Bài này đăng trên Đặc San CĐ-NTH
Năm 1995 lần đầu về thăm quê hương sau mười bốn năm xa cách, tôi hỏi các cháu trong nhà “Ông Tám Khùng bây giờ ra sao?”. Các cháu tôi ngơ ngác, đứa này đưa mắt hỏi thầm đứa kia, không biết trả lời thế nào. Đứa lớn nhất đáp mơ hồ”Chắc ổng chết lâu rồi cậu”.
Tim tôi đau thắt! Tám Khùng chết rồi! Nhưng tôi trấn tĩnh được ngay. Phải, nếu tính nhẩm tuổi đời của Tám Khùng thì chuyến về thăm Qui Nhơn lần này tôi không gặp Tám Khùng nữa, cũng phải. Ông ấy đã lớn tuổi, lại sống theo cách sống như thế, làm sao…
Không một chút đại ngôn, tôi có thể nói rằng Tám Khùng là công dân số một của thành phố Qui Nhơn, quê hương tôi. Những anh hùng hào kiệt, những văn hay chữ tốt, những rừng vàng biển bạc, những mũ cao áo rộng có dính dáng tới Qui Nhơn một thời, bây giờ còn ai nhớ đâu. Họ đến , rồi họ đi. Họ đến vồ vập tham lam. Họ đi lầm lũi lén lút. Qui Nhơn thành phố thân yêu của tôi đối với họ chỉ là một quán trọ không mất tiền. Đòi hỏi họ thủy chung là chuyện không hợp tình, nói gì tơí hợp lý. Tám Khùng thì khác hẳn. Ông là một trường hợp ngoại lệ, vì thế ông xứng đáng là một công dân ngoại hạng của Qui Nhơn.
Sau hiệp định Genève, lúc chiếc tàu Ba Lan nhổ neo ngoài khơi Qui Nhơn đưa đợt bộ đội và cán bộ kháng chiến cuối cùng của Liên Khu V tập kết ra Bắc, Qui Nhơn chỉ còn là một đống gạch vụn trên bãi cát hoang dại khét nắng. Trong chiến dịch Atlande, lính Pháp đã cho phá sập những căn nhà gạch hoang tàn còn lại trên những phố cũ, và giăng hàng hà sa số những hàng rào dây thép gai về các hướng nguy hiểm để phòng vệ. Lúc tôi xuống Qui Nhơn tiếp tục học trung học, Qui Nhơn trống hoác như một bãi tha ma, lác đác đây đó vài mái nhà tranh cất vội, những hàng keo lá thưa, vài con đường nhựa loang lổ ổ gà và những người dân đánh cá hồi cư gầy yếu, khắc khổ. Thành phố điêu tàn vì chiến tranh, và bây giờ hồi sinh cũng nhờ chiến tranh. Nghề mưu sinh của hầu hết mọi người hồi cư là gỡ dây thép gai cuộn lại thành từng cuộn để bán.
Bọn học trò rắn mắt chúng tôi, ngoài những buổi học nực nội trong những căn phòng mái tôn nóng bức và những chiều tắm biển, chỉ còn lại cái thú giải trí là đi lùng hái những trái keo hiếm hoi còn sót lại, và… chọc nghẹo ông Tám Khùng. Chúng tôi đang ở lứa tuổi 14, 15; giọng nói bắt đầu đổi, mụn bắt đầu mọc trên da mặt, lúc nào trong người cũng hừng hực sinh lực nên lúc nào cũng muốn xê dịch hay đập phá một cái gì. Tám Khùng rủi ro trở thành nạn nhân của chúng tôi.
Ngay hồi đó chúng tôi cũng không đoán được tuổi tác của Tám Khùng. Gia đình ông ở Khu Hai, xóm dân chài ở ngay bờ biển gần Miếu thờ Ông Nam hải. Nghe nói cha mẹ Tám Khùng còn sống, cũng nghe nói hồi quân Pháp đổ bộ lên Qui Nhơn, hai ông bà tản cư nhưng bỏ Tám Khùng ở lại. Họ cho đứa con mắc bệnh tâm thần là một cục nợ, một nỗi xấu hổ của gia đình, nên không muốn ai nhắc nhở tới nó, không muốn ai biết liên hệ máu mủ của mình với nó. Hỏi tuổi Tám Khùng, chẳng những họ không nói, họ còn nổi giận. chúng tôi đoán hồi đó Tám Khùng ít ra cũng trên dưới ba mươi, vì dù ăn mặt bẩn thỉu, ăn uống thất thường, răng rụng miệng móm lúc nào nước dãi cũng nhểu xuống cái cằm lưa thưa râu, thân thể ông vẫn còn khá đầy đặn, dư lực tự nhiên cuả tuổi thanh niên. Tám Khùng thường la cà đến những chổ đông người tụ tập để xin ăn, và cũng vì thế trở thành trò vui cho những người suốt ngày dãi nắng gỡ dây thép gai đổi bát cơm hẩm. Họ bắt Tám Khùng làm đủ trò, và vì Tám Khùng phản ứng y như một đứa con nít, nên thú vui trêu chọc của họ lên tới cực điểm thành công khi nào học chọc được Tám Khùng mếu máo khóc.
Tám Khùng sợ nhất lũ học trò chúng tôi. Vì chúng tôi đặt tiêu chuẩn cho mức thành công cao hơn những người gỡ dây thép gai. Chúng tôi chưa bằng lòng với tiếng khóc khao khao và những lời kể lể nỉ non vô nghĩa của Tám Khùng. chúng tôi tìm mọi cách đẩy Tám Khùng vượt quá lằn ranh của sự nhẫn nhục cam chịu, và khéo léo, uyển chuyển dẫn dụ người khùng tới chỗ nổi giận mà không trở thành nguy hiểm. Cái khéo léo của người Ấn Độ thổi kèn dụ rắn. Thường thường, dấu hiệu Tám Khùng bắt đầu nổi giận là ông ngưng kể lể mơ hồ, đứng thẳng người lại, mắt dáo dác nhìn quanh như muốn tìm kiếm thứ gì. chúng tôi vội chạy ra xa đề phòng bất trắc. Ông đưa mắt tìm kiếm một hồi, cuối cùng tìm ra được thứ muốn tìm: một cục đá, một viên gạch vỡ, hoặc bất cứ thứ gì cầm vừa trong lòng bàn tay. Tám Khùng trả miếng bằng cách ném đá chúng tôi? Không! nắm viên đá hay viên gạch chắc trong tay, ông đập mạnh viên đá vào ngực mình, miệng chửi một câu rõ ràng từng tiếng “Cha mầy Xe mẹ mầy Bành!”. Sau một tiếng “hự” đau đớn vì sức đập của viên đá là câu chửi quen thuộc. chúng tôi không tin ở mắt mình, không tin ở tai mình. Thay vì cách trả đũa bằng cách thông thường là ném đá ném gạch vào bọn học trò độc ác, Tám Khùng tự trừng trị mình. Chưa hết! Chẳng bao lâu sau, chúng tôi còn biết thêm Xe và Bành là tên ông cha và bà mẹ đau khổ của Tám Khùng.
Thấy Tám Khùng phản ứng một cách khác thường như thế, chúng tôi ngỡ ngàng không hiểu. Rồi lũ học trò vô tâm là chúng tôi hồi đó bắt đầu hối hận. Trò chơi tinh nghịch có hậu quả tức thời là những tiếng hự đau đớn từ cái miệng móm của nạn nhân, chúng tôi có gan đồng dạ sắt cũng phải cảm thấy xấu hổ. Chúng tôi tự hỏi: Mình còn có chút lương tâm nào không? Vì mình mà Tám Khùng phải chịu đựng những cú đập tận tình vào ngực, vì mình mà đôi vợ chồng làm nghề chài lưới ngoài Khu Hai bị đứa con ngày nào cũng gọi tên tục ra chửi như muốn hỏi “ông bà sinh tôi ra làm chi để tôi khổ thế này!”.
Không cần bảo nhau, chúng tôi chấm dứt trò chơi chọc phá Tám Khùng. Nhưng ông vẫn chưa thoát nạn. Vì sau chúng tôi không thiếu những đứa trẻ rắn mắt khác. Vì lòng bất nhẫn nhiều khi không mạnh bằng cái thú nhìn người khác đau đớn. Cứ thế, hết ngày này tới ngày khác, Tám Khùng đem chính thân thể mình, danh dự cha mẹ mình ra hi sinh để làm trò mua vui cho thiên hạ. Có bậc vĩ nhân nào của đất “địa linh nhân kiệt” là quê hương tôi làm được kỳ tích ấy, nói gì đế những “khách qua đường”!
Sau một năm học ở Qui Nhơn, tôi phải vào Nha Trang, rồi Sài Gòn, rồi Huế để tiếp tục đường học vấn và tìm một cái nghề mưu sinh. Mỗi lần nghỉ hè về thăm nhà, tôi lại gặp Tám Khùng. Dĩ nhiên ông già theo tháng năm. Tôi đem chuyện Tám Khùng tự đập vào ngực hỏi những bạn am hiêủ y khoa, xin họ giải thích vì sao ông hành động như thế , vì sao ngực ông phôỉ ông không hề hấn gì. Họ bảo một bác sĩ quân y có đem Tám Khùng đi chụp quang tuyến X và thấy hai lá phổi cũng như xương lồng ngực của Tám Khùng bình thường, và kết luận đó là sự lạ. Có lẽ vì sức yếu, những cú đập đó không gây chấn thương lớn. Tôi cãi lại, bảo chính tôi thấy viên gạch đã vỡ khi Tám Khùng dùng nó đập vào ngực. Một y sĩ khác chuyên về bịnh tâm thần giải thích một cách khoa học lý do Tám Khùng “tự trừng trị mình” và đổ “trách nhiệm” cho hai đấng sinh thành ra mình. Nghe ra, rất có lý, và đơn giản. Quá đơn giản đến độ tôi không tin tưởng ở cách giải thích.
Mười năm sau những ngày tôi và bạn bè chọc giận cho Tám Khùng tự trừng trị và khiển trách cha mẹ, tôi trở về Qui Nhơn, lần này ở lâu trên thành phố quê hương, và làm nghề dạy học. Từ một đứa trẻ vô tư, vô trách nhiệm, tôi trở thành một ông thầy đầy ưu tư, tự gánh quá nhiều trách nhiệm.Ông Tám Khùng vẫn còn đó. Tôi gặp ông hàng ngày. Khác với mười năm trước, đời sống của ông có vẻ khá hơn. Trước, ông chỉ vận một cái quần đùi, để nguyên một lồng ngực sạm nắng còn nguyên những vết bầm. Bây giờ, ông mặc áo quần cả bộ, tuy dơ dáy nhưng lành lặn. Không ai còn nỡ chọc ông để ông phải chửi cha chửi mẹ. Tôi mừng cho thế thái nhân tình, mừng cho ông.
Cả đến sinh hoạt thường ngày của ông, vai trò ông đóng trong đời sống thành phố cũng thay đổi. Ông vẫn lê la suốt ngày ngoài đường, làm trò vui cho đám trẻ trên mọi nẻo đường ông đi qua. Đó là “nghĩa vụ truyền thống” Trời dành cho ông. Ông còn đảm nhiệm một vai trò mới (không biết từ lúc nào trong thời gian mười năm tôi xa nhà): mỗi lần nhà ai có đám tang, Tám Khùng xuống chợ Qui Nhơn xin những bà hàng hoa những bó hoa bán ế mang đến biếu tang gia rồi tự động thắp hương sì sụp lạy trước khi xin gia chủ một ít tiền hay thức ăn. Khi ra về không quên xin bó hoa lại. Những gia đình có tin vui như cưới hỏi, giỗ chạp cũng được Tám Khùng chiếu cố. Không hiểu trong trí não một người mắc bệnh tâm thần từ nhỏ như Tám Khùng, có một khoảng nào minh mẫn linh diệu để Tám Khùng cất giữ cuốn sổ ghi tỉ mỉ những kỉ niệm vui buồn của mọi gia đình trong thành phố Qui Nhơn? Hồi còn sức khỏe tráng kiện, ông đem thân ra làm vui cho bọn trẻ chúng tôi. Nay tuổi đã già, ông đem trí ra nhớ từng ngày từng tháng, theo dõi chia xẻ vui buồn của mọi người. Ông là công dân số một của Qui Nhơn, xứng đáng hơn ai hết để người Qui Nhơn trao cho vinh dự ấy.
Ông Xe và Bà Bành hai đấng sinh thành của Tám Khùng có lẽ đã phiêu diêu về cõi Phật trước đứa con bất hạnh. Hai ông bà bị con mang ra “khiển trách” mỗi lần bị đời cư xử bất công, chắc chắn phải tủi thân, không muốn nhận đã sinh ra một đứa con như thế. Như tôi tin rằng bây giờ thì hai ông bà hãnh diện về Tám Khùng, cũng như Qui Nhơn quê hương tôi phải hãnh diện về một công dân ngoại hạng như thế. Vì Tám Khùng là một tấm gương sáng: Trước một tai hoại chung, mấy ai đã dám cầm một viên gạch lớn để đập vào ngực mình và nói “lỗi tại tôi, lỗi tại tôi mọi bề”.
Nguyễn Mộng Giác
(Viết nhân ngày kỉ niệm 30.4.2001
California, USA)
Cảm ơn Thầy
Quá lâu không biết thông tin về ông Tám Khùng nay các bạn k85 Quang Trung share bài của Thầy.
cảm động quá.. bài viết hy quá.
Cảm ơn Thầy
HAY QUÁ.