên thằng Chó Con. Nó tên Chó Con.

Nhạc đến gần đứa bé hơn, cúi xuống gần tầm cao đứa bé hỏi:

– Cháu đã ăn gì chưa?

Chó Con cảm thấy đói cồn cào. Tối hôm qua, cả nhà nó không có gì để bỏ vào miệng. Mẹ nó hứa sáng nay sẽ đi vay lúa ở nhà chủ điền đến mùa sẽ trừ vào công bẻ bắp. Nó ngủ mà vẫn còn thấy trước mắt cả một nồi cơm đầy, dành riêng một mình nó. Sáng sớm cơn đói thức nó dậy. Nó cũng muốn thức mẹ dậy để mẹ sang vay lúa ở nhà chủ điền. Chưa kịp đưa tay ra lạy mẹ, nó đã nghe nhiều tiếng chân người, tiếng nói tiếng hô lộn xộn. Làng bị vây rồi! Tai Chó Con no tiếng động, mắt nó no những cảnh tượng lạ, nó quên cái bao tử lép, cảm giác cồn cào ngầy ngật biến thành sự náo nức hớn hở. Bây giờ thì Chó Con lại thấy đói. Nó thành thực đáp:

– Con đói! Không có gì ăn cả!

Nhạc nhắc lớn câu trả lời của đứa bé, rồi hỏi:

– Thế chiều hôm qua cháu ăn những gì nào? Kể bác nghe đi!

Chó Con nhăn mặt vì đau thốn dưới bụng, đáp nhỏ:

– Cũng không có gì ăn cả.

Nhạc cố khuếch đại sự kinh ngạc, hô hoán:

– Hôm nào cũng đói. Thế cháu còn cha mẹ không?

– Dạ còn.

– Cha mẹ cháu làm gì?

– Dạ làm rẫy.

Nhạc ngửng lên hỏi quanh đám đông:

– Có bà nào là mẹ cháu Chó Con ở đây không?

Một người đàn bà mặt choắt như mặt chuột, tóc tai bù xù, rụt rè nói:

– Dạ, có tôi đây. Cháu nó dại mồm dại miệng, ông tha lỗi cho.

Nhạc vội bảo:

– Không, không có gì đáng trách cả. Tôi chỉ xin hỏi chị: chị được mấy cháu rồi?

– Dạ năm đứa. Nhưng chết hết ba, chỉ còn thằng Chó Con với con Cám thôi.

– Cha mấy cháu cũng làm rẫy chứ?

Người đàn bà nhìn quanh tìm chồng. Nhưng anh chồng nhút nhát giấu mặt ở đâu mất. Thất vọng, chị đành trả lời:

– Dạ.

– Hai vợ chồng đau yếu không đi làm được hay sao mà các cháu phải đói?

Người đàn bà bị chạm tự ái, phản ứng ngay:

– Chúng tôi bỏ đói chúng nó hồi nào! Chúng tôi vất vả quanh năm, được hột lúa hột bắp nào xới cả cho tụi con, chịu đói khát cho nó lớn. Không khi nào mấy đứa con tôi bị đói cả! Chó Con, lại đây!

Nhạc vội can:

– Thôi, chị đừng giận cháu. Tại tôi tò mò mà sinh chuyện đấy thôi. Không phải lỗi của cháu, mà cũng không phải lỗi những người làm cha làm mẹ chúng ta. Chúng ta quần quật nai lưng làm việc từ sáng sớm đến tối mịt, để được gì nào? Được nhiều lắm chứ! Lúa rẫy, bắp, đậu xanh khắp mọi nơi là do ai? Do chúng ta. Thế mà sao chúng ta vẫn khổ? Lúa bắp đó đi đâu?

Một cụ già nói:

– Năm ngoái bị mất mùa, ông ạ!

Nhạc cười, cảm ơn câu trả lời, rồi nói:

– Nhưng năm nay được mùa. Tôi biết. Lúa bắp mùa vừa qua đi đâu?

Một người nào đó đứng thấp ở hàng sau nói:

– Về kho lẫm chủ điền chứ đi đâu!

Một người khác cãi:

– Ô hay. Đất rẫy của người ta thì người ta thu chứ! Họ có ăn trộm của ai đâu?

Nhạc xen vào:

– Phải. Họ có đất. Mình có sức, làm rẫy cho chủ đất lấy công mà sống. Nhưng số lúa bắp chủ đất trả công cho bà con có đủ ăn không?

Nhiều tiếng trả lời:

– Không đủ. Chúng tôi sống đói!

Một người đàn ông nào đó, có giọng the thé như giọng đàn bà, la lớn:

– Nếu khỏi nộp đủ thứ thuế thì có thể đủ.

Nhạc vờ ngạc nhiên:

– Bà con làm việc như trâu mẫm mùa cày mà không đủ ăn ư? Sao lại có chuyện vô lý vậy? Bao nhiêu lúa bắp về kho chủ đất cả ư? Về kho thuế cả ư? Bất công lắm. Không thể nhịn được nữa. Vâng mệnh “Trời và Đức Thầy Cả”, chúng tôi cùng nhau khởi nghĩa để dẹp mọi bất công, đem no ấm cho dân nghèo. Chó Con đâu, cháu sẽ có cơm ăn ngay trưa nay! Các cháu khác cũng đang đói chứ gì? Được. Các chú các bác đến đây để giành cơm cho các cháu.

Rồi hướng về phía các nghĩa quân, Nhạc ra lệnh:

– Anh em, vây chặt các nhà giàu lại. Chủ nhà ở đâu thì đứng yên đó. Không được về. Mở hết các lẫm lúa, kho bắp của nhà giàu ra, phát hết cho bà con. Nếu thiếu thì lấy luôn thóc thuế. Hãy nhanh lên. Các cháu ở đây đang đói lắm! Phải thế không, Chó Con?

*

* *

Tối đến, các đội tập trung về một khu rừng không xa chân đèo An Khê, nằm dọc theo con suối chảy xiết qua nhiều đám đá sỏi tròn nhẵn. Trừ một số nhỏ nghĩa quân có trách nhiệm lên trại chính lãnh gạo, mắm về lo bữa tối, đám còn lại kéo nhau ra suối tắm rửa. Tiếng nói chuyện râm ran cả khu rừng.

Bên bếp lửa nhóm gần một gốc cây lớn, hai nghĩa quân đã già ngồi bó gối canh nồi cơm đang sôi, vừa hút thuốc vừa chuyện vãn. Người đang cầm cái que cời bớt than hồng ra khỏi bếp nói với bạn:

– Cơm xong bác đi lấy nước ngay nhé. Nhớ ra chỗ nước chảy. Nước tù tanh lắm, át cả mùi trà.

– Ủa, có cả mùi trà nữa à? Moi ở đâu ra thế?

– Chuyện! Tôi chứ phải ai đâu! Khéo nói một chút thì gì cũng có.

– Nhưng… nhưng cả buổi tôi đi với bác mà! Xoay sở lúc nào?

– Lúc có ông lão đầu bạc lân la bắt chuyện, chỗ gần cái ao cá đó!

– Ông lão hỏi gì thế?

– Tức cười! Đúng là thằng chột đi hỏi đứa mù. Tôi chẳng biết trả lời sao cho đúng, huyên thiên một hồi. Ông lão mặt đực ra, gật gù, nhưng nghe xong mắt cứ ngơ ngẩn như vừa mất thứ gì. Bác có biết ông lão mất thứ gì không?

– Mất bao trà à?

– Kìa, bác khinh tôi vừa thôi. Tôi đâu phải là thằng ăn cắp vặt. Có thế mà bác không hiểu. Lão mất gì ư? Hà, hà lão mất thì giờ vô ích. Vì tôi có biết gì đâu mà trả lời.

– Nhưng ông lão hỏi gì?

– Ông ta kéo tôi ra xa, nhìn trước nhìn sau cho chắc rồi mới nói: “Này bác, Đức Thầy Cả là ai thế?”. Tôi hỏi: ‘Đức Thầy Cả nào?”. Ông lão kinh ngạc hỏi lai: ‘Thế có nhiều đức thầy cả à? Ông nào là đức thầy cả cả!”. Tôi tưởng ông lão xỏ xiên định sừng sộ, nhưng thấy nét mặt ông ta chờ đợi thành khẩn lắm, tôi kịp dừng lại. Tôi hỏi: ‘Bác nghe chuyện Đức Thầy Cả ở đâu vậy?”. Ông lão bảo nghe cái anh tre trẻ ôm ốm nói”Vâng mệnh Trời và Đức Thầy Cả”. Trời thì ông lão biết từ lâu rồi. Ai mà chẳng vâng mệnh Trời. Nhưng còn có mệnh lệnh của Đức Thầy Cả nữa. Thế mới rắc rối.

– Rồi bác trả lời thế nào?

– Tôi bảo chỉ biết ông cả, tức là ông biện Vân Đồn. Ông cả có đức lớn, không lớn sao có mấy nghìn người từ bỏ quê theo về với ông. Ông cả có chí lớn, nếu không, ông đã chẳng khó nhọc xuống đồng bằng phá cửa kho thuế chia lúa cho người đói, đem của cải nhà giàu chia cho người nghèo. Ông cả có đức, có chí, nhưng vẫn chưa phải là Đức Thầy Cả. Chưa phải là Đức Thầy Cả, nhưng chẳng khác nào Đức Thầy Cả.

– Chịu bác! Nếu gặp tôi, tôi cũng không thể quanh co khéo léo thế. Tôi chẳng hiểu gì ráo. Tại sao ông cả không chịu nhận quách mình chính là Đức Thầy Cả?

– Ờ nhỉ! Tại sao thế. Nhận là Đức Thầy Cả, có phải tiện hơn không. Ớ chết! Thôi rồi bác ơi! Mải nói chuyện nồi cơm khê hết rồi. Giở nắp ra cho tôi. Bỏ vài cục than vào. Cơm với nước! Tối nào chúng nó cũng bỏ mặc cái của nợ này cho hai thằng già chúng ta. Kìa, chúng nó đã về kia kìa.

Một nhóm khoảng sáu, bảy trai tráng đến gần bếp lửa. Họ vừa đi tắm về, mình mẩy quần áo còn ướt đẫm. Một thanh niên quì xuống gần bếp bấy giờ chỉ còn leo lét vài cái than hồng, cúi sát nhìn cho rõ vật gì đang cầm ở tay. Bạn anh ta giục:

– Xem làm gì! Đem nấu canh với lá giang đi.

Người nghĩa quân già hỏi:

– Gì thế?

– Quí lắm bác. Đoán xem nào?

– Chịu thôi. Ăn được không?

– Dĩ nhiên được. Khỏi nướng mắm khô bác nhé. Ta ăn một bữa sang trọng. Cá nục đây.

Cả đám xuýt xoa mừng. Lâu ngày lắm, dễ thường đã hơn hai năm, họ chưa được ăn cá biển. Một người nói:

– Cá nục ai lại nấu canh. Phải kho mới ngon.

– Kho phải có đường, hành tỏi, mỡ. Tìm đâu ra. Mình chỉ có muối.

– Nấu thế nào cũng được. Đói rồi. Hình như cơm khê thì phải.

– Ờ khê. Nhưng khê còn hơn sống. Giá mỗi tối về, có sẵn cái ăn khỏi phải nấu nhỉ!

– Chỉ nói hão! Không nấu, ai hầu hạ cho. Toán của mình còn có hai bác, đỡ lắm. Cháu phải đền ơn hai bác cái này mới được!

– Cái gì thế?

– Điếu bình à? Tìm ở đâu thế?

– Suỵt. Tôi nhặt được đấy?

– Thật không?

– Thật mà. Lúc dân làng hoảng chạy tán loạn, tôi nhặt được ở đầu làng.

– Cái bình sứ đẹp nhỉ. Không vỡ là may!

– Lại thêm cái ống giả trống này nữa. Của nhà giàu đấy!

– Khối tiền nhé!

– Đã hẳn! Không đắt giá, người ta mang theo làm gì.

Người nghĩa quân già lo âu:

– Chúng ta giữ của này không tiện. Đi đâu cũng khệ nệ mang theo coi sao được. Không cẩn thận lại vỡ. Người ta còn nghi mình đi hôi của nữa. Phải nộp lên trên thôi.

– Tiếc nhỉ. Mà cũng bất tiện nhỉ!

Cả toán băn khoăn quên đói. Người trẻ nhất đám bảo:

– Thôi để mai hãy tính. Ta hút thử xem nào!

Câu chuyện lại trở nên rôm rả, và họ trải qua một bữa tối sang trọng có đầy đủ cơm nóng, cá biển, thuốc và trà ngon.

*

* *

Toán nghỉ đêm dưới mấy tảng đá lớn bên suối thức khuya rì rầm nói chuyện mãi. Tiếng nói của họ đáng lẽ rõ mồn một trong đêm tối, nhưng tiếng suối chảy và tiếng lá rùng mình theo gió át mất, mỗi người phải cố nói chậm và cao hơn, người nằm cạnh mới nghe. Giọng một người đàn ông khao khao:

– Ngày mai tôi lãnh phần canh gác nhé! Chia lúa khổ quá!

– Sao thế?

– Gớm. Ngứa quá. Không biết có sâu hoặc dời bọ chỗ này không. Mai cho tôi giữ phần ngoài, nhớ nhé. Tôi chịu, không ở vòng trong nổi nữa.

– Tao thương mày mới phân việc nhẹ đấy. Đứa nào khác, đừng hòng.

– Tôi biết. Nhưng anh tính, họ không nhận thì làm thế nào?

– Ai không nhận?

– Còn ai vào đấy! Những người nghèo. Họ vội vàng xách thúng chạy đến kho. Nhưng sau đó, họ lảng xa ra, gọi mãi mới chia được vài người. Tức không chịu được.

– Vô lý. Họ nghèo xác. Chia được cái ăn còn làm bộ làm tịch. Hay mày lớn lối với họ?

– Không. Tại họ sợ!

– Sợ cái gì?

– Họ sợ khi mình rút đi rồi, quân phủ đến, bắt tội họ. Ăn cướp thóc thuế, không 100 roi cũng ở tù đến mọt gông. Có người đã nhận xong, không biết nghe ai dọa, trở lại năn nỉ xin trả vào kho. Tôi giận quá, quát tháo om sòm, họ mới đành bưng thóc ra về. Hồi chiều lúc đi tắm, tôi nghe nói đội khác cũng gặp chuyện oái ăm như vậy.

– Rầy rà nhỉ. Chắc có đứa dọa già dọa non gì đây. Hay lại chính bọn nhà giàu?

– Không rõ. Ai mà chẳng tiếc của. Mình đi rồi chúng nó lại huênh hoang, hống hách như cũ.

– Phải trị vài đứa dằn mặt xem sao!

– Tôi cũng nghĩ thế. Nhưng lệnh cấm gây đổ máu. Chuyện ở đội ông Tuyết, anh biết chứ?

– Lại chuyện gì nữa?

– Thế anh chưa biết gì à?

– Đội đó từ khi xuống núi gây lắm chuyện quá, không biết chuyện cũ hay chuyện mới? Vụ đốt rụi cả nhà lão chánh tổng chứ gì?

– Không phải. Chuyện mới xảy ra hồi sáng. Oán thù đến mức đó thì ghê thật!

– Mày kể quách cho tao nghe để còn ngủ lấy sức. Quanh co mãi. Oán thù thế nào?

– Thì tôi sắp kể đây. Thế này nhé. Một bác nông dân gặp lúc mấy mùa đến nhà chủ điền vay lúa. Lão nhà giàu đã không cho vay, còn thả chó ra cắn. Giận quá, bác…

– Tưởng chuyện gì. Chuyện ông Năm Ngãng chứ gì!

– Không phải. Để tôi nói hết đã. Bác giận quá, vạch quần đái ngay trước nhà chủ điền. Ông nhà giàu cho đầy tớ ra bắt, bác nông dân chạy thoát. Ông nhà giàu rêu rao khắp xóm là nếu chưa cắt được con cu của tên hỗn xược thì chưa yên lòng nhắm mắt. Bác nông dân sợ, bỏ trốn. Tên chủ điền lén sai đầy tớ đến đốt nhà kẻ thù. Vợ con bác nông dân may thoát được, bỏ làng không biết đi đâu. Người chồng lên Tây Sơn thượng tá túc ở trại ông biện, lầm lì như người ngu độn nhưng thật ra vẫn chờ ngày trả thù. Sáng nay, bác theo về làng cũ. Ông Tuyết giao cho bác ta việc chia của cải tên chủ điền cho dân. Bác nhờ người khác thay, còn mình thì xách dao đi tìm kẻ thù. Tên chủ điền trốn trong một bụi tre, sợ chúng ta giết chớ không phải sợ gặp kẻ thù cũ. Cho nên gặp lại người tá điền lão không nhận ra. Bác ta len nhét giẻ vào miệng lão, trói dẫn vào một cái nhà hoang, xé quần áo lão…

– Chỉ bịa!

– Thật mà. Chính bác ta thú nhận đã nhét nguyên cái của nợ máu me bầy nhầy đó vào mồm kẻ thù. Bao nhiêu năm bác ta chỉ nghĩ đến việc đó. Thế là bác thỏa nguyện rồi! Phạt, xử thế nào, bác cũng cam nhận tất!

– Rồi ông Tuyết xử thế nào?

– Không biết. Nghe đâu phải báo lên ông cả. Đội bên đó lạ lắm. Ngày nào cũng có một chuyện hấp dẫn để kháo với nhau. Không tin, mai anh qua hỏi họ xem. Họ đóng ngay bên kia suối. Chỗ có mấy bụi mù u.

 

Nguyễn Mộng Giác

(1) Hợp tuyển thơ văn VNTK 18 nửa đầu TK 18. Nhà xuất bản Văn học Hà Nội 1978, trang 815, 816
(2) Phỏng theo Phủ Biên Tạp Lục, Lê Quí Đôn, phần thuế khóa Quảng Nam từ trang 162 trở đi

   Số lần đọc: 4395

Tác Phẩm

BÀI KỀ

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây