Nơi lưu giữ những tác phẩm của Nhà Văn Nguyễn Mộng Giác (1940-2012)

Nơi lưu giữ những tác phẩm của Nhà Văn Nguyễn Mộng Giác (1940-2012)

Sông Côn Mùa Lũ – Chương 46

Cuộc sinh nở thập tử nhất sinh của An là một dịp đo lường được tình trạng tâm thần của ông giáo.

Những người con của ông lúc bình thường vẫn thì thào bàn tán, ái ngại cho tâm tính đặc biệt của cha. Họ đồng ý với nhau rằng cha mình bị xúc động mạnh vì cái chết của Chinh và hai chúa, kể từ ấy, ông bị một nỗi ám ảnh ghê gớm nào đó, nỗi ám ảnh tàn khốc và hung dữ đến nỗi ông phải nơm nớp đề phòng, sợ sệt, tự cô lập trong gian phòng tối, chèn kín các cửa ra vào, giật mình khi có ai lên tiếng gọi hay có một bước chân, một tiếng động lạ.

Các con ông giáo hy vọng cùng với thời gian, mọi sự sẽ phai nhòa, sẽ nguôi đi. Họ yên tâm chờ. Vì ít được gặp cha, họ cứ nghĩ sức khỏe của cha không có gì đáng ngại.

Phải chờ đến lúc An sinh khó, mấy anh em cùng về thăm sản phụ, họ mới lo sợ thực sự cho cha.

Ông giáo đã mất khả năng ý thức về những gì đang xảy ra quanh mình. Dĩ nhiên do tự cô lập, ông không hề biết cảnh rộn rã của Qui Nhơn trước vận hội mới, không hề biết Nguyễn Nhạc đã xưng đế và long trọng khánh thành Hoàng đế thành. Những điều ấy không có nghĩa gì đối với ông, một kẻ bên lề. Nhưng có những điều liên quan mật thiết đến đời sống ông, như cơn hiểm nguy An vừa thoát khỏi, đứa cháu ngoại thứ hai, việc ăn uống thất thường do cảnh nhà xáo trộn… ông giáo cũng không hiểu nổi. Ông lắng tai nghe mà không biết bất cứ điều gì. Ông mở mắt nhìn, mà không thấy. Thân thể ông, giác quan của ông như một chỗ gió lộng, không lưu lại một chút ấn tượng nhỏ. May mắn là do một thứ bản năng sinh tồn huyền nhiệm, ông còn biết đói, biết khát, biết cầm thức ăn đưa lên miệng, biết bài tiết, phóng uế.

Trong thời gian An chờ bình phục, mọi việc trong nhà đều đổ lên đầu Lợi. Tiền thuốc thang cho cả vợ lẫn ông nhạc lên cao, nhưng khó nhọc hơn nữa là sự chăm sóc ân cần, tỉ mỉ, tế nhị đối với hai người bệnh. Dù có ác cảm đối với anh rể, Lãng cũng phải công nhận ở vào hoàn cảnh này, không ai chịu khó cho bằng Lợi. Anh có thể tỉ mỉ ngồi tính tiền chợ với đứa ở gái, theo dõi giờ giấc để nhắc chị vú cho bé Thái đi ngủ hoặc bú mớm, đích thân bưng mâm cơm se sẽ vào phòng ông giáo, kiên nhẫn ngồi chờ cho ông ăn xong, lặng lẽ rót nước lấy tăm cho ông, cầm cái khăn thấm nước lau qua mặt mũi ông, rồi đem các mâm bát dơ xuống bếp cho đứa ở rửa.

Công việc săn sóc cho ông giáo được Lợi thực hiện một cách trân trọng có tính toán, nhất là khi có mặt Kiên hoặc Lãng tại nhà. Điều đó khiến Kiên lầm lì, còn Lãng thì bực dọc. Mỗi lần Lợi đưa một món thuốc bổ đắt tiền ra khoe:

– Chú Lãng thấy không, chai thuốc này nấu bằng sâm và cao lộc đấy nhé. Vì thế giá mới cao như vậy. Lão chủ tiệm thuốc bắc nhất định không bán, bảo để dành dưỡng già. Anh năn nỉ hết lời, anh bảo cha bị suy nhược trầm trọng uống thuốc bổ loại nào cũng không ăn thua gì, anh bảo thầy bán chai thuốc này chẳng khác nào cứu được một mạng người. Nói mãi nói hoài cuối cùng lão mới thuận. Anh mừng quá, chừng ấy tiền có quá cao, nhưng sức khỏe của cha phải lo trước hết.

Lãng lại cau mày khó chịu. Giá Lãng có tiền, anh đã vứt ngay mấy quan ra trước mặt anh rể để Lợi khỏi kể công lao dông dài. Nhưng Lãng không có tiền. Anh cũng biết tất cả gánh nặng gia đình đều do Lợi cáng đáng, và nguồn gốc số tiền Lợi kiếm được do đâu mà ra. Những hiểu biết ấy, không dễ gì thốt thành lời. Do đó, dù khó chịu đến mức nào, Lãng cũng phải bậm môi nén tất cả những điều bất mãn vào trong lòng.

*

* *

Lãng cũng có một nỗi thẹn thùng, xấu hổ khác, khiến anh không dám hở môi chê trách thái độ khoa trương lộ liễu của Lợi: Lãng siêng năng về nhà thăm cha, một phần cũng do hy vọng được gặp Thọ Hương ở đó. Lãng tự thấy lòng mình có nhiều biến đổi. Định rõ biến đổi từ lúc nào, anh chịu, không làm được!

Trước hết là sự biến đổi trong quan hệ giữa anh và chị An. Khi An chưa lập gia đình (và ngay cả sau khi An đã lấy Lợi), mỗi lần gặp nhau, hai chị em nhìn nhau, chưa nói gì nhiều nhưng đã đoán trước được những gì họ cùng muốn nói và muốn nghe. Chỉ cần nhìn ánh mắt long lanh vì nôn nao chờ đợi của An, Lãng đủ biết chị muốn có ngay cơ hội thuận tiện nhất, riêng hai chị em với nhau, để Lãng thuật lại những gì liên quan đến Huệ. Thông thường An không dám hỏi thẳng, hoặc hỏi nhiều. An chỉ gợi ý quanh co, làm như không muốn nghe, hay những gì em nói không liên quan mật thiết đến đời chị. Lãng có lòng tốt muốn nói, thì nghe cho vui vậy thôi. Nhưng An làm sao đánh lừa được Lãng. Lãng hiểu rõ lòng chị, nên hăng hái kể hết những việc Huệ làm, những suy nghĩ của Huệ về đủ thứ vấn đề cao thấp, từ những điều trọng đại như lịch sử cho đến cái nhỏ nhặt như ý thích một mầu áo. Hình như Lãng say mê tình yêu giữa Huệ và An, như những người mới lớn say mê những điều trừu tượng, những tiêu chuẩn lý tưởng. Cuộc hôn nhân của An như một gáo nước lạnh xối vào mặt mũi Lãng. Anh bứt rứt, tức giận, đau khổ nữa. Anh không thể tưởng tượng được một điều như vậy có thể xảy ra trên đời. Anh tìm cách biện hộ cho chị để cố gắng giữ gìn nguyên vẹn những tiêu chuẩn lý tưởng. Nhờ thế sau khi An lấy chồng, Lãng vẫn còn hứng thú say mê kể cho chị nghe đủ điều về đời sống của Huệ. Cho đến một lúc, không biết là từ lúc nào, Lãng giật mình nhận thấy mình không còn muốn kể cho chị nghe chuyện Huệ nữa. Tình yêu của họ đã mất dần hào quang trong óc anh. Lãng bắt đầu thấy chị tầm thường: sinh con đẻ cái, tâm trí bận rộn với chuyện tiền nong, bếp núc, những thỏa mãn với một thứ đời sống sung túc do cái tài xoay xở của chồng, vẻ khoe khoang khi sắm được vài món đồ đắt tiền… Càng ngày anh càng thấy An giống tính chồng. Anh không nhận ra người chị ngày trước nữa, nên không hứng thú chút nào khi An bẽn lẽn hỏi xa hỏi gần chuyện Huệ.

Những cuộc tâm sự giữa hai chị em bớt dần. Thay vào ước vọng lãng mạn gửi gấm trong tình yêu giữa An và Huệ, Lãng tìm được một thứ tình yêu lãng mạn khác cho chính mình.

Anh vẫn tìm cách được nói chuyện riêng với chị, không phải để kể chuyện Huệ, mà để hỏi chuyện Thọ Hương.

Lãng xúc động trước hình ảnh người con gái sớm thành nạn nhân của các trò chơi lịch sử, người con gái có nước da bánh mật ưa cắn lấy môi dưới khi bối rối, vừa vào tuổi mơ mộng đã bị số phận đưa đẩy làm một người vợ bị hờ hững, rồi làm một góa phụ bất đắc dĩ. Nếu Thọ Hương thực sự được Đông cung thương yêu thì cảnh góa bụa còn có một ý nghĩa nào đó. Hoặc nếu Đông cung chết vì một lý do khác, vì bàn tay kẻ khác. Ở đây, mọi sự rối rắm phi lý đổ lên đầu người con gái chưa đủ hai mươi. Cách ăn mặc đơn sơ, tấm khăn quàng mầu nâu, đôi mắt buồn hiu, cử chỉ từ tốn của Quận chúa hôm Lãng gặp tại nhà mình đã khiến Lãng muốn ngộp thở vì xúc động. Trước mắt anh là hiện thân của sự đau khổ tột cùng, là nạn nhân của một thứ số phận cay nghiệt. Nếu có thể làm ngay được bất cứ việc gì, kể cả nhảy vào lửa để cho người con gái đau khổ kia bỏ chiếc khăn quàng đầu mầu nâu xuống, ngửng mặt tươi cười nhìn thẳng vào đời sống, đùa giỡn chạy nhảy tự nhiên như mọi thiếu nữ yêu đời khác, thì Lãng đã không chút do dự. Anh cảm thấy có bổn phận cao thượng và thiêng liêng là đem lại nụ cười cho góa phụ trẻ tuổi bất hạnh đó. Đời anh, nếu chỉ hoàn tất mỗi một trách vụ này thôi, cũng đủ có ý nghĩa rồi.

Từ đó, Lãng tìm mọi cớ để về thăm nhà, và may mắn cho anh, phần lớn trường hợp anh đều gặp Thọ Hương. Ban đầu câu chuyện họ trao đổi với nhau quanh quẩn cái chết của Tân Chính vương. Dần dà cả hai đều cảm thấy cần phải thoát khỏi ám ảnh nặng trĩu ấy. Họ bắt đầu nói chuyện An, cùng ái ngại và thương hại cho người bạn, người chị đang lún sâu vào các bận bịu con cái, bếp núc, bệnh tật, tiền bạc. Giọng nói của họ có pha lẫn đôi chút giễu cợt. Từ đó họ có những điều chỉ có thể nói với nhau khi vắng mặt An, nghĩa là đã có những điểm chung, cho riêng hai người. An hết thành cái cớ cho họ gặp nhau nữa. Họ tự tìm những cớ riêng, chẳng hạn Lãng lấy cớ phải về luôn để thăm nom sức khỏe của cha!

*

* *

Thọ Hương tìm cớ khó hơn Lãng nhiều. Từ khi cha xưng vương, rồi sau đó xưng đế, Thọ Hương phải chịu những ràng buộc của các nghi thức mới. Cô không được tùy tiện đi đâu thì đi như trước. Tuy mọi người trong gia đình, từ cha mẹ cho tới các chú, các anh chị, bạn bè đều chưa quen với cách ăn nói trang trọng, điệu bộ uy nghi, xưng hô khách sáo, nhưng điều rõ ràng là tất cả mọi người đều nghĩ phải nói, phải hành động, phải xưng hô, phải đi đứng khác trước. Khác thế nào thì chưa rõ, hoặc đã rõ nhưng chưa quen, nhưng bắt buộc phải khác. Cho nên đi đâu Thọ Hương cũng phải dùng võng điều, và có thị nữ theo hầu. Không được la cà ở những chỗ đông đúc thiếu nghiêm trang như ở chợ, ở phố. Tốt hơn hết là không nên đi ra khỏi thành phủ Qui Nhơn, hoặc chẳng đi đâu cả. Việc Thọ Hương đòi ra khỏi thành đến tận Bằng Châu thăm An khiến mẹ bực bội khó nghĩ. Nhưng, khi nghĩ đến thân phận con, đến cảnh góa bụa lỡ làng từ đây cho đến cuối đời, đến sự lỡ làng giữa thương yêu và thù hận đối với gia đình, người mẹ đành chiều con gái. Thọ Hương được đi lại thường xuyên thăm bạn cũ là nhờ vậy.

*

* *

Thông thường mỗi lần Thọ Hương đến, cô hỏi thăm tình trạng sức khỏe của ông giáo, của An, rồi lấy việc đùa giỡn, chăm sóc cho hai đứa con An làm trò khuây khỏa nỗi nôn nao chờ đợi. Lãng thì sau khi vào thăm cha, hỏi thăm qua loa chị và các cháu, liền ra vườn ngắm hòn giả sơn và lũ cá vàng để quên thời gian. ít khi câu chuyện giữa An với họ được hào hứng như trước. An cảm thấy mình thừa thãi, chạm tự ái, nên bực dọc, không thèm tham dự vào cuộc nữa.

Mấy hôm nay, tin tức cuộc hôn lễ đã gần đến của Huệ có sức mạnh quy tụ ba người lại. Câu chuyện của họ sôi nổi, và chân thành quá khích. Mỗi người nhìn vấn đề theo một lối riêng, do chủ quan và thành kiến chi phối. Họ đã quá hiểu lòng nhau, nên trong câu chuyện họ không có gì phải dè dặt giữ kẽ. Họ nói hết những điều mình nghĩ. Khi Thọ Hương đến báo tin:

– Đã chọn được ngày tốt rồi, chị An, anh Lãng ạ! Gớm, bên phía gia đình nhà gái đòi phải chọn cho được tháng tốt, ngày tốt, giờ tốt, để “gia đạo” về sau được thuận hòa. Không như em hồi trước…

Thọ Hương chớp chớp mắt, cánh mũi phập phồng, nghẹn không nói hết câu. Lãng nôn nóng hỏi:

– Thế ra công việc ấy vẫn tiến hành à? Sao tôi nghe anh Huệ… tôi nghe Long Nhương tướng quân bảo chuyện nước còn rối bù, việc nhà hãy chậm chậm lại đã.

Giọng Thọ Hương còn run run:

– Nhưng nay thì mọi sự đã xong. Đã định ngày giờ rồi. Chuyến này mặc sức cho hai ông Nhật, Tuyên (Bùi văn Nhật, Bùi Đắc Tuyên) lên mặt. Sao em ghét cái bản mặt bành bạnh của họ thế.

An e dè chêm vào câu chuyện:

– May mắn là cô em gái không có cái mũi, cặp môi và đôi hàm giống mấy ông anh.

Thọ Hương hấp tấp hỏi bạn:

– Chị có biết tại sao không?

Cả An lẫn Lãng đều hỏi:

– Sao thế?

Thọ Hương hãnh diện vì sự hiểu biết tường tận của mình, chậm rãi đáp:

– Vì cô ta đâu phải hoàn toàn là em gái hai ông bạnh ấy!

An, Lãng ồ lên kinh ngạc. Lãng hỏi:

– Thật à?

– Lại không thật! Cô ta là em cùng mẹ khác cha với hai ông Nhật, Tuyên. Hai ông anh họ Bùi, còn cô ta họ Phạm. Bà mẹ đẹp, có lẽ ông cha của cô ta cũng không đến nỗi nào, nên…

An cắt lời Thọ Hương:

– Hóa ra bà ấy có hai đời chồng. Thế cha cô ta đâu?

Thọ Hương bĩu môi, rồi đáp:

– Em cũng chẳng rõ.

Rồi bằng một giọng mỉa mai cay độc, Thọ Hương thêm:

– Không biết chừng chính bà mẹ của cô ta cũng không rõ.

Lãng thấy câu chuyện đã đi quá xa, vội nói:

– Tôi nghe hình như cha cô ta bị bệnh chết trên đường di cư từ Duy Xuyên vào đây. Lúc đó ông Nhật, ông Tuyên đã trưởng thành, nhờ thế gia đình mới đủ sức lập nghiệp trên đất mới. Lâu nay tôi cứ tưởng cha cô ấy cũng là cha hai ông Nhật, Tuyên.

An thắc mắc hỏi bạn:

– Thế bên gia đình em có biết việc này không?

– Biết chứ! Em còn biết, huống chi cha mẹ em. Nhưng cha em cho rằng điều đó không quan trọng gì.

An vội cãi:

– Sao không quan trọng. Ấy chết, chị dại mồm dại miệng quá. Theo ý riêng của chị, mà ý của chị nhiều khi lẩn thẩn lắm, theo ý của chị thì người đàn bà nào cũng chỉ nên có một đời chồng, chồng chết thì ở vậy thủ tiết nuôi con, chứ…

Thọ Hương cúi đầu suy nghĩ. An không để ý thái độ của bạn, hăng hái nói đến quan niệm chính chuyên của đàn bà theo đạo đức nhà nho, nhưng Lãng đã cướp lời chị:

– Không. Mỗi người mỗi hoàn cảnh, khó lòng phê phán lắm. Có điều em… có điều tôi thắc mắc là tại sao anh Huệ chấp nhận dễ dàng như vậy. Anh ấy chưa từng nói chuyện, tìm hiểu để biết tâm tính cô ấy, làm sao có thể thương yêu được. Ai khác thì có thể xem đây là chuyện bình thường. Nhưng anh Huệ, nhưng một vị tướng quân như anh Huệ…

An nói:

– Không lấy cô ấy làm vợ thì lấy ai? Nhìn quanh những gia đình từng vào sinh ra tử với nhau bao lâu nay, còn có ai đâu?

Ba người đều im lặng trước câu hỏi bất ngờ ấy. An cũng không ngờ mình đã buột miệng hỏi vậy. Trong thâm tâm, chị muốn tìm một lập luận nào đó để dỗ dành mình, để mình thấy cuộc hôn nhân này là bất khả kháng, không thể khác được, là tất nhiên, tất yếu, giống y như cuộc hôn nhân bất hạnh của Thọ Hương. Còn mình? Mình có bất hạnh không? An ngùi ngùi, cúi đầu nhìn những vật nhòe lãng đãng dưới đất. Một lúc sau, An ngửng lên hỏi bạn:

– Sao lâu nay… chú Tám của Hương không đến đây?

Thọ Hương liếc nhìn Lãng, rồi đáp:

– Em tưởng chị biết rồi chứ?

An nhớ lại lần Huệ bắt gặp mình xốc xếch tàn tạ, đau nhói trong lòng. Chị sợ Hương nói ra sự thực đau lòng nên vội bảo:

– Thôi. Đằng nào thì chú Hương cũng quá bận. Hơi đâu đến đây!

Hương nói:

– Không phải thế. Sau chuyến vào Gia định, chú ấy ngại gặp thầy. Chị hiểu vì sao rồi.

An mừng thoát nạn, nên vội hỏi tiếp:

– Chú Hương không biết cha chị đã… đã ra thế này ư?

Lãng đáp thay:

– Có. Anh ấy vẫn hỏi thăm cha. Mỗi lần em trả lời, anh ấy lại buồn. Mấy món thuốc bổ kỳ trước em đem về là của anh ấy gửi biếu cha.

An vội hỏi:

– Sao em không nói cho cha biết.

Lãng buồn rầu đáp:

– Em có nói đấy chứ. Nhưng cha có hiểu gì đâu. Có một điều em không hiểu nổi là không bao giờ anh Huệ nói rõ cho em nghe chuyện đám cưới này cả. Tại sao anh ấy giấu?

Thọ Hương buột miệng nói:

– Có gì đâu mà không hiểu. Chú ấy không muốn cho…

Quận chúa thấy bạn lúng túng đỏ mặt, không tiện nói tiếp.

*

* *

Tuy về cơ bản, Hoàng đế thành đã hoàn tất kịp vào dịp xưng đế của Tây Sơn vương nhưng không phải sau đó, mọi sự đã xong. Nội hầu Phạm Ngạn đã cố gắng hết sức để chu toàn nhiệm vụ đúng thời hạn. Tuy nhiên Tây Sơn vương đã có nhiều quyết định thay đổi quy mô của thành suốt thời gian xây dựng.

Nền thành Chà Bàn cũ bị phế bỏ từ ba trăm năm trước hình vuông, chu vi hơn mười dặm trổ bốn cửa. Ngay từ thời mới xưng vương, Nhạc đã thấy nếu theo dấu cũ xây thành mới thì quá hẹp, do đó vương đã cho mở rộng thêm mặt đông, tăng chu vi từ mười dặm lên mười lăm dặm. Việc đắp thành ở vùng đất trũng phía đông đòi hỏi quá nhiều công sức, ảnh hưởng đến tiến độ chung. Lấy đá ong đủ để bó cả hai mặt, mặt ngoài dày thẳng đứng, mặt trong xếp thành bậc thoai thoải từ dưới lên cho một chu vi mười lăm dặm thành không phải là chuyện đơn giản. Suốt hai năm trường, Phạm Ngạn dồn hết tâm trí để đốc thúc hàng vạn dân phu, vuốt ve có, đe dọa có, ban thưởng hậu hĩnh đi đôi với trừng phạt tàn nhẫn, rượu thịt ê hề đi đôi với roi vọt bầm dập những tấm lưng bùn, cuối cùng ông ấy thở phào đón nhận lời ban khen của Thái Đức hoàng đế. Nhưng, mở rộng thành ra mặt đông đòi hỏi phải biến đổi một số điểm cho cấu trúc chung khỏi mất cân đối. Từ hình vuông, thành biến ra hình chữ nhật. Hai cửa đông và tây vẫn giữ y như hướng trổ cửa của thành Chà Bàn. Nhưng hai mặt bắc và nam phải dựng cửa khác mới cân đối. Cửa bắc ở mặt sau có thể giữ nguyên để khỏi tốn công đắp nền. Còn mặt trước ở phía nam thì nhất định phải trổ thêm một cửa nữa. Đó là cửa Tân Khai. Lại thêm bao nhiêu công sức phải đổ ra, bao nhiêu đá ong phải xắn đêm ngày! Kết quả là dù Hoàng đế thành đã kịp hoàn tất đúng hẹn, bên trong hoàng thành và tử cấm thành, các đài điện dinh thự chưa thực sự tiện nghi. Đó là chưa kể đến một công việc công phu, phức tạp hơn, là trang hoàng, bày biện thế nào cho đúng quy cách đòi hỏi của một triều đình.

Công việc tỉ mỉ phức tạp ấy, Lợi đứng ra nhận trách nhiệm! Anh thừa biết đây là một công việc bạc bẽo, tốn rất nhiều tâm lực mà sự bù đắp chẳng được bao nhiêu.

So với công việc đứng ra phụ trách chế biến quân lương hoặc gần đây hơn việc cấp phát lương thực cho dân phu đắp thành, trách nhiệm hiện tại của Lợi có nhiều bất tiện. Các nghệ nhân khắc gỗ và vẽ hình hoa văn thường đứng tuổi và khó tính. Chi phí cho công tác không bao nhiêu. Nhưng thừa biết chỉ ở đó, nhờ công việc đó, anh mới có nhiều dịp chuyện trò gần gũi với tất cả các nhân vật quan trọng. Thực ra những nhân vật lịch sử này không xa lạ gì với Lợi. Anh quen họ từ thời buôn nguồn. Một số không nhỏ đã từng xem việc được làm quen với anh người nắm chìa khóa kho lương là một hân hạnh may mắn. Tuy nhiên anh hiểu qua bao năm, ngôi bậc đã thay đổi quá nhiều. Khoảng cách giữa anh và những người từng kề cận với anh, ôm vai bá cổ anh, bẻ củ khoai chia đôi cho anh, càng ngày càng rộng. Anh phải xưng hô khác, đối xử khác. Được nói chuyện với họ trở thành sự may mắn hiếm có, cho nên anh tính toán thật kỹ mới chịu nhận trách nhiệm bạc bẽo này.

Lợi phải đi sớm, về muộn. Phải nhũn nhặn, lễ phép với tất cả mọi người, kể cả những người thợ đá. Mỗi tối về, anh đem chuyện ở thành về kể cho vợ nghe như những thành tích vẻ vang. Mới đến cổng anh đã bắt đầu kể… kể… kể mãi với giọng hào hứng khác thường. An nhàm tai với những câu chuyện ấy, nhưng vì nể chồng, khi nào chị cũng kiên nhẫn ngồi nghe cho đến lúc Lợi ríu mắt ngáp dài. Lợi kể:

– Em biết không, chiều nay Đức Thầy… à quên… chiều nay Chúa thượng đến xem xét công việc ở Quyển Bồng cung. May cho anh dễ sợ. Anh vừa định về sớm xem thầy thuốc có đến thăm bệnh cho cha hay không, chưa kịp đội nón thì Chúa thượng đến. Không có lính hộ vệ rầm rập đi trước mới ái oăm chứ. Chúa thượng đi tản bộ như một người dân thường, cử chỉ hòa nhã lễ độ, ăn nói êm nhẹ như một ông cha hiền lành. Chúa thượng không ngại mệt nhọc, bụi bặm, đến tận chỗ bọn thợ đá đang làm để hỏi han ân cần. Em mà tận mắt nhìn bọn thợ chắc không nhịn cười nổi. Họ cảm động quá, mặt xanh mét trả lời ú ớ như người học nói. Chúa thượng biết tâm trạng của họ, chẳng những không nổi giận mà còn vỗ vai họ, hỏi han họ đến chuyện cây tăm, chén gạo. May có anh ở đó nên nói vớt vát giùm cho họ vài câu. Chúa thượng cũng vỗ vai anh, nói đúng hơn là ôm vai anh như thế này này, thân mật hỏi anh y như lúc còn buôn nguồn. Đến cái mụn nhọt sau ót anh bị đau đớn từ thời cùng với Chúa thượng đi ghe muối, Chúa thượng vẫn còn nhớ. Chúa thượng cười hỏi: “Hồi đó tao tưởng mày lười biếng không chịu vác muối xuống ghe, lấy cớ đau nhọt ở cổ. Mày nhớ không?” trên đời tự cổ chí kim có lẽ chưa có ông vua nào bình dân như vậy!

An ậm ừ cho qua chuyện, nhắc chồng:

– Nhưng anh ăn cơm đi chứ. Để nguội cả!

Lợi cười cảm ơn vợ, nói tiếp:

– Cả Hoàng hậu cũng thế. Một hôm… à anh kể cho em nghe chuyện này chưa… chưa phải không, vậy thì em phải nghe mới được. Thế mới biết các đấng vương giả từ tay trắng chân đất làm nên bao giờ cũng thương yêu dân hơn bọn cành vàng lá ngọc. Hôm đó anh đang chăm chú nhìn bác thợ vẽ tô hình con phượng trên cây cột lớn giữa điện, thì nghe có tiếng dép lẹp xẹp phía sau lưng. Anh tưởng mụ đầu bếp lại đến hỏi gạo, không thèm quay đầu, anh xẳng giọng hỏi: Cái gì đó? Đằng sau anh có tiếng cười nhỏ, rồi tiếng nhả bã trầu. Anh nghĩ: Mụ này bữa nay quá trớn rồi. Anh đứng dậy, định sừng sộ. Anh thấy một bà già mặc đồ lụa, khăn trầu vắt vai, miệng nhai trầu bỏm bẻm. Anh ngờ ngợ không nhớ rõ ai, tuy thấy quen. Đến lúc người đàn bà nhai trầu lấy đầu lưỡi đẩy cục thuốc lên bên mép trong hỏi: “Chừng nào dọn qua bên này được, cậu Lợi”, anh mới giật mình kinh hãi: té ra Hoàng hậu đây mà!

An lại nhắc:

– Anh chan canh, không lại nguội mất!

Lợi cười hể hả, đáp:

– Được… Để mặc anh. Con ngủ cả rồi phải không. Được phụng sự cho các bậc vua chúa như vậy thật may mắn. Anh hăng hái đến nỗi quên cả mệt. À, Hoàng hậu có hỏi thăm em đấy!

An tò mò hỏi:

– Em à? chuyện gì thế?

– Em đoán thử xem!

– Làm sao đoán được. Anh nói ngay đi!

– Thì em cứ thử đoán xem sao. Có tội vạ gì đâu mà sợ!

An nhất định không hở môi. Cuối cùng Lợi đành phải nói:

– Hoàng hậu hỏi độ này có con cái, em còn xinh như thời trước không. Hoàng hậu còn hỏi không biết em có bùa mê thuốc lú gì mà Quận chúa say em như vậy. Sướng chưa?

An sung sướng, nhưng cố làm mặt nghiêm dặn chồng:

– Anh phải dè dặt lời ăn tiếng nói. Bây giờ Chúa thượng đã xưng đế, không thể buông tuồng như hồi còn ở Kiên Thành. Em sợ có ngày cả gia đình phải bị vạ miệng của anh.

Lợi bẹo má vợ, nói:

– Em làm như anh là đồ con nít không bằng. Về miệng lưỡi thì thiên hạ thua anh, chứ anh không thua ai. Ngay lão Năm Ngạn được Chúa thượng tin cẩn như vậy, nhưng em thấy đấy, lão hại anh có được đâu. Lão tưởng tâu lên Chúa thượng vụ lương thực dân phu là nhất định anh hết đất sống. Kết quả ra sao, em biết rồi!

An thực sự lo sợ, run run can chồng:

– Thôi anh. Hay gì việc đâm thọc, xâu xé nhau!

Lợi tức giận nói:

– Mình có gây sự đâu. Tuy nhiên hắn đặt điều đổ vấy, cây muốn lặng mà gió chẳng đừng thì làm thế nào!

An nhìn thẳng vào mặt chồng, hạ thấp giọng xuống:

– Đặt điều? Giữa anh với em, ta còn… ta có gì phải giấu nhau nữa. Anh lo lắng cho mẹ con em, cho cha em, em cám ơn lắm. Nhưng…

Lợi không muốn nghe vợ nói tiếp, cắt ngang:

– Thôi anh hiểu rồi. Cho anh cây tăm đi!

*

* *

Nhờ hương vị ngây ngất của tình yêu mà Lãng cảm thấy lòng rộng mở. Anh thương yêu mọi người, thương cả loài chim chóc, sâu bọ, cây cỏ. Anh thấy cuộc đời thật đẹp, thật đáng sống. Do lòng thương tràn trề ấy, một hôm Lãng tìm đến thăm gia đình Kiên.

Lãng quên hết những đố kỵ, thành kiến cũ. Suy từ trường hợp mình, Lãng dễ hiểu anh hơn. Những bắt bẻ cố chấp dựa trên các nguyên tắc khô cứng hẹp hòi lâu nay gia đình ông giáo đổ lên đầu Kiên, giờ đây Lãng mới thấy khôi hài. Những nhà nho đầu óc mọc rêu đầy dẫy trong xã hội đã hiểu gì được con người? Đã hiểu gì được sự sống? Quyết định của Kiên không nhằm thách đố ai, quấy rầy ai. Kiên không muốn ai động đến mình, không muốn làm đề tài trong các cuộc trà dư tửu hậu. Lãng bắt đầu thấy anh mình can đảm, và khâm phục.

Lãng đến quán rượu gần bến tắm ngựa lúc khách đang đông. Bọn mã phu quần áo còn đẫm nước sông, nhiều người chỉ vận độc cái quần đùi, ngồi gác chân lên ghế nốc từng bát rượu lớn, giọng đã lè nhè. Lãng hơi chùn bước, nhưng đã đến tận đây chẳng lẽ về? Khách rượu nhìn cách ăn mặc tề chỉnh của Lãng như tò mò trước một hiện tượng lạ, xoi mói xem anh là kẻ lộn sòng.

Đứa con gái lớn nhận ra Lãng, nhưng chưa hiểu Lãng muốn gì. Nó bậm môi lại, lo sợ Lãng lại đến gây gổ phá phách như Chinh trước đây. Thấy vẻ mặt lo âu của con bé, Lãng thương nó, dịu dàng đến gần quầy rượu chỗ nó ngồi hỏi một cách dịu dàng:

– Có chú Kiên ở nhà không cháu?

Đứa bé gái yên lặng, nhưng giọng vẫn còn run run khi đáp:

– Dạ thưa có, để cháu đi gọi.

Nhưng con bé vẫn nấn ná chưa chịu đi ngay. Lãng hiểu nó sợ không có ai trông hàng, nên bảo:

– Để chú trông hộ cho.

Một lúc sau, Kiên đi với con bé ra trước quầy, hai tay còn đang cài cúc áo. Thấy Lãng, Kiên ngơ ngác không hiểu, sau đó hốt hoảng hỏi:

– Cha làm sao thế?

Lãng vội đáp:

– Không. Cha vẫn thường. Em đến… em đến thăm anh.

Kiên chưa tin, hỏi lại:

– Thăm tôi à? Các cô các chú mà thèm đến đây thăm tôi à?

Lãng nhìn anh cầu khẩn:

– Em đến thăm anh thật mà!

Rồi lấy hết can đảm, Lãng hạ thấp giọng để chỉ một mình Kiên nghe:

– Bây giờ… bây giờ em mới hiểu anh.

Giọng Kiên vẫn còn chán chường, cáu kỉnh:

– Các cô các chú hiểu hay không hiểu thì cũng thế thôi.

Hai anh em im lặng nhìn nhau, rồi vội quay đi chỗ khác để khỏi nhìn thấy sự bùi ngùi, gượng gạo trên gương mặt nhau. Kiên không nỡ dày vò em nữa, lấy giọng đùa vui hỏi:

– Chú uống rượu được không?

Lãng vội xua tay từ chối:

– Thôi. Em không uống được rượu.

– Trà nhé?

– Anh cứ để em tự nhiên. Cháu này khôn ngoan lễ phép ghê anh nhỉ!

Kiên liếc về phía đứa bé gái ngồi chỗ quầy, âu yếm nói:

– Mẹ nó đau, việc nhà nó quán xuyến được hết.

Lãng hấp tấp hỏi:

– Chị đau thế nào anh?

– Đã lớn tuổi, nên có mang bị vật vã luôn…

Kiên nói đến đó, bắt đầu húng hắng ho. Lãng hỏi:

– Cả anh cũng không được khỏe?

Kiên cố dằn cơn ho, mặt đỏ gay, khó nhọc bảo em:

– Hễ chiều chiều là vai mỏi rần. Lại hâm hấp sốt.

Lãng lo lắng nói:

– Em sợ…

Kiên cắt lời em:

– Bệnh thời khí đấy mà.

Lại ho. Thấy em ái ngại nhìn mình, Kiên cố cười tươi rồi bảo:

– Chú có muốn đi xem hồ cá của anh không?

Lãng tìm được một đề tài thoải mái, xa hẳn những chuyện đau lòng, nên reo mừng hỏi:

– Anh chơi cá vàng à?

Kiên vội cải chính:

– Không. Anh nuôi cá để phóng sinh.

Thấy em ngơ ngác chưa hiểu, Kiên kéo tay em, bảo:

– Lãng xuống đây khắc rõ. Con trông hàng cho chú nhé. Kìa, bác ngồi ngoài hiên đang gọi thêm rượu. Thưa có ngay ạ, cháu sẽ mang ra ngay. Thêm xâu nem nữa? Con lấy dao cắt lọn nem, không, lọn lá úa mới vừa đủ chua. Khéo lại đứt cả tay như hôm nọ. Lãng vào đây với anh.

Kiên dẫn Lãng ra sau vườn, nơi có một hồ cá nhỏ xây bằng vôi do chủ nhà cũ để lại. Nước trong hồ thật trong, khoảng vài mươi con cá đang lội tung tăng dưới mặt nước xao động. Lãng kinh ngạc hỏi:

– Không phải cá vàng sao?

Kiên giải thích:

– Không. Anh không nuôi cá cảnh. Cũng không nuôi cá để ăn thịt. Việc này hơi phức tạp, mới nghe có vẻ lẩn thẩn, nhưng anh sẽ cố giải thích cặn kẽ cho chú.

Lãng biết không, sẽ có một lúc nào đó trong đời, tự nhiên Lãng rờn rợn cảm thấy chung quanh ta cái gì cũng có sự sống. Hòn đá cuội có hồn của đá cuội. Một ngọn lá cũng biết đến cảm giác xót xa khi bị ta bứt phá, hoặc cả rừng cây cùng nhau thì thào kể lể lúc mặt trời sắp lặn. Loài ta tưởng vô tri thực ra cũng biết hăm hở, ước vọng, ham muốn, đau khổ, mừng vui, giận dữ. Dĩ nhiên đối với loài vật thì dễ nhận ra sự sống rồi. Nhiều đêm ngồi một mình, anh nghe được mọi thứ tiếng nói lạ và anh nghĩ là mình có thể hiểu được loại tiếng nói phức tạp ấy. Mình cảm thấy rộn rã trong lòng, hết cả cô đơn, chán chường. Sẽ đến một lúc quen dần với cảm giác rờn rợn, ta bớt sợ, và bắt đầu thấy thương yêu tất cả muôn loài. Không có cái gì đáng ghét, mọi sự mọi vật hòa điệu để bảo bọc cho ta, thậm chí hy sinh cho ta nữa. Cảm giác hân hoan vì thương yêu bao dung ấy, theo anh nghĩ, ta có thể tự tạo ra được. Ta tìm thấy thương yêu đến ngộp thở, yêu đời đến độ ngây dại bất cứ lúc nào ta muốn. Anh đã thử nhiều lần rồi, lần nào cũng cảm nhận được cảm giác ngây ngất, như vừa uống một ngụm rượu ngon.

Lãng không kiên nhẫn được nữa, vội hỏi:

– Nhưng anh thử những gì? Làm gì với cái hồ cá này?

Kiên nhìn khoảng không mỉm cười một mình. Một lúc sau anh quay lại nhìn Lãng, và nói:

– Trước hết chú phải cắt bỏ mọi ưu phiền, lo toan, tham lam, đố kỵ, thành kiến, những thứ nhơ bẩn từng dày vò đời ta. Chú bỏ hết, dứt hết, quên luôn cả mình, ngồi đây chăm chú nhìn con cá lội. Chú phải chọn lấy một con thôi, đừng ôm đồm. Chú dồn hết tâm trí cho nó, đăm đăm theo dõi từng cái quẫy đuôi, từng cái đớp bóng của nó. Chú đừng vội chán mà bỏ cuộc. Phải kiên nhẫn. Đầu tiên chú thấy mỏi ở mắt, mí trên nằng nặng như buồn ngủ. Máu trong người chú sẽ chạy mau hơn. Chú nghe lỗ tai có tiếng o o như gió thổi vào hang đá. Má chú tê tê. Nếu lại chán, chú sẽ bỏ cuộc. Chú phải gắng ngồi nhìn con cá cho thật lâu, đến lúc… đến lúc đột nhiên trước mắt chú con cá biến hình. Chú sẽ thấy ở đôi mắt lộ của nó tất cả vẻ cầu khẩn thương xót. Khi nó nổi lên đớp bóng, thứ tiếng đục và ngắn ấy không phải lúc nào cũng giống lúc nào. Dĩ nhiên có lúc đó chỉ là một cử động hô hấp để sinh tồn. Nhưng nhiều lúc khác, chú xem cách nó quẫy đuôi, uốn vây, lượn mình uyển chuyển trước khi đớp động, chú sẽ hiểu đó là những câu đùa cợt, những lời trách móc hoặc thôi thúc. Chú có cảm tưởng đang nói chuyện với một con người, thật thế. Đến lúc thuận tiện nhất nghĩa là lúc chú cảm thấy giữa chú và con cá không phân biệt nhau nữa, sự đau đớn, vui mừng là của chung, chú hãy đưa tay vớt nó lên. Lạ lùng một điều là nó ngoan ngoãn bơi đến nằm gọn trong lòng tay chú, không trăn trở vùng vẫy gì cả. Chú đem con cá đến bờ sông, tốt hơn hết là chọn lúc giữa trưa để trông xuống nước cho rõ, thả nó xuống nước. Ban đầu nó vẫn nằm trên lòng tay chú như còn lưu luyến. Về sau nó lật lại, vẫy đuôi rồi lội ra ngoài. Có con vẫn tiếp tục quấn quít bên chú, có con tung tăng bơi lội ra ngoài xa giữa dòng sông. Chú ngồi một mình trên bờ, nhắm mắt lại, cố tìm xem chú cảm thấy điều gì. Vui? Buồn? Chán? Giận? không, không có gì hết. Chú chỉ thấy một cảm giác lâng lâng, lan man vô định, chú có cảm tưởng như thân thể mình nhẹ tênh, có thể đi lại trên mặt nước. Cảm giác lâng lâng ấy càng ngày càng loang ra khắp thân thể chú, các lỗ chân lông nhậy cảm hơn. Dường như da thịt chú tiếp xúc thẳng với nắng, gió của trời đất chớ không bị quần áo ngăn cách. Cảm giác hạnh phúc, vâng, anh gọi đó là cảm giác hạnh phúc, sẽ kéo dài được lâu hay mau là do căn cơ cảm thụ của từng người. Nói cho dễ hiểu theo lối nhà Phật thì tùy vào lòng chân thành, thương yêu, thông cảm của chú đối với con cá cao hay thấp mà chú hưởng được cái quả nhãn tiền là cảm giác giải thoát, cảm giác hạnh phúc.

Lãng càng nghe anh nói càng ngỡ ngàng. Lãng nhìn vào mặt Kiên, tìm thấy ở đôi mắt Kiên sự đam mê khác thường, sự đam mê của một thế giới bí hiểm xa lạ mà Lãng chưa hiểu hết. Nếu so sánh với vẻ mặt lầm lì đăm chiêu của Kiên thường ngày thì đúng là anh tìm được ý nghĩa của giải thoát, của hạnh phúc trong cuộc thử thách đơn giản nhưng đầy vẻ mông muội này.

Lãng hỏi:

– Cảm giác hạnh phúc của anh kéo dài được bao lâu?

Kiên kiêu hãnh đáp:

– Không chừng. Có khi được một buổi. Có khi được cả ngày. Có khi quá bối rối vì việc nhà việc sở, không cảm thấy gì hết. Cho nên Lãng phải biết chọn lúc thích hợp để khỏi mất công.

Hai anh em im lặng dõi theo ý nghĩ riêng. Lãng liếc nhìn anh, thấy Kiên trở lại với bộ mặt lầm lì ủ dột. Và bắt đầu húng hắng ho. Lãng ái ngại nhìn anh, lòng thương yêu có pha lẫn thương xót. Lãng nói:

– Để em ghé thăm chị một chút.

Kiên vội gạt đi:

– Thôi, khỏi cần. Bà ấy đổi tính, khó chịu lắm.

Lãng thì thào bảo:

– Em về. Mong anh được hạnh phúc lâu hơn, bền hơn.


Nguyễn Mộng Giác

   Số lần đọc: 3671

Tác Phẩm

BÀI KỀ

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây