Nơi lưu giữ những tác phẩm của Nhà Văn Nguyễn Mộng Giác (1940-2012)

Nơi lưu giữ những tác phẩm của Nhà Văn Nguyễn Mộng Giác (1940-2012)

Sông Côn Mùa Lũ – Chương 92

Để tránh sự dòm ngó tò mò của hàng xóm, An bảo Lãng đưa mình đi thăm mộ chồng từ sáng sớm. Tối hôm trước, hai chị em giấu không cho các cháu biết tin dữ. Lúc An ngất đi, Lãng cuống quít gọi các cháu đến để sai đi tìm dầu. Hai đứa bé tưởng mẹ đã chết, ôm lấy mẹ khóc nức nở, vừa khóc vừa gọi “Mẹ ơi! Mẹ ơi!” Cả ba quá hoảng hốt không biết làm gì để lay tỉnh mẹ và chị, cứ xúm lại kêu khóc tuyệt vọng. Một lúc sau, An tỉnh dậy. Thấy các con nước mắt đầm đìa, An hiểu ngay điều phải làm. Chị vuốt tóc, ngồi thẳng dậy, trách Lãng:

– Em đã… rồi phải không?

Lãng hiểu ý chị, lắc đầu đáp:

– Không. Chưa chị ạ. Chị có mệt lắm không?

Con Thái thấy mẹ còn sống, càng khóc to hơn:

– Mẹ! Mẹ đừng chết nghe mẹ. Mẹ chết, hai đứa con biết sống với ai đây! Mẹ hứa với con đi! Đừng chết nghe mẹ!

Phát đã thôi khóc, bậm môi đứng xa ra một chút, vì dần dần hiểu ra rằng khóc lóc là yếu đuối, không xứng đáng với “khách anh hùng”. An nhìn quanh thấy các con còn ngấn nước mắt trên má, xúc động sụt sùi. Con Thái van xin:

– Mẹ đừng khóc nữa mẹ! Ráng sống với các con nghe mẹ.

An gượng cười bảo Thái:

– Ừ! Mẹ sẽ sống để nuôi các con. Mẹ bỏ các con sao được! Rồi hướng về phía Lãng, An nói xa xôi:

– Mẹ có đi đâu cũng phải đi một lượt với các con. Các con muốn đi gặp cha với mẹ không?

Lãng giật mình, vội nói:

– Chị! Chị đừng nghĩ dại.

Hai đứa trẻ không biết cha đã bị hành hình, cùng mừng rỡ nói:

– Đi mẹ. Cho tụi con đi thăm cha với!

Lãng vội bảo hai cháu:

– Thôi, các cháu xuống bếp đun cho mẹ ấm nước. Đã ăn cơm tối chưa?

An buồn rầu bảo em:

– Mấy hôm nay, ba mẹ con chị có nuốt nổi cơm đâu.

Lãng liền nói:

– Nếu vậy thì hai cháu xuống nấu cơm luôn thể. Nhớ nấu nhiều nhiều cho cậu ăn với.

Chờ cho hai đứa bé đi khỏi cửa, Lãng mới bảo chị:

– Chị đừng bao giờ nghĩ quẩn như lúc nãy nữa. Chị nên nhớ hai đứa nhỏ không làm gì nên tội. Chúng nó được quyền sống, và sống sung sướng. Đừng bắt chúng nó gánh chịu tội lỗi của người lớn chúng ta.

An tức giận, hậm hực bảo em:

– Đến nước này mà Lãng còn nói cái giọng đó à? Tội lỗi? Lãng cũng đứng vào phe chúng nó để chửi rủa anh Lợi phải không?

Lãng vội vã bào chữa:

– Không. Ý em không phải thế. Em muốn nói tất cả người lớn đều quay cuồng trong tội lỗi vì danh, lợi, tự cao, ngu xuẩn, nên cả tụi trẻ con cũng phải vạ lây.

An nguôi giận, ngồi thừ một lúc, rồi nói như đang ở một mình:

– Chị biết thế nào cũng phải tới cái ngày này. Biết nhưng vẫn hy vọng mơ hồ, vẫn nghĩ Trời thường trớ trêu… Vâng, trớ trêu lắm! Hồi nhỏ, chị thường mơ ước được điều này, điều nọ, lúc ngồi một mình cứ mỉm cười mơ màng, vì nghĩ mình không nói dối, không thù hận ai, không gian tham, không lừa đảo, thì nhất định Trời cao phải thương mình, cho mình ước gì được nấy. Chị lầm lẫn quá. Trời cao trớ trêu lắm, không trớ trêu sao lại đem quàng lên cổ chị… rồi bây giờ chính… Trời ơi, chị đến điên đầu mất thôi. Sao trời còn bắt chị sống, hở Lãng?

Rồi đột ngột, An nhìn thẳng vào mắt Lãng hỏi:

– Anh ấy… anh ấy mất lúc nào?

Lãng rụt rè đáp:

– Hồi trưa hôm qua, chị ạ!

An mím môi một lúc, lại hỏi:

– Lúc ấy có em ở đó không?

Lãng thú thật:

– Em không dám…

An đưa tay lên bóp trán. Hai chị em ngồi lặng lẽ một lúc thật lâu. Phía dưới bếp, con Thái hỏi vọng lên:

– Có hấp trứng luôn thể không hở mẹ?

An không đáp, bàn tay vẫn che lấp hai mắt. Lãng đáp thay chị:

– Cháu hấp trứng luôn đi. Mẹ bảo vậy.

Lúc ấy, An mới hỏi Lãng, giọng lạc đi:

– Sao em không cố đến, xem anh ấy có nhắn gì không?

Lãng im lặng, không biết trả lời thế nào. An dặn Lãng:

– Em cố giấu đừng cho các cháu biết cha chúng nó bị… Dĩ nhiên thế nào sau này chúng cũng biết, nhưng lúc này… Cứ bảo là anh ấy bị chết bệnh trong ngục.

– Vâng ạ.

– Hoặc bảo cha chúng nó vì nhớ thương chúng nó mà sinh bệnh.

Lãng lo âu, hỏi nhỏ:

– Làm sao giấu chúng nó được mãi, hở chị. Chỉ cần bước ra khỏi nhà, đã có người…

An hấp tấp cắt lời em:

– Không. Chị sẽ không để chúng nó ở đây. Chị sẽ…

Đến lượt Lãng hốt hoảng hỏi:

– Chị định đi đâu? Chị, đừng nghĩ quẩn nữa. Em van chị. Dù sao, chị còn có em ở đây. Em sẽ về hẳn đây, dạy dỗ chăm sóc thêm cho các cháu.

Thấy nét mặt Lãng hớt hải lo âu, An gượng cười nói:

– Nhưng chuyện đó chưa chắc đâu. Vâng. ở đây còn có chị có em còn đi đâu thì… đi đâu bây giờ? Em nói phải. Chị sợ lũ trẻ hàng xóm không để yên. Em biết không, liên tiếp mấy hôm chúng nó quăng đá vào nhà. Em không thấy cảnh hai đứa mặt mày xanh lét, sợ hãi ôm lấy nhau… thương lắm. Sống ở đây không phải dễ như em tưởng đâu…

Và một lần nữa, An đột ngột chuyển hướng câu chuyện, hỏi Lãng:

– Chúng… họ chôn anh ấy ở đâu?

Lãng đáp:

– Chính em lo liệu việc tẩm liệm và chôn cất anh ấy.

– Mai em dẫn chị đến đó nhé!

– Vâng. Nhưng chị phải hứa là…

– Cái gì chị cũng hứa cả. Em nói rất đúng. Chị phải rán sống để nuôi chúng nó, trừ trường hợp người ta… người ta muốn giết luôn cả mấy mẹ con chị.

– Chị nói gì thế?

An chua chát nói:

– Đã đến nước này mà em còn bênh vực chầm chập thế ư?

Lãng im lặng, không tìm được ý nào thích hợp để giải thích. An lại bắt đầu khóc. Lần này chị úp mặt vào đầu gối, nên Lãng chỉ thấy hai vai An run rẩy và chỉ nghe những tiếng nghẹn.

* * *

Họ thức dậy từ lúc gà gáy lần đầu. Hai đứa bé bị đánh thức bất ngờ nên nhướng đôi mắt ngái ngủ dò hỏi. Con Thái nhạy hơn thằng anh, đoán trước sắp có điều gì bất thường, nên đến bên mẹ hỏi nhỏ:

– Sắp đi khỏi đây phải không mẹ?

An ôm lấy con cho nó khỏi thấy chị bối rối. Cổ họng An nghẹn lại. Con Thái không nghe mẹ trả lời, càng tin phỏng đoán của mình hơn. Nó lo lắng hỏi:

– Bỏ cha ở đây một mình sao, mẹ?

An òa lên khóc. Lãng phải tìm cách báo tin giùm chị:

– Các cháu đừng làm cho mẹ các cháu khổ sở thêm nhé. Cậu báo cho các cháu biết tin này, nhưng các cháu phải bình tĩnh mới được. Tối hôm qua mẹ các cháu ngất xỉu, các cháu còn nhớ không?

Thằng Phát hỏi:

– Có phải chúng ta sắp đi trốn không hở cậu? Đi bằng thuyền như hồi trước phải không cậu?

Lãng chậm rãi đáp:

– Không. Cha các cháu không may đã bị bệnh nặng, vừa mất hôm qua.

Hai đứa trẻ không có phản ứng tức thì như Lãng chờ đợi. Cả hai đều im lặng, cái nhìn ngơ ngác, không hiểu hết được tầm quan trọng của chuyện tử biệt. Con Thái ngờ vực hỏi mẹ:

– Cha đau nặng thật hở mẹ? Hay là cậu nói thế để bắt chúng con phải đi?

An sụt sùi, nói trong nước mắt:

– Cậu nói thật, đấy con. Bây giờ, chúng ta đi thăm mộ… cha con đây!

Từ đó cả bốn người đều lầm lũi chuẩn bị đi thăm mộ, không ai nói với ai lời nào. Thằng Phát chạy đi đóng lại cẩn thận các cửa lớn, cửa sổ. Con Thái theo sát bên mẹ, đôi mắt hớt hải theo dõi mọi cử chỉ của An, sợ mẹ vì đau đớn quá mà ngất đi. Trái với dự đoán của người lớn, con bé đột nhiên trở nên can đảm, cứng cỏi, vì tự nhận phải có trách nhiệm săn sóc, bảo vệ cho người mẹ bất hạnh. Nó theo sát bên An, hỏi luôn miệng:

– Mẹ có mệt không? Để con xách giỏ đồ cúng cho mẹ.

– Coi chừng vấp đó mẹ. Con đi trước dẫn đường cho mẹ nhé?

– Mẹ coi chừng! Ở đây có một vũng lầy!

– Mẹ bị lạnh hay sao mà tay run thế? Mẹ đi sát bên con cho ấm.

Thằng Phát cũng cố lấy giọng cứng cỏi, hỏi cậu:

– Cha con chết vì bệnh hả cậu?

Lãng nhìn cháu, đáp bừa:

– Ừ. Vì bệnh.

– Cháu không tin.

– Sao thế?

– Vì cha cháu rất ít khi bị bệnh. Quá lắm, cha cháu chỉ say rượu nằm một đêm lại đứng dậy đi đây đó. Cháu đoán được vì sao cha cháu chết rồi!

Lãng lo ngại hỏi:

– Ai nói cháu biết?

Phát càng tự tín thêm, kiêu hãnh nói:

– Cậu tưởng cháu không biết sao? Cháu không cần ai cho biết cả, cũng đoán ra được. Cha cháu dám đốt kho thóc, thì cũng phải dám đánh lại cai ngục. Cha cháu chẳng bệnh tật gì đâu. Cai ngục không cự nổi cha cháu, nên lén giết cha cháu đấy.

Lãng tò mò và thích thú, hỏi Phát:

– Hắn dám giết tù mà không sợ tội chết hay sao?

Phát cười một tiếng nhỏ, mặt đanh lại:

– Hắn sợ chứ. Vì sợ nên mới giết lén, rồi báo lên quan trên là cha cháu bị bệnh nặng. Cháu đoán hắn bỏ thuốc độc vào cơm của cha cháu.

Lãng thấy lối hiểu của Phát thật tiện lợi, nên nói hàng hai:

– Ý của cháu đáng kể lắm. Để cậu xin bộ Hình xét lại. Đằng nào thì cha cháu cũng chết rồi. Từ đây, cháu phải ngoan hơn, đừng lêu lổng như trước, cho mẹ cháu khỏi buồn. Cháu có thương mẹ cháu không?

– Dạ, cháu thương mẹ cháu lắm chứ. Nhưng bây giờ cha cháu bị kẻ thù ám hại, cháu càng phải học thêm võ nghệ để trả thù cho cha cháu. ở nhà, cháu sẽ nhờ con Thái săn sóc giúp đỡ mẹ. Chốc nữa, cháu sẽ kể hết với nó.

– Tại sao lại phải chờ đến chốc nữa? Chốc nữa là lúc nào?

– Lúc ra thăm mộ cha. Cháu sẽ dắt con Thái đến trước mộ, hai đứa lạy xong sẽ lần lượt thề trước mộ cha cháu.

Lãng bị cuốn hút bởi lòng tò mò, và những ý nghĩ lạ lùng của thằng bé 13 tuổi, nên hỏi:

– Cháu sẽ thề những gì? Nói trước cho cậu biết được không?

Phát ngước nhìn Lãng, hơi khinh nhờn:

– Hai đứa cháu chỉ thề trước mộ cha cháu mà thôi. Không ai được nghe những lời thề đó. Nhưng nếu cậu muốn biết, sau khi cha cháu nghe xong, cháu sẽ thuật lại.

Lãng cười nhỏ vì sợ chị nghe thấy, rồi nói:

– Cháu thề sẽ cắt đầu tên cai ngục để đem tế trước mộ cha cháu chứ gì?

Phát hô hoán:

– Sao cậu biết?

– Cái gì mà cậu không biết. Cháu đi chậm lại để chờ mẹ cháu và con Thái. Đến ngã ba phía trước thì rẽ phải.

– Chôn ở chân núi hở cậu?

– Ừ!

– Từ đây đến đó có qua nhiều trạm canh không cậu?

– Nhiều. Cháu hỏi làm gì?

– Không. Cháu hỏi cho biết thế thôi!

Phát đang nghĩ đến lúc sẽ dẫn tên cai ngục (đã bị bịt mắt, nhét giẻ vào miệng và trói tay bằng sợi dây thừng thật chắc), qua khỏi các trạm canh để đem giết trước mộ cha thay cho lễ vật.

– Cháu dừng lại đã, sắp đến trạm canh đầu tiên rồi đấy.

* * *

Lúc trở về, Lãng ngạc nhiên thấy đường sá vắng hoe. Quân lính đi lại tấp nập, người nào cũng mang theo giáo mác và chiếu. Lãng theo theo kinh nghiệm đoán tình hình có điều gì nghiêm trọng nên việc bố phòng ở các điểm then chốt trên trục giao thông được tăng cường. Đưa chị và các cháu về đến nhà xong, Lãng vội vào thành. An còn dặn:

– Thế nào tối em cũng phải ghé về đây nhé!

Lãng tưởng chị sợ, vội nói:

– Vâng. Em vào xem có gì lạ, rồi trở về đây liền.

An hỏi:

– Có gì mà lạ?

– Em thấy các toán lính tỏa ra canh gác nghiêm ngặt lắm.

An ơ hờ như người ngoại cuộc:

– Thế à! Nhưng em đừng quên tối nay phải về đây nhé. Chị chờ em về mới ăn cơm tối đấy.

Lãng vào thành càng thấy không khí khẩn trương rõ hơn. Từng toán lính tụm năm tụm ba bàn tán, câu chuyện họ đang trao đổi có vẻ hào hứng vì họ vung tay và lớn tiếng cười cợt. Lãng hỏi một người quen, mới biết được hai tin quan trọng: Chiêu Thống đã rước quân Thanh vào Thăng Long, và Chính Bình vương sẽ chính thức lên ngôi vào sáng mai.

Lãng xúc động đến nỗi phải dừng bước, để lấy lại nhịp thở đều. Đầu anh nóng ran. Có thể như thế chăng? Có thể nào cái tin vui lớn và tin buồn lớn cùng rủ nhau đến một lúc, nhất là lúc này? Việc Nguyễn Huệ chuẩn bị lên ngôi để thống nhất đất nước thì Lãng đã nghe phong thanh từ hơn tháng nay. Ở chỗ chính thức, công khai, Lãng chưa hề nghe Nguyễn Huệ hoặc Trần Văn Kỷ nói đến việc ấy. Nhưng các dấu hiệu chuẩn bị thì rõ ràng lắm, khắp kinh thành ai cũng nao nức chờ đợi. Việc triều đình nhà Thanh có thể can thiệp cũng đoán trước được. Khoảng đầu tháng mười, tin tức từ Bắc hà đưa vào tuy thuộc loại cơ mật nhưng ở vào địa vị của Lãng, anh chỉ cần nghe các quan đại thần nói chuyện với nhau, hoặc nghe Nguyễn Huệ căn dặn Trần Văn Kỷ cũng có thể đoán được gần đúng. Có điều khiến Lãng choáng váng, là ước mong được thấy Nguyễn Huệ chính thức lên ngôi, oái oăm thay, lại đến đúng vào lúc gia đình anh đang tang tóc, và nước nhà ở trong nguy cơ ngoại xâm. Phải chờ đến lúc nhận ra rằng chính vì nguy cơ ngoại xâm mà Nguyễn Huệ phải lên ngôi vào lúc dầu sôi lửa bỏng này, chính vì an nguy của xã tắc mà Nguyễn Huệ phải công khai và chính thức nhận thiên mệnh cao cả, đến lúc đó Lãng mới thực sự vui mừng.

Trong triều, không khí cũng khẩn trương rộn rịp như ngoài thành. Người lính cấm vệ đầu tiên gặp Lãng đã mừng rỡ reo lên:

– A, gặp ông đây rồi! Gớm, chúng tôi tìm ông khắp nơi. Có lệnh Vương thượng triệu ông vào gấp.

– Thật ư?

– Xin ông nhanh bước cho. Chúng tôi dám đùa vào lúc này sao!

Lãng vào điện Triêu Dương đúng lúc quan trung thư, thượng thư bộ Lễ đang hầu chuyện với Nguyễn Huệ. Thấy Lãng vào, Nguyễn Huệ vội giục Trần Văn Kỷ:

– Ông đọc lại xem có cần thêm gì không?

Trần Văn Kỷ cầm tờ giấy lên đọc:

– Tâu Chúa công, bài chiếu có ghi thêm năm điều sau đây:

1- Các địa phương trong mười ba đạo, thuế ruộng, thuế thân, thuế lực dịch về vụ đông năm nay, mười phần tha cho năm phần, những nơi bị binh hỏa làm điêu tàn, thì cho các quan phân tri khám thực, tha miễn cho cả.

2- Quan dân triều cũ, người nào liên lụy vào tội đã bị án nặng, trừ những tội đại nghịch vô đạo, còn thì đều thả cả.

3- Các đền thờ bách thần mà là thờ nhảm, đều bị xóa bỏ thần hiệu trong tự điển (1) , còn các thiên thần và tôi trung, con hiếu, đàn bà tiết nghĩa đã được các triều phong tặng thì nay đều cho thăng trật.

4- Quan viên văn võ triều cũ, người nào vì chạy trốn theo vua mà phải trốn tránh, đều cho về nguyên quán. Người nào không muốn ra làm quan, thì cho tùy theo chí của mình.

5- Quần áo dân gian ở Nam hà hay Bắc hà đều cho theo tục cũ, duy có áo chầu, mũ chầu thì nhất luật phải theo qui chế mới (2)

Nguyễn Huệ suy nghĩ một lúc, rồi bảo cả hai quan đại thần:

– Thôi được. Cứ y như vậy mà làm. Bộ Lễ phối hợp với bộ Binh để làm thế nào lễ lên ngôi vừa trang nghiêm, vừa có cái uy dũng của cuộc xuất quân dẹp giặc xâm lăng. Quan Trung thư cho chép bài chiếu để ngày mai yết cáo khắp các nơi quan yếu. Các ông có thể lui được rồi!

Trần Văn Kỷ và viên thượng thư bộ Lễ vái lạy xin về. Nguyễn Huệ mỉm cười gật đầu nhận lễ, chờ họ ra khỏi điện, mới hỏi Lãng bằng giọng thân tình khác thường:

– Cậu vừa ở đằng nhà đến đây phải không?

Lãng tưởng Nguyễn Huệ trách mắng, vội đáp:

– Tâu Vương thượng, vâng ạ.

Nguyễn Huệ do dự khá lâu, mới rụt rè hỏi:

– Tình cảnh “cô ấy”… ta muốn nói “bà ấy”… cậu hiểu không? Hiện nay bà ấy ra sao?

Lãng buồn rầu đáp:

– Tâu Vương thượng, thần vừa đưa chị ấy và các cháu đi nhận mộ.

Nguyễn Huệ lại ngập ngừng hỏi:

– Bà ấy… cô ấy có trách ta không? Cậu phải hiểu ta không thể làm khác được. Tội lỗi ấy, nếu…

Nguyễn Huệ bỏ dở câu cuối. Lãng không nghe Nguyễn Huệ nói tiếp, ngửng lên chờ đợi. Nguyễn Huệ lúng túng, nói:

– Ta cũng muốn cho cậu dự trận vẻ vang này để nhớ đời đời, nhưng… cậu phải ở lại vậy. Không thể bỏ cô ấy vào lúc này. Ta có nói gì chăng nữa, cô ấy vẫn oán hận ta. Ta tiếc lắm. Ta cũng nói thẳng với hắn là ta tiếc lắm, không thể làm khác được. Cậu ráng tìm cách an ủi cô ấy. Hãy nói với cô ấy rằng, hắn đã đền tội rồi, cô ấy nên yên tâm để nuôi các con. Nếu cần… à không, ta biết cô ấy tự ái không bao giờ thèm nhờ vả ta điều gì. Cậu thay ta lo liệu đời sống cho cả ba mẹ con, trong thời gian ta vắng mặt.

Lãng xúc động đến nỗi nước mắt tự nhiên ứa ra đầy cả hai khóe. Anh cố giấu sự yếu đuối nên cúi gằm mặt xuống. Vì vậy, Lãng không thấy được nét mặt bần thần của Nguyễn Huệ. Hai người im lặng trước mặt nhau, người này không dám nhìn mặt người kia. Mãi một lúc sau, Nguyễn Huệ mới nói:

– Có lẽ từ đây cho đến lúc xuất quân, ta không gặp được cậu. Bấy nhiêu lời dặn dò, cậu gắng nhớ cho.

Lãng biết đã đến lúc phải lui. Anh lạy tạ, lúc cúi xuống, Lãng cố đưa ống tay áo lên xóa ngấn nước mắt trên má. Nguyễn Huệ ngồi nhìn dáng đi chậm và mệt mỏi của viên thư ký thân cận, của người em bao năm nay Vương bảo bọc che chở, lòng cảm thấy ngùi ngùi.

* * *

Chờ cho hai con ngủ xong, An mới rón rén đi ra phòng ngoài gặp em. Hai ngọn đèn sáp nhỏ trên bàn thờ Lợi tỏa ra một thứ ánh sáng vàng vọt, lung linh. Lãng ngồi yên trên phản gỗ, lưng dựa vào vách tường vôi. An ngồi ghé xuống cạnh phản, cách chỗ em độ hai thước. Hình như Lãng đoán thế nào chị cũng ra nói chuyện với mình nên lúc quay về phía An, anh không có vẻ vồ vập mừng rỡ hay kinh ngạc. An hỏi cho có hỏi:

– Em chưa đi ngủ?

– Chưa, chị ạ. Các cháu đã ngủ cả rồi?

– Chúng nó mệt quá, thiếp đi.

– Chị cũng nên ráng ngủ bù lại sức. Chị gầy xọp hẳn đi.

An không nói gì, nhìn về phía bàn thờ Lợi thật lâu. Lãng muốn chị khuây khỏa nỗi đau khổ riêng, nên hỏi:

– Lúc sáng chị có để ý cảnh lính tráng vác gươm vác giáo hấp tấp tỏa đi khắp nơi không?

– Có.

– Chị có biết chuyện gì đã xảy ra không?

An cười chua chát:

– Họ lại tranh ăn với nhau, chia bè chia phái để hăm he giết nhau chứ gì!

– Không. Chị bi quan quá. Quân Thanh đã xua quân xâm lấn nước ta.

An giật mình ngước lên nhìn Lãng, đôi mắt đầy ngờ vực:

– Chúng nó dám thế à? Nhưng thôi. Chuyện đó đã có người ta lo. Chị chỉ thấy trước lại có cảnh chồng xa vợ, mẹ mất con. Lại cảnh đâm chém nhau, dày xéo lên nhau.

Lãng không dằn được bất mãn, bảo chị:

– Chúng nó vô cớ xâm lấn đất nước ta, phải đánh cho chúng nó chừa thói tham tàn chứ. Nói như chị thì…

An không muốn tranh luận, nên cắt lời Lãng:

– Phải. Chị đàn bà, chỉ thấy những chuyện mất mát trước mắt. Chuyến này em có phải đi không?

Lãng e dè vừa nói vừa dò phản ứng của An:

– Đáng lý em cũng phải theo quân, vì nghe đâu sau lễ đăng quang, sẽ xuất quân ngay.

– Lễ đăng quang? Lúc nào?

An hồi hộp, nhớ đến chiếc vương miện chính An đã thêu cho Nguyễn Huệ, nhớ đến những giọt nước mắt nuối tiếc nhỏ lên tấm áo cổn. Lãng thấy chị thảng thốt, càng thương hại An hơn. Anh không dám thuật lại những điều Nguyễn Huệ gửi gắm, Lãng chỉ nói:

– Ngày mai, chị ạ. Chính vì sự an nguy của xã tắc mà Chúa công phải lên ngôi để ràng buộc người trong nam ngoài bắc.

Giọng An càng cuống quít hơn:

– Sao em không nói cho chị biết từ chiều. Ngày mai em đi rồi ư? Em đã sửa soạn được gì chưa?

Lãng chậm rãi đáp:

– Không cần, chị. Em ở lại đây.

– Sao thế? Chẳng lẽ vì chuyện buồn của chị mà em…

– Không đâu. Em đã nghĩ kỹ rồi. Em chẳng có tài cán gì, có em hay không có em, cũng thế thôi. Ra đi bỏ chị và các cháu trong tình cảnh này…

An cướp lời Lãng:

– Em đừng nghĩ vậy. Chị đã quen những điều bất hạnh. Chị ốm yếu thế, nhưng khi chị đã quyết điều gì, thì chị mạnh phi thường. Em đừng nghĩ phải ở lại đây để giúp đỡ, che chở cho ba mẹ con chị. Đừng. Nói thật điều này em đừng giận, nhiều khi em chỉ làm vướng chị mà thôi.

Lãng lo âu, thì thào:

– Chị An. Chị tính gì vậy? Chị đừng nên liều thân. Các cháu có tội tình gì.

An cười nhẹ, trấn an em:

– Lãng tưởng chị chán nản đến nỗi phải tự vẫn chứ gì? Em lầm, không bao giờ chị hèn nhát như thế đâu.

– Thế sao lúc nãy chị nói nhiều câu dễ sợ quá!

– Lúc nào?

– Hồi ăn cơm tối.

– Chị đã nói những gì?

– Chị dặn dò em đủ điều, như là trăn trối. Dặn đừng nên uống rượu. Dặn đừng để cho đồng tiền sai khiến mình. Dặn phải cố tìm chỗ đàng hoàng để lập gia đình, đừng bông lông như bao lâu nay. Chị làm như chị sắp xa cõi đời này, chị em không có lúc nào gặp nhau nữa.

An cố cười lớn để giấu bối rối:

– Lãng hiểu lầm chị rồi. Lúc trước chị biết em không thích anh Lợi, nên chị đâm ngại. Nói điều gì làm phật ý em, em lại tưởng có anh Lợi xúi giục chị, đặt điều nói xấu em sao đó. Nhưng bây giờ chỉ còn lại hai chị em ta với nhau, chị không ngần ngại nữa. Chị lo lắng đủ điều, chị sợ em lầm lỡ, rủi có điều bất hạnh nào thì chị thêm bơ vơ. Thế thôi. Hai chị em ta hiểu nhau từ thuở nhỏ, chẳng lẽ bây giờ em không biết đến nỗi lo âu của chị!

Lãng cảm động tin ngay lời An. Cố dằn xúc động, Lãng nói:

– Nhưng chị phải hứa là từ nay, có muốn làm điều gì, phải bảo cho em biết.

An cười nói:

– Được. Phần em, em cũng phải hứa với chị điều này.

– Điều gì thế chị?

– Em phải lấy vợ.

Lãng đỏ mặt, ấp úng:

– Em vẫn tìm kiếm hoài mà chưa được đấy chứ!

– Đâu có. Em chỉ tìm những chỗ chông gai mà đi. Trước kia thì Thọ Hương. Bây giờ… tại sao em biết cô ấy bị ác bệnh mà còn tìm cách lui tới, đeo đẳng hoài?

Lãng thành thực bảo:

– Em cũng chẳng hiểu nổi mình nữa. Có thể vì em nghĩ mình không ra gì. Có thể… có thể… làm sao nói cho đúng điều kỳ cục này nhỉ! Như người ta biết ớt cay mà vẫn thích ăn ớt vậy mà. Chị hiểu em không?

An lắc đầu. Lãng cố giải thích tiếp:

– Mỗi lần biết một số phận bi thương, cả người em run lên, em có thể làm bất cứ điều gì để kẻ bất hạnh đó vui hơn, sung sướng hơn. Chị có nhớ cái miễu thờ người bà con bị phong của chúng ta ở An Thái không?

– Nhớ. Nhưng em nói gì lộn xộn như mớ chỉ rối, chị không hiểu gì cả.

– Em cứ nhớ mãi lúc nghe kể chuyện cái miễu ấy, em xúc động đến nỗi tê dại cả người. Một mình sống giữa đồng vắng, thân thể sượng sần, nhức nhối, mọi người ghê tởm, xa lánh. Có số phận nào ghê gớm bi thảm như thế chăng? Một lần em trốn nhà ra cái miễu đó giữa đêm khuya, để mong gặp cho được hồn ma người quá cố. Dĩ nhiên em không gặp được gì, nhưng cả đời em không quên được đêm ấy. Em vừa sợ hãi vừa hãnh diện, vì trên khắp cõi đời này, chỉ có em là người không vì ích kỷ mà xa lánh kẻ xấu số. Chị hiểu em không?

An lắc đầu. Lãng thất vọng nói:

– Em chẳng biết phải nói gì thêm cho chị hiểu. Có lẽ em là một người bất thường.

– Chị không tin thế đâu. Em có lòng tốt, tuy nhiều khi dễ tin người, đến ngây thơ. Lâu nay em được che chở, bảo vệ. Vả lại, em cũng chẳng tranh giành điều gì với ai nên không ai xem em là kẻ thù. Nhưng bây giờ “người ta” đã lên ngôi rồi, em phải coi chừng. Anh Lợi thì còn xa lạ gì với “người ta” nữa. Đến lúc cần xuống tay lập uy, “người ta” có ngần ngại đâu. “Người ta” cũng thừa biết mẹ con chị sẽ thế nào khi anh Lợi chết chứ! Em đã thấy rồi, cảnh chị góa bụa có làm “người ta” nhíu mày do dự đâu! Từ đó chị nghĩ đến thời trước, và hiểu hết mọi điều. Chị trông mọi sự sáng tỏ hơn, từ việc cha chúng ta bị thất sủng, cho đến chuyện chính nhà vua đứng ra làm mai mối cho chị lấy anh Lợi. Họ tính toán đời chị, như tính lời lỗ của một chuyến buôn trầu. Cả con gái cưng của họ, họ còn dám hy sinh, huống chi cuộc đời hèn mọn của chị. Anh thế nào thì em thế ấy. Dám chửi rủa anh ruột mình là loài sài lang cẩu trệ! Sao bấy lâu nay chị mê muội đến thế!

Lãng không thể để mặc cho An chua chát tuyệt vọng, nên nói:

– Đừng tự làm khổ mình bằng lòng ngờ vực, chị ạ.

An đáp ngay bằng giọng bi phẫn:

– Còn em, em đừng tự làm khổ mình bằng lối cả tin. “Vì sự an nguy của xã tắc”! Những tiếng kêu như chuông ấy chỉ đánh lừa được bọn đàn ông ngu ngơ như Lãng mà thôi. Đừng dễ tin người. Em hãy ráng nhớ lời chị để giữ thân. Chị ở xa, nhưng lúc nào cũng lo lắng cho em…

Lãng giật mình hỏi An:

– Chị định đi đâu xa lắm sao?

An vội chữa:

– Không. Chính em sắp đi xa nên chị căn dặn thế chứ. Khỏi lo cho ba mẹ con chị, Lãng ạ. Em cứ đi ra bắc với “người ta” đi. Chị biết thế nào ta cũng thắng oanh liệt, vì ai không căm giận khi đất nước bị xâm chiếm. Có thể nhờ trận này mà em khỏi bị bọn võ biền khinh khi. Hãy gắng lập công, Lãng nhé!

Lãng không biết trả lời chị thế nào. Trong thâm tâm, anh bị giằng co giữa một bên là trách nhiệm gia đình, một bên là nghĩa vụ đối với đất nước. Anh không dám tin lời chị là hoàn toàn thành thật, khi suốt buổi tối, An luôn luôn ray rứt, chua chát, cực đoan đối với mọi sự trên đời. An thấy em im lặng suy nghĩ, nói thêm:

– Lãng đừng ái ngại cho số phận mẹ con chị. Ngược lại, chị ái ngại cho em. Thôi, em ngủ đi. Mai hãy tính. Nếu có lạnh, lấy cái chăn dày ra mà đắp.

Họ ngùi ngùi nhìn nhau, rồi hai chị em lặng lẽ đi ngủ.

Sáng hôm sau, Lãng thức dậy hơi muộn. Ba mẹ con An đã đi từ lúc Lãng còn say ngủ. Đi đâu? Lãng không biết gì cả!

Nguyễn Mộng Giác

(1) Sổ nghị sự trích các Thần được thờ.

(2) Mai Quốc Liên dịch, Thi văn Ngô Thì Nhậm, quyển 2, trang 109.

   Số lần đọc: 3509

Tác Phẩm

BÀI KỀ

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây