Nơi lưu giữ những tác phẩm của Nhà Văn Nguyễn Mộng Giác (1940-2012)

Nơi lưu giữ những tác phẩm của Nhà Văn Nguyễn Mộng Giác (1940-2012)

Sông Côn Mùa Lũ – Chương 82

Bọn thầy pháp và bọn lang băm thường gồm có hai loại: một loại luôn phun ra những tiên đoán độc địa ghê rợn để đe dọa những người yếu bóng vía, buộc họ phải bám lấy mình van xin cứu chữa hoặc trừ tà, tốn bao nhiêu tiền của cũng không tiếc, loại kia chuyên kê thuốc bổ và hết lời khen ngợi phước đức. Kẻ yếu đuối thể xác hoặc tinh thần chạy đến họ không phải vì muốn biết sự thực. Họ làm nghề bán hy vọng theo những phương pháp khác nhau: bán ngay bằng thứ thuốc vô thưởng vô phạt, hoặc tính kế lâu dài bằng cách kèm theo những liều độc dược để nuôi bệnh. ở An Thái, Kiên thuộc vào loại ăn xổi hiền lành ấy! Về An Thái chẳng bao lâu, cái tin có một ông đạo lập am tại gò Miễu mau chóng lan truyền khắp vùng. Hơn hai mươi năm đã qua, kể từ thời gian gia đình ông giáo Hiến về lập nghiệp tại đây. Số dân An Thái thời đó nay đã lưu tán quá nhiều, không mấy người còn biết đến gốc gác của Kiên, vả lại, nét mặt Kiên đã thay đổi, từ một thanh niên mạnh khỏe biến thành một đạo sĩ đạo mạo, khắc khổ. Kiên cũng đủ khôn ngoan để giấu kỹ lý lịch của mình. Nhờ thế, đối với những người đến gặp ông đạo, Kiên có đủ cái bề ngoài huyền bí, thiêng liêng bảo đảm cho các câu tiên đoán. Họ lũ lượt kéo đến gò Miễu, nét mặt người nào cũng buồn rầu, lo lắng. Và họ trở về với nụ cười trên môi. Kiên có nhiều “khách” đến nỗi một chị bán nhang, một bà hàng nước và một bé gái bán hoa quả lặt vặt dám bỏ chỗ bày hàng ở chợ An Thái, vào gò Miễu kiếm sống.

Một hiện tượng như vậy dĩ nhiên không thể ở ngoài tầm chú ý của các chức sắc địa phương. Cho nên khi triều đình phát lệnh tầm nã, Kiên bị bắt ngay. Anh bị đóng gông giải về Qui Nhơn vào ban đêm để khỏi “xao động nhân tâm”. Buổi sáng hôm sau, khách thập phương đến gò Miễu chỉ thấy cái am trống. Kiên đến và đi bất chợt. Không biết ông đạo từ đâu đến, và đã về đâu. Vì vậy, trừ các chức sắc An Thái đã nhận được lệnh phải tuyệt đối giữ kín việc bắt giữ, đa số dân An Thái càng tin rằng Kiên không phải là người đời. Ông đạo là người Trời, vâng lệnh Tôn Sư từ một đỉnh núi heo hút chót vót nào đó xuống đời giúp dân rồi lại trở về núi. Những người đến chậm vì đường xa hoặc do đa nghi có thêm một nỗi ân hận trong đời, ân hận không được nghe những lời nói chân lý!

* * *

Giống như hơn hai mươi năm về trước, Kiên lại trở thành người tù quan trọng của thành Qui Nhơn. Những kẻ giam anh không phải ai xa lạ. Anh thuộc nằm lòng khuôn mặt, thói quen, giọng nói, kể cả những cái tật xấu lặt vặt của họ, và ngược lại. Con đường họ dẫn anh đi, cửa thành, lâu đài, cung các, trạm lính canh, cửa nhà giam, nét mặt lầm lì của tên cai ngục, cây thước bản trên tay người lính gác, hành lang hẹp và ẩm giữa hai hàng ngục tối, tiếng rên siết đâu đó…; tất cả vẫn vậy. Anh có cảm tưởng chỉ vừa được quân khởi nghĩa Tây Sơn giải thoát ngày hôm qua thôi. Hệ thống các dãy nhà giam thời tuần phủ Nguyễn Khắc Tuyên kiên cố và qui mô quá, nên những người chủ mới không cần phải thay đổi hoặc sửa sang gì nữa. Sửa lại bất cứ cái gì đều tạo dịp may đào thoát và giảm bớt nỗi đau đớn của phạm nhân. Nhờ thế Kiên có ảo tưởng mình trẻ lại sau hai mươi năm. Anh đi tới một cách tự tín mạnh dạn, quen thuộc đường lối như một người trở về. Nét mặt anh cũng không tỏ dấu phiền muộn hay sợ sệt, mặc dầu cái gông bằng gốc tre già đóng vội đè nặng lên hai vai anh, những mắt tre cạ vào da cổ làm xây xát rướm máu, hai bắp chân mỏi rần vì đường xa.

Kiên chỉ kinh ngạc về sự thay đổi của con người!

Đa số những người anh gặp đều là người quen cũ. Nhưng anh ghi nhận ở thái độ và hình dáng của họ hai điều: thứ nhất, họ già nua, xơ xác quá. Tóc họ lốm đốm bạc, mắt mệt mỏi đến đờ đẫn; thứ nhì: họ cư xử với anh hết sức khác thường, gần như họ vừa thù ghét vừa kinh sợ anh. Khi còn lại một mình trong ngục tối, Kiên băn khoăn tự hỏi:

– Vì sao họ lấm lét sợ ta? Đáng lẽ ta phải sợ họ chứ? Vì sao? Hay là… theo những điều họ nghe được thì tội của ta phải đưa ta đến chỗ chết. Có thể là chết thảm, xác bị phanh làm trăm mảnh, đầu bị bêu giữa chợ. Họ nhìn ta không như nhìn một kẻ đang sống, sẽ sống như họ, mà như một kẻ đang đi đến cõi chết, một kẻ sắp thuộc vào một thế giới khác mà họ kinh sợ đến hãi hùng. Phải. Trong các cuộc hành quyết, những kẻ tò mò cũng nhìn tử tội trên đường chịu nạn với cái nhìn ấy.

Vì nghĩ như vậy nên Kiên không thắc mắc tự hỏi tại sao từ lúc cánh cửa ngục đóng lại, không ai hỏi han đến anh. Ngày hai bữa, anh được nghe bước chân nặng kéo lê trên nền ngục của người lính phụ trách đưa cơm tù. Thế thôi. Không có tra khảo, thẩm vấn. Việc gì phải lôi thôi! Tội rõ rành rành ra đấy, chỉ còn thời gian vây quét cho hết lũ đồng lõa để đưa một lượt ra pháp trường. Một hồi trống giục. Chém. Thế là xong!

Đôi lúc Kiên cũng có đôi chút nuối tiếc. Cuộc đời của anh, anh tiếc là đơn giản quá. Chưa được cái gì tạm gọi là hoàn tất. Mọi sự cứ lơ lửng nửa chừng ngoài ý muốn của anh. Người thân khổ vì anh, và anh biết chắc sau khi lãnh án tử, họ còn phải khốn đốn vì anh nhiều hơn nữa. Vợ anh, mấy đứa con riêng của vợ, đứa con gái của anh… bây giờ họ thế nào? Còn Nguyễn Phước Liệu? Anh kinh ngạc không thấy mình oán trách kẻ gieo họa, sau đó vui mừng vì nghĩ rằng dù sao, mình cũng đạt được đôi chút thành quả trên đường tầm đạo. Không có Liệu này thì có Liệu khác, mọi sự diễn tiến như phải diễn tiến.

Khác với hai mươi năm trước, lần này Kiên không chờ đợi gì. Không hy vọng gì. Anh không ghi ngày tháng, không hồi hộp lúc nghe tiếng chân người hoặc rạo rực nôn nao trước mọi dấu hiệu của sự sống, như tiếng ho ở một hầm ngục khác, tiếng muỗi vo ve, tiếng chim trên mái ngục. Cho nên hôm cửa ngục mở vào một giờ thất thường, Kiên chóa mắt vì ánh sáng và bị choáng ngợp không khí, nhưng lòng anh bình thản. Hôm ấy Đông Định vương đến tận ngục thăm anh.

Vì chóa mắt và ngược hướng ánh sáng, Kiên không nhận ra được Nguyễn Lữ. Anh nghĩ: Đã đến lúc rồi. Ta sửa soạn gì không? Khỏi cần. Họ bảo làm gì thì cứ tuân theo. Như thế dễ cho họ hơn!

Nguyễn Lữ thấy Kiên không đứng dậy vái chào, tưởng anh giận, vội nói:

– Đáng lẽ tôi đến thăm anh ngay buổi sáng hôm ấy, nhưng nhà vua không cho phép. Anh không nhận ra tôi sao?

Bấy giờ Kiên mới biết người đến gặp mình không phải là viên cai ngục. Anh đứng dậy chắp tay chào Nguyễn Lữ, gối hơi run.

Nguyễn Lữ tiếp:

– Trông anh tiều tụy quá. Không. Chúng ta đừng đả động gì tới chuyện lôi thôi đó. Thôi, coi như bị dính vào một tai nạn khó chịu, cái tai nạn dai dẳng kéo dài từ lúc ra đời cho đến… cho đến lúc nào, anh biết không? Anh ốm và xanh quá. Anh có đau yếu gì không?

Nguyễn Lữ run giọng, rồi bắt đầu thút thít khóc, nghẹn lời không nói được nữa, Kiên thản nhiên đáp:

– Chính ngài đang bị yếu sức khỏe đấy.

Nguyễn Lữ cố dằn cơn uất, đáp:

– Vâng. Độ này tôi đau yếu luôn.

Kiên nói:

– Nghe giọng ngài nói, lại thấy ngài khóc, tôi đoán được hết. Ngài dễ xúc động quá. Ngài sợ cái gì vậy?

Nguyễn Lữ quay bảo hai tên lính canh:

– Cho phép tụi bây ra ngoài cửa đứng cho mát.

Một người lính lễ phép đáp:

– Dạ bẩm… lệnh của quan Hình bộ là phải đứng canh ngay tại đây.

Nguyễn Lữ chua chát bảo Kiên:

– Anh thấy không? Tôi cũng chỉ là một tên tù như anh thôi. Không biết tôi có cứu được anh không. Bây giờ tôi như người thừa ở kinh thành này. Không ai thèm nghe tôi cả. Nếu không cứu được anh, tôi sợ hai ta không còn dịp nào để đàm đạo với nhau nữa. Tôi muốn được nghe anh nói. Mỗi lần gặp anh xong, lòng tôi bình an. Anh nói gì đi!

Kiên nói:

– Lúc nãy tôi hỏi ngài đang sợ cái gì?

Nguyễn Lữ ngập ngừng một lúc, rồi đáp:

– Tôi sợ chết.

– Ngài tưởng tôi giải tỏa được nỗi sợ hãi của ngài sao?

Nguyễn Lữ vồ vập nói, như sợ hai tên lính không cho nói hết lòng mình:

– Tại sao anh lại hỏi như vậy? Anh giận tôi à? Tôi không tin anh thì còn tin ai! Trên đời này có ai hiểu tôi đâu! Chỉ có anh mới biết, mới hiểu những điều tôi thao thức. Anh nghĩ mà xem. Độ này không đêm nào tôi chợp mắt được. Sức khỏe tôi giảm sút từng ngày. Tôi biết giờ quyết định, cái ranh giới của sinh tử đã gần kề rồi. Vâng, tôi sợ. Anh nghĩ mà xem. Đi đường vấp ngã chỉ trầy mất một mảng da ta còn thấy đau nhói, huống chi đột nhiên cả cả cái thân thể ta, cả đầu óc trí não ta từ có thành không. Tất cả ngưng lại hết, và ta không còn được quyền, không còn đủ sức tham dự vào những gì xảy ra sau đó. Người ta gọi một lũ thổi kèn, kéo nhị tới ỉ ôi nhức óc. Tôi ghét nhất cái điệu kèn rên rỉ đó. Nhưng họ cứ thổi, tôi làm gì được. Họ thổi cho tôi nghe đấy, cho tôi vui lòng ngậm cười ở dưới suối vàng đấy. Anh nghĩ mà xem. Độ này tôi không chợp mắt nổi. Trầy một mảng da ta còn thấy xót, huống chi đột nhiên cả cái thân này, cả trí óc này…

Kiên nhận thấy Lữ đã mất hẳn bình tĩnh, Đông Định vương luống cuống lầm lẫn ngay trong cách nói, những điều vừa thốt ra đã quên nên lặp lại lần nữa, rồi lần nữa… Kiên đáp:

– Tôi cũng yếu đuối, mê muội như ngài mà thôi. Cả hai chúng ta chơi trò cút bắt với cái bóng của mình, phải, chúng ta như lũ trẻ nít mải mê nhìn cái bóng mình nên đi đứng chệnh choạng, nói năng ngu ngơ, đạp gai mà không biết đau.

Nguyễn Lữ thất vọng, vội hỏi:

– Nhưng anh phải biết bên kia cái chết là cái gì chứ? Anh không bận việc đời, tay không đụng đến chuôi kiếm, tất có nhiều thì giờ tìm ra cái lẽ phải hơn tôi. Chỉ cần thấy anh điềm tĩnh được trong cái xó ngục này, tôi đã biết anh giải đáp được. Lần trước tôi có hỏi, nhưng anh chưa chịu trả lời. Anh nói đi. Tôi sắp về đâu?

– Đáng lẽ tôi hỏi ngài mới đúng. Tôi ra đi trước ngài mà!

Nguyễn Lữ tưởng Kiên trách móc, vội đáp:

– Dù sao tôi cũng cố xin nhà vua xét lại cho anh. Những điều tên Liệu khai mơ hồ và mâu thuẫn lắm. Khi hắn khai trước khi ra đây hắn chưa biết có gia đình chị dâu ngoài này. Khi hắn khai tên Chủng truyền cho hắn phải tìm đến nhà anh trước. Vả lại, những câu sấm ấy kém cỏi quá. Tôi biết ngay không phải của anh. Anh cứ yên tâm. Ngày mai tôi sẽ vào cung. Mấy hôm nay nhà vua không được khỏe. Đã thế, cái tin thằng Duệ bị giết ngoài Quảng Nam càng làm nhà vua rầu rĩ. Nếu nhà vua hỏi tôi, tôi đã can không cho Duệ đem quân ra Duy Xuyên. Cơ trời đã rõ rồi, cưỡng lại có ích gì!

Kiên nói:

– Đấy. Chính ngài đã tìm ra câu trả lời mà ngài không biết. Nếu ngài hiểu được cơ trời, thì tất cả những gì còn lại đều được sáng tỏ.

Nguyễn Lữ trầm ngâm gật gù, nhưng nét mặt vẫn chưa vui.

* * *

Hôm nay là ngày thiết triều nên từ sáng sớm, cửa Nam lâu đã mở. Những người lính trong đội cấm vệ chia nhau quét dọn cả trong chính điện lẫn con đường lót gạch bát tràng từ cửa Nam lâu vào. Viên cai cơ đội trưởng mặt hằm hằm vì vừa phải lớn tiếng dàn xếp một cuộc tranh tụng nhỏ. Lâu ngày nhà vua không thiết triều nên ở chính điện, bụi bặm quá nhiều. Bọn lính ngại khó giành nhau lãnh phần quét dọn sân triều và trang hoàng cờ phướng. Viên cai cơ lo âu và giận dữ vì đã gần đến giờ thiết triều mà việc chuẩn bị vẫn chưa xong. Mặc cho ông trương cổ hò hét, bọn lính cứ uể oải, chậm chạp. Viên cai cơ hét:

– Quan Lễ bộ tới mà tụi bây làm chưa xong, tao trình cho đóng gông tụi bây hết!

May cho ông, quan Thượng thư bộ Lễ tới trễ. Quan nhìn quanh một vòng, khiển trách viên cai cơ vì vài lá cờ nhăn nheo, bằng cái giọng ngái ngủ. Viên cai cơ lo ngại quan Lễ bộ nổi giận. Nhưng không. Quan chỉ khiển trách nhẹ nhàng, giọng rủ rỉ như đang khuyên răn cấp dưới. Viên cai cơ muốn tỏ lòng biết ơn, bằng cách nhắc nhở quan Lễ bộ rằng cái mũ trên đầu quan hơi lệch sang trái, nhưng do dự hồi lâu, viên cai cơ không dám lên tiếng. Rồi lần lượt các quan ở lục bộ đến, người nào cũng mặc triều phục sặc sỡ. Quan thượng thư bộ Công hỏi quan bộ Lễ:

– Hôm nay có thiết triều không?

Quan Lại bộ cũng hỏi theo cách khác:

– Hoàng thượng đã mạnh chưa?

Quan Lễ bộ lúng túng không biết đáp thế nào, vì cho đến lúc đó, cửa Tử cấm thành vẫn đóng. Quan đáp liều:

– Có chứ. Vẫn thiết triều như thường chứ! Ai bảo các ông hôm nay không thiết triều.

Không có ai dám trả lời câu hỏi khó của quan Lễ bộ. Bỏ mặc ông già khó tính với đám cấm binh của ông, các quan khác kéo nhau ra sân điện tụ năm tụ ba xì xầm to nhỏ. Câu chuyện họ trao đổi không tiện ở chỗ công khai nên lâu lâu phải có người dáo dác nhìn quanh rồi mới chụm đầu nói tiếp:

– Hình như đêm hôm kia Hoàng thượng có gọi quan Binh bộ vào cung. Ông đi lại thân thiết với ông ấy, có nghe ông ấy nói gì không?

– Sao quan bác lo lắng vậy? Việc gì đến bộ Hộ của bác!

– Nói thế mà nghe được! Vận lương thực cho quân sĩ là phận sự ai? Của Giáo phường nhà ông à?

– Biết đâu được! Nhiều khi đưa Giáo phường ra trận quân lính lại thú hơn ăn cơm. Tôi nói đùa đấy thôi. Vâng, quả là có nhiều chuyện đáng lo. Này, tôi nói quan bác đừng nói lại với ai nhé. Hoàng thượng đang chọn người đưa quân vào tiếp viện cho Phạm Văn Sâm đấy. Bên Bộ binh than các tướng quen trận mạc đã ở lại Phú Xuân cả, nên Hoàng thượng có ý chọn người ở lục bộ. Quan bác văn võ kiêm toàn, không chừng được hân hạnh…

– Ông ấy nói thật thế à? Thôi rồi, chắc là do vụ tôi hục hặc với bộ Binh năm trước. Gớm thật, con người đâu mà tiểu tâm! Ông ấy không tâu thì làm gì Hoàng thượng biết tôi cũng có võ vẽ tí võ nghệ. Tôi phải hỏi cho ra lẽ. Ông ấy đâu rồi?

– Thôi, tôi van quan bác. Chuyện đâu còn có đó. Với lại đã chắc gì Hoàng thượng muốn tiếp viện. Vừa đem quân ra gây sự với Chính Bình vương ở Bà Lỏa xong, ông Duệ chết thảm, Hoàng thượng cũng phải đề phòng Phú Xuân thừa thắng trả đũa chứ. Còn bao lăm quân, thuyền mà gửi cho ông thái bảo (Phạm Văn Sâm).

– Biết đâu được!

– A ha, quan bác lại lây cái tật hay nói “biết đâu được” của tôi rồi. Hồi còn đóng vai hề đồng, tôi pha trò bằng cách chuyện gì cũng chêm “biết đâu được”. Bây giờ từng trải việc đời, mới biết câu pha trò lúc trẻ thế mà thiêng. Quả là việc đời đảo điên, không còn biết đâu mà lần. Tôi đến chóng mặt!

ở một nhóm khác, câu chuyện xoay quanh cái chết của Nguyễn Văn Duệ.

– Chắc phải có một buổi tế đấy nhỉ!

– Chưa chắc đâu.

– Bộ Lễ của cụ phải biết chắc việc này chứ. Chết như thế mà không được một buổi tế hay sao! Ở bộ của cụ hết nhang hay thiếu người thảo văn tế. Mãi đến giờ vẫn chưa thấy động tịnh gì cả. Hay Hoàng thượng còn “bất an”?

– Để tôi vào lãnh chỉ của Hoàng thượng.

– Xin can cụ. Cụ không nhớ lần trước hay sao. Bị mắng cho một trận không kịp vuốt mặt. Từ lúc kinh thành bị vây đến giờ, Hoàng thượng không được vui. Thời trước, buổi chầu nào cũng rộn rã. Phải nhận là Hoàng thượng pha trò hay thật!

– Phần tôi, tôi biết chắc chắn sẽ không có lễ tế. Các người có biết vì sao không?

– Biết thì ông còn làm bộ làm tịch sao được. Nói quách ngay đi. Này, cửa Tử cấm thành mở rồi kìa. Cụ chạy vào hỏi để chúng ta còn về bộ. Ơn trời! Phải chờ ông cụ đi xong tôi mới dám nói. Ông cụ không ác, nhưng già rồi, nói trước quên sau. Vào chầu, ông cụ buột miệng khai hết, thì không còn chỗ đội mũ nữa. Tôi nghe nói Hoàng thượng nhất định không cho làm lễ tế ông Duệ, cũng không bằng lòng cấp lộc cho vợ con ông ấy.

– Tôi không tin. Ai nỡ thế!

– Có cái lý trong đó chứ. Này nhé. Bây giờ không ai dám tin ai nữa. Mọi sự thật giả, đen trắng, bạn thù lẫn lộn hết. Phò mã Nhậm chịu làm tướng cho Bắc Bình vương. Nguyễn Đăng Vân con nuôi của Bắc Bình vương trốn vào Gia Định. Tướng tá Qui Nhơn do Hoàng thượng cử đi bắc phạt ở lì ngoài Phú Xuân không chịu về. Phú Xuân vào vây Qui Nhơn, đặt súng lớn bắn vào đây ầm ầm. Này, hôm đó bác trốn ở đâu?

– Nói tiếp đi. Cà kê mãi không khéo lại đến giờ chầu!

– Xin vâng. Ông nghĩ xem, Hoàng thượng trải qua những kinh nghiệm đó, làm sao dám tin một người trấn thủ Nghệ An vượt đường rừng về hàng Qui Nhơn? Lỡ ông Duệ trá hàng để nội công ngoại kích thì sao? Cho nên hoàng thượng phải gửi ông ấy ra Duy xuyên, như dùng lửa thử vàng vậy mà.

– Ông nghĩ ghê gớm quá. Có thể lắm. Mà cũng nguy hiểm lắm.

– Nguy hiểm hay không là do ở miệng ông. ở đây chỉ có hai người. Tôi tin ông nên mới dám nói. Có ông cụ bộ Lễ tôi đâu dám hé răng. Ông nhìn kìa! Ông cụ bộ Lễ tươi cười, có nghĩa là Hoàng thượng lại cho bãi chầu, à quên, miễn chầu. Ông về đằng tôi nhắm rượu nhé. Hay là ông nghi tôi bỏ thuốc độc vào rượu để tranh cái chức thị lang.

Có nhiều tiếng cười thoải mái đây đó khắp sân điện. Đội cấm vệ bắt đầu dẹp cờ phướng. Lần này, bọn lính nhanh nhẹn, khác hẳn lúc treo cờ.

* * *

Đông Định vương phải khó nhọc lắm mới xin gặp được vua anh. Nghe các quan đại thần cho biết nhà vua miễn triều, Nguyễn Lữ đoán vua anh bị mệt, nên vào thẳng hoàng cung. Hoàng hậu lại cho biết nhà vua vừa ra Từ đường. Nguyễn Lữ trở ra cửa Nam lâu. Cửa Từ đường đóng kín, nhưng nhìn toán cấm vệ đứng nghiêm chỉnh trước Từ đường, Lữ biết chắc vua anh đang hành lễ phía trong.

Nguyễn Lữ bắt gặp nhà vua đang lầm rầm khấn vái trước bàn thờ cha mẹ. Từ đường kín cửa nên bên trong thiếu ánh sáng, Lữ không dám lên tiếng, đứng chắp tay chờ anh hành lễ xong. Nguyễn Nhạc đứng lặng trước bàn thờ thật lâu, cuối cùng, nhà vua vái bốn vái, rồi đến cắm nắm nhang trên tay vào cái lư hương vàng chói.

Cắm nhang xong, nhà vua lại đứng lặng lẽ trước bàn thờ. Trong từ đường, trừ tiếng nến cháy lèo xèo, tất cả đều yên lặng. Đột nhiên, nhà vua hỏi em:

– Chú Bảy đấy hả?

Nguyễn Lữ đáp nhỏ:

– Dạ. Em đây.

– Chú có muốn khấn cầu gì không?

Nguyễn Lữ e ngại không dám nói thật, nên đáp:

– Em vẫn khấn cầu cha mẹ gia ơn phù hộ cho anh mạnh khỏe. Mấy lúc gần đây, anh không được khỏe lắm.

Giọng nhà vua vừa chua chát, vừa bực tức:

– Nếu các em ta ai cũng biết điều như chú… Không còn gì nữa! Hết rồi! Thật hết rồi. Dám quay họng súng bắn vào chỗ đặt bàn thờ cha mẹ. Trời xanh có mắt hay không? Nghe nói chú gác việc đời để tầm đạo. Chú tìm được gì rồi? Chú có biết trời ở đâu không? Trời đã mù hẳn chưa hay vẫn còn lòa?

Nguyễn Nhạc quay lại phía em. Nguyễn Lữ xót xa đến quặn lòng khi thấy nét mặt vua anh quá biến đổi, đôi mắt sâu lờ đờ mất hết tinh lực, hai má hóp khiến gò má nhô cao, râu tóc lưa thưa bù rối. Nguyễn Nhạc đã trở thành một ông già khọm rọm, lẩm cẩm và cáu kỉnh. Tự nhiên Nguyễn Lữ lo sợ vu vơ, khi nhà vua tiến về phía mình. Nếu không có cây cột phía sau lưng, có lẽ Nguyễn Lữ đã bước lui vài bước. Đến cách em độ hai thước, nhà vua dừng lại. Hai anh em nhìn nhau, bỡ ngỡ, dò hỏi, xót xa pha lẫn hoang mang. Nguyễn Nhạc nói:

– Ta nhớ hồi mẹ hấp hối, lúc hai chân bắt đầu lạnh và miệng cứng không nói được nữa. Mẹ ú ớ muốn nói mà không thể thốt ra lời. Cổ cũng không còn cử động được. Trước đó mẹ còn lắc đầu khi ta hỏi mẹ có muốn uống nước không. Thấy mắt mẹ láo liên, ta đoán mẹ muốn tìm ai đó. Mẹ còn muốn tìm ai trên đời này trước khi nhắm mắt, nếu không phải là tìm nhìn cho được các chú! Ta vội ra sân dẫn các chú vào. Chú vâng lời ngay, còn chú Tám thì phụng phịu. Mẹ thấy các chú, tự nhiên ánh mắt sáng lên. Hai bàn tay động đậy được. Hình như mẹ muốn chống tay ngồi dậy. Ta ôm các chú vào hai cánh tay vừa khóc vừa thưa với mẹ: “Mẹ ơi, mẹ hãy yên tâm. Con xin thề với mẹ rằng suốt đời, con không bao giờ rời mắt khỏi các em. Con sẽ thay mẹ săn sóc, yêu thương các em, cho đến lúc không còn hơi sức nữa”. Chú biết không, mẹ nhắm mắt lại và cố mỉm cười. Nhưng môi mẹ đã cứng rồi. Ta vừa nhắc lại cảnh tượng đó trước bàn thờ mẹ. Mỗi lần ta đến đây, một mình cầu khẩn, ta đều hy vọng nghe được tiếng mẹ trả lời. Nhưng chỉ có im lặng. Chú có đạo tâm, chú thử cầu xem mẹ có đáp không.

Nguyễn Lữ xúc động nghẹn lời, không nói được tiếng nào. Nguyễn Lữ thấy cay cay ở khóe mắt. Hồi lâu, Lữ hứa:

– Em sẽ cầu khẩn như anh dặn.

Nguyễn Nhạc nôn nóng hỏi:

– Sao không cầu ngay bây giờ?

Nguyễn Lữ thu hết can đảm nói nhanh:

– Bây giờ em phải lo cứu một mạng người.

Nhà vua hỏi chậm:

– Ai vậy?

– Em xin đem tính mạng để chết thay cho anh Kiên.

Nguyễn Nhạc lại hỏi:

– Kiên nào?

– Kiên con ông giáo, người bị nghi oan có âm mưu với tên Nguyễn Phúc Liệu.

Nhà vua cố nhớ, nét mặt lạc thần. Lữ lo nhà vua không biết chuyện Kiên. Nhưng đột nhiên Nguyễn Nhạc bảo:

– Thôi. Ta khỏi cần nhớ làm gì. Chú đã đem tính mạng ra đổi, thì được rồi. Hồi trước, mỗi lần đi đâu, mẹ bước rón rén, sợ dẫm phải kiến, sát sanh mang tội. Ta bằng lòng tha cho nó để vui lòng mẹ. Chú khỏi cần lạy tạ.

Nguyễn Mộng Giác


   Số lần đọc: 3460

Tác Phẩm

BÀI KỀ

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây